Chúa Nhật XIV Thường Niên – Năm C


CN.14.C
(Is 66,10-14; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20)
4-7-2013

Năm 1626, cha Baldinotti từ Macao theo tầu buôn của người Bồ Đào Nha đến miền Bắc. Trịnh Tráng tiếp đãi tử tế và cho phép cha ở lại loan báo TM. Vì không biết tiếng nói, cha viết ngay một lá thư gửi cha Mattos đang thăm quan ở Miền Nam. Khi về Macao, cha cũng thúc giục bề trên sai người tới miền Bắc rao giảng Tin Mừng.
Trong hơn 2 tháng ở Miền Bắc, cha Baldinotti có một cái nhìn thiện cảm như sau : “…Tính tình tốt lành, có nhiều thuần phong mỹ tục rất hợp với tinh thần đạo Công giáo, nếu có những vị thừa sai thông thạo tiếng nói của dân xứ, rất hy vọng thu lượm được mùa gặt phong phú” (Nguyễn Hồng, Ls Truyền Giáo ở VN, T.I, trang 94).

Lời cha Baldinotti nhận xét về người VN miền Bắc âm vang lời Chúa Giêsu nói với 72 môn đệ trong bài TM thánh lễ hôm nay : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2).
Chúa Giêsu còn căn dặn các môn đệ sống nghèo khó, đơn giản : “Đừng mang túi tiền, bao bị, giày dép… Người ta cho ăn thức gì, thì anh em dùng thức đó…” (Lc 10,4.7).
Khi tới miền Bắc, ông thuyền trưởng ăn mặc sang trọng; còn cha Baldinotti ăn mặc rất đơn giản. Song cha luôn được ông thuyền trưởng tôn trọng, đi đâu cũng được ông nhường bước. Thấy thế, chúa Trịnh Tráng rất kính nể cha; đồng thời sai một vị sư ân cần chăm sóc cha.
Chẳng những các môn đệ Chúa phải sống đơn giản, mà còn phải gặp chông gai vất vả. Chúa Giêsu bảo : “Này Thày sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3).

Trong bđ2, thánh Phaolô viết thư cho các tín hữu Galát : “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta !” (Gl 6,14).
Đức cha Santa Cruz, giám mục thứ III của giáo phận Đông Đàng Ngoài, tức là Hải Phòng, năm 1707 viết thư về cho cha bề trên dòng Đaminh ở Manila, kể lại cuộc sống của ngài như sau : “Chúng tôi phải chịu cái nóng gay gắt ở xứ này, nhất là từ tháng 5 đến tháng 9. Trước hết là vì thuyền chúng tôi bằng gỗ, bắt nắng và giữ nóng lâu. Thứ hai là vì hoàn cảnh bắt buộc chúng tôi phải ẩn trong thuyền, chỉ ban đêm mới dám ra. Mùa đông thuyền trống trải, gió lùa khắp nơi làm chúng tôi phải chết rét. Dù đau yếu như vậy, chúng tôi vẫn không bỏ bổn phận. Nhiều đêm tôi đau quá, không ngủ được, cứ ngồi tới sáng. Từ nhiều năm qua, tôi phải làm việc suốt ngày, tiếp xúc với giáo dân cũng như lương dân, nhất là không bao giờ bỏ thánh lễ. Chúng tôi dạy giáo dân tôn sùng kinh Mân Côi. Trong mùa Chay dù phải ngồi toà thâu đêm, chúng tôi vẫn phải giữ chay nhiệm nhặt. Không ngày nào mà không nghe tin dân Chúa bị bách hại, vu cáo, bị dẫn đến quan toà. Đã 30 năm tôi ở xứ này (từ năm 1676), không tháng nào không phải ẩn mình để khỏi bị bắt, và cho tới lúc này nhờ ơn Chúa che chở, tôi chưa bị sa lưới quan quân lần nào… Chúng tôi chỉ ban phát các bí tích trong đêm tối và suốt 30 năm chưa lần nào tôi được ngủ trước 1g sáng” (Bùi Đức Sinh, Dòng Đaminh Trên Đất Việt, I.41-42).

Cuộc sống của người tông đồ, của những người đi theo Chúa dẫy đầy thập giá khổ đau, thế nhưng vẫn được Chúa xoa dịu ủi an, như trong bđ1, qua ngôn sứ Isaia, Chúa nói với người Do Thái sau khi lưu đày ở Babylon trở về : “Các ngươi sẽ được nuôi bằng bầu sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,12-13).
Có một vị GM nói : nếu không có Chúa, ở đời này ai sẽ an ủi, ai sẽ xét xử phải trái cho mình ? Nếu không có Chúa, chỉ có những kẻ to miệng, kẻ có nhiều tiền, kẻ có quyền mới thắng; còn những kẻ thấp cổ bé miệng, túi rỗng sẽ thua, sẽ thiệt .

————————————-

CN.14.C
2010

Chúa nhật thứ 12, chúng ta mừng lễ Trái Tim Chúa. Lễ tình yêu. Lễ của một Trái Tim yêu thương. Chúa nhật hôm nay, với ba bài đọc, cũng diễn tả lòng Chúa yêu thương loài người dường nào.
Bài đọc 1 : Dân Do Thái bị lưu đày ở Babylon, một miền đất ở giữa hai con sông Tigris và Euphrates, tức là nước Iraq ngày nay. Sau 50 năm lưu đày, vua Kyrô cho phép họ trở về quê. Đặt chân lên mảnh đất quê cha đất tổ, nhìn thấy cảnh tang thương của quê hương : đất đai bị những người nước ngoài đến ở, Đền thờ Giêrusalem chỉ còn là đống gạch đổ nát, niềm vui ngày trở về đã sớm vụt tắt, thay cho tiếng cười là tiếng khóc than. Nhưng ngôn sứ I-sai-a đã xuất hiện, đã cất tiếng an ủi : “Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô” (Is 66,10a). Thiên Chúa sẽ làm một cuộc sáng tạo mới, Giêrusalem sẽ trở nên giầu sang phú quí : “Hãy cùng Giêrusalem khấp khởi mừng, hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô, để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang” (66,10b-11). Thành Đô sẽ không còn chiến tranh, nhưng sẽ được hoàn toàn bình an : “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông Cả” (66,12). Các nước không còn đem quân xâm chiếm, nhưng sẽ đem của cải đến tiến dâng : “Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ” (66,12). Ngôn sứ Isaia diễn tả lòng thương của Thiên Chúa như người mẹ với con thơ : “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (66,12-13).
Bài Tin Mừng: Thiên Chúa không chỉ thương một nước Do Thái, mà thương mọi dân mọi nước. Câu chuyện Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi giảng đạo trong bài TM thánh lễ hôm nay đã nói lên điều đó. Các sách TM khác kể chuyện Chúa Giêsu sai 12 tông đồ, chỉ có thánh Luca kể thêm câu chuyện sai 72 môn đệ. Sách Tân Ước của nhóm CGKPV đã cắt nghĩa như sau : “Chỉ có Luca ghi lại chuyến đi này…Luca dường như nhắm hai mục tiêu : cho thấy Chúa Giêsu không chỉ sai có Nhóm Mười Hai, và việc sai đi trong đất Paléttin chỉ là bước đầu của việc sai đi đến với dân ngoại” (tr.304).
Như vậy, câu chuyện 72 môn đệ đi truyền giáo có hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là sai đến với dân ngoại. Con số 72 trong sách Sáng Thế là con số chỉ 72 dân tộc trên địa cầu (St 10). Kể câu chuyện này, vì thánh Luca cùng thánh Phaolô đã đi truyền giáo cho các dân ngoại. Theo thánh Giêrônimô, thánh Luca là người Syri, ngoại giáo, không phải là người Do Thái. Theo tương truyền, thánh Luca là một trong hai môn đệ trên đường Emmau và là người đã vẽ ảnh Đức Mẹ Maria. Thánh Luca đã tử đạo tại Patras, nước Hy Lạp (Dictionnaire Encyclopédique de la Bible, tr.768).
Mục tiêu thứ hai là Chúa Giêsu sai tất cả mọi người đi truyền giáo, chứ không chỉ 12 tông đồ. Khi viết câu chuyện này, thánh Luca đã thấy các cộng đoàn Kitô hữu không chỉ do lời rao giảng của các tông đồ, nhưng còn do lòng nhiệt thành truyền giáo của những người giáo dân cả nam lẫn nữ. Thư Rôma, thánh Phaolô đã kể ra biết bao nhiêu nam nữ giáo dân đã cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng (Rm 16).
Trong bài TM, thánh Luca đã ghi lại những dặn dò của Chúa Giêsu là “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép…” (Lc 10,4), để nói đến lòng tín thác của người tông đồ vào Chúa quan phòng, dù mạng sống mình có bị đe dọa : “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3).
Bai đọc 2 : Thư Galát, bđ2, thánh Phaolô đã cho thấy nỗi khổ của người tông đồ, như “chiên con đi vào giữa bầy sói”. Galát là miền đất thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Đã có những người đã không dám “bị ngược đãi vì thập giá Đức Kitô” (Gl 6,12) mà đi theo những người Do Thái chịu phép cắt bì; còn thánh Phaolô đã dám bị ngược đãi, ngài viết : “Tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (6,14). Thánh Phaolô còn viết : “Từ nay, đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu” (6,17). Ngày xưa, người ta dùng con dấu để đóng ấn vào những người nô lệ hay những con vật, để cho biết chúng thuộc về ai. Thánh Phaolô “mang trên mình những dấu tích của Đức Kitô”, tức là những đau khổ phải chịu vì Đức Kitô. Những dấu tích đó chứng minh ngài đã thuộc về Đức Kitô, là “nô lệ của Đức Kitô” rồi, thì đừng có ai quấy rầy, ngăn cản ngài nữa.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam thời cha Đắc Lộ truyền giáo ở Miền Bắc, chúng ta mới thấy tinh thần truyền giáo, mở mang Nước Chúa của giáo dân Miền Bắc. Cha Đắc Lộ và cha Marques vào Miền Bắc từ năm 1627 đến năm 1630 thì bị trục xuất. Hơn 3 năm mà hai cha rửa tội được hơn 7.000 người. Một mình hai cha thì làm sao được một con số lớn như vậy ? Chắc chắn phải có sự tiếp tay của những người giáo dân. Trước khi đặt chân lên Hà Nội, hai cha tới Cửa Bạng, Thanh Hoá. Chỉ 2 tháng ở An Vực, hai cha đã rửa tội hơn 200 người. Đó là nhờ công lao của ông Gioakim, một vị sư nổi tiếng trong vùng. Khi ông theo đạo, ông đã giúp các cha viết các kinh bằng chữ Nôm để các tân tòng đọc. Ông còn hiến một khu đất để xây nhà nguyện. Đây là nhà nguyện đầu tiên ở Miền Bắc. Ở làng Vũ Xá, cách Hà Nội hai ngày đường, có một thầy sư được một vương phi cắt cử trông coi Đền Thần Hoàng trong làng. Khi hai vợ chồng ông theo đạo tên thánh là Antôn và Phaola, bà vương phi đã đuổi hai vợ chồng ra khỏi làng. Hai ông bà không buồn, còn vui được vác thánh giá theo Chúa. Tại nơi ở mới, hai ông bà làm cho nhiều người biết Chúa. Mỗi lần lên Hà Nội gặp các cha, ông Antôn dẫn theo mình 2, 3 chục tân tòng, để các cha ban phép rửa tội.

—————————-

CN.14.C
8-7-2007

Trong bản tin của Gia1o Xứ Chúa nhật hôm nay có hai tin quan trọng :

– Tin thứ nhất là : ĐGH kêu gọi thống nhất GH tại Trung Hoa và thúc đẩy hiệp thông giữa các giám mục trong một lá thư gửi các tín hữu xứ này.
Báo Công Giáo &Dân Tộc cho biết : lá thư dài 30 trang. Sợ có người không đọc hết, nên Phòng Báo Chí Tòa Thánh có đưa ra một bản hướng dẫn.
Qua Bản Hướng Dẫn, lá thứ có ba chủ đề chính :
1- Nói lên tình huynh đệ gần kề và nhận sự trung thành của GH tại Trung Hoa với Đức Giêsu Kitô và Gíao Hội, dù đôi lúc “phải trả giá bằng những đau khổ khốn cùng”
2- Lá thư đưa ra một số hướng dẫn cụ thể về mục vụ liên quan tới đời sống GH và trách nhiệm truyền giáo ở Trung Hoa.
3- Giúp tái khám phá Đức Giêsu là Thầy, là “chìa khóa, là trung tâm và là mục đích của tòan thể lịch sử nhân lọai.”
– Tin thứ hai trong Bản Tin của GX là : Bắc Kinh phúc đáp lá thư của Đức Thánh Cha : Chính quyền Trung Quốc biểu lộ ước ao cổ vũ đối thọai xây dựng với Vatican…

Như chúng ta biết : trên thế giới còn 5 nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa : Cuba, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Các GHCG tại 5 nước này chưa có bang giao với Tòa Thánh, trừ nước Cuba. Riêng có hai nước Bắc Triều Tiên và Trung Hoa, tình hình sinh họat của GH rất khó khăn; nhất là tại Trung Hoa có hai Giáo Hội : một là GH do Chính Quyền điều khiển, hai là GH “thầm lặng” vẫn trung thành với Vatican. Vì thế, ĐGH muốn có sự thống nhất giữa hai GH đó.

Ông David Aikman, cựu trưởng phòng đại diện tuần báo Time ở Bắc Kinh vào những năm 1980, đã viết một tập sách nhan đề là “Chúa Giêsu ở Bắc Kinh”. Tập sách xuất bản năm 2003. Ngay trang bìa ông có in một câu chữ nhỏ là “Cách nào Kitôgiáo đang làm thay đổi nước Trung Hoa và cán cân quyền lực thế giới”
Chương một của tập sách, ông David cho biết : phái đòan du lịch của 18 người Mỹ được đi thăm Trung Quốc. 18 khách du lịch rất lấy làm lạ về một lời phát biểu của người hướng dẫn. Người hướng dẫn nói : “Chúng tôi thắc mắc là điều gì làm cho Tây Phương thành công vượt trội nhất trên thế giới ?Chúng tôi đã nghiên cứu mọi vấn đề từ lịch sử, chính trị, kinh tế và văn hóa. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ vì Tây Phương các ông có súng ống tinh nhuệ hơn chúng tôi. Sau đó, chúng tôi nghĩ các ông có một hệ thống chính trị tuyệt vời nhất. Rồi chúng tôi lại nghĩ đến nền kinh tế của các ông. Song từ 20 năm nay chúng tôi nhận ra rằng con tim của nền văn hóa của các ông là tôn giáo của các ông : Kitô giáo. Chính Kitô giáo đã làm cho Tây Phương hùng mạnh. Đời sống xã hội và văn hóa của các ông đã đựoc xây trên nền tảng của nền luân lý Kitô giáo. Luân lý Kitô giáo là cái làm cho tư bản chủ nghĩa trổi vượt và nền chính trị dân chủ thành công. Chúng tôi đã không hòai nghi, và tin chắc như thế.”
Phái đòan được phép đi thăm một số nhà thờ to lớn ở Bắc Kinh cũng như những nơi khác. Các nhà thờ này mới được sửa chữa lại từ những năm 70. Khách du lịch ngạc nhiên khi thấy các tín hữu không những di nhà thờ vào những ngày Chúa nhật, mà cả vào những ngày trong tuần.
Theo báo cáo của GH Tin lành do Nhà Nước điều khiển thì có 15 triệu tín đồ Tin Lành và 6 triệu giáo hữu Công Giáo. Song theo ông David, trên thực tế phải có tới 80 triệu Tin Lành và Công Giáo, nghĩa là 7 hay 8% trong dân số 1 tỷ 2.
Ông còn cho biết con gái của cựu thủ tướng Lý Bằng du học Nhật Bản đã được rửa tội. Các sinh viên du học ở Mỹ lên tới 150.000 thì một nửa đã theo đạo.
Ông Giang Boli (Zhang Boli), một trong 21 lãnh tụ sinh viên tổ chức cuộc biểu tình ở quãng trường Thiên An Môn năm 1989 khi trốn ra nước ngòai đã là người có đạo. Hiện nay ông là mục sư trông coi hai nhà thờ ở thủ đô Hoa Kỳ.
Ông David cho rằng 20% sinh viên du học ở các trường đại học nước ngòai có lẽ đã theo Chúa Kitô. Ông còn cho rằng một số viên chức Nhà Nước cũng âm thầm theo đạo.

Tình hình GH Trung Hoa đã phản ảnh trung thực lời Chúa Giêsu nói cách đây cả 2000 năm được đọc trong bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay : “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3) hay như lời thánh Phaolô viết cho các tín hữu Galát trong bđ 2 : “Tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngòai Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14).
Dù đi vào giữa bầy sói, dù phải vác thập giá, các con cái Chúa ở Trung Hoa vẫn vững đức tin và làm cho những người khác đi theo Chúa. GH Trung Hoa đúng là“lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.
Chúng ta cầu nguyện cho GH Trung Hoa. Amen.

Linh mục Nguyễn Trung Thành