Linh Địa Trà Kiệu: Trung Tâm Thánh Mẫu Giáo Phận Đà Nẵng


Trà Kiệu xưa là kinh đô đầu tiên của nước Chiêm Thành (khoảng từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VIII). Sau khi bắt được Trà Toàn và đại thắng quân Chiêm, vua Lê Thánh Tông lập tỉnh Quảng Nam vào năm 1470 và năm 1587 Trà Kiệu được mở mang thành một vùng đông dân cư.

Từ năm 1596 đến 1602, Trà Kiệu được cha Raphaen dòng Au-gut-ti-nô (Bồ Đào Nha) đến rao giảng Tin Mừng. Năm 1628 một nhóm người di dân Công Giáo từ miền Bắc vào sinh sống đã dựng nên một ngôi nhà thờ đầu tiên tại đây. Năm 1722, Trà Kiệu có khoảng 300 giáo hữu. Đến năm 1782, cha Louis Marie Galibert (Lợi) xây dựng ngôi nhà thờ lớn và vững chắc hơn.

Năm 1885, sau khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành Huế chạy ra Quảng Trị, phong trào Văn Thân nổi dậy tại nhiều tỉnh Miền Trung với khẩu hiệu “BÌNH TÂY SÁT TẢ”, thì Trà Kiệu chịu chung số phận với nhiều làng Công Giáo khác ở Quảng Nam như Phú Thượng, An Sơn …

Ngày 01/9/1885, dưới thời cha Bruyère (Nhơn) làm quản xứ, quân Văn Thân, với chừng ba trăm người, đã bao vây làng Trà Kiệu bằng súng thần công và voi chiến. Lúc này, giáo dân chỉ biết chạy vào nhà thờ cầu xin ơn Trên phù hộ mà thôi. Họ xin Cha sở, tức Cố Nhơn (Bruyère) giải tội lòng lành và chờ chết. Cha sở chỉ biết trông cậy vào Chúa và Mẹ Maria. Cha đã lập một bàn thờ Đức Mẹ ngay giữa nhà Cha để giáo dân cùng đọc kinh cầu nguyện. Nhưng có ông Trương Phổ là người gan dạ, ông kêu gọi mọi người cầm khí giới ra chống lại đối phương và chính ông đi đầu để chống cự những đợt tấn công của quân Văn Thân. Cuộc bao vây tấn công kéo dài 21 ngày đêm, giáo xứ Trà Kiệu thiệt mất 15 người trong lúc trực chiến và 25 người do tạc đạn bên ngoài cuộc giao chiến. Diễn tiến các cuộc tấn công của Văn Thân và phản công của giáo dân Trà Kiệu như sau: Từ ngày 01- 5/9/1885, quân Văn Thân bao vây giáo xứ. Hai bên chuẩn bị và củng cố phòng tuyến và lực lượng Văn Thân tấn công hai trận sáng và chiều, nhưng đều thất bại và bị đẩy lui. Sau đó, quân Văn Thân đắp thêm phòng lũy vây chặt giáo xứ để “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tiếp theo, từ ngày 07 – 11/9/1885, giáo dân Trà Kiệu đã tổ chức phản công mặt trận phía Bắc. Văn Thân bị vướng hàng rào của chính họ, nên bị thua lớn. Sau đó, quân lính Văn Thân tấn công phía Nam và phía Tây. Lúc này, có đội phụ nữ Công giáo tham chiến và dành chiến thắng. Văn Thân củng cố hàng ngũ quyết tâm tiêu diệt gọn mục tiêu nên đã về Tỉnh kéo đại pháo lên đặt trên hai đồi Kim Sơn và Bửu Châu. Trong 2 ngày 10 và 11/9/1885, Văn Thân nả thần công vào nhà thờ và nhà xứ liên tục cả ngày từ sáng tới tối, không chút nào ngơi. Chính thời điểm này, binh lính Văn Thân nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra đứng trên nóc nhà thờ. Từ ngày 12 – 19/9/1885, đội cảm tử Công giáo tấn công đồi Kim Sơn (Hòn Bằng) và chiến thắng, chiếm lại đồi Kim Sơn. Văn Thân khép chặt hàng rào vây hãm giáo xứ Trà Kiệu và tổ chức tấn công ồ ạt mặt trận phía Nam, có cựu đô đốc Chưởng Thủy Tý cầm đầu, quân Công giáo nghinh chiến phản công thắng lợi. Không muốn thất bại, quân Văn Thân dùng hỏa công mở mặt trận phía Đông, nhưng vẫn bị Công giáo phản công. Văn Thân thua chạy nhưng vẫn tiếp tục bao vây và thay đổi chiến thuật tấn công: dùng những bó chà gai để “bổ xuống búi tóc người Công giáo”. nhưng thất bại. Sau đó, Văn Thân án cư bất động, vì hàng ngũ mất tinh thần, quân sĩ đào ngũ nhiều.

Vào ngày 21/9/1885, giáo dân Trà Kiệu nắm bắt lợi thế phản công hữu hiệu, đồng thời nhận thấy tình hình trở nên bức thiết vì giáo xứ bắt đầu thiếu hụt lương thực; bên Công giáo tấn công đồi Bửu Châu mặc dù Vân Thân cũng đồng loạt tấn công mặt trận phía Bắc với “thiên binh thần nhi tham chiến”, nhưng Voi chiến của bên Văn Thân bị sức mạnh vô hình trói chân, voi tiến không được mà chỉ lùi, quân lính Văn Thân hoảng hốt tháo chạy, vất lại vô số lương thực và khí giới. Giáo xứ thoát nạn và hoàn toàn được giải vây! Văn Thân còn 2 lần tiến quân về Trà Kiệu là ngày 23/9/1885 và sau đó vào ngày 20/4/1886.

Trong thời gian tổ chức các cuộc tấn công vào Trà Kiệu, nhiều binh lính Văn Thân bắn phá nhà thờ kể lại là đã thấy “Một Bà Đẹp” hiện ra trên nóc Nhà Thờ cùng với “nhiều trẻ em mặc đồ trắng và đỏ” xuất hiện trên những ngọn tre làng để che chở cho giáo hữu. Đặc biệt vào hai ngày 10 & 11 tháng 9 năm 1885, giáo dân Trà Kiệu và cả Cha quản xứ (Linh mục Bruyère Nhơn) đều nghe rất rõ ràng là quân lính Văn Thân ở trên đồi Kim Sơn không ngừng bàn cãi với nhau: “THẬT LẠ LÙNG, CÓ MỘT NGUỜI ÐÀN BÀ LUÔN ÐỨNG TRÊN NÓC NHÀ THỜ. BÀ RẤT ÐẸP, MẶC ÁO TRẮNG, MÀ BẮN KHÔNG TRÚNG”

Chính viên quan xạ thủ là một cựu binh rất rành sử dụng súng thần công, cũng đã thú nhận : “TÔI MUỐN NHẮM BẮN MỘT BÀ ÐẸP, MẶC ÐỒ TRẮNG. ÐỨNG TRÊN NÓC NHÀ THỜ. TẤT CẢ ĐỀU ÐI QUÁ CAO TRỪ CÓ MỘT QUẢ.”

Khi nghe họ nói với nhau như vậy, Cha sở và giáo dân Trà Kiệu tin là Ðức Mẹ đã hiện ra, đều cố nhìn lên nóc nhà thờ nhưng không ai nhìn thấy Ðức Mẹ. Dầu vậy mọi người đều tin tưởng mãnh liệt rằng: Chính Mẹ đã hiện ra và làm phép lạ tỏ tường để chở che cho giáo xứ Trà Kiệu.

Ngoài ra một vài lần giáo dân Trà Kiệu còn nghe quân Văn Thân kêu lên với nhau: “Có một Đạo Quân Trẻ Em, Mặc Áo trắng và đỏ từ trời cao xuống dọc theo các lũy tre và tiến lên như một đạo quân đánh giúp cho người Công giáo. Do đó, trận nào cũng chỉ sau vài phút giao tranh là họ hoảng sợ bỏ chạy.”

Tại phía nam Cửa Hàn, trên một chiếc tàu chiến đậu “án binh bất động”, sĩ quan Pháp đã nghe thấy và đếm độ 500 phát đại bác bắn vào Trà Kiệu trong một ngày. Tại Phú Thượng, Cố Thiên và giáo dân khi nghe những tiếng nỏ khủng khiếp liên tục, thì ai nấy đều nghĩ rằng: Trà Kiệu đã bị tàn phá bình địa.

Trong thư Cố Nhơn (Bruyère) đệ trình về Tòa Giám mục Qui Nhơn, ngài đã thành thật quả quyết rằng: “Đối với con, thú thật là con không thấy được phép lạ, nhưng điều làm con tin chắc chắn đó là phép lạ và chỉ có phép lạ thôi, là nhà thờ, nhà xứ đã thoát khỏi sự tàn phá ghê gớm của đại pháo, chỉ đặt cách đó chục mét và bắn trực xạ vào nhà thờ, nhà xứ” (Compte rendu, Octobre 1886).

Có 2 giáo dân Trà Kiệu được diễm phúc nhìn thấy Ðức Mẹ là bà Chỉnh và bà Nhã. Bà Chỉnh làm dâu tộc Nguyễn Thanh, chồng là ông Nguyễn Thanh Chỉ, bố chồng là ông Nguyễn Thanh Đồng. Ông bà Chỉnh có hai con là Chương và Quỳ; còn bà Nhã là con ông Phạm Thơ, làm dâu tộc Lê Văn; chồng là ông Lê Văn Kiệm, bố chồng là ông Lê Văn Tá, anh chồng là ông Lê Văn Thẻ (tự Tiết).

Thật vô cùng lạ lùng, sau những trận mưa pháo, nhà thờ nhà xứ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một quả rơi trúng phòng áo, nơi hoa thị nhỏ và vài quả rơi nơi nhà xứ, nhưng không gây thiệt hại gì.

Sự sống còn của một giáo xứ trước một đạo quân đông gấp bội, được trang bị hùng hậu với quyết tâm san bằng giáo xứ, đã minh chứng rằng: Nếu không có ơn trợ lực linh thiêng của Thiên Chúa và Mẹ Maria thì làm sao Trà Kiệu thoát khỏi sự hủy diệt, đặc biệt là những biến cố xảy ra trong những ngày 9, 10 và 11/9/1885

Để tỏ lòng biết ơn Mẹ, vào năm 1898 giáo hữu Trà Kiệu đã xây một nguyện đường trên hòn Bửu Châu dâng kính “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu” (B.M. Auxilium Christianorum). Nguyện đường này (Nhà thờ Núi) lúc đầu được làm bằng gỗ, đến năm 1927 Cố Phú (Tardieu) cho xây lại bằng gạch, mái lợp ngói đất nung. Năm 1963, Cha Lê Như Hảo đã cho xây lại một ngôi đền nguy nga, kiên cố hơn theo đồ án thiết kế (được cho là của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ). Theo đồ án, ngôi đền này có tháp cao 27m, nhưng chỉ mới xây được 9m. Năm 2016, trước những hạng mục hư hại và xuống cấp trầm trọng của Đền Mẹ, Cha Quản xứ đương nhiệm đã khởi công tu sửa và tiếp tục kết thúc phần đỉnh để ngôi đền hoàn thiện hơn. Riêng ngôi nhà thờ của Giáo xứ, nơi chở che đoàn con Mẹ một thời, đã được xây dựng khang trang hơn trước với hai tháp chuông hai bên thật kiên cố, cung thánh cũng được trang hoàng công phu rực rỡ từ năm 1889 đến năm 1892, và được Đức Cha Fx. Van Camelbeck Hân khánh thành. Ngôi Nhà thờ giáo xứ hiện nay là công trình của cha Phêrô Lê Như Hảo tái thiết vào năm 1970.

Trà Kiệu trở thành TRUNG TÂM THÁNH MẪU của Giáo phận Qui Nhơn; và năm 1959, Giáo phận đã tổ chức một ĐẠI HỘI THÁNH MẪU rất trọng thể. Năm 1963, sau khi tách chia khỏi Quy Nhơn và thành lập giáo phận Đà Nẵng, Ðức Cố Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục tiên khởi của Ðà Nẵng, cũng chọn Trà Kiệu làm TRUNG TÂM THÁNH MẪU của Giáo Phận Đà Nẵng. Chính trong Thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu tại Trà Kiệu vào ngày 31.5.1971, Đức Cố Giám mục P.M. Phạm Ngọc Chi đã long trọng tuyên bố: Trà Kiệu là TRUNG TÂM THÁNH MẪU của Giáo phận Ðà Nẵng; và kể từ đó, Giáo phận cũng đã chọn ngày này làm ngày hành hương hằng năm về Đất Mẹ, kết thúc Tháng Hoa, là dịp con cái Mẹ khắp nơi lại tụ họp về Trà Kiệu để tôn vinh, cảm tạ, khấn xin, vì nơi đây Mẹ vẫn thường ban nhiều Hồng Ân đặc biệt cho những ai thành tâm chạy đến cùng Mẹ nhân lành.

Linh địa Mẹ Trà Kiệu cũng là nơi hành hương quen thuộc của giáo dân từ nhiều nơi, vì mỗi năm, có hằng nghìn lượt người đến đây để xin ơn và bày tỏ lòng tôn kính Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu.

Ban MVTT/GP