Bài Giảng Lễ Vọng Giáng Sinh 2016 Của ĐGH PhanXiCô


HÃY ĐỂ CHO HÀI NHI TRONG MÁNG CỎ THÁCH THỨC CHÚNG TA

BÀI GIẢNG LỄ VỌNG GIÁNG SINH 2016 CỦA ĐGH PHANXICÔ

Sau đây là nguyên văn bài giảng của ĐGH Phanxicô trong Thánh lễ Vọng Giáng Sinh được Ngài cử hành tại Đền Thánh Phêrô

“Hồng ân của Thiên Chúa đã tỏ hiện để cứu chuộc mọi người” (Tt 2,11). Lời của Thánh Tông đồ Phaolô mạc khải mầu nhiệm của đêm thánh này: hồng ân của Thiên Chúa đã tỏ hiện, ân huệ Ngài ban thì nhưng-không; nơi Hài Nhi được tặng ban cho chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa đã nên hữu hình.

Đó là đêm của vinh quang được các thiên thần loan báo tại Bê-lem và cũng cho tất cả thế giới chúng ta hôm nay. Đó là đêm của niềm vui vì từ hôm nay cho đến mọi thời, Thiên Chúa vĩnh cửu và tuyệt đối là Thiên Chúa ở với chúng ta: Ngài không còn cách xa chúng ta nữa; chúng ta không còn phải kiếm tìm Ngài trên các tầng trời hoặc nơi các ý niệm huyền bí; Ngài gần chúng ta, Ngài đã trở nên phàm nhân và sẽ chẳng bao giờ để cho mình lìa xa nhân loại chúng ta mà Ngài đã chọn làm của riêng cho mình. Đây là đêm của ánh sáng: là thứ ánh sáng được ngôn sứ Isaia tiên báo (Is 9,1) đã soi chiếu cho những ai đang bước đi trong tăm tối, là ánh sáng đã xuất hiện và bao trùm các mục đồng tại Bê-lem (x. Lc 2,9)

Các mục đồng đã đơn giản khám phá rằng “một trẻ thơ đã sinh ra cho chúng ta” (Is 9,5) và họ hiểu là hết thảy vinh quang, trọn niềm vui và tất cả ánh sáng đều qui chiếu về một điểm duy nhất là chính dấu hiệu mà các thiên sứ đã chỉ cho họ biết: “anh em sẽ tìm thấy một hài nhi được quấn trong khăn và nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12). Đây chính là dấu hiệu vẫn tiếp diễn để tìm thấy Đức Giêsu, không chỉ vào thời xưa ấy mà cả ngày nay nữa. Nếu chúng ta muốn cử hành lễ Giáng Sinh cách chính thống, chúng ta cần hiện đại hóa dấu hiệu này: sự đơn thuần mỏng manh của một trẻ sơ sinh bé nhỏ, sự khiêm hạ của nơi Ngài nằm, cảm giác dịu êm của tấm khăn tã. Thiên Chúa đang ở đó.

Với dấu hiệu này, Phúc âm mạc khải một nghịch lý: vừa nói về đấng quân vương, vị tổng trấn, sự quyền quý của các thời đại bấy giờ, nhưng Thiên Chúa không tự cho mình hiện diện nơi những người đó; ngài không xuất hiện ở các dinh cơ của hoàng cung, nhưng là trong sự nghèo hèn của một hang đá; không lộng lẫy phô trương, nhưng là đơn sơ của cuộc sống, không phải trong quyền lực nhưng trong sự thấp bé nhất không ai ngờ tới. Để khám phá Ngài, chúng ta cần đi tới nơi Ngài đã ở; chúng ta cần bái lạy, tự hạ mình, làm cho mình trở nên bé nhỏ. Hài nhi được sinh ra thách thức chúng ta: Ngài gọi mời chúng ta rời bỏ những hào nhoáng phù phiếm và đi vào tận yếu tính, từ khước những yêu sách tham lam, bỏ đi những gì không làm cho mình thỏa mãn và nỗi buồn phiền về những gì mình sẽ không bao giờ có được. Nó sẽ giúp chúng ta bỏ lại đằng sau những thứ này để tái khám phá sự đơn thành của vị Hài Đồng Thiên Chúa, của bình an, niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống.

Chúng ta hãy để cho Hài Nhi trong máng cỏ thách thức chúng ta, nhưng cũng hãy cho phép chính mình được thử thách bởi những đứa trẻ của thế giới ngày nay, không phải đang nằm trong nôi được cha mẹ dịu dàng ôm ấp; nhưng là những đứa trẻ đang chịu đựng cảnh cùng khốn của những “chiếc máng nghiền nát phẩm giá”: đang ẩn nấp dưới những hố tránh bom trong lòng đất, lẫn khuất trên lề đường của các thành phố lớn, ở trong khoang sàn của chiếc thuyền chật khẳm những người di dân. Chúng ta hãy tự cho phép mình bị thách thức bởi những hài nhi không được phép sinh ra, bởi những đứa bé khóc thét vì thèm ăn cho thỏa cơn đói, bởi những trẻ nhỏ không có bất cứ thứ đồ chơi nào khác trong tay, ngoài vũ khí.

Mầu nhiệm Giáng Sinh, là ánh sáng và niềm vui đang chất vấn và khuynh đảo chúng ta, vì cùng một lúc có cả mầu nhiệm của hi vọng lẫn nỗi buồn phiền. Mầu nhiệm đó tự mang lấy hương vị phiền não bao lâu mà tình yêu vẫn không được tiếp nhận, và đời sống còn bị coi thường. Điều này đã xảy đến với Mẹ Maria và Thánh Giuse khi các ngài nhận thấy mình đang bị mọi cánh cửa đóng kín lại và phải đặt Hài nhi Giêsu nơi máng cỏ, “vì không có chỗ cho họ trong quán trọ” (c. 7). Đức Giêsu vừa được sinh ra đã bị một số người từ chối và nhiều người khác ơ hờ không màng đến. Ngày nay, cũng vẫn còn có những vô tâm như thế khi Giáng Sinh trở thành một lễ hội mà chính chúng ta là những người chủ đạo chứ không phải là Đức Giêsu; khi những loại ánh sáng của thương mại đẩy ánh sáng của Thiên Chúa thành những bóng mờ; khi chúng ta quan tâm đến những món quà tặng chứ không phải là sự lạnh lẽo của những người bé nhỏ.

Tuy vậy, lễ Giáng Sinh thiết yếu vẫn còn hương vị của niềm hi vọng, vì bất kể những phương diện tăm tối hơn của đời sống chúng ta, ánh sáng của Thiên Chúa vẫn rạng ngời. Ánh sáng dịu êm của Ngài không làm chúng ta sợ hãi; Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta, lôi kéo chúng ta đến với Ngài bằng sự dịu dàng, vẫn được sinh ra nghèo hèn và mong manh giữa chúng ta, như từng người trong chúng ta. Ngài được sinh ra tại Bê-lem là địa danh mang ý nghĩa “ngôi nhà của bánh”. Theo cách này, dường như Ngài muốn nói với chúng ta rằng Ngài được sinh ra để trở nên tấm bánh cho chúng ta; Ngài nhập thế để cho chúng ta cuộc đời của Ngài; Ngài đến với thế giới chúng ta để trao tặng tình yêu của Ngài. Ngài không đến để bốc lột hoặc sai khiến, nhưng là để dưỡng nuôi và phục vụ. Như thế, có một sợi chỉ xuyên suốt kết nối máng cỏ và thánh giá là nơi Đức Giêsu sẽ trở nên tấm bánh được bẻ ra: đó là một trực tuyến của tình yêu được trao ban và cứu rỗi chúng ta, mang ánh sáng đến cho đời sống và bình an cho tâm hồn chúng ta.

Các mục đồng đã thấu hiểu điều này trong đêm xưa ấy. Họ ở trong số những người bé nhỏ của thời đó. Nhưng không ai trong họ là nhỏ bé trong ánh nhìn của Thiên Chúa và rõ ràng họ đã được mời tới cuộc Giáng Sinh. Những người vẫn chắc chắn về mình, cho mình là đủ thì lại yên thân tại gia với của cải mình; thay vào đó, các mục đồng lại “hối hả lên đường” (x. Lc 2,16). Đêm nay, chúng ta cũng hãy để mình được Đức Giêsu qui tụ và thách thức! Chúng ta hãy chân thành đến với Người từ những nơi trong chúng ta cảm thấy là bé nhỏ, từ những hạn chế của mình. Hãy để cho mình đụng chạm đến sự dịu êm cứu độ chúng ta. Hãy đến gần Thiên Chúa là Đấng đã tiếp cận chúng ta, hãy dừng lại để nhìn vào chiếc máng và tưởng tượng việc Chúa sinh ra: ánh sáng, bình an, nghèo hèn tột cùng, và sự khước từ. Chúng ta hãy đi vào cuộc Giáng sinh thực sự với các mục đồng, mang đến cho Chúa Giêsu tất cả con người của mình, sự xa lánh, những vết thương không lành của chúng ta; và trong Chúa Giêsu, chúng ta sẽ hưởng nếm hương vị của tinh thần đích thực  của Lễ Giáng Sinh, vẻ đẹp xinh của tình trạng được Chúa yêu thương. Với Mẹ Maria và Thánh Giuse, chúng ta dừng lại trước máng cỏ, trước Chúa Giêsu là chính lương thực cho đời chúng ta. Khi niệm suy tình yêu tuyệt đối và khiêm hạ của Chúa, chúng ta hãy nói với Ngài: xin cảm tạ Chúa vì Ngài đã làm tất cả những điều này cho con.”

HGT trích dịch bài “Pope Francis’ Christmas Eve Homily”

do Zenit staff đăng tải tại Zenit.org