Chúa Nhật III Thường Niên Năm C
CHÚA NHẬT, ngày 26/01/2025
Giáo xứ Thạch Nham và Giáo họ Thạnh Mỹ Chầu Thánh Thể.
GIÁO HUẤN SỐ 9
Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ
TRONG CẦU NGUYỆN LIÊN LỈ (tiếp theo)
“Tôi kêu gọi tất cả chúng ta đừng bao giờ xem sự thinh lặng cầu nguyện như một hình thức trốn tránh và quay lưng lại với thế giới xung quanh mình. Nhà hành hương người Nga nọ, là người cầu nguyện không ngừng, đã nói rằng việc cầu nguyện như thế không tách mình ra khỏi những gì đang xảy ra xung quanh. “Mọi người thật tốt với tôi; dường như mọi người đều yêu thương tôi…Tôi không chỉ cảm thấy [hạnh phúc và được an ủi] trong tâm hồn mình, mà tôi cảm nhận tất cả thế giới bên ngoài dường như cũng đầy ắp nét diễm lệ và niềm vui”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 152).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10
“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.
Trích sách Nơ-khe-mi-a.
Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 15
Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).
Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
Xướng: Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.
Xướng: Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con.
Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 12-30 (bài dài)
“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.
Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 12, 12-14. 27
“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự mình.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 4, 18-19
Alleluia, alleluia! – Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 1-4; 4, 14-21
“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.
Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
HÔM NAY ĐÃ ỨNG NGHIỆM…
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật,O.P.
Mục Lục Bài Viết
Truyền thống cũng là sáng tạo
“Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca.”
Để hiểu ý nghĩa của câu này, cần phải biết rằng Tin Mừng hoàn toàn không phải là một bộ sưu tập những mẩu chuyện liên quan đến Đức Giêsu và các giáo huấn của Người. Mỗi tác giả Tin Mừng đều là một chứng nhân về Con Thiên Chúa, và khi viết Tin Mừng, tác giả có ý trả lời vấn đề vẫn thường được nêu lên: Đức Giêsu là ai? để nhờ đó mỗi người có thể gặp được Đức Giêsu khi nghe nói về Người, hay khám phá ra Người qua cuộc sống của các môn đệ. Mỗi nhân chứng này kể lại lòng tin của mình vào Đức Giêsu dựa theo một lịch sử: những sự kiện và những lời Đức Giêsu nói. Tuy nhiên mỗi tác giả còn dựa vào kinh nghiệm riêng của mình và của môi trường sống. Điều này giải thích vì sao mỗi tác giả có nét đặc trưng và âm giọng khác nhau.
Dù vậy, vẫn luôn chỉ có một Tin Mừng, bởi vì chỉ có một Đức Giêsu Kitô. Mọi bản văn trong Kinh Thánh đều quy hướng về Người.
Bản văn được phụng vụ sử dụng hôm nay là một thứ sắp xếp lại. Đây là một cách thức đọc Tin Mừng. Cách thức này làm nổi lên ba đề tài: Luca quyết định viết một quyển sách; Đức Giêsu mở quyển sách; Người gấp sách lại và bắt đầu hoạt động.
Thánh Luca biên soạn theo một trật tự có sẵn. Người ta nhận ra ngay đây là một ông thầy đang nghiên cứu và soạn thảo nhằm hiểu các biến cố cách khách quan. Mục đích của tác giả thật rõ ràng: giúp người đọc nhận thức được rằng giáo huấn mình đã học hỏi thật là vững chắc. Chính vì vậy, những chữ được viết ra phải đem lại điều chắc chắn. Tác giả mong muốn mỗi người cảm nhận được sự vững chắc này và mỗi người phải tự kiểm chứng lại giá trị của điều đã được viết ra. Nói cách khác, mỗi người phải chọn lựa và dấn thân. Một truyền thống được gọi là đích thực khi truyền thống ấy luôn khơi dậy sức sáng tạo.
Khi vào hội đường Nadarét và đọc bản văn ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu cũng không làm gì khác hơn. Người không lặp lại bản văn, không bình luận về bản văn lâu đời này; Người cũng không đưa ra những nhận định uyên bác về thời kỳ bản văn được soạn thảo. Trái lại, Người làm nảy sinh một ý nghĩa mới, Người đem lại sức sống cho những chữ chết. Chữ viết không chỉ là chứng từ của quá khứ, nhưng trở thành nguồn mạch cho hoạt động. Đức Giêsu không phải là nhà khảo cổ hay người chú giải. Người hoàn tất điều bản văn đã nói. Người mở ra một thế giới mới. Vì vậy, Người quả quyết: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
Đức Giêsu là Đấng mà mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người (2 Cr 1,20), Người không thể đọc lời Chúa mà không thi hành, không hoàn tất ngay tức khắc. Chính vì thế, theo bước chân Người đi, các phép lạ được thực hiện cho những người nghèo khó, những kẻ bị tù đày, người mù, người bị áp bức …
Như vậy, quả là điều vô ích khi một số Kitô hữu muốn đóng khung truyền thống, đóng khung lời nói và hoạt động của Đức Giêsu. Người ta muốn hiểu chính các điều đã xảy ra trong quá khứ, thế nhưng người ta lại quên rằng, những điều ấy được truyền lại cho thế hệ sau với mục đích mỗi thế hệ phải đọc lại theo một cung cách mới, phù hợp với bối cảnh sống hiện tại của mình. Dấn thân phục vụ lời Chúa, đó là bước vào một hoạt động sáng tạo, đó là biến mình trở thành người phục vụ cho những khởi đầu mới.
Lời Chúa không thể mất đi
Tin Mừng cứ chạy, chạy mãi: từ Luca đến Timôthê, từ những nhân chứng tai nghe mắt thấy đến tất cả chúng tôi – tức là những cộng đoàn tiên khởi, từ ngôn sứ Isaia đến Đức Giêsu, từ Đức Giêsu đến những người Do Thái đang tụ họp trong hội đường, và đến cả những người ngày nay – tại sao lại không?
Lời Thiên Chúa do Đức Giêsu công bố, dù mọi người đã biết, nhưng vẫn có tính cách đặc biệt. Người ta chẳng hiểu vì sao Người có uy quyền như thế.
Trước đấy, danh tiếng Đức Giêsu đã lan rộng ra khắp miền Galilê. Nhưng khi trở về quê hương, Người biết rõ là người ta không để ý lắng nghe lời Người nói. Tại những miền khác, Người thường đến với những kẻ bị bỏ rơi, những kẻ bị tù đày, những người mắc bệnh phong hủi, hay với kẻ mù loà, với người đàn bà goá… Còn hôm nay, Người xuất hiện trong một cuộc hội họp: Người tỏ mình ra trong Hội Đường của người Do Thái.
Đức Giêsu đứng lên, đọc sách, và ngồi xuống như những người khác. Thế nhưng điều Người nói quả là lạ lùng, khó có thể tin được:
Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa
…
Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe
Các lời Đức Giêsu nói và những việc Người làm vừa có tương quan hỗ tương với nhau, vừa có liên hệ tới toàn bộ sứ điệp Cựu ước. Vì vậy, các thính giả nhận ra một sự thật rõ ràng: Thần Khí Thiên Chúa luôn có mặt!
Người ta vẫn gặp thấy những người hăng hái dấn thân phục vụ người nghèo, mặc dù hoàn cảnh của họ không thuận lợi lắm -nếu không muốn nói là bi đát, và công việc phục vụ của họ rất khiêm tốn. Chính lúc ấy, dường như lời họ nói có sức thuyết phục hơn, chặt chẽ hơn, làm cho người nghe phải bối rối. Trước những mẫu gương này, thường có hai phản ứng: một là bịt tai lại, không muốn lắng nghe, hai là để ý và theo dõi bước chân người đi trước.
Theo cái nhìn trong đức tin, các vị thánh, các ngôn sứ hay những người được Chúa xức dầu là những người dùng lời nói hay hành động của mình để thúc đẩy người khác nói và hành động, làm cho vương quốc tự do của Chúa được xuất hiện.
Như thế, Thần Khí Thiên Chúa luôn hoạt động trong mọi người và trong mọi thời để người nghèo, kẻ tù đày, người bị áp bức trong mỗi thời đại được giải thoát, về cả đời sống vật chất lẫn những khát vọng sâu xa của con người.
Và như vậy, Tin Mừng không bao giờ bị mất đi.
“Ngày hôm nay”
Tất cả được bắt đầu vào ngày Đức Giêsu mở sách ra và đọc lại lời ngôn sứ Isaia, và tuyên bố với mọi người: “Hôm nay” đã ứng nghiệm …
Không ai, có thể lầm lẫn về lời tuyên bố này, vì đoạn sách Đức Giêsu vừa đọc lại nói về Đấng Mêsia. Và Đức Giêsu quả quyết: Hôm nay và chính tôi.
Lời tuyên bố này không phải là một lời sấm, nhưng là một biến cố, một biến cố duy nhất và không thể đảo ngược lại. Lời tuyên bố này đòi mỗi người phải tự xác định lại mình trong tương quan với Đức Giêsu. Bởi vì vẫn chỉ là một lời duy nhất, một lời luôn có tính hiện đại: lời Đức Giêsu nói tại hội đường Nadarét, lời thánh Luca viết cho ông Thêôphilô, và lời chúng ta đang nghe hôm nay.
Chính ngày hôm nay mà mỗi người nhận ra Thiên Chúa đang can thiệp vào lịch sử cửa toàn thể nhân loại và của mỗi người. Chính ngày hôm nay mà mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương mình. Chính ngày hôm nay mà mỗi người phải hành động vì cuộc sống vĩnh cửu của mình.
Chính ngày hôm nay mà mỗi người bước vào mối hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng duy nhất.
Chính ngày hôm nay là một cuộc truyền tin cho mỗi người, bởi vì họ phải lắng nghe và chọn lựa.
Chính ngày hôm nay, Thiên Chúa đang đến với mỗi người. Chính Người đang hiện diện, qua Hội Thánh, qua các bí tích. Chính ngày hôm nay mà mỗi người phải đón tiếp Thiên Chúa.
Phần chúng ta, chúng ta sống ngày hôm nay như thế nào, chúng ta làm gì?
Thánh Luca đã khởi đầu Tin Mừng từ ngày hôm nay. Đó cũng là khởi đầu cho mọi cuộc loan báo Tin Mừng. Ngày hôm nay là một biến cố, người ta không chỉ bình luận về biến cố, nhưng người ta sống và loan báo.
SUY NIỆM II
NĂM THÁNH HỒNG ÂN 2025 – THA NỢ CHO NHAU
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Chúng ta đang ở trong những ngày của Năm Thánh 2025, anh chị em có biết nguồn gốc từ đâu? Mục đích của Năm Thánh là gì? Trước hết, trong Cựu Ước, Năm Thánh là một thời kỳ hồng ân, qua đó Thiên Chúa ban ơn đặc biệt hơn khi con người mở lòng để canh tân và thống hối. Thiên Chúa nói với Môsê: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá” (Lv 25,10-13). Kể từ đó, cứ sau 49 năm thì toàn dân Do Thái phải mừng năm thứ 50 một cách trọng thể. Như thế, Năm Thánh là thời gian mà người tội lỗi hoán cải được ban ơn tha thứ các hình phạt do tội gây ra, con người phải thống hối và canh tân cũng như hòa giải với Thiên Chúa và anh chị em. Truyền thống cử hành Năm Thánh của lịch sử Hội Thánh có từ năm 1300 vào thời Đức Giáo hoàng Bonifacio VIII, trong Năm Thánh đầu tiên đó, Đức Giáo hoàng đã cho phép các tín hữu hành hương từ khắp nơi đến Roma, bước qua Cửa Thánh của các Đền thờ được ơn toàn xá, nghĩa là được ơn tha tội và ân sủng Thiên Chúa. Cũng theo thỉnh cầu của các tín hữu trong dịp này, Đức Giáo hoàng đã quy định cứ 100 năm thì sẽ có một Năm Thánh. Vào năm 1350, Đức Giáo hoàng Clement VI đã ấn định Năm Thánh được cử hành 50 năm một lần. Năm 1470, Đức Giáo hoàng Phaolô II đã quyết định Năm Thánh sẽ được cử hành 25 năm một lần.
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến Năm Hồng Ân mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện ứng nghiệm Thánh Kinh Cựu ước. Thánh Luca kể hôm ấy là ngày sabat. Các bà con bạn hữu và những người đồng hương của Chúa Giêsu đều hội họp đông đảo tại Hội đường. Tất cả đều nóng lòng muốn được nghe Chúa Giêsu giảng dạy. Thế là người phụ trách Hội đường đưa cho Ngài cuộn da ghi lời Thánh Kinh của tiên tri Isaia để hướng dẫn giờ đọc Lời Chúa. Ngài mở ra gặp đoạn chép rằng: “Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Đọc xong, Chúa Giêsu ngồi xuống giảng dạy cho Dân chúng, tất cả đều chăm chú. Ngài công bố lời tiên tri này được ứng nghiệm nơi chính Ngài, Ngài tuyên bố Ngài chính là Đấng Mêsia (Cứu Thế) đã được hứa. Lời tiên tri bắt đâu với câu “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi”, đem áp dụng cho Ngài, có nghĩa rằng Ngài đã được xức dầu tấn phong, không phải bằng dầu thơm như các tiên tri, thượng tế hay vua, nhưng bằng Thánh Thần để làm Đấng Được Xức Dầu hay Đấng Kitô của Thiên Chúa. Với tư cách ấy, Ngài sẽ giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Ngài sẽ công bố sự giải phóng cho những kẻ bị tù đày và tội lỗi, và Ngài sẽ giúp cho kẻ bị áp bức được tự do, nghĩa là cởi bỏ những hậu quả và sự độc ác của lòng ích kỷ và tội lỗi. Ngài sẽ rao truyền một thời đại ân xá cho tất cả mọi người.
Lời giải thích của Chúa Giêsu thật ngắn gọn nhưng lại vô cùng quan trọng, đặt chúng ta trước một bối cảnh mới, trước một thời đại mới: Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe. Chúa Giêsu hôm nay xuất hiện như một con người nhân từ và dịu hiền, luôn quan tâm tới những đau khổ của con người khổ đau, lấy việc giải thoát họ như là nội dung của sứ mạng mình được sai đến và phải thực hiện. Trước mặt Ngài, thời cứu độ là thời tái lập lại trật tự và tình thương giữa người với người như Lời Chúa trong bài đọc 1 Tiên tri Nơ-khe-mi-a kêu gọi toàn Dân Chúa xưa hãy có lòng bác ái trong ngày Thánh hiến cho Chúa: “Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta”.
Lời tuyên bố của Chúa Giêsu tại Hội đường năm xưa chính là một sự thách đố đối với cá nhân mỗi người chúng ta, cũng như đối với toàn thể Giáo Hội, bởi vì mỗi cá nhân chúng ta cũng như Giáo Hội có nhiệm vụ tiếp nối sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa nơi trần gian, thế nhưng cá nhân chúng ta cũng như Giáo Hội đã thực sự tái lập trật tự và tình thương yêu giữa người với người hay chưa? Cho nên, sau khi đọc Kinh Truyền Tin vào trưa ngày 1/1/2025, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị, thúc giục họ “làm gương bằng cách xóa hoặc giảm đáng kể các khoản nợ của các quốc gia nghèo nhất”. Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa là Đấng đầu tiên tha các nợ nần, như chúng ta luôn cầu xin trong ‘Kinh Lạy Cha’. Năm Thánh kêu gọi chúng ta biến sự tha thứ này thành các điều khoản xã hội để không có cá nhân, gia đình hay dân tộc nào bị đè nặng bởi nợ nần. Tôi khuyến khích các nhà lãnh đạo của các quốc gia có truyền thống Kitô giáo làm gương bằng cách xóa hoặc giảm đáng kể các khoản nợ của các quốc gia nghèo nhất“. Còn trong Sắc Chỉ Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi: “những người giàu có phải quảng đại” đối với những người thiếu nước và lương thực. Đói kém là một tai họa gây tai tiếng trong cơ thể nhân loại chúng ta và mời gọi mọi người thức tỉnh lương tâm”. Cũng trong Sắc Chỉ, Đức Thánh Cha kêu gọi sự tha thứ của mỗi người chúng ta: “Chúng ta hãy đến những nơi mà “sự hy vọng bị thử thách mạnh mẽ”, chẳng hạn như nhà tù và bệnh viện, hoặc ở nơi “phẩm giá con người bị chà đạp”, “trong những hoàn cảnh thiệt thòi nhất và trong bối cảnh bị suy thoái nặng nề nhất. Đừng để ai bị tước đoạt cơ hội nhận được ơn tha thứ và sự an ủi của Thiên Chúa”.
Con người ngày nay bị kìm tỏa trong vòng nô lệ của tiền bạc, danh vọng, tội lỗi; người tín hữu Kitô phải loan báo sự tự do của con cái Chúa. Trong Năm Thánh Hy Vọng này, chúng ta là những người đã chịu phép Rửa trong Thánh Thần, đừng làm ngơ trước nỗi thống khổ những con người nghèo hèn, những đau đớn khổ nhục của những người khuyết tật kém may mắn, những người cô thân cô thế bị áp bức, đừng khinh khi những anh em dốt nát, và đừng giam hãm tha nhân trong thù hận của mình không chịu tha thứ thì quả thật, khi ấy Lời Chúa được ứng nghiệm trong cuộc đời chúng ta và chúng ta hy vọng sẽ nhận nhiều ân sủng của Thiên Chúa trong Năm Thánh chắc chắn sẽ không làm ta thất vọng trong đời sống đức tin của chúng ta.
Lạy Chúa, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các nước giàu xóa nợ cho các nước nghèo. Xin cho chúng con cũng biết xóa nợ cho nhau, không chỉ xóa nợ tiền bạc mà còn xóa đi những bất bình, nghi kỵ, thành kiến, hiểu lầm nhau…, để mọi người chung quanh chúng con được nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, vui tươi hơn và tràn trề hy vọng và mừng vui. Xin cho chúng con luôn là những sứ giả loan báo và chứng tá cho hồng ân cứu độ của Chúa. Amen.
SUY NIỆM III
ĐƯỢC XỨC DẦU, ĐƯỢC SAI ĐI
(Hội An 26/1/2025)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Sau khi đi rao giảng nhiều nơi, Chúa Giê-su quyết định trở về rao giảng tại Nazareth, là nơi có nhiều người đồng hương của Ngài. Hôm nay là ngày Sa-bát, theo thói quen, Chúa vào hội đường cùng mọi người Do Thái ở quê nhà. Người ta trao cho Chúa sách ngôn sứ Isaia, Chúa mở ra gặp ngay đoạn nói về sứ vụ của Ngài ở trần gian: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Đức Chúa xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18). Đây là những lời từ sách ngôn sứ Isaia nói về sứ mạng của Chúa Giê-su, nhằm cho biết Chúa Giê-su là Đấng “Ki-tô”, là “Mêssia” và công bố sứ mạng của Ngài.
- Chúa Giê-su là Đấng “được xức dầu” và được sai đi
Ngôi Hai xuống thế không để dạo chơi như khách du lịch, nhưng để thi hành sứ vụ cứu độ con người. Ngôi Hai chính là Chúa Giê-su, Đấng được Chúa Cha sai xuống thế làm người. Chúa Giê-su là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Vì thế, khi báo tin cho các mục đồng, sứ thần loan báo: “Một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,11). “Ki-tô” là tiếng Hy Lạp, còn “Mêssia” là tiếng Hypri, có nghĩa là “được xức dầu”, vì thế các tín hữu đã gọi Chúa Giê-su là “Giê-su Ki-tô”, Đức Giê-su, “Đấng được xức dầu.”
Trong Cựu ước, người được xức dầu thánh hiến là người được tách riêng ra dành cho Thiên Chúa và phục vụ Ngài. Người Do Thái thường dùng dầu ô-liu để cử hành việc xức dầu cho các tư tế, ngôn sứ và các vua. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải loại dầu được xức, mà là được xức dầu Thánh Thần. Xức dầu là dấu chỉ Chúa Thánh Thần đến ở với. Sách Samuel thuật lại, khi ngôn sứ Samuel lấy sừng dầu xức dầu cho Đa-vít, “Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi” (1Sm 16,13). Về phần Chúa Giê-su, thánh Phê-rô tuyên xưng: “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38). Vì thế, Tin Mừng cho biết Chúa Giê-su được đầy Thánh Thần.
Một số người hiểu lầm rằng được đầy Chúa Thánh Thần là cứ sống thụ động để mặc Chúa Thánh Thần hoạt động tùy ý. Trái lại, Chúa Thánh Thần đến không để làm chúng ta bị tê liệt, trái lại, quyền năng của Ngài là để chúng ta chu toàn sứ mạng Thiên Chúa giao phó. Chúa Giê-su đã sống cuộc đời của Đấng được xức dầu Thánh Thần, nghĩa là Ngài cùng hoạt động với Chúa Thánh Thần, Ngài rao giảng với Chúa Thánh Thần, đã chữa lành với Thánh Thần và đã chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo với Chúa Thánh Thần. “Đức Chúa xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo”. Chúa Giê-su được xức dầu và được sai đi.
Là “Đấng được xức dầu,” Chúa Giê-su không hoạt động rời rạc hay độc lập với Thánh Thần của Chúa Cha, nhưng thực hiện sứ mạng của Chúa Cha trao cùng với Chúa Thánh Thần, cũng là Thánh Thần của Ngài. Nếu Chúa Giê-su hoạt động riêng lẻ, Ngài không cần được xức dầu, nhưng Ngài cần xức dầu Thánh Thần, vì Ngài thuộc về Ba Ngôi và hoạt động cùng Ba Ngôi Thiên Chúa. Các Ki-tô hữu cũng được hiệp nhất với “Đấng được xức dầu” trong sứ vụ của Ngài.
- Ki-tô hữu, người được xức dầu và được sai đi
Bạn chưa từng được xức dầu Thánh Thần sao? Khi bạn lãnh bí tích Rửa Tội, bạn đã chẳng được xức dầu Thánh Thần đó sao? Khi bạn lãnh bí tích Thêm Sức, bạn chẳng được xức dầu Thánh Thần đó sao? Thánh Phaolô nhắc chúng ta: “Chính Chúa Giê-su đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 1,21). Vì thế, chúng ta được gọi là Ki-tô hữu, nghĩa là người bạn của Chúa Ki-tô, người bạn của “Đấng được xức dầu.” Chính thánh Phaolô đã khẳng định: “Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13). Rất cần mỗi chúng ta nhìn lại những biến cố trọng đại ấy trong đời: Chúa đã yêu thương chọn ta, đã xức dầu Thánh Thần cho ta và sai chúng ta đi. Cảm tạ ơn Chúa và ý thức bổn phận “được sai đi” là bổn phận của mỗi Ki-tô hữu.
Được xức dầu, được sai đi. Trong bổn phận này, thánh Phaolô quả quyết chúng ta là sứ giả của Thiên Chúa, là người được Thiên Chúa sai đi, là người thuộc về Thiên Chúa, nói nhân danh Thiên Chúa và cho mọi người biết Thiên Chúa. Vai trò sứ giả của Chúa đòi hỏi chúng ta tuy ở thế gian nhưng không thuộc về thế gian, mà thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa chưa? Làm hòa với Thiên Chúa chưa? Say mê Thiên Chúa chưa?
Được xức dầu, được sai đi. Chúng ta thi hành sứ mạng nói Chúa cho người khác không vì chúng ta được người này hay người kia tuyển chọn, nhưng vì chúng ta đã được xức dầu. Vì được xức dầu, các tông đồ đã mở toang cửa ra đi loan báo Tin Mừng Chúa Giê-su. Các ngài hăng hái ra đi, bất chấp sự yếu hèn của con người tự nhiên, nhưng sống với con người được Chúa Thánh Thần ở với, được thúc đẩy dám sống chết vì sứ mạng truyền giáo đó. Cũng vậy, chúng ta đã được xức dầu Thánh Thần để được sai đi. Có đôi chân mà không lên đường thì chẳng khác gì người bại liệt, có lửa tình yêu bên trong mà không để bùng cháy thì chẳng khác gì tảng băng lạnh lẽo, có miệng lưỡi mà không giới thiệu Chúa cho người khác thì khẳng khác gì người bị câm. Chính vì chúng ta được xức dầu Thánh Thần và được trở thành người đi theo Chúa Giê-su, chúng ta được đòi hỏi dấn thân làm chứng cho Chúa bằng niềm tin và đời sống đức tin, làm chứng qua việc loan báo Chúa Giê-su và phục vụ anh chị em. Nếu chúng ta “không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những Ki-tô hữu không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn.” Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô khẳng định như thế trong thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế.”
Vậy, Chúa Giê-su còn gọi là Ki-tô, Đấng được xức dầu Thánh Thần ra đi loan báo Nước Thiên Chúa, thì chúng ta, những người được xức dầu, những Ki-tô hữu, những người bạn của Đấng được xức dầu, chúng ta xin Chúa cho chúng ta theo gương Chúa sống thân thiết với Chúa và phục vụ Chúa trong việc loan báo Chúa Giê-su và đưa anh chị em về với Chúa. Xin Chúa tẩy sạch tính lười biếng ra khỏi chúng con và cho chúng con biết duy trì bổn phận được sai đi bằng lời cầu nguyện và được nuôi dưỡng bằng các bí tích.
SUY NIỆM VI
“SỨ MỆNH CỨU ĐỘ: TÌNH YÊU VÀ SỰ HI SINH”
Jn.nvh
Trong cuộc hành trình đức tin, mỗi chúng ta đều được kêu gọi lắng nghe và sống theo lời Chúa. Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về một khoảnh khắc đặc biệt trong đời sống công khai của Chúa Giê-su. Ngài trở về quê hương Na-da-rét, nơi Ngài đã lớn lên, và công khai tuyên bố sứ vụ của mình, đồng thời thực hiện những điều mà ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo về Đấng Mê-si-a. Câu chuyện này không chỉ là lời mời gọi đối với những người dân xứ Na-da-rét năm xưa, mà còn là lời kêu gọi dành cho chúng ta ngày hôm nay.
Chúa Giê-su công khai tuyên bố sứ vụ
Chúa Giê-su, trong ngày Sa-bát, đã bước vào hội đường và đọc từ cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Ngài chọn đọc đoạn văn nói về người Tôi Tớ của Thiên Chúa, Đấng sẽ được xức dầu và sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người bị tổn thương, công bố tự do cho kẻ bị giam cầm và đem lại ánh sáng cho người mù. Khi Ngài đọc những lời này, Ngài đã tuyên bố một cách mạnh mẽ và rõ ràng rằng: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh này”. Đây là lời công nhận sứ vụ cứu độ của Ngài và cũng là lời mời gọi chúng ta tham gia vào công cuộc này.
Chúa Giê-su đến không chỉ để giải thoát một dân tộc hay một nhóm người, mà Ngài đến để mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Lời Ngài công bố không chỉ là một thông điệp dành riêng cho thời đại của Ngài, mà còn là một lời kêu gọi vang vọng mãi mãi, mời gọi mỗi người trong chúng ta trở thành những người loan báo Tin Mừng và tham gia vào sứ vụ của Đấng Cứu Thế.
Sự cứu độ toàn diện mà Chúa mang đến
Sứ vụ của Chúa Giê-su là công cuộc cứu độ toàn diện. Ngài không chỉ đến để chữa lành thể xác, mà còn để chữa lành tâm hồn, giải phóng con người khỏi mọi ách nô lệ của tội lỗi và đau khổ. Tin Mừng mà Ngài rao giảng là Tin Mừng của sự tự do, của sự chữa lành và của sự sống mới.
Điều đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay là sự quan tâm của Chúa đối với những người nghèo, những người bị áp bức và bị gạt ra ngoài xã hội. Chúa đến để chăm sóc những ai đang bị tổn thương, những người bị giam cầm trong bóng tối của tội lỗi và đau khổ. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sống theo tinh thần này, để chúng ta không chỉ lắng nghe Lời Chúa mà còn hành động theo Lời Ngài, đặc biệt là đối với những người nghèo khó, đau khổ, những người đang cần sự giúp đỡ.
Một câu chuyện đẹp về lòng bác ái và sự hi sinh có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sứ mệnh của Chúa. Câu chuyện kể về Noelene Martin, một tu sĩ dòng Phanxicô ở Úc, người được chỉ định làm người hướng dẫn và “người bảo vệ” cho thánh Têrêsa thành Calcutta (Mẹ Têrêsa) khi bà đến thăm New South Wales. Tuy rất háo hức và mong muốn học hỏi từ Mẹ Têrêsa, nhưng suốt chuyến thăm, vị tu sĩ không có cơ hội trò chuyện với Mẹ. Cuối cùng, trong tuyệt vọng, tu sĩ đã hỏi Mẹ: “Nếu tôi tự trả vé máy bay đến New Guinea, tôi có thể ngồi cạnh mẹ trên máy bay để có thể nói chuyện với mẹ và học hỏi từ mẹ không?” Mẹ Têrêsa nhìn ông và trả lời: “Bạn có đủ tiền để trả vé máy bay đến New Guinea?” Khi ông đáp rằng có, Mẹ Têrêsa nói: “Vậy hãy đưa số tiền đó cho người nghèo, bạn sẽ học được nhiều điều từ đó hơn bất cứ điều gì tôi có thể nói với bạn.”
Mẹ Têrêsa hiểu rằng sứ vụ của Chúa Giê-su là dành cho người nghèo. Bà sống một đời hi sinh để yêu thương và phục vụ những người cần sự giúp đỡ nhất, vì chính họ mới là những người cần Tin Mừng một cách sâu sắc nhất.
Hội Thánh, thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô
Thánh Phao-lô trong bài đọc II nhắc nhở chúng ta về mối liên kết mật thiết giữa các tín hữu trong Hội Thánh. Hội Thánh không phải là một tổ chức, mà là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, nơi mỗi tín hữu là một chi thể. Mối liên kết này nhắc nhở chúng ta rằng trong Hội Thánh, không có chỗ cho sự phân biệt hay khinh miệt, mà tất cả chúng ta phải sống trong sự hiệp nhất và yêu thương.
Lời Chúa, sức mạnh của niềm tin
Hôm nay, lời Chúa tiếp tục vang vọng trong cuộc sống mỗi người tín hữu. Chúa Giê-su không chỉ công bố Tin Mừng mà còn kêu gọi chúng ta sống Tin Mừng đó mỗi ngày. Điều này đòi hỏi chúng ta không chỉ lắng nghe mà còn phải thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình, đặc biệt là trong việc chăm sóc những anh chị em nghèo khổ, đau thương. Đây không chỉ là một lời mời gọi, mà là một trách nhiệm lớn lao mà mỗi chúng ta phải sống.
Anh chị em thân mến, trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi sống một đức tin mạnh mẽ và thực tiễn, để lời Chúa trở thành sức mạnh và hướng dẫn trong đời sống hằng ngày. Chúng ta được kêu gọi để sống tình bác ái, giúp đỡ những anh chị em đang cần sự an ủi, sự chữa lành, và sự giúp đỡ. Hãy để chúng ta trở thành những chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, cùng nhau loan báo Tin Mừng và sống tinh thần của sự tự do, của sự chữa lành và của tình yêu thương vô bờ bến.
Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con sống đức tin của mình một cách chân thành và nhiệt thành. Xin cho chúng con biết làm chứng cho tình yêu của Chúa qua những hành động bác ái và chăm sóc anh chị em đang cần sự giúp đỡ. Amen.
GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG
Nguồn: giaophancantho.org
- LỰA CHỌN NGƯỜI NGHÈO
Phát biểu trong hội đường tại Nazareth, Chúa Giêsu đã dùng các thuật ngữ tiên tri của Isaia, từ lâu được coi là chỉ về Đấng Messia sắp đến, để mô tả sứ mệnh của chính Người “mang Tin Mừng đến cho người nghèo”. Sự thành công trong sứ mệnh của Chúa Giêsu, đặc biệt là với những người nghèo không có quyền lực chính trị, ngoại trừ họ là một số đông lớn, khiến Chúa Giêsu trở thành một người “nguy hiểm” đối với các nhà chức trách tôn giáo của Israel và cuối cùng dẫn đến việc Người bị đóng đinh. Tin Mừng của Chúa Giêsu vẫn còn nguy hiểm khi chân lý của nó thực sự được đem ra thực hành. Điều này được thấy rõ trong trường hợp của Đức Tổng Giám mục Oscar Romero của El Salvador, người bị ám sát khi đang cử hành Thánh lễ. Vì giống như Chúa Giêsu, ngài nhắc nhở mọi người về thảm trạng của người nghèo và những người bị áp bức ở El Salvador. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1979 khi một linh mục trẻ, cha Grande, bị bắn chết trên đường phố El Salvador. “Tội ác” của ngài là đã lên tiếng tố giác chính phủ đàn áp dã man mọi hình thức biểu tình, và hành quyết hàng nghìn người vô tội bằng cách sử dụng “Biệt đội tử thần” khét tiếng của họ. Khi người bạn tuyệt vời của cha Grande, giám mục Oscar Romero, được chọn làm Tổng giám mục mới, các nhà chức trách nghĩ rằng ngài sẽ giữ im lặng trước vấn đề về những người nghèo bị áp bức ở đất nước đó. Thay vì vậy, Đức Tổng Giám mục Oscar Romero đã trở thành một người thẳng thắn bênh vực người nghèo và là người chỉ trích “Biệt đội tử thần” do nhà nước hỗ trợ. Để tưởng nhớ người bạn đã tử đạo của mình, đức Romero từ chối xuất hiện trong bất kỳ buổi lễ chung nào do quân đội hoặc chính phủ tài trợ. Ngài sớm trở thành tiếng nói và lương tâm của El Salvador. Những lời nói và hành động của ngài đã được loan đi trên toàn thế giới, để mọi người biết những hành động tàn bạo đang xảy ra ở El Salvador. Cuộc chiến đấu cho nhân quyền của đức Romero đã dẫn đến việc ngài được đề cử giải Nobel Hòa bình. Vào ngày 24 tháng 3 năm 1980, lúc 6:25 chiều, khi Đức tổng giám mục đang dâng Thánh lễ trong nhà nguyện của bệnh viện, một phát súng từ phía sau nhà thờ đã ghim vào giữa ngực ngài, giết chết ngài ngay lập tức. Như vậy, Đức tổng giám mục Oscar Romero đã tử vì đạo vì Tin Mừng của Chúa Kitô. Ngài được Hồng y Angelo Amato đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô phong chân phước ngày 23 tháng 5 năm 2015 và được Đức Giáo hoàng Phanxicô phong thánh vào ngày 14 tháng 10 năm 2018, với biệt hiệu “Giám mục và Tử đạo”.
* Hôm nay, khi suy gẫm về những lời của Chúa Giêsu về sứ mệnh của Người, chúng ta hãy nhớ đến thánh Oscar Romero và tiếp tục cố gắng sống trung thành chân lí “nguy hiểm” của Tin Mừng, mà Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta là lựa chọn người nghèo.
- THẦN HỌC GIẢI PHÓNG
Một phụ nữ ở Nicaragua chỉ nhận được 11 xu để may một chiếc quần jean xanh được một công ty Mỹ bán với giá 14,95 đô la. Công ty đó đã kiếm được 566 triệu đô la lợi nhuận trong một năm từ những chiếc quần jean đó. Cứ năm trẻ em Uganda thì có một em sẽ không sống đến năm tuổi vì các em không được chăm sóc sức khỏe ban đầu đơn giản. Sự chênh lệch giàu nghèo này không chỉ xảy ra ở Nicaragua và không chỉ ở Uganda. Có những nỗi đau khó chữa lành trong các thành phố của chúng ta. Có những người nghèo ở đây. Có biết bao người vô gia cư ở kia. Ở đây có những người nghiện ngập. Ở kia có những người cô đơn. Có những người đang bị áp bức và bị giam cầm. Có những nỗi đau cần được chữa lành! Và bạn hỏi: “Tôi có thể làm gì? Tôi có thể sống Tin Mừng như thế nào? Tôi có thể vô tư đứng giữa khoảng cách mọi thứ đang tồn tại và những điều tốt đẹp hơn có thể xảy ra không?
- NGHÈO LÀ TỰ DO
Thánh Têrêsa thành Calcutta (Mẹ Têrêsa) nghĩ như vậy. Có một bài báo rất hay về bà trên tạp chí Time. Khi được hỏi về chủ nghĩa duy vật của phương Tây, bà cho rằng: “Bạn càng có nhiều, bạn càng bận rộn; nhưng bạn càng có ít, bạn càng tự do. Nghèo khó đối với chúng tôi là một tự do. Đó là một sự tự do vui tươi. Ở đây không có tivi, không có cái này, không có cái kia. Đây là chiếc quạt điện duy nhất trong cả ngôi nhà…và nó dành cho những vị khách. Nhưng chúng tôi rất vui. Tôi thấy người giàu nghèo hơn.” Bà tiếp tục: “Đôi khi bên trong họ cô đơn hơn… Khát khao tình yêu khó lấp đầy hơn nhiều so với cơn đói bánh ăn…Người nghèo thực sự biết thế nào là niềm vui.” Khi được hỏi về kế hoạch cho tương lai, bà ấy trả lời: “Tôi chỉ sống một ngày hôm nay. Ngày hôm qua đã trôi qua. Ngày mai thì chưa đến. Chúng ta chỉ có ngày hôm nay để yêu mến Chúa Giêsu.”
* Có ai trong căn phòng này giàu có như Mẹ Têrêsa không?
- SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI
Rachel Carson, trong cuốn sách The Sea Around Us (Biển xung quanh chúng ta), mô tả đời sống thực vật cực nhỏ của biển, nơi cung cấp thức ăn cho nhiều sinh vật nhỏ nhất của đại dương. Bà ấy kể về việc những cây cỏ nhỏ bé này trôi hàng ngàn dặm ở bất cứ nơi nào dòng chảy mang chúng đi, chúng không có sức mạnh hay ý chí tự định hướng số phận của chúng. Các loài thực vật này được đặt tên là sinh vật phù du, một từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lang thang” hoặc “trôi dạt”. Sinh vật phù du chính là sự sống thực vật phiêu cư của đại dương. [Robert A. Raines, Cuộc sống mới trong Giáo hội (San Francisco: Harper & Row, Publishers, 1961).] – Sinh vật phù du cũng có thể là một cách tốt để nói đến cuộc sống của Giáo hội ngày nay. Chúng ta đang hiệp hành trên đường đi. Sứ mệnh của chúng ta với tư cách là một Giáo hội là gì? Tại sao chúng ta tồn tại? Từ những nghiên cứu của tôi về sứ vụ và giáo huấn của Chúa Giêsu, tôi tin rằng chúng ta tồn tại vì hai lý do: một là đi đến từng người với Tin Mừng về tình yêu thương của Thiên Chúa như được mặc khải nơi Chúa Giêsu Kitô; thứ hai là ảnh hưởng đến các xã hội, các quốc gia trên trái đất này phải gần giống với Vương quốc của Thiên Chúa hơn.
- QUY TẮC 2%
Tôi không biết bạn có quen với khái niệm 2% hay không, nhưng nó dựa trên phát hiện của nhà xã hội học và giáo dục học Robert Bellah, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất, Những thói quen của trái tim (1985). Bellah đã từng là nhà xã hội học tại Viện Nghiên cứu Cao cấp tại Đại học Princeton trong một thời gian dài. Khi ở đó, ông đã đưa ra kết luận này: “Chúng ta không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của một nhóm nhỏ những người có tầm nhìn về một thế giới công bằng và hòa nhã…Các giá trị điều hành của cả một nền văn hóa có thể bị thay đổi khi 2% người dân của nó có tầm nhìn mới”. Hãy nghĩ về điều đó! Theo Bellah, tất cả những gì bạn cần là 2% dân số và bạn có thể thay đổi cả một nền văn hóa. (http://www.keepbelieving.com/sermon/1996-05-26-A-Few-Good-Men/). Tôi tự hỏi liệu chúng ta có nhận ra sức mạnh mà chúng ta đang có hay không. Nhưng trước hết chúng ta cần xác định sứ mệnh của mình. Chúa Giêsu gọi các môn đệ là muối…Người nói về Vương quốc như men. Những gì Chúa Giêsu muốn nói là chúng ta nên có tác động đến nền văn hóa xung quanh của chúng ta. Một Giáo hội sinh động phải hiểu rõ sứ mệnh của mình.
- MỘT CHI THỂ
Trước cái chết bi thảm vào năm 1997, Công nương Diana đã đấu tranh cho những người từng là nạn nhân của các vụ nổ mìn. Trong những tuần sau lễ tang của bà, một đoạn video quay lại chuyến thăm Bosnia lần cuối của bà được đăng đi chiếu lại trên các chương trình tin tức trên truyền hình. Nổi bật trong đoạn phim là Công nương, với lòng trắc ẩn đối với những người đã sống sót sau vụ nổ, nhưng họ sẽ phải sống phần đời còn lại vì mất một hoặc nhiều chi thể. Sự quan tâm của bà đối với những thành viên bị thương này của xã hội là một lời nhắc nhở sâu sắc về những gì Phaolô dạy trong bài đọc hai hôm nay. Cũng như mỗi bộ phận hay chi thể của cơ thể con người đều cần thiết cho sự hạnh phúc của toàn thể con người, thì mọi thành viên trong gia đình nhân loại cũng cần thiết cho sự hoạt động của Thân thể Chúa Kitô. Vì vậy, mỗi thành viên phải được nâng niu, quý mến, tôn trọng và bảo vệ bởi tất cả các thành viên khác.
- PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO
“Bạn sẽ học được nhiều điều từ điều đó hơn bất cứ điều gì tôi có thể nói với bạn.” Câu chuyện kể về Noelene Martin, một tu sĩ dòng Phanxicô ở Úc được chỉ định làm người hướng dẫn và “người bảo vệ” cho thánh Têrêsa thành Calcutta (Mẹ Têrêsa) khi bà đến thăm New South Wales. Hồi hộp và vui mừng trước viễn cảnh được gần gũi với người phụ nữ tuyệt vời này, ông mơ ước về việc mình sẽ học được bao nhiêu điều từ bà ấy và sẽ được nói chuyện với nhau về nhiều điều. Nhưng trong chuyến thăm của bà, ông đã trở nên thất vọng. Mặc dù thường xuyên ở gần bà, vị tu sĩ không bao giờ có cơ hội nói một lời nào với Mẹ Têrêsa. Luôn có những người khác để bà gặp gỡ. Cuối cùng, chuyến lưu thăm của bà đã kết thúc và bà sẽ bay đến New Guinea. Trong tuyệt vọng, tu sĩ dòng Phanxicô nói với Mẹ Têrêsa: “Nếu tôi tự trả tiền vé máy bay đến New Guinea, tôi có thể ngồi cạnh mẹ trên máy bay để có thể nói chuyện với mẹ và học hỏi từ mẹ không?” Mẹ Têrêsa nhìn ông, bà hỏi: “Bạn có đủ tiền để trả vé máy bay đến New Guinea?” “Vâng,” ông đáp lại một cách háo hức. Mẹ Têrêsa nói: “Vậy hãy đưa số tiền đó cho người nghèo, bạn sẽ học được nhiều điều từ đó hơn bất cứ những gì tôi có thể nói với bạn.” Mẹ Têrêsa hiểu rằng sứ vụ của Chúa Giêsu là dành cho người nghèo, và bà cũng đã thực hiện sứ vụ của mình. Bà biết rằng hơn ai hết họ cần Tin Mừng.
- PHẢI QUYẾT ĐỊNH
Cuốn tiểu thuyết của Albert Camus, The Stranger (người xa lạ) giới thiệu cho chúng ta về Meursault, một thanh niên phạm tội giết người. Công tố viên kịch liệt tố cáo Meursault đến mức ông tuyên bố Mersault phải là một con quái vật vô hồn, không có khả năng hối hận và vì vậy anh ta đáng chết vì tội ác của mình. Mặc dù luật sư của Meursault bảo vệ anh ta và sau đó nói với Mersault rằng ông mong bản án được giảm nhẹ, Meursault đã hoảng hốt khi thẩm phán thông báo cho anh ta về quyết định cuối cùng: rằng anh ta sẽ bị chặt đầu công khai. Bây giờ người thanh niên đứng ở vào vị trí quyết định. Anh ta chỉ có hai lối mở trước mặt. Một là chấp nhận thông điệp hòa bình, ăn năn và được miễn tội. Hai là chết trong sự cố chấp của mình. Bạn thân mến, Luật của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta, giáo dục chúng ta và dẫn dắt chúng ta hướng về phía trước. Cuối cùng, chúng ta bị đặt vào tình huống chỉ có hai con đường rộng mở trước mắt. Ở đó, chúng ta phải quyết định một lựa chọn cuối cùng: tuân theo các giới luật của Thiên Chúa và đạt được tự do, hoặc từ bỏ chúng và kết thúc bằng sự diệt vong. Bài đọc thứ nhất trình bày một cảnh đẹp. Tư tế Étra đọc Luật của Chúa cho dân chúng. Khi nghe Luật, họ phải lựa chọn chấp nhận hay từ chối. Thống hối, họ quyết định tuân theo các giới luật của Chúa. (Cha Bobby Jose).
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm