Yêu Người Lân Cận Như Người Sa-ma-ri-ta-no Nhận Hậu


YÊU NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ NGƯỜI SAMARITANO NHÂN HẬU

Câu chuyện Người Samaritanô nhân hậu và bài học “hãy yêu thương người lân cận” là trọng tâm của bài giáo lý của ĐTC Phanxicô trong cuộc tiếp kiến chung vào hôm thứ Tư, 27/4/2016 vừa qua.

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: chúng ta không thể đứng yên mà nhìn như kẻ bàng quan khi chúng ta thấy quá nhiều người lầm than vì đói khát, bạo lực và bất công. Đó là lời ĐTC Phanxicô mời gọi các Kitô hữu trở nên những người Samaritanô nhân hậu trong cuộc sống mỗi ngày của mình. “Không đếm xỉa gì đến những khổ đau của người khác cũng có nghĩa là phớt lờ Thiên Chúa.” ĐTC Phanxicô gợi lại câu chuyện dụ ngôn Phúc âm, cách thức mà thầy Lêvi và thượng tế đã đi ngang qua người đàn ông bị kẻ cướp tấn công và thả nằm thừa sống thiếu chết bên vệ đường.

 Đức Thánh Cha nói rằng cả hai người của đền thờ đều làm trái với Lề Luật của Thiên Chúa. Lề luật buộc chúng ta phải dừng lại và cứu giúp bất kỳ ai đang lâm cơn khốn khó. Và ở đây, dụ ngôn Tin mừng cho chúng ta một bài học là: không hẳn “những người thường ở trong nhà Chúa và biết lòng Chúa thương xót là đương nhiên biết yêu thương tha nhân.”

 Đức Thánh Cha lưu ý rằng thời Chúa Giêsu, người Samaritanô là người bị coi khinh như người Do thái ly giáo, “như kẻ ngoại bang, dân ngoại và không thanh sạch.” Và chính anh ta cũng đang có việc phải làm, thế nhưng khi thấy người bị thương, anh ta đã không bỏ đi như 2 người đàn ông đi qua trước đã làm. Anh ta dừng lại và “tỏ lòng thương cảm với người bị nạn. Lòng thương cảm là đặc điểm cốt lõi của lòng Chúa thương xót và trong hành vi cử chi của người Samaritanô nhân hậu, chúng ta nhận ra hành động của lòng Chúa thương xót qua dòng lịch sử cứu độ. Đó cũng chính là niềm thương cảm mà Thiên Chúa đối xử với mỗi người chúng ta. Thiên Chúa không phớt lờ chúng ta, Ngài nhận ra nỗi đau thương của chúng ta. Thiên Chúa biết lúc nào chúng ta cần được giúp đỡ và ủi an. Ngài đến bên chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

 Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng người Samaritanô đã hành động với lòng thương xót đích thực: anh ta đã băng bó những vết thương, đưa người bị nạn đến nhà trọ, và “đích thân chăm sóc người đó.”

 Đức Thánh Cha nói tiếp rằng, tất cả những điều này dạy chúng ta rằng lòng thương cảm và tình yêu thương không phải là những cảm xúc mơ hồ; nhưng có nghĩa là “chăm sóc tha nhân đến độ hi sinh bản thân”. Nếu chúng ta có con tim biết cảm thông như Chúa Giêsu, chúng ta có thể gần gũi với bất cứ ai đang cần được giúp đỡ.

Sau đây là sứ điệp Đức Thánh Cha gửi tới những khách hành hương nói tiếng Anh đang có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô:

Anh chị em thân mến,

Trong bài  Giáo lý của Năm Thánh lòng thương xót hôm này, chúng ta hãy quay về với dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta một giới răn trọng đại là yêu thương người lân cận. Để trả lời cho câu hỏi “Ai là người lân cận của tôi”, Chúa Giêsu đã kểu câu chuyện về vị thượng tế và thầy lêvi đi ngang qua một người nằm bên vệ đường đang cần được giúp đỡ. Rốt cuộc, lòng đạo đức của họ không chính thống chút nào vì nó không được diễn đạt bằng sự phục vụ tha nhân. Thiên Chúa nói với chúng ta rằng, tình yêu thương thì không bao giờ là trừu tượng hoặc xa vời; tình yêu phải thấy được và đáp trả được. Lòng thương cảm được người Samaritanô bày tỏ là một hình ảnh của lòng lân tuất vô bờ của Thiên Chúa là Đấng luôn luôn nhìn thấy những nhu cầu của chúng ta  và đem yêu thương đến gần chúng ta. Vậy thì, đòi hỏi mến Chúa và yêu người lân cận phải được thực hành cách tuyệt đối, nó bao gồm việc chăm sóc tha nhân đến độ phải hi sinh bản thân. Vào cuối dụ ngôn, chúng ta thấy rằng “người lân cận” không phải chỉ là người đang cần đến chúng ta, nhưng còn là người đáp ứng được những nhu cầu đó với lòng thương cảm. Chúa Giêsu bảo tất cả chúng ta hãy trở nên những người lân cận theo nghĩa này: “Hãy đi và làm như vậy.” Chính Chúa Giêsu là mẫu thức của người Samaritanô nhân hậu; khi bắt chước tình yêu và lòng thương cảm của Ngài, chúng ta mới có thể tự mình chứng tỏ là người thực sự theo Chúa.

Cha xin chào thăm các du khách nói tiếng Anh đang tham dự buổi tiếp kiến này, đặc biệt các anh chị em hành hương từ nước Anh, Thuỵ Điển, Slovakia, Trung quốc, Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Việt Nam, Philippin, Canada, và Hoa Kỳ. Trong niềm vui của Chúa Phục sinh, Cha nguyện xin lòng thương xót của Chúa là Cha chúng ta xuống trên anh chị em và gia đình anh chị em. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!

Linh mục Hoàng Gia Thành 

(trích dịch bài tường thuật “Pope Francis: Love thy neighbour like the Good Samaritan”

của Tracey McClure trong Radio Vatican  – Nguồn: vatican.va)