Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Mừng kính CTTĐVN hôm nay, chúng ta phải hãnh diện về mảnh đất Giáo phận Đà Nẵng của chúng ta.
– Đà Nẵng là mảnh đất đầu tiên các cha Dòng Tên đặt chân đến rao giảng lời Chúa ngày 18-1-1615. Kể từ đó hạt giống Tin Mừng được tiếp tục gieo vãi trên cả nước.
– Đà Nẵng là nơi có Nhà Thờ đầu tiên.
– Đà Nẵng là nơi 10 người đầu tiên được rửa tội vào ngày lễ Phục Sinh 1615, 10 bông lúa đầu mùa của Giáo Hội Việt Nam
– Vĩnh Điện, Đà Nẵng là nơi vị tử đạo đầu tiên, Thầy giảng Anrê-Phú Yên, đổ máu đào làm chứng cho Chúa ngày 26-7-1644.
– Hội An, Đà Nẵng là nơi 35 anh hùng Qui Nhơn xưng đạo, trong số 700 người ra trình diện mình là người Công giáo.
– Đà Nẵng là nơi 4 nữ tu dòng thánh Clara người Tây Ban Nha dừng chân vào tháng 2-1645.
– Vĩnh Điện, Đà Nẵng là nơi được cha Pina với sự trợ giúp của các vị nho sĩ soạn một cuốn giáo lý bằng chữ Nôm đầu tiên.
– Hội An, Đà Nẵng được Đức cha Lambe đờ la Mốt chọn làm nơi họp công nghị đầu tiên Giáo phận Đàng Trong năm 1672.
Chúng ta hãnh diện Đà Nẵng là “nơi xuất phát” (từ của cha Trần Văn Trường), là “đất mẹ”, là “nơi thấm máu anh hùng “…
Hôm nay là lễ kính 118 Thánh Tử Đạo. Ngày 19-6-1988 Giáo Hội đã tuyên phong 117 vị thánh. Đến năm 2000 phong Chân Phước cho một vị thánh trẻ 18 tuổi, bổn mạng của các anh chị giáo lý viên. Đó là thánh Anrê-Phú Yên.
Thế nhưng, GHVN không phải chỉ có 118 vị tử đạo. Trái lại, rất nhiều, rất nhiều. Trong cuốn “Sống Đạo”, cha Hồng Phúc, linh mục dòng Chúa Cứu Thế, đã viết : “Đã có một thỉnh nguyện thư xin phong Chân Phước cho một con số không lồ là 1315 vị ‘Tôi tớ tử đạo Việt Nam’ được đệ trình ngày 14-11-1917. Trong đó có hơn 200 nữ tu dòng Mến Thánh Giá, với lý lịch rõ ràng, đã đóng góp xương máu để xây dựng Giáo Hội Việt Nam từ lúc ban đầu” (trang 448).
Trong cuốn “Lịch Sử Những Cuộc Bách Đạo tại VN” in tại Paris, ông Trần Minh Tiết, một luật sư VN nổi tiếng ở Pháp, viết : “Các vị tử đạo Việt Nam, nếu xếp hàng 4 mà diễn hành trước khán đài, thì phải kéo dài tới 6 tiếng đồng hồ”.
Cha ông chúng ta sẵn sàng chết, can đảm đổ máu, để tuyên xưng đức tin, làm vinh danh Chúa. Nhiều lắm, nhiều không thể đếm nổi. Các đấng bằng tuổi thiếu nhi cũng nhiều, chẳng hạn em Luxia mới 12 tuồi (Bùi Đức Sinh, t1,trang 252-254)
Em Luxia là con gái của ông Phêrô Kỳ, ông trùm giáo xứ Kim Long, Huế, bị chém đầu ngày 22-12-1664. Thấy ba mình được phúc tử đạo, em Luxia chạy đến xin quan được chém đầu, để được phúc tử đạo. Thấy em còn nhỏ, quan cho đánh đòn rồi đuổi về.
Chưa đầy một tháng sau, ngày 9-1-1665, 11 giáo dân xứ Dinh Cát, Quảng Trị, bị đem về Huế chém đầu. Trong số 11 vị Dinh Cát này có hai anh em ruột là Raphaen 16 tuổi và Têphanô 14 tuổi. Em Luxia chạy tới hôn chân anh Raphaen. Anh Raphaen nói với em Luxia : “Em hãy vững tâm, chúng ta rồi sẽ gặp nhau trên thiên đàng”.
Một tháng sau, nghe tin có 4 giáo dân Quảng Ngãi bị bắt đem về Hội An và bị chém đầu ngày 4-2-1665. Em Luxia vào Đà Nẵng với một bà. Em đến xin quan : “Bẩm quan lớn, cháu là con gái của ông Phêrô Kỳ mà quan đã chém đầu vì đạo Chúa Kitô. Cháu cũng xin được chết như ba cháu, nhưng quan không cho, chê cháu còn bé. Hôm nay cháu đến với một bà Maria, xin quan cho bà và cháu được chết, để được phúc Nước Trời”.
Nghe một đứa nhỏ mà dám xin chết, quan tức giận, không cho chém đầu như 4 giáo dân Quãng Ngãi, mà cho voi giầy.
Thấy đàn voi đến, em Luxia vỗ tay reo mừng. Dân chúng cho em Luxia điên, nhưng em nói : “Thưa quí ông quí bà, cháu không điên, cháu không mất trí. Không khi nào cháu tỉnh táo bằng lúc này, bởi vì cháu đã chọn phần tốt nhất, hạnh phúc đời đời đang chờ đón cháu.”.
Em nói tiếp : “Cái chết của cháu không vinh quang sao ? Hai hàng lính dàn chào. 12 con voi đi hầu. Thật là một đám rước huy hoàng.”
Em Luxia vừa nói xong thì quan ra lệnh đem hai con voi tiến đến. Một con lấy vòi quấn bà Maria, một con quấn em Luxia. Hai con voi tung hai người lên cao, và rơi xuống đất. Hai con voi lấy chân đạp, giầy nát bà Maria và em Luxia.
Đầu em Luxia được đưa sang Thái Lan dâng cho Đức cha Lambert de La Motte, ĐGM đầu tiên của Giáo phận Đàng Trong. Đức cha đặt đầu em dưới bàn thờ.
Xin em Luxia và CTTĐVN cầu nguyện cho GHVN (13-11-2016)
_____________
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi cho chúng ta vào ngày 10-10-2013 đã viết :
“Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Cách cụ thể mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo triệu tập Thương Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại lệ vào tháng 10 năm 2014 về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc Âm hóa”.
Thư chung cũng nhấn mạnh : “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận”.
Vậy trong ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại gia đình của các ngài sống làm sao, để chúng ta noi gương bắt chước :
- Đối với Chúa : Các Thánh Tử Đạo coi Thiên Chúa là trên hết, Chúa là quan trọng nhất trong cuộc sống gia đình.
Thánh nữ Anê Lê thị Thành chết rũ tù ngày 12-7-1841, thọ 60 tuổi. Cô Luxia Nụ, con gái út đã nói về mẹ cô như sau :
“Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội Con Đức Mẹ, vào ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ”.
Cô Anna Năm cũng xác nhận : “Song thân chúng tôi chỉ gả các con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần người dạy tôi: ‘Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận Thánh Giá Chúa gửi cho’. Người cũng khuyên vợ chồng tôi : ‘Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ’”.
- Làm việc tông đồ : các thánh tử đạo lo việc nhà, việc đời, cả việc đạo nữa.
Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh bị bắt vào tháng 6-1838. Ngài bị diệu ra pháp trường Đồng Hới và bị cột giây thừng vào cổ kéo cho đến chết ngày 10-7-1840.
Người ta viết về thánh Quỳnh như sau : “Làm nghề thuốc, lại chữa bệnh mát tay, ngài trở thành một lương y nổi tiếng khắp nơi. Từ quan tới dân đều tìm đến thầy lang Quỳnh.
Biết ngài tốt lành, giầu lòng bác ái và có tinh thần phục vụ, dân xứ Mỹ Hương bầu ngài làm trùm chánh. Với trách vụ này, ngài lại càng nhiệt tình chăm lo các việc trong xứ đạo, đặc biệt giúp đỡ các linh mục trong vùng.
Ở Mỹ Hương bị động, ngài đưa cha Kim về trốn ở Kim Sơn. Ngài trở lại Mỹ Hương để lấy các đồ đạo. Trên đường về ngài bị bắt. Ngài đã “nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa mà phải thiệt thân”.
- Đối với gia đình : Các Thánh Tử Đạo yêu thương giúp đỡ nhau.
Thánh Cỏn bị bắt ngày 30-5-1840 và bị chém đầu ở pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định ngày 8-11-1840.
Khi các con vào thăm ngài trong tù, ngài nói : “Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cho cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy vâng lời mẹ. Các con lớn hãy quan tâm đến các em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng và vâng lời các anh chị. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa”.
- Đối với hàng xóm láng giềng : Các Thánh Tử Đạo giúp đỡ, chia sẻ.
Cụ Đaminh Phạm Trọng Khảm bị bắt tháng 8-1859 và bị điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu Nam Định. Ngài bị cột giây thừng vào cổ, kéo cho tới khi tắt hơi thở.
Với xóm làng, cụ là một mẫu người đức độ, quan tâm đến nhu cầu của mọi người cả xác lẫn hồn, sẵn sàng chia sẻ của cải cho kẻ nghèo khó, và khích lệ mọi người can đảm trước những bách hại. Gia phả con cháu cụ ghi lại rằng : “Gia nhân phải kiếm kẻ khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm”.
Vì sẵn của cải chia sẻ cho mọi người, có lần cụ kiếm cớ đãi cả làng. Cụ cho anh mõ đi rao khắp các ngõ hẽm mời mọi người ra đồng tổ chức đua diều. Ai thắng ai thua không thành vấn đề, miễn là mọi người được một bữa no say.
- Đối với tổ tiên, các linh hồn : Các Thánh Tử Đạo thảo hiếu như điều răn thứ tư dạy.
Cha Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng đi thăm bệnh nhân thì bị bắt vào Mùa Vọng tháng 11-1855. Cha bị chém đầu tại pháp trường Cảnh Diếu, Ninh Bình ngày 27-4-1850.
Quan tố cáo cha rằng : “Tôi nghe đồn rằng, các ông khoét mắt bệnh nhân và không thờ kính tổ tiên.”
Cha trả lời : “Xin quan đừng nghe những lời đồn thổi sai lạc. Chúng tôi chỉ xức dầu trên mắt mũi tai miệng và tay chân để xin Chúa tha các tội mà bệnh nhân đã dùng các cơ quan đó để phạm tội.. Còn với tổ tiên, chúng tôi hằng cầu nguyện và làm các việc lành để cầu cho các ngài. Chỉ có điều chúng tôi không cúng cơm, cúng rượu, vì cha mẹ chẳng về ăn uống như khi còn sống”.
Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu, được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái mà dân thân phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các ngài ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen
(17-11-2013).
_____________
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Hôm nay chúng ta mừng kính 118 vị thánh Tử Đạo Việt Nam, gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 15 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân. Thật ra không phải chỉ có 118 vị tử đạo, mà cả hàng vạn vạn vị.
Cha Bùi Đức Sinh đã viết : “Từ năm 1858 đến 1862, 5 năm ác liệt nhất : 120 linh mục bị giết, 50 nữ tu viện bị phá hủy, 2000 nữ tu phải chạy trốn, gần 100 nữ tu bị giết, các chủng viện phải đóng cửa, một số lớn thầy giảng chủng sinh phải hy sinh, số câu biện, (trùm trưởng), bị bắt lên tới 10.000, qúa nửa đã chết vì đạo, trên 100 làng Công giáo bị phá bình địa, 2000 họ đạo bị tịch thâu tài sản ruộng đất, nhà thờ nhà chung nhà trường bị triệt hạ, các lũy tre cũng như các rặng cây cao bị chặt nhẵn nhụi. Từ Nam Quan đến Cà Mau 300.000 giáo dân bị phân sáp, gia đình tan tác, vợ chồng con cái mỗi người một ngã, các phụ nữ chưa chồng hoặc goá chồng phải kết hôn với người ngoại đạo, các thiếu nữ vô tội phải làm tôi các quan hay bị trao nộp cho kẻ dâm ô phóng đãng. Gần 40.000 giáo dân chết trong các cuộc đại khủng bố, những ai sống sót thì cũng khổ sở bơ vơ” (Giáo Hội Công Giáo Ở VN, Tập II, trang 477).
Trong cuốn “Lịch Sử Những Cuộc Bách Đạo tại VN” in tại Paris, ông Trần Minh Tiết viết : “Các vị tử đạo Việt Nam, nếu xếp hàng 4 mà diễn hành trước khán đài, thì phải kéo dài tới 6 tiếng đồng hồ”.
Trong số 118 vị thánh không phải chỉ có 1 thánh nữ Anê Lê thị Thành, nhất là không có một nữ tu nào, đặc biệt các nữ tu dòng Mến Thánh Giá đã được thành lập từ năm 1670. Thật ra có nhiều chị em nữ giới, nhiều nữ tu đã chết vì Chúa, vì đạo. Trong cuốn “Sống Đạo”, cha Hồng Phúc viết : “Đã có một thỉnh nguyện thư xin phong Chân Phước cho một con số không lồ là 1315 vị ‘Tôi tớ tử đạo Việt Nam’ được đệ trình ngày 14-11-1917. Trong đó có hơn 200 nữ tu dòng Mến Thánh Giá, với lý lịch rõ ràng, đã đóng góp xương máu để xây dựng Giáo Hội Việt Nam từ lúc ban đầu” (trang 448).
118 vị phải chịu đủ mọi loại hình khổ :
– 1 vị bị bá đao (cắt từng miếng thịt, đủ 100 miếng),
– 4 vị bị lăng trì (chặt chân chặt tay, rồi mới chém đầu)
– 6 vị bị thiêu sinh (đốt sống),
– 76 vị bị trảm (chém đầu),
– 22 vị bị giảo (tròng giây qua cổ, hai người cầm hai đầu giây kéo đến khi tắt thở),
– 9 vị chết rũ tù.
Tại sao các thánh dám chết vì Chúa, vì đạo ? Lời Chúa trong ba bài đọc thánh lễ nêu ra ba lý do :
– Lý do I trong Bđ1, sách Mác-ca-bê-ô : đó là sự sống lại đời sau.
– Lý do II trong BTM, sách TM thánh Luca : đó là sự thưởng phạt đời sau
– Lý do III trong Bđ2, thư thánh Phaolô gửi tin hữu Rôma : đó là Chúa Giêsu yêu thương chúng ta.
Bđ1 : Vào quãng thế kỷ II trước CG giáng sinh, nước Do Thái bị người Syri đô hộ. Vua Syri cấm người Do Thái thờ phượng Chúa, bắt người Do Thái thờ các thần của người Syri. Từ già đến trẻ đều sẵn sàng chết cho Thiên Chúa, chứ không chịu bỏ đạo. Sách Ma-ca-bê đã kể lại những cái chết anh hùng vì Chúa
Bđ1 hôm nay ghi lại lý do “sự sống lại ở đời sau”. Chính vì lý do này người mẹ đã khuyến khích 7 người con sẵn sàng chết vì Chúa. Bà nói với đứa con út : “Con hãy thương mẹ : chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu…Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót. Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ” (2Mcb 7,27.29).
BTM : Trong BTM, lý do Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta chịu đựng đau khổ : đó là sự thưởng phạt đời sau. Chúa Giêsu nói : “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Lc 9,26).
Bđ2 : Còn trong bđ2, lý do mà thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma chịu khó vì đạo : đó là vì Chúa Giêsu yêu thương chúng ta. Ngài viết : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu đế sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35-37).
CTTĐVN đã tin vào đời sau, tin vào sự sống lại, tin vào tình yêu Chúa, nên các ngài đã dám chết vì Chúa, vì đạo.
Cha Launay, sử gia Pháp, cất tiếng ca khen : “Hỡi GHVN, 1 trong những GH bị bắt bớ hà khắc nhất trong các GH trên thế giới, 1 trong những GH kiên vững lạ lùng. Chúng tôi cúi đầu kính chào…Giáo hội xứng đáng được danh thơm muôn thuở”.
Ngày 11-6-1933, khi tấn phong cho Đức cha GB Nguyễn Bá Tòng, vị GMVN đầu tiên, Đgh Piô XI đã tặng GHVN danh hiệu : “Trưởng Nam của các GHCG Á Đông”.
Chẳng những các ngài làm thơm danh cho Giáo Hội Việt Nam, mà còn làm nẩy sinh nhiều hoa trái, vì ông Téc-tu-li-a-nô đã quả quyết : “Máu Các Thánh Tử Đạo trổ sinh đức tin”.
Hôm nay chúng ta chẳng những ca ngợi lòng can đảm của các ngài, chúng ta còn cám ơn các ngài. Nhờ các ngài đã anh dũng chết, chúng ta được đức tin : tin vào Chúa, tin vào đạo (13-11-2011)
____________
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Hôm nay lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tại sao các thánh dám chết vì Chúa, vì đạo ? Lời Chúa trong ba bài đọc thánh lễ nêu ra ba lý do :
Bđ1 : sự sống lại đời sau.
BTM : sự thưởng phạt đời sau
Bđ2 : tình yêu của Chúa Giêsu
Bđ1 : Vào quãng thế kỷ II trước CG giáng sinh, nước Do Thái bị người Syri đô hộ. Vua Syri cấm người Do Thái thờ phượng Chúa, bắt người Do Thái thờ các tà thần của người Syri. Từ già đến trẻ đều sẵn sàng chết cho Thiên Chúa, chứ không chịu bỏ đạo. Sách Ma-ca-bê đã kể lại những cái chết anh hùng vì Chúa của người Do Thái.
Bđ1 hôm nay ghi lại lý do mà người mẹ khuyến khích 7 người con sẵn sàng chết vì Chúa. Bà nói với đứa con út : “Con hãy thương mẹ : chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu…Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót. Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ” (2Mcb 7,27.29).
Lý do bà khích lệ các con can đảm chết : đó là sự sống lại ở đời sau : “Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ”.
BTM : Trong BTM, lý do Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta chịu đựng đau khổ là sự thưởng phạt đời sau. Chúa Giêsu nói : “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Lc 9,26).
Bđ2 : Còn trong bđ2, lý do mà thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma chịu khó vì đạo : đó là tình yêu của Chúa Giêsu : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu đế sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35-37).
Hàng hàng lớp lớp người Công giáo Việt Nam đã anh dũng chết vì đạo, chết vì Chúa, cũng chỉ vì tin vào lòng Chúa yêu thương, tin vào sự sống lại ở đời sau, và tin vào sự thưởng phạt đời sau.
Thánh Anê Lê Thị Thành là người xứ Phúc nhạc, Phát Diệm. Thánh nữ bị bắt vì đã cho các cha ẩn nấp trong nhà. Thánh nữ bị đeo gông đi bộ tới nhà tù Nam Định. Gông quá nặng, thánh nữ bị té ngã nhiều lần. Tới nhà tù, thánh nữ vui mừng được giam chung với hai nữ tu Mến Thánh Giá là Anna Kiêm và Anê Thanh. Hai nữ tu khích lệ, an ủi thánh nữ.
Sáu ngày sau, thánh nữ bị điệu ra toà án. Quan tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh bắt thánh nữ chối đạo, bỏ Chúa, thánh nữ nhất mực đáp : “Tôi chỉ thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa”.
Quan truyền đánh đòn. Đánh bằng roi cũng chẳng làm cho thánh nữ sợ hãi, quan truyền đánh bằng gậy, bằng cây. Khi chồng vào thăm, thánh nữ nói : “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông cũng không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức”.
Lần tra khảo thứ hai, thấy thánh nữ không chịu bước qua Thánh Giá, quan truyền lôi qua, nhưng thánh nữ đã sấp mình xuống đất và cầu xin : “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh ép con bước qua Thánh Giá”.
Lần tra khảo thứ ba, quan truyền lấy rắn độc bỏ vào người thánh nữ, nhưng Chúa đã gìn giữ. Quan tức giận cho đánh đòn đến kiệt sức, phải có người dìu đem vào trong tù. Cô Luxia Nụ, cô gái út, vào thăm. Thấy mẹ máu me đầy người, cô khóc. Thánh nữ nói : “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy. Mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc ?” Bà còn dặn : “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo các anh chị coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên đàng”.
Biết mình sấp chết, thánh nữ cầu nguyện : “Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con”.
Trong giờ hấp hối, thánh nữ phó dâng cho Ba Đấng : “Giêsu, Maria, Giuse ! Con xin phó dâng linh hồn và xác con trong tay Ba Đấng. Xin ban cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự”.
Thánh nữ tắt thở, về nhà Chúa ngày 12-7-1841, thọ 60 tuổi (14-11-2010)
______________
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Hôm nay lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đúng ra phải nói Các Thánh Tử Đạo ở Việt Nam, vì trong số 118 thánh có 23 vị là người nước ngoài :
– 10 vị người Pháp
– 13 vị người Tây Ban Nha.
Trong số 118 thánh, có
– 8 giám mục,
– 50 linh mục,
– 15 thầy giảng,
– 1 chủng sinh và
– 44 giáo dân.
Các thánh bị giết suốt 5 triều đại :
– thời Trịnh Nguyễn : 5 vị,
– thời Tây Sơn : 2 vị,
– thời Minh Mạng : 58 vị,
– thời Thiệu Trị : 3 vị,
– thời Tự Đức : 50 vị.
Các vị đã phải chịu đủ mọi loại hình khổ :
– 1 vị bị bá đao (cắt từng miếng thịt, đủ 100 miếng),
– 4 vị bị lăng trì (chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu,
– 6 vị bị thiêu sinh (đốt sống),
– 76 vị bị trảm (chém đầu),
– 22 vị bị giảo (tròng giây qua cổ, hai người cầm hai đầu giây kéo cho đến chết),
– 9 vị chết rũ tù.
Một điều lạ là trong số 118 vị thánh chỉ có 1 thánh nữ Anê Lê thị Thành, nhất là không có một nữ tu nào, đặc biệt các nữ tu dòng Mến Thánh Giá đã được thành lập từ năm 1670. Nhưng trong cuốn “Sống Đạo”, cha Hồng Phúc viết : “Đã có một thỉnh nguyện thư xin phong Chân Phước cho một con số không lồ là 1315 vị ‘Tôi tớ tử đạo Việt Nam’ được đệ trình ngày 14-11-1917. Trong đó có hơn 200 nữ tu dòng Mến Thánh Giá, với lý lịch rõ ràng, đã đóng góp xương máu để xây dựng Giáo Hội Việt Nam từ lúc ban đầu” (trang 448).
Đó mới chỉ là những vị đã được phong thánh hay đang xin phong chân phước, chứ những người chết vì đạo, vì Chúa, con số còn đông hơn nhiều. Trong cuốn “Lịch Sử Những Cuộc Bách Đạo tại VN” in tại Paris, ông Trần Minh Tiết viết : “Các vị tử đạo Việt Nam, nếu xếp hàng 4 mà diễn hành trước khán đài, thì phải kéo dài tới 6 tiếng đồng hồ”.
Qủa vậy, cứ nhìn những hình phạt vua chúa giáng xuống , thì cả hàng trăm ngàn người Công giáo đã chết vì Chúa. Trong hai thời vua Minh Mạng và Tự Đức là nhiều nhất. 118 vị thánh thì có 105 vị chết dưới thời hai ông.
Đọc lại sắc chỉ cấm đạo của các vua, mới thấy cha ông chúng ta bị đối xử khốn khổ dường nào, chẳng hạn chiếu chỉ “Phân Sáp” của vua Tự Đức ban hành ngày 5-8-1861 như sau :
– “ Điều 1 : Phàm các tín đồ Datô giáo, bất luận nam phụ lão ấu, kể cả những người đã xuất giáo lâu năm (nghĩa là đã chối đạo), đều phải phân sáp vào các làng lương dân”.
– “Điều 2 : Mỗi làng lương dân phải nhận canh giữ một số tín đồ Datô giáo, theo thể thức này là cứ 5 lương dân phải nhận canh giữ quản thúc 1 người Datô giáo”.
– “Điều 3 : Các làng Datô giáo phải bị triệt hạ bình địa”. “
– “Điều 4 : Tất cả ruộng nương, vườn đất thuộc tín đồ Datô giáo đều phải bị phân chia cho các làng lương dân kế cận, để những người này canh tác và nộp thuế cho triều đình”. “
– “Điều 5 : Mỗi tín đồ Datô giáo phải bị thích tự vào má, một bên chữ ‘Datô tả đạo’, một bên tên xã, huyện của tội nhân”.
Làng mạc thì bị tàn phá, của cải thì bị tịch thu, bản thân thì bị truy lùng. Nếu có ai chạy được, thì chạy lên núi cao, chạy vào rừng rậm, như ở La Vang, Huế. Nếu không chạy thì bị quân lính bao vây, bắn phá, như ở Trà Kiệu, Quảng Nam. Quân Văn Thân đã bao vây Trà Kiệu tất cả 21 ngày. Họ đánh bằng súng nhỏ, súng đại bác, voi; trong khi đó giáo dân chỉ có giáo mác và kinh Mân Côi.
Gần chúng ta như ở Trảng Bàng, Tây Ninh nhà thờ bị đốt, dân bị đuổi ra khỏi làng; ở họ Thơm, Bà Rịa gần 100 giáo hữu bị ném xuống giếng; ở Tân Triều, Biên Hòa bị bắn phá; ở Búng, Bình Dương nhà thờ nhà xứ bị đốt cháy…
Cha Bùi Đức Sinh đã viết : “Từ năm 1858 đến 1862, 5 năm ác liệt nhất : 120 linh mục bị giết, 50 nữ tu viện bị phá hủy, 2000 nữ tu phải chạy trốn, gần 100 nữ tu bị giết, các chủng viện phải đóng cửa, một số lớn thầy giảng chủng sinh phải hy sinh, số câu biện bị bắt lên tới 10.000, qúa nửa đã chết vì đạo, trên 100 làng Công giáo bị phá bình địa, 2000 họ đạo bị tịch thâu tài sản ruộng đất, nhà thờ nhà chung nhà trường bị triệt hạ, các lũy tre cũng như các rặng cây cao bị chặt nhẵn nhụi. Từ Nam Quan đến cà Mau 300.000 giáo dân bị phân sáp, gia đình tan tác, vợ chồng con cái mỗi người một ngã, các phụ nữ chưa chồng hoặc goá chồng phải kết hôn với người ngoại đạo, các thiếu nữ vô tội phải làm tôi các quan hay bị trao nộp cho kẻ dâm ô phóng đãng. Gần 40.000 giáo dân chết trong các cuộc đại khủng bố, những ai sống sót thì cũng khổ sở bơ vơ” (Giáo Hội Công Giáo Ở VN, Tập II, trang 477).
Với chết chóc, tàn phá, khổ sở như thế, nên sử gia Launay, người Pháp đã ca ngợi rằng :”Hỡi Gíáo Hội Việt Nam, 1 trong những Giáo hội bị bắt bớ hà khắc nhất trong các Giáo hội trên thế giới, 1 trong những Giáo hội kiên vững lạ lùng. Chúng tôi cúi đầu kính chào. Và bởi vì hy sinh càng lớn lao thì vinh quang càng sáng chói. Giáo Hội Việt Nam xứng đáng được danh thơm muôn thuở, ngang hàng với những Giáo hội anh hùng nhất ở Tây phương”.
Ngày 11-6-1933 trong nghi lễ tấn phong Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Giám mục người Việt Nam tiên khởi, Đức Giáo hoàng Piô XI đã tặng Giáo hội Việt Nam danh hiệu “Trưởng Nam của các Giáo hội tại Á Đông” tương tự như Giáo hội Pháp là “Trưởng Nữ của các Giáo hội ở Aâu châu”.
__________________
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Ngày 19-6-1988, lễ phong thánh tại quảng trường thánh Phêrô, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được ghi danh trong Sổ Bộ Các Thánh của Giáo Hội hoàn cầu. CTTĐVN được kính nhớ vào ngày 24-11 hằng năm. Từ nay tập truyện các thánh nào trong Giáo Hội cũng đều kể về cuộc đời của các ngài. Có một cuốn sách tên là “Saint of Day” (Thánh Trong Ngày) in tại Hoa Kỳ tháng 3-2003 đã viết về Các Thánh Việt Nam như sau :
“Anrê Dũng Lạc là một trong 117 vị tử đạo ở Việt Nam từ năm 1820 đến 1862. Số vị trong nhóm này được phong chân phước vào 4 dịp khác nhau từ năm 1900 đến 1951. Tất cả các ngài đều được Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phong hiển thánh năm 1988. Đạo Công Giáo vào VIỆT NAM ( ba vương quốc khác nhau) do các người Bồ Đào Nha. (Ba vương quốc khác nhau là Đàng Ngoài, Đàng Trong và Chiêm Thành).
Lãnh thổ Việt Nam nhỏ bé chỉ đến Châu Cực nam là Hoan châu, Hà Tĩnh ngày nay. Biên giới phía nam của An Nam là núi Hoành Sơn. Từ Đèo Ngang, Quảng Bình, Quảng Trị đến Bình Thuận là đất nước Chiêm Thành với kinh đô Trà Kiệu. Miền Nam, Miền Tây thuộc vương quốc Phù Nam, Stiêng, Chu Nại, Lục Chân Lạp, Thuỷ Chân Lạp, Campuchia.
Việt Nam thực hiện Cuộc Nam Tiến bắt đầu từ thời Lê Đại Hành mở mang bờ cõi về phía nam.
Thời nhà Trần, Vua Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 3 châu (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế).
Thời nhà Hồ tiến vào Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng vượt biên giới núi Thạch Bi (Phú Yên) tiến về phía Nam, cho đến năm 1697 đặt phủ Bình Thuận. Năm 1757, tháp nhập Hà Tiên vào Đại Việt, chấm dứt cuộc Nam Tiến.
Việt Nam với bản đồ chữ S đã hình thành. Như thế chỉ chừng nửa đầu thế kỷ 18, người Việt đã hoàn thành cuộc bành trướng của dân tộc từ Bình Thuận chiếm trọn Nam kỳ (Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, tập I, 1994).
Sách viết tiếp : “Các vị tu sĩ dòng Tên đã khởi đầu cuộc truyền giáo thường xuyên tại Đà Nẵng vào năm 1615. Các ngài phục vụ những người Công giáo Nhật Bản vì bị bách hại, trốn ra khỏi nước, chạy đến đây.
Vua của một trong các vương quốc trục xuất tất cả các thừa sai ngoại quốc và cố gắng làm cho người Việt Nam bỏ đạo bằng cách bắt đạp lên Thánh Giá. Giống như ở Ái Nhĩ Lan trong thời người Anh bắt đạo có những hố dưới đất cho các linh mục ẩn trốn, thì ở VIỆT NAM cũng có nhiều nơi ẩn trốn cho các tín hữu như thế.
Vào thế kỷ 19 có 3 cuộc bắt đạo được phát động. 10 năm sau năm 1820 đã có từ 100.000 đến 300.000 tín hữu bị giết và bị tù đày lao động khổ sai. Các thừa sai ngoại quốc tử đạo trong đợt đầu tiên là những linh mục thuộc Hội Thừa Sai Pari, dòng Đaminh Tây Ban Nha và các vị dòng Ba.
Cuộc bắt đạo nổ ra năm 1847 khi vua nghi ngờ các vị thừa sai Công giáo và các tín hữu VIỆT NAM ủng hộ cuộc nổi loạn của một hoàng tử.
Các thánh tử đạo cuối cùng là 17 gíáo dân, một người trong số đó mới có 19 tuổi, bị hành hình năm 1862. Năm đó hoà ước ký với Pháp bảo đảm tự do tôn giáo cho người Công giáo, nhưng vẫn chưa ngùng bách hại...
Sách còn viết tiếp : “Một trong ba vị giám mục Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam vào tháng 1-1989, về nói : ‘Giáo hội Việt Nam sống động và mạnh mẽ, có một hàng giám mục cương quyết và trung thành, một hàng tu sĩ dân thân và một hàng giáo dân can đảm chịu khó…Với sự kiên trì và hăng hái, Giáo hội VIỆT NAM sống Phúc Âm trong một hoàn cảnh khó khăn”.
Kể cả thầy giảng Anrê Phú Yên, chúng ta hiện có tất cả 118 vị thánh tử đạo : 8 giám mục, 50 linh mục, 15 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân. Các hình khổ các ngài chịu thật đau đớn.
Ngày 1-10-2000, Đgh GP.II đã phong cho Giáo hội Trung Quốc 120 vị thánh tử đạo. Chúng ta chỉ đứng sau Giáo hội Trung Hoa. Thế nhưng theo cha Hồng Phúc, tại Roma đã có một thỉnh nguyện đề ngày 14-11-1917, xin phong thánh cho 1315 vị , trong đó có hơn 200 chị nữ tu Mến Thánh Giá (Sống Đạo, trang 448).
Trong cuốn “Lịch Sử Những Cuộc Bắt Đạo Tại VN” in tại Pari, Pháp, Ô. Trần Minh Tiết đã viết : “Các vị tử đạo VN, nếu xếp hàng 4, mà diễu hành trước khán đài, thì phải kéo dài 6 tiếng đồng hồ mới hết”, nghĩa là khoảng chừng 130.000 vị. Ông Launay, sử gia Pháp cất tiếng ca khen : “Hỡi GHVN, 1 trong những GH bị bắt bớ hà khắc nhất trong các GH trên thế giới, 1 trong những GH kiên vững lạ lùng. Chúng tôi cúi đầu kính chào…Giáo hội xứng đáng được danh thơm muôn thuở”.
Ngày 11-6-1933, khi tấn phong cho Đức cha GB Nguyễn Bá Tòng, GMVN đầu tiên, Đgh Piô XI đã tặng GHVN danh hiệu : “Trưởng Nam của các GHCG Á Đông”.
Nhà văn Bernanos đã nói : “Làm thánh là một cuộc mạo hiểm, là một cuộc mạo hiểm độc đáo”. Còn Chúa Giêsu trong bài TM đại lễ hôm nay nói : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Và quả vậy, cuộc đời của các ngài là một cuộc mạo hiểm, đầy thánh giá : thánh giá trong đời sống gia đình, thánh giá đối với hàng xóm láng giềng, thánh giá trong việc giữ đức tin.
Song như Chúa Kitô, các ngài đã biến thánh giá, khổ đau thành niềm vui cho mình và cho đồng loại. Nên lời nguyện đâu lễ, chúng ta đã cám tạ các ngài rằng : “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho HTVN nhiều chứng nhân anh dũng, để hạt giống đúc tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại : luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng”. Amen (14-11-2004)
—————————-
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lễ Các Thánh Tử Đạo VN là dịp để chúng ta nhìn lại những ngày tháng đầu tiên hạt giống Tin Mừng được gieo trên đất Việt, khai sinh ra Giáo hội Việt Nam.
Khi nước Việt Nam còn mang tên Giao Chỉ, là 1 trong những quận của Trung Quốc, năm 187 ông Sĩ Nhiếp được sai sang Việt Nam làm thái thú. Ông ở Cửu Chân, Thanh Hóa. Ông là người Công giáo. Ông đã dựng một nhà thờ có treo Thánh Giá trong dinh.
Năm 1523 ông Duarte được vua Bồ sai sang Việt Nam để điều đình về việc buôn bán. Vì VN đang có chiến tranh, ông không thể gặp được. Trước khi về, ông đặt một cây Thánh Giá lớn tại Cù Lao Chàm, Quảng Nam. Năm 1556, 30 năm sau, cha Fernao Mendes Pinto, Dòng Tên, khi đi ngang qua Cù Lao Chàm còn trông thấy Thánh Giá.
Sách Khâm Định Việt Sử có ghi lại như sau : “Năm Nguyên Hòa nguyên niên (1533) đời Lê Trang Tông, có một dương nhân, tên là I-Ni-Khu đi đường biển lén vào giảng đạo Datô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân, và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy” . Đây là vị thừa sai được nói đến trong sách sử của Việt nam.
Năm 1549 thánh Phanxicô đi thuyền từ Malaysia tới Trung Quốc, thuyền bị bão, ghé vào Cửa Bạng, Thanh Hóa. Tại Cửa Bạng, ngài đánh rơi tràng chuỗi. Có một con cua lớn đội tràng chuỗi lên cho ngài. Ngài cám ơn bằng cách làm dấu Thánh Giá chúc lành. Từ đó, cua ở Cửa Bạng có hình Thánh Giá trên mu.
Năm 1573 vua Lê Thế Tông lên ngôi, mới có 7 tuổi, nên công chúa Chiêm điều hành việc nước. Bà sai sứ sang tận Goa, Ấn Độ mời các cha sang truyền đạo ở Việt Nam.
Khoảng năm 1580 ông Đỗ Hưng Viễn người làng Bồ Trung, Thanh Hóa được sai sang Macao, Trung Quốc, bàn về chuyện buôn bán, ông đã được rửa tội tại Macao.
Cuối năm 1582 các cha ở Macao, sai một tu sĩ Phan sinh tên là Antôn và một thầy giảng, cả hai là người Việt, về Việt Nam giảng đạo.
Đầu năm 1583 công chúa Chiêm lại sai sứ sang Macao xin gửi thừa sai sang Việt Nam. Không có người, nên Đức cha Carneiro tặng một số ảnh và Thánh Giá.
Đêm 1-5-1583 thuyền của hai cha Diego de Operosa và De Montilla cùng thầy Villorino từ Philíppin sang An Quảng, Quảng Yên, Hải Phòng. Được đón tiếp long trọng, được phép dâng thánh lễ trên đất liền. Nhà vua ở Thăng Long được tin mời đến, nhưng thuyền bị gió đi vào đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Năm 1585 cha Batolomê Ruiz tới Thăng Long, có một nữ giáo dân người Việt làm thông ngôn. Bị các thầy sãi chống đối, nên trước khi về Manila, cha chỉ rửa tội được 1 em bé sắp chết.
Năm 1588 vua Lê lại sai sứ sang Macao . Đức cha sai hai cha là cha Gonsales 60 tuổi và cha Alfonso da Costa 50 tuổi sang Việt nam. Hai cha theo sứ giả đến Thanh Hóa. Cuối năm hai cha trở lại Macao.
Năm 1590 thuyền của cha Pedro Ordonnez de Cevallos dạt vào Việt nam. Cha tới An Trường, Thanh Hóa. Đêm vọng lễ Giáng sinh năm 1590 cha được phép gặp vua Lê Thế Tông. Công chúa Chiêm mến phục cha. Có lần công chúa hỏi cha : “Chẳng hay ông có vợ con chưa” ? Cha trả lời : “Tôn nương không biết đó thôi, là linh mục Công giáo, luật đạo không cho phép có bạn đời”. Công chúa buồn rầu nói : “Ồ, thật là một luật lệ cay nghiệt” ! Cha trả lời : “Thưa tôn nương, đó là một luật lệ đứng đắn của Giáo Hội, mà một linh mục tự nguyện tuân theo”. Công chúa thốt lên : “Lạ thật” ! Vua Lê Thế Tông đề nghị cha cưới công chúa, nhưng cha từ chối. Công chúa xin theo đạo. Ngày 22-5-1591 công chúa được rửa tội cùng với 71 người nữa. Công chúa lấy tên thánh là Maria, quen gọi là công chúa Mai Hoa. Công chúa lập tu viện mang tên Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ngày lễ thánh Gioakim và Anna, ngày 26-7-1591, cha dâng thánh lễ đầu tiên và cũng là lễ khấn của 51 chị. Công chúa Mai Hoa là bề trên. Người ta trở lại ngày một đông, công chúa Mai Hoa xin một mảnh đất lập “Làng Datô” tập họp được 400 nguời công giáo.
Năm 1596 hai cha dòng Đaminh ở Manila là Alonso Jimenez và Diego Aduarte cùng một thày trợ sĩ đi thuyền đến Kampuchia, nhưng không thành công. Thuyền ba người đi theo Biển Đông qua Cù Lao Chàm thấy Thánh Giá lớn dựng ở đó. Các cha tới Đànẵng gặp hai cha dòng Augutinh làm tuyên úy cho thuyền người Bồ buôn bán tại đó. Cha Alonso Jimenez khuyên được hai tù nhân bị án tử hình chịu phép rửa tội và cha đã làm lễ an táng cho hai người.
Như chúng ta thấy việc truyền giáo có tính cách lẻ tẻ, chưa có tổ chức, nhất là các thừa sai không biết nói tiếng bản xứ. Phải đợi đến các cha dòng Tên, việc truyền giáo mới liên tục và đạt thành qủa tốt đẹp. Sau 12 ngày lênh đênh trên biển cả, con tầu chở hai cha Francesco Buzomi và Diego Cavalho, cùng hai thầy trợ sĩ người Nhật từ Macao tới cửa Hàn, Đànẵng ngày 18-1-1615. Sau đó vào Hội An. Cha Cavalho và hai thầy trợ sĩ phụ trách giúp người Nhật đang lánh nạn vì bị Nhật Hoàng bắt đạo. Còn cha Buzomi thì lo truyền đạo cho người Việt, dựng được nhà thờ đầu tiên ở Đà Nẵng. Sau 4 tháng, vào lễ Phục Sinh, cha Buzomi đã rửa tội được 10 người, 10 bông hoa đầu mùa.
Hai năm sau, năm 1617, thêm ba thừa sai, trong đó có cha Pina, người nói sỏi tiếng Việt. Cha Buzomi và cha Pina vào Qui Nhơn truyền giáo. Rồi cha Pina ra Huế và rửa tội cho bà Minh Đức Vương Thái Phi. Cha Đắc Lộ đã viết về bà như sau : “Bà là chỗ nương tựa của giáo đoàn mới khai sinh. Gương mẫu và thế lực của bà đã trợ giúp rất nhiều vào công việc truyền đạo cho dân lương, và làm cho những người đã chịu phép rửa vững đức tin”.
Công việc truyền giáo thêm phấn khởi khi cha Alexandre de Rhodes, tên Việt Nam là Đắc Lộ, đến Hội An ngày 7-12-1624.
Chưa đầy 3 năm, cha Đắc Lộ được sai ra Bắc truyền giáo. Thuyền của Cha tới Cửa Bạng, Thanh Hóa vào đúng ngày lễ thánh Giuse 19-3-1927. Cha viết sách Giáo Lý, tổ chức Tuần Thương Khó và nhất là lập Hội Thầy Giảng. Được 3 năm, cuối tháng 3-1629 cha bị trục xuất, xuống thuyền ra khỏi Miền Bắc. Giáo dân đứng chật hai bên bờ khóc lóc buồn bã, tiễn biệt cha. Sau này cha Marini đến, có nhận xét về giáo dân Miền Bắc như sau : “Dân chúng có thuần phong mỹ tục, giáo dân lòng đạo đức sót sắng”(GHCG ở VN, T.I, trang 165). Còn cha Tissanier nhận xét : “Giáo dân đã sống một đời sống thánh thiện thanh bạch, người bên luơng đều cảm phục, thú nhận rằng đạo các cha dạy là đạo thánh thiện, không thể chê trách được điều gì” (Sđd, trang 170).
Cha Đắc Lộ thương yêu Giáo hội VN, nên đầu tháng 2-1640 cha quay trở lại VN. Cha tới Hội An. Cha đến, rồi cha lại phải ra đi. Cả thảy bốn lần, không kể lần đầu năm 1624. Qua kinh nghiệm ở Miền Bắc, Các Thầy Giảng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạo, nhất là trong thời cấm đạo. Do đó cha đã tổ chức Hội Thầy Giảng. Ngày 31-7-1643, tại nhà thờ Hội An, 10 thầy long trọng khấn hứa.
Thầy Anrê, 1 trong 10 thầy, là người Phú Yên. Lần thứ hai cuối năm 1640 cha đã tới Phú Yên. Mẹ và Thầy đã được cha rửa tội. Lần thứ ba là cuối tháng 1-1642 cha tới thăm giáo đoàn Phú Yên và Thầy đi theo cha ra Hội An. Thầy đã bị bắt và tử đạo ngày 26-7-1644. Thi hài của Thầy được ướp muối đem về chôn tại trụ sở Dòng Tên ở Macao; còn đầu của Thầy cha Đắc Lộ đem về Nhà Mẹ Dòng Tên ở Rôma. Nhà thờ Macao bị cháy, nên hài cốt của Thầy đã hòa chung với những hài cốt khác; song đầu của Thầy ở Rôma nay vẫn còn.
Đến lần thứ tư, ngày 3-7-1645 thì Cha Đắc Lộ bị trục xuất và ra đi vĩnh viễn. Trước khi cha ra đi, cha bị giam 22 ngày tại Hội An ở trong nhà một người Nhật. Người Nhật tên thánh là Phanxicô đã tìm cách cho cha gặp giáo dân. Ở bên cạnh nhà ông có một nhà người công giáo. Giáo dân khắp nơi đã bí mật tới nhà đó chờ cha. Đêm đến cha trèo qua cửa sổ sang nhà bên cạnh giải tội, rửa tội, giảng dạy và dâng thánh lễ, tới 2 giờ sáng cha lại leo qua cửa sổ trở lại nhà người Nhật. Cha ra đi mà lòng cha vẫn thương nhớ VN. Cha tới Roma xin Đức Giáo hoàng bổ nhiệm giám mục cho VN. Đức Giáo hoàng muốn cha làm Giám mục, cha khiêm nhường từ chối. Cha về Pháp tìm người.
Ngày 17-8-1658 Đức Giáo hoàng đã bổ nhiệm hai cha Francois Pallu và cha Lambert de La Motte làm Giám mục. Ngày 9-9-1659 Đức Giáo hoàng thiết lập hai giáo phận tiên khởi là Giáo phận Đàng Ngoài ở Hà Nội và Giáo phận Đàng Trong ở Hội An.
Cuối năm 1654, mặc dầu đã hơn 60 tuổi, cha Đắc Lộ xin đi Ba Tư truyền giáo, và cha đã qua đời tại đó ngày 16-11-1660. Cha Đắc Lộ chẳng những có công xây dựng giáo đoàn Miền Bắc, Miền Nam; mà cha còn có công trong việc hình thành chữ Quốc Ngữ. Nhờ đó dân tộc Việt Nam ngày nay được xử dụng ngôn ngữ của mình theo mẫu tự Latinh, chứ không phải viết bằng chữ Nho như các nước khác.
Lễ Các Thánh TĐVN, chúng ta nhìn lại những ngày đầu Tin Mừng đến với dân Việt. Tin Mừng đã được vun trồng bằng nước mắt và máu hồng. Nhờ đó mà Tin Mừng đã tồn tại và lớn mạnh, như lời ông Tertulianô : “Máu các thánh Tử Đạo là hạt giống Đức tin” hay như lời đáp ca trong thánh lễ hôm nay :”Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”
Linh mục Nguyễn Trung Thành