Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên


LỄ THĂNG THIÊN

(Cv 1,1-11; Ep 4,1-13; Mc 16,15-20)

17-5-2015

 

Cha Phao-lô Phạm Khắc Khoan, cha sở xứ Phúc Nhạc, Phát Diệm. Khi đi dâng lễ tại họ Đông Biên, cha bị bắt. Dầu đã 69 tuổi, quan Nam Định vẫn xử tàn nhẫn với cha. Ban đêm chân bị cùm, ban ngày bị xiềng, rồi bị tra tấn nhiều lần. Dầu đau đớn khổ sở, cha vẫn giữ vững đức tin. Cha không bước qua Thánh Giá chối đạo.

Quan nói : “Tôi muốn tha ông, chỉ mong ông bước qua thập giá”.

Cha tỏ bày lập trường : “Đã ba năm trong tù, tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Càng nghĩ tôi càng xác tín hơn, càng cương quyết giữ vững đức tin cho đến chết”.

Quan nói : “Thế ông không muốn sống à ?

Cha đáp : “Mọi sinh vật đều muốn sống, huống chi con người có lý trí. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham sống. Thế nhưng, với người theo đạo Chúa, chết thân xác đời này, nhưng sẽ có sự sống đời đời trên thiên đàng. Do đó, chúng tôi không sợ chết vì đạo Chúa”.

Quan hỏi : “Ông tin có thiên đàng ả ? Ai bảo ông có thiên đàng ?

Cha trả lời : “Đó là chuyện đương nhiên. Như vua ban thưởng cho các trung thần, thì Chúa trời đất chẳng nhẽ không ban thưởng cho các tôi trung phục vụ cho đến chết sao ? Nơi tưởng thưởng đó chúng tôi gọi là thiên đàng”.

 Quan lại hỏi : “Nghe ông nói có lý, nhưng ai đã dạy ông biết có Thiên Chúa ?

 Cha đáp : “Chẳng cần phải ai dạy. Chính trời đất vũ trụ là cuốn sách mở ra dạy ta bài học đó. Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu thiên nhiên, tức khắc phải nhận ra có Đấng sáng tạo và giữ gìn . Chúng tôi gọi Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời, và chúng tôi tôn thờ Người”.

Dùng bất cứ biện pháp nào cũng không làm lay chuyển đức tin của ông già 69 tuổi, quan Nam Định truyền điệu ngài ra pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định chém đầu.

Quan Nam Định hỏi cha Phao-lô Phạm Khắc Khoan : “Ông tin có thiên đàng à ? Ai bảo ông có thiên đàng ?

Cha đáp : “Đó là chuyện đương nhiên. Như vua ban thưởng cho các trung thần, thì Chúa trời đất chẳng nhẽ không ban thưởng cho các tôi trung phục vụ cho đến chết sao ? Nơi tưởng thưởng đó chúng tôi gọi là thiên đàng”.

BTM : BTM thánh lễ Thăng Thiên hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã nói thiên đàng là nơi tưởng thưởng; và hỏa ngục là nơi phạt tội : “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; cón ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,16).

Cv : Giúp người ta tin để được lên thiên đàng, thoát khỏi hỏa ngục, Chúa Giêsu truyền các tông đồ ; “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8).

Ep : Nhờ các tông đồ đi đó đây để rao giảng, làm chứng cho Chúa, người ta sẽ sống xứng đáng, như thánh Phaolô khuyên dạy trong bđ2 : “Anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi anh em đã nhận được” (Ep 4,1).

———————————

LỄ THĂNG THIÊN

20-5-2007

 

Có hai câu chuyện đáng chúng ta đọc :

1- Jeannette Vermersch : Ngày 12-4-1961 phi hành gia Gagarine, người đầu tiên bay lên vũ trụ. Trong một cuộc mít-ting mừng thành qủa khoa học này, bà JV, người Pháp, đã dõng dạc tuyên bố : “Hôm nay là lễ lên trời, không phải là lễ lên trời của một vật giả tưởng, bày đặt, bay lên một cách lạ lùng. Không, đây là một chàng thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai, mới 27 xuân xanh, tức là Gagarine, anh ta lên cao hơn trời.”

2- Phi hành gia Titov : Ngày 6-8-1961, phi hành gia Titov bay vào vũ trụ. Khi về lại trái đất, ông tuyên bố : “Không có Thiên Chúa, thần thánh nào trên  đó hết !

Sau này một tờ báo viết : “Những dụng cụ tinh xảo của phi thuyền Spoutnik và những hỏa tiễn liên lục địa, đã không ghi nhận một dấu hiệu nào cho biết có Thiên Chúa và đạo quân trên trời của Người. Tôn giáo dạy rằng chỉ có thể lên trời sau khi chết. Nhung sự thật là người đồng thời với chúng ta đã lên trời đang khi họ còn sống.

Hai câu chuyện vừa nhạo báng biến cố Chúa Giêsu lên trời mà chúng ta mừng lễ hôm nay, vừa không tin có đời sau. Khi người ta không tin có đời sau, thì đương nhiên người ta không tin thiên đàng hỏa ngục.

Chúa nhật tuần trước, ngày 13-5, chúng ta kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Đức Mẹ hiện ra cả thảy 7 lần, 6 lần vào ngày 13 tại cây sồi, còn 1 lần vào ngày 15-8 và ở nơi khác.

Hiện ra lần thứ ba, ngày 13-7, Đức Mẹ cho Ba Em thấy hỏa ngục. Em Luxia đã kể lại như sau : “Chúng em nhìn thấy một biển lửa bao la. Ma qủi và các linh hồn hư mất bơi lội trong đó. Các linh hồn trông như những thanh củi cháy đỏ rên xiết than van”.

Thấy cảnh hỏa ngục, Ba em run sợ, la lên, nhìn lên Đức Mẹ van xin. Đức Mẹ buồn bã nói : “Chúng con vừa thấy hỏa ngục nơi những người tội lỗi phải sa vào. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ được lòng sùng kính trên trái đất này. Nếu điều Mẹ bảo được thi hành, nhiều linh hồn được cứu thóat và hòa bình sẽ đến với thế giới… Mẹ xin dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ và rước lễ vào mỗi thứ bảy đầu tháng…

Hiện ra lần thứ hai ngày 13-6, Đức Mẹ bảo người ta lần hạt sau mỗi chục, đọc kinh : “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin gìn giữ chúng con cho khỏi lửa hỏa ngục, xin dìu các linh hồn lên thiên đàn, nhất là những linh hồn cần Chúa thương xót hơn.

Có hỏa ngục thiên đàng hay là không có ?

Người ta càng chối không có thiên đàng hỏa ngục thì người ta lại càng nói đến thiên đàng hỏa ngục, càng nói đến đời sau. Người ta chôn cất, cúng bái niệm hương trước thi hài người chết, lập bàn thờ để tưởng nhớ; người ta còn ướp xác để kính viếng.

Nếu không có đời sau, không có thưởng phạt, chẳng có ai  muốn sống tốt đẹp, muốn sống hiền lành. Xã hội sẽ tràn đầy sự dữ, và thiếu vắng  các thánh nhân, những người hiền đức.

Nhà văn Nga, ông Valentin Raxputin, viết một tập truyện mỏng, nhan đề là “Đám Cháy”. Trong sách, ông có viết câu : “Bắt buộc thỉnh thỏang phải nghĩ đến cái chết, để sống cho trong sạch hơn.

Thầy Giuse Nguyễn Đình Uyển, người làng Ninh Cường, tỉnh Nam Định, chết rũ tù vào 3 giờ chiều ngày 4-7-1838, Đức Giáo hoàng Lêô XIII phong chân phước ngày 27-5-1950.

Quan Tổng đốc Hưng Yên bảo Thầy : “Ông Uyển hãy xuất giáo. Ta sẽ cho về với vợ con”.

Thầy đáp : “Tôi không có vợ con”.

Quan xuống giọng : “Bước qua thập giá, để giữ lấy mạng sống. Con chó còn ham sống dù chỉ một ngày, huống chi con người”.

Thầy trả lời : “Nếu quan để sống thì tôi cám ơn quan; còn việc bước qua thập giá thì nhất định tôi không làm”.

Quan cho đánh 18 roi, rồi vuốt ve : “Chỉ một bước là được sống, sao ông không chịu” ?

Thầy nói : “Tôi coi sự sống đời này chỉ lớn bằng cái móng tay thôi”.

Quan dọa : “Nếu không ta sẽ chém đầu”.

Thầy ôn tồn trả lời : “Bẩm quan lớn, tôi có chịu chém, mới mong được sống lại mai ngày”.

Một người lính rút gươm dọa chém, thầy bình tĩnh nói : “Hãy chém đi, đến ngày phán xét, tôi lại được cái đầu khác”.

Quan Tổng trấn kinh ngạc nói với các người dưới quyền mình : “Bề ngoài hắn như kẻ sắp chết, thế mà lòng dạ vẫn cương quyết lạ lùng”.

Vì thiên đàng hỏa ngục mà người ta sống trên đời phải tránh xa sự dữ và sống tốt lành.

Trong bđ1 thánh lễ hôm nay, sách Công Vụ Tông Đồ kể : “Đang lúc các tông đồ còn đăm đăm nhìn trời phía Chúa đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạn và nói : “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời ?” (Cv 1,10-11).

Các thiên thần nhắc các tông đồ phải trở về với cuộc sống trần thế, sống tốt đẹp để được lên trời như Chúa Giêsu đã sống tốt đẹp để hôm nay lên trời.

—————————————–

CHÚA LÊN TRỜI

19-5-2007

  1. KINH THÁNH :

   Cả 4 sách Tin Mừng đều thuật lại biến cố Chúa Giêsu lên trời. Chúng ta đọc lại những tường thuật ấy :

1- Tường thuật của thánh Mát-thêu (28,16-20) :

     “Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hòai nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông : ‘Thầy đã được trao tòan quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

    2- Tường thuật của thánh Mác-cô (16,19-20) :

         “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họat động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.”

      3- Tường thuật của thánh Gioan (20,16-17) :

          “Đức Giêsu gọi bà : Maria. Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : Ráp-bu-ni ! (nghĩa là Lạy Thầy). Đức Giêsu bảo : Thôi đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em.”

        4- Tường thuật của thánh Luca : Thánh Luca thường thuật biến cố Chúa Gêsu lên trời hai lần : một lần trong sách Tin Mừng và một lần trong sách Công Vụ Tông Đồ.

         *  Sách Tin Mừng (24,50-53)

             “Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

          *  Sách Công Vụ Tông Đồ (1,3-11)

              … trong 40 ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa… Nói xong, Người được cất lên ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa…

Qua 5 bài tường thuật của 4 thánh sử, có nhiều điều khác biệt. Ít ra có hai khác biệt chính :

1- Địa điểm : Theo hai thánh Gioan và Luca, Chúa Giêsu lên trời ở Giêrusalem; còn theo thánh Mát-thêu, Chúa lên trời trên một ngọn núi ở Galilê.

– Cha Claude Tassin đã cắt nghĩa như sau : “Lời sai đi khắp thế giới được vang lên ở Galilê, mảnh đất  biểu tưởng cho một thế giới ngọai giáo…Cuộc gặp gỡ xảy ra  trên núi…Núi được nhắc đến nhiều trong sách Mt : núi ma qủi cám dỗ (4,8), núi bát phúc (5,1), núi biến hình (17,1). Trên hết, hình bóng  núi Nê-bô mà ông Môsê giã từ dân chúng trước khi vào Đất Hứa (Ds 34)” (L’Evangile de Matthieu,trang 303).

– Cha Harrington giải nghĩa như sau : “Sự di chuyển của các môn đệ phù hợp với lời tiên báo của Chúa Giêsu (26,32), và lời loan báo của thiên thần và cả của Chúa Giêsu (28,7.10) (The Gospel of Matthew, trang 414).

2- Thời gian : chỉ có thánh Luca nói 40 ngày sau sống lại Chúa Giêsu lên trời. Còn các sách khác thì nói Chúa Giêsu lên trời ngay khi sống lại.

– Cha Charles L’Éplattenier cắt nghĩa như sau : “Thánh Luca đề cập đến thời gian 40 ngày, trong thời gian này Chúa Giêsu muốn việc huấn luyện các nhân chứng được hòan thành. Chúng ta thấy rõ thánh Luca không quan tâm đến sự chính xác của thời gian, nhưng là vấn đề  giáo lý mà ngài muốn. Đọan kết của sách Tin Mừng thánh Luca viết theo cái nhìn Kitô học, cái nhìn về sứ điệp có liên quan đến con người và công việc của Chúa Giêsu : Chúa Giêsu lên trời trong vinh quang để hòan thiện cuộc chiến thắng tử thần của Chúa… Từ đầu sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Luca viết theo cái nhìn Giáo Hội. Ngài muốn trình bày sự việc theo kinh nghiệm sống của các tông đồ. Ngài trải dài một thời gian mầu nhiệm phục sinh, mầu nhiệm thiết lập niềm tin của Giáo Hội. Ngài muốn cho độc giả hiểu rằng các tông đồ cần một thời gian mới hiểu được mầu nhiệm phục sinh. Các tông đồ cần một giai đọan chuẩn bị. Trong giai đọan này Chúa Giêsu sống lại làm cho các ông hiểu thêm sứ điệp của Chúa và đào luyện các ông theo sứ vụ Chúa trao. Để được thế, thánh Luca, người được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh, đã xử dụng một lối biểu tượng năng dùng trong Kinh Thánh là 40 ngày (đôi khi 40 năm) để diễn tả một thời gian thử thách hay mặc khải. Độc giả cũng thấy sự đối chiếu với 40 ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc để sửa sọan cho cuộc đời công khai (Lc 4,1)” (Le Livre des Actes, trang 15).

– Sách Giáo Lý Công Giáo viết : “Trong 40 ngày, vinh quang của Người vẫn còn che giấu dưới dạng một con người bình thường. Người ăn uống thân mật với các môn đệ của Người (x.Cv 10,41), và dạy dỗ họ về Nước Trời (x.Cv 1,3)

 

  1. TRỜI Ở ĐÂU ?

 – Ông William Barclay, nhà Kinh Thánh nổi tiếng trên thế giới, người Anh Giáo, viết : “Ngày nay chúng ta không nhìn trời như một nơi nào đó trên bầu trời; chúng ta nhìn trời là một trạng thái hạnh phúc được ở bên Chúa đời đời. Nhưng mỗi người, ngay cả những người khôn ngoan, thông thái đã nghĩ trái đất là hình dẹp và trời là một nơi ở bên trên trái đất. Vì thế, nếu Chúa Giêsu muốn cho những người theo Chúa một bằng chứng không thể chối cãi là Người đã trở về vinh quang, thì việc lên trời là điều cần thiết”  (The Acts of The Apostles, trang14).

– Sách Giáo Lý Công giáo viết : “Thiên đàng là cuộc sống viên mãn, vì được hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Maria, với các thiên thần và các thánh. Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự hiện thực các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh phúc tuyệt hảo và chung cuộc” (số 1024).

“Lên thiên đàng là được ở với Đức Kitô. Những người được tuyển chọn ‘sống trong Người’, nhưng vẫn giữ hay đúng hơn là tìm được căn tính đích thực của mình, danh xưng riêng của mình” (số 1025).

– Cha Xavier Léon-Dufour viết : “Trời là từ Chúa hay dùng. Nhưng trời không ám chỉ một thực tại tự hữu, độc lập không tùy thuộc Thiên Chúa. Chúa Giiêsu nói về vương quốc Nước Trời, về phần thưởng trong Nước Trời (Mt 5,12), về kho tàng trên trời (6,20;19,21). Kiểu dùng này xuất phát từ tư tưởng của Chúa Giêsu về Cha trên trời (5,16.45;6,1.9), Đấng ở nơi bí ẩn (6,8.18). Như vậy trời không thấy, tuy nhiên ám chỉ đến sự hiện diện của Chúa Cha. Sự hiện diện  bao trùm tòan vũ trụ bằng những ân huệ vô biên (7,11), cả cho chim trời (6,26), cho người công chính lẫn người bất chính (5,45). Vì con người thường bị mù, không thấy Thiên Chúa hiện diện. Chúa Giêsu đến để nói về những gì Người biết và làm chứng những gì Người đã thấy (Ga 3,11). Như vậy, trời trở thành một thực tại chiến thắng và sống động. Nước Trời đến trên mặt đất.” (Dictionary of Biblical Theology, trang 231).

– The New Dictionary of Theology : “Hình ảnh phong phú về Nước Trời trong Tân Ước ám chỉ đến tình trạng trưởng thành và hòan hảo của đời sống con người hiện diện trong Thiên Chúa, hơn là ám chỉ đến một nơi nào đó” (trang 455).

Vì quan niệm trời một cách vật chất, nên đã có những câu chuyện buồn cười sau đây :

    1- Jeannette Vermersch : Ngày 12-4-1961 phi hành gia Gagarine, người đầu tiên bay lên vũ trụ. Trong một cuộc mít-ting mừng thành qủa khoa học này, bà JV, người Pháp, đã dõng dạc tuyên bố : “Hôm nay là lễ lên trời, không phải là lễ lên trời của một vật giả tưởng, bày đặt, bay lên một cách lạ lùng. Không, đây là một chàng thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai, mới 27 xuân xanh, tức là Gagarine, anh ta lên cao hơn trời.”

2- Phi hành gia Titov : Ngày 6-8-1961, phi hành gia Titov lại bay vào vũ trụ. Khi về lại trái đất, ông tuyên bố : “Không có Thiên Chúa, thần thánh nào trên  đó hết !

Sau này một tờ báo viết : “Những dụng cụ tinh xảo của phi thuyền Spoutnik và những hỏa tiễn liên lục địa, đã không ghi nhận một dấu hiệu nào cho biết có Thiên Chúa và đạo quân trên trời của Người. Tôn giáo dạy rằng chỉ có thể lên trời sau khi chết. Nhung sự thật là người đồng thời với chúng ta đã lên trời đang khi họ còn sống.

Kết luận :  Đức Mẹ hịên ra ở Fatima, nước Bồ Đào Nha ngày 13-5-1917. Năm nay là năm 2007 kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra.

Fatima là tên con gái của ông Mahômét, vị sáng lập đạo Hồi. Nước Bồ Đào Nha là một nước hòan tòan Công giáo. Tại sao lại lấy tên con gái người sáng lập đạo Hồi đặt tên cho một ngôi làng của mình ? Tương truyền rằng, quân Hồi giáo đánh nước Bồ Đào Nha bị thua. Trong số tù binh có cô công chúa Fatima. Về sau cô theo đạo Công giáo và lập gia đình vói ông bộ trưởng quốc phòng.

Về tình hình nước Bồ, năm 1910 chế độ quân chủ bị sụp đổ, chế độ công hòa lên thay. Chế độ cộng hòa ghét đạo Chúa. Bộ trưởng tư pháp đã tuyên bố : “Ánh sáng chính trị chỉ cần chiếu soi hai thế hệ là đủ để tôn giáo bị tiêu diệt.

Còn về tình hình thế giới, Ngày mùng 5 tháng 5 năm 1917, lúc chiến tranh thế giới lần I (1914-1918), bước vào giai đoạn khốc liệt, ÐTC Bênêđictô XV (1914-1922) kêu gọi người Công giáo trên cả thế giới tham dự chiến dịch cầu nguyện, để xin Ðức Maria bầu cử, cách riêng trong tháng năm, tháng dâng kính Mẹ Thiên Chúa, để chấm dứt những cuộc tàn phá, đau khổ, chết chóc. Ngoài ra, ngài còn đặt tượng Ðức Mẹ bế Chúa Con bằng cẩm thạch, trong Ðền thờ Ðức Bà Cả, với hàng chữ : “Regina Pacis ” (Nữ vương hòa bình).

Tám ngày sau, tức 13 tháng 5/1917, tại thung lũng Cova da Iria (Fatima), Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra với ba em mục đồng: Lucia, Phanxicô và Giaxinta.

Luxia là con út trong gia đình 6 người con. Cha là ông Antôn, một nông dân giản dị, chịu khó. Mẹ là bà Maria Rôsa, đạo đức, nhưng nghiêm khắc. Mỗi tối sau giờ đọc kinh gia đình, bà thường kể chuyện Kinh Thánh và các thánh cho các con. Luxia mạnh khỏe, vui tính, thông minh và có tài ca hát.

Phanxicô và Giaxinta là hai anh em ruột. Mẹ của hai em là em gái của ông Antôn, cha của Luxia. Phanxicô đẹp trai, mập mạp, biết thổi sáo. Giaxinta tính tình hiền dịu. Chơi thân với Luxia.

Khi Đức Mẹ hiện ra Luxia 10t, Phanxicô 9t, Giaxinta 7t. Phanxicô qua đời sớm nhất, vào ngày 5-4-1918 sau 1 năm Đức Mẹ hiện ra. Hai năm sau Giaxinta qua đời vào 20-2-1920. Luxia mới qua đời ngày 13-1-2005. Cả ba đều được an táng trong nhà thờ Fatima.

Chúa nhật ngày 13-5-1917 ba em dẫn đàn chiên lên đồi Cova da Iria, một cánh đồng cỏ, cho chiên ăn. Bỗng ba em thấy một luồng ánh sáng. Ba em sợ. Chỉ Luxia và Giaxinta trông thấy Bà Đẹp trong ánh sáng. Bà sáng hơn ánh sáng mặt trời. Bà nói :

  • Đừng sợ ! Ta không làm hại các con. Ta từ trời xuống.

Luxia lấy hết can đảm hỏi :

  • Bà muốn gì ?

Bà Đẹp nói :

  – Ta muốn các con đến đây sáu tháng liên tiếp vào ngày 13 mỗi tháng, đúng vào giờ này. Sau này Ta sẽ nói Ta là ai và tại sao Ta đến với các con.”

Luxia e ngại hỏi :

Thưa Bà Đẹp, con có được lên trời với Bà không ? Cả Giaxinta và Phanxicô có được lên trời không ?

Bà Đẹp nói :

Tất cả các con sẽ được lên trời với Ta, nhưng Phanxicô phải lần chuỗi nhiều.

Lúc ấy Phanxicô không trông thấy Đức Mẹ, chỉ thấy ánh sáng, nhưng nghe được Đức Mẹ nói với Luxia. Bà Đẹp nói với Luxia :

  • Phải lần chuỗi thì em Phanxicô mới thấy được Ta.

Phanxicô ngay lập tức lần chuỗi. Sau một chục thì Phanxicô trông thấy Đức Mẹ.

Bà Đẹp nói :

Chúng con có muốn dâng mình cho Chúa, để chịu mọi đau khổ Chúa gửi tới mà đền tội  người ta xúc phạm đến  Chúa và cầu cho những người tội lỗi không?

Cả ba em đều thưa :

Chúng con sẽ làm như Bà muốn.

Bà Đẹp từ trời mở đôi bàn tay. Luồng sáng từ đôi tay chiếu xuống ba em. Về sau Luxia kể lại : “Aùnh sáng chiếu vào tận đáy lòng chúng con, đến nỗi chúng con thấy chúng con ở trong Chúa rõ hơn chúng con soi gương. Rồi như có ai thúc dục chúng con qùi gối xuống và lặp lại lời thiên thần trước đây đã hiện ra dạy chúng con : “Lạy Ba Ngôi chí thánh, chúng con tôn thờ Ba Ngôi. Lạy Thiên Chúa của chúng con, lạy Thiên Chúa của chúng con, chúng con yêu mến Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Trước khi về trời, Bà Đẹp căn dặn  :

Hãy lần chuỗi hằng ngày để thế giới được hòa bình và chiến tranh chấm dứt ! Về sau Giaxinta kể : “Khi Đức Mẹ về trời, các cửa trời dường như đóng rất nhanh, đến nỗi em cảm thấy như chân em kẹt vào cánh cửa trời.

Vậy, để trông thấy Chúa và được lên trời hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày.

————————

Lễ Thăng Thiên

Chúa lên trời hai lần ? : Đọc các sách Thánh, chúng ta có cảm tưởng như Chúa lên trời hai lần. Lần thứ nhất vào chính ngày Chúa sống lại. Sách Tin Mừng thánh Gioan viết : “Chúa Giêsu bảo bà Maria Mácđala : ‘Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha’” (20,17). Bài đọc thánh lễ hôm nay, sách Tin Mừng thánh Máccô cũng viết như vậy : “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin…Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (16,14.19).

Lần thứ hai vào 40 ngày sau khi sống lại, như trong sách Công Vụ Tông Đồ đọc hôm nay : “Trong 40 ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa…Nói xong, Người được cất lên trước mặt các ông” (1,3.9).

Có nhà nghiên cứu Thánh Kinh cho rằng : lần thứ nhất nói lên tính cách Thượng Tế và Vua của Chúa Giêsu, như thư Do thái viết : “Chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả ngự bên hữu ngai Đấng uy linh trên trời” (8,1); còn lần thứ hai nói lên tính cách một “Êlia mới” trong sách Các Vua : Êlia trở lại chuẩn bị cho ngày Chúa đến và tập hợp các chi tộc nhà Giacóp (2V 2,1-12), và nói lên tính cách nhân vật “Con Người” trong sách Đanien : Con Người đến trong đám mây và được đem đến ngai Thiên Chúa (7,13-14).

Có người khác thì đơn giản cho rằng : Chúa Giêsu lên trời khi Chúa sống lại; nhưng trong vòng 40 ngày Chúa vẫn xuống để dạy dỗ các tông đồ, để các ông có thể hoàn thành sứ mạng Chúa trao phó.

Còn với thánh Luca : biến cố Chúa lên trời trong sách Tin Mừng nói lên việc Chúa kết thúc sự hiện diện hữu hình của mình với nhân loại và hoàn thành sứ vụ ở dưới đất; còn trong sách Công Vụ Tông Đồ nói lên việc Chúa hiện diện cách vô hình và khởi đầu sứ vụ của các tông đồ.

Sứ vụ của các tông đồ : trong bài Tin Mừng của thánh Máccô hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu nói với các tông đồ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (16,15).

Trong sách Tin Mừng của thánh Matthêu, Chúa Giêsu nói : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (28,19).

Trong sách Tin Mừng của thánh Luca, Chúa Giêsu nói : “Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân… Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (24,47-48).

Thánh Máccô có một viễn tượng đổi mới toàn diện, không chỉ con người, mà cả toàn thể vũ trụ, giống như thánh Phaolô viết trong thư Rôma : “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (8,19).

Khi giao trách nhiệm “loan báo Tin Mừng cho mọi thọ tạo”, Chúa Giêsu cũng trang bị hành trang cho các tông đồ : trước hết là “có Chúa cùng hoạt động với các ông” (16,20), nói theo thánh Matthêu là “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (28,20); sau đó là “dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (16,20).

Lần đầu tiên thánh Máccô dùng từ “dấu lạ” như thánh Gioan, mà không dùng từ “phép lạ”. Dấu lạ có ý nghĩa rộng và sâu xa hơn phép lạ. Phép lạ có tính cách lạ lùng, kinh ngạc. Dấu lạ bao hàm một giáo huấn, một biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa, một bằng chứng quyền năng cứu độ của Thiên Chúa.

Trước đó thánh Máccô đã kể ra những dấu lạ cho “những ai có lòng tin” (16,17) . Đó là 5 dấu lạ này : “sẽ trừ được qủi, sẽ nói được những tiếng nói mới lạ, sẽ cầm được rắn, dù có uống nhằm thuốc độc thì cũng chẳng sao và đặt tay trên người bệnh thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (16,17-18). Theo ngôn sứ Isaia, đó là những dấu lạ xảy ra thời Thiên sai.

Cách sống của tín hữu : Thư thánh Phaolô gửi cho các tín hữu ở Êphêsô, đọc trong bài đọc 2 thánh lễ hôm nay, đã cho biết Chúa lên trời có mục đích gì : “Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất ? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (4,9-10), hay nói cách khác là để “con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (4,13)

 Để vũ trụ viên mãn và con người trưởng thành, Chúa “đã ban ân huệ cho loài người” (4,8). Những ân huệ đó là : “ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc dạy dỗ” (4,11). Những ơn đó nhằm “xây dựng thân thể Đức Kitô” (4,12).

Như vậy, Chúa lên trời để ban ơn cho mỗi người chúng ta, để tùy theo ơn đã lãnh nhận, chúng ta sống đức tin : “một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” (4,5) và sống đức thương yêu : “anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (4,2).

Sống đức tin và sống đức thương yêu như thế, chúng ta sẽ “trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”, tức là sẽ được lên trời, lên thiên đàng với Chúa Giêsu.

 

Mẫu gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam : Thầy Giuse Nguyễn Đình Uyển, người làng Ninh Cường, tỉnh Nam Định, chết rũ tù vào 3 giờ chiều ngày 4-7-1838, Đức Giáo hoàng Lêô XIII phong chân phước ngày 27-5-1950.

Quan Tổng đốc Hưng Yên bảo Thầy : “Ông Uyển hãy xuất giáo. Ta sẽ cho về với vợ con”.

Thầy đáp : “Tôi không có vợ con”.

Quan xuống giọng : “Bước qua thập giá, để giữ lấy mạng sống. Con chó còn ham sống dù chỉ một ngày, huống chi con người”.

Thầy trả lời : “Nếu quan để sống thì tôi cám ơn quan; còn việc bước qua thập giá thì nhất định tôi không làm”.

Quan cho đánh 18 roi, rồi vuốt ve : “Chỉ một bước là được sống, sao ông không chịu” ?

Thầy nói : “Tôi coi sự sống đời này chỉ lớn bằng cái móng tay thôi”.

Quan dọa : “Nếu không ta sẽ chém đầu”.

Thầy ôn tồn trả lời : “Bẩm quan lớn, tôi có chịu chém, mới mong được sống lại mai ngày”.

Một người lính rút gươm dọa chém, thầy bình tĩnh nói : “Hãy chém đi, đến ngày phán xét, tôi lại được cái đầu khác”.

Quan Tổng trấn kinh ngạc nói với các người dưới quyền mình : “Bề ngoài hắn như kẻ sắp chết, thế mà lòng dạ vẫn cương quyết lạ lùng”.

Vâng, để được lên trời, lên thiên đàng, Chúa Giêsu đã sẵn sàng chịu khổ đau. Các thánh cũng theo gương Chúa, chịu mọi đau khổ, để được lên trời, thiên đàng.

Linh mục Nguyễn Trung Thành