Vọng Phục Sinh – Năm C
Thứ Bảy
Trong năm, chỉ có Thứ bảy Tuần Thánh mới là ngày không cử hành phụng vụ. Giáo hội chiêm ngắm sự chết của Chúa. Giáo hội không cử hành bí tích Thánh Thể, vì bí tích nói lên sự hiện diện của Chúa.
Đức Maria là gương mẫu cho sự yên lặng của Giáo hội, gương mẫu vừa của khổ đau vừa của hy vọng. Từ thế kỷ thứ X, để thánh hiến một sự sùng kính bình dân từ lâu đời, Giáo hội đã dâng ngày thứ bảy cho Đức Mẹ.
Từ thế kỷ thứ XIII, Giáo hội đã trung thành giữ ngày Thứ bảy Tuần Thánh không có phụng vụ. Vọng phục sinh chỉ cử hành vào đêm thứ bảy rạng chúa nhật. Lễ rửa tội cho tân tòng được xen vào lễ vọng. Họ là những người bắt đầu một đời sống mới vào lúc cử hành việc Chúa Kitô phục sinh.
Có thời lễ Vọng được cử hành vào sáng thứ bảy. Đến năm 1954, Đức Piô XII đã đem trở lại chỗ cũ và lấy lại ý nghĩa của ngày lễ.
Những bài đọc trong lễ Vọng với chủ đề lớn, sâu đậm Thánh Kinh : đó là mối liên hệ giữa tạo thành và tha thứ. Chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng sáng tạo, đã tạo dựng nên con người tốt đẹp mới có thể tái tạo con người. Bằng sự tha thứ, Người đã tái sinh con người. Mầu nhiệm Phục sinh cho chúng biết con đường Thiên Chúa đã chọn để tái sinh con người : đó là sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Tín hữu đi vào mầu nhiệm cứu rỗi này qua bí tích Thánh Tẩy.
Vì thế các bản văn được chọn đọc trước hết nhắc đến việc tạo dựng, rồi đến vài chặng đường hay là những hình ảnh tiên báo lịch sử cứu rỗi.
Đêm Vọng Phục Sinh
(Lc 24,1-12)
Chả có cái chết nào nhục nhã cho bằng cái chết trên thập giá. Người Rôma trông thấy phải rùng mình ghê sợ. Thi sĩ Cicero, người Rôma, nói : “Đó là cái chết dữ dằn và kinh khiếp nhất”. Thi sĩ Tacito, cũng người Rôma, thì bảo : “Đó là cái chết bỉ ổi nhất.”
Cái chết trên thập giá bắt nguồn từ phong tục của người Ba Tư ngày xưa. Họ coi mặt đất là thánh thiêng. Những kẻ làm điều ác không đáng được chôn dưới đất. Xác của tội nhân làm ô uế đất đai, làm dơ bẩn đất thánh. Họ phải bị treo lên và để cho diều hâu, cho chim kền kền rúc rỉa. Người Rôma đã bắt chước phong tục này, nhưng chỉ thực hiện ở các nước thuộc địa và dành cho người nô lệ.
Chúa Giêsu bị treo trên thập giá. Chúa Giêsu phải chịu một cái chết nhuốc nha. Chúa Giêsu bị liệt vào hạng tội nhân, vào hạng nô lệ đê hèn.
Vì thế, chẳng lấy làm lạ : kẻ thù thì chế nhạo, khinh bỉ; người thân thì buồn sầu, thất vọng; các môn đệ ông thì bỏ trốn, ông thì bội phản… Chẳng còn ai đoái hoài, chẳng còn ai dám ra mộ ngó ngàng. Có chăng là mấy mụ đàn bà ngớ ngẩn.
Bài TM đêm nay, thánh Luca kể : “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả” (Lc 24,1-3).
Chiều thứ sáu, họ vội vàng tẩn liệm Chúa, vì trời sắp sửa bước sang ngày thứ bảy, ngày nghỉ và là ngày đại lễ Vượt Qua. Họ ngóng đợi cho ngày thứ bảy chóng qua, mong đợi ngày thứ nhất mau đến, để họ đem dầu thơm tiếp tục tẩn liệm Chúa. Nhưng khi họ đi vào, họ không thấy xác Chúa nữa, xác Chúa mất đâu rồi.
Theo tường thuật của thánh Mt, thì các nhà lãnh đạo phao vu là các môn đệ đã ăn cắp xác Chúa. Nếu các môn đệ ăn cắp, thì làm sao còn khăn liệm trong mộ. Đã ăn cắp thì phải ôm cả xác, cả khăn liệm mà chạy, chứ làm gì có giờ để cởi bỏ khăn liệm ra khỏi xác Chúa mà để lại trong mộ.
Thật ra, ở đời có mấy người tin người chết sống lại. Chính các bà ra mộ, không thấy xác Chúa, cũng không tin Chúa sống lại. Thiên thần phải hiện ra bảo các bà : “Sao các bà lại tìm Người Sống giữa kẻ chết ? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi” (24,5).
Nghe thiên thần nói, các bà cũng vẫn chưa tin, nên các thiên thần phải bảo : “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (24,7).
Có lẽ chúng ta cũng khó tin người chết sống lại. Vì thế, chúng ta tin là nhờ Lời Chúa dạy, nhờ giáo huấn của Hội Thánh.
Lời Chúa và giáo huấn mới giúp chúng ta tin sự sống lại. Không yêu mến Lới Chúa và giáo lý chúng ta cũng khó tin sự sống lại.
Do đó trong mùa phục sinh này chúng ta luôn được nhắc nhở là “Theo Kinh Thánh Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9).
———————————–
Đêm Vọng Phục Sinh
Gò Vấp 30-3-2013
Có thật Chúa Giêsu sống lại không ?
Trên đời có ai chết mà sống lại đâu.
Người ta ướp xác để làm ra vẻ người chết còn sống mà thôi.
Thế mà chúng ta, người Công giáo, lại tin Chúa Giêsu sống lại.
Chẳng những tin, mà còn mừng lễ.
Lễ Chúa sống lại là lễ lớn nhất trong các lễ.
Thật ra dễ gì mà tin.
Theo BTM thánh lễ hôm nay, thánh Luca kể : ba bà ra mộ gặp ba sự lạ :
– Sự lạ I là : Tảng đá lấp cửa mộ đã được ai đó lăn ra (Lc 24,2).
– Sự lạ II là : Hai thiên thần hiện ra (Lc 24,4)
– Sự lạ III là : Hai thiên thần bảo tin Chúa đã sống lại rồi.
Ba bà chạy về báo tin cho các tông đồ. Các tông đồ không tin, cho là “chuyện vớ vẩn” (Lc 24,11).
Riêng thánh Phêrô một mình chạy ra mộ để kiểm chứng. Thấy tấm khăn liệm, nhưng không thấy xác Chúa, ông chỉ ngạc nhiên, chứ chưa tin (Lc 24,12).
Sai hai thiên thần đến báo tin mà không tin, thì đích thân Chúa hiện ra. Chúa không bỏ, Chúa vẫn thương. Chúa thương thế đó.
Thánh Luca kể hai chuyện Chúa hiện ra :
– Chuyện I : Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau
– Chuyện II : Chúa hiện ra, trước khi Chúa lên trời.
Hai lần hiện ra này, Chúa không chỉ nghĩ đến các tông đồ, chỉ muốn các tông đồ được gặp Chúa sống lại. Chúa còn nghĩ đến chúng ta, Chúa cũng muốn chúng ta được gặp Chúa sống lại.
Vì thế, cả hai lần Chúa đều nhắc lại những lời Kinh Thánh đã nói về Chúa sống lại. Và Chúa còn dùng bữa với các ông. Khi đó lòng các ông bùng cháy (Lc 24,32), và mắt các ông mở ra mà nhận ra Chúa (Lc 24,31).
Qua hai câu chuyện, Chúa muốn nói rằng : chúng ta sẽ gặp được Chúa sống lại, khi chúng ta tham dự thánh lễ. Trong thánh lễ có Lời Chúa, có Thánh Thể. Lời Chúa và Thánh Thể là hai cơ hội tuyệt vời, để chúng ta được gặp Chúa sống lại.
Nhưng, tin Chúa sống lại có ích lợi gì cho cuộc đời chúng ta ?
Trong phòng hòa nhạc tên là Maigruge, ở thủ đô Fribourg nước Bỉ, có một tượng chịu nạn rất lạ đời, không giống như các tượng ở nhà thờ hay ở tư gia. Chúa Giêsu nằm trên thánh giá: đôi mắt Chúa mở thật to, miệng Chúa cười thật tươi. Đó là tác phẩm của một nghệ sĩ vô danh hồi thế kỷ XVI.
Khi chiêm ngắm pho tượng, cha Ducarroz đã viết những dòng chữ sau đây : “Tôi thích cái miệng cười của Chúa bị đóng đinh. Nụ cười đó không làm cho Chúa giả đò đau khổ, giả đò chết, song diễn tả một niềm vui vô biên, mà Chúa Giêsu ban cho loài người, dù loài người đã giết Chúa.”
Niềm vui vô biên Chúa ban cho loài người, khi Chúa nằm trên thánh giá lại còn được người nghệ sĩ tài ba diễn tả qua một pho tượng đứng dưới thánh giá. Thay vì Đức Mẹ và thánh Gioan như các nghệ sĩ khác thường vẽ, thường tạc, ông đã tạc pho tượng Ađam, ông tổ của loài người. Ông Ađam, thân hình tiều tụy, nhưng đôi mắt ông mở to, đôi mắt ông sáng như hai ngọn đèn. Ông ngước nhìn lên thánh giá, và miệng ông cũng cười thật tươi.
Chúa ở trên thánh giá cười,
để ông Adam đứng dưới thánh giá được cười.
Chúa cười, để loài người tội lỗi được cười.
Chúa sống lại, để loài người phải chết được sống.
Tội lỗi đã được tha. Sự chết đã thất bại,
Sự sống đã chiến thắng.
Chúa đã sống lại thật rồi. Halleluia. Amen
Linh mục Nguyễn Trung Thành