Lễ Mẹ Mân Côi
Đức Mẹ Mân Côi
(Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38)
2-10-2016
Hôm nay lễ Mẹ Mân Côi. Ở Fa-ti-ma, ngày 13-10-1917, Đức Mẹ đã xưng mình là Mẹ Mân Côi. Và một trong những mệnh lệnh của Mẹ Fa-ti-ma là “Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi“.
Đối với người Công giáo Việt Nam, chuỗi Mân Côi chẳng những là bó “Hoa Hồng” sớm nở chiều tàn, mà còn là “Chuỗi Ngọc”, “Chuỗi Ngà”. Theo tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, NXB Khoa Học Xã Hội năm 2000, ‘Mân” là “một thứ ngọc”; “Côi” là “một thứ ngọc-quí lạ”. Người Công giáo Việt Nam rất quí trọng và “siêng năng lần chuỗi”.
Bị vu cáo là “một thứ đạo ngoại lai man rợ, xóa nhòa trong tâm can của dân chúng lòng hiếu nghĩa biết ơn đối với ông bà cha mẹ” (NH,I,80), nhất là “không thấy tầu buôn người Bồ cập bến mang hàng hóa vào cho chúa như mọi năm, chúa Sãi liền nghiêng về phía thù địch Công giáo, họ luôn tìm dịp để vu cáo bôi nhọ và làm mất tín nhiệm nơi chúa” (Sđd,80). Năm 1625 chúa Sãi ra chỉ dụ cấm đạo. Trước hết tập trung các cha về Hội An lấy lẽ “ở đó, đời sống các cha được bảo đảm hơn và được tự do truyền đạo hơn” (Sđd,80). Thứ đến là “bắt người Công giáo phải bỏ ảnh tượng, tràng hạt không được đeo trước ngực” (NH,I,80).
Cha Đắc Lộ kể :
“Những người Công giáo thời kỳ đầu là những người rất sùng đạo và hiên ngang với đạo của mình. Với long mến ảnh tượng, giáo dân thường đeo ảnh tượng, tràng hạt ra ngoài, trước ngực. Một số quan ghét đạo đã yêu cầu chúa Sãi ra sắc chỉ cấm. Nhờ quan trấn cho biết trước và trì hoãn ngày công bố, các cha có đủ thời giờ loan báo cho giáo dân, bảo họ đeo ảnh tượng, tràng hạt vào bên trong” (NH,sđd,81)
Cha Đắc Lộ kể tiếp :
“Họ lấy làm hổ thẹn, vì phải bỏ lỡ dịp may mắn để minh chứng đức tin, lòng trung thành của họ. Họ cho là một cử chỉ hèn nhát không xứng danh là người Công giáo, đem cất giấu những huy hiệu biểu dương lòng sùng kính của mình và làm rạng danh Chúa Giê-su Ki-tô. Nhưng khi chúng tôi cắt nghĩa cho họ hiểu rằng đạo Công giao không cấm chúng ta là những anh hùng can đảm xưng đạo, nhưng chỉ cấm chúng ta không được liều lĩnh, họ liền nghe chúng tôi” (NH,sđd,81).
Chẳng những đeo chuỗi, còn siêng năng lần chuỗi. Quan Trịnh Quang Khanh, tổng đốc Nam định, ngày 30-5-1840 đem 1000 binh lính đến vây giáo xứ Kẻ Báng, bắt ba cha Nghi, Ngân, Thịnh và hai giáo dân Thọ, Cỏn.
Con cái vào nhà tù thăm, ông Thọ dặn dò : “Các con thân yêu, cha không còn làm gì giúp chúng con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa muốn cha xa lìa chúng con mãi mãi, nhưng các con có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy thương giúp mẹ. Các con nhỏ phải kính trọng và vâng lời anh chị. Các con hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá, hãy bằng lòng theo chân Chúa và vững tâm giữ đạo” (BĐS,II,207).
Thậm chí bị điệu ra pháp trường Chà Và chịu chết, Cha Phêrô Đoàn Công Quí và ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng, vừa đi vừa lần chuỗi (BĐS,II,351).
“Mân Côi” là tước hiệu Mẹ Maria tuyên nhận lần hiện ra cuối cùng ở Fa-ti-ma nước Bồ Đào Nha 13-10-1917. Chính chị Lu-xi-a làm tờ trình cho Đức cha giáo phận như sau :
“Hôm đó con ra khỏi nhà khá sớm, vì sợ lỡ có gì trục trặc xảy ra dọc đường chăng. Dân chúng kéo đi từng đoàn lũ, đông như kiến. Còn trời thì mưa tầm tã. Mẹ con đi kèm bên con, băn khoăn sợ hãi, vì bà cứ nghĩ đây có thể là ngày cuối cùng của đời con, và những gì bất ngờ đang chờ đợi phía trước, càng làm bà khổ tâm. Trên đường đi, các cảnh tượng tháng trước lại tái diễn, nhưng còn nhiều và cảm động hơn nữa. Dù cho đường đi bùn đất lầy lội bẩn thỉu cũng không ngăn cản được đám đông khiêm tốn quì gối xuống đất cầu nguyện. Khi chúng con đã tới được bên cây sồi, bỗng con nẩy ra ý nghĩ trong lòng là xin đám đông cuộn dù che mưa lại để bắt đầu lần hạt. Liền sau đó một lát thì chúng con nhìn thấy trước hết là một tia sáng lóe lên và tiếp đến là Đức Mẹ đứng trên cây sồi.
– Bà muốn con làm gì ?
– Bà muốn nói cho con biết là Bà ước ao người ta xây ở nơi đây một nhà nguyện để tôn kính Bà. Chính Bà là Đức Bà Rất Thánh Mân Côi. Người ta cần phải tiếp tục lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt và chẳng bao lâu nữa các quân nhân lính tráng sẽ được trở về với gia đình họ…
Tiếp đến , với giọng đầy buồn bã, Đức Mẹ nói :
– Nhân loại đừng phạm đến Thiên Chúa nữa. Người đã bị xúc phạm quá nhiều rồi”
(Lm Nguyễn Hữu Thi, Sứ Điệp Fatima, trang 77-78).
Đối với người Công giáo Việt Nam, Đức Mẹ rất thương. Năm 1789 trong thời Tây Sơn bị bắt đạo, Đức Mẹ đã hiện ra ở La Vang, Huế an ủi che chở con cái Mẹ đang lần chuỗi kêu van ở dưới gốc cây đa. Năm 1885 trong thời Văn Thân tàn phá, Đức Mẹ đã hiện ra che chở bao bọc, khi con cái quì gối bên Mẹ lần chuỗi kêu cầu. Năm 1950, chiến tranh Việt Pháp, Đức Mẹ hiện ra ở La Mã, Bến Tre che chở…
——————————————-
Đức Mẹ Mân Côi
3-10-2010
Thứ sáu vừa qua, ngày 1-10, lễ mừng thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Lễ mừng thánh nữ vào đầu tháng Mân Côi. Thật là diễm phúc ! Đức Mẹ thưởng cho thánh nữ, vì thánh nữ rất yêu mến Đức Mẹ.
Những ngày quan trọng cuộc đời của thánh nữ cũng là những ngày kính Đức Mẹ.
Năm lên 10, thánh nữ bị bệnh nặng. Gia đình làm tuần 9 ngày van xin Đức Mẹ. Đúng ngày của Đức Mẹ, ngày 13-5-1883 Đức Mẹ hiện ra chữa cho thánh nữ. Thánh nữ kể : “Không còn trông cậy thế gian cứu giúp mình được nữa, bé Têrêsa đáng thương cũng quay về Đức Mẹ, hết lòng xin Người thương xót mình… Bỗng nhiên con thấy tượng Đức Mẹ đẹp quá, đẹp chưa từng thấy, dung nhan Người từ ái và hiền dịu khôn tả, nhưng điều làm con sung sướng, cảm động hơn hết là : Đức Mẹ đã nở một nụ cười khả ái. Bấy giờ bao nhiêu đau đớn đều tiêu tan, hai giọt nước mắt con ứa tràn mi, từ từ lăn trên má, nhưng là những giọt nước mắt vui mừng… Đức Mẹ đã mỉm cười với con ! Ôi hạnh phúc dường nào ! (Hương Việt, Thủ Bản Tự Thuật, 1967, tr 69).
Tháng 5, tháng Đức Mẹ, ngày 8-5-1884, 11 tuổi, thánh nữ được rước lễ lần đầu. Buổi chiều thánh nữ dâng mình cho Đức Mẹ. Thánh nữ kể : “Chiều hôm ấy chính con được đọc kinh dâng mình cho Đức Mẹ; vì con là đứa con mồ côi mẹ từ thuở măng sữa (lúc 4 tuổi), bây giờ được đại diện chị em để nói với ‘Mẹ phần hồn’ thì thật là chí lý… Con lấy hết lòng sốt sắng để nói với Đức Mẹ, dâng mình cho Đức Mẹ, như một đứa trẻ gieo mình trên cánh tay mẹ, và xin Đức Mẹ che chở. Con tưởng rằng Đức Mẹ phải nhìn xem bông hoa nhỏ của Người và mỉm cười với nó, vì chẳng phải chính Người đã hiện ra và mỉm cười với nó, để chữa nó khỏi bệnh đấy ư ? (Sđd, tr 80)
Cuối tháng Mân Côi, ngày 31-5-1886, 13 tuổi, thánh nữ được vào “Hội Con Đức Mẹ”. Thánh nữ kể : “…Các chị con đều là ‘Con Đức Mẹ’, con sợ mình thua kém các chị trong việc làm con Đức Mẹ, nên con xin được nhập hội Con Đức Mẹ” (Sđd, tr 90).
Ngày 8-9-1890, lại là ngày Đức Mẹ, ngày sinh nhật Đức Mẹ, thánh nữ Têrêsa 17t khấn dòng. Giống như đôi tân hôn ngoài đời, thánh nữ làm một cái thiệp mời. Nội dung thiệp như sau : “Thiên Chúa toàn năng, Đấng Tạo Hoá trời đất, thống trị thế giới, và Trinh Nữ hiển vinh Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, hân hoan báo tin : hôn lễ của Quí Tử Giêsu, Vua các vua, Chúa các chúa, kết hôn với cô Têrêsa Martin hiện là công nương của các vương quốc đã được chính Phu Quân trao tặng làm của hồi môn, tức là : tâm hồn thơ ấu của Giêsu và cuộc tử nạn của Người. Danh hiệu quí giá của nàng là Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh” (Sđd, tr 174).
Thời thánh nữ Têrêsa, hình ảnh thánh Théo Venard, tên Việt là Ven, tử đạo tại Hà Nội in sâu trong trái tim Giáo Hội Pháp và trong mỗi người Công giáo Pháp. Lá thư thánh Ven viết gửi cho ba má, thánh nữ Têrêsa đã chép lại cho riêng mình đọc. Thánh nữ còn ghi lại cảm nghĩ : “Tư tưởng và tâm hồn của tôi cũng giống như tư tưởng và tâm hồn của cha Ven”.
Nghe tin các vị thừa sai đổ máu gieo vãi Tin Mừng cho đất Việt. Cha Ven muốn nối gót các ngài. Cha đặt chân lên bến Cửa Cấm, Hải Phòng ngày 13-7-1854. Cha vừa dạy trong chủng viện Hà Nội, vừa giúp các xứ đạo chung quanh. Được 6 năm, cha bị bắt ở Kẻ Bèo và bị nhốt trong cũi khiêng về Hà Nội.
Trước toà án, quan hỏi cha : “Ông đến Việt Nam để làm gì ?”
Cha đáp : “Tôi đến đây để giảng đạo thật”.
Quan hỏi : “Ông bao nhiêu tuổi ?”
Cha đáp : “Thưa 31 tuổi”.
Quan hỏi : “Ai sai ông đến đây ?”
Cha đáp : “Tôi muốn đi rao giảng đạo lành, các bề trên trong đạo đã gửi tôi sang Việt Nam, chứ không phải do chính phủ Pháp”.
Quan bảo : “Hãy đạp lên thập giá, ông sẽ không phải chết”.
Cha trả lời : “Suốt đời truyền giảng về Thánh Giá, sao tôi lại đạp Thánh Giá”.
Ngày 2-2-1861, cha bị nhốt trong cũi, và bị khiêng ra pháp trường Cầu Giấy, Hà Nội.
Một vị quan xin cha: “Xin ông đừng về báo oán chúng tôi nhé”.
Cha trấn an : “Tôi không báo oán đâu. Tôi sẽ cầu nguyện cho các ông”.
Cha quì xuống chiếu. Cha sốt sắng cầu nguyện. Mọi người đều nghe rõ :
– Lạy Mẹ dấu yêu, xin thương đặt con trong quê đời đời, bên Thánh Nhan Người. Lạy Mẹ Vô Nhiễm, khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé, như trái nho chín được hái, như bông hồng nở tươi được ngắt đem về dâng Mẹ. Ave Maria. Kính Mừng Maria.
Nhát gươm thứ nhất chém trượt vào má cha. Nhát gươm thứ hai vào đầu cha. Đầu bể làm hai. Đầu cha bị bêu trên ngọn tre ba ngày ba đêm, rồi bị vất xuống sông, giáo dân chèo thuyền đã tìm thấy. Còn thi thể của cha được giáo dân đút lót cho quan, đem về an táng.
Tháng 11-1896, trước một năm qua đời, thánh nữ Têrêsa được bề trên cho phép sang dòng Kín Hà Nội để cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam. Thánh nữ làm tuần 9 ngày cầu nguyện với thánh Thêô Ven. Chưa hết tuần, thánh nữ bị bệnh nặng, dấu hiệu cho biết thánh nữ không thể sang VN.
7g20 chiều ngày 30-9-1897, thánh nữ tắt thở trong vòng tay Đức Mẹ. Trên trời, chắc chắn thánh nữ không quên xin Đức Mẹ Mân Côi thương Gíao Hội Việt Nam.
—————————————–
ĐỨC MẸ MÂN CÔI
5-10-2007
Lễ Mẹ Mân Côi hôm nay bắt nguồn từ biến cố vịnh Lêpantô tức là vịnh Côrintô của Hy Lạp. Ngày 29-5-1453, quân đội Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thành Constantinople ở Hy Lạp. Từ đó Hồi giáo bành trướng sang Âu châu và Phi châu, chờ ngày đặt chân lên nước Ý, chiếm kinh thành Rôma muôn thuở.
Trước sự đe doạ của Hồi giáo, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi vua chúa các nước đem quân cứu giúp. Chỉ có vua Tây Ban Nha và Ý đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng.
Tướng Don Juan, em vua Tây Ban Nha, được cử làm tổng chỉ huy đoàn quân Thánh Giá, để chống lại quân Hồi. Ngày 8-9-1571 đoàn quân ra trận. Trước khi lên đường, mọi binh lính đều xưng tội. Đoàn quân kéo thẳng tới vịnh Lêpantô, nơi các chiến thuyền Hồi giáo đậu neo. 1g30 trưa ngày 7-10-1571 hai bên đụng độ nhau. Trên một chiếc thuyền nhỏ, tướng Don Juan chạy suốt mặt trận, tay cầm Thánh Giá chỉ huy. Khi tiếng kèn đồng vang lên, mọi quân binh Công giáo kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi và đọc kinh Kính Mừng. Tiếng súng đại bác của quân Hồi nổ vang cả vùng vịnh. Cuộc chiến bắt đầu. Lưc lượng quân Thánh giá đã ít, lại chỉ có 209 chiến thuyền, thêm vào đó gió thổi ngược chiều. Còn quân Hồi vừa đông người, chiến thuyền vừa nhiều, 300 chiếc. Hai bên giáp chiến, đánh xáp lá cà, vật lộn, đâm chém suốt cả tiếng đồng hồ. Tướng Hồi giáo bị thương. Một binh sĩ Thánh giá nhanh chân nhảy sang thuyền của tướng địch, chém đầu. Như rắn mất đầu, quân Hồi giáo phải bỏ chạy để lại 284 chiến thuyền bị đắm, 30.000 quân bị giết, 3500 quân bị bắt làm tù binh.
Ở Vaticanô, Đức Giáo hoàng cùng với mọi người lần chuỗi Mân Côi. Bỗng ngài nhìn qua cửa sổ thấy đám mây trắng báo hiệu chiến thắng. Ngài đã cùng mọi người quì gối tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Để ghi nhớ ơn Mẹ, Đức Giáo hoàng Piô V đã lập một lễ kính Đức Mẹ vào chính ngày chiến thắng 7-10. Ngài gọi lễ này là lễ Mẹ Chiến Thắng. Đức Giáo hoàng Innôxentê XI đổi là lễ Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Sau hết, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIII đổi là lễ Mẹ Mân Côi.
Chính Đức Mẹ cũng tuyên bố vào ngày 13-10-1917 tại Fatima : “Mẹ là mẹ Mân Côi”. Từ tảng sáng ngày 13-10 người ta đã tuốn về tụ tập tại đồi Cova da Iria. Trời mưa như trút nước. Lầy lội bùn. Dù trú trong dù, người họ cũng ướt đẫm. Tuy rét mướt, họ vẫn cầu nguyện và ca hát. Trong khi đó người ta đem ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta tới. Ba em cũng ướt. Dân chúng chen nhau để được chạm vào ba em, khiến em Giaxinta khóc. Khi thấy ông Ti Marto chen lấn phía sau, em Giaxinta kêu lên : “Hãy để ý đến bố em với”. Khi gần tới cây sồi, mưa càng nặng hạt, đất càng trở thành bùn trơn trượt. Họ đặt ba em xuống bãi bùn. Luxia bắt đầu lần chuỗi, rồi tự nhiên kêu lớn tiếng : “Mọi người hãy bỏ dù xuống !”, rồi nói với Phanxicô và Giaxinta : “Đức Mẹ đang tới ! Chị đã trông thấy chớp sáng”. Bà mẹ của Luxia hồ nghi về việc Đức Mẹ hiện ra, đã nhiều lần đánh đòn Luxia, nên nói với Luxia : “Nhìn kỹ con ơi, cẩn thận kẻo lầm” ! Nhưng con bà đã xuất thần. Một làn mây trắng lan ra chung quanh ba em, cao hơn 5 mét. Người ta nghe Luxia hỏi Đức Mẹ : “Bà muốn con làm gì” ? Đức Mẹ giải ánh sáng trước mặt ba em. Các em thấy mặt Đức Mẹ rất buồn . Đức Mẹ nói : “Mẹ là Mẹ Mân Côi. Mẹ muốn xây một nhà nguyện nơi đây để kính Mẹ. Chúng con hãy tiếp tục lần hạt. Chiến tranh sẽ sớm kết thúc, và các quân nhân không bao lâu nữa sẽ được trở về nhà”. Sau đó là phép lạ mặt trời quay.
Từ năm 1981 tới nay Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du, nước Bosnia. Ngày 12-6-1986, Đức Mẹ nói với các em : “Các con yêu dấu, bữa nay Mẹ năn nỉ các con hãy lần chuỗi Mân Côi với niềm tin sống động. Chỉ có cách này, Mẹ mới có thể giúp đỡ các con”.
Đức Mẹ hiện ra ở La Vang và ở Trà Kiệu cũng là lúc giáo dân lần chuỗi van xin Mẹ.
Năm 1789, vì những cuộc bắt đạo nhà Tây Sơn, đòan con của Mẹ phải chạy trốn vào nơi rừng thiêng nước độc La Vang. Vừa sợ bị giết hại, vừa sợ thú dữ và nước độc nơi núi rừng. Đòan con cái của Mẹ chẳng biết làm sao tránh khỏi nguy nan, chỉ biết chạy đến Mẹ. Họ đã tập họp dưới một gốc cây đa, lần chuỗi cầu khẩn Mẹ. Mẹ đã hiện ra. Mẹ rất vui vẻ và rất xinh đẹp. Mẹ mặc áo trắng và có ánh sáng bao quanh. Hai đứa trẻ xinh đẹp, mỗi đứa cầm một bó đuốc, đứng hai bên Mẹ. Mẹ đi đi lại lại nhiều lần trước mặt những người Kitô hữu đang rất đỗi vui mừng. Chân Mẹ chạm đất như thể chiếm hữu nó. Rồi Mẹ đứng lại. Bằng một giọng rất dịu dàng, Mẹ nói : “Hỡi các con, các con hãy tin tưởng, các con hãy cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”. Rồi Mẹ căn dặn họ hái lá cây chung quanh để chữa bệnh. Nói xong, Mẹ biến đi, và một luồng sáng bao quanh Mẹ.
Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu như sau : Năm 1885 thời Văn Thân, Mẹ đến cứu đòan con của Mẹ ở Trà Kiệu. Quân Văn Thân đầy đủ súng đạn, có cả đại bác và voi trận. Giáo dân Trà Kiệu làm sao chống nổi. Vì thế, họ đã lập bàn thờ Mẹ. Đốt nến hai bên. Lần chuỗi suốt ngày đêm van xin Mẹ. Mẹ đã hiện ra trên nóc nhà thờ, đứng hai bên Mẹ là hai đòan thiên thần mặc áo trắng và đỏ. Mẹ đứng che chắn đạn quân Văn Thân bắn vào nhà thờ, và vào con cái Mẹ.
Chuỗi Mân Cơi là thuẫn đỡ, là sức mạnh. Nên Các Thánh Tử Đạo VN đã hết sức siêng năng lần chuỗi.
Thánh Anrê Kim Thông, ông trùm họ Gò Thị, Qui Nhơn, đã dựng nhà nguyện dâng kính Mẹ Vô Nhiễm. Tối nào gia đình cũng vây quanh tượng Mẹ để lần chuỗi. Vì thế, trước khi qua đời, ngài đã đọc kinh Kính Mừng.
Thánh Philípphê Phan Văn Minh, cha sở Mặc Bắc, Vĩnh Long, ngày 3-7-1853 bị đưa ra pháp trường chém đầu. Trên đường tiến ra pháp trường, cha vui vẻ, vừa đi vừa lần chuỗi.
———————————
LỄ MÂN CÔI
5-10-2004
Hôm nay là lễ Mẹ Mân Côi. Lễ Mân Côi được Đức Giáo hoàng Piô V thiết lập năm 1571 sau chiến thắng quân Hồi giáo tại vịnh Lêpantô (trong biển Hi Lạp). Chúng ta tìm hiểu Lời Chúa của ngày lễ Mẹ hôm nay theo thứ tự thời gian của các biến cố.
Trước hết là Bài Tin Mừng : Thánh sử Luca đã tường thuật cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu song song với cuộc đời thơ ấu của thánh Gioan Tẩy Giả :
1/ Truyền tin cho ông Giacaria (Lc 1,5-25) song song với truyền tin cho Đức Mẹ (Lc 1,26-38) .
2/ Thánh Gioan ra đời và chịu phép cắt bì (Lc 1,57-80) song song với Chúa Giêsu ra đời và dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh (2,1-52).
Lối văn song đối là lối văn chương Hi Lạp, không phải là lối văn của Do Thái. Ông Plutarque, người Hi Lạp, đã viết một cuốn sách, nhan đề là “Những Cuộc Đời Song Đối” (Vies Parallèles). Ông đã kể ra 23 cặp cuộc đời của người Hi Lạp và Rôma. Lối văn này nhằm so sánh giữa người Hi Lạp và Rôma, người Hi Lạp vượt trên người Rôma. Nay thánh Luca dùng lối văn song đối của văn chương Hi Lạp, để so sánh giữa thánh Gioan Tẩy Gỉa và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cao trọng hơn, vượt xa thánh Gioan.
Những khác biệt của hai cuộc truyền tin nói lên sự khác biệt giữa thánh Gioan và Chúa Giêsu :
1/ Thiên thần Gabriel truyền tin cho ông Giacaria, chứ không cho bà Êlisabét; cũng thiên thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ, chứ không cho thánh Giuse.
2/ Truyền tin cho ông Giacaria ở trong Đền Thờ Giêrusalem nguy nga, lộng lẫy; còn cho Đức Mẹ thì ở nhà riêng không uy nghi, rộng lớn.
3/ Dấu hiệu của việc truyền tin cho ông Giacaria là ông bị câm, như một hình phạt; còn Đức Mẹ là bà Êlisabét, chị họ, mang thai khi tuổi già, là niềm vui.
4/ Thiên thần hiện ra không chào ông Giacaria; còn thiên thần chào Đức Mẹ : “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”. “Đức Chúa Trời ở cùng” là lời Thiên Chúa nói với ông Ghêđêôn, khi sai ông làm Thẩm Phán, để đánh đuổi quân địch chống phá dân ông, hầu bảo đảm Chúa giúp ông thi hành sứ vụ Chúa giao .
5/ Ông Giacaria bị câm không đáp lại một lời với thiên thần; còn Đức Mẹ thì đáp lại : “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, tôi xin vâng như lời thánh thiên thần truyền”. Thánh Luca thường dùng từ “tôi tá”, “đầy tớ” ám chỉ đến các người tín hữu, các chi thể của Giáo Hội (Cv 2,18; 4,29; 16,17). Như thế, thánh Luca muốn nói Đức Mẹ là thành viên gương mẫu của Giáo Hội. Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn Dân) trình bày về Giáo Hội đã viết về Đức Mẹ là thành phần đầu tiên của Giáo Hội .
6/ Sứ mệnh của thánh Gioan là “chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (1,17); còn Chúa Giêsu là “Con Đấng Tối Cao… sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời”. Chúa Giêsu, con của Đức Mẹ là Thiên Chúa thì Đức Mẹ cũng là Mẹ của Thiên Chúa. Đó cũng là tuyên ngôn của Công đồng Nicê năm 325.
Bài đọc 1 là câu chuyện cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hiện xuống trong sách Công Vụ Tông Đồ. Cũng thánh Luca kể như sau : “Tất cả các ông đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu”(1,14).
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày sinh ra Giáo Hội. Chúa Giêsu sinh ra do quyền năng Chúa Thánh Thần và nhờ Đức Mẹ xin vâng, thì nay Giáo Hội cũng sinh ra do quyền năng Chúa Thánh Thần và nhờ Đức Mẹ cầu nguyện. Khi sinh Chúa Giêsu, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa; khi sinh Giáo Hội, Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội. Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã thêm tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” vào kinh cầu Đức Bà.
Bài đọc 2 đọc thư thánh Phaolô gửi các tín hữu Galát. Thánh Phaolô viết : “Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một ngưòi phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử… và lòng anh em kêu lên ‘Apba, Cha ơi!’” (4,4-6). Lề Luật thánh Phaolô nói là Luật đạo Do Thái. Chúa Giêsu đến giải thoát chúng ta khỏi Luật Lệ Do Thái và cho chúng ta làm “nghĩa tử” của Thiên Chúa. Các hoàng đế thường tự coi mình là Thiên tử, con Trời. Người Do thái cũng coi mình là con Thiên Chúa, nhờ giao uớc Thiên Chúa thiết lập. Còn thánh Phaolô thì bảo chúng ta là con Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa đã sai Con Mình tới, sinh làm con một người phụ nữ”. Người phụ nữ là Đức Mẹ. Nhờ Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu mà chúng ta được làm con Thiên Chúa.
Vì là Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Giáo Hội, và là thành viên thứ nhất của Giáo Hội, nên Mẹ không thể không phục vụ Thiên Chúa, chở che Giáo Hội và cứu giúp chúng ta. Do đó Mẹ hiện ra khắp nơi và tìm mọi cách, nhất là chuỗi Mân Côi để cứu giúp.
Từ năm 1983 đến 1990, Đức Mẹ hiện ra với bà Gladys de Motta, vợ của một công nhân kim khí đã về hưu, ở San Nicolas, nước Argentina, Đức Mẹ cũng xưng mình là Mẹ Mân Côi. Ngày 25-9-1983, bà Gladys de Motta đang qùi gối lần chuỗi, Đức Mẹ đã hiện ra với bà. Đức Mẹ mặc áo mầu xanh, tay bồng ẵm Chúa Giêsu và tay cầm tràng chuỗi. Vài tuần trước, bà đã thấy những hạt chuỗi bà treo đầu giường phát ánh sáng lấp lánh. Ngày 7-10-1983, lễ Mẹ Mân Côi, tự nhiên bà cảm thấy trong người như có gì khác lạ. Bà nhắm mắt để lấy lại tinh thần thì thấy ánh sáng chiếu vào mắt. Mở mắt ra thấy Đức Mẹ đứng trước mặt, tay cầm một tràng chuỗi lớn. Thứ sáu ngày 16-11-1984, bà cảm thấy mình như đang chịu những đau đớn của Chúa Giêsu đóng đinh. Nhìn xuống đôi cổ tay, bà thấy có những dấu đinh (Chúa Giêsu chịu đóng đinh nơi cổ tay, chứ không phải ở lòng bàn tay như thấy ở các tượng chịu nạn). Cứ Mùa Vọng và Mùa Chay, những dấu đinh lại xuất hiện. Các ngày thứ sáu Mùa Chay, dấu đinh chảy máu. Ngày thứ sáu Tuần Thánh, lúc 3g chiều, giờ Chúa chết, thì xuất hiện những dấu đinh ở chân và vai. Mùa Vọng năm 1984 Đức Mẹ yêu cầu bà Motta ăn chay. Bà chỉ uống nước nho, trà và càphê sữa, không ăn gì khác. Thế mà bà không xuống cân và ốm đau. Mỗi lần Đức Mẹ hiện ra đều tỏa mùi thơm hoa hồng. Từ năm 1983-1990, 7 năm, Đức Mẹ hiện ra với bà cả thảy 68 lần. Bà chép lại những lời Đức Mẹ nói với bà và các phép lạ Đức Mẹ làm trong 1 cuốn sách dầy 200 trang.
Trong tất cả các kinh chúng ta đọc, kinh Lạy Cha là quí nhất, vì đó là kinh Chúa Giê-su dạy. Không có kinh nào là kinh do Chúa Giêsu dạy.
Sau kinh Lạy Cha là kinh Kính Mừng. Kinh Kính Mừng không do Chúa Giê-su dạy, nhưng kinh là những lời chào mừng, tung hô và cầu xin của Giáo hội.
1- “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng Bà” (Lc 1,28). Lời thiên thần Ga-bi-en chào Đức Mẹ.
2- “Bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ, và Giê-su, con lòng Bà gồm phúc lạ” (Lc 1,42). Lời của bà thánh Ê-li-sa-bét chào Đức Mẹ
3- “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”. Lời tung hô của các tín hữu Ê-phê-sô, một thành phố Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Năm 431 các Giám mục họp tuyên bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, để phản đối ông Nes-tô-ri-ô không tin Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Sau khi Công đồng phán quyết, các tín hữu Ê-phê-sô đã thắp đuốc tung hô
4- “Cầu cho chúng con là kẻ có tội hôm nay và trong giờ lâm tử” là những lời cầu xin Đức Mẹ trong những giây phút hiện tại và giờ chết được Đức giáo hoàng Ur-ba-nô IV soạn thảo năm 1262.
Linh mục Nguyễn Trung Thành