Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm C
CN.21.C
(Is 66,18-21; Dt 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30)
22-8-2010
Sau khi Mẹ lên Trời, Mẹ được Thiên Chúa tặng thưởng làm nữ vương, bà hoàng, bà chúa trên thiên đàng. Ngày 15-8 mừng Mẹ lên thiên đàng, thì ngày 22-8, một tuần sau, mừng lễ Mẹ làm Nữ Vương trên thiên đàng.
Chuỗi Mân Côi, 5 Sự Mừng, gẫm thứ tư mừng Mẹ lên thiên đàng, thì gẫm thứ năm mừng Mẹ làm Nữ Vương Thiên Đàng. Kinh “Lạy Nữ Vương”, kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” đã ca ngợi thiên chức Mẹ Thiên Đàng của Mẹ.
Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói : “Mẹ là Nữ Vương vì được chia sẻ vương quyền của Chúa Kitô. Mẹ được phong làm Nữ Vương, để có thể thi hành chức vụ làm mẹ cách hữu hiệu hơn. Vì thế các tín hữu nhìn lên Mẹ là Nữ Vương với lòng tin tưởng : Mẹ âu yếm có thế lực để giúp đỡ chúng ta trên đường lữ hành đức tin”.
Như thế, ở dưới đất chúng ta có Mẹ, ở trên thiên đàng chúng ta cũng có Mẹ. Nơi nào Mẹ cũng hiện diện để giúp đỡ các con cái của Mẹ.
Thứ sáu này lễ thánh Môni-ca, bổn mạng Hội Hiền Mẫu. Nhờ có thánh Monica mới có thánh Au-gút-ti-nô. Vì thế, ngày 28 mừng lễ thánh Augúttinô thì ngày 27 mừng lễ thánh Monica.
Thánh Augúttinô đã nói về mẹ mình như sau : “Tôi hoàn toàn mang ơn mẹ tôi. Nếu tôi không mất linh hồn là nhờ mẹ tôi. Mẹ tôi đã đau khổ vì tôi. Kể sao cho xiết. Mẹ tôi đã khóc đêm khóc ngày vì tôi. Tim mẹ tôi như nhỏ từng giọt máu để làm của lễ dâng Chúa cho tôi.”
GHVN đã được lớn lên nhờ những phụ nữ, những bà mẹ. Đáng kể nhất là bà Minh Đức Vương Thái Phi.
Bà là vợ lẽ của ông Nguyễn Hoàng. Vì bất mãn họ Trịnh chuyên quyền ngang ngược, ông trốn khỏi miền Bắc, vào lập nghiệp ở miền Nam, tức là miền Trung bây giờ. Từ đó đất nước chia làm hai : Đàng Ngoài và Đàng Trong, lấy sông Gianh ở Quảng Bình làm ranh giới .
Bà Minh Đức được cha Pina rửa tội vào năm 1625. Cha Đắc Lộ đã kể lại như sau : “Các linh mục đàm luận nhiều lần với các nhà sư, đem hết lý lẽ ra thuyết phục…làm cho nhiều người trở lại cùng Thiên Chúa. Trong số đó có một bà vương phi vợ lẽ của một vị chúa”.
Cha Đắc Lộ kể tiếp : “Bà lập trong dinh bà một ngôi nhà nguyện rất đẹp, mà bà vẫn cố duy trì trong mọi cơn cấm đạo ngặt nghèo…Bà đã dùng những lời lẽ khôn ngoan làm cho nhiều người rất sùng Phật trong nước trở lại với đức tin Công giáo…Bà là nơi nương tựa cho tất cả các giáo sĩ chúng tôi, và chẳng có giáo hữu nào mà bà chẳng hết lòng giúp đỡ”.
Năm 1648 bà Minh Đức qua đời. Cha Saccano kể : “Giáo Hội Đàng Trong rất đau buồn về cái chết của bà…Các giáo hữu đã phải thiệt hại rất nhiều vì sự từ trần của bà. Lúc sinh tiền bà đã che chở họ trong những cơn đau buồn, và rất sốt sắng chinh phục các linh hồn cho Chúa…Trong nhà bà có những bình nước phép để phân chia cho các giáo hữu, có cả những mảnh vải thấm máu của các vị tử đạo”.
Bà thọ ngoài 80 tuổi, thủ tiết 36 năm, theo Chúa 24 năm.
Trong cuộc đời tội lỗi, thánh Augúttinô được Chúa gửi đến bà Monica, người mẹ thánh thiện.
Trong những cơn gian nan thử thách, GHVN đã được Chúa gửi bà Minh Đức Vương Thái Phi đến làm nơi nương tựa, làm niềm cậy trông.
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng là những lời an ủi trong nước mắt, là những niềm vui trong đau khổ, và là những hình ảnh người mẹ hiền vỗ về con thơ.
Bđ1 : sau 50 năm bị lưu đày ở đất khách quê người được trở về, vui đâu chưa thấy, chỉ thấy Đền thờ Giêrusalem là một đống gạch vụn, cửa nhà là một đống hoang tàn, đất đai bị người ngoại giáo đến ở, thì trong bđ1 Thiên Chúa đã sai ngôn sứ I-sai-a đến ủi an : “Giống như con cái Ít-ra-en mang lễ phẩm trên chén đĩa thanh sạch đến Nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những người thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa” (Is 66,20).
Bđ2 : Thư Do Thái trong bđ2 dùng hình ảnh “sửa dạy” để vỗ về: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy, có nhận ai làm con thì mới cho roi cho vọt” (Dt 12,5-6).
Bài TM : Trong bài TM, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh “cửa hẹp” để khích lệ những người gặp khó khăn đau khổ : “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24).
Cuộc đời ở trần gian đầy gian nan khốn khó. Thế nhưng, Thiên Chúa và Đức Mẹ không bỏ rơi. Người dùng đủ mọi cách để xoa dịu những vết thương của các con cái.
Trong gia đình có mẹ hiền, có người cha khôn ngoan chăm sóc.
Trong đời sống đạo có những người đạo đức bên cạnh nâng đỡ.
Trong lúc buồn sầu thất vọng có thánh lễ, có kinh nguyện có Lời Chúa, có Thánh Thể.
———————————-
CN.21.C
26-8-2007
Lời Chúa trong ba bđ của thánh lễ hôm nay an ủi chúng ta biết dường nào !
Bđ1, ngôn sứ Isaia nói đến niềm vui khi phải vất vả xây dựng Nhà Chúa. Suốt 50 năm nhục nhã, phải làm nô lệ cho đế quốc Babylon. Nay được trở về xây dựng lại Nhà Chúa, tái thiết quê hương, thì lại gặp muôn vàn khó khăn chán nản. Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa khích lệ: “Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng. Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta” (Is 66,18).
BTM tuy có những câu nói cảnh cáo và đe dọa, nhưng thật sự là khích lệ và an ủi. Theo sự sắp xếp của thánh Luca, sau khi Chúa Giêsu nói đến hai dụ ngôn hạt cải và nắm men để diễn tả Nước Trời, thì tiếp đến bài TM thánh lễ hôm nay. Như vậy, có nghĩa là con đường vào Nước Trời tuy có chông gai và gập ghềnh, như là đi qua cửa hẹp, nhưng đó là con đường thật dẫn vào Nước Trời : “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” (13,24). Chứ không phải đã là dân Do Thái-dân Chúa chọn hay đã vào đạo, đã mang danh là Công giáo, dù có sống tà tà, cũng vẫn vào Nước Trời, vào Thiên Đàng. Chúa Giêsu nói : “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính” (13,27).
Bđ2, thư Do Thái đã diễn tả “cửa hẹp” bằng hình ảnh dạy dỗ sửa phạt, như cha mẹ với con cái : “Lúc bị sửa dạy thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Dt 12,11).
Ngày mai chúng ta mừng kính thánh nữ Mônica, bổn mạng hội “Hiền Mẫu”. Thánh nữ Mônica đã phải đi qua “cửa hẹp” mới có một Âu tinh, một vị thánh lớn cho Giáo Hội.
Hoàn cảnh cuộc đời thánh Mônica đã làm cho thánh nữ thành người vợ chịu đựng, một nàng dâu đầy cay đắng, một người mẹ thất vọng. Tuy nhiên, thánh nữ đã không chịu đầu hàng trước hoàn cảnh cuộc đời bi thương đó.
Mặc dầu thánh nữ là một người Kitôhữu, tuy nhiên cha mẹ cứ ép gả cho một người ngoại đạo, ông Patrixiô, cùng quê là thành phố Tagaste, nước Algérie, Phi Châu. Ông Patrixiô cũng có những tư cách tốt, song tính tình qúa vũ phu và dâm đãng. Thánh Monica còn phải chịu dựng một bà mẹ chồng khó tính. Ông Patrixiô trách móc vợ, vì vợ đạo đức và bác ái, tuy nhiên ông rất kính trọng vợ. Cuối cùng, nhờ lời cầu nguyện và gương sáng của thánh nữ, chồng cũng như mẹ chồng đều trở lại đạo. Năm 371 ông Patrixiô qua đời. Ông đã chịu phép rửa tội trước khi chết một năm.
Thánh Mônica được ba người con. Thánh Âu-tinh là con trai cả. Khi ông Patrixiô qua đời thánh Âutinh 17 tuổi và là sinh viên khoa hùng biện của đại học Carthage của nước Tunisie. Thánh nữ Mônica rất buồn khi nghe tin con mình đi theo bè rối Manikê, sống bất hợp pháp với một cô gái và có con với cô ấy. Có một thời thánh nữ đuổi thánh Âutinh ra khỏi nhà, không chấp nhận là con. Rồi một đêm kia thánh Mônica mơ thánh Âutinh trở lại đạo. Từ đó thánh nữ luôn sống theo sát thánh Âutinh. Thánh nữ ăn chay và cầu nguyện cho đứa con trai của mình. Trái lại Thánh Âutinh lại không muốn mẹ theo sống gần mình, làm mình mất tự do.
Khi 29 tuổi, thánh Âutinh quyết định đi Rôma để dạy khoa hùng biện. Thánh Mônica nhất quyết đi theo. Một đêm kia, thánh Âutinh nói dối mẹ là ra bến tầu để chào giã từ một người bạn. Thực sự là ngài xuống tầu đi Rôma. Thánh nữ nhìn con tàu lớt sóng chở con mình đi mà khóc. Thánh nữ không chịu thua, cũng tìm tầu để đi theo. Thánh nữ tới Rôma thì thánh Âutinh đã bỏ đi Milanô. Mặc dầu đường xá khó khăn, thánh nữ cũng quyết tới Milanô tìm cho bằng được đứa con trai của mình.
Tại Milanô thánh Âutinh bị những bài giảng của thánh giám mục Ambrôsiô hấp dẫn. Lúc đầu thánh Âutinh chỉ đến để nghe thánh Ambôsiô giảng, hầu học thêm được khoa hùng biện, nhưng dần dần đã bị ảnh hưởng của những bài giảng của thánh giám mục.
Lễ Phục sinh năm 387 thánh Âutinh cùng với một vài người bạn được thánh giám mục Ambrôsiô rửa tội. Chẳng bao lâu sau, nhóm người đạo đức này trở về quê hương Tagaste. Biết sắp được Chúa gọi về, thánh Mônica nói với thánh Âutinh : “Con ơi, nay chẳng có gì ở thế gian lôi cuốn mẹ. Mẹ chẳng biết sau này con sẽ sống ra sao. Mọi hy vọng về con mẹ đã được toại nguyện.” Thánh nữ còn căn dặn : “Khi mẹ chết, con chôn mẹ tại đây, chẳng đem mẹ về quê hương làm gì.” Thánh nữ bị đau nặng, 9 ngày sau thì qua đời. Thánh Âutinh đã đưa thi thể của người mẹ yêu qúi về quê chôn bên cạnh mộ ông Patrixiô, cha của mình.
Thánh Âutinh đã nói về mẹ mình như sau : “Tôi hoàn toàn mang ơn mẹ tôi. Nếu tôi không mất linh hồn là nhờ mẹ tôi. Mẹ tôi đã đau khổ vì tôi. Kể sao cho xiết. Mẹ tôi đã khóc đêm khóc ngày vì tôi. Tim mẹ tôi như nhỏ từng giọt máu để làm của lễ dâng Chúa cho tôi.”
Thánh Mônica cũng xin thánh Ambôsiô làm cha linh hướng của mình. Tại Milanô và tại Tagaste, thánh Mônica còn là nguời lãnh đạo các bà mẹ đạo đức.
———————————–
CN.21.C
22-8-2004
Trên giấy tờ ngòai đời, đạo chúng ta có tên gọi là Thiên Chúa Giáo, nhưng tên thật của đạo chúng ta là Công Giáo. Thiên Chúa Giáo là đạo chung cho những đạo thờ phượng Thiên Chúa, như Do Thái giáo, Hồi giáo, và 4 đạo thờ Chúa Kitô. Bốn đạo thờ Chúa Kitô là : Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo, Công giáo. Như thế, Thiên Chúa giáo là đạo của nhiều đạo; còn Công giáo là đạo của một đạo Công giáo. Công nghĩa là chung, giáo là đạo. Công giáo là đạo chung của mọi dân, mọi nước, không chỉ một dân tộc như Anh giáo, Anh giáo, Do Thái giáo… Đạo công giáo của chúng ta có tính thế giới, phổ quát, công giáo. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng nói lên tính công giáo, tính phổ quát của đạo chúng ta.
Bài đọc 1 : Bđ1 là những dòng cuối cùng của sách ngôn sứ Isaia. Ngôn sứ nói với những người Do Thái từ chốn lưu đày Babylon trở về. Họ đang tái thiết lại quê hương xứ sở, xây lại Đền thờ Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem chẳng những là nơi Chúa ngự, còn là niềm vinh dự, vì chỉ có người Do Thái mới được Chúa hiện diện. Song Chúa phán : “Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta” (Is 66,18). Dân của Chúa không chỉ là những người Do Thái, mà là muôn dân. Muôn dân tiến vào Đền thờ Thiên Chúa, muôn dân là lễ vật dâng tiến Chúa. Ngôn sứ nói : “Giống như con cái Israel mang lễ phẩm trên chén đĩa thanh sạch đến Nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa” (Is 66,20). Như thế, tính công giáo, tính phổ quát của đạo Chúa đã được ngôn sứ Isaia tiên báo từ năm 520 trước Chúa Giêsu giáng sinh.
Bài Tin Mừng : Bài Tin Mừng thánh lễ, Chúa Giêsu cũng nói đến tính phổ quát, tính công giáo của đạo thánh Chúa : “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13,29). Trên đường lên Giêrusalem để chịu chếr, có người hỏi Chúa Giêsu : “Thưa Ngài, những người được cứu thóat thì ít có phải không ?” (Lc 13,23). Người Do Tháiï luôn thắc mắc là Thiên Chúa cứu nhiều người hay ít người. Phái Pharisêu thì cho là nhiều, tất cả mọi người Do Thái đều được cứu; còn người hỏi Chúa thì cho là ít. Không trả lời trực tiếp nhiều hay ít, Chúa Giêsu trả lời : “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13,24). Như thế, được vào hay không, nhiều hay ít, không do là công dân nước này hay nước khác, đạo này hay đạo khác, mà do lòng đạo đức, sự cố gắng, sự chiến đấu của mỗi người : “Ta không biết các anh từ đâu đến ! Bấy giờ các anh mới nói : chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. Nhưng( sẽ được) đáp lại : Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi những quân làm điều bất chính” (Lc 13,26-27). Tưởng người được vào là người nước mình, là người đạo mình; hóa ra lại là người của nước khác, của đạo khác : “Thiên hạ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13,29).
Trước đây chúng ta cũng cứ nghĩ rằng : ai không theo đạo chúng ta là con cái ma qủi, phải xuống hỏa ngục hết; chỉ có ai theo đạo Công giáo mới là con cái Chúa, mới được lên thiên đàng. Kinh nguyện Tạ Ơn thứ 4 có lời nguyện cho những người qua đời như sau : “Xin Cha nhớ đến những người đã chết trong bình an của Đức Kitô, và những người qúa cố mà chỉ mình Cha mới biết lòng tin của họ”. Lời nguyện đó cầu cho hai hạng người qua đời : một là những người Công giáo đã chết trong bình an của Chúa Kitô; hai là những người đạo khác hay không có đạo nào cả, những người lương, những người bề ngòai xem ra không có đạo, không có niềm tin; song bên trong họ có niềm tin, có đạo mà chỉ Chúa mới biết.
Có anh chị em hỏi : xin lễ cầu cho cha mẹ, bà con là lương dân, không có đạo được không ? Không những được, mà còn tốt nữa, vì “chỉ mình Chúa mới biết lòng tin của họ”.
Bài đọc 2 : Thư Do Thái đọc trong thánh lễ hôm nay cũng nói đến lòng đạo đức, việc ăn ngay ở lành mới là con cái Chúa, chứ không phải vì có đạo hay không có đạo, có đạo này chứ không phải đạo kia. Thư viết : “Thưa anh em, anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con : ‘Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt” (Dt 12,5-6). Sửa dạy, roi vọt chính là đi vào cửa hẹp, là lòng đạo đức, là việc ăn ngay ở lành.
Ngày nay người ta không muốn người khác sửa dạy, bởi vì người ta không muốn cố gắng, không muốn hy sinh, không muốn chịu khó, không muốn chịu cực. Tại sao gia đình lục đục : vợ chồng ly dị, con cái không vâng lời ? Chỉ vì vợ chồng không còn dạy được nhau, không còn chịu đựng được nhau. Con cái không muốn vâng lời cha mẹ, vì con cái không muốn được sửa dạy, không muốn sống cố gắng, không muốn chịu khó. Ngày nay ít người nói đến những từ : hy sinh, chịu khó, chịu đựng, hãm mình, ép xác. Đòi hỏi hy sinh, hãm mình, chịu khó với người tu ngày nay cũng không phải là dễ.
Đời sống Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là một đời sống chịu đựng, chịu khó. Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh sinh năm 1793 thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tử đạo ngày 6-4-1857 tại pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định. Khi học trong chủng viện, thánh Tịnh ăn chay các ngày thứ sáu, đánh tội và nằm đất. Cảm thấy hãm mình như thế chưa đủ, thánh Tịnh còn trốn vào rừng, để được sống khắc khổ, sống cô tịch. Nhưng Đức cha Gia đã ra chỉ thị cho các cha trong giáo phận : “Nếu thầy Tịnh đến xưng tội, không linh mục nào được quyền giải tội, phải bảo thầy về gặp Đức cha ngay”. Chỉ thị đó khiến thánh Tịnh phải bỏ rừng mà về lại chủng viện.
Đạo không phải là một bè phái của một nhóm người. Đạo là con đường, là cách thế giúp mọi người, không phân biệt ai, tu thân tích đức, giúp sửa đổi tính hư tật xấu, sống một đời tốt đẹp. Đạo không chỉ là một tên gọi, mà là một nếp sống thực sự.
Linh mục Nguyễn Trung Thành