Chúa Nhật Phục Sinh – Năm C


Trong ngày lễ Phục sinh này, Phụng vụ Lời Chúa đặt trọng tâm vào việc Chúa phục sinh. Bài đọc 1 không còn đọc các bài Cựu Ước nữa, mà đọc các bài Tân Ước. Vì Chúa Giêsu đã hoàn thành lời Kinh Thánh, nên Giáo hội không còn lý do để đọc những bản văn có tính tiên báo. Từ lễ Phục sinh đến lễ Hiện xuống, bài đọc một lấy nơi sách Công vụ Tông đồ. Đó là truyền thống đã lâu đời, từ thế kỷ thứ IV.

 

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

(Ga 20,1-9)

Trong phòng hòa nhạc tên là Maigruge, ở thủ đô Fribourg nước Bỉ, có một tượng chịu nạn rất lạ đời. Chúa Giêsu nằm trên thánh giá: đôi mắt Chúa mở thật to, miệng Chúa cười thật tươi. Tác phẩm của một nghệ sĩ vô danh hồi thế kỷ XVI.

Khi chiêm ngắm pho tượng, cha Ducarroz đã viết những dòng chữ sau đây : “Tôi thích cái miệng cười của Chúa bị đóng đinh. Nụ cười đó không làm cho Chúa giả đò đau khổ, giả đò chết, song diễn tả một niềm vui vô biên, mà Chúa Giêsu ban cho loài người, dù loài người đã giết Chúa.

Niềm vui Chúa ban cho loài người khi nằm trên thánh giá lại còn được người nghệ sĩ tài ba diễn tả qua một pho tượng đứng dưới thánh giá. Thay vì Đức Mẹ và thánh Gioan như các nghệ sĩ khác thường vẽ, thường tạc, ông đã tạc pho tượng Ađam, ông tổ của loài người. Oâng Ađam, thân hình tuy tiều tụy, nhưng đôi mắt ông mở to, đôi mắt ông sáng như ngọn đèn. Oâng ngước nhìn lên thánh giá, và miệng ông cũng cười thật tươi.

Người trên thánh giá đã cười, người đứng dưới thánh giá cũng cười. Chúa Giêsu đã cười, để loài người tội lỗi được cười. Chúa Gêsu đả sống lại, để loài người chết được sống. Sự chết đã thất bại, sự sống đã chiến thắng.

Bài TM thánh lễ hôm nay đã kể rằng : “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời còn tối, bà Maria Macdala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến” (Ga 20,1-2).

Đi ra mộ, sách TM thánh Mt kể “2 bà” (28,1), sách TM.Mc kể “3 bà” (16,1), sách TM.Lc kể “các bà” (24,1), chỉ có sách TM thánh Gioan kể có “1 bà” (20,1), một bà Maria Mácđala đi ra mộ. Phải chăng thánh Gioan, người đã kể câu chuyện người phụ nữ ngoại tình, chỉ kể một mình bà Maria Mácđala, để gợi lại hình ảnh người phụ nữ ngoại tình. Bà đã được Chúa Giêsu tha không ném đá. Nay bà còn được là người đầu tiên ra mộ Chúa, được cười với Chúa.

Về phần các tông đồ, thánh Mt nói trống là “môn đệ Người” (28,7), thánh Mc thêm ông Phêrô “môn đệ Người và ông Phêrô” (16,7), thánh Luca thì kể “anh em Thầy” (24,17), còn thánh Gioan thì kể ông và thánh Phêrô (20,2). Hai tông đồ nêu gương xấu rõ nhất trong cuộc thương khó của Chúa là thánh Phêrô và ông Giuđa. Thánh Phêrô là người chối Chúa, ông Giuđa là người bán Chúa. Ong Giuđa đã tự tử chết, thánh Phêrô còn sống. Thánh Phêrô chối Chúa, song được Chúa cho ra mộ Chúa, được cười với Chúa…

Maria Mácđala đại diện cho nữ giới, nữ giới phạm tội.

Phêrô đại diện cho nam giới, nam giới cũng phạm tội.

Maria Mácđala đại diện cho giáo dân, giáo dân phạm tội

Phêrô đại diện cho hàng linh mục tu sĩ, linh mục tu sĩ cũng phạm tội.

Cả loài người phạm tội. Mọi người đều nhắm mắt, đều ngậm miệng, đều chết.

Nhưng, nhờ Chúa nằm trên Thánh Giá, nhờ Chúa sống lại,

nhân loại được mở mắt, được cười.

Halleluia, hãy vui mừng lên, vì Chúa đã sống lại thật rồi.

Linh mục Nguyễn Trung Thành