Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm C


 Lễ Ba Ngôi.C

(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)

22-5-2016

Năm thánh : Anrê Tường, nông dân (1812-1862), Vinh sơn Tương, chánh tổng (1814-1862), Đaminh Nguyễn Đức Mạo, nông dân (1818-1862), Đaminh Nhi, nông dân (1822-1862), Đaminh Nguyên, chánh trương (1800-1862). Ba ngài Tường, Tương, Nguyên là người họ Phú Yên. Hai ngài Nguyên và Nhi là người họ Ngọc Cục. Nói chung, năm ngài thuộc giáo xứ Lục Thủy, Bùi Chu. Năm ngài bị bắt ngày 14-9-1861.

Năm ngài bị khắc trên má bằng dùi nung đỏ hai chữ “tả đạo”, đạo tà, bị phơi nắng suốt  ngày không cho uống nước. Ngày 16-6-1862 năm ngài bị chém đầu. Thay vì một nhát chém., năm ngài xin chém ba nhát, để kính Thiên Chúa Ba Ngôi (Thiên Hùng Sử 167-171; NĐVC 185).

Các ngài là những người Công giáo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam tiên khởi. Thế mà các ngài đã được dạy dỗ về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thế mới biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng.

Quả vậy, đạo chúng ta có ba mầu nhiệm chính :

  • Thiển Chúa Ba Ngôi
  • Ngôi hai xuống thế làm người
  • Ngôi Hai cứu chuộc nhân loại.

Nhưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng nhất.

Tại sao Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng nhất ?

-Thưa : vì đó là mầu nhiệm cho biết Thiên Chúa là tình yêu. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cho chúng ta biết Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu.

Bđ1 : Sách Châm Ngôn trong bđ1 mô tả Ngôi Cha và Ngôi Hai như hai người bạn: “Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả

          Ngày ngày ta là niềm vui của Người

          Trước mặt Người ta không ngớt vui chơi

          Vui chơi trên mặt đất

          Ta đùa vui với con cái loài người” (Cn 8,20-21).

Bđ2 : Bđ2, thư Roma, thánh Phaolô diễn tả Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba, là tình yêu của Ngôi Cha : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta” (Rm 5,5).

BTM : trong BTM, thánh Gioan viết Ba Ngôi hợp nhất nên một : “ Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-15).

Tình yêu là quan trọng nhất trên đời. “Bài Ca Đức Mến” trong thư Côrintô, thánh Phaolô đã viết: “Hiện nay đức tin, đức cậy,  đức mến cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn là đức mến” (1 Cr 13,13). Ở đời này, cả ba đức : đức tin, đức cậy, đức mến tồn tại; nhưng ở đời sau chỉ có đức mến tồn tại, nên đức mến cao trọng hơn.

Sách Diễm Ca cũng viết : “Tình yêu mạnh hơn sự chết’. Những thanh niên nam nữ thất tình, uống thuốc chuột, thuốc rầy, nhảy sông tự tử, mới biết “tình yêu mạnh hơn sự chết.

Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu, vì tình yêu quan trọng. Hơn nữa, có là tình yêu mới giải nghĩa được Thiên Chúa Ba Ngôi.

Theo toán học, một là một, ba là ba; ba không thể là một, một không thể là ba. Nhưng theo tình yêu, ba có thể là một, một có thể là ba, nhiều mà ít, ít mà nhiều.

Chúng ta nhớ câu chuyện “hai đồng tiền bà góa”.  Hãy ghe thánh Mác-cô kể : “Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một đồng tư đồng xu  Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói : “Thầy bảo thật anh em : bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12,41-44).

Với tình yêu ít trở thành nhiều. Không tình yêu, nhiều trở thành ít. Người ta thường nói : “Nhất nhật tại tù,thiên thu tại ngoại”, một ngày ở trong nhà tù bằng một ngàn ngày ở ngoài.

Thi sĩ Tản Đà có một câu diễn tả tình vợ chồng :

Ta với mình tuy hai mà một,

  Ta với mình tuy một mà hai

Lễ Chúa Ba Ngôi không những nói đến tình yêu Thiên Chúa, mà còn là gương mẫu cho mỗi người chúng ta trong đời sống gia đình, đời sồng xóm làng, đời sống xứ đạo. Nếu chúng ta có tình yêu thì dễ dàng chung sống, hiệp nhất; nếu chúng ta không có thì yêu thì dễ dàng ghen tương cãi cọ, chia rẽ.

Năm thánh lòng Chúa thương xót, chúng ta hãy chiêm ngắm lòng Chúa với chúng ta. Chúng ta có xấu xa tội lỗi như thế nào mặc lòng, Chúa vẫn tha thứ, Chúa vẫn thương xót chúng ta. Cũng vậy, nếu chúng ta giống Chúa, có lòng thương xót, thì người chồng hay người vợ, người anh, người chị hay người em, người họ hàng hay láng giềng có cư xử tệ bạc với chúng ta, chúng ta cũng có thể thương xót tha thứ, như Chúa  thương xót tha thứ cho chúng ta.

Chúng ta đang sống những ngày cuối tháng Mẹ. Mẹ lươn nhắn nhủ chúng ta lần chuỗi. Chuỗi Mân Côi là keo gắn bó chúng ta đoàn kết nên một, như 50 hạt chuỗi trở thành một chuỗi.

————————————–

Lễ Ba Ngôi.C

26-5-2013

Hôm nay lễ Chúa Ba Ngôi, bổn mạng giáo xứ Phú Hạnh chúng ta.

Chúa nhật tuần trước lễ CTT, chúng ta đã nói đến tấm ảnh Chúa Ba Ngôi. Tấm ảnh đo họa sĩ Công Giáo dựa trên câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa, để vẽ : Chúa Cha là một ông già đầu râu tóc bạc, Chúa Con là Chúa Giêsu chịu đóng đinh, và Chúa Thánh Thần là chim bồ câu (Mt 3,16). Chúng ta đã tìm hiểu tại sao dùng hình ảnh chim bồ câu để diễn ta về CTT.

Còn Giáo Hội Chính Thống vẽ Chúa Ba Ngôi là hình ba người khách đến báo tin cho ông Ápraham sang năm ông sẽ có con. Trong câu chuyện lúc thì kể : có ba người khách, như câu : “Khi ông Apraham đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông” (St 18, 1-2a). Có lúc lại kể chỉ có một người khách, như câu : “Vừa thấy, ông Ápraham bèn từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói : ‘Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài” (St 18,2b-3).

Câu chuyện ba người khách biến thành một người khách. Câu chuyện đó diễn tả phần nào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Ba Ngôi được  rõ ràng, được biết tên Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần, là nhờ lời Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ trước khi về trời : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ (Mt 28,19).

Nhờ Chúa Giêsu mặc khải, chúng ta có kinh Sáng Danh, dấu Thánh Giá…

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thật khó hiểu, đến nỗi thánh tiến sĩ Au-gút-ti-nô rất thông minh mà cũng không hiểu.

Một hôm thánh nhân ra bờ biển, đi đi lại lại, cố tìm ra ý nghĩa mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bỗng ngài thấy một em bé ngồi trước mặt. Em khoét một lỗ nhỏ trong bãi cát, rồi lấy nước biển đổ vào.

Thánh nhân hỏi :

– Cháu định làm gì thế ?

Em bé trả lời :

– Cháu muốn tát cạn nước biển.

Thánh nhân bảo :

     – Nước biển thì bao la, cái lỗ thì nhỏ xíu. Làm sao cháu tát cạn được nước biển.

     Em bé thưa :

– Việc cháu làm còn dễ hơn là việc ngài tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói xong, em bé biến mất. Thánh nhân biết em bé là thiên thần hiện ra dạy mình.

Xét theo phương diện toán học thì 1 là 1, 3 là 3. Với cái nhìn đo đếm thì mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không thể một Chúa là Ba Ngôi, Ba Ngôi là một Chúa.

Song xét theo phương diện tâm lý, tình cảm thì 1 có thể là 3, 3 có thể là 1; ít mà nhiều, nhiều mà ít.

Thánh Luca kể : “Một hôm , đang khi Đức Giêsu giảng dạy trong Đền Thờ…thấy những người giầu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói : Thầy bảo thật anh em, bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 20,1; 21,1-4).

Thời gian số học cũng khác với thời gian tâm lý : “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, một ngày trong tù bằng một ngàn năm ở ngoài.

Tình cảm cũng khác với tiền bạc của cải. Thi sĩ Tản Đà có câu thơ :

           Mình với ta tuy hai mà một

          Ta với mình tuy một mà hai

Vợ chồng yêu nhau thì hai là một, một là hai. Sách Sáng Thế kể : “Đức Chúa làm thành một người đàn bà và dẫn đến ông Ađam (con người). Ông Ađam nói : Phen này đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!…Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với v mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,22-24).

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu. Thánh Gioan bảo : “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là một mà lại là ba; ba lại là một.

Lời Chúa trong thánh lễ diễn tả những đặc tính của Thiên Chúa tình yêu.

Bđ1 : Sách Châm Ngôn nói đến sự gần gũi như một giữa Ngôi Cha và Ngôi Con : ”Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày Ta là niềm vui của Người, trước mắt Người Ta không ngơi vui chơi” (Cn 8,30-31).

BTM : Trong BTM, Chúa Giêsu nói đến sự gắn bó chặt chẽ giữa Ba Ngôi :

Thánh Thần (Người) sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,14-15).

Bđ2 : Thánh Phaolô viết trong thư Rôma, bđ2, “Thiên Chúa đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta” (Rm 5,5). Tình yêu, Ngôi Ba Thiên Chúa là tình yêu của Chúa Cha.

Nhờ “Thiên Chúa đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta”, nên thánh Phaolô Hạnh, mà chúng ta lấy tên ngài mà đặt tên cho giáo xứ, đã sẵn sàng đổ máu làm chứng cho tình yêu Chúa.

Thánh Phaolô Hạnh sinh tại Biên Hòa năm 1826. Lớn lên ngài theo hai anh đến Chợ Quán, Sàigòn làm ăn. Vì đồng tiền, ba anh em trở thành những tên cướp. Thậm chí thánh Hạnh còn trở thành tướng cướp nổi tiếng khắp vùng Gia Định, Sàigòn, Chợ Lớn.

Đàn em của thánh Hạnh đến ăn cướp tài sản của bà Luxia Nguyễn thị Vang ở Chợ Quán. Vì quen với thánh Hạnh, bà đến với thánh Hạnh kêu van khóc lóc. Thánh Hạnh bắt đàn em trả lại của cải cho bà.

Đàn em tức giận, trả thù bằng cách vu cáo với quan tỉnh Gia Định là thánh Hạnh làm tay sai cho quân Pháp chống lại Nhà Nước. Thánh Hạnh bị bắt. Thánh Hạnh  không nhận mình làm tay sai cho Pháp, chỉ một mực nhận mình theo đạo Chúa.

Thánh Hạnh bị căng thây, bị đánh đòn, bị kìm sắt nung đỏ dí vào người. Trong tù thánh Hạnh cầu nguyện :

Lạy Chúa, xin tha tội cho con. Con đã không giữ luật Chúa. Con đã lập bè đảng đi ăn cướp. Con đã lôi cuốn bao thanh thiếu niên theo đàng tội lỗi, làm hư bao tâm hồn trong trắng ngây thơ. Con thật đáng tội với Chúa. Con xin chịu mọi đau đớn để đền tội. Con vui lòng chịu chết vì đạo Chúa”.

Ngày 28-5-1859, thánh Hạnh bị chém đầu tại Chí Hòa. Thi thể thánh Hạnh được chôn tại nhà thờ Chợ Quán.

————————————

Lễ Ba Ngôi.C

30-5-2010

Chẳng có gì trên đời đẹp bằng tình yêu

Và cũng chẳng có gì trên đời quí bằng tình yêu.

Tình yêu nào mạnh nhất ? – Tình yêu nam nữ, tình yêu vợ chồng.

Tình yêu nào cao thượng nhất ? – Tình yêu cha mẹ và con cái.

Báo Dân Trí trên mạng kể lại câu chuyện cảm động sau đây :

8 giờ sáng ngày 30-1-2010, một người đàn ông gầy guộc, nước da đượm mầu nắng gió miền tây, ông Nguyễn Sơn Lâm. Ông rời chiếc xe khách Bắc Nam đặt chân xuống TP. Hà Tĩnh, để tìm gặp mẹ sau 31 năm thất lạc.

Bố ông là một người dân Cần Thơ, tập kết ra tỉnh Lào Cai  khoảng năm 1960. cũng khoảng thời gian ấy bà Vũ thị Chín đang sống ở Yên bái ngược lên làm kinh doanh ăn uống ở Lào Cai. Hai ông bà gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Hơn chục năm sống bên nhau, bố mẹ ông  sinh được 5 người con, 4 trai, 1 gái. Ông Lâm là con đầu.

Năm ông 14 tuổi (1979 ?), bố ông bỏ bà Chín và dẫn mấy anh em về Nam sinh sống. Ông Lâm kể : “Hồi đó tôi không muốn đi vì tính khí mẹ không bình thường, nhưng vì mấy đứa em còn quá nhỏ, tôi đành theo bố để chăm sóc các em. Mấy anh em tôi thất lạc mẹ từ đó”.

Vào Cần Thơ được ít lâu, bố ông lập gia đình với một phụ nữ khác. Máy anh em ông phải đi làm mướn tận Cà Mau sống qua ngày. Giữa thập niên 80, ông Lâm có về Yên bái kiếm mẹ, nhưng lúc đó không ai biết mẹ ông ở đâu. Ông không ngờ mẹ thất lạc vào Hà Tĩnh, để có cuộc gặp hôm nay sau 31 năm thất lạc.

Hôm nay lễ Chúa Ba Ngôi : Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Một Chúa mà Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao cả nhất trong đạo. Song cũng là một mầu nhiệm khó hiểu, vì Ba Ngôi không phái là ba Chúa, mà chỉ là một Chúa.

Con số toán học 1 là 1, 3 là 3;

Nhưng con số tình yêu, tình cảm thì 1 là 3, 3 là 1.; ít mà nhiều, nhiều mà ít. Yêu nhau 1 giờ chóng qua như 1 phút. Không yêu nhau 1 phút lâu như 1 giờ . “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”: 1 ngày trong tù như 1 ngàn ngày ở ngoài.

Thi sĩ Tản Đà đã diễn tả tình yêu vợ chồng như sau :

Ta với mình tuy hai mà một

Mình với ta tuy một mà hai.

Yêu nhau thì phải có hai người. Hai người yêu nhau thì thành một.

Khi tạo dựng nên người nam và người nữ, Thiên Chúa phán : “Cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).

Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu cầu nguyện cho con cái của Chúa được hiệp nhất nên một 4 lần :

  1. Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha, mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).
  2. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một” (Ga 17,20-21).
  3. Phần Con, Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22).
  4. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17,23)

Như thế Ba Ngôi là một Chúa, vì Ba Ngôi là tình yêu. Chúa Cha, Chúa Con và CTT yêu nhau nên một.

Ước gì mỗi lần chúng ta làm Dấu Thánh Gia, dọc kinh Sáng Danh, chúng ta cầu nguyện cho chúng ta yêu nhau, đoàn kết, hiệp nhất nên một.

 —————————————

Lễ Ba Ngôi. C

3-6-2007

Trong đạo có 3 tín điều quan trọng :

  1. Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi
  2. Tín điều Chúa Giêsu xuống thế làm người
  3. Tín điều Chúa Giêsu chịu chết.

Trong 3 tín điều, tín điều TC Ba Ngôi là quan trọng nhất. Thiên Chúa Ba Ngôi có nghĩa là một Thiên Chúa mà ba ngôi : ngôi Cha, ngôi Con, ngôi Thánh Thần.

Làm sao chúng ta biết Thiên Chúa Ba Ngôi ?

Bđ1 : Nhờ Kinh Thánh chúng ta biết Thiên Chúa Ba Ngôi, như trong Bđ1 thánh lễ hôm nay. Sách Châm Ngôn nói đến Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan chính là Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa.

Đức Khôn Ngoan kể : “Đức Chúa đã dựng nên Ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Ngài từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong đời đời từ nguyên thủy trước khi có mặt đất… Ta hiện diện bên Ngưới như tay thợ cả. Ngày ngày Ta là niềm vui của Người, trước mặt Người Ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui vơi con cái loài người” (Cn 8,22.23.30-31).

BTM : Thời Cựu Ước nói về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng lờ mờ, không rõ ràng. Đến thời Tân Ước, nhờ Chúa Giêsu, chúng ta mới biết rõ về Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

BTM thánh lễ hôm nay Chúa Giêsu nói : “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy…CTT (Người) lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15).

Thiên Chúa Ba Ngôi được Chúa Giêsu cho biết rõ ràng nhất khi Người truyền dạy các tông đồ : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 26,19).

Bđ2 : trong thư Rôma cũng đề cập đến Ngôi Cha và Ngôi Ba, thánh Phaolô viết : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban xuống cho chúng” (Rm 5,3-5).

 

Tại sao Ba Ngôi không là ba Chúa, mà là một Chúa ?

 

Chúng ta nhớ lại câu thơ của thi sĩ Tản Đà  Nguyễn Khắc Hiếu :

Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai.

Ông Tản Đà bảo hai mà một, một mà hai. Chỉ vì lãnh vực tình yêu khác với lãnh vực toán học. Tóan học thì 1 lá 1, 2 là 2; nhưng lãnh vực tình yêu thì 1 là 2, 2 là 1.

Sở dĩ Ba Ngôi là một Thiên Chúa vì Ba Ngôi là tình yêu. Yêu nhau thì trở nên một. Cũng như gia đình chúng ta tuy đông, nhưng hiệp nhất nên một. Mầu Nhiêm Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu. Chúa Cha yêu Chúa Con, Chúa Con yêu Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi yêu nhau nên một Thiên Chúa.

Thiên Chúa là mẫu gương yêu thương cho mọi người chúng ta, cho mỗi gia đình, cho mỗi cộng đoàn.

 ————————————

Lễ Ba Ngôi .C

2004

Hôm nay lễ Chúa Ba Ngôi, nghĩa là một Chúa, nhưng Ba Ngôi : Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Từ “Ba Ngôi” do sự suy nghĩ của thánh Thêôphilô, quê thành Antiôkhia nước Syri, vào thế kỷ II.

Lễ Chúa Ba Ngôi bắt đầu từ thế kỷ VII. Thế kỷ X  được nhiều Giáo Hội cử hành. Đến năm 1334 lễ Chúa Ba Ngôi được Đức giáo hoàng Gioan XXII cử hành tại Rôma, rồi dần dần được khắp nơi cử hành.

Ngay khi rửa tội, mỗi người chúng ta đã được rửa tội trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, như lời Chúa Giêsu dạy các tông đồ trước khi về trời : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,18).

Khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta cũng tôn vinh Chúa Ba Ngôi : “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Khi đọc kinh Sáng Danh, chúng ta cũng tôn vinh Chúa Ba Ngôi : “Sáng danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần

Lời Chúa trong ba bài đọc thanh lễ giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Bđ1 : Lời Chúa trong bđ1 trích từ sách Châm Ngôn. Sách Châm Ngôn ghi chép lại những châm ngôn nói về sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan rút ra từ cuộc sống cụ thể của con người. Sự khôn ngoan trước hết là của vua Salômon, ông vua nổi tiếng là khôn ngoan. Sau đó là của các tiền nhân. Những câu châm ngôn giống như những câu tục ngữ phong do của Việt Nam.

Trong bđ1, khôn ngoan không phải là một nhân đức, mà là một Đấng Khôn Ngoan. Sách viết : “Hãy nghe đây lời minh định của Đức Khôn Ngoan: Đức Chúa đã dựng nên Ta như tác phẩm đầu tay của Người trước mọi công trình của Người từ xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thủy, trước khi có mặt đất” (Cn 8,22-23).

Lời này chẳng khác gì những lời mở đầu của sách Tin Mừng thánh Gioan nói về Chúa Giêsu, Ngôi Lời, Ngôi Hai : “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).

Đức Khôn Ngoan trong sách Châm Ngôn là một cộng tác viên trong việc Thiên Chúa tạo thành vũ trụ : “Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả” (Cn 8,30), cũng giống như Ngôi Lời trong sácch TM của thánh Gioan : “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3).

Đức Khôn Ngoan trong sách Châm Ngôn “không ngớt  vui chơi, vui chơi trên mặt đất, Ta đùa vui với con cái loài người” (Cn 8,30-31) cũng giống Ngôi Lời trong sách thánh Gioan : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ngự giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Đức Khôn Ngoan trong sách Châm Ngôn khuyên dạy : “Giờ đây hỡi các con, hãy nghe Ta. Phúc thay người bước theo đường lối của Ta chỉ (Cn 8,32-33) cũng giống như lời thánh Gioan nói về cách cư xử của loài người với Ngôi Lời:  “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn ai đón nhận, tức những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1,11-12).

Tuy Đức Khôn Ngoan trong sách Châm Ngôn giống Ngôi Lời trong sách TM thánh Gioan, nhưng mầu nhiệm Ba Ngôi  phải chờ đến Chúa Kirô mặc khải.

Bài Tin Mừng :  BTM thánh lễ nói về CTT, Ngôi Ba Thiên Chúa. Trên bàn tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ về CTT như sau : “Khi nào Thần Khí sự thật đến Ngưới sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13)

Trên bàn tiệc ly Chúa Giêsu nhắc đến Ngôi Ba 7 lần : Ga 14,16.17.26; 15,26; 16,7.13).

Chúa Giêsu gọi CTT bằng hai tên : Đấng Bảo Trợ  4 lần : 14,16.26; 15,26; 16,7

và gọi là Thần Khí Sự Thật 3 lần : 14,17; 15,26; 16,13).

Trong BTM Chúa Giêsu nói về Ba Ngôi bằng nhau : “Mọi sự Chúa Cha có đêu là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói Người đã lây những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (16,15). Những gì của Chúa Thánh Thần là của Chúa Giêsu; những gì của Chúa Giêsu là của Chúa Cha.

Bđ2 : Bđ2 là thư của thánh Phaolô gửi các tín hữu Rôma. Thánh Phaolô đã nói đến việc của mỗi Ngôi. Nhờ Chúa Con, chúng ta được bình an và ân sủng của Chúa Cha : “Chúng ta được bình an với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô…Đức Giêsu mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa…vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5,1.2)

Còn CTT là tình yêu của Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta, để chúng ta trông cậy khi gặp gian nan thử thách : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ CTT mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,3-5).

Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng nhất trong đạo, song cũng là mầu nhiệm xem ra nghịch lý và khó hiểu về phương diện toán học, đếm đo : 1 là 1, 3 là 3; 1 không thể là 3, 3 không thể là 1. Song về phương diện tình yêu, tình cảm thì 1 cũng là 3, 3 cũng là 1.

Thi sĩ Tản Đà nói : “ Mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai”. Muốn yêu thì phải có hai, có ba; chẳng có ai yêu một mình mình. Nếu yêu một mình là ích kỷ, là độc tài. Và đã yêu nhau thì phải hiệp nhất nên một. Không nên một thì sẽ lộn xộn, chia rẽ.

Đức viện phụ Bockel, cha sở nhà thờ chính tòa Strasbourg Pháp nói : “Nếu Thiên Chúa không phải là Ba Ngôi, chắc chắn tôi sẽ là kẻ vô thần”. Ngài muốn nói : nếu Thiên Chúa không là Ba Ngôi, tức là không có tình yêu, thì ngài không tin Thiên Chúa, vì Thiên Chúa phải là tình yêu.

Cha Varillon viết : “Người Kitô hữu không nói mình tin vào Thiên Chúa toàn năng, nhưng tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng”. Thiên Chúa không là ông chủ muốn làm gì cho mình đều có khả năng làm; song là người cha yêu thương, quên mình lo cho con cài.

Triết gia Hegel, người Đức, đã đưa ra một luận đề “chủ-nô”, để diễn tả cái tương quan chỉ có sự sở hữu cho mình, không có một chút yêu thương người khác. Người chủ dùng công nhân như một nô lệ, một dụng cụ để làm giầu cho mình; chứ không như người cha lo làm giầu cho con cái.

Chính vì Thiên Chúa là Cha toàn năng, nên Người đã sai Ngôi Hai xuống thế để tha tội chúng ta, và sai Thánh Thần xuống bảo trợ loài người. Cha Varillon viết : “Thiên Chúa chỉ có một ngôi thì làm sao có thể nhập thể được” (Francois Varillon, Vui Sống, Vui Tin Yêu, trang 160-173).

Thánh Gioan viết : “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Chúng ta không hiểu được một Thiên Cúa mà Ba Ngôi, vì chúng ta không yêu thương. Nên cuộc đời chúng ta nhiều bất hòa chia rẽ, Còn Thiên Chúa  Ba Ngôi yêu thương nên hiệp nhất nên một.

Trong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có hai cha con là thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm và thánh Giuse Phạm Trọng Thìn. Ngoài ra còn có thánh Luca Phạm Trọng Tả là anh em thúc bá. Cả ba bị xử giảo tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định, ngày 13-1-1859. Sách sử ghi lại đời sống thương người như mình của thánh Thìn như sau : “Đầy tớ ông rất đông. Chưa Tết ông đã đi thăm từng nhà và cho tiền mừng tuổi rất hậu. Số tiền ấy thường gấp đôi số quà cáp họ biếu ông trong năm. Số thóc cho vay, ông cho một nửa, túng quá thì cho luôn. Công nợ cũng vậy. Khi vợ lên tiếng cằn nhằn, ông bảo : ‘Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình’”.

Linh mục Nguyễn Trung Thành