Ánh Nến Mùa Vọng Cho Xã Hội Hiện Đại


Đời sống xã hội hiện đại được đặc trưng bởi sự ồn ào, náo nhiệt, và vội vàng. Ồn ào của cãi vã, của xe cộ, của nhạc hội xập xình; náo nhiệt của mua sắm, của tiệc tùng, của giải trí; và vội vã trong cạnh tranh công việc, trong ‘lướt sóng’ thông tin, trong gặp gỡ thoáng qua. Vui thì vui đó, nhưng nhịp sống này cũng có nguy cơ dìm con người vào một sự trống trải và cô đơn. Trống trải ngay giữa ồn ào, và cô đơn từ giữa đám đông!

Ta tưởng rằng một cuộc sống được lấp đầy bởi sự nhộn nhịp thì sẽ vui sướng. Nhưng ta lầm, vì lắm khi nó đẩy đưa ta trôi theo đám đông, mất hút trong những cuộc đua tranh vội vã hay những nhu cầu giả tạo bề ngoài; và ta không có cơ hội để nhìn lại căn tính hiện diện từ nội tâm của mình, hay tìm thấy những nền tảng ý nghĩa cho đời sống. Ta tựa như đám lục bình bị cuốn theo dòng nước, ước được neo đậu vào đâu đó một lúc cũng không xong.

Chúng ta tưởng thời Internet lên ngôi thì con người được ngập tràn hạnh phúc, vì ai cũng có cơ hội chia sẻ, ai cũng có cơ hội trình diện chính mình cách công khai và dễ dàng được người khác biết đến. Nhưng trong thực tế, nỗi buồn bã và lo âu có khi lại lấn át cả những niềm vui mình đã tưởng tượng. Sự soi mói, lên án, chỉ trích của cộng đồng mạng xã hội có thể đổ lên ta bất cứ lúc nào. Ta cũng có thể trở thành tù nhân từ lối sống ảo của chính mình: nhiều khi, một bình luận của ai đó trên facebook cũng chi phối đời ta, khiến ta phải khuôn theo ý muốn của người khác. Có khi họ chẳng có ý gì, thậm chí chẳng thèm nghĩ về ta, nhưng ta lại hình dung họ đang nghĩ thế này thế nọ, rồi vất vả ép đời mình phải chạy lòng vòng theo sự tưởng tượng đó.

Vì thế, ta mất phần lớn thời gian để tìm cách khẳng định cái tôi của mình trong dòng chảy của nhịp sống bon chen này, bằng cách tìm kiếm phần công nhận và chú ý của người khác cho mỗi hành vi hiện diện của mình. Nhưng vì ai cũng hối hả chạy theo nhu cầu đó, nên rốt cục chẳng ai thực sự còn giờ giấc và tâm trí để chú tâm người khác, để công nhận cho ai, chẳng mấy ai thật sự tìm thấy nét tĩnh tại và an thái với chính sự hiện diện của mình.

Giữa một thế giới náo nhiệt đó, ánh nến Mùa Vọng lặng lẽ nổi lên như một lời mời gọi dành cho mọi người, nhắc họ về cách hiện diện chân thực với chính mình. Mùa Vọng, gốc tiếng Latin là adventus, nghĩa là ‘đến’, tức chỉ về mùa của đợi trông, của hy vọng. Để diễn tả ý nghĩa đó, các nhà thờ thường đặt bốn ngọn nến, mỗi tuần thắp thêm một ngọn. Ánh nến biểu trưng cho một sự canh thức, đợi chờ; và ánh nến cũng mời gọi chúng ta đi vào một sự an tĩnh, thinh lặng.

Ánh sáng của ngọn nến sẽ vô nghĩa, nếu nó chỉ để tự soi sáng và tự khoe chính mình. Khi ngọn nến bắt đầu cháy, thì đó cũng là khởi đầu của sự tàn lụi nơi chính nó. Nhưng ánh nến Mùa Vọng mang đầy ý nghĩa, vì nó ám chỉ và báo hiệu sự ngự đến của Đấng là nguồn mọi ánh sáng, Đấng xoa tan đêm tối gian trần bằng ân sủng bình an và cứu độ. Con người cũng vậy: chúng ta chỉ thấy sự hiện hữu của mình có ý nghĩa nếu cuộc sống của ta biểu lộ một niềm hy vọng cho chính mình và cho tha nhân. Đó là niềm hy vọng về một cùng đích nào đó vượt trên hiện tại của chính mình. Chỉ khi ta cho thấy rằng đời người không chỉ bị đóng khung hay gói gém trong những nhu cầu vật chất, mà còn có điều gì đó sâu hơn nữa, cao hơn nữa, đáng theo đuổi hơn nữa, lúc đó đời ta mới thực sự có nghĩa.

Ngọn nến Mùa Vọng cũng là biểu tượng cho sự âm thầm, khiêm hạ và lặng lẽ. Ánh sáng từ ngọn nến không có cường độ lớn và chói chang như ánh đèn điện, mà dịu dàng và nền nã như ánh trăng. Nhưng chính nét khiêm hạ đó lại có sức lay động tâm hồn, gợi lên một sự ấm cúng và thâm sâu đến kỳ lạ. Con người chúng ta cần cảm nếm những khoảnh khắc và không gian lắng đọng, để cảm nghiệm chiều sâu của cuộc đời này, để thấy ta đang được hiện diện với chính mình. Vì thế, tựa như ánh nến, chúng ta cần một mức độ âm thầm và khiêm hạ nào đó, để không chỉ mang lại chiều sâu cho lòng mình, mà còn để sửi ấm cho tâm hồn tha nhân nữa.

Các ngọn nến Mùa Vọng không đứng một mình, mà kề cận và cháy sáng bên nhau. Nếu chỉ cháy sáng một mình, ngọn nến trở nên yếu ớt và thật mong manh. Nó tự cô lập và có thể bị thổi gió tắt bất cứ lúc nào. Nhưng khi chiếu sáng kề cận nhau, các ngọn nên trở thành biểu tượng của một tinh thần bất diệt. Chúng ta cũng vậy. Ơn gọi làm người không phải là để sống một mình, mà là sống chung với nhau. Chính trong tương quan với tha nhân mà ta thấy rõ hơn chính mình. Nói theo kiểu triết gia Levinas, chỉ khi chú ý vào tha nhân, đối thoại với tha nhân, và từ nơi tha nhân mà đời ta được xây dựng, và ta mới có thể biết mình là ai. Và cũng nhờ đời sống tương quan với tha nhân mà ta có cảm thức khao khát về một sự quy tụ và kết hợp vĩnh cửu vượt trên tình trạng hiện tại.

Mùa Vọng đã về và Thiên Chúa vẫn đang ngỏ lời với ta ngay giữa lòng của một cuộc sống đầy ồn ào, náo nhiệt và vội vã. Ngài mời gọi chúng ta đi vào hiện diện với chính mình, để trong sự hiện diện đó, ta thật sự kinh nghiệm được mầu nhiệm Nhập Thể, cảm nhận được sự hiện diện đầy sinh động của Con Thiên Chúa trong lòng ta, lấp đầy những trống vắng và bất định của ta ngay giữa cuộc sống này. Chính trong sự hiện diện cách tĩnh tại với chính mình đó mà ta mới thấy mình có những ‘neo đậu’, những bến bờ, để ta không còn quay quắt đi tìm chính mình một cách vô phương hướng, để cuộc sống này không bị trôi dạt một cách vô ích hay trở nên trống vắng. Và cũng chỉ trong sự tĩnh tại đó mà ta mới đủ sức để gánh vác những niềm riêng của mình và của tha nhân trong cuộc hiện hữu đầy mong manh này.

Ánh nến Mùa Vọng gợi nhắc cho chúng ta con đường để đi vào lối hiện diện như thế. Giữa một nhịp sống ồn ào, náo nhiệt và vội vã, như ánh nến, chúng ta cũng cần có những không gian và thời gian nhất định của tinh thần canh thức, đợi chờ. Tựa những cây nến Mùa Vọng, chúng ta cũng được gọi mời hướng về tha nhân và chiếu sáng cho họ bằng sức sống và cống hiến của mình. Sự đơn sơ, khiêm hạ và lặng lẽ của ánh nến cũng là bài học cho chúng ta về những điều kiện cần thiết để tâm hồn mình có thể đón nhận được mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, Đấng vốn đã làm người cách hiền lành, khiêm nhường, được hạ sinh vào thế giới trong lặng lẽ. Chỉ khi hiện diện như vậy, tâm hồn ta mới đủ lặng và lắng để cảm nhận sự giao hoà của mầu nhiệm Giáng Sinh, rằng Thiên Chúa đến để ôm ấp con người, và để con người có thể ôm ấp Thiên Chúa.

Khắc Bá, SJ – CTV Vatican News

Nguồn: Vatican News