Làm Từ Thiện
Làm từ thiện là một nét đẹp trong cuộc sống, vừa mang tính nhân văn vừa thấm đượm tình người. Lời khuyên giúp đỡ người khác của các bậc tiền nhân đã trở thành những câu ca dao, ngạn ngữ quen thuộc: “Lá lành đùm lá rách”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Những lời dạy này nhằm khơi lên tính thiện vốn có nơi con người, để họ biết quan tâm và chia sẻ với đồng loại.
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa “từ thiện”: từ là yêu thương; thiện là hiền lành. Từ thiện là có lòng thương người và muốn làm điều gì đó để giúp người. Như thế, việc từ thiện bao giờ cũng xuất phát từ tấm lòng, với ý hướng tốt là giúp đỡ những người đang khó khăn. Làm từ thiện là một trong những hoạt động phổ biến thường xuyên nơi các tôn giáo. Dù giáo huấn và quan điểm có khác nhau, nhưng tôn giáo nào cũng giúp con người hướng thiện và dạy con người quan tâm đến nhau, nhất là những người bất hạnh.
Các tín hữu Kitô tin rằng, khi giúp đỡ những người bất hạnh cô đơn không cửa không nhà là giúp đỡ chính Chúa Giêsu. Bởi lẽ Người đồng hoá với những người bé mọn, đói khát và bị gạt ra bên lề cuộc sống (x. Mt 25, 31-46). Sự giúp đỡ người khác, dù rất đơn giản và nhỏ mọn, cũng được trân trọng và xứng đáng được Chúa thưởng công: “Ai cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã thôi, vì người ấy là môn đệ của Thày, thì Thày bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42). Việc giúp đỡ người khác không nhằm mục đích khoe khoang rình rang, nhưng âm thầm khiêm tốn, đến nỗi tay trái cũng không biết việc tay phải làm (x. Mt 6,3).
Các Phật tử tin rằng, làm việc thiện là gieo “nhân” để sau này gặt “quả” tốt lành. “Ai ơi cứ ở cho lành, tu nhân tích đức để dành về sau”. “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Lòng từ bi là cốt lõi giáo huấn của Đạo Phật, và những hoạt động từ thiện giúp người là cụ thể hoá lòng từ bi nơi các Phật tử.
Có những người làm từ thiện không vì lý do tôn giáo hay phong trào và hội đoàn nào, mà đơn giản, chỉ là vì tình đồng loại. Họ cảm thấy có trách nhiệm đối với những người nghèo khó bất hạnh. Khi giúp đỡ người khác, họ cảm thấy vui và tâm hồn thanh thản. Cách cho của họ cũng không hề mang tính ban ơn kẻ cả, nhưng thân ái và vô vị lợi. Càng ngày chúng ta càng thấy trong xã hội có nhiều người làm từ thiện theo hình thức này. Họ lập thành từng nhóm nhỏ, thỉnh thoảng đến thăm các cụ già tại các trung tâm xã hội, những người neo đơn hay bệnh nhân tâm thần. Giá trị vật chất của những món quà có thể không lớn, nhưng thấm đượm ân tình và lòng nhân ái.
Việc từ thiện, tự nó là rất tốt đẹp, vì nó hướng tới tha nhân, những người rất đang cần đến sự sẻ chia giúp đỡ. Xã hội của chúng ta mặc dù đang từng bước được cải thiện, nhưng đây đó, kể cả ngay giữa lòng những thành phố lớn, vẫn còn những người rất nghèo khổ. Đó là những người già cả cô đơn, những người tàn tật, những người nghiện ma tuý và mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV. Những hoạt động từ thiện vừa mang cho họ sự giúp đỡ về vật chất, vừa giúp họ tìm thấy tình người và sự lạc quan trong cuộc sống.
Đáng tiếc có những người mang danh từ thiện để lừa đảo và trục lợi bất chính. Một số tổ chức hoặc cá nhân núp dưới chiêu bài “giúp đỡ người nghèo vượt khó” nhưng thực chất là lừa đảo, làm cho người nghèo lại nghèo thêm và gánh nợ chồng chất. Cũng có những cán bộ nhà nước, trong việc phân phối trợ giúp người chính sách, đang tâm ăn chặn của người nghèo (x. Báo Lao Động ngày 24-4-2016: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/an-chan-cua-nguoi-ngheo-can-bo-xa-xin-duoc-thong-cam-20160423232256362.htm). Cũng có những người làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi của mình, như một số cá nhân sau khi trở thành “người của công chúng” thường đi làm từ thiện để tạo dáng, quay phim chụp ảnh. Những trường hợp vừa nêu đang làm vẩn đục ý nghĩa của việc từ thiện, vốn là những hoạt động nhân đạo đáng trân trọng và phát huy.
“Người ta làm từ thiện để làm gi?”. Đó là câu hỏi dồn dập của một nữ phát thanh viên dẫn chương trình truyền hình đặt ra cho một nhóm thanh niên làm từ thiện ở vùng cao, và tiếc thay, việc từ thiện này đã bị từ chối. Câu hỏi và lý luận của những nhân vật trong chương trình “60 phút mở” được phát trên đài truyền hình VTV1 ngày 4-6 vừa qua đã gây bất bình trong dư luận quần chúng. Đã có rất nhiều ý kiến và lời bình phê phán cách lập luận của người dẫn chương trình cũng như của một vị tiến sĩ là khách mời của chương trình. Người viết bài này liên tưởng đến việc tổ chức khám bệnh và phát thuốc giúp người nghèo của Caritas Hải Phòng mới đây nhằm giúp một khu dân cư phần lớn là người dân tộc ở một tỉnh phía đông bắc. Khi đặt vấn đề khám chữa bệnh cho người nghèo, các vị cán bộ chính quyền địa phương đều tìm cách từ chối với nhiều lý do. Sau cùng, linh mục Giám đốc Caritas liên hệ với một cán bộ Tỉnh. Vị này đã nhiệt tình can thiệp và việc khám bệnh phát thuốc đã được thực hiện ngày 26-6 vừa qua, với kết quả hơn 400 người dân nghèo được khám bệnh. Trong cái nhìn đầy thành kiến của một số vị cán bộ địa phương, việc một tổ chức tôn giáo khám bệnh cho người nghèo mang theo nhiều mưu đồ xấu, cần phải cảnh giác và ngăn chặn. Dưới con mắt của họ, những việc từ thiện đều đáng nghi ngờ và phải kiểm soát chặt chẽ.
Người Việt Nam chúng ta rất quảng đại trong những việc từ thiện. Có những cụ ông cụ bà cao niên, nhiều năm sống ở nước ngoài, khi có dịp thường gửi một chút tiền về giúp đỡ bệnh nhân phong cùi hoặc những người già ở quê hương. Sự giúp đỡ sẻ chia ấy, thể hiện tấm lòng và tình gắn bó với quê nhà. Những cụ ông cụ bà ấy chẳng hề có ý đồ chính trị hay mua chuộc tuyên truyền, nhưng đơn giản là tình người, là lòng bác ái. Đừng vội “chính trị hoá” những hoạt động từ thiện, đừng nhân danh “bản sắc dân tộc” để rồi “nâng quan điểm” và chủ quan phê phán những việc làm tốt xuất phát từ tấm lòng. Những lập luận này xuất phát từ một lối nghĩ duy lý vô trách nhiệm, luôn nhìn vấn đề với lăng kính thành kiến, nghi ngờ, thiếu thiện cảm.
Làm từ thiện để làm gì ư? xin thưa: để giúp người nghèo khổ bất hạnh, để sống tình người và để đem lại niềm vui cho bản thân cũng như xã hội. Karl Marx, ông tổ của thuyết duy vật vô thần đã khẳng định: “Chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại để thản nhiên trau chuốt bộ lông của mình”. Dửng dưng trước sự thiếu thốn của người khác trong khi ta có thể giúp đỡ họ là vô cảm, thậm chí là bất nhân.
Xã hội nào cũng cần đến những tấm lòng nhân ái. Những hoạt động từ thiện đang góp phần tô điểm cho bức tranh xã hội thêm phong phú và đượm tình người. Đừng viện cớ có những lạm dụng mà phê phán những việc từ thiện. Những hoạt động từ thiện đúng nghĩa cần được khuyến khích, trân trọng và nhân rộng, để tình yêu thương và tình đồng loại được toả sáng trong cuộc sống của chúng ta.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên