Đại Chủng Viện Huế: Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Cha Adrien Villard (Triệu Bá Vi)


“Tôn sư trọng đạo” vốn là một truyền thống quý báu của người Việt Nam. Tâm tình tốt đẹp của các môn sinh là luôn ghi nhớ công ơn của các vị ân sư, dù các ngài còn sống hay đã qua đời. Tinh thần đó càng đặc biệt hơn đối với các thế hệ học trò đang được đào luyện tại mái trường Đại Chủng Viện Huế. Quả thế, sáng ngày 15/09/2016, Đại Chủng Viện Huế đã long trọng tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho Cha Adrien Villard, tên tiếng Việt là Triệu Bá Vi, vì ngài là ân sư của rất nhiều thế hệ các Cha cựu sinh viên Xuân Bích Việt Nam trong thời kỳ trước năm 1975.

img_0612

Thánh lễ cầu nguyện cho Cha Adrien Villard đã được Cha Giám đốc lưu ý với quý thầy trong buổi gặp gỡ của toàn thể các thành viên Đại Chủng Viện vào ngày tựu trường (03/09/2016) để hướng quý thầy đến tâm tình hiệp ý cầu nguyện cho một người Thầy đã cống hiến nhiều công sức cho việc đào linh mục trên quê hương Việt Nam.

unnamed

Cha Adrien Villard được Chúa gọi về ngày 24/7/2016 tại Dòng Tiểu Muội Người Nghèo, ở Roanne thuộc giáo phận Lyon, Pháp. Cha hưởng thọ 96 tuổi (1920-2016). Thánh lễ an táng Cha được cử hành vào lúc 14h30 (19h30 giờ Việt Nam), thứ Tư ngày 27/07/2016 tại ngôi thánh đường quê hương của Cha: Làng Saint Nizier sous Charlieu, cách Roanne khoảng 15 km.

img_0676

Đúng vào lúc 10 giờ, Thánh Lễ cầu nguyện cho Cha Adrien Villard diễn ra trong bầu khí tôn nghiêm và sốt sắng. Chủ tế thánh lễ là Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hoá. Đồng tế với ngài, có Cha Giám đốc Đại Chủng Viện, quý Cha trong Ban Giám đốc và gần 20 linh mục, đến từ Tổng Giáo phận Huế, Giáo phận Đà Nẵng và Cha Phanxicô Xavie Ngô Phục đến từ Tổng giáo phận Sài Gòn.

Tham dự thánh lễ còn có sự hiện diện của hai thầy Phó tế thuộc Giáo phận Huế, toàn thể quý thầy Đại Chủng Viện, quý nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế và quý nữ tu Dòng Phaolô.

Trước khi hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Cha Adrien Villard, toàn thể cộng đoàn cùng lắng nghe đôi nét tiểu sử về cuộc đời đầy biến động của ngài. Cha sinh ngày 19/06/1920. Cha đến Hà Nội năm 1950 và phục vụ cho công việc đào tạo các linh mục trong suốt 25 năm ở nhiều nơi như: Đại Chủng Viện Hà Nội, Đại Chủng Viện Vĩnh Long, Đại Chủng Viện Thị Nghè, Đại Chủng Viện Huế… Sau năm 1975, Cha trở lại Pháp và sang truyền giáo ở Phi Châu. Vào những năm tháng cuối đời, Cha hưu dưỡng tại quê hương nước Pháp. Suốt cuộc đời, Cha luôn chú tâm vào việc đào tạo các chủng sinh tại các Đại Chủng Viện do Hội Xuân Bích đảm trách. Có nhiều linh mục là môn sinh của Cha ở khắp các giáo phận: Huế, Vĩnh Long, Cần Thơ và Mỹ Tho…

dsc_6690

Sau đó, Đức Cha chủ tế cùng hai Cha phụ tế có phút mặc niệm trước bàn thờ Cha Adrien Villard và niệm hương trước di ảnh của ngài.

Tiếp đến, trong lời mở đầu thánh lễ, Đức Cha Alphong đã chia sẻ những tâm tình kính nhớ Cha cố Adrien Villard, và xuyên suốt cuộc đời của Cha, với 71 năm sống đời linh mục, nổi bật là lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Đức Cha Alphong cũng mời gọi cộng đoàn tham dự thánh lễ sống tình yêu Thiên Chúa cách đặc biệt trong Năm thánh Lòng Thương Xót này.

img_0641

Sau bài Tin Mừng, Cha Phanxicô Xavie Ngô Phục đã chia sẻ Lời Chúa với cộng đoàn. Trong bài giảng, Cha Phanxicô Xavie đã suy niệm về sự chết dưới ánh sáng cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Trong cái nhìn của con mắt đức tin, sự chết không còn là cái gì đó mang lại nỗi sợ hãi cho con người, vì Đức Kitô, Chúa chúng ta, đã chiến thắng sự chết hầu có thể dẫn đưa mọi người vào sự sống trường sinh. Nhờ đó, Kitô hữu luôn tin tưởng vững vàng và tràn đầy hy vọng khi xem cái chết là ngưỡng cửa phải bước qua để tiến vào sự sống mới. Như vậy, phúc cho những ai chết trong Đức Kitô và trong Thiên Chúa. Cha Phanxicô Xavie đã trích lời thâm tín của thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).

img_0632

Cha giảng lễ đặc biệt nhắc lại những đường nét chính yếu của cuộc đời Cha Adrien Villard theo dòng lịch sử. Ngài đã sống một cuộc đời gương mẫu. Những môn sinh đã từng thụ giáo với ngài luôn nhận ra nơi ngài chan chứa sự ấm áp của tình phụ tử lẫn sự dịu dàng của tình mẫu tử. Ngài đã sống hết mình cho Thiên Chúa, đã dùng trọn cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Giáo Hội. Thế nên, thiết tưởng, ngài đã bước qua ngưỡng cửa sự chết trong sự thanh thản và an bình. Cha Adrien Villard là một trong những tấm gương sáng ghi dấu ấn vào lý tưởng và vào hoạt động tông đồ của tinh thần Xuân Bích.

img_0648

Kết thúc bài giảng, Cha Phanxicô Xavie cầu chúc quý Cha trong Ban Giám đốc và toàn thể quý Thầy đang thụ huấn dưới mái trường Xuân Bích, hôm nay và ngày mai, luôn sống tinh thần hy sinh, phục vụ mà Cha Adrien Villard đã truyền cảm hứng.

img_0670

Trước khi kết thúc thánh lễ, Cha Giám đốc đã bày tỏ tâm tình tri ân với Đức Cha Alphong, quý Cha cựu chủng sinh Xuân Bích, quý Cha đồng tế, quý nữ tu đã đến hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Cha Adrien Villard.

Đáp lời Cha Giám đốc, Đức Cha Alphong đã bày tỏ niềm vui và cám ơn quý Cha trong Ban Giám đốc đã tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho Cha Adrien Villard. Đức Cha cầu chúc cho năm học mới tại Đại Chủng Viện trổ sinh nhiều hoa trái và đạt được những kết quả mỹ mãn theo lòng Chúa và Giáo Hội mong ước.

img_0682

Thánh Lễ kết thúc lúc 11h 15 cùng ngày. Sau Thánh lễ, quý Đức Cha và quý Cha đồng tế cùng chụp hình lưu niệm trước bậc tam cấp của nhà nguyện Đại Chủng Viện.

BTT ĐCV Huế

——-

ĐÔI NÉT ĐÁNG NHỚ VỀ CHA ADRIEN VILLARD QUA MỘT BỨC THƯ

Trong ngày 15/09/2016, nhân dịp tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho Cha Adrien Villard, một người thầy đã dày công đào tạo các thế hệ linh mục ở Việt Nam vừa mới qua đời hôm 24/07/2016 tại Pháp, BTT ĐCV Huế đã được Đức Cha Alphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hoá, Chủ tịch ủy ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc HĐGMVN, kể những mẩu chuyện về cuộc đời Cha Andrien Villard.

Được sự cho phép của Đức Cha Alphong, BTT ĐCV Huế xin được đăng tải bức thư của Cha Phaolô Trần Thanh Lộc, PSS, Cựu Chủng sinh Xuân Bích, gửi cho Đức Cha Alphong. Trong bức thư này, Cha Trần Thanh Lộc đã phác họa những đường nét chính yếu về con người và cuộc đời của Cha Adrien Villard. Đó là những tư liệu quý giá được viết ra bởi một người đã trực tiếp gặp gỡ Cha Adrien Villard, để các thế hệ học trò sau này hiểu thêm về một vị thầy đáng kính đã từng sống và làm việc 25 năm trên mảnh đất Việt Nam trong công cuộc đào tạo các linh mục.

Sau đây là toàn văn bức thư:

            Đức Cha mến,

            Tí nữa con quên! Hy vọng rằng không quá trễ cho Đức Cha. Một vài sự nho nhỏ con biết về “Cố Vi” nhà mình là thế này:

  1. Ngài đã học thần học tín lý ở Lyon: Lyon không phải là thường, như Đức Cha biết. Nó là Tỉnh của Thánh Giám Mục, Thần học gia nổi tiếng Irénée (177-202). Lyon vẫn không chịu đứng sau Paris đâu!
  1. Sau đó, với ý định của Bề Trên Xuân Bích là sai ngài sang Tầu (Trung Quốc), ngài đã lên Paris học Chữ Nho và tiếng Tầu: ngài đã biết rất khá Chữ Nho. Nhưng Mao Trạch Đông đã thắng Tưởng Giới Thạch, nên việc đi Tầu của Ngài bị bỏ qua! Ngài giỏi chữ Tầu, do đó ngài đã hiểu tiếng Việt cách sâu xa!
  1. Ngài đã sang Việt Nam năm 1950 (Năm 2000, con đã được hân hạnh tháp tùng Ngài trở lại Việt Nam, để ghi dấu ngài đã tới VN 50 năm. Cùng với Ngài, con đã được đi tất cả những nơi Ngài đã tới hay đã làm việc, kể cả Chủng Viện Liễu Giai (?), Hà nội, mà bây giờ là Hotel “La Thành”. Chị Cán Bộ đã rất tử tế cho chúng con đi thăm mọi nơi, kể cả những phòng ngủ, phòng học ngày xưa!). Ngài đã ở Hà nội từ đó. Năm 1954, Ngài vào Nam, dạy ở Vĩnh Long đến năm 1957, lên Thị Nghè, Sài Gòn; rồi năm 1962, ngài ra Huế…
  1. Năm 1975, trở lại Pháp, Ngài đã dấn thân trong hai năm để lo giấy tờ, nơi trọ cho dân di cư Việt Nam. Rồi từ năm 1977, ngài đã sang phục vụ ở chủng viện Ouidah, Bénin (Phi châu). Cũng như khi ở Việt Nam, ở đây, Ngài đã dạy Tín Lý và Phụng Vụ, và cũng lo cho những người đau yếu… Ngài cũng yêu mến anh em Phi Châu “gần như” anh em Việt Nam.
  1. Chữ “gần như” này không quá đáng. Quả thật, ngài đã yêu mến anh em Phi Châu HẾT MÌNH: con biết nhiều anh em, và không ai có thể phàn nàn chi về Ngài. Nhưng hầu hết biết rằng TIM của Ngài vẫn ở Việt Nam! Cụ thể là, NGAY CẢ THỜI GIAN Ở PHI CHÂU, Ngài vẫn gửi về Việt Nam, trong những dịp Lễ, MỖI NĂM là HƠN 150 gói quà! Các Thầy đã phải giúp Ngài đem ra Bưu Điện cho nên họ biết lắm.
  1. Ngài yêu thương NGƯỜI VIỆT và TIẾNG VIỆT một cách lạ lùng! Từ khi ngài phải rời Việt Nam, chính ngài đã nói với con, Ngài vẫn đọc sách tiếng Việt, lớn tiếng, cho chính mình, ở trong phòng, mỗi ngày ít là 20 phút! Kể cả thời gian Ngài ở bên Phi Châu từ năm 1977 đến năm 2000, ngài đã vẫn trung thành với việc đọc tiếng Việt lớn tiếng 20 phút ở trong phòng! Vì thế, con không lạ khi thấy Ngài vẫn nói Tiếng Việt giỏi.
  1. Ngài là một Tông Đồ sống cho người khác. Cách ngài coi Tủ Thuốc ở Chủng Viện đã tỏ ra tinh thần đó. Có lẽ không mấy người biết : khi còn ở VN, vì Ngài lo tủ thuốc, cho nên, một mùa hè, khi về Pháp, Ngài đã đi dự một khoá đào tạo “Y TÁ” trong một tháng dài ở Lyon, để có khả năng lo tốt hơn cho các thầy (chính Ngài đã nói với con). Một điểm khác nói lên SỰ QUÊN MÌNH để LO CHO NGƯỜI KHÁC: ngài là nghệ sĩ, chụp ảnh rất tốt, báo MISSI của các cha Dòng Tên đã dùng nhiều ảnh của Ngài. Nhưng, như cha Thực nhà mình đã nhận thấy: “Ngài đã không có một tấm ảnh nào về chính mình”!

            Vài dòng viết vội! Đức Cha dùng được gì, tuỳ ý. Con không nói tới, vì rất hiển nhiên: TÌNH YÊU của Ngài đối với Phụng Vụ Thánh thật là MÊNH MÔNG như biển cả !

Xin Đức Cha cầu cho con,

Mến,

Con: Thanh Lộc

            Tái bút:

            Về cái tên TRIỆU BÁ VI của ngài, thì con cũng biết sơ sơ vậy thôi: không rõ là chính Cha Bề Trên Gastine Tín đã đặt cho ngài hay là ĐHY Khuê, hay cả hai người. Chữ TRIỆU: là tên “HỌ”, đại khái như NGUYỄN, TRẦN, LÊ,… của mình; và chữ BÁ: hình như là có nghĩa là nhiều, như người ta nói “Bá quan bá tánh…” ; Còn chữ VI: chắc là từ cái tên VILLARD của ngài, tuy nhiên VI cũng là làm việc, hành động. Cho nên tên của Ngài cũng có thể diễn tả lý tưởng của Ngài : Ngài là con người hoạt động rất nhiều, con người hoàn tất rất nhiều công việc,…

(Nguồn: xuanbichvietnam.net)