Chúa Nhật Truyền Giáo


CN.30.C–TRUYỀN GIÁO

(Hc 35,12-14.16-18; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc18,9-14)

27-10-2013

Hôm nay là ngày cầu nguyện cho công việc truyền giáo. Đọc lại cuộc đời của cha Alexandre de Rhodes (A-léc-xan đờ Rốt), tên Việt Nam là Đắc Lộ, để thêm lòng hăng hái truyền giáo. Người ta gọi cha là nhà truyền giáo số 1 của Việt Nam.

Cha sinh ngày 15-3-1593 tại Avignon (A-vi-nhông), nước Pháp. Năm 18 tuổi cha đi tu dòng Tên. Năm 25t cha chịu chức linh mục. Năm sau 26t cha được sai sang Nhật truyền giáo. Cha  đến  Goa, Ấn Độ và chờ ngày vào nước Nhật. Vì Nhật Bản bắt đạo gay gắt, bề trên sai cha vào Trung Quốc truyền giáo. Cuối cùng bề trên sai cha tới Đàng Trong (Miền Nam) Việt Nam.

Ngày 7-12-1624 cha đặt chân lên đất Hội An. Lúc đó đã có cha Bu-zo-mi và cha Pi-na. Cha Pi-na nói sỏi tiếng Việt. Khi nghe người Việt nói như chim hót, cha Đắc Lộ thất vọng. Cha nghĩ là không thể tập nói được. Cha học tiếng Việt với cha Pi-na và một cậu bé Việt Nam độ 10,12 tuổi.

Về cậu bé, cha Đắc Lộ kể lại như sau : “Chỉ trong 3 tuần lễ, cậu bé đã dạy tôi biết tất cả những cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ Âu châu, thế mà cũng trong 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời cậu học đọc, học viết tiếng Latinh và có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu. Sau đó cậu trở thành Thày Giảng giúp việc các cha truyền giáo, và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của Thày và nơi Vương quốc Lào láng giềng” (Yahoo “Cha Đắc Lộ”).

Cậu bé dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ sinh năm 1612 tại Cây Trâm, giáo xứ Tam Kỳ, Quảng Nam ngày nay. Tên Việt Nam của cậu có lẽ là Trang. Cậu nhớ ơn cha, lấy tên Rhodes (Rốt) của cha đặt tên cho mình, còn tên thánh là Raphael (Ra-pha-en) . Ông Ra-pha-el Rho-des xuất tu, làm thông dịch viên cho các thương gia Hòa Lan, Bồ tại Thăng Long và Phố Hiến. Ông có nhà ở Thăng Long và Phố Hiến. Năm 1670 đi thăm giáo phận Đàng Ngoài (Miền Bắc) lần đầu tiên, Đức cha Lambert de La Motte (Lăm-be đờ La Mốt) lúc ở trên tầu, lúc ở trong nhà của ông. Ông có công xây dựng Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội. Ông giúp đỡ các thừa sai về tinh thần và vật chất. Sau 7 năm bệnh tật liệt giường, ông qua đời ngày 29-6-1687, thọ 75 tuổi. Đức cha Bourges (Buốc-giờ) hiện diện trong giờ chết của ông (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá, trang 7-8).

Ở Hội An được 3 năm, năm 1627, cha Đắc Lộ được sai ra Miền Bắc truyền giáo. Ngày lễ thánh Giu-se 19-3-1627 thuyền cha tới Cửa Bạng, Thanh Hóa. Ngày 2-7-1627 cha tới Thăng Long. Trịnh Tráng xây nhà xứ nhà thờ cho cha. Theo cha Dỗ Quang Chính, địa điểm đó sát đền Bà Kiệu cạnh hồ Hoàn Kiếm (Tản Mạn LSGHVN, trang 279). Cha giảng đạo một ngày 4 đến 6 lớp. Mỗi lớp 3 đến 5 chục người. Cuối năm cha rửa tội được 1200 người. Đặc biệt có công chúa Ca-ta-ri-na. Công chúa làm thơ về công trình cứu độ của Thiên Chúa từ tạo thiên lập địa cho đến Chúa Giê-su ra đời và lịch sử những ngày khởi đầu truyền giáo ở Việt Nam.

Các quan và nhà giầu thời đó có nhiều vợ. Đạo dạy một vợ một chồng, các quan đề nghị Trịnh Tráng cấm đạo và trục xuất cha ra khỏi xứ Bắc  Năm 1630 cha ra đi, giã từ hơn 7000 giáo dân mà cha đã rửa tội trong gần ba năm.

Cha về Macao dạy học 10 năm. Đầu tháng 2 năm 1640 bề trên sai cha trở lại Đàng Trong. Cha không dám công khai, phải lẩn tránh nhà ông trưởng khu phố Nhật Bản ở Hội An. Nhờ ông, cha đem lễ vật ra Huế dâng cho chúa Nguyễn Phúc Lan. Cha ở nhà bà Minh Đức giảng đạo được 35 ngày, rửa tội được 92 người. Trở lại Hội An, cha bị quan trấn Vĩnh Điện Quảng Nam phát giác. Ngày 20-9-1640 ông đuổi cha ra khỏi nước.

Chỉ ba tháng sau, lễ Giáng sinh năm 1640, cha Đắc Lộ trở lại  Hội An lần II. Lợi dụng tầu buôn người Bồ trao đổi hàng hóa, cha lén lút đi giảng đạo xuống phía nam là Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Phú Yên. Sáu tháng cha rửa tội được 1305 người, trong đó có thày Anrê-Phú Yên. Tầu nhổ neo, cha theo tầu về lại Ma-cao ngày 2-7-1641.   

Đến cuối tháng 1-1642 cha Đắc Lộ trở lại Hội An lần III. Cha dâng cho quan trấn Quảng Nam lễ vật quí báu, trong đó có chiếc đồng hồ. Quan làm ngơ cho cha ở lại. Cha chọn được 10 thày giảng. Ngày 31-7-1642, lễ thánh I-nha-xi-ô, Đấng sáng lập Dòng Tên, cha tổ chức lễ khấn cho 10 thày tại nhà thờ Hội An.

Đầu năm 1644 cha Đắc Lộ trở lại Hội An lần IV. Cha ra Huế dâng lễ vật cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn làm ngơ cho cha ở lại. Ban đêm cha gặp giáo dân ở nhà bà Minh Đức, ban ngày cha trốn xuống thuyền. Cha vào Hội An tổ chức Tuần Thánh. Rồi cha ra Quảng Bình thăm giáo dân. Cha trở lại Hội An. Quan Quảng Nam ra lệnh bắt thày An-rê. Ngày 26-7-1644, thày bị chém đầu. Cha tắm rửa và ướp muối thi hài thày. Thi Thê Thầy được các nhà buôn Bồ đưa về Ma-cao. Gần một năm sau, ngày 3-7-1645, cha bị trục xuất. Rời VN, cha đem theo thủ cấp thày An-rê về Ma-cao.

Vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại, nhưng lòng cha Đắc Lộ không bao giờ quên 300.000 giáo dân và hàng trăm thày giảng Việt Nam. Cha được bề trên sai về Rôma tường trình về tình hình truyền giáo ở Việt Nam. Ngày 20-12-1645 cha xuống tàu về Rôma, để xin Đức giáo hoàng sai 12 giám mục cho GHVN. Cha đem theo sọ Thày An-rê. Sọ thày nay còn trong nhà nguyện dòng Tên ở Rô-ma

Ngày 30-7-1652 Đức giáo hoàng đề nghị cha làm giám mục. Cha khiêm nhường từ chối. Cha về Pháp vận động. Đức giáo hoàng Alexandre (A-léc-xăng) VII chọn hai cha Francois Pallu (Phăng-xoa Pan-lu) và Lambert de la Motte (Lăm-be đơ La Mốt) làm giám mục đầu tiên cho hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong được thiết lập ngày 9-9-1659.

Năm 1654 cha Đắc Lộ được sai đi giảng đạo ở nước Iran (I-ran). Cha qua đời ngày 5-11-1660, thọ 67 tuổi. Cha qua đời trước 1 năm thiết lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đường xá xa xôi, phương tiện truyền thông không có, có lẽ cha không biết tin vui này. Cha giảng đạo ở I-ran 5 năm, ở VN 11 năm.

Tinh tình cha dịu dàng, Cha luôn cư xử như con chiên giữa bày sói. Đức khiêm nhường và vâng lời của cha tuyệt vời. Cha hạ mình làm những công việc thấp hèn nhất, những việc càng khó, cha càng tin tưởng vào Chúa. Đức trong sạch của cha không thể chê được. Cha thận trọng trong việc nhìn xem. Cha yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể và Đức Mẹ. Cha viếng Chúa và lần chuỗi hằng ngày. Người ta coi cha là thánh. Nhiều người viếng mộ cha. Vì tin thân xác cha vẫn tươi xinh như khi còn sống, người ta đề nghị mở mộ cha.

Xin Cha nhớ đến GHVN mà cha đã dầy công thiết lập và xây dựng.

——————————

CN.30.A

23-10-2011

Nhân ngày truyền giáo, chúng ta nhìn lại nhà truyền số 1 của Á Đông, thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê là người Tây Ban Nha. Ngài du học tại Đại học Pa-ris, đậu tiến sĩ Triết và ở lại dạy học.

Lúc đó thánh I-nha-xi-ô cũng đang học ở đó. Thấy thánh Phan-xi-cô là một con người giỏi giang tài ba, mà chỉ ham tiền tài, danh vọng thế gian thì quá uổng. Thánh I-nha-xi-ô lấy Lời Chúa khuyên thánh Phan-xi-cô : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích lợi gì ?” (Mt 16,26). Thánh Phan-xi-cô đi theo thánh I-nha-xi-ô phục vụ Chúa.    

Sau khi khấn vào dòng Tên, ngài chịu chức linh mục. được sai sang Ấn Độ giảng đạo. Từ Ấn độ ngài đi giảng đạo các nước lân cận như Sri-lan-ka, Ma-lay-si-a, In-do-ne-si-a, Trung Hoa và Nhật Bản.

Một hôm đang rao giảng, một người Nhật Bản nhổ nước miếng vào mặt ngài. Không một lời phản đối, ngài móc túi lấy khăn ra lau mặt, rồi tiếp tục giảng.

Một nhà trí thức Nhật có mặt hôm đó cảm phục nói : “Khiêm nhường như thế phải do Thiên Chúa ban cho các con cái của Người”. Nhà trí thức tin nhận Thiên Chúa và theo đạo Công giáo (Lm Giuse Đinh Tất Quý, Lời Chúa & Cuộc Sống, MVGS, trng147).

Có người hỏi thánh Âu-gút-ti-nô : “Nhân đức nào quan trọng nhất ?

Thánh nhân trả lời : “Nhân đức khiêm nhường”.

Người đó hỏi lại : “Nhân đức nào quan trọng thứ hai ?

Thánh nhân đáp lại : “Nhân đức khiêm nhường”.

Người đó lại hỏi : “Nhân đức nào quan trọng thứ ba ?

Thánh nhân cũng trả lời : “Nhân đức khiêm nhường”.

Chính Chúa Giêsu cũng dạy : “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường”.

Đức Mẹ cũng nói : “Chúa biểu dương sức mạnh

                                Dẹp tan lòng trí kiêu căng

                                Chúa hạ bệ những ai quyền thế

                                Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường

BTM : Câu chuyện người pha-ri-sêu và thu thuế lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem cầu nguyện trong BTM đã làm chứng : đức khiêm nhường là quan trọng.

Người pha-ri-sêu là người đạo đức. Ai cũng khâm phục. Pha-ri-sêu có nghĩa là tách biệt khỏi đám dân thường. Người pha-ri-sêu tuân giữ luật đạo nghiêm chỉnh. Lại còn làm thêm những việc không đòi buộc : như ăn chay luật dạy một năm có một ngày, người pha-ri-sêu ăn chay một tuần hai ngày; luật dạy nộp thuế những hoa lợi do ruộng vườn mà thôi, người pha-ri-sêu nộp mọi thứ hoa lợi.

Đạo đức như vậy, thế mà Chúa không nhận lời cầu của người pha-ri-sêu

Còn người thu thuế tội lỗi đầy mình, đến nỗi lên Đền thờ “không dám ngước mắt lên trời”, lại còn “đấm ngực mà thưa : Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Thế mà được Chúa nhận lời.

Tại sao vậy ?

Vì người pha-ri-sêu “kiêu ngạo, khinh chê người khác” (Lc 18,9).

Vì “ai tôn mình lên sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa nâng lên” (Lc 18,14).

Bđ1 : Bđ1 sách Huấn Ca cũng kể những người Thiên Chúa thương là những người hèn hạ: “Thiên Chúa không làm hại kẻ nghèo hèn, TC nghe lời kêu xin của người bị áp bức, TC không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi hay tiếng than van của người góa bụa” (Hc 35,13-14).

Bđ2 : Khi thánh Phao-lô bị giam tù ở Rô-ma, bạn bè bỏ rơi, nhưng Chúa thì không. Ngài viết : “Chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi…Nhưng có Chúa đứng bên cạnh. Người ban sức mạnh cho tôi” (2Tm 4, 16-17).

Đức Hồng Y Raphael Merry Del Val đã làm một kinh, để luôn luôn đọc xin Chúa cho được khiêm nhường, hạ mình. Kinh đó như sau :

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin đóai nghe lời con.

Lạy Chúa xin giải thóat con :

  Khỏi lòng ham ước (muốn) được quí chuộng

  Khỏi lòng ham ước được yêu mến

  Khỏi lòng ham ước được tôn vinh

  Khỏi lòng ham ước được trọng kính

  Khỏi lòng ham ước được ca tụng

  Khỏi lòng ham ước được ưu đãi hơn người

  Khỏi lòng ham ước được tín nhiệm,

  Khỏi lòng ham ước được hoan hô

  Khỏi lo sợ bị hạ nhục

  Khỏi lo sợ bị khinh chê

  Khỏi lo sợ bị khiển trách

  Khỏi lo sợ bị vu khống

  Khỏi lo sợ bị lãng quên

  Khỏi lo sợ bị cười chê

  Khỏi lo sợ bị xử bất công

  Khỏi lo sợ bị nghi ngờ

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con lòng ao ước :

  Cho người khác được yêu mến hơn con

  Cho người khác được quí chuộng hơn con

  Cho người khác được đề cao, còn con phải hạ xuống

  Cho người khác được tuyển chọn, còn con bị lọai bỏ

  Cho người khác được ca tụng, còn con bị quên lãng

  Cho người khác được ưu đãi hơn con trong mọi sự

  Cho người khác được thánh thiện hơn con, miễn là con được nên thánh theo

     nghĩa vụ  con

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống   

Chúa.
       Lạy Mẹ Maria là Mẹ và là gương mẫu khiêm nhường, xin cầu cho con.

Lạy Thánh Cả Giuse là Đấng che chở những người khiêm nhường, xin cầu cho con.     

Amen.

—————————-

CN.30.C

24-10-2010

 

Thánh lễ Truyền Giáo hôm nay chúng ta kể cho nhau nghe câu chuyện “Nhà Thờ Đảo Phú Quí”, giáo phận Phan Thiết, đăng trên Vietcatholic (Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam) ngày 15-10-2010.

Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, quản lý Toà GM, thay mặt Đc.Giu-se Vũ Duy Thống, ra đảo Phú Quí báo tin vui : Nhà Nước cho phép xây dựng nhà thờ.

Đảo Phú Quí rộng 16km2, cách đất liền 111 cây số, cách đảo Trường Sa 385 cây số.

Người Công giáo đầu tiên đặt chân lên đảo là bà Nguyễn thị Hường, quen gọi là bà Long, quê Đồng Hới. Chồng bà là dân đảo, theo đạo lấy bà. Bà theo chồng ra đảo sinh sống từ năm 1971.

Đạo Công giáo trên đảo phát triển là nhờ cô giáo An-na Nguyễn thị Lý. Cô là cựu tu sinh dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Năm 1990 cô tình nguyện ra đảo dạy học. Cô tìm và tập họp được vài chục người Công giáo. Cô biến nhà cô thành nơi đọc kinh cầu nguyện. Cộng đoàn ngày thêm đông, cô hiến tặng một mảnh đất để làm nhà nguyện. Đc Ni-cô-la Huỳnh Văn Nghi nâng đỡ cô về tinh thần cũng như vật chất.

Ngoài việc hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện và suy tôn Lời Chúa, cô còn dạy giáo lý cho các con cái họ. Khi các em thuộc kinh, hiểu giáo lý, cô dẫn các em về Toà Giám Mục Phan Thiết xưng tội rước lễ và chịu phép Thêm Sức.

Lễ Phục sinh năm 2007 thánh lễ đầu tiên được cử hành trên đảo. Từ đó những ngày lễ trọng được linh mục ra đảo dâng lễ. Tuy chưa có linh mục hiện diện, nhưng cộng đoàn vẫn sống đạo, vẫn làm sáng Danh Chúa. Đó là nhờ sự hướng dẫn và chăm sóc đức tin của cô giáo An-na Nguyễn thị Lý.

GHVN thời còn non trẻ cũng nhờ những người giáo dân đạo đức nhiệt thành. Trong bài viết nhan đề « Lòng Nhiệt Thành Của Bổn Đạo Việt Nam », cha Đỗ Quang Chính đã kể nhiều bà giáo dân nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, chẳng khác nào cô An-na Nguyễn Thị Lý của đảo Phú Quí.

Ở Huế có bà Ma-ri-a Minh Đức Vương Thái Phi. Bà được cha Pi-na rửa tội năm 1625. Bà xây dựng nhà nguyện, dạy giáo lý và tiếp đón các cha, các thầy. Bà là nơi nương tựa của người có đạo, đặc biệt trong thời cấm đạo.

Ở Phú Yên có bà công chúa Ngọc Liên cũng xây dựng nhà nguyện. Năm 1641 cha Đắc Lộ rửa tội 1305 người tại nhà nguyện của bà, trong đó có Chân phước Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi.

Ở Thăng Long Hà Nội có bà Ca-ta-ri-na,  « nhà văn Công giáo đầu tiên ». Bà đã làm thơ giáo lý, làm vè lịch sử đạo VN, để giáo dân đọc. Bà cũng là người đầu tiên xây « nhà cứu tế » giúp những người neo đơn, nghèo túng.

Ở Hải Dương có bà An-na, vợ quan đầu tỉnh. Mỗi lần đi Thăng Long gặp cha Đắc Lộ, bà dẫn theo hàng chục tân tòng, mà bà đã dạy giáo lý, để cha rửa tội.

Năm Thánh 2010 không những mừng 350 năm thành lập hai GP đầu tiên Đàng Ngoài Đàng Trong (1659-2010), mừng 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm (1960-2010), mà còn mừng GHVN sắp có thêm một vị thánh mới, ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận. Theo giờ Rôma 12g trưa ngày 22-10-2010 Toà Án Phong Thánh mở hồ sơ điều tra để phong Chân Phước, rồi phong thánh cho ngài. Thật là một ngày, chúng ta phải hô vang lời Thánh Vịnh : « Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại. Ta thấy mình chan chứa một niềm vui ».

ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận làm GM.Nha Trang 8 năm (24.6.1967-23.4.1975), làm TGM Phó Sài-gòn chưa đầy 4 tháng (23.4.1975-15.8.1975), rồi đi cải tạo 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam.

Trong tù đày, ĐHY vẫn truyền giáo, vẫn mang Chúa đến cho mọi người. Trong tập sách « Năm Con Cá », ĐHY kể :

« Trong chuyến hành trình ra Bắc, ba lần tôi đã bị xích chung với một tù nhân không công giáo, từng là dân biểu (đại biểu Quốc Hội) và nổi tiếng là Phật tử cực đoan. Sự gần gũi trong cùng số phận ấy đã ghi khắc dấu vết sâu đậm nơi trái tim ông. Sau này, tôi được biết rằng sau khi được trả tự do, ông ta cảm thấy hãnh diện và thích kể lại sự kiện trên đây. Ông đã luôn luôn tìm cách để được xích chung với tôi, và từ đó, chúng tôi đã trở thành bạn với nhau.

“Trên tầu và sau này trong trại cải tạo, tôi đã có dịp đối thoại với đủ hạng người: bộ trưởng, dân biểu, các sĩ quan và giới chức chính quyền dân sự cao cấp, các vị lãnh đạo của các Giáo hội Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo, Brahman, Hồi giáo, và các anh em các Giáo hội Kitô khác như Tin lành, Baptist, Methodist…Trong trại cải tạo, tôi đã được bầu làm quản lý để phục vụ tất cả mọi người, phân phát thực phẩm, tìm nước nóng, và khuân vác than để sưởi ấm ban đêm, vì các tù nhân khác coi tôi như là một người đáng tín cẩn”.

Tại sao phải truyền giáo ?

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay trả lời cho câu hỏi đó.

Bđ1 : Truyền giáo là đem Chúa đến, để Chúa an ủi và nâng đỡ những người nghèo khổ. Bđ1 thánh lễ, sách Huấn Ca viết : “Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa” (Hc 35,12-14).

BTM : Truyền giáo là đem Chúa đến với những tâm hồn khao khát Chúa, như người thu thuế trong BTM. Người thu thuế, bề ngoài xem ra họ không khao khát Chúa, vì họ dư thừa tiền bạc, ăn sung mặc sướng. nhưng bên trong thì trống rỗng, tội lỗi, nên họ cần Chúa, họ khao khát Chúa : “Người thu thuế thì đứng xa xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

Truyền giáo là đem Chúa đến với những người đạo đức giả, như người Pha-ri-sêu. Bề ngoài xem ra họ đầy Chúa, nhưng bên trong họ không có Chúa. Công việc đạo đức họ làm không vì danh Chúa, mà vì danh giá họ. Họ chẳng những khoe khoang mà còn khinh chê người khác. Tâm hồn họ đầy ứ vinh quang thế trần, nên họ không còn khao khát Chúa, không chỗ hở nào để Chúa ngự vào : “Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con’” (Lc 18,11-12).

Bđ2 : Truyền giáo là đem Chúa đến với những người nghèo khổ, đến với những tâm hồn trống rỗng, khao khát, và đến cả những tâm hồn đầy ứ, tự kiêu, tự đại. Quan trọng và vinh dự như thế, nên trong bđ2, thánh Phao-lô hãnh diện nói với thánh Ti-mô-thê, môn đệ của ngài : “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành  cho người công chính” (2Tm 4,6-8).

Vòng hoa dành cho người truyền giáo, đẹp thay bước chân người đem Tin Mừng !

—————————————
CN.30.C

24-10-2007

Lời Chúa chúa nhật vừa qua nói về việc cầu nguyện. Qua dụ ngôn “Ông quan tòa và bà goá”, Chúa dạy phải kiên trì cầu nguyện. Với dụ ngôn “Người Pharisêu và thu thuế” chúa nhật hôm nay, Chúa dạy phải khiêm nhường cầu nguyện .

Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu kể : “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế” (Lc 18,10).

Lên Đền thờ và xuống là vì Đền thờ Giê-ru-sa-lem được xây trên đồi, gọi là đồi Si-on. Hai người lên Đền thờ cầu nguyện : một người Pha-ri-sêu và một người thu thuế.

Pha-ri-sêu trong tiếng Do thái có nghĩa là “tách biệt”. Tiếng Việt Nam có sách dịch là phái Tách biệt, có sách dịch là Biệt phái. Pha-ri-sêu là một phe nhóm trí thức và chính thống của đạo Do thái. Họ tách biệt với quần chúng, do sự hiểu biết Kinh Thánh, sự tuân giữ Lề Luật, và lòng đạo đức đúng luật lệ. Thánh Phao-lô đã là người Pha-ri-sêu. Người viết : “Giữ luật thì đúng như người Pha-ri-sêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Pl 3,6).

Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ về những công trạng của người Pha-ri-sêu : “Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần 2 lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12). Luật dạy một năm chỉ ăn chay một lần vào ngày lễ Xá tội; người Pha-ri-sêu đã ăn chay một tuần 2 lần. Luật chỉ bắt nộp 1/10 huê lợi do sản xuất, chứ không do những thu nhập khác. Người Pha-ri-sêu nộp 1/10 huê lợi, cả thu nhập do sản xuất và do mọi thu nhập khác.

Lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu giống như lời cầu nguyện Rab-bi (thầy) Si-me-on ben Jo-cai : “Lạy Chúa, là Thiên Chúa của con, con cám ơn Chúa, vì Chúa đặt con vào với những người ngồi trong Hàn Lâm Viện, chứ không đặt với những hạng người ngồi nơi góc phố. Con dậy sớm và họ cũng dậy sớm; nhưng con dậy sớm vì Lời của Luật lệ, còn họ vì những sự hư vô. Con lao động và họ cũng lao động; nhưng con lao động để nhận được phần thưởng, còn họ lao động chẳng được công sá gì. Con chạy và họ cũng chạy; nhưng con chạy vì sự sống của thế giới đang đến, còn họ thì dẫn đến hố diệt vong”.

Còn người thu thuế thì : “Đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Người thu thuế là hạng người bị người Do thái coi là tội lỗi. Tội thứ nhất là bóc lột dân chúng, tiền thuế thì ít, bắt nộp thì nhiều; tội thứ hai là phản quốc, cộng tác với  người Rôma, kẻ xâm lăng đất nước.

Lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu đầy công đức; còn lời nguyện của người thu thuế chỉ là tội lỗi. Vậy mà Chúa Giê-su lại bảo : “Người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người kia thì không”. Chúa Giê-su đã đảo ngược số phận. Người Pha-ri-sêu xem ra đạo đức thì lại không được Chúa nhậm lời; còn người thu thuế tội lỗi thì lại được Chúa nhậm lời.

Đầu bài Tin Mừng thánh Lu-ca đã viết : “Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18,9). Và Chúa Giê-su kết thúc dụ ngôn bằng câu : “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Qua hai câu đầu và cuối bài TM, người Pha-ri-sêu đã tự hào cho mình là công chính, đã tôn mình lên; còn người thu thuế là người hạ mình xuống.

Thánh Lu-ca, người viết dụ ngôn này là môn đệ của thánh Phao-lô. Trong thư Ti-mô-thê, lúc đang bị giam ở Rô-ma, sắp bị  đem đi chém đầu, thánh Phao-lô đã viết về thánh Lu-ca như sau : “Chỉ còn một mình anh Lu-ca ở với tôi” (2Tm 4,11). Thánh Lu-ca là một môn đệ yêu dấu của thánh Phao-lô; hơn nữa ngài có trình độ học vấn cao, làm bác sĩ. Vì vậy, chắc chắn thánh Lu-ca đã tiếp thu đạo lý của thánh Phao-lô. Đạo lý đó thánh Phao-lô đã trình bày trong thư Rô-ma và Ga-lát.

Ngài viết trong thư Rôma như sau  : “Người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính nhờ ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su…Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào ? Chẳng còn gì để hãnh diện ! Vào việc làm chăng ? Không, nhưng dựa vào lòng tin. Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng : người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,22-24.27-28).

Người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn “khi trở xuống mà về nhà…thì không”, vì đã cậy vào những việc mình làm, vì đã thấy mình đầy đủ, nên không cần Chúa nữa. Còn người thu thuế “khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính”, vì chẳng thấy mình có công trạng gì, hoàn toàn tội lỗi, nên chỉ biết kêu van: “Lạy Thiên Chúa, xin xót thương con là kẻ tội lỗi”.

Bài đọc 1 : Đoạn sách Huấn Ca trong bđ1 đã ca ngợi lời cầu nguyện của những người nghèo : “Người không vị nể mà làm hại những kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa..Lời họ kêu xin sẽ vọng tới trời mây ” (Hc 35,12-15.16).

Người nghèo, người bị áp bức, kẻ mồ côi và người goá bụa là những người  được Cựu Ước xếp vào loại người “anawin”, người nghèo của Thiên Chúa. Người nghèo của Thiên Chúa, như Đức Ma-ri-a, là người  chỉ biết “linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đã thương nhìn tới…Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1,46.48.51).  

Bài đọc 2 : Đoạn văn đọc trong bđ2 là đoạn kết lá thư thánh Phaolô gửi ông Ti-mô-thê. Một bức thư của người sắp sửa chết thì chẳng khác nào một chúc thư : “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi”. Chúc thư bao giờ cũng chân thật và trịnh trọng. Thánh Phao-lô viết : “Mọi người đã bỏ mặc tôi. Nhưng có Chúa đứng bên cạnh” (2Tm 4,16). Đời ngài chỉ có Chúa. Ngài minh định : “Tôi là gì, là nhờ ơn Chúa”. (1Cr 15,10).

Cầu nguyện là thấy mình cô đơn, trống rỗng, xin Chúa hiện diện và lấp đầy.

Linh mục Nguyễn Trung Thành