Bài 1: Tại Sao “Năm Thánh Lòng Thương Xót”?
BÀI I : TẠI SAO “NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT” ?
Tại sao “Năm Thánh Lòng Thương Xót” ?
Tại sao không gọi “Năm Thánh Lòng Chúa thương xót” ?
Rồi, chữ “thương xót” nghĩa là gì ? Có phải mang vẻ “trịch thượng”, “khinh người” quá không ?
Thêm nữa, đang khi khắp thế giới phải bận tâm đủ chuyện, từ “biến đổi khí hậu”, “toàn cầu hoá”, đến “hôn nhân đồng tính”, “phong trào tục hoá” thâm căn cố đế, thì tự nhiên Giáo hội lại hô lên : “Năm Thánh Lòng Thương Xót”, có phải là lạc điệu không ?
Có một điều chắc chắn là : Đức Phanxicô, một con người “hoà mình” sâu sắc với xã hội mà mọi người đều biết, hẳn có lý do để công bố Năm Thánh “Lòng thương xót” lúc này ! Ấy là chưa nói đến việc Thiên Chúa quan phòng luôn ở với Giáo hội, hướng dẫn Giáo hội, mặc dù Giáo hội có lúc không thấy rõ. Một ví dụ đặc biệt là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, tự nhiên loan báo triệu tập Công đồng chung (Vatican II) : chính Ngài cho biết là ngay cả Ngài cũng ngạc nhiên về quyết định đó !
Trở về với câu hỏi ban đầu : Tại sao Năm Thánh Lòng Thương Xót ? Tại sao không phải là Năm Thánh Lòng Chúa thương xót ? Rồi khi dùng chữ “thương xót”, theo cách con người thường hiểu, có mang vẻ trịch thượng theo nghĩa : người trên thương xót người dưới đang trong tình trạng cùng cực, khốn đốn, đê hèn…
Có lẽ cần trả lời 2 câu hỏi sau trước đã, sau đó mới trả lời câu hỏi chính : tại sao Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Tại sao Năm Thánh Lòng Thương Xót chứ không là “Năm Thánh Lòng Chúa thương xót” ? Nếu nói “Năm thánh Lòng Chúa thương xót” thì người ta chỉ nghĩ đến nội dung “Chúa thương xót” thôi, chứ không nghĩ tới việc chính con người chúng ta cũng phải thương xót !
Còn vấn đề từ ngữ “thương xót” có là trịch thượng, là khinh khi không, thì chúng ta cần phải đọc kỹ câu châm ngôn của Năm Thánh : “HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA” (Misericordes sicut Pater – Lc 6, 36), tưởng đã là câu trả lời thật sâu sắc, đầy đủ !
Vấn đề chính yếu vẫn là câu hỏi thứ nhất : Tại sao Năm Thánh Lòng Thương Xót ? Và Năm Thánh được công bố vào thời điểm này, trong bối cảnh xã hội lúc này, hiện nay có lạc điệu không ?
Nếu đọc tiếp Lời Chúa quảng diễn điều Chúa muốn nói với khi mời gọi chúng ta “nhân từ” hoặc “thương xót” như Chúa Cha, là : “đừng xét xử” (người khác), “đừng lên án” (người khác), hãy tha thứ, hãy cho… (Lc 6, 37-38) ; chúng ta có thể nhận ra hàm ý sâu xa trong từ ngữ “thương xót” dùng làm tiêu đề và đích điểm của Năm Thánh.
Trong bối cảnh xã hội con người ngày nay, hơn thời nào hết : con người đối xử với nhau rõ ràng là ngược hẳn lại cách Chúa mời gọi : không chỉ xét xử, lên án… mà phải là thi hành án một cách đơn phương, thậm chí hàm hồ nữa ! Thế là bạo lực diễn ra khắp nơi, thuộc đủ mọi cấp độ… Từ khủng bố cá nhân cho tới nhà nước, chính phủ, liên minh đối với cả những lãnh vực xã hội, tôn giáo, văn hoá, chủng tộc, giai cấp, giàu nghèo…
Nếu không dứt điểm như chủ đề “Năm Thánh Lòng Thương Xót”, thì không thể giải quyết được những rắc rối, đau xót của xã hội con người ngày nay.
Như đã được đề cập trên đây, chữ “thương xót” có vẻ trịch thượng khi nó mang ý nghĩa : cho mình là “trên”, là “có lý”, “có quyền”, và người mình sẽ “xử lý” là người “có tội” cần trừng trị ! Và nếu có người xin tha, thì cũng chỉ vì “lòng thương xót”, nghĩa là thương hại của “cấp trên” đối với cấp dưới, cấp có quyền đối với người có tội ! Hàm nghĩa này tuy không nói rõ ra, nhưng trên thực tế, vẫn thường xuất hiện trong cuộc sống con người ngày nay. Ngay cả trong những thể chế vẫn thường hô hoán thật to là “bình đẳng”, là “chống giai cấp” thì ở đó, người ta lại dễ dàng nhận ra một loại “giai cấp thống trị” ghê gớm nhất !
Năm Thánh lòng “thương xót như Chúa Cha” nhắc nhở chúng ta một cách thấm thía hai mặt của một vấn đề : (1) chỉ có Chúa Cha, Thiên Chúa, là Đấng thương xót tất cả chúng ta ; và (2) chúng ta hãy theo đó mà đối xử với nhau !
Trong câu chuyện Phúc Âm về “người phụ nữ ngoại tình” (Ga 8, 1-11), Chúa Giêsu đã lưu ý tất cả chúng ta một cách khéo léo : “Ai vô tội thì hãy ném đá chị ấy (người phụ nữ ngoại tình) đi !” Và trước mặt Chúa, mọi người đều thấy rõ thân phận mình yếu đuối, nên rút lui hết. Phúc Âm kể rõ đoạn kết với lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ rằng : “Thôi, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”
Năm Thánh “Lòng Thương Xót” nhắc ta nhớ đến lòng thương xót của Chúa đối với ta ; nên ta cũng phải theo đó mà đối xử với anh em ta (xx. Mt 18, 33) : “Thương xót như Chúa Cha”.
Trong chương trình tổ chức Năm Thánh, có nhiều ngày dành cho những người đã từng cảm thấy được lòng thương xót của Chúa đối với chính mình như thế nào. Chính những người đó sẽ là thừa tác viên đích thực của Năm Thánh “Lòng Thương Xót” !
Lm. Antôn Trần Văn Trường