Chúa Nhật VI Thường Niên Năm C


CHÚA NHẬT, Ngày 16/02/2025

Thánh vịnh tuần II.

Giáo xứ Phú Thượng Chầu Thánh Thể

 

GIÁO HUẤN SỐ 12

Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ

TRONG CẦU NGUYỆN LIÊN LỈ (tiếp theo)

 “Nếu nhìn nhận Thiên Chúa hiện hữu, chúng ta không thể không tôn thờ Ngài, có những khi trong sự ngạc nhiên âm thầm, và ca ngợi Ngài trong khúc ca rộn rã. Như vậy chúng ta chia sẻ trong kinh nghiệm của Chân Phước Charles de Foucauld: “Vừa khi tôi tin rằng có một Thiên Chúa, tôi không thể làm gì khác hơn là sống cho Ngài”. Trong đời sống của đoàn dân lữ hành của Chúa, có thể có nhiều thái độ thờ phượng tinh thuần rất giản dị, như khi “ánh mắt của người khách hành hương hướng về một hình ảnh diễn tả tình thương và sự gần gũi của Thiên Chúa. Yêu thương thì biết dừng lại, chiêm ngắm mầu nhiệm, và thưởng thức mầu nhiệm ấy trong thinh lặng” (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 155).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Gr 17,5-8; 1Cr 15,12.16-20; Lc 6,17.20-26

Bài Ðọc I: Gr 17, 5-8

“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5c).

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

 

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 12. 16-20

“Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu Ðức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Ðức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ.

Nhưng không, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 6, 17. 20-26

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

MÙA XUÂN CỦA LỊCH SỬ

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.

Đức Giêsu, người mở đầu mùa xuân mới

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó!”“Khốn cho các người, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê!”

Điều đáng lưu ý ở đây là thể thức trực tiếp, có tính cách cá vị. Đức Giêsu ngỏ lời với các thính giả đang đứng vây quanh Người. Người thông báo cho họ một sứ điệp cốt yếu và họ cảm thấy lời Người đầy thân tình nhưng cũng rất quyết liệt.

Những người đang nghe Đức Giêsu giảng là ai? Theo Thánh Luca, họ là “đông đảo môn đệ, và đoàn lũ dân chúng”. Trong đám đông này, hẳn là có những người đã hơn một lần nghe Đức Giêsu giảng, có những kẻ đến nghe lần đầu tiên; ngoài ra, còn có những kẻ tò mò, những kẻ ngao du đây đó và tình cờ có mặt. Đám đông ấy là một hình ảnh về Hội Thánh. Trong cộng đoàn luôn có những loại người khác biệt nhau. Có những người đến với cộng đoàn vì lòng yêu mến, người khác vì sợ kỷ luật, người khác nữa vì tò mò… Như vậy, đám thính giả có mặt tại bãi đất bằng đang nghe Đức Giêsu giảng chính là hình ảnh biểu tượng về những cộng đoàn được qui tụ sau này.

Qua đám thính giả này, Đức Giêsu ngỏ lời với cả Hội Thánh rộng lớn, với mọi cộng đoàn và với mỗi người. Tất cả đều bị tra hỏi cách trực tiếp, bị đặt trước một điều rất hiển nhiên, nhưng lại khó mà định nghĩa: mối phúc, hạnh phúc, phúc lành. Những lời chúc dữ ở phần sau càng làm sáng tỏ và củng cố tính cách hiển nhiên này: Khốn cho các ngươi là những kẻ đang được no nê, đang được vui cười và đang được ca tụng.

Tác giả Tin Mừng thứ ba vốn là người ủng hộ thái độ đầy tình thương xót và ưu ái của Thiên Chúa đối với loài người. Ở đây, ông diễn tả sự đau đớn và nỗi buồn của Đức Giêsu trước việc sử dụng cuộc sống cách hoang phí và thái độ cứng lòng. Ngôi Lời chính là Vị Mục Tử nhân lành. Người mục tử ấy vui mừng vì đàn chiên của mình và cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy thảm họa các con chiên bị tản mác.

Trong trình thuật Tin Mừng này, Đức Giêsu tỏ ra chính Người là ngôn sứ, một ngôn sứ có phẩm chất đặc biệt và rất mực cao cả. Người hoàn toàn vượt trên các ngôn sứ thời Cựu Ước khi bày tỏ uy quyền tuyệt đối của Người, Người là Môsê mới xuất hiện trước toàn dân, trong tay không có bia đá, cũng không có khung cảnh long trọng bên ngoài. Người phác họa Con Người Mới theo Kinh Thánh, qua một vài từ cốt yếu: tâm hồn, nghèo khó, công chính, đau khổ, nước mắt.

Cuối cùng, nên để ý đến mối liên hệ giữa bài giảng này của Đức Giêsu và bài ca của Đức Trinh Nữ. Mẹ là người đầu tiên được sinh ra trong ân sủng, là tạo vật trước hết được Thánh Thần làm cho nên phong phú, là ngôn sứ đầu tiên của giao ước mới. Chính Mẹ đã đem lại cho Hội thánh dấu hiệu về niềm vui:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.”

Mỗi hoàn cảnh là một cơ hội

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, đang phải khóc!”  Đức Giêsu nói những lời này với những kẻ đang sống mà không có cuộc đời. Người mời gọi họ hiểu những tình trạng này theo một cách thức mới: chúng là những cơ hội đem lại ơn giải thoát trong đó người ta có thể nhận ra hoạt động của Thiên Chúa đang đến, Thiên Chúa cứu độ. Đau khổ, tủi nhục, bức bách có thể là những cơ hội để sám hối và là những điểm khởi hành cho niềm hy vọng hướng tới một thực tại khác.

Ngược lại, khốn cho những kẻ giàu có, những kẻ đang được no nê, những kẻ đang vui cười. Đức Giêsu báo trước cho họ biết rằng: điều đang làm cho họ thỏa mãn lại là điều không chắc chắn. Tình trạng đầy đủ làm cho con người đóng kín với chính mình, thỏa mãn với những gì đang có, và quên đi rằng họ đang chuẩn bị cho mình một tương lai đầy u tối và đớn đau. Chính thái độ thỏa mãn này ngăn cản họ mở lòng ra trước Tin Mừng, trước lời loan báo về một thế giới mới.

Như thế, những lời của Đức Giêsu làm thay đổi những giá tri, những phán đoán quen thuộc cũng như sự khôn ngoan của loài người. Tin Mừng phê phán con người tự đóng kín nơi chính mình: những người này không hiểu rằng bao lâu họ coi những điều mình đang có là một bảo đảm an toàn, lúc ấy họ đang kết án chính mình.

Thật ra, người nghèo, người bị bách hại hay bị áp bức có thể cũng thất vọng, và các mối phúc không phải là một đảm bảo tự động được ban cho một lớp người nào đó. Dù tình trạng sống có thế nào chăng nữa, thì điều có giá trị và cần thiết vẫn là khả năng mở ra trước lời mời gọi của Nước Thiên Chúa. Đó là dám chấp nhận đi đến bên kia, thay vì khép kín mình trong hiện tại và từ chối tiến bước. Do đó, người ta không thể dựa vào những lời của Đức Giêsu để phân loại các cá nhân hay nhóm người. Đến ngày chung thẩm, mỗi người sẽ bị phán xét về toàn bộ cuộc sống của mình. Tuy nhiên, bất thình lình, chính cuộc sống này có thể được đổi mới nhờ lời của Thiên Chúa: lời đến phá vỡ thái độ tự mãn đang ngự trị trong con người.

Vậy, các mối phúc cũng như những lời nguyền rủa không hẳn là một bảo đảm hay một lời kết án. Trái lại, đó là một lời mời gọi mỗi người luôn sử dụng hoàn cảnh sống để sám hối và mở lòng ra với Tin Mừng. Chỉ có những ai dám thoát ra khỏi mình mới xứng đáng với Nước Thiên Chúa.

Hạnh phúc đang có mặt

Khi đọc lại trình thuật Tin Mừng này, chúng ta nhận thấy thánh Luca có một nhãn quan rất mới mẻ. Người nghèo, người đói khát, người đang khóc lóc… thì được mời gọi hãy vui lên và nhất là hãy sống tốt lành. Người giàu có, người đang được no nê thì được nhắc nhở là hãy coi chừng, hãy sửa lại cách sống.

Đó chính là vì Thiên Chúa quyết định cứu độ con người, cứu độ cách nhưng không. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con người không phải làm gì cả: ngay từ bây giờ, mỗi người đều phải trả giá. Hạnh phúc cũng tựa như những cuộc viếng thăm, nếu ta không biết đón nhận, nó sẽ chẳng bao giờ trở lại.

Vậy, hạnh phúc đang có đây rồi. Ngay hôm nay, hạnh phúc Nước Trời đã khởi đầu. Hạnh phúc ấy đang ở quanh ta, đang đụng chạm đến ta trong con người Đức Giêsu Kitô, Đấng là Người Nghèo, Người Bị Bách Hại. Chính Người đã kết hôn với cái nghèo, đã sống trong thân phận người nghèo để cho chúng ta biết rằng nó là một cơ may chứ không phải là đau khổ.

Ngoài ra, đối với Hội Thánh: hơn bao giờ hết, Hội Thánh không thể là một thể chế xã hội vương giả, phong kiến. Ngay hôm nay, Hội Thánh phải luôn sẵn sàng đón tiếp các người anh em từ mọi lục địa, từ mọi thành phần xã hội, nhất là những người nghèo. Hội Thánh không bao giờ được nghỉ yên trong giấc điệp. Hội Thánh phải đánh thức con người để Thiên Chúa có thể tiếp tục viết Tin Mừng của Người trong cuộc sống của họ với những chữ viết bằng lửa, đồng thời giúp họ luôn khát khao vươn tới hạnh phúc chân thật. Nếu Hội Thánh tự thỏa mãn với chính mình, với những điều mình đã làm và đang có, thì ngoài sự phán xét của lịch sử, Hội Thánh còn bị chính Thiên Chúa phán xét.

“Ngày nay chính chúng ta phải đón nhận các mối phúc, và đến phiên mình, phải tạo nên các mối phúc thật ấy”(G. Bessière)

“Qua thứ ngôn ngữ tinh diệu, Đức Giêsu loan báo một thế giới mới, bình minh của một ngày mới trong lịch sử được mong đợi từ lâu. Đức Giêsu nại đến những thuật ngữ diễn tả lòng mong đợi của dân Người để cho họ thấy rằng điều họ ao ước bấy lâu nay đã bắt đầu rồi. Đây là một cách nói rất tinh tế: mùa xuân của lịch sử mà các sấm ngôn loan báo đã đến.” (G.Bessière – Thiên Chúa mãi trẻ trung, trang 74).

 

SUY NIỆM II

CÁC MỐI PHÚC VÀ MỐI HỌA

Jn.nvh

Anh chị em thân mến, Mỗi người trong chúng ta đều mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc thật là gì? Người ta thường nghĩ hạnh phúc gắn liền với tiền bạc, địa vị, quyền lực, hay những thú vui vật chất. Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay lại vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác.

Chúa Giêsu tuyên bố: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” Nhưng ngay sau đó, Ngài lại cảnh báo: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.”

Lời giảng này không chỉ là một lời chúc phúc hay cảnh báo đơn thuần, mà còn là một cuộc đảo ngược giá trị. Chúa Giêsu không muốn chúng ta bám vào những thứ phù du, nhưng mời gọi chúng ta tìm kiếm một thứ hạnh phúc sâu xa và bền vững hơn.

Thử hỏi: nếu có một cuộc khảo sát về hạnh phúc, chắc chắn kết quả sẽ cho thấy rằng đa số mọi người coi hạnh phúc là có nhiều tiền, có danh vọng, có sức khỏe, có địa vị. Nhưng điều trớ trêu là dù đạt được những thứ ấy, con người vẫn chưa chắc đã hạnh phúc.

Lịch sử đã chứng kiến biết bao người giàu có nhưng cô đơn, thành đạt nhưng trống rỗng. Một danh nhân từng nói: “Trên đỉnh cao danh vọng, tôi nhận ra mình đang ở một nơi rất lạnh lẽo.”

Chúa Giêsu, với ánh mắt yêu thương và thấu suốt lòng người, không phủ nhận giá trị của vật chất, nhưng Ngài cảnh báo về nguy cơ khi con người để vật chất chiếm đoạt tâm hồn mình. Ngài không lên án người giàu, nhưng lên án sự giàu có ích kỷ. Ngài không ca tụng sự nghèo khổ, nhưng đề cao tinh thần nghèo khó – tức là biết đặt niềm tin vào Chúa hơn là vào của cải.

Bài Tin Mừng hôm nay vang lên thật mạnh mẽ trong bối cảnh xã hội hiện đại, đặc biệt là nơi các giáo xứ trong lòng thành phố.

Ở đô thị, nhịp sống hối hả, con người chạy theo công việc, theo lợi nhuận, theo sự thành công. Dần dần, việc cầu nguyện trở thành thứ yếu, Thánh lễ bị xem là tùy chọn, và đời sống đức tin trở nên chểnh mảng. Người ta có thể sẵn sàng bỏ giờ làm thêm, nhưng lại ngần ngại dành một tiếng đồng hồ để tham dự Thánh lễ.

Giữa những tòa cao ốc rực rỡ ánh đèn, có những gia đình nguội lạnh trong đời sống đạo. Giữa những khu phố sầm uất, có những tâm hồn trống trải vì xa rời Chúa. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thứ có vẻ đầy đủ, nhưng lại thiếu vắng điều quan trọng nhất: một trái tim gắn bó với Chúa.

Lời Chúa hôm nay như một hồi chuông cảnh tỉnh:

  • Nếu tôi đang đặt tất cả niềm hy vọng vào tiền bạc, vào công danh sự nghiệp, thì tôi có đang đánh mất điều quan trọng nhất không?
  • Nếu tôi để vật chất điều khiển đời sống mình, thì tôi có còn tự do không?
  • Nếu tôi đang theo đuổi một hạnh phúc tạm bợ, thì liệu tôi có đang lãng quên hạnh phúc đích thực không?

Vậy đâu là con đường để tìm lại hạnh phúc thật?

Chìa khóa nằm trong chính bài giảng của Chúa Giêsu: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Nghèo khó ở đây không phải là thiếu tiền, mà là thái độ biết mở lòng ra với Thiên Chúa. Một người giàu nhưng biết quảng đại, biết sống bác ái, biết đặt niềm tin vào Chúa, thì họ vẫn thuộc về Nước Trời. Ngược lại, một người nghèo nhưng chỉ sống trong đố kỵ, tham lam, ích kỷ, thì vẫn có thể xa lìa Chúa.

Vậy, chúng ta có thể làm gì?

  • Trở về với Chúa: Dành thời gian cầu nguyện mỗi ngày, tham dự Thánh lễ không chỉ vì thói quen mà với lòng yêu mến.
  • Sống đơn sơ, tín thác: Đừng để vật chất làm chủ mình, nhưng hãy làm chủ vật chất. Biết đủ là giàu, biết sẻ chia là hạnh phúc.
  • Sống bác ái, liên đới: Một bữa cơm chia sẻ với người nghèo, một chút thời gian thăm hỏi người già cả, một lời động viên dành cho ai đó đang gặp khó khăn – đó là những việc làm nhỏ nhưng đem lại hạnh phúc lớn.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu không dạy chúng ta khinh chê cuộc sống này, nhưng Ngài muốn chúng ta đừng để mình bị trói buộc vào những gì chóng qua. Ngài muốn chúng ta sống hạnh phúc, nhưng là một hạnh phúc bền vững, một hạnh phúc được xây trên nền tảng tình yêu và niềm tin vào Thiên Chúa.

Là một giáo xứ trong lòng thành phố, chúng ta hãy giúp nhau sống đức tin mạnh mẽ hơn:

  • Cha mẹ hãy dạy con cái cầu nguyện, đừng để chúng lớn lên trong một thế giới chỉ có điện thoại và mạng xã hội mà thiếu vắng Chúa.
  • Người trẻ hãy can đảm chọn lựa Chúa, đừng để mình bị cuốn theo lối sống hưởng thụ, vô nghĩa.
  • Cộng đoàn hãy nâng đỡ nhau, để đời sống đức tin không chỉ tồn tại, mà còn phát triển và lan tỏa.

Hôm nay, Lời Chúa đặt chúng ta trước một chọn lựa quan trọng: Tôi chọn mối phúc hay mối họa? Tôi chọn con đường chóng qua hay con đường dẫn đến sự sống đời đời? Tôi đặt niềm tin vào của cải hay vào chính Thiên Chúa?

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn khôn ngoan để biết chọn lựa đúng đắn, để dù sống giữa bao thách đố của xã hội hôm nay, chúng ta vẫn giữ được lòng yêu mến Chúa, biết sống các mối phúc thật và tìm được hạnh phúc đích thực nơi Ngài. Amen.

 

SUY NIỆM III

PHÚC THAY AI ĐẶT NIỀM TIN VÀO CHÚA

SẼ KHÔNG LÀM TA THẤY VỌNG

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Con người ngày nay luôn hy vọng đời mình hạnh phúc cho nên bằng mọi cách đạt tới hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc? Trong một cuộc thăm dò ở Pháp, có 90% người cho rằng hạnh phúc là: sức khoẻ, 80% cho là tình yêu, 75% cho là tự do, 60% cho là công lý, 63% cho là việc làm và 52% cho là tiền của. Nhưng thử hỏi những thứ ấy có phải là hạnh phúc đích thật? Hạnh phúc ấy có tồn tại mãi trong đời ta không? Nếu có, sao có phim “Người giàu cũng khóc”. Nếu có sao có bài hát “Vị đắng tình yêu”…

Là Kitô hữu, chúng ta tìm kiếm thứ hạnh phúc nào là đích thực? Và phải làm gì để đạt tới hạnh phúc ấy? Câu trả lời tìm thấy trong các bài Lời Chúa hôm nay. Bài đọc 1, Ngôn sứ Giêrêmia trả lời rằng hạnh phúc thật chỉ có thể phát xuất từ niềm tín thác vào Chúa mà thôi. Ngôn sứ Giêrêmia đã dùng những hình ảnh cây trái để quảng diễn ý tưởng ấy: Ai dựa vào mình thì tự khép lại trong sự mong manh của mình, và sẽ khô héo như bụi cây trong sa mạc; còn ai trung thành hướng về Chúa, sẽ đâm rễ tận nguồn mạch sự sống và trở thành cây xanh tốt, đầy hoa trái. Đến bài đọc 2, Thánh Phaolô trả lời ai sống gắn bó đời mình với Chúa Kitô chết và sống lại là người hạnh phúc thật. Vì dù sống, dù chết, người ấy vẫn thuộc về Chúa và nhờ đó luôn được hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Còn đối với Chúa Giêsu, qua Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Ngài công bố trong mọi hoàn cảnh dù thịnh vượng hay gian nan, mạnh khỏe hay ốm đau, nghèo hay giàu, khi khuyết tật hay chưa khuyết tật, dù bị áp bức, bách hại thì hãy luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa đừng sờn lòng nản chí, đừng kêu ngạo, đừng khinh khi cũng đừng tủi thân, tự ái, tự kỷ và bỏ Chúa mà cô đơn, không còn ai hy vọng và tin tưởng nương tựa thì là thật vô phúc cho chúng ta.

Trong nghi thức tiếp nhận dự dòng, Linh Mục hỏi những người dự tòng rằng: anh chị em xin gì cùng Hội Thánh. Họ thưa: xin đức tin. Linh mục hỏi: đức tin sinh ơn ích gì cho anh chị em? Họ thưa: đức tin đem lại cho chúng con sự sống đời đời. Linh mục nói tiếp: sự sống vĩnh cửu là anh chị em nhận biết Thiên Chúa thật và Đấng Người sai đến là Đức Giêsu Kitô. Như vậy, khi chịu Phép Rửa, anh chị em thật sự bước vào cuộc hành trình đức tin kéo dài suốt đời. Đức tin là hồng ân Chúa ban nhưng không, thế nhưng để cuộc hành trình đức tin chúng ta được bền vững và mạnh mẽ thì cần phải sống gắn bó với Chúa qua việc sống Lời Ngài dạy. Chỉ có sống Lời Chúa mới giúp chúng ta mở ra với Thiên Chúa, nghĩa là sống và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong mọi lời nói, việc làm của chúng ta trong mọi hoàn cảnh và biến cố trong cuộc sống. Chẳng hạn, Mẹ thánh Têrêxa Calcutta suốt đời phục vụ người nghèo, bệnh hoạn hay khuyết tật dù Mẹ có nỗi tiếng mấy đi nữa, hay anh Nick Vujicic, người không chân không tay khẳng định rằng “Cho dù những thách thức mà bạn đang phải đối mặt là gì đi nữa, cho dù những thách thức ấy có khốc liệt, nghiệt ngã đến mức nào chăng nữa, Cho dù những thách thức mà bạn đang phải đối mặt là gì đi nữa, cho dù những thách thức ấy có khốc liệt, nghiệt ngã đến mức nào chăng nữa, tôi cũng mong bạn hãy tin tưởng về cuộc sống của chính mình”. Vì chưng Lời Chúa khẳng định: “Hãy ký thác đường đời cho CHÚA, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).

Trong cuộc sống hôm nay, xung quanh chúng ta những điều kỳ diệu vẫn đang xảy đến. Biết bao người đến với Chúa đã nhận được hạnh phúc bởi được Thiên Chúa an ủi đỡ nâng và ban muôn ơn thể xác cũng như tinh thần dù có thể khi đến với Chúa, người khuyết tật vẫn chưa tự mình đi được, người khiếm thị vẫn chưa thể thấy được, người liệt chưa thể tự mình trỗi dậy, người nghèo chưa khá nỗi, người bị áp bức vẫn chưa giải thoát, người đau khổ chưa hết khổ… nhưng chắc chắn một điều, khi đến với Chúa với đức tin và niềm phó thác, họ đã nhận được nghị lực, bình an và niềm vui rất lạ lùng, để họ vươn lên, vượt qua khó, vượt khổ, đón nhận thực tại, lạc quan và yêu đời hơn, vì họ tin chắc chắn rằng có Chúa cùng đi, cùng vác thập giá với họ trong cuộc đời dù Chúa lại bù cho họ những khả năng phi thường ở một lĩnh vực nào đó hơn người khác trong cuộc sống nên họ không đơn độc, tuyệt vọng, tự ti, tự kỷ và tự tử. Vì vậy, Lời Chúa là Lời Chân Lý chỗ này là hạnh phúc thay ai đặt niềm tin vào Chúa vì chưng tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ không làm ta thất vọng. Đức tin sẽ đem lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực là thế đó. Cho nên Vua Thánh Đavít đã thốt lên rằng: “Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc? Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn. Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ. Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!”(Tv 16,2-11).

          Ước gì qua Lời Chúa hôm nay nhất là chúng ta đang sống trong Năm Thánh Hy Vọng 2025, chúng ta là những người hành hương hy vọng hãy luôn đặt niềm tin và phó thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, chắc chắn Ngài làm cho chúng ta hạnh phúc không làm ta thất vọng. Amen.

 

 

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 6 Thường Niên, Năm C

Nguồn: giaophancantho.org

  1. TẤM VÉ VÀO CỬA

Một người đàn ông lớn tuổi đến trước cổng Thiên đàng. Thánh Phêrô nói với ông ta rằng việc vào Thiên đàng đòi phải có 100 điểm và số điểm đó sẽ được thưởng dựa trên cách một người đã sống trên dương thế. “Chà,” người đàn ông nói một cách tự hào: “Con đã kết hôn với chỉ một người phụ nữ trong 60 năm và chưa bao giờ bị cám dỗ để không chung thủy.” Thánh Phêrô nói: “Tốt, đó là một điểm. “Ồ vâng, và con đã từng là người đọc Sách Thánh và thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa trong giáo xứ của con, dạy giáo lý Chúa nhật trong ba mươi năm, và giúp đỡ nhiều nhà truyền giáo.” Thánh Phêrô nói: “Tốt,” điều đó cho bạn thêm ba điểm.” Người đàn ông phản đối: “Chỉ ba điểm cho ba mươi năm trung thành phục vụ sao? Với cách đánh giá này thì con sẽ không vào được Thiên đàng. Vậy Ngài không cho điểm nào về việc sống các Mối Phúc mà con đã thực hành trong đời nhờ ơn Chúa sao?” Và bất ngờ câu trả lời: “Chà, may mắn thay, được tính 100 điểm! Vào đi, cậu bé ngoan.”

  1. LẦM TƯỞNG VỀ HẠNH PHÚC

Tiến sĩ Harold Treffert là giám đốc của Viện Sức khỏe Tâm thần Winnebago ở Wisconsin. Trong một bài báo có tựa đề “Câu chuyện cổ tích nước Mỹ”, ông thảo luận về năm ý tưởng nguy hiểm mà chúng ta cho là hạnh phúc. Đầu tiên, hạnh phúc là có nhiều thứ. Bạn càng tích lũy và có nhiều, bạn càng hạnh phúc. Thứ hai, hạnh phúc là những gì bạn làm. Bạn càng sản xuất và kiếm được nhiều tiền, bạn càng hạnh phúc. Thứ ba, hạnh phúc là được giống như những người khác. Bạn càng theo thời trang và phù hợp với thời đại, bạn sẽ càng hạnh phúc. Thứ tư, hạnh phúc là sức khỏe tinh thần. Bạn càng gặp ít vấn đề và càng sống vô tư, bạn càng hạnh phúc. Thứ năm, hạnh phúc là giao tiếp với các tiện ích điện tử. Bạn càng có thể giao tiếp với tivi, điện thoại thông minh hoặc máy tính, bạn càng hạnh phúc. Theo Tiến sĩ Treffert, năm lầm tưởng về hạnh phúc này là nguyên nhân của nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần ngày nay.

* Nếu không thể tìm thấy hạnh phúc qua năm huyền thoại của “Truyện cổ nước Mỹ”, thì chúng ta tìm nó ở đâu? Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời khi Người phác thảo các mối phúc trong bài đọc hôm nay từ Tin Mừng Luca. (Albert Cylwicki trong Lời Người vang lên).

  1. HIỆP ƯỚC KHÔNG CÓ CHÚA

Hãy nghĩ về thế kỷ trước. Thế kỷ XX bắt đầu với cuộc chiến khủng khiếp nhất mà nhân loại từng phải chịu đựng. Hàng triệu người đã thiệt mạng trên các chiến trường. Họ gọi đó là Đại chiến. Chúng ta gọi đó là Chiến tranh thế giới thứ nhất. Vào năm 1919, một trăm lẻ ba năm trước, các quốc gia chiến thắng đã tập hợp tại Versailles để lập một hiệp ước, theo họ, sẽ đảm bảo rằng Đại chiến này sẽ là cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến. Vào thời điểm hiệp ước được ký kết, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV đã nói rằng hiệp ước và hòa bình sẽ không có kết quả. Trong hiệp ước không có đề cập nào về Chúa, không nói đến các giá trị vĩnh cửu và thiêng liêng. Hiệp ước hoàn toàn tin vào khả năng con người để khôi phục hòa bình cho thế giới. Như tất cả chúng ta đều biết, Đức Giáo hoàng đã đúng. Trong vòng hai mươi năm, thế giới đã tham gia vào một cuộc chiến thậm chí còn tồi tệ hơn, Chiến tranh thế giới thứ hai. – Việc phụ thuộc tối đa vào khả năng của con người là một điều giả tạo. Nó không kết quả với những người trong thời của Giêrêmia. Nó không hoạt động sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nó sẽ không hoạt động ngày nay. Một bài học mà chúng ta cần rút ra từ lịch sử, đó là niềm hy vọng thực sự của chúng ta phải ở nơi Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết sự thật này. Vua Do Thái muốn liên kết sức mạnh với người Babylon thông qua các hiệp ước quân sự. Giêrêmia được Chúa bảo phải tuyên bố rằng con người không thể tự giải quyết vấn đề của mình. Nhưng nhà vua không nghe, và kết quả là sự xâm lược của người Babylon và sự lưu đày hàng ngàn người Do Thái trong nhiều thập kỷ. (Msgr Joseph Pellegrino).

  1. TIN LỜI CHÚA

Một lúc nào đó, một người nọ đã đủ can đảm hỏi thánh Têrêsa Calcutta (Mẹ Têrêsa): “Tại sao bà lại tiêu tốn quá nhiều sức lực cho những người nghèo khổ, đói khát và bất hạnh ở Calcutta?” Bà trả lời: “Chúa Giêsu nói người nghèo là những người có phúc. Tôi vâng nghe lời Chúa. Tôi coi họ như hoàng tộc của vương quốc Thiên Chúa, bởi vì họ là như vậy”. – Để trở thành một Kitô hữu, một nỗ lực không nhỏ trong chúng ta là nhìn thế giới như Chúa nhìn. Đó là phải có được đôi mắt mới để nhìn mọi người và các sự kiện từ một quan điểm yêu thương vĩnh cửu. Khi điều đó bắt đầu xảy ra, bạn bắt đầu thấy rằng Thiên Chúa có ý kiến về việc nên sống thế nào, Giáo hội nên làm gì và mọi người nên hành động như thế nào. Bạn bắt đầu thấy rằng tương lai thuộc về những người mà Chúa chúc phúc. Họ bao gồm người nghèo, người đói, người vô vọng, người bị thiệt hại, và những người mà sự cứu rỗi duy nhất của họ được tìm thấy trong Thiên Chúa, Đấng đến để cứu chuộc.

  1. THÁI ĐỘ ĐÁNG KHEN NGỢI

Có một người nông dân. Ông ấy đã sống một cuộc sống hạnh phúc khi dành phần lớn thời gian để chăm sóc trang trại với sự hỗ trợ của con ngựa của mình. Một ngày nọ, ông bị mất con ngựa. Hàng xóm đến chia buồn với ông. Họ nói: “Thật là xui rủi”. Ông đã trả lời: “Ai biết được? Chỉ Chúa mới biết!” Một tuần sau con ngựa này quay lại với một con ngựa khác. Những người hàng xóm đến chia vui cùng ông. Họ nói: “Thật là một may mắn”. Ông đã trả lời: “Ai biết được? Chỉ Chúa mới biết!” Một ngày nọ, khi đang cưỡi ngựa, con trai ông bị ngã xuống ngựa và gãy chân. Một lần nữa những người hàng xóm đến để bày tỏ sự cảm thông của họ. Họ nói: “Thật là không may”.  Ông trả lời: “Ai biết được? Chỉ Chúa mới biết!” Một tuần sau, một cuộc chiến đã nổ ra trên đất nước của họ. Nhà vua ra lệnh cho tất cả nam giới trên 18 tuổi phải tham gia quân đội. Họ tha cho con trai của ông vì anh ta bị gãy chân. Một lần nữa hàng xóm đổ xô đến nhà anh. Họ xuýt xoa; “Thật là một may mắn” Người nông dân đáp: “Ai biết được? Chỉ Chúa mới biết!” .

* Có ai thực sự hạnh phúc không? Theo báo cáo của Viện sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Theo các chuyên gia, số liệu này có thể tăng lên mỗi năm. Có ai thực sự hạnh phúc không?

  1. AI THỰC SỰ HẠNH PHÚC

Trên đời này có ai thực sự hạnh phúc không? Samuel Johnson đã từng viết một cuốn tiểu thuyết mang tên Rasselas, trong đó nhân vật chính, một hoàng tử xứ Abyssinia, sống trên một đỉnh núi trong bình lặng và xa hoa, nhưng anh ta lại không hài lòng với cuộc sống của mình bị vây kín trong bốn bức tường và cuối cùng đã mạo hiểm đi ra ngoài thế giới để tìm kiếm những người hoàn toàn hạnh phúc. Trước sự ngạc nhiên của mình, anh phát hiện ra rằng không có người nào như vậy tồn tại trên thế giới này. Anh vỡ mộng trở về nhà của mình ở Abyssinia. Trên đời này có ai thực sự hạnh phúc không?

  1. TÔI SẼ HẠNH PHÚC

Cha Louis Everly, một nhà thần học, linh mục và nhà văn người Bỉ nổi tiếng nói rằng rất nhiều người không bao giờ tìm thấy hạnh phúc bởi vì họ không biết tìm kiếm nó ở đâu. Quá nhiều người đã mắc sai lầm khi tìm kiếm thêm một thứ vật chất, mong một lần tăng lương, thêm một lần thăng chức, thêm một lần giải quyết vấn đề, thêm một lần vượt qua tật nguyền. Họ thường nói: “Giá như tôi có được điều đó, tôi sẽ hạnh phúc.” – Quá muộn để họ biết rằng hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong. Howard Hughes là một trong những người giàu nhất từng sống nhưng ông không thể mua được sự hài lòng hay yên tâm. Đó là điều hiển nhiên khi chúng ta suy niệm về các Mối Phúc. Hạnh phúc không đồng nghĩa với việc theo đuổi lạc thú.

  1. CĂN BẢN LỜI CHÚA

Tôi thích câu chuyện kể về một nhà máy gặp vấn đề với việc nhân viên ăn cắp. Công ty đã thuê một tổ chức bảo vệ để giúp giải quyết vấn đề này. Họ đặt lính gác ở tất cả các lối ra vào và họ phải kiểm tra từng nhân viên khi họ rời đi trong ngày. Họ lục soát quần áo và hộp cơm trưa để đảm bảo rằng không ai lấy bất cứ thứ gì ra ngoài. Mỗi ngày có một anh chàng đến với chiếc xe cút kít đầy rác. Ngày nào nhân viên cũng chặn anh ta lại và xới tung tất cả những thứ rác rưởi trong xe cút kít. Phải mất vài phút mỗi ngày để tìm kiếm những thứ rác rưởi. Mỗi ngày đều giống nhau – không có gì ngoài đồ bỏ đi trên xe cút kít. Cuối cùng, nhân viên bảo vệ nói: “Này, anh bạn, tôi biết có chuyện gì đó đang xảy ra. Mỗi ngày bạn đi qua đây và tất cả những gì chúng tôi tìm thấy trên xe cút kít đều là đồ bỏ đi. Nếu bạn hứa sẽ cho tôi biết chính xác những gì đang xảy ra, tôi hứa sẽ không đụng chạm tới bạn. Hãy nói cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra. Anh chàng cười toe toét và nói: “Tôi đang ăn trộm xe cút kít.”

* Câu chuyện đó có hai sự thật mà tôi muốn bạn ghi nhớ: 1) Mọi thứ có thể không phải lúc nào cũng như nó có vẻ; và 2) Đừng tìm trong cái tầm thường để có câu trả lời rõ ràng nhất về ý nghĩa và bản chất của cuộc sống. Nó phải được tìm thấy trong Lời Chúa. Nó được tìm thấy trong trái tim của bạn.

  1. HẠNH PHÚC CỦA SỰ CHO ĐI

John D. Rockefeller, Sr., là một triệu phú ở tuổi 23. Ở tuổi 50, ông là một tỷ phú. Ông là người giàu nhất thế giới, nhưng lại là một người giàu có khốn khổ. Ở tuổi 53, ông đã bị hao mòn bởi các bệnh về thể chất và ung thư. Ông là một người chỉ biết thu gom, không phải là một người cho đi. Ông luôn cố gắng kiếm nhiều tiền hơn, ông là một kẻ tham lam. Lòng tham đã tiêu diệt ông đến mức ở tuổi 53, các bác sĩ nói với ông ta rằng ông chỉ còn một năm nữa để sống. Chỉ một năm thôi. Đây là một tỷ phú, người giàu nhất thế giới và tất cả những gì ông ta có thể ăn trong năm đó, tất cả những gì dạ dày của anh ta có thể tiêu hóa là sữa và bánh quy giòn. Người đàn ông này có thể mua bất kỳ nhà hàng nào trên thế giới; ông ta có thể có bất kỳ thức ăn nào trước mặt ông trên bàn, nhưng nó sẽ không tốt cho ông. Chính vào năm đó, Rockefeller bắt đầu nhìn lại cuộc đời mình. Ông nói: “Tôi có tất cả những tài sản lớn lao này, nhưng tôi chưa bao giờ là người cho đi.” Chính lúc đó ông quyết định trở thành một người cho đi. Ông đã cống hiến cho Nhà thờ, cho bệnh viện, cho các quỹ, và cho nghiên cứu y học. Nhiều khám phá mà chúng ta đã có trong y học hiện nay đến từ tiền do Quỹ Rockefeller cung cấp.

* Người đàn ông chỉ còn một năm để sống ở tuổi 53, đã thực sự bắt đầu sống và cho đi, và bạn có biết điều gì đã xảy ra với anh ta không? Ông bắt đầu loại bỏ tất cả những điều tiêu cực bên trong đang giết chết ông. Ông đã thoát khỏi căng thẳng, lo âu và bệnh ung thư của mình, và ông sống đến chín mươi tuổi, một vị thánh đối với nhiều người.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm