Ki-tô hữu phục vụ trong niềm vui và không hằn học


KITÔ HỮU PHỤC VỤ TRONG NIỀM VUI VÀ KHÔNG HẰN HỌC

ĐTC Phanxicô thúc giục các kitô hữu phục vụ tha nhân không lưỡng lự và trì hoãn, khi ngài nói rằng nếu chúng ta học biết cách để đạt tới phương thế này, thế giới sẽ nên khác. ĐTC nhắc bảo trong bài giảng lễ sáng tại nguyện đường Nhà trọ Thánh Matta, nơi ngài đã lấy gương của Đức Trinh Nữ Maria để suy niệm về chủ đề kitô hữu phục vụ tha nhân.

Ngày 31/5 là ngày cuối cùng của tháng hoa dâng kính Maria và ĐTC đã dùng các bài đọc trong ngày (lễ Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Elisabet) để minh hoạ lòng can đảm của Đức Maria, bàn tay và sự quan tâm nâng đỡ tha nhân của Mẹ, và trên hết là niềm vui chan chứa lòng Mẹ, mang ý nghĩa và một định hướng mới cho đời sống chúng ta. Nhắc lại cuộc thăm viếng người chị họ Elisabet của Mẹ Maria, ĐTC Phanxicô nói rằng đây là một cử hành phụng vụ đầy niềm vui đem đến “một hơi thở mát dịu” ngập tràn cuộc sống chúng ta.

Niềm vui và sự hằn học

 “Kitô hữu mang trong mình sự hằn học hoặc vẻ bực tức trên nét mặt, những kitô buồn phiền là một điều rất xấu. Thực sự là xấu vô cùng. Bởi vậy, những người như thế không phải là kitô hữu trọn vẹn. Họ cho rằng họ là kitô hữu nhưng họ không hoàn toàn được vậy. Đây là sứ điệp của kitô giáo; và trong bầu khí vui tươi, phụng vụ hôm nay quả là một tặng phẩm cho chúng ta. Tôi muốn nhấn mạnh 2 điều: trước tiên là thái độ, sau nữa, là sự kiện. Thái độ là một trong những điều đáng nói của sự phục vụ hoặc giúp đỡ tha nhân.

ĐTC cho thấy cách thế Phúc âm diễn tả Đức Maria vội vã lên đường và không trì hoãn việc đi thăm người chị họ, bất kể mình đang mang thai cùng những hiểm nguy cướp bóc trên đường đi. Cô gái trẻ 16 hay 17 tuổi này thật can đảm khi lên đường ngay và lên lịch cho chuyến đi.

Những người phụ nữ can trường của Hội Thánh.

 “Lòng can đảm của các phụ nữ. Những phụ nữ can trường vẫn hiện diện trong Hội Thánh: họ giống như Đức Maria. Những người phụ nữ này bỏ lại gia đình, họ nhận trách nhiệm nuôi dạy trẻ em, họ phải đối diện với những vất vả, nhiều đau đớn, họ là những người chăm sóc bệnh nhân… Can trường: họ sắp xếp và giúp đỡ người khác. Phụ vụ tha nhân là một dấu chứng của kitô hữu. Ai chưa sống để phục vụ tha nhân, thì không phục vụ cho đời sống. Phục vụ tha nhân và đầy niềm vui là thái độ mà tôi muốn nhấn mạnh hôm nay. Có niềm vui và cũng có việc phục vụ tha nhân.”

Thái độ thứ hai được ĐTC cho là quan trọng chính là chỗi dậy và gặp gỡ tha nhân. Nhắc thêm lần nữa cuộc gặp gỡ của Mẹ Maria với người chị họ, ĐTC lưu ý rằng hai người chị em vui mừng chào nhau và cuộc gặp mặt của họ rất vui vẻ. Để kết thúc, ĐTC nói rằng nều chúng ta có thể học được 2 điều này là phục vụ tha nhân và tìm đến với họ, thế giới của chúng ta sẽ thay đổi nhiều vô kể.

 “Vươn tay ra với tha nhân là một dấu hiệu khác của kiô hữu. Những ai tự cho mình là kitô hữu và những ai không thể vươn tới với tha nhân, lên đường và gặp gỡ họ thì chưa hoàn toàn là kitô hữu. Cả phục vụ lẫn đến với tha nhân đều đòi hỏi thoát ra khỏi chính mình: ra đi để phục vụ và gặp gỡ tha nhân, để ôm chặt người khác. Qua sự phục vụ của Mẹ Maria với tha nhân, qua cuộc gặp gỡ của Mẹ, lời hứa của Thiên Chúa được làm mới và thành hiện thực, như trước đây đã từng thành sự. Và chính Thiên Chúa chúng ta, như được nghe trong bài đọc thứ nhất: “Thiên Chúa, Chúa của anh em đang ở giữa anh em”. Thiên Chúa đang bận tâm giúp đỡ người khác, Thiên Chúa đang quan tâm đến việc gặp gỡ tha nhân.”

Linh mục Phêrô Hoàng Gia Thành

Trích dịch bài tường thuật của Susy Hodges: “Pope: Christians serve with joy and not with a grimace”

trong Vatican Radio – nguồn: vatican.va