Chúa Nhật XXIX Thường Niên-Năm C
CN.29.C
(Xh 17,8-13; 2Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8)
16-10-2016
“Theo cha Marini, thì vào cuối thời Trịnh Tráng 1657 giáo đoàn xứ Bắc đã có 414 nhà thờ… Chỉ là những nhà thờ gỗ lá đơn sơ theo kiến trúc của người Việt Nam thời đó, nhưng được giáo dân tôn trọng và giữ gìn sạch sẽ…
Cũng như thời kỳ đầu, lòng nhiệt thành đạo đức của giáo dân, tuy qua nhiều thử thách, vẫn không hề giảm. Trong các gia đình theo đạo, nhà nào cũng có bàn thờ ở gian giữa, tối sớm cả nhà hội họp đọc kinh lần hạt. Ở các họ xa nhà xứ hay chỗ linh mục ở, các ngày chủ nhật, lễ lạy, họ hội nhau ở nhà thờ họ, đọc kinh, đọc bổn, nghe sách. Còn ở vùng gần nhà xứ hay nghe biết các thừa sai đến thăm viếng họ trong vùng là họ kéo nhau lũ lượt đến dự lễ, cả những người ở xa đến 4,5 tiếng đồng hồ và có khi gần một ngày đường. Còn những dịp lễ lớn như Giáng Sinh, Phục Sinh, Lên Trời, Hiện Xuống, thì dù xa đến đâu họ cũng cố đến nhà xứ, chỗ thừa sai ở, để xưng tội chịu lễ.
Đi đôi với lòng nhiệt thành đạo đức, giáo dân còn sống một đời thánh thiện gương mẫu, các người bên lương đếu cảm phục. Không thẹn tín ngưỡng của mình, tất cả đều đeo tràng hạt ảnh tượng trước ngực, và với dấu hiệu đó, họ nhận nhau là người công giáo, chào đón niềm nở khi gặp nhau. Nếu phải đi đường đêm hôm tìm chỗ trọ, họ chỉ việc tìm đến các họ đạo, thế nào cũng có chỗ ăn ngủ đảm bảo tử tế. Số người sống nhiệm nhặt khổ tu, ăn chay đánh tội cũng không thiếu. Thật đáng gọi là dân thánh đoàn người đã được Chúa chọn” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, T.I,t.214).
Xem đó, đời sống đạo của cha ông chúng ta thuở ban đầu thật tuyệt vời ! Phải chăng nhờ các ngài sốt sắng đọc kinh cầu nguyện ở nhà thờ cũng như ở nhà riêng, theo như Lời Chúa dạy trong thánh lễ Chúa nhật hôm nay.
Bđ1: Sách Xuất Hành trong bđ1 kể lại cuộc chiến thắng quân A-ma-lếch của người Ít-ra-en là nhờ đôi tay của ông Mô-sê giơ lên trời cầu nguyện (Xh 17,11).
BTM: BTM kể gương bà góa “ngày đêm kêu cứu”, nhờ đó quan tòa xét xứ cho bà (Lc 18,7).
Bđ2: Để trả lời câu hỏi của Chúa Giê-su “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng” (Lc 18,8), chúng ta thưa “còn”, vì chúng ta còn đọc Sách Thánh, như thánh Phao-lô nhắn nhủ thánh Ti-mô-thê trong bđ2 : “Anh đã biết Sách Thánh có thể dạy anh nên người khôn ngoan, để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô” (2Tm 3,15).
Hãy đọc kinh lần hạt như cha ông chúng ta, thì lòng tin vẫn còn, còn mạnh mẽ.
—————————————
CN.29.C
17-10-2010
Năm nay, năm 2010, kỷ niệm 125 năm Đức Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu, Quảng Nam. Sau cuộc nổi dậy vào đêm 4-7-1884, chống lại người Pháp tại Huế bất thành, ông Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi trốn lên núi Ấu Sơn, Hà Tĩnh. Tại đây nhân danh vua, ông ra lệnh “Bình Tây Sát Tả”, nghĩa là “dẹp quân Pháp, giết người Công giáo”. Ông kêu gọi : “Mọi người hãy cương quyết tiêu diệt cho kỳ hết bọn Da-tô… Nếu mục tiêu này được thực hiện, thì quân Pháp chắc chắn sẽ bị hoàn toàn tê liệt, như cua gẫy càng, không bò, không kẹp được nữa”.
Quân Văn Thân đánh Trà Kiệu từ trưa ngày 1-9 đến ngày 21-9-1885, 21 ngày gian khổ, song cũng là 21 ngày hạnh phúc, vì được Đức Mẹ che chở, được Đức Mẹ cứu thoát. Quân Văn Thân vừa đông vừa đầy đủ súng đạn, có đại bác, có voi trận. Giáo dân Trà Kiệu chỉ có 370 thanh niên, hơn 500 thanh nữ, súng đạn không có, chỉ có giáo mác.
Ngay từ ngày đầu tiên giáo dân đã run sợ, đã khiếp đảm, đã đòi cha sở đầu hàng. Cha sở, cha Bruỳere, người Pháp, tên Việt là Nhơn, tin vào Đức Mẹ, xin Đức Mẹ chở che. Cha lập bàn thờ Đức Mẹ tại phòng cha, với hai cây nến hai bên. Ai không chiến đấu được thì đến lần chuỗi cầu xin Đức Mẹ. Cả mỗi khi đẩy lui được những cuộc tấn công của quân Văn Thân, họ cũng chạy về quì gối trước bàn thờ lần chuỗi cám ơn Đức Mẹ.
Khi quân Văn Thân bắn ca-nông vào nhà thờ, Đức Mẹ mặc áo trắng hiện ra cùng với hai đoàn thiên thần, đứng hai bên, một đoàn mặc áo đỏ và một đoàn mặc áo trắng. Tà áo của Đức Mẹ đã chặn lại những viên đạn, không cho rơi vào nhà thờ. Quân Văn Thân tức giận, thay vì bắn vào nhà thờ, thì nhắm bắn Đức Mẹ, nhưng đều thất bại. Quân Văn Thân đành rút lui. Nhờ tràng chuỗi Mân Côi của Đức Mẹ, giáo dân Trà Kiệu đã chiến thắng .
Bất kỳ ai, dù nhỏ hay lớn, đều muốn sống tốt, và cũng đều muốn sống với người tốt. Chẳng có ai muốn sống xấu và muốn sống với người xấu. Thế nhưng, chúng ta vẫn sống xấu. Chỉ vì con người chúng ta yếu đuối và luôn bị cám dỗ.
Thánh Phêrô đã ví những cơn cám dỗ như những con “sư tử gầm thét”. Người căn dặn các tín hữu : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9a).
Lời Chúa trong ba bđ thánh lễ hôm nay kể ra biết bao là cám dỗ, biết bao là kẻ thù, biết bao con sư tử gầm thét, trong cuộc đời chúng ta.
Bđ1: Nói đến kẻ ngoại thù, giống như dân Ít-ra-en trên đường về Đất Hứa bị quân A-ma-lếch chặn đường, đánh phá. Nhưng nhờ ông Mô-sê lên núi cầu nguyện, dân Ít-ra-en đã chiến thắng. Sách Xuất Hành kể : “Ông Mô-sê đứng trên đỉnh đồi, tay cầm cây gậy của TC…Khi ông giơ tay lên thì dân Ít-ra-en thắng thế” (Xh 17,8b.11a).
Bđ2: Nói đến những tư tưởng sai lạc. Nhưng nhờ đọc Kinh Thánh, sẽ không bị mê hoặc và đứng vững trong đạo lý đức tin. Thánh Phaolô khuyên dặn ông Ti-mô-thê : “Sách Thánh có thể dạy anh nên người khôn ngoan” (2Tm 3,15a).
BTM: Nói đến kẻ nội thù, đó là những người tội lỗi, như ông quan toà đối xử bất nhân với bà goá. Nhưng nhờ lòng kiên nhẫn bà đã khuất phục được ông quan toà. Ông quan toà nghĩ bụng : “Dầu ta chẳng kính sợ TC, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc” (Lc 18,5).
Lời Chúa kể ra ba loại kẻ thù, ba loại cám dỗ : 1- ngoại thù, 2- những tư tưởng sai lạc, 3- nội thù. Đồng thời Lời Chúa cũng đề ra ba phương thế để chống lại : 1-cầu nguyện, 2-Sách Thánh, 3-lòng kiên nhẫn.
Đức Mẹ còn ban cho chúng ta một phương thế, một vũ khí rất hiệu nghiệm để chống lại cám dỗ, chống lại kẻ thù, đó là ‘Chuỗi Mân Côi”, “Chuỗi Hoa Hồng”, “Chuỗi Ngọc, Chuỗi Ngà”.
Nhờ cầu nguyện, nhờ Sách Thánh, nhờ lòng kiên nhẫn và chuỗi Mân Côi, chúng ta cũng chiến thắng các cơn cám dỗ, chiến thắng ma quỉ, chiến thắng những con sư tử gầm thét.
——————————————-
CN.29.C
21-10-2007
Đức Mẹ ban cho chúng ta một phương thế giữ vững đức tin. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi. Chị Lu-xi-a, một trong ba em được Đức Mẹ hiện ra ở Fa-ti-ma năm 1917 đã qua đời ngày 13-2-2005. Trước khi qua đời chị đã viết một bức thư nói về việc lần chuỗi.
Chị đã nói đến sự cao trọng của việc lần chuỗi :
- Một : khi lần chuỗi, toàn thể triều thần thiên quốc cùng hợp chung.
- Hai : Các Đẳng Linh Hồn nơi luyện ngục kết hợp.
- Ba : Lần chuỗi là bước theo từng bước đi của Mẹ Maria và Chúa Giêsu.
Chị xin khi lần chuỗi hãy cầu nguyện cho :
- Một : Các trẻ em sắp sinh ra
- Hai : Những người đau khổ,
- Ba : Những người đang lao động
- Bốn : Những người đang hấp hối.
Và Chị chỉ cho cách lần chuỗi :
- Một : Kết hợp với mọi người công chính trên toàn cõi địa cầu
- Hai : Lần chuỗi với tấm lòng đơn sơ như trẻ thơ.
Cuối cùng Chị cho biết hoa qủa của chuỗi Mân Côi :
- Một : Làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa
- Hai : Thiên Chúa tuôn đổ tình yêu từ bi thương xót cho thế giới
- Ba : Cứu nhiều linh hồn khỏi hư mất và khỏi bị trầm luân trong hỏa ngục
- Bốn : Sớm được thấy ngày Trái Tim Mẹ Vô Nhiễm chiến thắng.
Bài Tin Mừng : Bài TM chúa nhật hôm nay qua câu chuyện bà góa được ông quan tòa bất lương xét xử. Câu chuyện bà góa được Chúa Giê-su kể trên đường Chúa đi Giê-ru-sa-lem chịu chết : “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,51). Trong bản dịch của Nhóm CGKPV, câu chuyện được xếp trong phần IV, phần Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem (Lời Chúa Cho Mọi Người 2006, trang 1757). Nhất là câu chuyện lại được xếp ngay sau việc Chúa nói về ngày tận thế.
Bà góa, thân phận góa bụa, cô đơn, bị xếp vào hạng bị xã hội khinh miệt cùng với trẻ con và ngoại giáo, lại còn bị ông quan tòa làm khó dễ, chậm xét xử cho bà. Nhưng nhờ bà kiên trì năn nỉ, quan tòa đã xét xử cho bà, vì “Ông ta nghĩ bụng : Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc” (Lc 18,4-5).
Kể xong câu chuyện, Chúa Giê-su đã thốt lên : “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?” (Lc 18,8).
Còn đức tin, giữ vừng được đức tin cho tới chết, môt chặng đường dài gặp biết bao trở ngại làm chao đảo đức tin, chắc chắn phải “cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1).
Bài đọc 1 : Câu chuyện dân Ít-ra-en chiến thắng quân A-ma-lếch trong bđ1 cũng nhờ lời cầu nguyện của ông Mô-sê. Trên đường đi từ Ai Cập về quê cha đất tổ gặp biết bao gian nan : nào là bị người Ai Cập rượt đuổi, phải vượt qua Biển Đỏ, bị đói, bị khát… Khi tới gần núi Xi-nai thì bị quân A-ma-lếch chận đánh. Nếu ông Mô-sê không lên núi giơ cao đôi tay cầu nguyện thì dân Ít-ra-en đã bị quân A-ma-lếch chôn vùi tất cả trong sa mạc. Mỗi khi ông mỏi tay, hạ tay xuống, thì người Ít-ra-en thua, và quân A-ma-lếch chiến thắng. Vì thế hai ông A-ha-ron và ông Khua phải lấy hòn đá làm bệ cho ông Mô-sê ngồi và hai ông đứng hai bên đỡ hai tay cho ông.
Đường sống đạo, giữ được đức tin, vượt qua được những cám dỗ thử thách, chúng ta cũng phải siêng năng cầu nguyện như ông Mô-sê.
Bài đọc 2 : trong bđ2, thánh Phao-lô còn cho chúng ta một phương thế nữa để giữ vững đức tin. Đó là cầu nguyện bằng Sách Thánh. Thánh Phaolô viết : “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục, để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2Tm 3,16-17).
Tóm lại, nhờ việc cầu nguyện, cầu nguyện bằng Sách Thánh, bằng chuỗi Mân Côi, thì dù tình thế có khó khăn mấy, trong ngày tận thế, Chúa Giê-su vẫn “còn thấy lòng tin trên mặt đất”.
————————————–
CN.29.C
17-10-2004
Lời Chúa trong thánh lễ Chúa nhật tuần trước nói về lòng biết ơn, lòng biết ơn Chúa của ông Na-a-man, của người cùi Sa-ma-ri, những người thường được gọi là ngoại giáo. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay nói về việc cầu nguyện.
Bài đọc 1 : Bđ1 kể lại biến cố người Is-ra-el chiến thắng quân A-ma-lếch, nhờ đôi tay của ông Mô-sê. Khi người Is-ra-el ra khỏi Ai Cập, tới Rơ-phi-đim, gần núi Si-nai, thì bị quân A-ma-lếch chận đánh. A-ma-lếch thuộc dòng dõi ông E-sau, sinh sống ở phía nam Pa-les-tine. Đây là trận chiến đầu tiên người Is-ra-el phải đương đầu trên đường về Đất Hứa. Ông Mô-sê bảo ông Giô-suê : “Anh hãy chọn một số người, và ngày mai ra đánh quân A-ma-lếch. Còn tôi, tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm gậy của Thiên Chúa” (Xh 17,9). Và đây cũng là lần đầu tiên ông Giô-suê xuất hiện và bày tỏ tài điều khiển của mình, để rồi sẽ được thay thế ông Mô-sê dẫn dân vào đất Ca-na-an. Phép lạ của lời cầu nguyện đã xảy ra : “Ông Giô-suê giao chiến với quân A-ma-lếch, còn các ông Mô-sê, A-ha-ron và Khua lên đỉnh đồi. Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân It-ra-en thắng thế; còn khi nào ông hạ tay xuống, thì quân A-ma-lếch thắng thế. Nhưng ông Mô-sê mỏi tay, nên người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông A-ha-ron và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên. Nhờ vậy, tay ông Mô-sê cứ giơ lên được mãi, cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giô-suê đã dùng lưỡi gươm đánh bại A-ma-lếch và dân của ông ta” (Xh 17,10-13).
Như thế, dưới sự chỉ huy của ông Giô-suê, dân Is-ra-el chiến thắng quân A-ma-lếch, là nhờ ông Mô-sê cầu nguyện. Chiến thắng là do Chúa. Thánh vịnh 44 có câu : “Vì đâu có phải nhờ gươm giáo mà họ chiếm đất đai, đâu phải cánh tay họ đem được thắng lợi về. Nhưng chính là nhờ tay hữu Chúa, tay mạnh mẽ và ánh tôn nhan Ngài, vì Ngài yêu thích họ” (Tv 44,4)
Bài Tin Mừng : Sách Tin Mừng thánh Lu-ca rất chú trọng đến việc cầu nguyện. Nhìn lại lý do xuất phát Kinh Lạy Cha nơi hai thánh Mat-thêu và Lu-ca.
Nơi thánh Mt, lý do có kinh Lạy Cha là nội dung của lời cầu nguyện, cầu nguyện những gì : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại…Vậy anh em hãy cầu nguyện như sau” (Mt 6,7).
Còn nơi thánh Lu-ca là cách cầu nguyện, cầu nguyện như thế nào: “Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : ‘Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông. Người bảo các ông : ‘Khi cầu nguyện, anh em hãy nói’” (Lc 11,1-2).
Thánh Luca kể cho chúng ta ba dụ ngôn nói về việc cầu nguyện : dụ ngôn thứ nhất là “người bạn quấy rầy” (11,5-8). Dụ ngôn thứ hai là “quan toà bất chính và bà goá quấy rầy” (18,1-8). Dụ ngôn thứ ba là “người Pha-ri-sêu và người thu thuế” (11,9-14).
Dụ ngôn thứ hai “quan toà bất chính và bà goá quấy rầy” trong thánh lễ hôm nay là để trả lời cho thắc mắc muôn thuở của loài người là “Nếu có Chúa công chính, thì sao Ngài không làm điều công chính ?” (Tv 44,23; Dt 1; Dcr 1,12; Kh 6,9). Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hôm nay để trả lời rằng : chúng ta có ước ao và xin sự công chính của Thiên Chúa với đầy đủ đức tin không ? Chắc chắn Chúa làm điều công chính, nhưng chúng ta phải biết chờ đợi : “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không ?” (18,8). Con người luôn thắc mắc : tại sao Thiên Chúa đáp trả chậm trễ khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta van xin ?
Dụ ngôn hôm nay cho biết : con người đã nản chí và bỏ cầu nguyện : “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?”.
Dụ ngôn hôm nay cũng cho biết chúng ta cầu nguyện là để xin sỏ, chứ không phải là lúc chúng ta gần gũi, tâm sự với Chúa, để tình Chúa được lớn lên trong ta : “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?”
Dụ ngôn cũng cho biết điều chúng ta xin có thật là điều chính đáng để xin không, hay đó chỉ là những điều làm cho chúng ta xa Chúa và xa nhau : “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?”
Bài đọc 2 : Lời dạy của thánh Phao-lô với thánh Ti-mô-thê trong bđ2 cũng giúp chúng ta cầu nguyện, đó là cầu nguyện theo Lời Chúa, theo Kinh Thánh : “Từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan, để được ơn cứu độ” (2Tm 3,15). Cầu nguyện theo Lời Chúa để đời ta nên sống theo Lời Chúa.
Để cầu nguyện dễ dàng và sốt sắng, mỗi ngày nên có ý nguyện, ý chỉ. Chẳng hạn :
– Chúa nhật : kính Thiên Chúa Ba Ngôi
Cầu cho : Giáo Hội thế giới, Giáo Hội Việt Nam,
những người giúp đỡ chúng ta về tinh thần cũng như vật chất
– Thứ hai : kính các Thiên Thần, Thiên Thần bổn mạng
Cầu cho : các linh hồn
– Thứ ba : kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Cầu cho : quê hương đất nước.
– Thứ tư : kính Thánh Giuse
Cầu cho : các gia đình
– Thứ năm : kính Bí tích Thánh Thể, Bí tích Truyền Chức
Cầu cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân làm việc cho Chúa, ơn kêu gọi.
– Thứ sáu : kính Trái Tim Chúa, Thánh Giá Chúa
Cầu cho : các tội nhân, bệnh nhân
– Thứ bảy : Kính Đức Mẹ
Cầu cho những người mẹ, giới phụ nữ .
Linh mục Nguyễn Trung Thành