Bài 21: Cuộc Rước Dâng Lễ Vật
WHĐ (04.03.2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 21: CUỘC RƯỚC DÂNG LỄ VẬT
I/ NGHI THỨC
Trong một số Thánh lễ, các tín hữu biểu lộ sự tham dự của mình bằng việc đi theo cuộc rước dâng lễ vật. Họ dâng bánh rượu dùng vào việc tế lễ, hoặc những phẩm vật khác dùng để đáp ứng các nhu cầu của nhà thờ và cứu trợ người nghèo. Linh mục nhận các lễ vật tín hữu dâng, với sự trợ giúp của thừa tác viên giúp lễ hoặc một thừa tác viên khác. Bánh và rượu dùng trong Thánh lễ, thì trao cho chủ tế, chủ tế đặt trên bàn thờ, còn các phẩm vật khác thì đặt nơi khác thích hợp (x. NTTL 22; QCSL 140).
II/ LỊCH SỬ
Từ ban đầu, các tín hữu đưa bánh rượu này đặt trên bàn vị chủ sự để cử hành Bữa tối của Chúa.[1] Khi Bữa ăn huynh đệ không còn, các tín hữu vẫn tiếp tục đưa của lễ đến Thánh lễ. Khoảng thế kỷ II, một tân Kitô hữu thường phải mang lễ vật lần đầu tiên khi đến tham dự nghi thức khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh.[2] Năm 155, thánh Justinô đã đề cập đến tập tục mang bánh và rượu đến cho vị tư tế sau khi kết thúc những Lời chuyển cầu/Lời nguyện tín hữu (x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo [GLCG], số 1345).[3] Thánh Hippôlytô (năm 225) cũng ghi nhận thực hành này. Trong thời gian đó, Tertulianô nói về dân chúng mang lễ vật đến Thánh lễ như một “hiến lễ” dâng lên Thiên Chúa.[4] Giữa thế kỷ III, đang khi đề cập đến việc trình bày lễ phẩm, thánh Cyprianô thành Carthage (210-258) đã khiển trách một bà giàu có tới dự Thánh lễ mà không mang theo lễ vật.[5] Thánh Augustinô quả quyết rằng mẹ ngài không ngày nào không mang của lễ tới bàn thờ.[6] Công đồng Mâcon (585) truyền cho đàn ông đàn bà khi đi dâng lễ phải mang của lễ theo. Nhiều Công đồng khác cũng nhắc lại lệnh này, tuy càng ngày càng mất hiệu lực.[7]
Thời thánh Hippôlytô, công việc đưa bánh rượu lên bàn thờ được dành cho các phó tế. Vào thế kỷ II- III, các phó tế tiếp nhận lễ phẩm bánh và rượu và trình bày cho đức giám mục. Thế kỷ III, Hội Thánh nói chung và thánh Irênê nói riêng khuyến khích các tín hữu dâng bánh rượu và hoa mầu ruộng đất khi tham dự Thánh lễ nhằm giúp họ biết trân quý vật chất và chống lại phái Ngộ đạo thuyết (Gnose) vốn cho rằng sự ác nằm trong thế giới vật chất xấu xa nên những gì thuộc vật chất phải loại trừ.[8] Sang thế kỷ IV, theo tường thuật của thánh Giêrônimô, các tín hữu đem theo lễ phẩm cũng như ý nguyện của mình khi tham dự Thánh lễ. Họ rước lễ vật và đặt chúng ở một chỗ thuận tiện (gian ngang của nhà thờ Rôma) trước Thánh lễ. Sau Phụng vụ Lời Chúa, thầy phó tế sẽ đưa các lễ phẩm này đến cho ĐGM.[9] Ngoài của lễ là bánh và rượu, sách Truyền thống Tông đồ cho biết, các tín hữu còn mang nhiều thứ khác nữa không những làm của lễ dâng tiến mà còn nhằm trợ cấp các giáo sĩ, lo cho công việc của Hội Thánh và giúp người nghèo.[10] Từ thời của Constantinus, ngoài bánh và rượu, tín hữu còn mang theo nho, hoa và chim chóc.[11] Nhiều Công đồng địa phương đã tìm cách hạn chế một số loại của lễ, và sách Hiến Chế Các Tông Đồ (Constitutio apostolica – năm 380) liệt kê những thứ được phép là bánh, rượu, hương, hạt lúa, trái nho, trái ôliu và nến sáp.[12] Rượu được đựng trong bình lớn có quai, bánh mì đặt trên bàn rồi dùng tấm khăn lớn phủ lại cho khỏi bụi, còn các của lễ khác thì đặt bên cạnh bàn thờ. [13]
Vì mỗi người đều mang của lễ lên dâng, nên nghi lễ dâng lễ vật kéo dài khá lâu, nhiều khi gây náo động và mất trật tự. Để hạn chế đến mức tối đa vấn đề ồn ào và chia trí, đồng thời tạo cho việc di chuyển thể lý có một ý nghĩa thiêng liêng, từ thế kỷ IV đến thế kỷ X, người ta tổ chức những cuộc rước kiệu long trọng.[14] Tài liệu đầu tiên chỉ ra một cuộc rước lễ vật là những hướng dẫn từ các Công đồng Elvira và Nicea hồi đầu thế kỷ IV, trong khi đó Isidore thành Serville (560-636) là người đầu tiên đặt tên cho phần này là offertorium (dâng lễ).[15] Hầu giữ được sự trang nghiêm và sốt sắng, cuộc rước lễ phẩm luôn có bài hát kèm theo, thường là Thánh vịnh hay tiền xướng. Trong khi đó, ĐGM chọn một số lễ vật và đọc một lời nguyện trên những lễ vật này, gọi là Lời nguyện trên những gì đã được lựa ra (oratio super secreta), hay Lời nguyện trên lễ vật (oratio super oblata). Từ secreta về sau bị hiểu sai là kín đáo/bí mật, và vì thế lệnh đã được ban ra là phải đọc thầm lời nguyện này.[16]
Thời điểm của cuộc rước lễ vật thay đổi theo thời gian và địa điểm: có nơi rước trước Phúc Âm (các giáo xứ miền Bavarian); có nơi rước đang khi hát kinh Thương xót; phụng vụ Mozarabic và thậm chí phụng vụ Rôma cũng từng có thời kỳ mà cuộc rước tiến lễ diễn ra giữa nghi thức linh mục dâng bánh-rượu và rửa tay.[17]
Ở Tây phương, cuộc rước lễ phẩm sa sút dần suốt thời kỳ tiền Trung cổ bởi nhiều lý do. (1) Thứ nhất, bánh có men được thay thế bởi bánh không men nên có thể giữ được lâu mà không sợ hư. (2) Thứ hai, để tỏ lòng cung kính, bánh được làm thành tròn và dẹp, không dễ bị rơi vãi và dễ dàng phân phát cho nhiều người đến độ không cần giáo hữu đem lễ vật đến dâng nữa. (3) Thứ ba, số người tham dự Thánh lễ và lên rước lễ ngày càng ít đi. Cuộc rước dâng lễ kể như biến mất khi chuyển lễ vật từ sản phẩm nông nghiệp sang dâng cúng tiền bạc (thế kỷ XI). Từ đó, quyên góp tiền bằng thùng/giỏ tiền trở nên phổ biến[18] đồng thời xuất hiện thực hành xin lễ cầu cho người quá cố. Nhưng tập tục xin lễ lại làm tách biệt giữa cử hành với sự hiện diện trong Thánh lễ vì giáo hữu nghĩ rằng chỉ cần xin lễ, tức “khoán trắng” cho các linh mục là đủ, là đã hiệp thông với linh mục rồi.[19]
Đến cuối thế kỷ XI, người ta không còn thói quen dâng của lễ như xưa. Dù vậy, vào các dịp lễ lớn trong năm, thực hành dâng của lễ vẫn diễn ra.[20] Cuối thế kỷ XIII, ĐGM William Durandus (1296) mô tả thực hành thông thường bấy giờ là thầy phụ phó tế mang lên bàn thờ đĩa không và chén không, theo sau thầy là 2 ca sĩ mang bánh lễ, bình rượu và bình nước.[21] Đã có nhiều nỗ lực của Hội Thánh trong cuộc canh tân hồi thế kỷ XVI-XVII nhằm giữ lại hoặc vực dậy cuộc rước dâng lễ vật long trọng như trước kia nhưng tình hình không thay đổi, ngoại trừ giới thiệu thêm một số dịp rước dâng lễ vật như an táng, cưới xin, khởi sự hành hương…. Sau Công đồng Trentô, cuộc rước này không còn nằm trong số các quy định của Hội Thánh nữa.[22] Thời kỳ hậu Vaticanô II, cuộc rước lễ phẩm được khuyến khích, được áp dụng trong Sách lễ 1970 và được phổ biến rộng rãi trong các giáo xứ trong các Thánh lễ Chúa nhật/lễ trọng như hiện nay.[23]
III/ Ý NGHĨA
Cuộc rước dâng lễ vật diễn tả: (1) sự tham dự của cộng đoàn vào Hy lễ Tạ ơn và sứ vụ của Hội Thánh, nghĩa là có mối liên hệ mạnh mẽ giữa Thánh lễ và điều luật yêu người;[24] (2) tấm lòng khiêm nhường và thống hối, từ bỏ cái tôi của mình như là một điều kiện tiên quyết cần thiết để thực hiện sự tiến dâng đích thực mà Chúa Giêsu đã ban cho dân Ngài để cùng tiến dâng với Ngài; (3) sự sẵn lòng háo hức của chúng ta bước để vào cuộc “trao đổi thánh thiện” với Chúa: “xin thương nhận hiến lễ chúng con dâng, và thực hiện cuộc trao đổi diệu kỳ, để khi dâng tiến lễ vật do Chúa tặng ban, chúng con lại được đón nhận chính Chúa”.[25]
“Bánh và rượu, như một vũ trụ thu nhỏ, tiêu biểu cho những quà tặng trong công trình sáng tạo mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người, để mọi lao công và cố gắng của con người có thể góp phần tương tác làm nên một Thân Mình, một tinh thần trong Đức Kitô”.[26] Bánh và rượu, như biểu tượng cho những gì cần thiết để nuôi dưỡng con người, cho những gian lao vất vả, cho đau khổ và hạnh phúc, cho tình yêu và khốn cùng của thế giới mà sẽ được biến đổi thành Mình Máu Chúa Kitô và dâng lên Thiên Chúa Cha. Cộng đoàn cũng có thể mang lên những lễ phẩm khác (alia dona) dùng cho nhu cầu của Hội Thánh và cho người nghèo như biểu tượng cho những hy sinh và chia sẻ của cộng đoàn, nghĩa là những gì chúng ta đã lãnh nhận thì phải biết chia sẻ cho người khác một cách tự do và hân hoan. Tất cả những gì chúng ta dâng tặng và chia sẻ cho tha nhân đều là lễ phẩm dâng Chúa. Chúng sẽ không mất mát nhưng được đền bù lại gấp trăm và qua muôn ngàn cách thế. Bánh và rượu sẽ được biến đổi trở nên Mình Máu Chúa Kitô. Bánh và rượu đã trở thành những dấu hiệu bí tích của một Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu được hoàn tất trọn vẹn nơi Đức Kitô. Thế rồi, chúng ta tiếp nhận Mình Máu Chúa khi lên rước lễ. Qua đó, chính chúng ta cũng sẽ được biến đổi trở nên Đấng mà chúng ta tiếp nhận khi hiệp lễ (x. Nghi thức Thánh lễ [NTTL], số 22; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [QCSL], số 85, 73, 140; Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 70).[27]
Hành động bỏ tiền vào giỏ không chỉ là việc đóng góp cho mục tiêu tốt lành nào đó như là giúp cho người nghèo/nhà thờ, mà còn diễn tả sự từ bỏ chính mình, hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa và như dấu chỉ của sự hợp nhất vì tiền bạc biểu hiện cho thời giờ và những lao công vất vả, bây giờ chúng ta dâng lên Thiên Chúa vào lúc chuẩn bị lễ vật trong Thánh lễ.[28]
IV/ MỤC VỤ
1) Vào những dịp đặc biệt, có thể tổ chức một đoàn rước tiến lễ cách long trọng.
2) Chủ tế [cùng với thầy phó tế/người giúp lễ hỗ trợ ngài] nhận lễ phẩm tại một nơi thuận tiện, và đưa lên bàn thờ. Nghi thức trước đây (năm 1965) cho phép linh mục đồng tế nhận lễ vật cùng với chủ tế,[29] nhưng quy định hiện nay chỉ đề cập đến vị chủ tế nhận lễ phẩm với sự trợ giúp của thừa tác viên giúp lễ hoặc một thừa tác viên khác (x. QCSL 140, 178; Sách Lễ nghi Giám mục [LNGM], số 145).
3) Thông thường, nơi thuận tiện cho chủ tế đứng tiếp nhận lễ phẩm là ở trước bàn thờ (chân bàn thờ)/lối vào cung thánh (x. QCSL 73-74, 178, 190, 140, 105; GLCG 1350). Đức giám mục chủ tế có thể tiếp nhận lễ phẩm tại vị trí trước bàn thờ hoặc tại ghế giám mục/ghế chủ tọa.[30] Chủ tế nhận lễ phẩm rồi trao cho phó tế, phó tế lại trao cho người giúp lễ để đem lễ phẩm đến nơi thích hợp (x. QCSL 73, 140). Sau đó, chủ tế, các thừa tác viên và những người dâng của lễ chào bàn thờ rồi về chỗ của mình.[31] Như vậy, những lễ vật này không được để sẵn trên bàn thờ hoặc gần bên bàn thờ, vì như thế sẽ giảm mất ý nghĩa từ “cầm lấy” khi tưởng niệm việc Chúa “cầm lấy bánh” (x. NTTL 23&25; QCSL 73).[32]
4) Ngoài bánh và rượu, chủ tế cũng nhận giỏ tiền thau hay các phẩm vật khác do tín hữu mang đến hoặc được quyên ngay trong nhà thờ, chúng được mang theo cùng với bánh rượu trong cuộc rước nhưng phải đặt ở một nơi xứng hợp ngoài bàn thờ (x. QCSL 73, 140, 178; NTTL 22; GLCG 1351). Không nên đặt giỏ tiền ở ngay dưới bàn thờ, ngay phía trước bàn thờ hay thậm chí bên cạnh/hông của bàn thờ.[33]
5) Nếu bánh rượu không quá nhiều thì khuyên nên mang tất cả trong đoàn rước hơn là lễ phẩm lấy một nửa từ đoàn rước và một nửa từ bàn phụ rồi mang lên bàn thờ.[34] Tiêu điểm hàng đầu của phần chuẩn bị lễ vật là để mọi người có thể chăm chú nhìn vào hành động mang bánh và rượu lên bàn thờ, những lễ phẩm này sẽ trở thành Mình Máu Chúa Kitô (x. QCSL 73).
6) Vì lễ vật đem dâng lên bàn thờ có 4 chức năng: dùng trong thánh lễ, nuôi sống hàng giáo sĩ, giúp đỡ người nghèo, phục vụ cho nhu cầu nhà thờ. Bởi thế:
- a) Đoàn rước dâng lễ vật chỉ mang: (1) Bánh và rượu (biểu tượng chính yếu); (2) Tiền bạc hay những lễ phẩm dùng cho nhu cầu của Hội Thánh và thi hành bác ái đối với người nghèo (biểu tượng thứ yếu);[35](3) Nhang [nếu sử dụng nhang thay cho xông hương]. Trong trường hợp chủ tế vái nhang chung với một số người đại diện, thì nên vái nhang ngay sau khi nhận của lễ để những người dâng của lễ khỏi phải đứng chờ trên cung thánh (x. NTTL 22; QCSL 73, 140, 144, 277; GLCG 1350-1351, 2043;Sacramentum caritatis, số 47).[36]
- b) Không mang trong cuộc rước dâng lễ vật: (1) Những vật dụng mang tính biểu tượng cho một công việc đặc biệt, cho căn tính của cộng đoàn hoặc cho một dịp cử hành (được coi là “biểu tượng khác” vì không phải là biểu tượng chính yếu và biểu tượng thứ yếu), tốt nhất là mang những biểu tượng này trong đoàn rước nhập lễ rồi để ở gần bàn thờ hay nơi thích hợp;[37](2) Bông hoa, đèn/nến cháy, mâm trái cây. Đây là những lý do: (i) Thứ nhất, luật không nhắc đến các đối tượng này trong đoàn rước (x. NTTL 22; QCSL 73, 140; GLCG 1350-1351, 2043; Sacramentum caritatis, số 47);[38]; (ii) Thứ hai, bông hoa và nến cháy không thuộc phẩm vật dành cho nhu cầu của Hội Thánh và người nghèo, chúng không mang ý nghĩa lương thực hay nhu yếu phẩm của con người, tức là không liên quan đến sứ vụ của Hội Thánh;[39] (iii) Thứ ba, hoa được trang trí trước lễ như dấu hiệu của lễ hội, nói lên ý nghĩa của ngày lễ và mùa phụng vụ cũng như là phát biểu của niềm tin kính và lòng mến yêu đối với Chúa chứ không phải là của lễ đem tiến dâng;[40] (iv) Thứ tư, nến thắp đi với đối tượng được tôn kính như Thánh Giá, Sách Tin Mừng, Thánh Thể…; (v) Thứ năm, theo lịch sử được ghi lại trong sách Hiến Chế Các Tông Đồ, mọi hoa quả đầu mùa được gởi cho ĐGM hay linh mục tại nhà của các ngài chứ không đem lên bàn thờ (Constitutio apostolica VIII, 47,2-5)[41] (x. NTTL 15; QCSL 100, 117, 119, 120, 133, 175, 188, 274, 297, 305).[42]
7) Cần tránh dâng những “lễ vật giả dối”. Chẳng hạn, đem chai rượu lễ đóng kín lên bàn thờ rồi cất đi để sử dụng cho lần khác! Sau đó đưa một ve rượu và lọ nước từ phòng thánh cho chủ tế dâng lễ!.[43]
8) Trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể của HĐGM về vũ điệu trong Thánh lễ, phải tránh biến cuộc rước dâng của lễ thành một tiết mục văn nghệ không phù hợp với cung cách nghiêm trang cần có của phụng vụ, và chú ý quá nhiều vào phần phụ thuộc không cần thiết dễ làm cho những người tham dự Thánh lễ chia trí.[44] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết: “Để được sống đúng ý nghĩa của cử chỉ này, không cần nhấn mạnh thêm bằng những hình thức rườm rà không thích hợp (Sacramentum Caritatis, 47).
[1] X. Heliodoro Lucatero, The Living Mass (Missouri: Liguori Publications, 2011), 9.
[2] Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 2; Bulletin 51, Christian Initiation, 281-283.
[3] Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, vol. 2, 1.
[4] Ibid., 2.
[5] Cypriano, Liber de opere et eleemosinis, 15 = PL 4:612-613 trích lại trong Catherine Vincie, “The Mystagogical Implications”, 222.
[6] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, vol. 2, 6.
[7] X. Ibid., 5-6.
[8] X. Ibid., 1-2.
[9] Ibid., 5
[10] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 91.
[11] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, vol. 2, 10.
[12] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu,179.
[13] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 61.
[14] X. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration,159.
[15] X. John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist, 151.
[16] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 92.
[17] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, vol. 2, 16-17.
[18] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, vol. 2, 11; Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration,165.
[19] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu,180; X. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 107.
[20] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans ((Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 188.
[21] Edward Foley, From Age to Age (Collegeville: The Liturgical Press, 2008), 226.
[22] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, vol. 2, 22-23; Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, 188.
[23] Paul Turner, At the Supper of the Lamb, 51; Jungmann, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, 190.
[24] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10 – 17/06/2012), 83.
[25] X. Sách Lễ Rôma, Bài lễ “Ngày 29 tháng Mười Hai – Ngày thứ Năm tuần Bát nhật Giáng sinh”.
[26] Vũ Chí Hỷ, SSS, “Cử Hành Thánh Thể – Hiệp Thông Với Đức Kitô Và Với Nhau” (12 / 06/ 2020), acc. 12/12/2023, https://giaolyductin.net/cu-hanh-thanh-the-hiep-thong-voi-duc-kito-va-voi-nhau.html.
[27] X. ĐGH Biển Đức XVI, Sacramentum Caritatis, số 47; Turner, Let Us Pray, no. 424; Vincie, “The Mystagogical Implications” trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Foley Edward, 223.
[28] X. Jeremy Driscoll, OSB, What Happens at Mass (Leominster: Gracewing Publishing/Chicago: Liturgy Training Publications, 2005), 66.
[29] Thánh Bộ Nghi Lễ, Ritus concelebrationis et Communionis sub utraque specie (07/03/1965), no. 29.
[30] X. McNamara, “Where to Receive the Bread and Wine” (19 Nov. 2013), https://www.ewtn.com/catholicism/library/where-to-receive-the-bread-and-wine-4702; Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, nos. 271, 493.
[31] X Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 273.
[32] Ibid., no. 395.
[33] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 73.
[34] X. Ibid., no. 118.
[35] Robert D. Ducan, Parish Liturgy: A Handbook for Renewal (Kansas: Sheed & Ward, 1996), 154-58.
[36] X. Turner, Let Us Pray, no. 425; Catholic Bishops’ Conference of England and Wales, Celebrating the Mass (London: Catholic Truth Society and Colloquium [CaTEW] Ltd., 2005), 178.
[37] X. Catholic Bishops’ Conference of England and Wales, Celebrating the Mass, 180; Sean Swayne, Gather Around the Lord: A Vision for the Renewal of the Sunday Eucharist (Dublin: Columba Press, 1987), 87.
[38] X. Turner, Let Us Pray, no. 425; Catholic Bishops’ Conference of England and Wales, Celebrating the Mass (London: Catholic Truth Society and Colloquium [CaTEW] Ltd., 2005), 178.
[39] Ibid.
[40] Jean Lebrun, “Sự đón nhận Lời Chúa,” trong Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II, ed. J. Gélineau, dg. Trần Thái Đỉnh (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 1992), 232.
[41] X. Apostolic Constitutions (Book VIII), trans. James Donaldson, from Ante-Nicene Fathers, Vol. 7, ed. Alexander Roberts, James Donaldson, & A. Cleveland Coxe. (Buffalo, NY: Christian Literature Publishing Co., 1886.), revised and edited for New Advent by Kevin Knight, acc. 30/12/2023, http://www.newadvent.org/fathers/07158.htm.
[42] X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 110; Turner, “Liturgical Catechesis: Preparation of the Gifts,” Modern Liturgy 28/9 (November 1993): 24-25; Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, nos. 240 & 271; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 73.
[43] Nguyễn Thế Thủ, Hướng dẫn Cử hành Phụng vụ, 121.
[44] X. Đỗ Xuân Quế, O.P, Thánh Nhạc Trong Phụng Vụ, acc. 13/12/2023, https://giaodantanthaison.com/cac-bai-viet/le-sinh-ca-oan-thieu-nhi/thanh-nhac-trong-phung-vu-linh-muc-do-xuan-que.html.