Bài 4: Giải Nghĩa Được Tình yêu


Lời mở

Yêu là một trong các hành động thường ngày của con người, liên hệ mật thiết với sự sống: sống để yêu và yêu để sống. Tuy  nhiên, thực tế của đời sống hiện nay lại là một thảm trạng về tình yêu. Chỉ tính riêng ở Việt Nam đã có hàng triệu cuộc tình tan vỡ và hàng triệu bào thai bị phá bỏ mỗi năm, chưa kể hàng ngàn người bị giết hại, lừa bịp, tự tử và hàng chục triệu bệnh nhân tâm thần, chỉ vì con người không giải nghĩa được tình yêu và không biết yêu thương.

Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tình yêu là gì và phải yêu như thế nào mới đúng đắn và tốt đẹp.

Những người không giải nghĩa được tình yêu

Dù yêu là một từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ngày: yêu cha mẹ, yêu vợ con, yêu người tình, yêu bè bạn, yêu công việc, yêu khoa học, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu đất nước… nhưng thật khó định nghĩa tình yêu là gì nên cũng không thể xác định yêu như thế nào mới tốt đẹp. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết bài Vì sao trong tập “Thơ Thơ”, sáng tác năm 1938, rằng:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu“.[1]

Ông cho rằng tình yêu là cái gì đó mờ ảo, mông lung, bàng bạc trong thiên nhiên cũng như trong lòng người, nhưng không thể giải thích và xác định được.

Điều này đã được minh chứng. Đó là trong hơn 4.000 trang sách khổ lớn của bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam do hàng trăm giáo sư tiến sĩ của Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn và xuất bản năm 2005, người ta không tìm thấy mục từ “tình yêu”, mà chỉ có “tình bạn”, “tình cảm”, “tình dục”. Các người theo ý thức hệ duy vật không tin có tình yêu và cho rằng tình yêu là sản phẩm tưởng tượng của người theo chủ nghĩa duy tâm, vì các máy móc tiên tiến nhất của khoa học hiện đại cũng không tìm thấy một dấu vết nào của tình yêu trong trái tim hay bộ não của con người. Điều nực cười là trong khi các thầy cô dạy các học sinh lớp mẫu giáo, tiểu học phải “yêu tổ quốc, yêu đồng bào” trong 5 điều Bác Hồ dạy, thì học sinh và sinh viên lớp lớn lại được dạy rằng tình yêu chỉ là sản phẩm bịa đặt của thuyết duy tâm sai lạc.

Một số người khác tin rằng có tình yêu thật sự nhưng không biết tình yêu bắt nguồn từ đâu. Họ đồng hoá tình yêu với tình dục. Họ lầm tưởng tình yêu chỉ thôi thúc họ chiều theo những bản năng thấp kém thuộc về sinh lý con người nên họ đồng ý với thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, rằng: “Tu là cỗi phúc, tình là dây oan”.[2]

Còn những người khác, biết rõ cội nguồn của tình yêu là Chúa Trời Đất, như thi sĩ Công giáo Hàn Mặc Tử đã giải thích cho Xuân Diệu và những ai không tin, qua bài Đà Lạt trăng mờ, rằng:

Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để nghe Trời giải nghĩa yêu.[3]

Kitô giáo nói rất rõ về tình yêu khác hẳn với tất cả các tôn giáo khác. Nhưng ít người tín hữu Kitô hiểu được ý nghĩa phong phú tuyệt vời và diễn tả được nó trong đời sống, nên họ vẫn chưa thuyết phục người khác theo đạo của mình. Cho đến nay, mới chỉ có 7% dân số Việt Nam theo đạo Công giáo và khoảng 2% theo đạo Tin Lành. Số tín hữu Kitô trên thế giới chiếm khoảng 20% dân số toàn cầu.

Đi tìm một định nghĩa tình yêu

Các văn sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, các nhà triết học, xã hội học, thần học… đều nói rất nhiều đến tình yêu, nhưng hầu hết đều hiểu đó là tình cảm yêu đương nam nữ và phân biệt tình yêu này với tình cha, tình mẹ, tình huynh đệ, tình quê hương, … . Thật ra, nếu trái tim là biểu tượng của tình yêu, thì mỗi người chúng ta chỉ có một trái tim để yêu thương tất cả các đối tượng đó! Vậy tình yêu thật sự là gì?

Mở cuốn Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, do Hoàng Phê chủ biên, chúng ta tìm được câu định nghĩa sau đây: “Tình yêu là tình cảm yêu mến, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật“, nghĩa thứ hai mới là “Tình cảm yêu đương giữa nam và nữ[4]. Còn “yêu” là “có tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc với một đối tượng nào đó, muốn gần gũi và thường sẵn sàng vì đối tượng đó mà hết lòng“. Nghĩa thứ hai của “yêu” mới là “có tình cảm thắm thiết dành riêng cho một người khác giới nào đó, muốn sống chung và cùng nhau gắn bó cuộc đời. Yêu đồng nghĩa với thương “(x. sđd, tr.1492).

Các tôn giáo ít khi nói đến tình yêu, vì thường hiểu là tình cảm yêu đương nam nữ của con người bị bản năng sinh lý chi phối, nên thường bỏ qua và còn nhắc nhở các tín đồ, tu sĩ xa tránh hay kiêng cữ cho xứng đáng với thần linh.

Riêng ở Việt Nam, người tín hữu Công giáo có nguy cơ bị lầm lạc khi họ lẫn lộn “tình yêu” với “tình thương”, bắt nguồn từ việc phiên dịch thiếu chính xác các bản văn Thánh Kinh, các lời kinh phụng vụ và các văn bản chính thức của Giáo Hội.

Do ảnh hưởng của xã hội và cả những người có tôn giáo đã đồng hoá tình yêu là tình dục, nên các dịch giả Công giáo đã dùng từ “tình thương” để dịch từ Agape của tiếng Hy Lạp, CaritasAmor của tiếng La Tinh hay Love của tiếng Anh. Tuy nhiên, tình thương khác với tình yêu. Tình thương, theo gốc tiếng La Tinh, là Misericordia và tiếng Anh là Mercy, không thể dùng lẫn lộn với từ “tình yêu” được, dù rằng “tình thương” bắt nguồn từ tình yêu. “Tình thương” được từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “tình cảm thương yêu, chia sẻ và đùm bọc một cách thắm thiết[5] và nó mang một ý nghĩa thương xót: “cảm thấy đau đớn, xót xa trong lòng trước một cảnh ngộ không may nào đó[6].

Trong khoảng 20 năm gần đây, Giáo hội Công giáo cổ vũ phong trào “Lòng Chúa Thương Xót” nên người ta càng thích dùng từ tình thương thay cho tình yêu. Tuy nhiên, khi đồng hoá tình yêu là tình thương, người ta đã làm nghèo nội dung của tình yêu, vì con người có thể chia sẻ, quan tâm săn sóc người khác mà vẫn không yêu họ, như người vợ săn sóc người chồng đã phản bội mình. Đó là kiểu yêu nhau vì nghĩa chứ không phải vì tình. Hơn nữa, dùng từ như vậy có thể hiểu sai tình yêu theo nghĩa thần học, vì khi nói “tôi thương Thiên Chúa” thì ta không có ý nói: Thiên Chúa đang gặp một cảnh ngộ bất hạnh nào đó đáng cho ta động lòng thương xót đối với Ngài. Thiên Chúa có đầy đủ mọi sự, hoàn hảo và không cần đến lòng thương xót của ta![7]

Chỉ tiếc rằng Từ điển Công giáo do Hội đồng Giám mục Việt Nam xuất bản năm 2016 với 2022 mục từ lại không có mục từ “tình yêu” dù có từ “thương xót”.

Giải nghĩa được tình yêu

Tôn giáo nhắc nhiều đến tình yêu là Do Thái giáo. Người Do Thái hiểu biết và cảm nhận được tình yêu (2 Sbn 2,11) của Thiên Chúa Giavê mà họ thờ kính (x. Xh 20,6) nên họ cũng phải yêu mến đồng bào (x. Lv 19,18) và cả ngoại kiều (x. Đnl 10,19) bằng tình yêu chân thành như đối với Giavê (x. Đnl 6,5; 11,1). Các tác giả Thánh Kinh mô tả tình yêu vợ chồng  (x. 1V 11,1), tình bạn (x. 1Sm 18,1.3; 20,17), tình yêu đối với lề luật Chúa (x. Tv 119) với đền thờ Giêrusalem (x. Tv 122)… bằng một từ duy nhất: yêu để dẫn mọi người đến cội nguồn tình yêu là chính Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chỉ Kitô giáo mới là tôn giáo duy nhất xác định được tình yêu là gì, phải yêu thương cụ thể như thế nào, tình yêu bắt nguồn từ đâu và dẫn con người đến đâu. Người Công giáo đã dựa trên giáo huấn về tình yêu này để xây dựng nền văn hoá đặc biệt của mình trong suốt 20 thế kỷ qua, kể từ lúc Đức Giêsu Kitô rao giảng Tin Mừng về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Nền văn hoá này đã tác động mạnh mẽ đến các dân tộc ở các nước Âu Mỹ trong nhiều thế kỷ qua, cho đến đầu thế kỷ 21, khi nhiều người đặt tất cả niềm tin vào khoa học kỹ thuật và ít quan tâm đến những giá trị tinh thần, trong đó có tình yêu.

Tình yêu không bắt nguồn từ con người nhưng “bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga   4,7) “vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16). Tình yêu vừa là bản thể vừa là bản chất của Thiên Chúa nên lúc nào Ngài cũng muốn chia sẻ tình cảm thắm thiết của mình cho muôn loài. Ngài đưa bản chất tình yêu vào trong muôn loài để chúng phản ánh tình yêu của Ngài khi yêu thương nhau.

Vì thế chúng ta hiểu được cấu trúc của vật chất khi những nguyên tử mang điện tích âm gắn bó với những chất mang điện tích dương để tạo ra chất mới là đứa con của mình, như Hydro gắn bó với Oxy sinh ra nước. Từ đó ta hiểu tại sao nắng nhạt, gió mây vuốt ve trên con người như Xuân Diệu, tại sao nước reo và tơ liễu như sợi tơ hồng nhắc nhở Hàn Mạc Tử về tình yêu muôn thuở giữa con người và Thiên Chúa, tại sao ngọn rau, tôm cá hy sinh sự sống cho ta trong bữa ăn hằng ngày.

Các loài có tinh thần như loài người và thiên thần vì được dựng nên giống với Thiên Chúa nên họ có tự do để yêu thương và cũng có tự do để từ chối Thiên Chúa tình yêu. Thật sự họ đã chối từ. Khi tự ý cắt đứt nguồn yêu thương nối kết mình với Thiên Chúa Tạo Hoá, họ đánh mất luôn cả nguồn sống vĩnh hằng và nguồn chân thiện mỹ. Con người vì thế phải đau khổ, xấu xí, gian ác và chết chóc.

Tuy nhiên, Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài vẫn tiếp tục yêu thương vì Ngài không thể chối bỏ chính mình. Ngài ý thức về trách nhiệm với mọi loài thụ tạo của mình nên đã sai Con Một Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế gian, trở thành người là Đức Giêsu Kitô để cứu độ tất cả. Đức Giêsu vì thế chính là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Ngài dạy cho ta biết Thiên Chúa yêu thương muôn loài như thế nào và ta phải yêu thương như thế nào. Người nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34; 15,12).

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã giải thích rất rõ về tình yêu trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” (Deus est Caritas), năm 2005;  Công Đồng Vaticanô II đã nhắc đến tình yêu trong tất cả các văn kiện của mình hàng trăm lần; sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trưng dẫn 101 lần; sách Tóm lược Học Thuyết Xã hội Công giáo trình bày 129 lần và sách Docat nhắc đến 72 lần trong 328 câu. Những số thống kê này cho ta hiểu ý nghĩa phong phú và tầm quan trọng của tình yêu trong đời sống tín hữu Kitô như thế nào để chúng ta giải được nghĩa tình yêu cho chính mình.

Lời kết

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Con người không thể sống thiếu tình yêu. Nếu tình yêu không được tỏ bày cho con người, nếu con người không tìm gặp tình yêu, nếu con người không thể cảm nghiệm và tiếp nhận tình yêu, nếu con người không tham dự mật thiết vào tình yêu, thì con người vẫn là một hữu thể không hiểu nổi chính mình[8].

Câu hỏi gợi ý

  1. Bạn nghĩ tình yêu là gì?
  2. Tình yêu chân thật có những đặc tính nào?

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

[1] X. Xuân Diệu (1916-1985), tên thật là Ngô Xuân Diệu, nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Ông nổi tiếng với các bài thơ về tình yêu. (Internet, ngày 15/3/2016, Hội thảo Khoa học “Xuân Diệu với văn hoá dân tộc”).

[2] X. Đây là câu 2658 trong Truyện Kiều. Sư Giác Duyên nói với Thuý Kiều: “Sư rằng phúc hoạ đạo trời, Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra. Có trời mà cũng tại ta, Tu là cỗi phúc tình là dây oan”.

[3] X. Hàn Mạc Tử (1912-1940) tên thật là Phêrô Nguyễn Trọng Trí, sáng tác được 213 bài thơ. Các câu thơ này ở trong tập Đau Thương (Thơ Điên), sáng tác năm 1937. Ông bị bệnh phong cùi, chết ở Quy Nhơn.

[4] X. Vietlex, Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, 2013, NXB Đà Nẵng, mục từ “Tình yêu”, tr.1284.

[5] X. Sđd., tr.1283.

[6] X. Sđd., tr.1256, mục từ “Thương” và tr.1237, mục từ “Thương xót”.

[7] X. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2015, tr.136-137.

[8] X. Thông điệp Redemptor Hominis (1979), số 10; Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, tr. 28.