Chúa Nhật VII Thường Niên Năm C
CHÚA NHẬT VII MÙA THƯỜNG NIÊN.
Ngày 23/02/2025
Thánh vịnh tuần III.
Giáo xứ Trà Kiệu Chầu Thánh Thể.
GIÁO HUẤN SỐ 13
Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ
TRONG CẦU NGUYỆN LIÊN LỈ (tiếp theo)
“Việc đọc lời Chúa trong tâm tình cầu nguyện – lời “ngọt hơn mật” (Tv 119,103) nhưng cũng là “thanh gươm hai lưỡi” (Dt 4,12) – có thể giúp chúng ta dừng lại và lắng nghe tiếng nói của Tôn Sư. Nó trở thành một ngọn đèn soi chân ta bước và ánh sáng chỉ đường ta đi (x. Tv 119,105). Như các giám mục Ấn Độ lưu ý: “Lòng yêu mến lời Chúa không đơn thuần là một trong những việc mộ đạo, vốn đẹp đẽ nhưng tùy chọn. Nó đi vào trong chính trái tim và căn tính của đời sống Kitô hữu. Lời Chúa có năng lực biến đổi đời sống”.
Việc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh Kinh dẫn chúng ta đến với cử hành Thánh Thể, ở đó lời ghi trong sách đạt được hiệu lực cao quí nhất của nó, vì đó chính là Lời sống động trong hiện tại. Trong Thánh Lễ, vị Thiên Chúa độc nhất và đích thực nhận được sự tôn thờ tuyệt hảo mà thế giới có thể dâng cho Ngài, vì chính Đức Kitô được hiến dâng. Khi rước Thánh Thể, chúng ta làm mới lại giao ước với Ngài và cho phép Ngài thực hiện công trình biến đồi đời sống mình cách trọn vẹn hơn.” (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 156&157).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1Cr 15,45-49; Lc 6,27-38
Bài Ðọc I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23
“Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.
Abisai liền nói với Ðavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”. Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.
Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót. (c. 8a).
Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.
Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.
Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.
Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 45-49
“Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 6, 27-38
“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1Cr 15,45-49; Lc 6,27-38
LÀM VIỆC BÁC ÁI ĐỂ ĐƯỢC ƠN THÁNH
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Qua Sắc chỉ Spes non confundit (“Niềm hy vọng không gây thất vọng”), và theo thông tri của Tòa Ân Giải nhấn mạnh đến việc lãnh nhân ơn Toàn Xá của Năm Thánh 2025 rằng ngoài các chuyến hành hương hoặc viếng thăm các Nhà Thờ và các nơi thánh đã được chỉ định, các tín hữu được ơn toàn xá dĩ nhiên, nhưng “các tín hữu còn có thể nhận được ơn Toàn Xá nhờ việc làm việc bác ái cho tha nhân về mặt thể xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ trần truồng mặc, tiếp đón khách lạ, giúp đỡ người bệnh, thăm tù nhân, chôn cất người chết cũng như về mặt tinh thần: khuyên bảo kẻ nghi ngờ, dạy dỗ kẻ mê muội, cảnh báo kẻ có tội, an ủi kẻ âu sầu, tha thứ kẻ xúc phạm, kiên nhẫn chịu đựng kẻ quấy rầy, cầu xin Thiên Chúa cho kẻ sống và kẻ chết. Như thế, Sắc chỉ khẳng định rằng qua những cử chỉ thương xót này kèm theo việc đọc kinh Tín Kính, Kinh Lạy Cha và cầu theo ý Đức giáo Hoàng, các tín hữu sẽ có thể lãnh nhận ơn toàn xá nhiều lần, thậm chí hàng ngày. Như vậy, Năm Thánh này thêm phần làm việc bác ái và tha thứ cho mọi người một trong những nét độc đáo của chúng ta, những người hành hương hy vọng.
Các bài Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay giúp chúng ta hiểu cái nét độc đáo này để rồi chúng ta sống Lời Chúa dạy không chỉ trong Năm Thánh này mà còn suốt cuộc đời hầu chúng ta được ơn sủng Chúa dồi dào trong cuộc sống. Cụ thể, bài đọc 1, Sách Samuen kể Saul là vị vua đầu tiên của con cái Israen. Ông đã có thời được Chúa tin dùng và chúc phúc. Nhưng ông đã bất trung, làm nhiều điều tội lỗi, khiến Chúa phải chọn một người khác để thay thế ông, đó là Ðavít. Chúa cho Ðavít thắng được tên Gôliát từng đe dọa thách thức con cái Israel. Nhờ đó Ðavít được dân chúng khen ngợi và ông được đưa vào đền vua. Từ đó, vua Saul ghen ghét và thù Ðavít. Bao nhiêu cạm bẫy ông đặt ra, Ðavít đều thoát khỏi. Ðavít biết thân phận đành bỏ trốn, lang thang lâu năm nơi đất khách quê người và thường ở trong sa mạc để ẩn núp vua Saul. Nhưng Saul vẫn không buông thả. Thế rồi, ông lấy cả 3,000 tinh binh, thân hành di truy lùng giết Ðavít. Trong đêm, vua Saul đang nằm ngủ, quân binh thì đóng trại chung quanh. Ðavít nhìn thấy và đem theo một người bộ hạ. Ðavít đã có thể đến gần Saul mà chẳng ai biết gì. Sung sướng, tên bộ hạ xin phép hạ thủ Saul. Ðavít không cho, chỉ lấy cây giáo cấm xuống đất trước đầu vua Saul rồi bỏ sang đến bên kia sườn núi. Ðavít mới lên tiếng đánh thức quân binh của Saul và nói cho họ: “hôm nay ĐỨC CHÚA đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong. Hôm nay con đã coi trọng mạng sống cha, thì xin ĐỨC CHÚA cũng coi trọng mạng sống con như vậy, và giải thoát con khỏi mọi cảnh ngặt nghèo”. Ở đây, chúng ta thấy Ðavít không tỏ ra là một tay anh hùng, nhưng chỉ là một tâm hồn đạo đức, lòng kính sợ Chúa và luôn giữ lời Chúa truyền dạy yêu thương và tha thứ cho kẻ thù.
Đến Bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta “hãy yêu mến thù địch và làm ơn cho những người oán ghét các ngươi, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa, khẩn cầu cho kẻ ngược đãi, đừng xét đoán và lên án người ta. Rõ ràng, tinh thần bác ái thương xót của Chúa Giêsu kiên toàn hơn Cựu ước: yêu thương, tha thứ, làm ơn và đừng xét đoán lên án tha nhân ngay kẻ địch thù ta. Vậy tinh thần mới của Phúc Âm bây giờ không giống như các lệnh truyền thời Cựu Ước nữa. Chúa Giêsu đã đến thiết lập Nước Trời, không đóng khung trong một dân tộc và truyền thống của dân tộc ấy, nhưng mở rộng hai cánh tay trên thập giá để đón nhận mọi tâm hồn thống hối ăn năn. Người đến đem tình yêu cứu độ đến cho mọi người tội lỗi. Đó chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Người thương xót con cái loài người, trước đây thù địch với Người và với nhau. Người cho Con Một của Người xuống thế, đem lòng thương xót đó đến hòa giải hết thảy nên một dân tộc mới là đoàn con và là đoàn chiên của Chúa. Chính lòng thương xót đã đổi mới họ và ban cho họ sự sống mới, sự sống của lòng thương xót, khiến ai có sự sống mới cũng phải đầy lòng thương xót như Chúa. Cho nên từ đó, các môn đệ của Chúa Giêsu không còn được kỳ thị ai nữa ngay cả những kẻ bắt bớ mình, các ngài cũng phải theo gương Chúa trong mầu nhiệm Cứu Thế; chấp nhận sỉ nhục, đau thương và khẩn cầu chúc phúc cho kẻ làm khổ mình và làm ơn cho cho tha nhân đặc biệt như Chúa. Vì vậy, Thánh Phalô trong bài đọc hai dạy chúng ta rằng theo bản tính tự nhiên chúng ta muốn đối xử với mọi người theo cách thế gian là yêu bạn hữu ghét thù địch. Nhưng ơn của Chúa, theo tinh thần mới của Phúc Âm mà chúng ta nhận được khi tái sinh trong phép rửa, thúc giục chúng ta hãy luôn thi hành lệnh truyền của Chúa là yêu mến, tha thứ và làm ơn cho thù địch, không xét đoán và lên án họ.
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta hãy luôn theo gương lòng thương xót của Chúa Giêsu biểu lộ đặc biệt trong mầu nhiệm Cứu Thế để chúng ta luôn có nếp sống và thái độ yêu thương, tha thứ và làm ơn cho mọi người vì chưng Chúa Giêsu xác quyết rằng anh chị em đừng xét đoán, đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán và lên án mình. Anh chị em hãy tha thứ họ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha mình. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh chị em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy. Đặc biệt trong Năm Thánh này, chúng ta hãy tích cực thi hành việc bác ái như Hội Thánh dạy để được ân sủng Chúa cho chính mình đồng thời làm lan tỏa trên khắp thế giới niềm vui và sự bình an của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Amen.
SUY NIỆM II
HÃY NHÂN TỪ NHƯ CHA CHÚNG TA TRÊN TRỜI
(Hội An 23/2/2025)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Khi người thông luật đến hỏi Chúa Giê-su: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Lc 10,25), Chúa Giê-su đã trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Yêu người thân cận đã là cách sống triệt để lời Chúa đòi hỏi các môn đệ rồi, nhưng chưa đủ, Chúa còn đòi buộc những người theo Chúa sống yêu thương cao độ như Chúa đã sống, là “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27). Không ai bảo rằng lời Chúa dạy dễ nghe và dễ chịu cả, chính Chúa Giê-su đã nói: Ngài không đến để đem hòa bình, nhưng đem sự chia rẽ. Đối với lời Chúa hôm nay, điều đó có nghĩa, giữa những người nghe lời Chúa sẽ có sự chia rẽ: có người nghe lời Chúa và sống theo và có người không nghe lời Chúa. Chỉ những ai nhận ra mình thuộc về Chúa Giê-su và là môn đệ Chúa, sẽ sống theo gương Chúa đã sống, đó là yêu thương mọi người, kể cả những kẻ thù ghét mình.
- “Nhân từ” là Danh của Thiên Chúa
Chúng ta có xu hướng tự nhiên hướng đến trả thù và trả đũa, thậm chí còn thâm thù nữa. Một vua Trung Quốc (Việt Vương Câu Tiễn?) đã chẳng nói: “Quân tử 10 năm trả thù chưa muộn” đó sao? Người Việt đã chẳng có câu: “Thù này ắt hẳn còn lâu, trồng tre làm gậy gặp đâu đánh què!” đó sao?
Về phần Chúa Giê-su, Ngài dạy chúng ta: “Hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). “Nhân từ” là Danh của Thiên Chúa. Mạc khải về Danh của Thiên Chúa, trong lần thứ nhất Thiên Chúa mạc khải cho Mô-sê biết Danh Ngài là “Gia-vê”, lần thứ hai cho biết Danh Ngài là “Đức Chúa” và lần thứ ba cho biết Danh Ngài là “Chúa nhân hậu và từ bi” (Xh 34,6)[1]. Lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ trong thời Cựu ước lẫn Tân Ước. Trong Cựu ước, Thiên Chúa tỏ lòng nhân từ với dân Ngài khi giải thoát họ khỏi đời nô lệ Ai-cập và đưa về Đất Hứa. Trong Tân Ước, Thiên Chúa cho dân Chúa thấy lòng thương xót của Ngài khi Ngài sai Con Một của Ngài là Chúa Giê-su xuống thế, chịu chết và sống lại tha thứ tội lỗi và cứu độ nhân loại. Thánh Phaolô xác tín: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Ngài cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!” (Ep 2,4-5).
Thiên Chúa, Đấng nhân từ và giàu lòng thương xót không phải là Thiên Chúa trừu tượng, khuôn mặt nhân từ của Ngài được bày tỏ trong con người Chúa Giê-su Ki-tô. Thánh Gioan làm chứng, Gioan và các tông đồ đã gặp gỡ Đức Giê-su nhân từ và thương xót từng được Cựu ước báo trước: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến.” Gioan và các tông đồ chứng kiến Chúa thương xót và tha thứ cho người bại liệt được hạ xuống từ mái nhà, làm cho con trai bà góa Na-im được sống lại và trao cho mẹ nó, chữa lành nhiều bệnh nhân, Ngài chạnh lòng thương khi thấy đám đông đang đói đi theo Ngài để được nghe Ngài giảng dạy. Đặc biệt, trên cây thánh giá, sau khi nghe lời thú tội chân thành của tên trộp cướp, Chúa Giê-su đã bày tỏ lòng nhân từ và thương xót của một Vị Thiên Chúa, lập tức cho anh một chỗ trong Nước Trời. Thiên Chúa nhân từ mà các tông đồ gặp thấy là Thiên Chúa đầy lòng yêu thương, dù con người bất trung, Ngài vẫn quan tâm đến nỗi khổ của con người và toàn bộ cuộc đời của Chúa tràn ngập những công trình của lòng nhân từ và xót thương. Đức Bênêđíctô quả quyết, “Chúa Giê-su là lòng thương xót của Thiên Chúa trong con người: gặp gỡ Chúa Giê-su có nghĩa là gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa.” Gioan và dân Israel, thánh Phê-rô và Phaolô và các tông đồ đã thấy và chạm đến lòng nhân từ của Chúa, thì tất cả chúng ta cũng có thể làm như vậy để lòng nhân từ của Chúa chạm đến chúng ta và những người tiếp xúc với chúng ta. Bạn có nhận ra lòng thương xót và nhận hậu của Chúa dành cho bạn và gia đình bạn không? Đừng mơ hồ tưởng tượng, chỉ cần đến gặp gỡ Chúa Giê-su, bạn sẽ ngạc nhiên vì sao Chúa yêu thương bạn đến mức ban cho bạn Thân Mình và lời của Ngài cùng các bí tích như thế.
- Hãy nhân từ như Cha trên trời
Tuy nhiên, không chỉ cho chúng ta hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa, Chúa Giê-su muốn những người theo Chúa phải minh chứng họ là con cái của Cha nhân từ trên trời và là môn đệ của Chúa Giê-su, gương mặt nhân từ của Chúa Cha, qua hành động yêu thương của họ với mọi người, kể cả với người thù ghét mình. Chúa Giê-su muốn chúng ta giành được kẻ thù của chúng ta cho Chúa, đưa mục tiêu truyền giáo lên hàng đầu trong mối tương quan của chúng ta với những người bị gọi là “kẻ thù.”
Vì thế, Chúa bảo: “Hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình,” “Hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ,” “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế,” “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” Mệnh lệnh yêu thương và nhân từ này quan trọng cho người tin Chúa, đến nỗi trong sách Châm Ngôn, Thiên Chúa chỉ thị phải đeo quanh cổ và ghi khắc tận đáy lòng (x. Cn 3,3). Và với lòng nhân từ trong trái tim, chúng ta có thể thực hiện việc nhân từ của Chúa qua lời cầu nguyện, đôi tay, ánh mắt chúng ta để trả lại sự sống cho người đang thù ghét mình.
Tuy nhiên, lòng thương xót và nhân từ của Chúa đòi hỏi chúng ta hoán cải, vì lòng nhân từ của Chúa từng biến dây thừng làm roi đuổi những người buôn bán ra khỏi đến thờ, xóa bỏ mặt nạ giả hình “loài rắn độc” của người Pha-ri-sêu và sự lì lợm trong tội lỗi của chúng ta. Làm sao có lòng nhân từ và thương xót người khác mà trong lòng ta đầy ắp hận thù và tội lỗi?
Xin Chúa cho chúng ta luôn tìm kiếm lòng thương xót của Chúa và cho lòng nhân từ của Chúa biến đổi chúng ta. Lòng nhân từ và thương xót của Chúa đã phục hồi sự sống cho những bộ xương khô như ngôn sứ Ezekiel loan báo, xin Chúa biến đổi chúng ta thành những tác nhân sống động của lòng nhân từ và thứ tha của Chúa giữa gia đình và cộng đoàn.
SUY NIỆM III
BÁC ÁI THEO TIN MỪNG – MỘT THÁCH ĐỐ
Jn.nvh
Kính thưa cộng đoàn thân mến,
Hôm nay, chúng ta mừng kính Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật VII Thường Niên, với những lời dạy của Ngài trong bài Tin Mừng, lời mời gọi chúng ta bước vào một lối sống khác biệt, một cuộc sống không theo các tiêu chuẩn của thế gian mà là theo tiêu chuẩn của tình yêu Thiên Chúa. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu thương ngay cả những kẻ thù của mình, cầu nguyện cho những người bách hại mình, và tha thứ cho những ai gây tổn thương. Những lời dạy này không chỉ là một giáo huấn tinh thần cao quý mà còn là một thử thách lớn lao trong cuộc sống hiện đại hôm nay.
Lời mời gọi yêu thương kẻ thù của Chúa Giêsu không phải là một lời mời gọi dễ dàng. Trong một thế giới đầy những xung đột và chia rẽ, nơi mà thù hận và sự trả đũa không ngừng lan rộng, việc yêu thương kẻ thù nghe có vẻ là một điều bất khả thi. Chúng ta sống trong một xã hội mà sự phân biệt sắc tộc, tôn giáo, và chính trị đang chia rẽ con người, tạo nên những bức tường ngăn cách khó vượt qua. Trong các gia đình, trong các cộng đồng, chúng ta không thiếu những mâu thuẫn và xung đột. Và trong những lúc như vậy, làm sao chúng ta có thể yêu thương và cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình?
Đúng vậy, để sống theo lời Chúa Giêsu trong bối cảnh xã hội hôm nay là một thử thách lớn. Tuy nhiên, chính trong những lúc khó khăn ấy, lời dạy của Chúa lại trở nên sáng tỏ và cần thiết hơn bao giờ hết. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu thương không phải vì người khác xứng đáng, mà bởi vì Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, kể cả những người mà xã hội có thể coi là kẻ thù. Ngài yêu thương họ, yêu thương chúng ta, yêu thương tất cả những ai cần sự cứu rỗi, không phân biệt ai là người tốt hay kẻ xấu. Đó là tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, một tình yêu không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều kiện nào ngoài chính bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.
Lời dạy này có thể khó thực hiện, nhưng khi nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy một mẫu gương tuyệt vời về việc sống và thực hành tình yêu ấy. Trên thập giá, trong giây phút đau đớn tột cùng của sự khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho những người giết hại Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chúa Giêsu không chỉ yêu thương những người thân cận, những người bạn hữu, mà Ngài còn yêu thương những người thù nghịch lại mình, những người làm tổn thương Ngài. Đó là một tình yêu vượt qua mọi giới hạn của tự nhiên, một tình yêu đến từ Thiên Chúa, một tình yêu mà chúng ta, với tất cả sự yếu đuối và giới hạn của mình, cũng được mời gọi sống.
Chúng ta không thể không nhắc đến những vị thánh, những người đã đi theo con đường mà Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta. Thánh Maximilian Kolbe, một linh mục Dòng Phanxicô, là một ví dụ sáng ngời về sự tha thứ và tình yêu vô điều kiện. Trong trại tập trung Auschwitz, khi một người tù khác bị chọn làm hy sinh để trả thù cho một cuộc trốn thoát, Kolbe đã tự nguyện thay thế và hy sinh mạng sống của mình. Ngài không chỉ tha thứ mà còn hành động để cứu người khác. Đây chính là mẫu gương sống động về tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu dám đi đến tận cùng, dám hy sinh chính mình vì người khác.
Nhưng, thưa anh chị em, sống theo giá trị Tin Mừng tình thương của Chúa Giêsu không chỉ là một nhiệm vụ cao đẹp trong lĩnh vực tôn giáo hay đạo đức. Nó là một lời mời gọi cụ thể để chúng ta đối diện với những thách thức của xã hội ngày nay. Trong một thế giới ngày càng trở nên phân mảnh và chia rẽ, sống theo Tin Mừng tình thương có thể là một điều khó khăn. Các phương tiện truyền thông, sự chia rẽ trong chính trị và xã hội, những cuộc tranh luận gay gắt – tất cả những điều này làm cho việc yêu thương và tha thứ trở thành một thử thách đầy gian truân.
Những thách thức này không chỉ là những vấn đề xa vời mà chúng ta thấy trong các cuộc xung đột quốc tế. Nó còn hiện diện ngay trong chính cuộc sống thường nhật của chúng ta. Trong gia đình, giữa bạn bè, trong cộng đồng, chúng ta vẫn thường xuyên đối diện với sự hiểu lầm, sự tổn thương, và thậm chí là những cuộc xung đột. Làm sao chúng ta có thể yêu thương và tha thứ trong những lúc như thế? Làm sao chúng ta có thể sống lời mời gọi của Chúa Giêsu khi mà sự trả thù, sự nghi ngờ và sự ích kỷ luôn tìm cách chiếm lĩnh tâm hồn chúng ta?
Câu trả lời là trong chính lòng kiên trì và lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Chúng ta không thể tự mình sống theo lời dạy này của Chúa Giêsu nếu không có ơn Ngài. Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta thực hiện điều này, giúp chúng ta vượt qua sự yếu đuối và giới hạn của bản thân để sống một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu không phân biệt, một tình yêu dám hy sinh vì người khác. Khi chúng ta cầu nguyện cho những người bách hại mình, chúng ta không chỉ làm điều đó vì họ, mà là vì chính chúng ta. Cầu nguyện giúp chúng ta thanh tẩy tâm hồn, giúp chúng ta giải thoát khỏi những cơn giận dữ, sự thù hận, và giúp chúng ta mở lòng ra với tình yêu của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, trong thời đại này, sống theo Tin Mừng của tình thương không chỉ là một thử thách về mặt đạo đức, mà còn là một thách thức lớn về mặt xã hội. Tuy nhiên, chính những thử thách ấy lại là cơ hội để chúng ta làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong một thế giới đầy rẫy những thù hận và chia rẽ. Nếu chúng ta có thể sống như thế, thì chúng ta sẽ là những chứng nhân đích thực của tình yêu, của sự hòa bình, và của Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã rao giảng.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống theo lời dạy của Ngài, biết yêu thương và tha thứ, để qua đó, tình yêu Thiên Chúa sẽ được thể hiện rõ ràng trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình, trong cộng đồng và trong thế giới này.AMEN.
SUY NIỆM IV
LẤY NHÂN ÁI ĐÁP LẠI HẬN THÙ
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.
Mục Lục Bài Viết
Đi đến tận cùng là gặp gỡ Thiên Chúa
Trước Công Nguyên ít lâu, một vị Thầy người Do Thái nhắn nhủ các môn đệ của mình: “Điều gì bạn không thích, đừng làm cho người khác. Đó là tất cả lề luật, những điều khác chỉ là giải thích” (Hillel). Đức Giêsu không thỏa mãn với thái độ này. Người kêu gọi những kẻ tin vào Người phải đi đến một biến đổi sâu xa hơn về nhận thức: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét anh em… Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” Theo cái nhìn của Đức Giêsu, thì từ nay không có ai bị loại ra khỏi tình yêu, kể cả những địch thù, những kẻ bách hại.
Yêu mến kẻ thù! Sao lại có thể như thế được? Sao không đánh lại họ, nếu không, chính mình sẽ bị họ tiêu diệt? Lời mời gọi này của Đức Giêsu lại không đưa người ta tới chỗ diệt vong, tới chủ trương tìm đau khổ sao? Hơn nữa, lời kêu gọi này lại không phá đổ mọi nền tảng của xã hội sao?
Đàng khác, nếu để ý đến những cuộc chiến đấu chính Đức Giêsu đã trải qua, người ta sẽ nghĩ gì về lời kêu gọi này? Những cuộc chiến đấu ấy chẳng êm dịu chút nào: Đức Giêsu đã thẳng thắn khai trừ những kẻ chống lại Người, Người đã đe phạt họ sẽ phải chết muôn đời.
Tuy nhiên, vấn đề cần phải tìm hiểu trước tiên là yêu mến lại nhất thiết loại trừ mọi thứ đấu tranh, mâu thuẫn và xung đột. Có những cách chiến đấu có thể là cửa ngõ đưa đến hòa giải!
Nhất là mỗi người phải biết rằng mình đối xử thế nào với chính mình. Để yêu mến kẻ thù, trước hết cần phải học yêu mến chính mình, tức là mỗi người đón nhận mình như Thiên Chúa yêu thương, cùng với mọi khiếm khuyết, mọi mâu thuẫn của mình. Mỗi người cần phải tập hòa giải với “người khác này”, tức là chính mình, vẫn không ngừng gây xáo trộn và tàn phá từ bên trong. Chỉ người nào nhìn nhận chính mình đã bị sự dữ xâm nhập, chỉ người nào vẫn kiên trì chiến đấu chống lại sự dữ mới có thể nhận ra kẻ thù nơi anh em mình, dù rằng họ rất đáng tội.
Một trong những nét hấp dẫn nhất trong nhân cách của Đức Giêsu là sự thống nhất cả đời sống. Người ta nhận thấy Đấng cứu chuộc nhân loại đã đi đến tận cùng sâu xa nhất của cuộc sống, của chính mình. Người đã đương đầu với những cám dỗ liên quan đến những nhu cầu nền tảng của cuộc sống (là điều mà trình thuật cám dỗ muốn diễn tả). Người đã chiến thắng những cám dỗ ấy: nhờ vậy, Người có thể hoàn toàn mở rộng với người khác, dù đó là kẻ hành hạ mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ …” (x. Lc 23,34).
Đó là tiếng kêu cuối cùng bày tỏ thái độ nền tảng của Đức Giêsu đối với những kẻ đã hành hạ và đóng đinh Người vào thập giá. Như thế, đi đến tận cùng cuộc sống cũng chính là gặp gỡ với Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa đã dựng nên con người và không bao giờ thất vọng vì con người, ngay cả khi họ đứng lên chống lại Người.
Cái vòng cương tỏa
Trong cuộc sống, có một số thực tại tự nó gợi lên một vài phản ứng; chẳng hạn: kẻ thù là kẻ bị người ta ghét; kẻ trộm là kẻ bị người ta tìm bắt để tống giam. Hoạt động của người này và phản ứng của người kia tạo nên một thứ vòng tròn mà hình như người ta không thể thoát ra được.
Nhưng Đức Giêsu đã phá vỡ vòng tròn ấy. Người mời gọi các kẻ thuộc về Người đi ngược lại điều “có vẻ” là tốt. Người mời gọi nhân loại thiết lập một tương quan khác, dựa trên ân sủng. Đối với kẻ thù, người ta sẽ làm điều thiện; đối với kẻ chiếm đoạt, người ta cứ trao tặng thêm nữa. Như vậy tiến trình của sự chết bị ngưng lại, một tiến trình mà nhân loại vẫn đưa mình vào. Thay thế vào đó là tiến trình sinh động của sự sống.
Đây quả là một thái độ liều lĩnh. Chấp nhận ra khỏi vòng tròn mà trong đó người ta chắc chắn sẽ tìm lại điều đã trao tặng, đó là tự gây nguy hiểm cho mình. Chấp nhận phá vỡ biên giới của những nhóm nhỏ giữa những người quen biết nhau, những người biết rằng mình có thể chờ đợi điều gì đó nơi người kia, đó là dấn mình vào chỗ nguy hiểm. Thế nhưng, chính thái độ này lại giúp khám phá ra cuộc sống mở rộng: đó là tự tái tạo từ bên trong, đó là đạt tới tầm mức bao la của vị Thiên Chúa giàu lòng nhân ái.
Thiên Chúa là Đấng vẫn đối xử nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Tình yêu vô biên của Người không lệ thuộc vào ai cả, tình yêu ấy hoàn toàn tự do. Vì vậy, Thiên Chúa luôn là Đấng nhân từ và thương xót, luôn là Đấng tha thứ, không giới hạn. Chính tình yêu này, chính mầu nhiệm này là nền tảng cho thái độ sống của người Kitô hữu.
Những ai có thể đi vào nhãn quan này, họ sẽ nhìn thấy một thế giới mới mở ra. Chỉ khi nào chấp nhận và sống theo quan điểm này, người ta mới có thể nói đến phần thưởng. Ngược lại, người ta cũng chỉ có thể bước vào thế giới này, chỉ có thể lãnh nhận phần thưởng một khi biết gạt bỏ mọi thứ so đo, tính toán hơn thiệt. Chỉ khi nào biết tặng ban, người ta mới đạt tới tầm mức viên mãn trong ân sủng của Thiên Chúa.
Để cho người khác được sống
Chúng ta biết rằng sự tha thứ hay đức ái không hề là tình yêu dễ dàng, mau chóng làm thỏa mãn con người hay lý sự và tính toán của chúng ta. Đức ái không thể lẫn lộn với bất cứ đức tính nhân loại nào mà chúng ta để ra do lợi ích riêng tư của mình. Ai trong chúng ta có thể nghĩ rằng mình dám lấy điều tốt đáp lại hận thù, lấy lời chúc lành đáp lại lời nguyền rủa, lấy lời cầu nguyện đáp lại thái độ tệ bạc?
Chính Đức Giêsu đã đi đến cùng các thái độ này. Người đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa khi tha thứ cho những kẻ bách hại mình. Người là hình ảnh trung thực về một tình yêu vô vị lợi, tình yêu trao tặng …
Yêu mến không giới hạn là gì? Đó là yêu thương người khác để họ được sống, được tham dự vào bàn tiệc, dù cho tôi có bị người khác chà đạp, dù cho chẳng ai còn nhớ đến tôi.
Đó là yêu thương người khác cách nhưng không, và không phải với một tâm hồn quanh co. Đó là yêu thương với đôi mắt sáng: không phải muốn biến mình thành một quan tòa, nhưng vì mỗi người là một đơn vị duy nhất và được Thiên Chúa cứu độ.
Đó là yêu thương mà không dành lấy quyền nói lời sau hết, dám chấp nhận nguy cơ mình có thể bị lừa, và biết trao tặng vượt quá những gì thuộc tiêu chuẩn.
“Ước chi lòng thương xót luôn ngự trị nơi anh, cho đến lúc anh cảm thấy nơi mình lòng thương xót mà Thiên Chúa muốn bày tỏ với thế giới”(Isaac le Syrien).
* * * * *
Khi một đứa trẻ giúp đỡ bạn làm các việc bổn phận, khi một người, một nhóm, một dân tộc không chà đạp kẻ thù đến xin tha thứ, khi các Kitô hữu, các cộng đoàn và cả Hội Thánh không đòi hỏi quyền lợi của mình trước những kẻ khinh thường mình, lúc ấy, ánh sáng mặt trời sẽ bừng lên, tình yêu của Chúa sẽ rực rỡ, và lạy Chúa, Chúa đang hiện diện ở đó. (theo N. Berthet, R. Gantoy)
GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG
Nguồn: giaophancantho.org
- MỘT CÁCH THA THỨ
Một ngày nọ thời trước, khi mọi thứ có vẻ u ám nhất đối với thế giới tự do, một người tên Adolph Hitler đã phát biểu trước một lượng lớn khán giả ở Đức. Trên hàng ghế đầu là một người đàn ông có bề ngoài rõ ràng là người Sêmit. Sau bài phát biểu của mình, Hitler bước xuống từ lễ đài, đến gần người đàn ông này và nói: “Trong khi tôi đang nói, ông lại cười. Ông đã cười về điều gì?” Người đàn ông trả lời: “Tôi không cười, tôi đang suy nghĩ.” Hitler hỏi: “Ông đã nghĩ về điều gì?” “Tôi đã nghĩ về dân tộc của mình, những người Do Thái, và ngài không phải là người đầu tiên không thích chúng tôi. Rất lâu rồi có một người đàn ông khác đã ghét bỏ chúng tôi. Tên ông ấy là Pharaô, và ông đã bắt chúng tôi làm việc cực nhọc dưới đó, ở Ai Cập. Nhưng trong nhiều năm, người Do Thái chúng tôi đã có một bữa tiệc gọi là lễ Vượt Qua và trong bữa tiệc đó, chúng tôi đã dọn một chiếc bánh nhỏ có ba góc và chúng tôi ăn chiếc bánh đó để tưởng nhớ Pharaô. Nhiều năm sau, có một người đàn ông khác không thích chúng tôi. Tên ông ta là Haman và ông đã làm hết sức mình để loại bỏ tất cả những người Do Thái khỏi vương quốc của vua Ahasuerus. Nhưng trong nhiều năm, người Do Thái chúng tôi đã có một bữa tiệc khác được gọi là lễ Purim và trong bữa tiệc đó, chúng tôi có một chiếc bánh nhỏ có bốn góc và chúng tôi ăn chiếc bánh đó để tưởng nhớ Haman. Và trong khi ngài nói chuyện, thưa ngài, tôi đã ngồi đây suy nghĩ và tự hỏi chúng tôi sẽ ăn loại bánh gì để tưởng nhớ ngài.” (John A. Redhead, Jr., Quá khứ nói đến tương lai (Nashville: Abingdon, 1995).
* Chúng ta sẽ đối xử với kẻ thù của mình như thế nào? Quý ông Do Thái này đã thực hiện điều Chúa dạy.
- PHIM BEN HUR
Chắc hẳn một số người trong chúng ta còn nhớ một bộ phim điện ảnh hoành tráng của Hollywood có tựa đề Ben Hur. Bạn có thể nhớ đến cuộc đua xe ngựa thú vị ở phần cuối. Vào thời điểm đó, Ben Hur là bộ phim Hollywood đắt nhất từng được thực hiện. Trong phim, dựa trên một cuốn sách của Lew Wallace, một người bạn cũ tên là Massala đã trở thành kẻ thù của Juda Ben Hur. Vì hành động xấu xa của Massala, Ben Hur bị bắt và buộc phải lao dịch trong một con tàu nô lệ. Trong khi đó, mẹ và em gái của anh đã bị tống vào tù. Ben Hur mất liên lạc với họ và sau đó được thông báo rằng họ đã chết. Juda Ben Hur trở về Israel với mục đích duy nhất là trả thù. Vì Massala, anh ta đã mất tất cả. Và bây giờ anh sống chỉ vì một điều: để trả thù Massala. Sự khổ tâm này làm Ben Hur hao mòn thể xác và tinh thần đến mức người yêu của anh, Esther, nhìn vào đôi mắt bị tra tấn của anh thốt lên: “Juda Ben Hur, anh đã trở thành một Massala.”
* Đó là điều mà lòng căm thù gây ra cho chúng ta. Không thể có Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta và đồng thời lại có một lòng căm ghét bất kỳ ai khác.
- YÊU KẺ THÙ
Vào ngày 30 tháng 1 năm 1956, mục sư Martin Luther King, Jr. trở về nhà sau một cuộc họp và nhìn thấy nhà của mình đã bị đánh bom trong khi vợ và con của ông đang ở trong đó. Đám đông đầy giận dữ đã tràn ra sân trước đi tìm thủ phạm. Sau một lúc, Tiến sĩ King bước ra và phát biểu trước đám đông. Đây là những gì ông ấy nói: “Chúng tôi không ủng hộ bạo lực. Chúng ta phải yêu kẻ thù của mình. Những gì chúng ta đang làm là đúng đắn, và Chúa sẽ ở với chúng ta”.
- CẦU NGUYỆN CHO KẺ THÙ
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, khi mục sư Dietrich Bonhoeffer chống lại Hitler, đã quyết định rời bỏ sự an toàn của nước Mỹ để quay trở lại Đức và lãnh đạo một Giáo hội trong phong trào kháng chiến chống lại chế độ Đức Quốc xã. Điều này đã khiến ông phải trả giá bằng mạng sống của mình. Nhưng Dietrich Bonhoeffer đã viết trong cuốn sách tuyệt vời Cái giá của đời làm môn đệ (The Cost of Discipleship) rằng: “Chúng ta đang bước vào thời đại bắt bớ lan rộng. Những kẻ thù của chúng ta tìm cách nhổ tận gốc Giáo hội Kitô vì họ không thể sống cùng với chúng ta. Vậy chúng ta phải làm gì? Chúng ta sẽ cầu nguyện. Đó là lời cầu nguyện của tình yêu tha thiết dành cho những người đứng xung quanh và nhìn chúng tôi với đôi mắt rực lửa hận thù, và những người có lẽ đã giơ tay giết chúng ta.”
* Chúng ta sẽ làm gì cho kẻ thù? Chúng ta có thể cầu nguyện. Tại sao không? Tại sao không phải là một cách sống tốt hơn?
- MÁU KHÔNG MẤT MÀU
Vào ngày 24 tháng 12 năm 1994, một thanh niên người Albania tên là Isaj đã bị sát hại. Cảnh sát đã không điều tra tội phạm, mặc dù họ biết ai là kẻ giết người: Rasim, bạn thân của Isaj. Tại sao cảnh sát không bắt Rasim? Bởi vì đó là một cuộc giết chóc trả thù, và giết người trả thù là một phần của quy tắc đạo lý căn bản ở Albania. Quy tắc đạo đức căn bản của Albania xuất phát từ Kanun, một cuốn sách luật dân gian có từ nhiều thế kỷ trước. Kanun kêu gọi trả thù tàn bạo nếu một người bị thương hoặc danh dự của họ bị xúc phạm. Tha thứ và hòa giải không phải là lựa chọn. Nếu một người từ chối giết một người khác trong mối thù đẫm máu, thì anh ta sẽ mất tất cả danh dự trong xã hội Albania. Một câu trích dẫn từ Kanun có đoạn: “Máu không bao giờ mất màu.”
* Trả thù là lẽ đương nhiên; tình yêu thì giống như Chúa Kitô.
- FRATRES PONTICICES
Vào năm 1191, Đức Giáo hoàng Clementê III đã phê duyệt một hiệp hội mới. Các thành viên bao gồm giới quý tộc, giáo sĩ và nghệ nhân. Công việc của hội gồm dọn dẹp những con đường nguy hiểm cho khách hành hương và xây dựng những cây cầu bắc qua sông và các vực sâu. Các thành viên của hội mặc trang phục mang hình ảnh của hai thứ: cây thánh giá và cây cầu. Hội được gọi là “Fratres Pontifices”, những người anh em xây dựng cầu.
* Và đó là con người mà chúng ta, những người theo Chúa Giêsu được kêu gọi trở thành. Tiến sĩ Joseph Fort Newton đã từng nhận xét: “Một người cô đơn vì họ xây những bức tường thay vì những cây cầu tương giao”. [Edward Chinn, Wonder of Words (Lima, Ohio: C.S.S. Publishing Co., Inc., 1987)
- ĐỐI VỚI KẺ THÙ
Trong cuốn tiểu thuyết Bố già II, Michael Corleone nói về nguyên tắc sau: “Hãy giữ cho bạn bè của bạn gần gũi và kẻ thù của bạn gần gũi hơn.” Xác quyết mạnh mẽ này bị nhiều lời chỉ trích. Nhưng bạn sẽ luôn học hỏi được nhiều điều từ kẻ thù hơn là từ bạn bè của bạn. Kẻ thù có thể cung cấp một nguồn sự thật chưa được khai thác rộng rãi; họ cho chúng ta lời khuyên, về chúng ta hoặc về những người chỉ trích chúng ta (nếu lời phê bình là không có cơ sở). Dù bằng cách nào chúng ta cũng nhận được thông tin có giá trị. Câu trong sách Châm ngôn 23,12 có thể được dịch là: “Đừng từ chối đón nhận những lời chỉ trích; hãy tìm tất cả sự giúp đỡ bạn có thể.”
- ĐỐI XỬ VỚI KẺ THÙ
“Hỡi con trai của ta, kẻ phỉ báng người tài đức chẳng khác gì kẻ phỉ nhổ vào trời.” Nhưng câu hỏi mà hầu hết chúng ta đặt ra là: Nếu hắn lạm dụng tình yêu của chúng ta dành cho hắn hoặc nếu hắn không chấp nhận thì sao? Chúng ta nên làm gì? Bạn, bạn sẽ làm gì? Bạn có để cho hắn làm những gì hắn muốn? Nếu hắn lạm dụng tình yêu của chúng ta đối với hắn, hắn cũng giống như người sau đây khi nghe Đức Phật giảng về việc chống ác giả ác báo, hoặc ‘răng đền răng’ trong Tin Mừng, đã quyết định xem Đức Phật có thực hành những gì ngài đã giảng không. Người đàn ông đã hét lên tất cả những lời phỉ báng và những lời thóa mạ đối với người thầy vĩ đại và gọi ngài là một kẻ ngu ngốc. Đức Phật kiên nhẫn lắng nghe. Khi người đàn ông không còn điều gì để nói, Đức Phật nói: “Con ơi, nếu một người từ chối nhận một món quà của người khác, thì món quà đó sẽ chuyển cho ai?” Người đàn ông trả lời một cách khinh bỉ: “Bất kỳ kẻ ngu nào cũng biết điều đó. Món quà sẽ trở lại với người tặng.” Đức Phật nói: “Con trai của ta, con đã chửi mắng ta rất nhiều. Ta từ chối nhận món quà của con.” Người đàn ông chết lặng. – Đức Phật nói tiếp: “Con ơi, kẻ phỉ báng người đạo đức chẳng khác gì kẻ phỉ nhổ vào trời. Nhổ không dính bầu trời; nó chỉ trở lại đất và rơi vào khuôn mặt của kẻ đã nhổ. Hay như người tung bụi bay theo gió. Bụi không đạt được mục tiêu của nó. Nó chỉ bay ngược vào mặt của người thổi nó.” (Trích dẫn bởi Cha Bennett)
- HÃY THA THỨ CHO KẺ THÙ
(Chuyện vui)
Bài giảng Chúa nhật của nhà giảng thuyết là “Hãy tha thứ cho kẻ thù của bạn”. Ông hỏi: “Có bao nhiêu người đã tha thứ cho kẻ thù?” Khoảng một nửa giơ tay. Sau đó ông lặp lại câu hỏi. Lần này khoảng 80% giơ tay. Sau đó ông lặp lại câu hỏi của mình lần thứ ba. Toàn thể cộng đoàn giơ tay, ngoại trừ một phụ nữ lớn tuổi. Nhà giảng thuyết hỏi: “Bà Jones, bà không sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù của mình sao?” “Tôi không có bất kỳ ai là kẻ thù”, bà trả lời. Nhà giảng thuyết nói: “Đó là điều khá bất thường. Bà bao nhiêu tuổi?” “Chín mươi ba.” “Bà Jones, xin hãy tiến ra phía trước và nói cho cộng đoàn biết làm thế nào một người không hề có kẻ thù”. Người phụ nữ nhỏ nhắn bước xuống lối đi và nói: “Thật dễ dàng; tôi chỉ sống lâu hơn tất cả những kẻ xấu xa đó!”
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm
[1] Walter Kasper, Mercy: The Essence of the Gospel and the Key to CHRISTIAN LIFE, (New York: Paulist Press, 2014), 46-48.