Chúa Nhật XVI Thường Niên – Năm C


CN.16.C

(St 18,1-10; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42)

18-7-2010

Trong số các thánh VN, chưa có vị thánh nào tu rừng, ngoại trừ thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh. Ngài sinh năm 1793 tại Thanh Hoá. Năm 12 tuổi ngài đi tu. Ngài ở với cha Duệ trong nhà Đức Chúa Trời của giáo xứ Bạch Bát. Sau đó ngài được nhận vào chủng viện Vĩnh Trị, Hà Nội.

Trong chủng viện ngài được nghe Truyện Các Thánh. Đời sống tu rừng của các thánh Antôn, Phaolô… lôi cuốn ngài. Một đêm kia ngài trốn chủng viện, vào tu trong rừng. Đức cha Longer Gia ra lệnh cho các cha trong giáo phận khi thấy thầy Tịnh đến xưng tội, thì ra việc đền tội là phải trở về trình diện Đức cha. Luật xưng tội là một năm ít là một lần. Đã một năm chưa xưng tội, thày phải bỏ rừng về xưng tội. Thày bị cha giải tội phát giác và cho việc đền tội như Đức cha ra lệnh.

Đức cha không cho phép thày tu rừng, phải trở lại chủng viện tiếp tục học. So sánh cuộc sống tu rừng và cuộc sống linh mục nhà xứ, cuộc sống tu rừng dĩ nhiên là “nhiệm nhặt”, đáng “tu” hơn. Vậy mà Đức cha lại không đồng ý, vì giáo phận còn đang thiếu linh mục, nhất là trong thời buổi đạo bị cấm cách, bị bắt bớ.

Bài Tin Mừng : Câu chuyện tu rừng của thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh giúp chúng ta hiểu được câu chuyện của hai chị em Matta và Maria trong bài TM thánh lễ hôm nay.

Cô chị Matta làm bữa thết đãi Chúa; còn cô em Maria chỉ ngồi nghe Chúa nói. Công việc bếp núc cô chị làm vất vả biết bao, vậy mà Chúa lại bảo việc cô em ngồi nghe Chúa là “chuyện cần thiếtlà “phần tốt nhất” (Lc 10,42).

Bài TM Chúa nhật tuần trước Chúa mới khen “Người Samari Nhân Hậu” đã biết cứu chữa người bị cướp đánh nằm bên vệ đường. Thế mà hôm nay Chúa khen cô em Matta “rảnh tay rảnh chân”, ngồi nghe Chúa. Xem ra Chúa vô lý !

Cô Maria ngồi nghe Chúa biểu tượng cho việc tìm kiếm ý Chúa. Câu chuyện hai chị em Matta làm bếp hay Maria ngồi nghe Chúa giống như câu chuyện thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh. Tu rừng hay linh mục chỉ cần thiết và tốt là có hợp ý Chúa hay không, là có làm theo ý Chúa hay không ?

Bđ1 : Câu chuyện ông Ápraham trong bđ1 cũng nói lên tầm quan trọng đi tìm ý Chúa, sống theo ý Chúa.

Chúa bảo ông Ápraham bỏ xứ sở của ông, nước Irak ngày nay, lên đường đi lập nghiệp ở nước Canaan, nước Ítraen ngày nay. Chúa hứa sẽ làm cho ông thành một dân tộc lớn. Ông vâng lệnh ra đi. Tới nơi, gặp nạn đói, ông sang ăn mày ở bên Ai Cập. Trở lại đất Canaan, ông vẫn chưa có con, song Chúa vẫn bảo ông : “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên đất” (St 13,16).

Vẫn chưa có con, ông phải nói với Chúa : “Chúa ơi, Chúa không ban cho con một dòng dõi…thì Ê-li-e-de, đầy tớ của con, sẽ là người thừa kế của con”; nhưng Chúa bảo ông : “Không, chính kẻ ngươi sinh ra mới là người thừa kế của ngươi”. Rồi Chúa đưa ông ra ngoài và bảo : “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Sau đó Chúa lại hứa với ông : “Dòng dõi ngươi sẽ đông như thế đó !” (St 15,3.4.5).

Từ khi bỏ xứ sở đến nay đã 10 năm, tức là đã 85 tuổi, mà vẫn chưa được mụn con nào. Bà Sara, vợ ông, phải bảo ông ăn ở với cô Haga, người Ai Cập đầy tớ của bà, và sinh ra Ít-ma-ên (St 16,3).

13 năm sau khi sinh Ítmaên, lúc ông 99 tuổi, Chúa hiện ra bảo : “Sang năm Ta sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai” (St 18,10). Nghe Chúa nói, bà Xara cười, tự nói với mình : “Mình đã cằn cỗi rồi…Ông nhà mình lại là ông lão !” (St 18,12).

Từ khi Chúa gọi đến khi có con là 25 năm. 25 năm sống theo ý Chúa, 25 năm chờ cho được mụn con. 25 năm biết bao là gian nan thử thách. Ông Ápraham vẫn kiên trì sống theo ý Chúa.

Bđ2 : Thánh Phaolô, từ năm 36 trở về với Chúa, không còn đi bắt bớ con cái Chúa nữa, đến năm 67 bị chém đầu ở Rôma: 31 năm làm con cái Chúa, 31 năm làm tông đồ Chúa, 31 năm sống theo ý Chúa, biết bao là gian khổ. Trong bđ2, thư Côlôsê, thánh Phaolô viết : “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thế Người là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi ” (Cl 1,24).

 “Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”.  Cuộc sống ngày nay bất hạnh, đầy xáo trộn. Cuộc sống gia đình, cuộc sống giáo xứ, kể cả ở những nơi đạo đức gương mẫu như trường học, như nhà tu cũng bất hạnh xáo trộn, chỉ vì người ta sống theo ý riêng; không tìm hiểu, không sống theo ý của nhau, ý của Chúa.

Vậy, câu chuyện hai chị em Matta và Maria trong bài TM là hãy bỏ ý riêng, sống theo ý Chúa. Bỏ ý riêng, theo ý Chúa mới là “chuyện cần thiết” và là “phần tốt nhất”.

—————————–

CN.16.C

22-7-2007

Qua câu chuyện “Người Samari  Tốt Lành” (Lc 10,25-37) trong bài TM Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta yêu thương bất cứ ai, không phân biệt mầu da, chủng tộc, quốc gia.

Qua câu chuyện “Hai Chị Em Mátta và Maria” trong bài TM Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn dạy chúng ta : không nên phân biệt giới tính nam nữ.

1/ Không phân biệt giới tính nam nữ : Xã hội Do Thái cũng giống như người Hồi giáo ngày nay coi nữ giới không phải là người, mà như là một đồ vật. Vì thế, người chồng được phép “bỏ” vợ, chứ không chỉ là ly dị vợ. Chồng được phép bỏ vợ với bất cứ lý do gì, chẳng hạn như : bỏ muối vào thức ăn nhiều qúa làm hư bữa ăn, đi ra ngòai đường đầu không chùm khăn, nói chuyện với  một người đàn ông ở ngòai đường, cãi lộn, nói hỗn với cha mẹ chồng trước mặt chồng… (William Barclay, The Gospel of Matthew,v.I,p. 152). Một kinh sư nổi tiếng vào thế kỳ I nói : “ Dạy Luật cho con gái là làm cho nó ra hư đốn” (Mishna, Sota 3,4 – Hugues Cousin, L’Évangile de Luc,p.159). Cũng giống như ngày xưa Việt Nam có câu : “Thập nữ viết vô”. Ngày nay nhiều nước vẫn còn phân biệt nam nữ.

Bài TM hôm nay Chúa Giêsu chấp nhận cho cô Maria làm môn đệ và dạy dỗ cô. Chúa Giêsu chủ trương bình đẳng nam nữ đã gần 2000 năm trước. Đạo Công Giáo tiến bộ biết bao !

2/ Chúa là phần tốt nhất : Câu chuyện hai chị em Mácta và Maria còn nói đến một việc rất quan trọng. Đó là Chúa đến với mỗi người chúng ta.

Bđ1 sách Sáng Thế kể : sau khi được vợ chồng ông Abraham làm tiệc đãi, ba người khách, tức là Thiên Chúa, đã thưởng cho hai ông bà đứa con trai là Isaac.

Chúa Giêsu được hai chị em Mácta và Maria tiếp đãi nhiều lần. Trong tuần thương khó, ban ngày Chúa làm việc ở Đền Thờ Giêrusalem, chiều xuống Chúa về nghỉ ngơi trong nhà hai chị em ở Bêtania (Mc 11,11.19.20). Chúa không quên ơn tiếp đãi của hai chị em và Chúa đã ban thưởng cho hai chị em. Phần thưởng Chúa Giêsu ban cho hai chị em, không chỉ là một đứa con, một người, như Isaac mà Thiên Chúa ban cho hai  ông bà Abraham trong tuổi già. Phần thưởng Chúa Giêsu ban cho hai chị em là chính Chúa, là chính con người của Chúa.

Cô Mácta đã không nhận ra ơn cao qúi đó. Cô “băn khoăn lo lắng nhiều chuyện qúa” (10,41). Chúa là “phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (10,42). Phần đó cô Mácta không chọn, cô lại chọn phần kém hơn : là cứ mải mể, lăng xăng với bếp núc, mà quên Chúa. Còn cô Maria đã nhận ra ơn cao qúi đó. Vì thế, cô gần gũi với Chúa. Cô xin Chúa dạy bảo cô. Cô xin được làm môn đệ của Chúa. “Ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (10,39) là kiểu nói xin làm môn đệ Chúa.

3/ Rước Chúa là Chúa vào nhà : Ngày nay Chúa Giêsu vẫn đến với từng người chúng ta. Khi rước lễ, chính là Chúa đến với chúng ta. Chúa vào tận cõi lòng chúng ta.

Các thánh khi rước lễ, được Chúa ngự vào lòng, các ngài ngất trí “xuất thần”, nghĩa là sung sướng, ngây ngất, đến nỗi không còn biết gì khác nữa.

Thánh Philípphê Nêri lập dòng Thăm Viếng. Dòng có thánh Magrita Maria được Chúa Giêsu hiện ra cho thấy Trái Tim Chúa. Sau khi rước Chúa, thánh Philípphê lấy khăn che mặt, để được tự do nói chuyện và hưởng niềm vui với Vị Khách trên trời, để không ai nhìn thấy vẻ mặt đang xuất thần của ngài. Khi đau ốm được rước Chúa, ngài cảm thấy như một liều thuốc chữa bệnh. Vì xuất thần như thế, các thánh thường dâng lễ riêng.

Năm năm cuối đời, mỗi khi thánh Philípphê dâng lễ, đến kinh “Chiên Thiên Chúa”, người giúp lễ đóng cửa ra về, và dán trên cánh cửa tờ giấy với hàng chữ : “Im lặng, cha đang dâng lễ”. Hơn 2 giờ sau, người giúp lễ trở lại, vẫn thấy thánh nhân xuất thần, bất động như người chết.

Thánh nữ Anna Maria Taigi, qua đời năm 1837, vừa rước Chúa đã xuất thần. Trong một lần xuất thần, ngài đã nghe Chúa Giêsu nói với ngài : “Hỡi con gái của Cha, con là bông hoa của cánh đồng. Cha hài lòng về con, và Cha là tất cả của con, cũng giống như Cha là tất cả cho những ai vác thánh giá đời họ mà theo Cha. Ai ao ước chiếm lãnh Nước Trời thì phải ăn chay đền tội, và ai chịu đựng khổ đau sẽ không bị thất vọng, vì họ đang đi trên con đường an tòan vô cùng.

Được rước Chúa còn qúi hơn hai chị em Mácta và Maria được Chúa Giêsu vào nhà.

Đọc thêm

Cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa. Đây là thái độ muôn đời của người môn đệ : ngồi bên chân Thầy mình. Cùng với các môn đệ đi theo Chúa, cô Maria lắng nghe. Đạu phải lúc nào Chúa Gie6su cũng dạy giáo lý, nhưng chính bản thân Người là Lời Thiên Chúa, nên tất cả những gì Người nói hay làm đều có Thiên Chúa hiện diện. Ngồi ở đạy cô Maria cảm thấy dễ chịu. Và cô biết rằng sự hiện diện của cô không làm phiền lòng Chúa Gie6su chút nào.

“Maria đã chọn phần tốt nhất. Cô chỉ làm theo bản năng của mình thôi, nhưng Chúa Giêsu thì thấy xa hơn : Người đâu còn ở đấy bao lâu nữa, và dù sao sự hiện diện của Người giữa chúng ta luôn là ngắn ngủi. Cô Maria đã khéo tận dụng những giờ ngắn ngủi ấy mà Chúa có thể dành cho cô, và cô lấy thời giờ ngồi yên đó với Người, chăm chú nghe”

(CGKPV, Lời Chúa Cho Mọi Người, trang 1762)

——————————

CN.16.C

PH 18-7-2004

Bài Tin Mừng Chúa nhật trước, có một người thông luật hỏi Chúa Giêsu : “phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Chúa hỏi lại ông ta : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?”. Ông thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Và  Chúa Giêsu đã đưa ra câu chuyện “Người Samari nhân hậu” để diễn tả điều răn thứ hai là “yêu mến người thân cận như chính mình”. Còn câu chuyện “Hai cô Mácta và Maria” trong bài TM Chúa nhật hôm nay là để diễn tả điều răn thứ nhất  “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi”.

 Có người coi câu chuyện này là một cuộc cách mạng nam nữ của Chúa Giêsu. Ngày xưa trong xã hội Do Thái giống như xã hội Việt Nam là “thập nữ viết vô”. Con gái phụ nữ không được học hành. Chúa Giêsu đã để cho cô Maria “ngồi dưới chân mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39), tức là Chúa cho phép phụ nữ được dạy dỗ, phụ nữ được học hành, được làm đồ đệ của Chúa.

Cũng có người coi câu chuyện hai cô Mácta và Maria là nói đến hai nhân đức : lao động và cầu nguyện. Trong hai nhân đức này cầu nguyện thì tốt hơn, quan trọng hơn.

Song đây không chỉ đơn giản là việc so sánh hơn thua. Thực tế trong đời sống : không thể không cầu nguyện và cũng không thể không lao động kiếm ăn. Chúng ta vẫn thường nói : “Có thực mới vực được đạo”. Thánh Phaolô cũng có lần đã trách các tín hữu Thêxalônica : “Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em : ai không chịu làm thì cũng đừng ăn ! Thế mà chúng tôi nghe nói : trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2Tx 3,10-12).

Chính thánh Phaolô cũng lao động để nuôi thân : “Hẳn anh em còn nhớ nỗi vất vả khó nhọc của chúng tôi : đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em” (1Tx 2,9). Biết bao nhiêu người vì thiếu ăn thiếu mặc mà bỏ đạo. Cũng có biết bao người vào đạo vì được cho ăn cho mặc.

Trong bài TM, Chúa Giêsu không chê việc nấu ăn thết đãi Chúa của cô Mácta. Chúa chỉ nói : “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42).

Vậy “Phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” là phần gì ? Không phải là việc cầu nguyện, mà là : “Hãy lo tìm kiếm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12,31), “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng trí anh em cũng ở đó” (Lc 12,33-34).

Như vậy, “phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” chính là lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sư, là phần rỗi linh hồn, là sự sống đời đời, dù vàng bạc của cải cũng không sánh được với sự sống đời đời.

Đọc cuộc đời của các Thánh, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta thấy các ngài yêu Chúa hơn hết mọi sự ở đời này.

Thánh Micae Hồ Đình Hy sinh năm 1808 tại Nhu Lâm tỉnh Thừa Thiên trong một gia đình quan chức. Cậu là con út trong số 12 anh chị em. Từ nhỏ cậu đã theo học các thầy đồ nho. Năm 20 tuổi, Micae Hồ Đình Hy kết hôn với cô Luxia Tân, một thiếu nữ đạo đức, sinh được 5 người con. Người con cả là Thịnh đi tu, được chọn đi du học ở Pénăng, Malaxia và được thụ phong linh mục. Dưới triều vua Tự Đức, thánh Hy được làm quan tới chức thái bộc, đặc trách ngành dệt trong nước. Dù biết vua Tự Đức cấm đạo, ngài vẫn hiên ngang tỏ mình là người có đạo. ngài đặt bàn thờ Chúa giữa nhà, thắp đèn, trưng hoa mỗi ngày. Đức cha Pèllerin (Pe-lơ-ranh) tín nhiệm, xin ngài dạy dỗ các thầy giảng, và trông coi tài sản của Giáo phận Huế. Một lần kia, Đức cha Péllerin đi thăm các giáo hữu. Thuyền của Đức cha va chạm vào một chiếc thuyền khác. Chủ thuyền đòi tiền bồi thường, thánh Micae Hồ Đình Hy cởi chiếc áo qúi ngài đang mặc trả thay Đức Cha.

Cuối năm 1859, quân Pháp bắn đại bác vào Đà Nẵng, ngài bị bắt, vì cho rằng, cha Thịnh, con ngài ngày xưa đi học ở Pénăng, đã giao thiệp với người nước ngoài. Vua Tự Đức khuyên ngài bước qua Thánh Giá, ngài đáp : “Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước và là tôi trung. Hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Chúa Kitô”. Trở về ngục, ngài nói vói các bạn : “Tôi thấy đời tôi sắp tận số rồi, chỉ mong sao giữ vững được đức tin đến giờ phút cuối đời”. Ngày 30-4-1857 Vua Tự Đức ra án lệnh như sau : “Khinh luật nước, theo tà đạo, lại gởi con đi Malaxia thăm đạo trưởng và bàn chuyện liên lạc với tầu Pháp. Rõ ràng là đứa hai lòng, đáng chết nghìn lần. Ta truyền chém đầu làm gương”… “Ta hạ lệnh cho 5 quan triều đình và 15 binh sĩ dẫn y đi vòng quanh thành nội 3 ngày. Khi đi ngang chợ và nơi công cộng, phải rao tên nó cho dân biết…Tại mỗi ngã ba đường, ta truyền đánh cho 30 roi. Sau 3 ngày như thế thì chém đầu nó. Làm thế cho bọn Gia tô lấy làm tủi nhục mà lo sửa mình”.

Sau 3 ngày bị dắt đi chế diễu, ngày 22-5-1857  thánh Micae được dẫn tới pháp trường An Hòa. Ngài không để lính trói vào cột. Ngài bình tĩnh ngồi xếp bằng trên chiếu. Sau đó đứng dậy, sửa lại áo quần, rồi qùi xuống cầu nguyện. Cầu nguyện xong, ngài giơ đầu cho lý hình chém.

 Thánh Micae Hồ Đình Hy đã chọn phần tốt nhất : đó là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trên cả chức quyền, tiền bạc và mạng sống.

 Linh mục Nguyễn Trung Thành