Lễ Mẹ Về Trời


LỄ MẸ VỀ TRỜI

(Kh 11,19…12,10; 1Cr 15,20-26; Lc 1,39-56)

15-8-2010

Bđ1 : Một hình ảnh thật đẹp diễn tả Mẹ Lên Trời. Đó là hình ảnh trong sách Khải Huyền, hình ảnh đọc trong bđ1 thánh lễ hôm nay : « Một điềm lạ xuất hiện trên không trung : một người  nữ, mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiiên 12 ngôi sao ? » (Kh 12,1).

Thánh Gioan, tác giả sách Khải Huyền, đã kết hợp hai hình ảnh thành một : một là hình ảnh người bạn tình trong sách Diễm Ca của Cựu Ước : « Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ ?(Dc 6,10), hai là hình ảnh nữ thần Hy Lạp « đầu đội triều thiên 12 ngôi sao ».

Thánh Gioan kết hợp hai nét đẹp đạo và đời với nhau. Ở đời Mẹ cũng là người đẹp, trong đạo Mẹ cũng là người đẹp.

Bài TM : Trong câu chuyện đi viếng, bà Elisabét ngợi ca vẻ đẹp thánh thiện của Mẹ như sau : « Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em » (Lc 1,42.45).

Bđ2 : Thánh Phaolô trong bđ2 khen nét đẹp vĩnh cửu, không bao giờ tàn phai trên quê trời của Mẹ : «Mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, thì cũng được Thiên Chúa cho sống » (1Cr 15,22).

GHVN đang sống trong Năm Thánh : Năm kỷ niệm 350 năm (1659-2009) Hội Thánh phong hai vị giám mục đầu tiên, và 50 năm (1960-2010) thiết lập Hàng Giáo Phẩm.

Hai vị giám mục đầu tiên của chúng ta, Đức cha Fancois Pallu và Đức cha Lambert de La Motte, đầy đức hạnh, xứng đáng theo gót chân Mẹ về trời.

Cha Alexandre de Rhodes, tên VN là Đắc Lộ, đến Hội An truyền giáo năm 1624. Ba năm sau, năm 1627, cha được sai ra Hà Nội truyền giáo. Ba năm sau nữa, năm 1630, cha bị đuổi khỏi Hà Nội. Về Macao cha dạy học 10 năm. Năm 1640 cha trở lại Hội An và năm 1645 cha bị đuổi hẳn khỏi Hội An. Cha đi Rôma. Ba năm lênh đênh trên biển cả, cha tới Rôma năm 1649. Năm 1651, cha yết kiến xin Đức giáo hoàng thiết lập 10 giáo phận cho GHVN. Đức giáo hoàng muốn bổ nhiệm cha làm giám mục, nhưng cha khiêm nhường từ chối. Ba năm ở Rôma, cha đi tìm người làm giám mục cho GHVN, nhưng không có, vì ai cũng ít biết về Việt Nam. Năm 1652 cha về Pháp vừa tìm ứng viên giám mục, vừa tìm người yểm trợ tài chánh. Hai năm sau, năm 1654 cha đi truyền giáo ở Ba Tư và qua đời năm 1660.

Trước một năm cha Đắc Lộ qua đời, năm 1659 Đức giáo hoàng bổ nhiệm hai linh mục trẻ, đạo đức trong « Hội Thánh Thể » làm giám mục VN.

Vì VN đang trong thời kỳ bắt đạo gay gắt, Đức cha Lambert, giám mục Đàng Trong, tới Thái Lan năm 1662. Đức cha tạm trú trong miền của người Bồ Đào Nha. Người Bồ không ưa Đức cha, vì  Đức cha là người thuộc quyền Toà Thánh, chứ không thuộc quyền vua Bồ. Người VN lúc ấy cư ngụ ở Thái Lan khoảng 3000 người, trong số đó có độ 40 người Công giáo. Một hôm, 12 người VN đến bắt cóc Đức cha đem về khu ở của mình. Người Bồ tức giận rủ người Hà Lan theo Tin Lành đến đánh người VN. Người Hà Lan nói : « Các ông không biết sao, khi người Đàng Trong bị đe doạ thì họ nổi giận ngay, nếu các ông định đến đốt nhà của họ, mà dù họ chỉ có 60 người, thì trước khi các ông tới, họ đánh cho tơi bời và nhanh chóng đốt phá nhà các ông thành tro bụi ».

Ngày hôm sau người VN đi trên hai chiếc thuyền chèo sang khu người Bồ, tay cầm gươm, miệng la hét chửi bới om sòm, làm cho đám người Bồ sợ hãi, chẳng còn dám chống lại (Đỗ Quang Chính, Hai GM Đầu Tiên…trang 150-151).

Đức cha Lambert ở Thái Lan lập Đại Chủng Viện thánh Giuse huấn luyện các linh mục cho GHVN.

Đức cha sang thăm VN ba lần, hai lần đầu lén lút, lần thứ ba công khai :  

Lần I vào năm 1669, 7 năm sau tới Thái Lan, Đức cha thăm giáo phận Đàng Ngoài. Đức cha phong chức linh mục cho 7 thày giảng, họp công đồng Phố Hiến và lập dòng Mến Thánh Giá.

Lần II vào cuối năm 1671, Đức cha thăm giáo phận Đàng Trong. Đức cha đi từ Phan Rí đến Hội An.

Lần III vào năm 1675, Đức cha thăm Đàng Trong lần II.

Bốn năm sau, năm 1679 Đức cha ngã bệnh. Đức cha xin  làm một cái hòm đặt dưới gầm giường để ngài suy gẫm về sự chết. Ngày 15-6-1679 Đức cha qua đời.

Cha Louvet viết về đời sống thánh thiện của Đức cha như sau : « Đức cha Lambert nguyên là luật sư, rất nhiệt thành, sống khắc khổ, là vị thánh…Hình như Chúa đã ban cho ngài được ơn làm phép lạ. Đức cha có một đức tin rất sống động và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa quan phòng. Sự khéo léo và khôn ngoan của Đức cha đã giúp cho ngài làm việc thành công trong nhiều hoàn cảnh nguy hiểm và tế nhị…Dầu bận rộn muôn ngàn công việc, nhưng mỗi ngày Đức cha cầu nguyện nhiều giờ, và khi dâng thánh lễ, nguyên một ý nghĩ đến người ngoại giáo và kẻ tội lỗi, đủ làm ngài sa nước mắt »  (Đỗ Quang Chính,sđd trang 163).

Đức cha Lambert là hình ảnh đẹp của Đức Mẹ, xứng đáng theo chân Đức Mẹ về trời.

——————————

Mẹ Lên Trời

15-8-2009

Tôi hỏi một bé gái :

Lớn lên con làm gì ?

Không chút lưỡng lự, em đáp ngay :

Lớn lên con làm người mẫu.

Có nhiều gia đình cũng muốn con lớn lên làm người mẫu. Khi khách vào nhà, thay vì khoe con « ngoan ». con « chăm chỉ học hành », thì khoe con « xinh », con « đẹp ».

Thế mới biết cái đẹp thời nay quan trọng, quan trọng hơn cả nhân đức, hơn cả sự thánh thiện. Người ta thích làm người mẫu, người đẹp, thích được thi hoa hậu, thích được sửa sắc đẹp, thích mặc quần áo theo mốt, hơn là tu thân, hơn là tập tành nhân đức.

Ngày 25-6 vừa qua, ca sĩ Michael Jackson qua đời. Đã gần hai tháng rồi, mà báo chí vẫn còn đề cập đến cái chết của người ca sĩ này. Mặc dầu là nam giới, Michael Jackson cũng sửa mũi 6 lần. Nhất là năm 1984 anh thay da đen bằng da trắng. Đấy là chưa kể những lần anh sửa mắt, sửa môi, sửa tóc…

Là nam giới mà còn lo trang điểm như thế, huống hồ là nữ giới ! Có lẽ tiền chi phí về chuyện ăn uống ít tốn kém hơn là tiền chi phí vào quần áo, tóc tai, phấn son…

Thánh Phanxicô Borgia sinh tại nước Tây Ban Nha năm 1510. Lớn lên được tuyển dụng vào phục vụ trong cung điện nhà vua. Năm 1539, lúc 39 tuổi, được cùng phái đoàn đưa xác bà Isabelle, vợ vua, về an táng ở quê nhà. Trước khi chôn, người ta mở nắp quan tài để dân chúng được chiêm ngưỡng dung nhan bà hoàng hậu lần cuối. Vừa mở nắp quan tài, thánh Phanxicô Borgia vội quay đi chỗ khác, không dám nhìn. Khi còn sống thân xác bà đẹp như thế nào, thì nay khi chết thân xác bà hôi thối biết dường nào. Thánh Phanxicô Borgia liền từ quan và xin đi tu dòng Tên.

Lời Chúa trong thánh lễ Mẹ lên trời hôm nay đã ca ngợi sắc đẹp của Mẹ, tôn vinh thân xác Mẹ. Có thể gọi thánh lễ Mẹ lên trời hôm nay là ngày Mẹ được Thiên Chúa chọn làm hoa hậu, được Thiên Chúa đội vương miện lên đầu.

Bđ1 : Sách Khải Huyền trong bđ1 đã mô tả vẻ đẹp của Mẹ như sau : « Một phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đạp vầng trăng, và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao » (Kh 12,1).

Sách Diễm Ca đã tả vẻ đẹp của người nữ như sau : « Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận » (Dc 6,10).

Linh mục nhạc sĩ Hoàng Diệp đã phổ thành bài ca « Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông ». Trong các cuộc rước kiệu, tượng Đức Mẹ sắp sửa tiến vào nhà thờ, mà cất lên bài ca này, tâm trí ai nấy rúng động, tưởng như một bà đẹp nào đó đang tiến vào thánh đường.

Bài TM : Lời Chúa không chỉ ca ngợi vẻ đẹp bên ngoài của thân xác Mẹ, mà còn ca ngợi vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp thánh thiện của Mẹ. cái nết của Mẹ.

Trong bài TM bà Elisabét đã ngợi ca vẻ đẹp trinh trong thánh thiện của Mẹ : « Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ » (Lc 1,42).

Mẹ đẹp cả ngoài lẫn trong, cả thân xác lẫn tâm hồn. Vì thế Thiên Chúa làm sao để thân xác Mẹ tan rữa thối tha. Những con người chưa sống thánh thiện bằng một phần mười của Mẹ, chết đi Thiên Chúa còn giữ gìn tươi tốt nguyên vẹn, huống hồ là Mẹ.

Đức giáo hoàng Gioan 23 qua đời ngày 3-6-1963. Đến năm 2000 , 37 năm sau khi chết, người ta mở mộ ngài ra. Lạ lùng, xác ngài còn nguyên vẹn. Nay để trong lồng kính đặt ở Đền Thờ thánh Phêrô cho mọi người chiêm ngưỡng.

Bđ2 : Trong Bđ2 thánh Phaolô đã xác quyết : « Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống » (1Cr 15,22). Thân xác Chúa Kitô đã được sống lại và lên trời, thì thân xác của Mẹ cũng được sống lại và lên trời.

Lễ Mẹ lên trời là ngày Thiên Chúa ca ngợi vẻ đẹp thân xác và tâm hồn thánh thiện của Mẹ. Chúng ta hãy noi gương Mẹ sống thánh thiện để được lên trời với Mẹ.

—————————

Mẹ Lên Trời

15-8-2008

Trong tập sách “Những Bài Huấn Giáo Về Đức Maria”, Đức giáo hoàng GP.II có kể rằng :

Vào thế kỷ V, ông Mêlitô tưởng tượng ra câu chuyện sau đây : Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô và các tông đồ về số phận của Đức Mẹ, thánh Phêrô đại diện thưa với Chúa rằng : Chúa đã chọn người nữ tỳ này để trở thành cung điện vô nhiễm của Chúa…Chúng con nghĩ rằng thật là chính đáng, cũng như sau khi đã chiến thắng tử thần Chúa ngự trong vinh quang, thì xin Chúa cũng hãy cho thân xác của thân mẫu sống lại và dẫn đưa về trời với Chúa (trang 210).

Trong tập sách “Thần Đô Huyền Nhiệm”, thánh nữ Maria Agrêđa kể :

  • Sau khi an táng Đức Mẹ, đến ngày thứ ba Chúa Giêsu từ trời xuống thăm mộ Đức Mẹ. Chúa nói với phái đoàn thiên cung đi theo : Mẹ của Cha thụ thai vô nhiễm, để Cha mặc lấy nhân tính của Cha từ nơi bản thể vô nhiễm của Mẹ. Thể xác của Cha là thể xác của Mẹ. Hơn nữa Mẹ còn đồng công vào hết mọi công trình việc cứu chuộc của Cha. Cho nên Cha phải phục sinh cho Mẹ vào cùng lúc Cha đã sống lại, vì Cha muốn Mẹ nên giống Cha trong mọi sự (trang 572).

Lễ Các Thánh năm 1950, Đức giáo hoàng Piô XII tuyên bố tín điều “Mẹ Hồn Xác Lên Trời” như sau :

“Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng vô nhiễm nguyên tội, Đức Maria trọn đời đồng trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và  xác vào trong vinh quang thiên quốc”.

Qua lời tuyên tín này, có 4 lý do để Thiên Chúa cho Mẹ hồn xác lên trời :

1- Mẹ Thiên Chúa,

2- Mẹ vô nhiễm nguyên tội,

3- Mẹ trọn đời đồng trinh,

4- Mẹ hoàn thành cuộc đời trần thế.

Ba bài sách thánh lễ Mẹ Lên Trời hôm nay đã nói lên những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ. Với những hồng ân đó, Giáo Hội xác tín Mẹ được hồn xác lên trời.

Bđ1 : Đoạn sách Khải Huyền trong bđ1 nói đến hồng ân Mẹ sinh Chúa Giêsu, Đấng cứu thế : “Một người phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao. Bà có thai đang kêu la đau đớn quằn quại vì sắp sinh con” (Kh 12,1-2). Việc Đức Mẹ sinh Đấng cứu thế cũng gặp trăm ngàn nguy khó, vì Satan, con mãng xà, chống phá. Sách Khải Huyền viết : “Con mãng xà đứng chực sẵn trước mặt người phụ nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà” (12,4b).

Bđ2 : Hồng ân thứ hai là Mẹ được hưởng niềm vui sống lại của Chúa Giêsu. Thư Corintô trong bđ2, thánh Phaolô đã nói đến cuộc chiến thắng cuối cùng của Chúa Giêsu đối với sự chết : “Đức Kitô nắm vương quyền cho tới khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1Cr 15,25-26).

Sự chết bị Chúa Giêsu tiêu diệt, thì sự chết cũng chẳng làm cho Đức Mẹ phải chết : “Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống” (15,22).

Bài TM : Hồng ân thứ ba là Đức Mẹ được Thiên Chúa chúc phúc. Câu chuyện Đức Mẹ đi thăm viếng bà chị Elisabét gồm hai việc :

1- Bà Elisabét ca tụng Đức Mẹ : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người Con em đang cứu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,42).

2- Đức Mẹ ngợi khen Thiên Chúa. Thiên Chúa thương Đức Mẹ và những người nghèo khó khiêm nhường : “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa…Phận nữ tỳ hèn mọn Người đã thương nhìn tới…Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường…” (Lc 1,46.48.52).

Năm nay kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức nước Pháp. Đức Mẹ hiện ra với chị Benađétta khi chị 14 tuổi. Đức Mẹ hiện ra 18 lần. Lần cuối cùng vào ngày 25-3-1858. Ngày đó Đức Mẹ xưng mình là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đến năm 22t chị vào tu ở Nevers. Ngày 16-4-1879 chị qua đời vì bệnh suyễn được 35 tuổi. Chị được chôn tại nhà nguyện của dòng.

Ngày 22-9-1909 sau 30 năm qua đời, giáo quyền đã cải táng chị. Lạ lùng thân xác chị nguyên vẹn như khi mới chết, không bị thối rữa, chỉ có bộ áo dòng ẩm ướt và cây Thánh Giá bị rỉ. Người ta rửa xác chị, cho chị mặc bộ áo dòng mới, rồi chôn chị lại.

10 năm sau ngày 3-5-1919, người ta cải táng chị lần thứ hai, thân xác chị vẫn nguyên vẹn như trước, da mặt hơi biến đổi vì do nước tắm rửa trong lần cải táng thứ nhất. Xác chị được đặt trong nhà thờ trong hòm kính cho mọi người chiêm ngưỡng.

Theo cuốn sách « Những Đền Thánh Kiên Vững » của bà Carroll Cruz, ngưới Mỹ, từ xưa tới năm 1974, năm sách được in, Thiên Chúa đã làm cho xác của 102 vị thánh vẫn còn nguyên vẹn, không thối rữa.

Mới đây nhất là xác của cha thánh Piô « Năm Dấu Đanh », người Italia. Cha qua đời năm 1968. Ngày 3-3-2008, 40 năm sau, giáo quyền cải táng, thân xác cha không bị thối rữa, vẫn tươi tắn như đang nằm ngủ.

Những thân xác còn nguyên vẹn tươi đẹp đó đủ nói lên niềm tin mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính : « Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy ».

Chúng ta tội lỗi, nên ngày tận thế xác chúng ta mới sống lại ; còn xác Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, nên được Thiên Chúa thưởng cho sống lại ngay khi Đức Mẹ tạ thế.

——————————–

Mẹ Lên Trời

15-8-2007

Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, tử đạo ngày 28-4-1840, thọ 69 tuổi. Vì cha cao tuổi, quan trấn Ninh Bình muốn tha cha, nên khuyên cha :

Tôi chỉ muốn tìm cách cứu mạng ông. Xin ông chịu khó bước qua thập giá.

  Cha đáp :

Tôi đã suy tính kỹ lắm rồi, càng nghĩ tới càng cương quyết giữ vững đức tin cho đến chết.

  Quan hỏi :

Thế ông không muốn sống à ?

  Cha trả lời :

Mọi sinh vật đều muốn sống, huống chi là con người có suy nghĩ. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham sống. Thế nhưng với người Kitô hữu, chết là cách sống đời đời trên thiên đàng.

  Quan hỏi :

–  Ai bảo ông có thiên đàng ?

  Cha đáp :

–   Đó là chuyên đương nhiên. Như nhà vua vẫn ban thưởng cho những trung thần, thì Chúa trời đất chẳng nhẽ không ban thưởng cho những tôi trung phục vụ Người cho đến chết sao ? Nơi tưởng thưởng đó, chúng tôi gọi là thiên đàng.

Hôm nay lễ Mẹ Lên Trời, lễ Mẹ lên thiên đàng. Ngắm thứ IV Mùa Mừng đã diễn tả phần thưởng thiên đàng Thiên Chúa thưởng ban cho Mẹ : “Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ”.

Kinh Tiền Tụng lễ Mẹ hôm nay cũng nói đến công lao Mẹ được Thiên Chúa thưởng lên thiên đàng : “Cha không muốn Người chịu cảnh hư nát trong mộ, vì Người đã sinh hạ Con Cha yêu quí, là Đấng ban sự sống cho mọi loài”.

Như vậy, kinh Tiền Tụng đã nói đến phần thưởng của Mẹ là Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Xác của Mẹ không chịu cảnh hư nát trong phần mộ.

Sở dĩ Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác, vì Mẹ sinh hạ Chúa Giêsu.

Bài TM thánh lễ Vọng chiều hôm qua đã nói đến công lao của Mẹ : “Khi Chúa Giêsu đang giảng, thì giữa đám đông có một phụ nữ lên tiếng thưa với Người : Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” (Lc 11,27).

Bài TM thánh lễ hôm nay, bà Elisabét đã khen tặng Mẹ : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người Con em cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,49).

Công lao của Mẹ như thế, làm sao Chúa không ban phúc thiên đàng cho Mẹ ?

Thánh Phaolô trong bđ2 viết : “Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,20). Chúa Kitô sống lại và lên trời, thì làm sao Chúa không cho Mẹ của Chúa sống lại và lên trời.

Năm nay kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917, Đức Mẹ nhắc đến trời đến thiên đàng nhiều lần.

Chúa nhật ngày 13-5, sau khi dắt đàn chiên lên đồi Xiva, ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta quì gối lần chuỗi. Lần chuỗi xong, ba em chơi. Bỗng có ánh sáng chớp loé lên. Sợ mưa, Luxia bảo đem chiên về nhà. Ánh chớp thứ hai loé lên và ba em thấy một Bà sáng rực đứng trên cây sồi. Ba em sợ hãi thì Bà trấn an :

Đừng sợ, Ta không làm hại các con đâu !

  Luxia hỏi :

–  Bà từ đâu đến ?

  Đức Mẹ trả lời :

–  Ta từ trời đến.

  Luxia hỏi :

–  Bà muốn chúng con làm gì ?

  Đức Mẹ bảo :

–  Ta xin các con đến đây vào ngày 13 trong vòng 6 tháng cũng vào giờ này. Ta sẽ nói cho các con Ta là ai và Ta muốn gì ?

 Luxia hỏi :

–  Con có được lên thiên đàng không ?

  Đức Mẹ trả lời :

–  Được, con được lên thiên đàng.

  Luxia hỏi :

–  Còn Giaxinta ?

  Đức Mẹ trả lời :

–  Em đó được lên.

  Luxia lại hỏi :

–  Còn Phanxicô cũng được lên thiên đàng chứ ?

  Đức Mẹ trả lời :

–  Được, nhưng em đó phải lần chuỗi nhiều.

  Hiện ra lần thứ hai ngày 13-6

  Luxia xin Đức Mẹ :

–  Con muốn Bà đưa chúng con về thiên đàng.

  Đức Mẹ bảo :

–  Được, Ta sẽ đưa Phanxicô và Giaxinta lên trước. Còn con, con ở lại trần gian một thời gian. Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho người ta hiểu biết và yêu mến Ta hơn.

  Luxia buồn thưa lại :

–  Vậy con phải ở lại một mình sao ?

  Đức Mẹ nói :

–  Không, Ta sẽ không bao giờ bỏ con. Ta sẽ là nơi nương náu và là đường dẫn dắt con đến với Thiên Chúa.

   Hiện ra ngày 13-7 Đức Mẹ cho ba em thấy hoả ngục. Đức Mẹ bảo sau mỗi chục kinh Kính Mừng đọc thêm kinh :

–  Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin gìn giữ chúng con khỏi lửa hoả ngục, xin dìu dắt mọi linh hồn lên thiên đàng, nhất là các linh hồn cần Chúa thương xót hơn.

  Ngày 13-8 ba em bị ông quận trưởng bắt bỏ tù. Ngày 19-8 Đức Mẹ hiện ra bảo :

–  Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều và làm nhiều việc hy sinh cho nhiều linh hồn đang sa hoả ngục, vì họ không có ai hy sinh cầu nguyện cho họ.

Tóm lại, Đức Mẹ Fatima đã nói nhiều về thiên đàng và hoả ngục. Đức Mẹ khuyên lần chuỗi hằng ngày để được về trời với Mẹ.

——————-

Mẹ Lên Trời

15-8-2006

Nhân dịp lễ Mẹ Lên Trời hôm nay, chúng ta nhìn lại lòng mến Đức Mẹ qua dòng lịch sử của Giáo Hội.

Sau hàng trăm năm bị bắt bớ, khi được tự do, các tín hữu tiên khởi chỉ tôn kính các vị tử đạo. Các vị tử đạo đã tin vào Chúa Kitô và vào sự sống lại của Chúa Kitô. Các tín hữu đã soạn thảo những ca vịnh ngợi khen Chúa Kitô và bày tỏ niềm hy vọng sống lại, thay vì than van khóc lóc.

Việc tưởng nhớ các vị tử đạo lôi kéo những cuộc tập hợp bên mộ các vị tử đạo. Đến đầu thế kỷ II hằng năm đến ngày giỗ, người ta viếng mộ các ngài. Ngày giỗ cũng còn được gọi là ngày sinh trên trời của các ngài.

Dần dần các tín hữu nhớ đến các vị, tuy không đổ máu đào làm chứng cho Chúa, nhưng đã chịu gian nan thử thách trong lao tù, trong cưỡng bách khổ sai, hay chết nơi lưu đày biệt xứ. Rồi đến lượt những vị tu sĩ hiến thân phục vụ Chúa, sống âm thầm và cầu nguyện trong các tu viện cũng được các tín hữu kính nhớ.

Mãi sau các tín hữu mới nhớ đến Đức Mẹ. Lý do là vì sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống không thấy bóng dáng Đức Mẹ. Thế kỷ thứ III xuất hiện kinh Trông Cậy. Năm 431 công dồng Ephêsô tuyên xưng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Ít lâu sau Đức giáo hoàng Sixtô III xây một đền thờ kính Mẹ Thiên Chúa tại Rôma được gọi là Đức Mẹ Xuống Tuyết, Đền Thờ Đức Bà Cả. Gọi là Cả, vì đây là Đền thờ đước xây đầu tiên. Các lễ Đức Mẹ lúc đầu gắn liền với ngày sinh nhật của Chúa Giêsu.

Lễ Mẹ Lên Trời xuất hiện từ thế kỷ IV. Lễ bắt đầu từ Giêrusalem, lễ được gọi là lể Đức Mẹ Ngủ, nghĩa là Đức Mẹ đi ngủ và rồi lên trời. Cuối thế kỷ V lễ được cử hành trong đền thờ ở vườn Cây Dầu, tương truyền Đức Mẹ được chôn cất ở đây. Vào cuối thế kỷ VI, hoàng đế Maurice truyền cử hành lễ Đức Mẹ Ngủ trong toàn đế quốc.

Vào thế kỷ VI tại Roma và  ngày đầu năm dương lịch cử hành lễ kính chức làm mẹ của Đức Mẹ. Ngày nay là lễ Mẹ Thiên Chúa. Khoảng năm 650 vào ngày 15-8 cử hành lễ tôn vinh sự vinh quang của Đức Mẹ. Đến thời Đức giáo hoàng Sergius lễ Đức Mẹ Ngủ được gọi là lễ Đức Mẹ Lên Trời.

Năm 1854 Đức giáo hoàng Piô IX tuyên bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ Mẹ Vô Nhiễm được cử hành vào ngày 8-12 hằng năm. Năm 1950 Đức giaó hoàng Piô XII tuyên bố tín điều Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Lịch hiện nay có gần 20 lễ kính Đức Mẹ.

Nói về lễ Mẹ Lên Trời, Đức giáo hoàng Piô XII nói : “Lễ này không chỉ để kính nhớ việc thân xác Đức Trinh Nữ Maria sau khi chết không bị hư nát chút nào, mà còn kính nhớ việc Mẹ chiến thắng tử thần và được tôn vinh trên trời giống như Đức Giêsu, Con Một của Mẹ.

Còn thánh Gioan Đamát thì ca ngợi : “Đấng đã bảo toàn được nguyên vẹn đức đồng trinh khi sinh con, hẳn cũng giữ gìn được cho thân xác mình khỏi mọi hư hoại khi lìa đời. Đấng đã bồng ẵm Tạo Hoá trong lòng mình, như bồng ẵm một bé thơ, phải được cư ngụ trong nhà Thiên Chúa. Đấng được Chúa Cha nhận làm hiền thê, hẳn phải được ở trong loan phòng thiên quốc. Đấng đã ngắm nhìn Con mình trên thập giá, và chịu lưỡi gươm  đâm thâu tâm hồn đau đớn, hẳn phải được ngắm nhìn người Con ấy đang ngự bên hữu Chúa Cha. Đấng làm Mẹ Thiên Chúa phải được những gì thuộc về Con Mình và phải được mọi thụ tạo tôn kính như Thân Mẫu Thiên Chúa và như Nữ Tỳ của Người.

Lời nguyện đầu lễ giục mời chúng ta : “Xin cho chúng ta hằng biết hướng về phúc lộc quê trời, để mai sau được cùng Thánh Mẫu chung hưởng vinh quang.

———————

Mẹ Lên Trời

Hôm nay lễ Đức Mẹ về trời, lễ Mẹ lên thiên đàng. Cám ơn Chúa, trời hay thiên đàng không chỉ là quan niệm riêng của người Công giáo, mà là quan niệm chung của cả loài người, của các đạo, nhất là của người Việt Nam.

Bởi vậy người Việt Nam, có đạo hay không có đạo, đều đã biết các từ : “miền cực lạc”, “cõi phúc”, “nơi chín suối”, “suối vàng”, “âm phủ”…

Người Việt Nam mơ uớc về cõi phúc, về miền cực lạc, vì người VN biết cõi đời trần thế này là phù du : “Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”, là vắn vỏi, không vững bền : “Vua Ngô 36 tấn vàng, chết xuống âm phủ có mang được gì”. Ngay cả tình nghĩa cũng tráo trở đổi thay : “Thế thái nhân tình gớm ghét thay, nhạt nồng trông chiếc túi vơi đầy, suy ra cho kỹ chi hơn nữa, bạc qúa vôi mà mỏng qúa mây”.

Vì thế, chỉ có đời sau mới là cõi phúc, là miền cực lạc, là thiên đàng. Người VN chẳng có ai phủ nhận đời sau, vẫn chân nhận thế giới bên kia là thực. Cái chết đối với người VN không phải là hết, mà là “qua đời” : bước qua đời này sang đời khác, là “khuất bóng” : đi xa không còn thấy bóng, là “khuất núi” : vượt qua ranh giới cõi thế.

Người VN tin có đời sau, vì người VN tin có Ông Trời, tin có Thượng Đế. Biết bao câu nói diễn tả niềm tin ấy : “Đội Trời đạp đất ở đời, không có Trời ai ở được với ai, đèn Trời soi xét, ai bảo Trời không có mắt Bởi thế, người VN bao giờ cũng hướng về Trời, vẫn dành một chỗ đặc biệt nhất cho Trời, dành trên đầu, dành trong nhà, trong thiên nhiên, nhất là trên núi cao, biển sâu. Các hang động được gọi là bồng lai tiên cảnh, thiên thai. Người ta đến thăm không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn để thỏa mãn khát vọng siêu hình, khát vọng tâm linh.

Đối với người VN, trí thức đã là qúi, song đạo sĩ còn qúi hơn. Bia Linh Xứng viết : “Kẻ nhân trí vui là vui với núi sông, song truyền lại cho đời là Danh với Đạo. Nếu không dựng được chùa ở núi này núi nọ để mở đạo thì Danh cũng chưa đủ lấy làm qúi”.

Cha Cardière, một thừa sai sống  ở Huế, tìm hiểu nếp sống của người VN. Cha viết : “Người VN tin tưởng, hành động, đi lại trong bầu khí siêu nhiên. Siêu nhiên ám ảnh họ. Ám ảnh họ cả ban ngày và cả ban đêm. Những mộng mị trong giấc ngủ là những biểu hiện của thần linh”.

Tin có đời sau, cõi phúc, thiên đàng, nhưng là thế nào thì còn lờ mờ, chưa rõ ràng. Người Công giáo chúng ta biết rõ đời sau là gì, ở đâu, vì chúng ta đã được Chúa Kitô mạc khải, cho biết thiên đàng, trời, cõi phúc là Nhà Chúa, Nhà Cha, như Chúa Giêsu bảo bà Maria Mácđala : “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

Cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc hành trình từ Cha mà xuống thế gian, rồi từ thế gian về lại với Cha, như trong phòng tiệc ly Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ : “Thầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian, mà đến cùng Chúa Cha.”(Ga 16,28).

Chúa Giêsu đã về Nhà Cha, Nhà Thiên Chúa thì những ai thuộc về Chúa Giêsu cũng sẽ được về nhà Cha, như thánh Phaolô viết cho các tín hữu Côrintô đọc trong bđ2 thánh lễ Mẹ hôm nay  : “Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu…Mỗi người theo thứ tự của mình : mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1Cr 20.23).

Thánh Phaolô nói : “Khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người”, tức là đến ngày tận thế. Đức Kitô quang lâm, thì người ta mới sống lại và lên trời. Bên mộ Ladarô, cô Mátta cũng nói với Chúa Giêsu như thế : “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 11,24).

Giáo hội Công giáo thì cho rằng : Sự chết là hậu qủa của tội lỗi, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, nên đã không nếm mùi cái chết. Vì thế các Giáo hội Đông phương thích dùng kiểu nói “Đức Mẹ ngủ” hơn là “Đức mẹ lên trời”. Và ngay từ thế kỷ VI lễ Mẹ Lên Trời, ngày 15-8, đã được cử hành ở Giêrusalem và Ai cập. Đến thế kỷ VII lan sang các Giáo hội Hy lạp và cuối thế kỷ đến Rôma. Cuối cùng, ngày 1-11-1950, Đức giáo hoàng Piô XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ lên trời.

Về ngày lễ Mẹ Lên Trời, Đức giáo hoàng Phaolô VI viết như sau : “Lễ Mẹ lên trời, ngày 15-8 là ngày Mẹ Maria đầy ơn phúc. Hồn vô nhiễm và xác trinh trong của Mẹ được vinh quang. Mẹ giống Chúa Giêsu phục sinh hoàn toàn nhất. Lễ này làm cho Giáo hội và nhân loại thấy được hình ảnh và bảo chứng êm ái cho niềm hy vọng cuối cùng của chúng ta”.

Cha Wilfried, dòng Biển Đức, truyền giáo ở Ndanda, Phi châu, kể : có một bé gái da đen 10 tuổi, tên là Hidega. Một lần kia em thơ thẩn trước cửa nhà thờ của cha. Em muốn nhìn tượng Đức Mẹ ở nhà thờ, nhưng ba má em cấm vào nhà thờ, vì nhà em theo đạo Hồi. Để em không có lỗi, cha bế em vào nhà thờ chiêm ngắm tượng Đức Mẹ. Tuần sau em bị đau nặng và qua đời vào 3 giờ chiều ngày lễ Mẹ Lên Trời. Trước giờ hấp hối, em khoe cha : “Con đã được rửa tội, được đặt tên là Maria, tên của Đức Mẹ. Con sẽ được về trời với Đức Mẹ”.

Mẹ lên trời qủa là bảo chứng êm ái cho niềm hy vọng cuối cùng của em Hidegaa và của tất cả chúng ta.

———————————-                 

MẸ LÊN TRỜI

Hôm nay lễ Mẹ Hồn xác lên trời. Các lễ kính Đức Mẹ trong năm, lễ Mẹ lên trời là lễ lâu đời và long trọng nhất. Trải qua dòng lịch sử, lễ có nhiều tên : lễ nhớ Đức Mẹ, lễ Đức Mẹ ngủ, lễ Đức Mẹ vượt qua.

Lễ đã được cử hành vào ngày 15-8 từ thế kỷ VI cả ở Giêrusalem lẫn ở Ai Cập. Đầu thế kỷ VII, lễ được cử hành trong các nhà thờ Hy Lạp, ở Rôma mãi cuối thế kỷ VII. Từ thế kỷ IX, lễ Mẹ lên trời là một trong những lễ long trọng nhất trong phụng vụ Byzance. Bên Tây phương, thế kỷ XIII là thế kỷ của Đức Mẹ. Các nhà thờ được xây dựng dâng kính Đức Mẹ. Lễ Mẹ lên trời cũng được cử hành long trọng.

Tại nước Pháp, ngày 15-8-1638, vua Louis đã dâng bản thân, gia đình và nước Pháp cho Đức Mẹ. Vua còn truyền hằng năm kiệu long trọng mừng lễ Mẹ.

Lịch sử Giáo hội công bố tin điều Hồn Xác Mẹ lên trời như sau. Tại công đồng Vaticanô I năm 1870, có gần 200 nghị phụ xin công bố tín điều. Từ năm 1945 đến 1950 có 852 đơn xin công bố. Các nhà thần học của 30 nước cũng gửi thư xin công bố. Ngày 1-5-1946, Đức Giáo hoàng Piô XII đã gửi một bức thư và xin cho các Đức Giám mục trên thế giới trả lời câu hỏi : “Theo sự khôn ngoan chín chắn của Đức cha, Đức cha có ý kiến gì về việc Đức Maria hồn xác lên trời được đề ra và xác quyết như một tín điều hay không ? Đức cha với hàng giáo sĩ và dân chúng có muốn điều đó hay không ?” Có 1191 thư phúc đáp. Trong đó có 16 thư nghi ngại cho là chưa hợp thời, 6 thư không đồng ý, còn 1109 thư  đồng ý. 17 Giáo hội Đông phương đồng ý. Ngày 30-10-1950 trong hội nghị gồm 700 vị  Hồng y, Giám mục, Đức Giáo hoàng hỏi ý kiến, và tất cả đều đồng ý. Cuối cùng, ngày 1-11-1950, lễ Các Thánh, Đức Giáo hoàng Piô XII đã công bố tín điều Mẹ Hồn Xác lên trời. Đức Giáo hoàng tuyên bố : “Chúng tôi khẳng định rằng : Đấng Vô Nhiễm, Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau khi đã hoàn tất cuộc đời trần thế đã được cất nhắc cả hồn lẫn xác vào vinh quang Thiên quốc”.

Trong 4 sách Tin Mừng không nói gì về ngày Đức Mẹ qua đời. Vào thế kỷ 17, Đức Mẹ đã hiện ra cho nữ tu Maria Agrêđa, dòng Phanxicô, tại Tây Ban Nha. Mẹ đã kể cuộc đời của Mẹ cho bà và bà đã viết lại. Bà đã kể lại Đức Mẹ qua đời như sau : “Ba ngày trước Mẹ Maria từ trần, các tông đồ và môn đệ đã tề tựu tại Giêrusalem trong mái nhà Tiệc Ly…Mẹ căn dặn các tông đồ : ‘Hỡi các con rất yêu dấu…Mẹ đã tha thiết yêu thương các con trong Con Chí Thánh của Mẹ. Lúc nào Mẹ cũng nhìn thấy Người trong các con…Theo ý Người, Mẹ sắp về trời, ở đó, mẹ hứa sẽ vẫn luôn ấp ủ các con trong Trái Tim Mẹ như một người Mẹ. Xin các con hãy cố làm vinh danh Chúa, và truyền bá đức tin. Các con hãy giữ lời Con Chí Thánh của Mẹ, hãy tưởng niệm cuộc đời và cái chết của Người, hãy thực hành giáo lý của Người, hãy yêu mến Giáo hội. Các con hãy yêu thương nhau trong mối giây đức ái thuận hòa…Chúa Giêsu, các thánh, các thiên thần từ trời xuống nhà Tiệc ly…Chúa Giêsu chúc lành và nói với Đức Mẹ : ‘Mẹ rất yêu dấu của con, con đã chọn Mẹ là nơi cư ngụ. Nay đã tới giờ Mẹ phải từ biệt trần gian để lên hưởng vinh quang của Cha con và của con…Mẹ đã không vương tỳ ố, giờ đây con cũng muốn Mẹ ra khỏi thế gian mà không phải chết…Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu : ‘Mẹ đã cố gắng theo con khi sống, Mẹ cũng xin theo con cả khi chết nữa’… Mẹ nhắm mắt, tắt hơi…Mẹ đi vào cõi chết. Linh hồn tinh tuyền của Mẹ từ giã thân xác trinh vẹn của Mẹ…Đoàn thần thánh tháp tùng Chúa Giêsu và linh hồn Mẹ Maria lên thiên đàng…Mẹ qua đời vào thứ sáu, lúc 3 giờ chiều, ngày 13-8 năm 55. Mẹ thọ 70 tuổi… Các tông đồ khiêng quan tài Mẹ qua các phố Giêrusalem và đặt vào trong mộ, rồi lấy một tảng đá lấp mộ…Chúa Giêsu từ trời đem theo linh hồn Mẹ xuống mồ. Đến mồ Chúa Giêsu nói với các thánh và thiên thần đi theo : ‘Mẹ của Cha đã được đầu thai vô nhiễm…Thể xác của Cha là thể xác của Mẹ…Cho nên Cha phải phục sinh cho Mẹ Cha như Cha đã sống lại…Linh hồn Mẹ vào lại thân xác Mẹ…Hôm đó là chúa nhật 15-8. Xác thánh Mẹ ở trong mồ 30 giờ y như xác Chúa Giêsu…Mẹ từ mộ về thiên đàng, một cuộc cung nghênh trang trọng không thể tả hết..Mẹ được phong là Nữ Vương Thiên Đàng” (Thần Đô Huyền Nhiệm Thiên Chúa, trang 563-575).

Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã viết về lễ Mẹ lên trời như sau : “Lễ Mẹ lên trời, ngày 15-8, ngày Đức Maria đầy ơn Chúa, đầy hạnh phúc, hồn vô nhiễm và xác trinh trong của Mẹ được vinh hiển, ngày Mẹ được giống Chúa phục sinh cách hoàn hảo nhất. Lễ này làm cho Giáo hội và nhân loại thấy được hình ảnh bảo chứng êm ái cho sự thành hình của niềm hy vọng cuối cùng của chúng ta, là tất cả những ai được Chúa Kitô làm anh em với Người, được thông phần máu thịt với Người, thì sẽ được hoàn toàn vinh quang” (Marialis Cultus,6).

Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nêu lên hai ý nghĩa của lễ Mẹ lên trời :

  1. Mẹ hồn xác lên trời để được giống Chúa phục sinh.
  2. Mẹ lên trời là bảo chứng cho niềm hy vọng lên thiên đàng của chúng ta.

Lễ Mẹ lên trời cũng là ngày Giáo hội Việt Nam mừng lễ Mẹ La Vang ở Huế. Chuyện Mẹ hiện ra ở La Vang như sau : Ngày 17-8-1798 vua Cảnh Thịnh của nhà Tây Sơn ban sắc chỉ cấm đạo. Người Công giáo ở các giáo xứ như Cổ Vưu, Thạch hãn, Quảng Trị phải trốn vào rừng La Vang. Sống trong rừng thiêng nước độc, đủ mọi sợ hãi : sợ hãi kẻ thù, thú dữ, bệnh tật, miếng ăn nước uống… Các tín hữu chỉ biết chạy đến với Đức Mẹ. Họ tụ tập dưới một cây đa cổ thụ. Họ lần chuỗi. Đức Mẹ hiện ra và bảo : “Hỡi các con, các con hãy tin tưởng, các con hãy cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhận lời và ban ơn theo ý nguyện”. Đức mẹ còn bảo họ hái lá cây nấu uống để chữa bệnh.

Mừng Mẹ lên trời là mừng vinh quang của Mẹ, đồng thời cũng mừng cho chúng ta có một người Mẹ ở trên trời, để giúp đỡ chúng ta.

Linh mục Nguyễn Trung Thành