Phúc Âm Hoá Xã Hội Trong Bối Cảnh Việt Nam Hôm Nay Theo Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng


Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu”; đó là lời mở đầu của Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng – Evangelii Gaudium” mà trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày chủ đề về công bố Tin Mừng trong thế giới hiện đại, được rút ra từ, trong số các nguồn khác, sự đóng góp của việc làm của Thượng Hội Đồng Giám Mục được tổ chức tại Vatican từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 10 năm 2012 về chủ đề “Tân Phúc Âm hóa để truyền thụ đức tin”. Đối với Giáo Hội Việt Nam trong năm Tân Phúc Âm Hoá xã hội này thì Tông huấn như là một kim chỉ nam giúp soi chiếu các thực tại đang diễn ra trong xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng. Từ đó giúp mọi thành phần trong Giáo Hội từ Giáo sĩ đến giáo dân có thể dấn thân cách hiệu quả vào công cuộc loan báo Tin Mừng cho xã hội và dân tộc Việt Nam Thân yêu.

I. Giáo Hội Việt Nam Cũng Được Thúc đẩy ra đi bởi Lời Chúa

  1. Lời Chúa là nền tảng của công cuộc Phúc Âm Hoá của Giáo Hội

Sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng hay công bố Lời là sứ mạng chính yếu làm nên bản chất của Giáo Hội hoàn vũ cũng như địa phương. Ngay từ trong bản chất của sứ vụ đòi hỏi người môn đệ Đức Kitô và Giáo Hội của Người phải luôn thấm nhuần và được chính Lời Chúa thúc đẩy. Bên cạnh đó, đối tượng để đón nhận Lời, để Giáo Hội mang Lời tới chính là con người và xã hội mà Giáo Hội đang sống, đang hiện diện, đang liên đới toàn diện trong đó. “Giáo Hội nhận lãnh cùng một sứ vụ mà Đức Kitô lãnh nhận từ Chúa Cha (x. Ga 20, 21) là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Sứ vụ này làm nên chính lý do hiện hữu của Giáo Hội giữa lòng thế giới. Vì vậy, khi đón nhận Tin Mừng, Giáo Hội tại Việt Nam cũng nhận lãnh sứ vụ loan báo Tin Mừng Đức Kitô cho từng người và mọi người, nhờ đó họ khám phá ý nghĩa đời sống và được lớn lên như những con người mới. (Thư Chung HĐGMVN 2011, số 31)

  1. Giáo Hội Việt Nam Được xây dựng và phát triển trên nền tảng Lời Chúa.

Không thể phủ nhận quá trình hình thành và phát triển của Giáo Hội Việt Nam luôn được đặt trên nền tảng Lời Chúa từ sơ khai khi các vị Thừa Sai ngoại quốc đầu tiên gieo hạt giống Tin Mừng, đến giai đoạn chứng nhân và cho tới hôm nay. Dù chưa có bản dịch Kinh Thánh chính thức nhưng với những hình thức hội nhập Văn hoá ngay từ thời các vị thừa sai đã hình thành những lời kinh, bài vè, những hình thức nguyện gẫm, những hình thức đạo đức bình dân như tháo đanh, táng xác v.v … phản ánh bản sắc văn hoá dân tộc và truyền tải nội dung Tin Mừng.

Với bối cảnh xã hội hôm nay Giáo Hội Việt Nam vẫn đang được Lời Chúa soi sáng, thúc đẩy để dấn thân mang Tin Mừng vào những thực tại xã hội như HĐGMVN đã minh định : “thay vì coi truyền giáo chỉ như một trong những hoạt động của Giáo Hội, thì nay cần nhìn sứ mệnh truyền giáo như nắm men thấm nhập, khơi dậy và chi phối mọi khía cạnh đời sống Giáo Hội”. Do đó, cần dành mọi nỗ lực và hoạt động, từ vật chất đến thiêng liêng và mục vụ, cho mục tiêu này… Trong bối cảnh xã hội hiện nay, Giáo Hội tại Việt Nam xác tín rằng Dân Chúa cần tích cực cộng tác với mọi người thiện chí, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Đó là phương thế cụ thể để thi hành sứ vụ duy nhất và toàn diện của Đức Kitô trên đất nước này. Là công dân trong một đất nước, người Công Giáo Việt Nam có bổn phận yêu mến và xây dựng quê hương. Đồng thời, chúng ta thi hành bổn phận này với tinh thần Phúc Âm, khi thể hiện chức năng tiên tri bằng tiếng nói chân thành và có trách nhiệm, “thực thi yêu thương trong chân lý và thực thi chân lý trong yêu thương”. Theo ý nghĩa đó, Đức Bênêđictô XVI nhắn nhủ các tín hữu Việt Nam: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt”. (Thư Chung HĐGMVN 2011, số 31&33)

II. Nhận Định Các Thực Tại Xã Hội Việt Nam Theo Quan Điểm Của Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng

  1. Những Thách Thức của Thế giới hiện đại theo Tông Huấn NVTM : Ở thời đại chúng ta, nhân loại đang trải qua một bước ngoặt trong lịch sử của mình, như chúng ta có thể thấy từ các tiến bộ đang được thực hiện trong rất nhiều lãnh vực. Chúng ta không thể không ca ngợi các bước đi đang được thực hiện để cải thiện phúc lợi của dân chúng trong các lãnh vực như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và truyền thông. Nhưng đồng thời chúng ta phải nhớ rằng đa số dân chúng bây giờ sống ngày nào biết ngày ấy, với những viễn tượng đáng sợ. Một số dịch bệnh đang lan rộng. Tâm hồn nhiều người bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi và thất vọng, ngay cả ở những nước được cho là giàu có. Niềm vui sống thường xuyên phai nhạt, thiếu tôn trọng người khác, và nạn bạo lực ngày càng nhiều, tình trạng bất bình đẳng cũng gia tăng. Người ta đấu tranh để sống, và thường là sống với phẩm giá tối thiểu. Thay đổi của thời đại đã được khởi động bởi những tiến bộ khổng lồ, mau chóng và tích luỹ về phẩm và lượng trong các khoa học và kỹ thuật và được đem áp dụng ngay vào các lãnh vực khác nhau của tự nhiên và đời sống. Chúng ta đang ở một thời đại tri thức và thông tin, dẫn tới các hình thức quyền lực mới và thường là không được gọi tên.

Cũng như giới răn “Chớ giết người” đặt ra một giới hạn rõ ràng để bảo vệ giá trị của sự sống con người, ngày nay chúng ta cũng phải nói “Không” với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Một nền kinh tế như thế cũng giết chết. Sao có thể khi một người vô gia cư chết vì không được che chở thì không được kể là một tin tức, trong khi thị trường chứng khoán mất hai điểm thì lại là tin tức? Đây là một trường hợp loại trừ. Chúng ta có thể điềm nhiên đứng nhìn khi lương thực bị đổ đi trong khi có những người đang đói? Đây là một trường hợp bất bình đẳng. Ngày nay mọi thứ đều theo luật cạnh tranh và luật sinh tồn của kẻ thích hợp nhất, ở đó những kẻ có quyền lực chèn ép những người yếu thế? Hậu quả là vô số người bị loại trừ và bị gạt ra bên lề: không việc làm, không phương tiện, không có bất kỳ lối thoát nào.

Chính con người bị coi là món hàng tiêu thụ sử dụng rồi vứt bỏ. Chúng ta đã tạo ra một văn hoá “dùng một lần” hiện đang lan rộng. Không còn đơn thuần là vấn đề bóc lột và áp bức, mà là một vấn đề mới. Rốt cuộc thái độ loại trừ làm thay đổi ý nghĩa của tư cách là thành phần của xã hội chúng ta đang sống; những người bị loại trừ không còn là phần phụ thuộc hay bên lề hay bị tước quyền trong xã hội—họ thậm chí không còn là thành phần của xã hội nữa! Những người bị loại trừ không phải là những người “bị bóc lột” mà là những người bị gạt ra ngoài, những “đồ thừa”. (NVTM số 52-53)

  1. Một xã hội ảnh hưởng nền kinh tế loại trừ : Từ nhận định của Tông huấn trên đây, người ta dễ dàng nhận thấy những thực tại đau buồn của xã hội Việt Nam hiện nay. Sau gần hai thập niên đạt tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp nhất, nhưng tình trạng mấy năm gần đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang bộc lộ những nguy cơ nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân và tương lai của đất nước. Biểu hiện rõ nhất là quản lý kinh tế yếu kém, các tập đoàn Nhà nước thua lỗ nặng, doanh nghiệp phá sản càng nhiều ngân hàng lãi càng lớn, lạm phát tăng cao, chênh lệch giàu nghèo nới rộng, chất lượng cuộc sống của đại đa số dân chúng giảm sút, nhiều người rơi trở lại tình trạng nghèo trước đây… Phải chăng mô hình kinh tế hiện tại đang làm giàu cho nhóm đặc lợi hơn là cho toàn dân?

Định hướng kinh tế lấy quốc doanh làm chủ đạo đã tạo ra độc quyền và lạm quyền, làm méo mó sự vận hành cần có của nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp nhà nước đóng góp ít vào tăng trưởng kinh tế nhưng lại nhận nhiều đặc quyền đặc lợi, gây bất công và kìm hãm sự phát triển của khối tư nhân. Nợ nước ngoài và thâm thủng mậu dịch đã và đang gia tăng khiến nền kinh tế bị suy yếu và lệ thuộc. Lạm phát gia tăng cũng làm tăng đói nghèo, gây khó khăn hơn cho cuộc sống của người dân và cả các doanh nghiệp. Một số chủ trương không hợp lòng dân mà vẫn được Nhà nước tiến hành như vụ khai thác bô-xit Tây Nguyên, khu công nghiệp Vũng Áng – Hà Tĩnh với thảm hoạ môi trường nặng nề do nhà máy luyện thép Formosa gây ra  đang là nỗi đau nhức nhối.

  1. Một xã hội tạo ra người nghèo và bất công : với tình trạng kinh tế, chính trị và xã hội như hiện nay thì hệ quả tất yếu của nó là người nghèo gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao cùng với bất công diễn ra trong nhiều lãnh vực từ môi trường lao động kinh tế, đến văn hoá xã hội và đến ngay cả môi trường pháp lý : hiện trạng công nhân bị bóc lột sức lao động, người nông dân bị ép giá nông sản, người dân chịu nhiều án oan bất công, cưỡng chế đất đai cho những dự án mang danh là phát triển cộng đồng, nhưng thực chất là những dự án nhằm mưu cầu ích lợi cho nhóm lợi ích cấu kết với chính quyền. Chỉ vì đói đi ăn cắp mấy ổ bánh mì trị giá 45 ngàn đồng Việt nam mà phải chịu án tù, trong khi đó những cán bộ làm thất thoát, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng thì được xử án treo. Hay như công ty Formosa ở Vũng Áng gây ra thảm hoạ môi trường gây thiệt hại nặng nề cho môi trường tự nhiên và cuộc sống con người mà có lẽ hàng mấy chục năm trời chưa chắc đã khắc phục được. Thế mà, chỉ cần bồi thường một số tiền không đáng là bao so với mức độ thiệt hại thì lại được chính quyền kêu gọi người dân tha thứ vì họ biết nhận lỗi và bồi thường.

Bên cạnh những tệ nạn đang tác hại xã hội Việt Nam hôm nay, nhiều người âu lo vì khuynh hướng sống hưởng thụ, chụp giựt, coi trọng đồng tiền, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại… Hiện tượng này chứng tỏ tình trạng thiếu vắng các giá trị đạo đức nền tảng làm chuẩn mực cho đời sống xã hội, vì vậy một số người đã cảnh báo về một xã hội lệch chuẩn hay phi chuẩn.

Tham nhũng đã được coi là đại họa của quốc gia, ngày càng tinh vi và nghiêm trọng hơn, nhưng cho đến nay chưa một vụ án nào xứng tầm được đưa ra xét xử để răn đe, làm giảm sút niềm tin của người dân nơi công quyền. Các vụ khiếu kiện, chủ yếu liên quan đến đất đai, trong đó có đất tôn giáo, vẫn tiếp diễn phức tạp và ngày càng trầm trọng, gây bất an và căng thẳng xã hội.

III. Hướng Đi Cho Công Cuộc Phúc Âm Hoá Xã Hội Tại Việt Nam Theo Tông Huấn NVTM

Đứng trước thực tại con người và xã hội Việt Nam như thế, dù xem ra có vẻ bi quan nhưng với ánh sáng Lời Chúa, cụ thể qua hướng dẫn của Mẹ Giáo Hội, Giáo Hội Việt Nam sẽ luôn sống và củng cố niềm hy vọng cho mọi người bằng nỗ lực của mình trong công cuộc Phúc Âm Hoá xã hội. Điều đó có thể được thực hiện cách tốt đẹp với các hướng đi :

  1. Giáo Hội cần ‘ra đi’ đến vùng ngoại biên của kiếp nhân sinh :  Trong Tông sắc MISERICORDIAE VULTUS, công bố khai mở Năm Thánh ngoại thường Về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi : “Trong Năm Thánh này, chúng ta có thể trải nghiệm việc mở lòng tiếp nhận những người đang sống tại những vùng ven xa xôi nhất của kiếp nhân sinh, thường được tạo nên trong cảnh khốn cùng do chính thế giới ngày nay. Hiện có biết bao tình cảnh đói nghèo và khổ đau trong thế giới ngày nay. Có biết bao vết thương trầm trọng nơi thân xác những người không còn tiếng nói, vì tiếng kêu than của họ bị lấn át và dìm tắt bởi thái độ thờ ơ, hờ hững của những dân tộc giàu có. Trong Năm Thánh này, Giáo Hội được mời gọi nhiều hơn để chữa trị và xoa dịu các thương tích bằng dầu an ủi, dùng lòng thương xót để băng bó, dùng tình liên đới và thái độ ân cần quan tâm để chữa lành những vết thương ấy. Chúng ta đừng để mình ngập ngừng trong thái độ dửng dưng đáng xấu hổ, trong những thói quen thường ru ngủ tinh thần và cản trở chúng ta khám phá những điều mới mẻ, hay trong hành vi nhẫn tâm đang gây nhiều chia rẽ. Hãy mở to mắt để nhận ra tình trạng khốn khổ của thế giới, để thấy những vết thương của anh chị em chúng ta đang bị tước mất nhân phẩm, và ý thức rằng chính chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng họ kêu gào xin được cứu giúp. Ước gì bàn tay chúng ta nắm lấy đôi tay họ và kéo họ đến với chúng ta, Ước chi tiếng nói của họ trở thành tiếng nói của chúng ta, và ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm, vẫn thường được dùng để che giấu thói giả hình và tính ích kỷ. ( MV số 15)

Như vậy điều mà Đức Giáo Hoàng muốn chính là Giáo Hội phải đến với những nghèo vùng ven của kiếp nhân sinh. Họ là những người không phải chỉ ở vùng sâu, vùng xa về mặt không gian, địa lý mà còn là những người ở xa cõi lòng con người, là những người đang ở tận đáy của xã hội, đang chịu nhiều vùi dập, khốn khổ, bất công bởi xã hội, bởi chính đồng bào, đồng loại, thận chí đồng đạo gây nên. Chính nơi những con người khốn khổ ấy, người ta sẽ khám phá dung mạo của Lòng Thương Xót là chính Đức Kitô đang chịu đóng đinh. Đến với người nghèo đó là mệnh lệnh của chính Thiên Chúa.

  1. Ưu tiên chọn lựa người nghèo với tất cả thực tại đang diễn ra ở Việt Nam :

Sứ vụ loan báo Tin Mừng mời gọi các tín hữu quảng đại phục vụ con người, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Chính Chúa Giêsu dành tình ưu ái đặc biệt cho những kẻ bé mọn. Việc đối thoại với người nghèo giúp cho Giáo Hội học được cách nhìn của Đức Kitô, khám phá nơi con người nhu cầu cần được yêu thương và tôn trọng chứ không chỉ là được ban phát của cải vật chất. Đồng thời, Giáo Hội cũng nhận ra được những hình thức mới của sự nghèo khổ, bén nhạy trước những đổi thay của xã hội để kịp thời đáp ứng dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Theo gương Chúa Giêsu, Giáo Hội tại Việt Nam cần quan tâm đặc biệt đến những dân tộc ít người là những anh chị em còn phải chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế, xã hội cũng như văn hóa. Các bệnh nhân, những người tàn tật, già yếu, neo đơn, mồ côi, những thiếu nữ lầm lỡ, các tù nhân… cũng là những thành phần cần được chăm sóc nhiều hơn trong các hoạt động mục vụ. Các cộng đoàn Kitô hữu cần tìm cách thể hiện tình yêu thương phục vụ họ cách cụ thể, đồng hành với họ trong những khó khăn của đời sống, giúp họ nhận ra được niềm vui của đức tin khi được nên giống Đấng chịu đóng đinh và hoàn tất những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Người vì Hội Thánh (x. Cl 1, 24). (Thư Chung HĐGMVN 2011 số 41)

Đúng như Thư chung của HĐGMVN đã nhận định trên đây, trong Tông Huấn NVTM, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã cho thấy vấn đề người nghèo là một trong hai vấn đề thiết yếu ở thời điểm lịch sử này cùng với vấn đề hòa bình và đối thoại xã hội, chúng quyết định tương lai của nhân loại. Hội Thánh đã nhận ra rằng chính nhu cầu lắng nghe tiếng kêu cứu này phát sinh từ hành động giải thoát của ân sủng trong mỗi người chúng ta, và vì thế đây không phải là sứ mạng chỉ dành riêng cho một số ít người: “Được hướng dẫn bởi Tin Mừng của lòng thương xót và tình yêu thương đối với loài người, Hội Thánh nghe thấy tiếng kêu đòi công lý và muốn đáp lại tiếng kêu này bằng tất cả sức lực của mình”. Trong bối cảnh này chúng ta có thể hiểu lệnh truyền của Đức Giêsu cho các môn đệ: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6:37): có nghĩa là làm việc để loại trừ các cơ cấu gây nên đói nghèo, đồng thời cổ vũ sự phát triển toàn diện của người nghèo, cũng như có những hành vi nho nhỏ hằng ngày để đáp ứng các nhu cầu thực sự mà chúng ta gặp.

Tiếp nối sứ vụ và sự ưu tiên chọn lựa người nghèo của Đức Kitô, Giáo Hội cũng không ngừng vang lên sứ điệp khó nghèo và đứng về phía người nghèo trong hành trình sứ vụ của mình. Sau  Công Đồng Vaticanô II, quan điểm “ Ưu tiên chọn lựa người nghèo”đã dần thấm nhuần vào trong đời sống của Giáo Hội đặc biệt tại các Giáo hội Châu Mỹ Latinh, Á, Phi. Giáo Hội ngày nay phải là một Giáo Hội Nghèo và vì người nghèo. “Ưu tiên chọn lựa người nghèo” là một nguyện tắc phải được đẩy mạnh trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội mọi lúc, mọi nơi. Đối với Hội Thánh, việc chọn thương yêu người nghèo chủ yếu là một loại chọn lựa thần học hơn là loại chọn lựa văn hóa, xã hội học, chính trị hay triết học.

Trong Sứ điệp Mùa Chay 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày cụ thể, xúc tích nguyên tắc chọn lựa này. Ngài cho thấy Đức Kitô đã trở nên nghèo khó để làm cho con người nên giàu có, thì Giáo Hội cũng phải nên nghèo khó để thế giới đạt được ơn cứu độ. “Hẳn chúng ta nghĩ rằng “con đường” nghèo ấy là con đường của Chúa Giêsu, còn chúng ta là những người đến sau Người, chúng ta có thể cứu vớt thế giới bằng những phương thế thích hợp hơn của con người. Không phải thế. Thời nào và nơi nào Thiên Chúa cũng cứu rỗi con người và thế giới nhờ cái nghèo của Chúa Kitô, Đấng trở nên nghèo trong các Bí tích, trong Lời Người và trong Giáo hội của Người, là một dân gồm những người nghèo. Sự giàu sang của Thiên Chúa đến với chúng ta không phải qua sự giàu sang của chúng ta, nhưng luôn luôn và chỉ qua cái nghèo của bản thân và cộng đoàn chúng ta, được Thánh Thần của Chúa Kitô làm cho sống động. Noi gương Thầy Chí Thánh, các Kitô hữu chúng ta được mời gọi nhìn đến tình cảnh khốn khổ của anh chị em chúng ta, chạm đến, gánh lấy và làm những gì cụ thể để xoa dịu nỗi khốn khổ ấy.”( ĐGH Phanxicô Sứ điệp Mùa Chay 2014, Số 2)

  1. Giáo Hội không thể và không được phép đứng bên ngoài cuộc đấu tranh cho công lý :Qua thực tiễn xã hội Việt Nam, ai cũng thấy rõ vấn đề nghèo đói có nguyên nhân chính từ những bất công xã hội, từ sự thiếu vắng công lý trong các mối tương quan xã hội. Dù xã hội ngày càng trở nên năng động, sáng tạo và nhìn chung có vẻ giàu có hơn. Nhưng tình hình gần đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang mất định hướng, thiếu tính bền vững và nhân bản, vì đổi mới kinh tế không song hành đổi mới chính trị, cũng như tăng trưởng kinh tế không nối kết với phát triển xã hội và phát triển con người toàn diện. Như thế, một khi ưu tiên chọn lựa người nghèo thì Giáo Hội Việt Nam không thể không can đảm đụng chạm đến nguyên nhân của tình trạng nghèo khổ. Dù trật tự công bình của xã hội, của quốc gia là một trách nhiệm tất yếu của chính trị, Giáo Hội không thể và không được phép đứng bên ngoài cuộc đấu tranh cho công lý. Mọi Kitô hữu, bao gồm cả các mục tử, được kêu gọi bày tỏ quan tâm đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là điều cơ bản, vì tư tưởng xã hội của Hội Thánh chủ yếu là tích cực: Hội Thánh cống hiến các đề nghị, Giáo Hội hoạt động cho sự thay đổi và theo nghĩa này Giáo Hội vạch ra niềm hi vọng phát sinh từ trái tim yêu thương của Đức Giêsu Kitô. (NVTM số 183)
  2. Đôi Chút Thao Thức Mục Vụ Thay Cho Kết Luận

Áp dụng các Nguyên tắc để suy tư và hướng dẫn sứ vụ Loan báo Tin Mừng cho Giáo hội việt nam

  1. Luôn sống trong niềm lạc quan hy vọng ( Nguyên tắc thời gian lớn hơn không gian) : Một trong các khuyết điểm chúng ta thường gặp trong hoạt động chính trị-xã hội là người ta thích không gian và quyền lực hơn thời gian và các qui trình.(NVTM Số 223) Trước hiện trạng suy đồi về mọi mặt trong xã hội hôm nay, gây nhiều bức xúc trong dân chúng, dễ có hành động bộc phát phản kháng theo khuynh hướng bạo động hoặc cực đoan chính trị. Điều này đòi mọi thành phần trong Giáo Hội cần phải có sự tỉnh táo, cần thời gian để suy tư, nhận định rõ ràng dưới ánh sáng Tin Mừng và Giáo huấn xã hội của Giáo Hội để có những bước đi hiệu quả trong việc Tân Phúc Âm Hoá Xã Hội. Trong bức xúc không bi quan, dục tốc bất đạt, mọi sự tín thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
  2. Cần một tiếng nói chung, hành động chung của cả Giáo hội ( Nguyên tắc Hiệp Nhất thắng xung đột) : Một trong những nguy cơ khiến cho việc Phúc âm hoá xã hội bị giản lược vào hoạt động từ thiện hoặc không mang lại kết quả gì là sự xung đột chia rẽ. Giáo hội không ngừng bị tấn công, chia cắt bởi biết bao mưu mô xảo quyệt của ma quỉ. Nguy cơ xảy ra xung đột trong xã hội ngày nay tiền tàng mạnh mẽ và dễ dàng xảy ra từ tầm vóc toàn cầu, đến khu vực, đến từng quốc gia và ngay cả trong Giáo Hội. Đặc biệt khi Giáo Hội dấn thân cho công lý và hoà bình, bênh vực cho người nghèo, lên án bất công thì dễ bị hiểu lầm là lực lượng đối kháng, chống phá chính quyền nên luôn phải đối diện với nguy cơ chịu sự tấn công, chống đối. Do đó, tự thân mọi thành phần trong Giáo Hội luôn phải hiệp nhất, chung sức chung lòng. cần một tiếng nói chung, một hành động chung. Hơn thế nữa, Giáo Hội có một sứ mạng làm trung gian hoà giải vì thế, càng phải luôn giữ vị thế rung lập của mình, cần phải phát huy sự hiệp nhất của mình để làm chứng nhân giữa một thế giới chia rẽ, hận thù. Đây là nguyên tắc được rút ra từ Tin Mừng, nó nhắc nhớ chúng ta rằng Đức Kitô đã qui tụ mọi sự nơi bản thân Ngài: trời và đất, Thiên Chúa và con người, thời gian và vĩnh cửu, thể xác và tinh thần, con người và xã hội. Dấu hiệu của sự hiệp nhất và hoà giải muôn loài này trong Ngài chính là hoà bình. (NVTM Số 229) Chỉ trong sự hiệp nhất, nhờ sự hoán cải của các tâm hồn và sự hoà giải, chúng ta có thể giúp đất nước mình phát triển trên mọi bình diện. (NVTM Số 230)
  3. Cần có việc làm, hành động cụ thể ( Nguyên tắc thực tiễn lớn hơn ý tưởng) : Cũng có một sự căng thẳng thường xuyên giữa các ý tưởng và các thực tại. Các thực tại thì hiện hữu, còn các ý tưởng thì được làm ra. Phải có sự đối thoại liên tục giữa thực tại và ý tưởng, nếu không các ý tưởng sẽ trở thành xa rời thực tại. Thật nguy hiểm khi chỉ dừng lại ở những lời nói suông, những hình ảnh và những bài diễn văn hay. Vì vậy chúng ta có một nguyên tắc thứ ba: các thực tại lớn hơn các ý tưởng. Nguyên tắc này đòi chúng ta phải bác bỏ các phương tiện khác nhau nhằm che giấu thực tại: các dạng tinh tuyền siêu phàm, sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối, những lời nói sáo rỗng, những mục tiêu lý tưởng nhưng không thực tế, những nhãn hiệu của chủ nghĩa cực đoan phi lịch sử, những hệ thống đạo đức không có tình thương, những nghị luận trí thức không có minh triết.(NVTM Số 231). Phúc Âm mà Giáo Hội loan báo phải trở thành hành động, trở thành sự dấn thân không mệt mỏi của mọi thành phần trong Giáo Hội. Nguyên tắc này thúc đẩy chúng ta đưa lời ra thực hành, thể hiện những công cuộc bác ái và công bằng để làm cho lời ấy sinh hoa kết quả. Không đưa lời vào thực hành, không biến lời thành thực tại, tức là xây trên cát, dừng lại ở trạng thái thuần ý tưởng và dẫn đến tình trạng bất động và vô hiệu quả của chủ nghĩa vị kỷ và ngộ đạo.
  4. Cần một tầm nhìn tổng thể ( Nguyên tắc Tổng thể lớn hơn từng phần) : Đối với người Kitô hữu, nguyên tắc này cũng khơi dậy tính toàn thể hạy toàn vẹn của Tin Mừng mà Hội Thánh truyền lại cho chúng ta và sai chúng ta đi rao truyền. Sự sung mãn và phong phú của Tin Mừng đón nhận các nhà nghiên cứu cũng như người lao động, các doanh nhân cũng như các nghệ sĩ, tóm lại, mọi người. Tài năng thiên bẩm của mỗi dân tộc, theo cách riêng của mình, đón nhận trọn vẹn Tin Mừng và hội nhập Tin Mừng trong các cách biểu hiện của mình về cầu nguyện, tình bằng hữu, công lý, sự đấu tranh và việc cử hành. Tin mừng là niềm vui của Cha, Đấng muốn rằng không một người bé mọn nào của Người bị hư mất, niềm vui của Chúa Chiên Lành khi tìm thấy con chiên lạc và đưa nó trở về dàn. Tin Mừng là men làm dậy bột và là thành phố trên đồi dọi ánh sáng soi cho mọi dân tộc. Tự trong Tin Mừng có một nguyên tắc toàn thể: nó sẽ luôn luôn là tin mừng bao lâu nó còn được công bố cho mọi dân tộc, bao lâu nó còn chữa lành và kiện cường mọi khía cạnh của nhân loại, bao lâu nó còn đưa mọi người nam cũng như nữ vào đoàn tụ tại bàn tiệc của Nước Thiên Chúa. (NVTM Số 237) Toàn thể lớn hơn thành phần đòi Giáo Hội luôn luôn qui hướng mọi sự vào sứ vụ Loan Báo tin Mừng, vào công cuộc Phúc Âm Hoá. Nguyên tắc này cũng đòi Giáo Hội phải có một tầm nhìn xa, trông rộng khi hoạch định hay quyết định những bước đi tới trên đường sứ vụ. Ngay cả trong từng lãnh vực muc vụ cụ thể, mọi hoạt động cũng phải thực hiện trong bối cảnh rộng lớn chịu tác động của xã hội. Không thể tách biệt từng lãnh vực mục vụ ( Di dân, Gia đình, Giới trẻ … ) ra khỏi bối cảnh xã hội Việt Nam.

Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội chính là sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng cho lòng thương xót ngay trong đời sống xã hội. Trước những dấu hiệu đáng ngại trong xã hội ngày nay: gian dối, vô cảm, bất công, ma tuý, bạo lực, phá thai, tự tử…, mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống (x. Dung Mạo Lòng Thương Xót , số 10).(HĐGMVN Thư Mục Vụ 2015)./.

Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng

Thư Ký Uỷ Ban CLHB

(Nguồn: website Ủy ban công lý và hòa bình)