Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Năm C
CN.26.C
(Am 6,1a.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16,19-31)
25-9-2016
Bà Li-na ở miền An Vực, Văn No, lập “nhà thương”, “nhà tế bần” giúp nhiều người nghèo khổ ốm đau, bệnh tật (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 128).
Công chúa Ngọc Liên, là con của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên. Ngoài công chúa Ngọc Liên, Sãi Vương còn sinh được ba công chúa nữa : Ngọc Vạn kết hôn với vua Campuchia, Ngọc Hoa cưới một Nhật kiều ở Hội An, Ngọc Đỉnh kết hôn với tướng Nguyễn Cửu Kiều. Ngọc Liên sinh khoảng năm 1595 và qua đời năm 1674. Công chúa lập gia đình với tướng Nguyễn Phước Vinh, và theo chồng vào ở Phú Yên năm 1629. Công chúa theo đạo năm 1636, tên thánh là Maria Mađalêna. Công chúa được ảnh hưởng của bà Minh Đức vương thái phi, nhất là cuộc nói chuyện do chồng triệu tập giữa ông Giê-rô-ni-mô và các thầy sư về “bói toán và ba hồn bẩy vía”. Công chúa làm một nhà nguyện tại dinh ở Phú Yên và bổn đạo có thể vào đó để đọc kinh cầu nguyện. Năm 1641 cha Đắc Lộ ở trong dinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép Thanh Tẩy cho 90 người, trong số này có thầy Anrê-Phú yên. Thời gian ở Phú Yên, Ngọc Liên dạy đạo cho nhiều người, nên năm 1641, cha Đắc Lộ đến đây làm phép Thánh Tẩy cho 1355 người. Từ năm 1643, tướng Vinh về hưu ở Thanh Chiêm (Vĩnh Điện), Ngọc Liên công chúa cũng theo về. Khi ông qua đời 1645, công chúa đến Hội An. Tại đây, Ngọc Liên chẳng những lo truyền giáo, mà còn lập “nhà thương xót” (gọi tắt là nhà thương), nơi nương náu cho những người nghèo khổ, neo đơn. Đằng khác công chúa còn cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng (Đỗ Quang Chính, Tản Mạn Lịch Sử Công Giáo Việt Nam, trang 65-66).
Ông Phanxicô dù mới theo đạo được hai năm, nhưng can đảm thi hành đức ái triệt để là “chôn xác kẻ chết”, vác xác đi chôn những người chết không nhà không cửa, mà ông lại là người khiêng kiệu cho một quan lớn. Viên quan cho rằng nếu Phanxicô cứ vác xác người chết mà còn khiêng kiệu thì làm nhơ bẩn cho quan, nên ra lệnh cấm ông chôn xác kẻ chết. Không tuân lệnh, nên Phanxicô bị quan đánh đòn, tống giam trong ngục, sau cùng quan tìm cách chém đầu. Đó là vào thời điểm 1630 ở miền Bắc ! (Đỗ Quang Chính, sđd, trang 73).
Với ba câu chuyện bác ái, các Kitô hữu Việt Nam thời tiên khởi đã sống “yêu người”, nhất là những người cùng khổ, bất hạnh. Cha Đỗ Quang Chính đã viết : “Phải công nhận rằng, bổn đạo thời xa xưa đã sống Lời Chúa trọn vẹn trong việc kính Chúa yêu người. Phải nói là các vị ấy đã sống đạo, chứ không phải chỉ giữ đạo, bằng cớ có nhiều nhà truyền giáo đầu thế kỷ 17 ở Đàng Ngoài đã khen “đứt lưỡi” về lòng thương yêu nhau của anh chị em bổn đạo. Chính trong bản báo cáo dài 98 trang khổ lớn của cha Gaspar d’Amaral viết bằng tiếng Bồ Đào Nha từ kinh đô Thăng Long ngày 31-12-1632 gửi cha Anré Palmeiro ớ Macao, chẳng những thuật lại những kết quả truyền giáo lớn lao, mà còn ghi nhận rằng “người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạu yêu nhau” (Đỗ Quang Chính, sđd, trang 61).
Theo Lời Chúa ngày Chúa nhật hôm nay, cha ông chúng ta ngày xưa “đã sống Lời Chúa”, đã yêu nhau.
Bđ1 : Ngôn sứ A-mốt đã diễn tả lối sống của những nhà giầu nước Ít-ra-en, miền Bắc, vào thế kỷ 8 trước Chúa giáng sinh như sau : “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao…Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng” (Am 6,4-6a).
Các nhà giầu chỉ biết ăn uống “chẳng biết đau lòng trước nhà Giu-se sụp đổ” (6,6b).
Đời sống ăn chơi phè phỡn, hậu quả là : “Giờ đây, chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn” (6,7).
BTM : BTM là câu chuyện người nhà giầu và anh La-da-rô nghèo khổ . Nhà giầu thời ngôn sứ ăn uống phè phỡn. Ông nhà giầu thời Chúa Giêsu cũng ăn uống thỏa thuê. Luật phải làm việc 6 ngày, chỉ được nghỉ ngày sa-bát (Xh 20,91). Ông nhà giầu nghỉ suốt tuần để ăn uống. Một tuần ăn thịt một ngày đã phúc, thế mà ông ăn thịt suốt tuần. Ngoài ra ông còn ăn mặc sang trọng.
Ông nhà giầu thời ngôn sứ A-mốt không quan tâm đến tình hình đất nước. Ông nhà giầu thời Chúa Giêsu vô cảm với anh La-da-rô nghèo khổ nằm ngoài cổng nhà ông, mong được những mẩu bánh lau tay của ông vất xuống. Đối với Kinh Thánh, chó là con vật ghê tởm và dữ tợn (Tv 22,17-21; Cn 26,11; Mt 7,6). Vậy mà chó còn biết quan tâm đến liếm ghẻ chốc ngứa ngáy cho anh (Lc 16,21). Chó còn có tình hơn.
Anh La-da-rô cậy vào Chúa. La-da-rô, tên anh có nghĩa là “Chúa là sự giúp đỡ của tôi”, là “Thiên Chúa giúp đỡ”. Nên, khi chết anh La-da-rô được Chúa đưa lên thiên đàng. Còn ông nhà giầu cậy vào tiền bạc, của cải, tiêc tùng, bạn nhậu, khi chết tiền bạc, của cải, bạn bè không đi theo ông được. Ông không có ai giúp đỡ, ông phải ở trong hỏa ngục.
Bđ2 : Trong bđ2, thánh Phao-lô đã khuyên ông Ti-mô-thê, người học trò yêu quí : “Hỡi người của Thiên Chúa, hãy gắng trở nên nên công chính, đạo đức, giầu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời” (1Tm 6,11-12).
Chúng ta gắng sống đạo đức, đầy lòng thương xót, thì như anh La-da-rô, như cha ông chúng ta ngày xưa, sẽ có Chúa và bạn bè giúp đỡ lên thiên đàng.
————————————
CN.26.C
26-9-2010
Bài Tin Mừng thánh lễ chúa nhật tuần vừa qua là dụ ngôn “ Người quản lý bất lương”. Trong dụ ngôn này Chúa Giêsu dạy : “Hãy dùng tiền của mà tạo lấy bạn bè” (Lc 16,9). Bài TM thánh lễ chúa nhật hôm nay là dụ ngôn “Ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó”. Đây là một áp dụng, một ví dụ cụ thể cho lời Chúa dạy “hãy dùng tiền của mà tạo lấy bạn bè”.
Bài đọc 1 : Thánh lễ chúa nhật trước, ngôn sứ Amốt đã lên án những người làm giầu cách bất chính và coi thường con người, coi con người không bằng đồng bạc. Thánh lễ hôm nay, ngôn sứ Amốt tả cảnh nhà giầu phung phí tiền bạc đã vào những trò ăn chơi : “Nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên giường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao…Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng” (Am 6,4.5.6). Nước mất nhà tan, mặc ai lo thì lo; còn họ, họ vẫn “bằng chân như vại”, vẫn “chén thù chén tạc”. Ngôn sứ Amốt tố cáo : “Chúng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ” (Am 6,6). Do đó, quân Ba Tư tới xâm chiếm và bắt đi lưu đày ở Babylon. Ngôn sứ Amốt đã bảo : “Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn” (6,7).
Những từ : chiên non, bê béo, dầu thơm, ca hát là những từ dùng trong các nghi lễ thờ phượng. Vậy ngôn sứ Amốt đã nói đến việc thờ phượng giả hình của người Israel. Nên sau đó, ngôn sứ đã nhắc lại lời tố cáo của Chúa : “Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét; hội hè các ngươi Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi dâng lên Ta của lễ tòan thiêu…những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận; chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đóai hòai. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (Am 5,21-24).
Bài Tin Mừng : Người Israel thời ngôn sứ đã phung phí tiền bạc trong quần áo, tiệc tùng; ông nhà giầu thời Chúa Giêsu cũng thế. Chúa Giêsu đã mô tả ông nhà giầu như sau : “Mặc tòan lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19). Đối với người Hy Lạp, lụa là gấm vóc được dành cho các thần minh, cho vua chúa. Nhìn vải ông mặc, đủ biết ông giầu có chừng nào. Tiệc tùng cũng biểu lộ sự giầu sang của ông. Không chỉ ăn tiệc vào cuối tuần mà suốt cả tuần : “Ngày ngày yến tiệc linh đình”.
Còn anh La-da-rô nghèo thiệt là nghèo : “Mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giầu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (16,20-21).
Nếu chỉ có đời này thì qủa thật là bất công : kẻ thì thừa mứa, kẻ thì đói meo. May phúc còn có đời sau. Trong thời đổi mới, nhà văn Liên Xô Valentin Rax-pu-tin viết tập truyện nhan đề “Đám Cháy”. Trong đó có câu : “Bắt buộc thỉnh thỏang phải nghĩ đến cái chết, để sống cho trong sạch hơn” (trang 50), hay câu : “Cái chết đó là người thầy đầy quyền lực” (trang 53).
Dụ ngôn trong bài TM kể : “Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ap-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ap-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên : ‘Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm” (Lc 16,22-24). Thế là ở đời sau, anh La-da-rô nghèo khổ “được thiên thần đem vào lòng ông Ap-ra-ham”; còn ông nhà giàu thì “bị lửa thiêu đốt”.
Người ta hỏi : anh La-da-rô có công trạng gì mà được thưởng, còn ông nhà giàu có tội gì mà bị phạt ? Anh Ladarô chẳng có công trạng gì, chỉ vì anh nghèo mà Chúa thương, đúng như tên của anh : “Ladarô” tiếng Do Thái có nghĩa là “Chúa giúp đỡ”. Chúa Giê-su đã nói : “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20). Đức Mẹ cũng đã nói : “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư. Người giàu có lại đuổi về tay trắng”.
ông nhà giàu không có một cử chỉ nào tỏ ra khinh thường, hành hạ anh Ladarô. Nhưng ông có tội. Một là không chịu làm việc. Luật Chúa chỉ cho nghỉ ngày sabát, thế mà ông nghỉ suốt tuần để ăn uống tiệc tùng. Tội thứ hai là ông không biết dùng tiền của mà tạo lấy bạn bè. Ông chỉ biết có ông. Ông không thấy có người bạn nằm ở cổng nhà ông. Con chó còn thấy, vậy mà ông không thấy. Vì thế khi ông chết, không có bạn bè đưa ông vào lòng ông Ap-ra-ham. Ông phải cô đơn trong hỏa ngục. Còn anh La-da-rô có chó liếm mụn nhọt, có thiên thần, có ông Ap-ra-ham. Ông nhà giàu trở thành vô danh tiểu tốt, còn anh nghèo lại có tên, có danh, La-da-rô.
Ông nhà giàu còn 5 anh em. Ông xin ông Ap-ra-ham sai La-da-rô hiện về nói cho họ biết, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình như ông. Nhưng ông Ap-ra-ham bảo : “Ông Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (16,31). Ông Mô-sê tượng trưng cho Lề Luật, các Ngôn Sứ tượng trưng cho Lời Chúa. Lề Luật và Lời Chúa mà không nghe, thì phép lạ có xảy ra cũng vô ích. Chúa Giê-su làm phép lạ cho ông La-da-rô chết 4 ngày sống lại, vậy mà dân Do Thái vẫn không tin, còn giết Chúa.
Bài đọc 2 : Người ta thường nói : “Kiếm được một đồng bạc đã khó, kiếm được một chữ còn khó hơn, nhưng kiếm được một nhân đức còn khó hơn nữa”. Thánh Ti-mô-thê làm giám mục ở Ê-phê-sô, thánh Phao-lô đã viết thư an ủi, khuyến khích và dạy dỗ. Thánh Phao-lô viết : “Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa” (1Tm 6,11). Thánh Phao-lô đã dùng kiểu nói thể thao để khuyên bảo : “Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin”. Những cuộc tranh đua thể thao đầy vất vả. Chẳng hạn trong bóng đá : vừa phải tập luyện cho có thể lực, vừa phải tập luyện cho có kỹ thuật. Chuyện đời còn vất vả, huống hồ là chuyện thánh.
Sống bác ái, thương giúp người thiếu thốn, thiếu may mắn đòi phải từ bỏ tính ích kỷ. Con người cởi bỏ được tính xấu còn vất vả hơn cầu thủ luyện tập, để đọat cúp vô địch.
Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm khi chịu tử đạo ngày 13-1-1859 đã được 79 tuổi. Ngài có người con trai là Luca Phạm Trọng Thìn cùng chịu tử đạo một ngày. Việc đạo thánh Khảm là trùm họ, việc đời là quan án. Nhà giầu, nhưng biết dùng của cải để mua lấy bạn bè. Trong tiểu sử để phong thánh có ghi lời này : “Gia nhân phải kiếm kẻ khó vào ngồi chung thì cụ Án mới ăn”.
———————————–
CN.26.C
30-9-2001
BTM Chúa nhật vừa qua là dụ ngôn “Người quản gia bất lương“. Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su dạy chúng ta hai bài học :
1- Dùng tiền bạc mà tạo lấy bạn bè
2- Con cái thế gian khôn khéo hơn con cái ánh sáng
Nghe Chúa Giê-su dạy, các người Pha-ri-sêu cười nhạo Chúa. Thánh Luca ghi lại : “Người Pha-ri-sêu, vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. Người bảo họ : ‘Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời, lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Lc 16,14-15).
Để các người Pha-ri-sêu hiểu hậu quả của việc xử dụng tiền bạc không đúng, Chúa Giê-su kể hai ví dụ : 1- vấn đề ly dị, 2- chuyện ông nhà giầu và anh La-da-rô nghèo khổ.
Ví dụ 1 : việc ly dị.
Theo tục lệ người Do-thái, khi ly dị vợ, người chồng cho người vợ một số tiền đền bù. Với số tiền ấy, họ cảm thấy vô tội, yên tâm trong việc ly dị. Nhưng theo Chúa, việc vợ chồng không phải là việc tiền bạc, người đàn bà không phải là đồ vật, để dùng tiền mà mua bán, có tiền thì không mắc tội. Vì thế, Chúa Giê-su bảo : “Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình. và ai cưới người đàn bà bị rẫy thì cũng phạm tội ngoại tình” (Lc 16,18).. Chứ không phải có tiền thì không có tội, không có tiền mới có tội.
Ví dụ 2 : người giầu có và anh La-da-rô nghèo.
Ông nhà giầu ăn mặc lụa là gấm vóc, tức là ăn mặc những bộ quần áo sang trọng và đáng giá, đáng giá cả một tháng lương. Ông cũng mỗi ngày ăn tiệc linh đình. Thật là một cuộc đời sung sướng hạnh phúc.
Trái lại cuộc đời của anh La-da-rô rất là bất hạnh : ăn mặc rách rưới, thân xác thì đầy ghẻ chốc, bụng thì đói, thèm được những miếng bánh lau tay trên bàn ăn rớt xuống.
Ngày xưa người Do-thái ăn bằng tay. họ chưa có muỗn dĩa, khăn ăn. Lấy bánh mì mà lau tay, rồi vất xuống đất. Anh La-da-rô thèm được những mẩu bánh lau tay đó. Song chẳng ai thương, cùng lắm có con chó thương anh, đến liếm những mụn nhọt của anh.
Sau cùng cả hai cùng chết : ông nhà giầu xuống hỏa ngục; anh La-da-rô lên thiên đàng.
Ông nhà giầu có tội gì mà xuống hỏa ngục ?
Ông đâu có đuổi anh La-da-rô ra khỏi nhà ?
Ông đâu có cấm anh lượm bánh ?
Ông đâu có chửi mắng, khinh bỉ anh ?
Ông nhà giâu không đối xử tàn tệ anh, nhưng ông đã “không lo làm giầu trước mặt Chúa” (Lc 12,211). Ông không dùng tiền của “mua lấy bạn bè” (Lc 16,9), để bây giờ ông xuống hỏa ngục.
Một nhà Kinh Thánh cho rằng : “Tội ông nhà giầu không phải tội làm những sai trái, mà là không làm gì (William Barley, The Gospel of Luke, 214).
Một trái tim vô cảm
Một cái nhìn vô tâm
Một cử chỉ dửng dưng
Cũng đã là tội rồi. Câu chuyện chưa dừng tại đó. Ông nhà giầu còn có 5 anh em. Ông xin cho La-da-rô hiện về, thì họ sẽ ăn năn sám hối. Nhưng câu chuyện cho chúng ta câu trả lời : “Ông Mô-sê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại cũng chẳng chịu tin” (Lc 16,31).
Ông Mô-sê và các ngôn sứ chỉ về các giới luật của Chúa, 10 giới răn. 10 điều răn tóm về hai điều này mà chớ “trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau là yêu người như mình ta vậy”.
Giới luật Chúa đã dạy rằng : “Nếu trong nhà ngươi có người nghèo túng, ngươi đừng đóng cửa lòng ngươi lại, ngươi đừng rút bàn tay ngươi về. Ta truyền cho ngươi : ngươi phải mở lòng ngươi ra, phải giơ bàn tay ngươi ra” (Đnl 15,7-11).
Đối với một người Do-thái, ba việc đạo đức quan trọng nhất là : cầu nguyện, ăn chay và bố thí.
Ông nhà giầu ngày ngày yến tiệc linh đình, nên ông đâu còn giờ để cầu nguyện, ăn chay, bố thí. Ông dùng tiền bạc mua hạnh phúc bản thân, ông đâu còn biết dùng để mua bạn bè, mua lấy Nước Trời.
Đó là ý nghĩa của hai bản văn Tin Mừng về tiền bạc trong hai Chúa nhật này.
Linh mục Nguyễn Trung Thành