Chúa Nhật V Thường Niên Năm C


Chúa Nhật, ngày 09/02/2025

Giáo xứ Nội Hà Chầu Thánh Thể.

GIÁO HUẤN SỐ 11

Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ

TRONG CẦU NGUYỆN LIÊN LỈ (tiếp theo)

 “Lời cầu nguyện khẩn nài là một diễn tả của trái tim tin tưởng vào Thiên Chúa và nhìn nhận rằng tự mình chẳng làm được gì. Đời sống của những người trung thành với Thiên Chúa được đánh dấu bởi sự khẩn nài thường xuyên xuất phát từ tình yêu thấm đẫm đức tin và lòng tin tưởng vững vàng. Chúng ta đừng xem nhẹ lời cầu nguyện thỉnh cầu, vốn thường giúp chúng ta an tâm và có thể kiên trì hy vọng. Cầu nguyện chuyển cầu có một giá trị riêng, vì đó là một hành động của lòng tin tưởng vào Thiên Chúa và đồng thời là một diễn tả tình yêu đối với tha nhân. Có những người dựa trên một linh đạo phiến diện nào đó và nghĩ rằng cầu nguyện phải là việc chiêm ngắm Thiên Chúa cách thuần túy, thoát khỏi mọi chia trí, ví như việc nghĩ đến tên tuổi hay khuôn mặt của người ta cũng là điều cần tránh. Thế nhưng trong thực tế, việc cầu nguyện của chúng ta càng làm vui lòng Thiên Chúa và càng giúp ta lớn lên trong sự thánh thiện, nếu xuyên qua sự chuyển cầu, chúng ta cố gắng thực hành giới răn hai mặt mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta. Lời cầu nguyện chuyển cầu là một diễn tả mối quan tâm huynh đệ đối với người khác, vì chúng ta đang ôm lấy đời sống của họ, những lo lắng sâu xa nhất, và những giấc mơ cao quí nhất của họ. Chúng ta có thể mượn lời Thánh Kinh để nói về những người chuyên chăm cầu nguyện chuyển cầu như sau: “Đây là người yêu mến anh em mình và cầu nguyện nhiều cho dân chúng” (2Mac 15,14). (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 154).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Lời Chúa: Is 6,1-2a.3-8; 1Cr 15,1-11; Lc 5,1-11

Bài Ðọc I: Is 6, 1-2a, 3-8

“Này tôi đây, xin hãy sai tôi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Năm vua Ozias băng hà, tôi nhìn thấy Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: “Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa”. Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và nhà cửa đều đầy khói.

Lúc bấy giờ tôi mới nói: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha”. Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3.4-5. 7c-8

Ðáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa (c. 1c).

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.

Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.

Xướng: Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối của Chúa: “Thực, vinh quang của Chúa lớn lao!”

Xướng: Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 1-11 (bài dài)

“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Ðấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này1 Cr 15, 3-8. 11

“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 5, 1-11

“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

NHỮNG MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P

Tất cả mọi người, nhất là các thánh, đều ý thức về tình trạng tội lỗi của mình. Chính điều này thúc đẩy các ngài tin cậy vào ân sủng của Thiên Chúa hơn là sức riêng mình.

Đối diện với thất bại

Phêrô và các bạn của ông đi đánh cá, và họ đã vất vả suốt cả đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Toàn bộ thời gian, công sức của các ông trở thành vô ích. Lúc này, các ông rất mệt mỏi và thất vọng; các ông muốn giặt lưới rồi về nghỉ.

Trong đời người, vẫn thường xảy ra thất bại, không chỉ một lần. Một người cố gắng, miệt mài học hỏi, nhưng lại chẳng đạt được kết quả mong muốn, người khác nỗ lực hết sức trong cuộc chơi, thế mà lại thua. Thất bại là số phận của con người.

Trong câu chuyện hôm nay, Đức Giêsu có thể nói với các Tông đồ: “Thầy ngạc nhiên về anh em. Anh em vốn là những người đánh cá lành nghề, thế mà cả đêm chẳng bắt được con cá nào!” Nhưng Người đã không nói.

Rất nhiều người trong chúng ta đều đã trải qua thất bại, và thất bại gây ra thất vọng. Điều người ta cần trong những thời điểm ấy không phải là trách móc, nguyền rủa, nhưng là có ai đó ở bên để an ủi, khuyến khích và cả thách đố nữa. Thất bại không phải để ngã gục, nhưng là để đứng lên.

Đức Giêsu không kêu trách Phêrô và các bạn của ông. Nhưng Người cũng không khuyến khích các ông thương xót bản thân mình, và cũng không bảo các ông ở lại trong thất bại. Trái lại, người thách đố các ông làm lại: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”.

Nơi mỗi người vẫn có những khả năng lớn lao, kỳ diệu, chưa được mở ra. Mỗi người cần được thách thức để đi ra và luôn nghĩ rằng mình có khả năng thực hiện: Mỗi người cần nói với bản thân: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu”.

Đức Giêsu biết rằng ông Phêrô là người tội lỗi. Nhưng Người cũng biết rằng ông có thể làm những điều lớn lao. Người biết rằng ông và các bạn có thể làm được những điều tốt hơn. Vì vậy, Người đưa ra lời mời gọi cũng là lời thách thức: bỏ lại tấm lưới và trở thành kẻ lưới người. Đáp lại lòng tín nhiệm của Đức Giêsu, các ông đã nhiệt thành đáp trả: các ông bỏ lại mọi sự và trở thành những môn đệ đầu tiên của Người.

Chúng ta cần ai đó chấp nhận chúng ta như chúng ta là, đồng thời lại tin rằng chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa, và thách thức chúng ta thực hiện.

“Từ thành công đến thất bại chỉ có một bước”, nhưng từ thất bại đến thành công là cả một hành trình dài.

Bước khởi đầu tốt đẹp

Ngôn sứ Isaia, thánh Phaolô và Phêrô là ba nhân vật chính trong các bài đọc hôm nay: Cả ba vị đã làm những điều lớn lao vì Thiên Chúa, nhưng mỗi vị vẫn mang tâm trạng mình thấp hèn. Các ngài đánh giá thấp bản thân mình và miễn cưỡng đón nhận lời kêu mời của Chúa, luôn nghĩ rằng mình bất xứng.

Ngôn sứ Isaia nói: “Tôi là một người môi miệng ô uế”; thánh Phaolô viết: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ”, còn thánh Phêrô thì thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Đó không phải là thái độ khiêm nhường giả tạo, nhưng là thái độ hoàn toàn chân thực.

Mỗi người đều bắt đầu từ nhận thức về tình trạng bất xứng, không phù hợp của mình. Theo quan điểm tâm linh, khởi đầu như thế là tốt. Người nào dựa vào sức riêng của mình là xây nhà trên cát và chắc chắn nhà ấy sẽ sụp đổ.

Ở đây có một nghịch lý ghê gớm: Thánh Phaolô nói: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). Thánh nhân nhìn nhận sự yếu đuối của mình và quy hướng về Chúa và sức mạnh của Chúa làm cho ngài mạnh mẽ.

Khi chúng ta nhìn nhận sự yếu kém của mình, Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta nên mạnh mẽ. Khi chúng ta nhìn nhận sự trống rỗng của mình, Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta nên giàu có. Khi ấy, chúng ta có thể thực hiện công việc của Người và Người hoàn thành nơi chúng ta điều chúng ta nghĩ rằng không thể.

Khiêm nhường là bước khởi đầu, nhưng không phải để trốn tránh, để từ chối lời mời của Chúa. Làm như thế là chúng ta để mình chìm trong sự yếu đuối, chúng ta sử dụng đức khiêm nhường như cái cớ để trốn khỏi thách đố làm điều thiện.

Cả ba vị: Isaia, thánh Phaolô và Phêrô và đều đã đón nhận lời mời của Chúa và đã làm rất tốt công việc của mình. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ơn biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu kém của mình, cũng như sức mạnh để vươn dậy, và chúng ta sẽ có được niềm vui khi khám phá ra rằng khi ta yếu là lúc ta mạnh, vì sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi chúng ta.

Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới

Nếu ai đó nói với ông Phêrô “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”, hẳn là ông có thể đáp lại: “Anh điên à, chúng tôi là ngư phủ mà”. Ban đêm mà không bắt được cá, làm sao có thể bắt được vào ban ngày?

Nhưng khi Đức Giêsu nói những lời này với ông Phêrô, ông đã mau mắn thưa lại: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”

Với Phêrô, những lời của Đức Giêsu hoàn toàn khác với lời của người khác. Ông nhận thấy trong những lời này có uy lực mà người khác không có, nên ông đã thi hành.

Ông Phêrô hoàn toàn tin vào Đức Giêsu. Lời đáp của ông cho thấy ông được chuẩn bị để thực hiện điều không thể. Đức Giêsu biết rằng ông có thể làm được những việc khác, ngoài việc đánh cá. Ông là loại người có thể tham gia vào công việc của Người. Đức Giêsu đã nhìn thấy phẩm tính này nơi ông Phêrô để mời ông cộng tác với Người: Ông có điều đầu tiên và quan trọng nhất, đó là tin vào Đức Giêsu, ngoài ra, ông còn có đức khiêm nhường.

Thêm nữa, Đức Giêsu kêu gọi ông Phêrô và các bạn của ông không chỉ để làm một công việc mới, mà là một điều quan trọng hơn nhiều, đó là hiến dâng toàn bộ cuộc đời. Thông thường, khi các vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi dân chúng đi theo mình, họ biến những người này thành nô lệ cho mình. Đức Giêsu kêu gọi các Tông đồ đi theo Người, không phải để phục vụ Người, mà là phục vụ tha nhân.

Chúa vẫn không ngừng kêu gọi, và vẫn có những lời đáp trả. Có những người được mời để “tuyên khấn” theo Đức Kitô, còn mọi Kitô hữu được mời đi theo Đức Kitô cách khác. Thế nhưng, tất cả đều là đi theo Đức Kitô và phục vụ người khác.

Hãy tiến ra chỗ nước sâu đến những vùng xa lạ trong nơi sâu thẳm.

Được giải thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi bạn sẽ cảm nghiệm được là chính Thiên Chúa đang đợi trong tâm hồn bạn.

 

SUY NIỆM II

HÃY RA KHƠI

Jn.nvh

Có một chàng trai trẻ thông minh, tài giỏi, nhưng lại chìm đắm trong những đam mê thế gian. Anh ta khát khao chân lý, nhưng lại tìm kiếm nó nơi triết học, nơi những danh vọng và lạc thú trần gian. Người mẹ của anh – một phụ nữ thánh thiện – đã kiên trì cầu nguyện, mong con mình nhận ra ánh sáng của Thiên Chúa. Nhưng chàng trai ấy vẫn khước từ, vẫn nghi ngờ, vẫn do dự trước lời mời gọi của Chúa.

Cho đến một ngày, khi đang chìm trong những băn khoăn, anh tình cờ nghe được một câu Kinh Thánh: “Hãy cầm lấy và đọc!” Anh mở Kinh Thánh và bắt gặp lời dạy của Thánh Phaolô: “Chúng ta hãy lột bỏ những việc làm của tối tăm và mặc lấy khí giới của ánh sáng” (Rm 13,12).

Lời Chúa đã chạm đến trái tim anh. Và từ giây phút đó, anh đã hoán cải, từ bỏ quá khứ tội lỗi, bước đi trong đức tin. Người thanh niên ấy chính là Thánh Augustinô, một trong những vị đại thánh và Tiến sĩ Hội Thánh vĩ đại nhất.

Câu chuyện của Thánh Augustinô cũng giống như hành trình đức tin của Thánh Phêrô. Ban đầu, Phêrô cũng có những hoài nghi, những yếu đuối. Khi đi trên mặt nước, chỉ cần rời mắt khỏi Chúa, ông liền chìm xuống. Khi đối diện với thử thách, ông từng chối Chúa ba lần. Nhưng nhờ lòng thương xót của Chúa, ông đã hoán cải, đã trỗi dậy trong niềm tin mạnh mẽ, để rồi trở thành Tảng Đá của Giáo Hội.

Anh chị em thân mến. Đức tin của chúng ta không phải lúc nào cũng mạnh mẽ ngay từ đầu. Chúng ta có thể có những lúc nghi ngờ, có những lúc vấp ngã. Nhưng điều quan trọng là Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta, như Ngài đã chờ đợi Augustinô, như Ngài đã chờ đợi Phêrô. Điều quan trọng là chúng ta có dám mở lòng ra để “cầm lấy và đọc”, để lắng nghe tiếng Chúa, và để Ngài biến đổi cuộc đời chúng ta hay không.

Hình dung lại cảnh Phêrô và các bạn đồng hành của ông sau một đêm dài mệt mỏi trên biển, họ không bắt được gì dù đã nỗ lực hết sức. Cảm giác thất vọng ấy thật dễ hiểu, vì ai trong chúng ta mà không cảm thấy bế tắc khi đã cố gắng hết mình mà không có kết quả? Thế nhưng, trong khoảnh khắc đó, một điều gì đó rất đặc biệt xảy ra: Chúa Giêsu đến và bảo Phêrô thả lưới lần nữa, dù tất cả lý trí đều bảo rằng chẳng có hy vọng nào.

Chúa Giêsu đã làm một điều dường như vô lý, khi yêu cầu Phêrô ra khơi lần nữa vào thời điểm không thuận lợi. Phêrô là một ngư dân lão luyện, và thời điểm này không phải là lúc cá nhiều, nhưng ông vẫn quyết định vâng lời. Đó là một hành động đầy đức tin, vì ông phải từ bỏ sự tự mãn và kinh nghiệm cá nhân để tin tưởng vào lời Chúa. Chính khi ông bước ra khỏi vùng an toàn và vâng lời Chúa, kết quả thật bất ngờ: ông bắt được một mẻ cá đầy.

“Hãy ra khơi!” không chỉ là một lời mời gọi dành riêng cho Phêrô, mà là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta. Nếu Phêrô chỉ sống trong vùng an toàn, chỉ thả lưới vào ban đêm khi cá dễ bắt, thì có lẽ ông sẽ chẳng bao giờ nhận được mẻ cá đầy đặn đó. Cũng giống như chúng ta, nếu chỉ ở mãi trong những thói quen cũ, trong vùng an toàn của mình, liệu chúng ta có thể khám phá được những điều tuyệt vời mà Chúa muốn làm trong cuộc đời chúng ta?

Lời mời gọi “Hãy ra khơi!” mời chúng ta vượt qua những sợ hãi, từ bỏ sự tự mãn để tin tưởng vào sự dẫn dắt của Chúa. Đức tin không phải là sống trong những vùng an toàn mà là bước ra ngoài những vùng tựa như “bờ biển” của mình để đối diện với những thử thách, những điều chưa biết. Tuy nhiên, khi ra khơi, ta không phải một mình, vì Chúa luôn đi cùng và dẫn dắt chúng ta.

Khi Phêrô quyết định vâng lời Chúa, điều đó không có nghĩa là ông đã không nghi ngờ. Trái lại, Phêrô là một con người rất thực tế và từng trải, nhưng ông đã vượt qua cái tôi, cái tôi lớn nhất của một người có kinh nghiệm để vâng phục Chúa. Sự vâng phục đó không chỉ là hành động bên ngoài mà là sự thay đổi trong lòng, nơi Phêrô nhìn nhận lại chính mình. Khi Phêrô nhận ra mình đã làm sai, ông kêu lên: “Lạy Thầy, xin đi khỏi tôi vì tôi là kẻ tội lỗi.” Và chính trong khoảnh khắc đó, Phêrô đã gặp được một sự chuyển hóa sâu sắc.

Để ra khơi, không chỉ có Phêrô, mà mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi. Chúa Giêsu không mời chúng ta ra khơi để bắt cá nữa, mà là để “chài lưới người.” Đây là sứ mệnh của mỗi người Kitô hữu: trở thành chứng nhân của tình yêu Chúa giữa đời. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì để “chài lưới người”, chúng ta phải sống một đời sống yêu thương, phục vụ và dấn thân. Chúa Giêsu không cần những con người hoàn hảo, mà Ngài cần những con tim biết mở ra với Người, biết tin vào lời mời gọi của Ngài.

Nhìn lại các tông đồ xưa, chúng ta thấy họ không phải là những người hoàn hảo. Phêrô yếu đuối, có lúc sai lầm và còn chối Chúa, nhưng chính Chúa Giêsu đã chọn ông và giao cho ông sứ mệnh cao cả. Quả thật, Chúa không cần những con người hoàn hảo; Ngài cần những con tim sẵn sàng dâng hiến, những người biết đáp lại lời mời gọi của Ngài dù đối diện với những thử thách cam go.

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang gọi chúng ta: “Hãy ra khơi!” Liệu chúng ta có đủ can đảm để ra khơi, dù trước mắt là biển cả mênh mông, không biết sẽ gặp phải những thử thách nào? Liệu chúng ta có đủ niềm tin để tin rằng dù bước ra khỏi vùng an toàn, Chúa vẫn đồng hành với chúng ta, và trong những thử thách đó, kết quả sẽ vượt ngoài mong đợi, như Phêrô đã thấy?

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm để bước theo Người, dù con đường phía trước có gian nan thế nào, và tin rằng trong mỗi bước đi, Chúa luôn đồng hành và dẫn dắt chúng ta. AMEN.

 

SUY NIỆM III

CHÚA GỌI

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Các bài Lời Chúa hôm nay kể lại cho chúng ta việc Thiên Chúa gọi 3 con người làm ngôn sứ hay tông đồ cho Chúa rất đặc biệt. Bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia kể rằng khi Ngài ở trong đền thánh Giêrusalem, Thiên Chúa đã cho Ngôn sứ thấy Thiên Chúa là Đấng 3 lần Thánh đã gọi Ngài đi làm ngôn sứ. Ngài thưa với Thiên Chúa rằng Con là người môi miệng ô uế, ở giữa một dân môi miệng cũng ô uế nên Con không dám đi làm ngôn sứ đâu Chúa ơi. Thế rồi, có một trong các thần Xê-ra-phim bay về phía ông, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng kẹp gắp từ trên bàn thờ rồi đưa hòn than ấy chạm vào miệng ông Isaia và nói: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội“. Bấy giờ, Ngôn sứ Isaia được Chúa sai đi nói Lời của Thiên Chúa cho dân. Rồi đến Bài đọc 2, Thánh Phaolô nói rằng: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Ấy thế mà Chúa Giêsu đã chết và sống lại cũng đã hiện ra với tôi, đã gọi tôi đi làm tông đồ cho Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi”. Cuối cùng, Bài Tin Mưng, Thánh Luca kể Chúa Giêsu gọi ông Phêrô đi làm tông đồ qua mẻ cá lạ lùng. Luca kể rằng thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Như vậy qua 3 con người và ơn gọi của họ rất đặc biệt và rất vĩ đại này, Chúa muốn dạy ta điều gì?

Trước hết, Thiên Chúa là Đấng Thánh, Thánh và chí Thánh vẫn hằng thương xót, yêu thương và đến ở với con người và mời gọi con người cộng tác vào công cuộc rao giảng Lời Chúa cho mọi người dù con người có tội lỗi. Ngôn sứ Isaia, Thánh Phêrô và Phaolô đã nghiệm thấy điều đó rõ ràng, Thiên Chúa quá Thánh, còn mình quá tội nên không xứng đáng làm ngôn sứ hay tông đồ. Thánh Giáo Hoàng Piô V nói rằng: “Con người ngày nay đánh mất cảm thức tội lỗi”, có nghĩa rằng không thấy đâu là tội lỗi, mình là cái rốn của vũ trụ này, mình quyết định tất cả, không ai hay lời nào phán xét tôi được. Vì vậy, con người ngày này phạm tội như cơm bữa, phạm tội tầy trời mà lương tâm không cắn rứt. Vì sao? Vì họ đánh mất cảm thức về sự linh Thánh. Chúng ta không được như vậy, vì dựa vào ơn Chúa Thánh Thần ban 7 cho ơn trong đó có ơn kính sợ Chúa. Kính sợ Chúa không phải là sợ Chúa phạt, Chúa xô xuống hỏa ngục đời đời mà như Isaia, Phêrô hay Phaolô nói Chúa quá thánh thiện, quá nhân lành, giàu tình thương và gần giũ với chúng ta. Cho nên, bài học rút ra ở đây là chúng ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi trong cuộc sống. Chúng ta nên nhớ rằng tiếng chuông nhà thờ rất đặc biệt. Đó không chỉ là âm thanh vang lên từ thứ được gọi là “chuông” mà thôi mà còn là tiếng Chúa mời gọi mỗi người rằng giữa bộn bề của cuộc sống, hãy đến với Chúa để được Chúa ở cùng, dạy bảo, “được nghỉ ngơi bồi dưỡng” và được sai đi tông đồ. Vì vậy, mỗi lần đến với Chúa trong mọi thánh lễ chúng ta hãy luôn có cảm thức về đức tin rằng Thiên Chúa là Đấng Thánh nên tôi tham dự thánh lễ nghiêm trang, sốt sắng và đọc kinh ca hát để tỏ lòng thần phục và kính mến Ngài trên hết mọi để xin Chúa phán một Lời thì linh hồn chúng ta được lành phần hồn và mạnh phần xác để sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, Lời Chúa hạnh phúc cho đời ta.

Bài đọc thứ 2 mà Lời Chúa dạy hôm nay là Chúa sai chúng ta đi nói Lời Chúa, chứ không được nói lời của chúng ta. Rõ ràng, trong bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia nói là ông đã nhìn thấy Đức Chúa. Chúng ta nhớ rằng trong Cựu Ước không ai thấy Thiên Chúa mà còn sống cả. Đặc biệt chỉ có Ngôn sứ Isaia thấy Thiên Chúa vẫn còn sống và được sai đi làm ngôn sứ mấy mươi năm. Như vậy, ý ngôn sứ muốn nói rằng ơn gọi ông đến từ Thiên Chúa và Lời ông rao giảng không phải là lời của con người mà Lời của Thiên Chúa. Cho nên, Thánh Phaolô trong bài đọc 2  nói rằng tôi rao giảng hiều hơn tất cả những vị khác, nhưng phải tôi rao giảng về tôi, mà là về Lời Thiên Chúa cùng với tôi. Còn Chúa Giêsu bảo ông Phêrô: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” bằng chính Lời của Thiên Chúa.

Nếu tình yêu đòi biểu lộ bằng hành động và có khi biểu lộ bằng những cách “kỳ lạ”, thì Thiên Chúa vì quá yêu nhân loại, nêu đã biểu lộ bằng nhiều cách thế, trong đó có cách thế mời gọi và cho con người được tham dự vào việc truyền bá Tin Mừng bằng cách được đọc Lời Chúa, sống Lời Chúa và rao truyền Lời của Thiên Chúa. Như thế, chúng ta cũng sẽ thốt lên như Isaia khi xưa rằng lạ lùng lắm thay! Miệng lưỡi con người mà được nói Lời của Đấng siêu việt. Tình yêu Thiên Chúa vượt lên tội lỗi của con người, Ngài vẫn mời gọi chúng ta hãy đọc, sống và đem Lời Thiên Chúa đến cho những người xung quanh, những người thân thuộc và cả những người đi theo Chúa, dùng chính khả năng, chính cuộc sống của mình để nói và chứng minh cho người khác về Thiên Chúa hằng sống và Lời vĩnh cửu của Ngài.

Lúc này, chúng ta đang kính nhớ Đức Kitô chịu chết và tuyên xưng Ngài sống lại vì chúng ta qua cử hành Thánh Thể, chúng ta hãy hết lòng tạ ơn Chúa đã gọi chúng ta đến tham dự vào mầu nhiệm cứu rỗi nầy. Nhờ nghe Lời Chúa và ăn uống Mình Máu Thánh Chúa, Chúa Giêsu ban sức mạnh, ơn khôn ngoan và lòng hăng hái làm chứng nhân, làm tông đồ cho Chúa để thu phục nhiều người qua lời nói và việc làm thánh thiện của chúng ta. Vì vậy, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Trên đường hy vọng suốt hơn 2000 năm, tình thương Chúa như một lượn sóng, đã lôi cuốn bao người lữ hành. Họ đã yêu Chúa với một mối tình sống động, thể hiện qua tư tưởng, lời nói, việc làm, với một tâm hồn mạnh hơn mọi cám dỗ, mạnh hơn mọi đau khổ, hơn cả sự chết, họ đã là lời Chúa ở trần gian. Đời họ là một cuộc cách mạng, đổi mới cục diện của Hội thánh”. Ước gì, Qua Lời Chúa hôm nay, mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy nhiệt thành sống và làm chứng cho Tin Mừng theo lời mời gọi của Các Giám Mục Việt Nam năm nay: “Trong gia đình, các thành viên sống yêu thương, quan tâm và liên đới với nhau hơn, đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho người trẻ. Từng thành viên gia đình hãy sống thân thiện, bác ái với anh chị em thuộc các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Và giữa các gia đình và cộng đoàn, cần nỗ lực giao hòa, tha thứ, tha “nợ” cho nhau, vì dấu chỉ hy vọng và bầu khí hài hòa, bình an cho mọi người”, đấy chính là cách thế làm tông đồ cho Thiên Chúa hữu hiệu nhất.