Chúa Nhật III Mùa Vọng – năm A
CN.3.MV.A
(Is 35, 1-10; Gc ,7-10; Mt 11,2-11)
Thứ tư ngày 11-12-2013, tuần báo Time, tuần báo nổi tiếng của Mỹ, đã chọn Đức giáo hoàng Phan-xi-cô là nhân vật của năm 2013. Nhân vật trong năm là người có ảnh hưởng trên thế giới nhất trong năm.
Tuần báo Time đã nêu ra lý do : “Chỉ trong vài tháng lên ngôi (lên ngôi tháng 3-2013), ĐGH Phan-xi-cô đã đưa Giáo Hội trên con đường phục vụ thành công. Khi ngài đi thăm người tỵ nạn, rửa chân cho tù nhân, đến tận khu ổ chuột, ôm người tật nguyền, đón nhận trẻ em…ở tất cả mọi nơi, những ai đã gặp Ngài đều nhận ra được tình thương sâu thẳm từ trái tim nồng ấm của Giáo Hoàng. Qua truyền thông hàng triệu trái tim theo dõi và cảm nhận ra những cử chỉ nhân từ của người mục tử áo trắng này, kể cả người Công Giáo lẫn người khác tôn giáo.”
Báo Time viết tiếp : “Ngài bỏ cái thói quen ban tước đức ông cho các linh mục như phương cách dẹp bỏ đầu óc ham hố chức quyền, thay vào đó, kêu gọi họ đặt nặng việc phục vụ. Theo ngài, các ứng viên giám mục phải là “người hiền từ, nhẫn nại và thương người, được thúc đẩy bởi sự nghèo khó bên trong, bởi sự tự do của Chúa và bởi tính đơn sơ bề ngoài, và cuộc sống khắc khổ”.
Chương trình một ngày sống của Đức giáo hoàng như sau :
Ngài bắt đầu một ngày bằng việc cầu nguyện. Ngài thức giấc lúc 5 giờ sáng và cầu nguyện cho tới 7 giờ, rồi đi dâng lễ tại nhà nguyện Thánh Marta. Sau Thánh Lễ, ngài cầu nguyện nữa và cầu nguyện tới khi ăn sáng. 8 giờ sáng ngài bắt đầu làm việc. Ngài đọc giấy tờ cho tới 10 giờ, rồi gặp các thư ký, các Hồng Y, giám mục, linh mục và giáo dân tới trưa, sau đó là ăn trưa và nửa giờ nghỉ trưa. 6 giờ chiều ăn tối. Ăn tối xong cầu nguyện trước Thánh Thể. Ngài thú nhận đôi khi ngủ gục vào lúc này, nhưng cho hay “ngủ gục trước nhan Chúa là điều tốt”. Ngài thường đi ngủ khoảng lúc 10 giờ.
Tờ Washington Post-ABC News poll đã hỏi ý kiến dân Mỹ về Đức giáo hoàng, họ trả lời : “92% có một cái nhìn tích cực với ĐGH Phanxicô và 95% hài lòng với Giáo Hội.”
Tóm lại người ta có cái nhìn tốt về Đức Gíáo Hoàng. ĐGH sống khiêm nhường, sống tha thứ, sống cho người nghèo, sống cho người xấu số.
BTM : Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô là hình ảnh, là hình bóng của Chúa Giê-su. BTM thánh lễ hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm chân dung nhân từ hiền hậu của Chúa Giê-su.
Ngồi trong tù, thánh Gio-an Tẩy giả sai một số môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su : “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” (Mt 11,3). Chúa Giê-su trả lời : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-6).
Bđ1 : Những lời Chúa Giê-su nói giống như những lời của Thiên Chúa, Cha của Người. Bđ1 ngôn sứ I-sai-a đã ghi lại lời Thiên Chúa nói với dân Do Thái khi bị lưu đày bên Ba-by-lon : “Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,5-6a).
Thiên Chúa sống cho người nghèo, thương cảm với người đau khổ. thì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng sống như Chúa Cha. Đức giáo hoàng là hình ảnh Chúa Giê-su cũng sống giống như Chúa Giê-su.
Còn chúng ta sống giống ai ?
Bđ2 : Bđ2 thánh Gia-cô-bê đã khuyên các tín hữu của ngài : “Anh em đừng phàn nàn, kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa” (Gc 5,9).
Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa, nghĩa là Chúa Giê-su sắp sinh xuống trần, sắp đến ở với chúng ta. Vậy lễ Giáng sinh năm nay, chúng ta hãy cố gắng “đừng phàn nàn, kêu trách lẫn nhau”, hãy sống khiêm nhường, tha thứ như Đức giáo hoàng Phan-xi-cô (15-12-2013).
———————————
CN.3.MV.A
Khi thấy công cuộc truyền giáo ở Miền Nam rất kết quả, quá lòng mong ước. Mới 11 năm, kể từ năm 1615 hai cha dòng Tên đặt chân lên Đà Nẵng, mà cả ngàn người theo đạo, nhà thờ được dựng lên ở Đà Nẵng, ở Hội An, ở Vĩnh Điện, ở Qui Nhơn và cả ở Huế. Năm 1626, cha Bề trên dòng Tên ở đảo Macao, Trung Quốc, sai cha Bal-di-not-ti tới Miền Bắc giảng đạo. Dầu cha ăn mặc kiểu nhà tu rất đơn giản, nhưng chúa Trịnh Tráng rất trọng nể cha, hơn cả vị thuyền trưởng ăn mặc sang trọng. Chúa Trịnh cử một vị cao tăng danh tiếng tiếp đãi cha. Song cha không thành công, chỉ rửa tội được 4 trẻ nhỏ sắp chết, vì cha không biết nói tiếng Việt. Cha đành phải trở về Macao.
Nhận thấy cha Alexandre de Rhodes, tên Việt là Đắc Lộ, mới tới Hội An được 3 năm đã nói tiếng Việt lưu loát, cha Bề trên sai cha ra Miền Bắc. Vì Bắc Nam lúc đó đánh nhau, sợ bị nghi là gián điệp của nhà Nguyễn Miền Nam gửi ra Bắc, cha Đắc Lộ về Macao, rồi mới lên thuyền ra Bắc. Thuyền bị bão dạt vào Cửa Bạng, Thanh Hóa đúng ngày lễ thánh Giuse 19-3-1627.
Từ lâu đã nghe nói đến người Bồ Đào Nha đem ngọc quí, lụa đẹp đến Hội An buôn bán, dân chúng đổ xô ra cửa biển, để được ngắm tận mắt, sờ tận tay ngọc quí, lụa đẹp. Như Chúa Giêsu ví Nước Trời là những viên ngọc quí, là những kho tàng vô giá, cha Đắc Lộ cũng ví Chúa là ngọc quí, là lụa đẹp. Ở lại Cửa Bạng có 2 tuần lễ mà cha Đắc Lộ đã rửa tội được 32 người. Trong đó có ba người danh giá là một vị nho sĩ, một vị cao tăng và một vị đại gia (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo ở VN, tập I, trang 92-93).
Lời Chúa trong ba bài đọc thánh lễ hôm nay cũng nói đến Chúa là niềm vui, là kho tàng vô giá.
Bđ1 : Ngôn sứ I-sai-a đã an ủi những người Do Thái đang bị lưu đày ở Ba-by-lon, tức là nước I-rak ngày nay. Ngày Chúa giải thóat khỏi cảnh lưu đày sắp đến. Ngày giải cứu đó làm cho đất trời vui, như sa mạc, đồng khô, đất hoang nở hoa, và làm cho lòng người khỏi run sợ, chân tay khỏi bủn rủn. Ngôn sứ I-sai-a nói : “Can đảm lên, đừng sợ ! Thiên Chúa của anh em đây rồi…Người sẽ đến cứu anh em !” (Is 35,4).
Bđ2 : Niềm vui Chúa đến cứu thóat được thánh Gia-cô-bê ví như người nhà nông kiên nhẫn chờ ngày lúa trổ bông : “Kìa xem người nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quí giá; họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa” (Gc 5,7).
BTM : Để được ngày vui vai nặng gánh lúa về, người nhà nông phải chịu đựng biết bao nỗi nhọc nhằn. Trong BTM thánh lễ, Chúa Giê-su ca ngợi thánh Gio-an cao trọng “hơn cả ngôn sứ” (Mt 11,9). Ông không phải là “cây sậy phất phơ trước gió” (11,7), để rồi không dám lên tiếng tố cáo tội ngoại tình, tội chiếm vợ anh mình của vua Hê-rô-đê; ông cũng không phải là “người mặc gấm vóc lụa là” (11,8) như những ông quan ở triều đình ăn sung mặc sướng, bóc lột đồng bào; song ông là một sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến : “Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng : ‘Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho con đến (11,10).
Tuy thánh Gio-an cao trọng, nhưng cũng chưa bằng con cái Nước Trời. Chúa Giê-su nói : “Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (11,11).
Chúng ta có hãnh diện là con Chúa, là người Công giáo không ?
Thánh linh mục Phaolô Lê Văn Lộc sinh tại làng An Nhơn, Gò Vấp. Mồ côi cha mẹ ngay từ 10 tuổi, được cha sở nuôi nấng, dạy dỗ. Thấy đạo đức, thông minh, cha sở gửi vào chủng viện Cái Nhum. Đức cha Lefèbre còn gửi ngài sang Malaysia học tại chủng viện Pê-năng.
Năm 1850 ngài về nước. Ngài được sai đi giúp các cha ở các xứ đạo. 7 năm sau, ngày 7-2-1857 ngài được chịu chức linh mục. Đức cha cử ngài làm giám đốc chủng viện Thị Nghè. Vua Tự Đức ra lệnh cấm đạo gắt gao, cha Lộc phải giải tán chủng viện, ngày ngày trốn nhà này sang nhà khác, để nâng đỡ an ủi và dạy dỗ các chủng sinh. Một buổi tối tháng 12-1858, đang trú tại nhà thày giáo Ngôn, cựu chủng sinh, thì bị phát giác và bị bắt.
Thấy cha Lộc hiền lành, trẻ trung, quan dụ dỗ :
– Chối đạo đi. Ta sẽ tha về. Anh còn trẻ, nếu bỏ đạo, ta sẽ cho làm quan.
Cha cười đáp :
– Quan bảo tôi chối đạo à ? Tôi khuyên bảo người ta theo đạo, bây gờ quan lại bảo tôi bỏ đạo sao được !
Lấy bả vinh hoa dụ dỗ không được, quan dùng con gái dụ dỗ :
– Ta thấy anh còn trẻ, lại hiền lành, có học hành, nhiều kiến thức, nên ta thương. Giết anh đi uổng qúa. Ta có con gái ta gả cho anh.
Cha Lộc thưa lại :
– Xin cám ơn quan lớn. Làm quan thì quí lắm, nhưng tôi chỉ xin được làm con Thiên Chúa. Tôi không thể bỏ Chúa tôi. Nếu phải chết vì Chúa, tôi sẵn sàng chết.
Quan ngạc nhiên nói :
– Anh có điên không ? Sao anh từ chối những ơn huệ ta ban ? Được làm quan, làm con rể ta mà chê à ?
Cha đáp :
– Tôi không điên. Tôi vẫn sáng suốt quyết đi theo Chúa và làm cho người ta biết Chúa, làm con Chúa.
Gần một năm bị tù dày, bị tra khảo, bị đánh đập, không làm cho cha xiêu lòng bỏ Chúa. Vua Tự Đức ra lệnh chém đầu. Ngày 13-2-1859 cha Phaolô Lê Văn Lộc bị điệu đi xứ ở pháp trường Trường Thi, ngày nay là công viên Lê Văn Tám.
Giáo dân đưa thi thể cha về chôn tại nhà thờ Chợ Quán, sau cải táng về nhà Trắng Phaolô. Hài cốt của cha hiện được tôn kính tại Nhà Thờ Chánh Tòa (12-12-2010)
—————————————-.
CN.3.MV.A
Thứ ba ngày 18-12-2007, kỷ niệm 129 năm tử đạo của ba thầy giảng tỉnh Sơn Tây, tức là giáo phận Hưng Hóa bây giờ. Đó là ba thầy Phaolô Nguyễn Văn Mỹ 40 tuổi, Phêrô Trương Văn Đường 30t, Phêrô Vũ Văn Truật 21t.
Có một người ngoại giáo tên là Đức cầm đầu một băng cướp. Anh bị bắt và bị tù. Để được nhẹ tội, anh bảo vợ anh là chị Yên vu oan cho cha Tân tổ chức phản động chống lại nhà nước. Chị Yên giả vờ đến xin học đạo để dò xét những nơi ẩn trốn của cha. Khi biết được nơi cha ẩn trốn, chị giấu vũ khí trong vườn cha ở. Sau đó chị mật báo với quan tỉnh Sơn Tây. Ngày 20-6-1837 quan sai 1500 lính đến làng Bầu Nọ vây bắt. Từ sáng tới trưa không tìm thấy cha, họ bắt ba thầy đem về giam ở tỉnh Sơn Tây.
Họ đánh ba thầy rất dã man. Thầy Mỹ viết thư ra ngoài kể lại : “Lính lột áo chúng tôi ra, bắt chúng tôi nằm xuống, lấy dây thừng cột tay chân, rồi kéo căng, cột vào bốn cọc ở bốn phía. Nguyên căng nọc như thế cũng đủ làm cho chúng tôi đau đớn vô cùng. Sau đó họ bắt đầu đánh đòn. Đánh bằng một roi chán, thì lấy cả bó đánh. Mỗi lần tra tấn đã hằn trăm lằn roi in trên da thịt và để lại nhiều vết thương…”
Ba thầy bị giam tù hơn một năm rưỡi. Trong tù ba thầy lần chuỗi, cầu nguyện chung với nhau. Ai đến thăm, các thầy đều khuyên răn : “Anh em hãy sống hòa thuận với mọi người trong gia đình, làng nước, hãy là giáo dân nhiệt thành, vì đời sống trần gian chẳng là bao. Chúng tôi đã vâng theo ý Chúa định đoạt, hy vọng mai này chúng ta sẽ đoàn tụ trên trời”. Cuối cùng ba thầy tử đạo ngày 18-12-1838 dứơi thời vua Minh Mạng (Thiên Hùng Sử, trang 438-439).
Bài đọc 1 : Ba thầy Mỹ, Đường và Truật sẵn sàng chịu mọi gian khổ và chịu chết, chỉ vì ba thầy hy vọng vào niềm vui thiên đàng. Bđ1 thánh lễ hôm nay cũng kể niềm vui Thiên Chúa cứu thoát người Ít-ra-en.
Người Ít-ra-en bị người Ba-by-lon, là nước I-ran và I-rak ngày nay, chiếm đóng và bắt đi lưu đày. Trong cảnh mất nước và tù đày nhục nhã khổ sở như thế, ngôn sứ I-sai-a đã lên tiếng : “Hãy làm cho bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan : ‘Can đảm lên đừng sợ ! Thiên Chúa của anh em đây rồi… Chính Người sẽ cứu anh em” (Is 35,3-4). Đúng như lời ngôn sứ I-sai-a tiên báo, vua Ky-rô đã ra lệnh cho dân Ít-ra-en trở về quê hương.
Vào thế kỷ 13 trước Chúa giáng sinh, dân Ít-ra-en đã phải làm tôi Ai Cập, nhưng đã được Thiên Chúa sai ông Mô-sê đến cứu và đưa về quê hương. Đó là cuộc xuất hành thứ nhất. Nay, vào thế kỷ 6, tức là 700 năm sau, Thiên Chúa cũng đến cứu đem ra khỏi Ba-by-lon và đưa về quê hương. Đó là cuộc xuất hành thứ hai.
Cuộc xuất hành thứ nhất phải vất vả nhiều như vượt Biển Đỏ (Xh 14,15-31); đói Chúa phải ban manna, chim cút (Xh 16), khát Chúa bảo ông Môsê đập gậy vào tảng đá nước vọt ra (Xh 17); và chiến đấu với địch thù, Chúa phải dùng bàn tay ông Môsê luôn luôn chỉ mặt trời dừng lại để dân Chúa chiến thắng (Xh 17,8-16).
Cuộc xuất hành thứ hai này Chúa sửa soạn đầy đủ : sa mạc, đồng khô cỏ cháy, đất hoang mừng rỡ trổ bông; nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu (Is 35,6), thung lũng lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống.
Là con cái Chúa tuy bị bắt nạt, bị ức hiếp, nhưng luôn được bàn tay Chúa nâng đỡ, và cứu giúp.
Bài Tin Mừng : Bài TM thánh lễ hôm nay cũng nói đến niềm vui cứu thoát của cuộc xuất hành thứ ba do chính Chúa Giê-su chỉ huy. Vua Hê-rô-đê Cả có 10 người vợ, sinh được 15 con trai. Ông giết chết một số. Ông chia đất cho ba đứa cai trị. Một trong ba đứa là Hê-rô-đê An-ti-pas bỏ vợ, để lấy chị dâu. Bị thánh Gio-an tố cáo, ông trả thù bắt giam trong một cái hầm ở lâu đài Machaerus (Ma-kê-rô) gần Biển Chết. Nghe kể về những việc Chúa Giêsu làm, thánh Gio-an sai môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su : “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” (Mt 11,2).
Thánh Gio-an hỏi cho ngài hay cho ai ?
Có người cho là cho thánh Gio-an, vì thánh Gio-an cứ tưởng Chúa Giê- su đến để giải phóng những người như ngài khỏi bị bạo quyền áp bức. Thế mà Chúa Giê-su không giải phóng, cứ để ngài bị cầm tù.
Có người cho là cho các môn đệ. Thánh Gio-an đã biết Chúa Giê-su rồi. Các môn đệ mới biết sơ qua. Dù cho thánh Gio-an hay cho các môn đệ và cả cho chúng ta ngày nay nữa, thì việc biết Chúa Giê-su là ai là điều quan trọng.
Chúa Giê-su là ai ?
Chính Chúa trả lời cho các môn đệ của thánh Gioan : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5).
Chúa Giê-su đã lấy lại những lời ngôn sứ Isaia nói về Đấng Thiên Sai. Đấng Thiên Sai chữa cho người mù, người què, người cùi, người điếc, người chết, người nghèo nghe Tin Mừng. Chúa Giêsu đã làm được những điều đó thì Chúa Giê-su là Đấng Thiên Sai.
Như vậy, trong cuộc xuất hành thứ ba này, Thiên Chúa không nhờ ai giải thoát cho dân Chúa, song chính là Đức Giê-su Ki-tô, Con của Ngài, xuống thế cứu thoát.
Vì thế, cho dù thánh Gioan cao trọng, song vẫn còn kém so với một Ki-tô-hữu, một người Công giáo : “Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11).
Lễ Giáng sinh kỷ niệm ngày Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xuống thế, cứu thoát nhân loại, đem con người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và ma qủi, được làm con Chúa, được hưởng niềm vui Nước Trời.
Chính vì thế, ba thày giảng Mỹ, Đường, Truật sẵn sàng chết, chứ không để bị đánh mất niềm vui Nước Trời, niềm vui làm con Chúa (16-12-2007)
.
Linh mục Nguyễn Trung Thành