Bài Diễn Văn Đức Thánh Cha Dành Cho Bộ Truyền Thông
WHĐ (14.11.2022) – Đại hội toàn thể của Bộ Truyền thông với chủ đề: “Thượng hội đồng và Truyền thông: một hành trình để phát triển” (Synod and Communication: a journey to develop) đã diễn ra tại Roma từ ngày 10- 12. 11. 2022 với sự tham gia của nhiều thành viên bao gồm nhà báo, kỹ thuật viên, và nhân viên của Bộ. Được biết, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho, thành viên của Bộ Truyền Thông cũng tham dự Đại hội.
Nhân dịp này, các tham dự viên Đại hội đã có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng 12. 11. 2022. Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã ngẫu hứng chia sẻ trực tiếp những suy tư của Ngài, và trao bài diễn văn đã soạn sẵn cho những người hiện diện.
Dưới đây là nội dung bài diễn văn đã chuẩn bị của Đức Thánh Cha:
BÀI DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA DÀNH CHO BỘ TRUYỀN THÔNG
Xin chào anh chị em!
Tôi xin cám ơn về những lời tốt đẹp của Tiến sĩ Paolo Ruffini. Tôi chào tất cả anh chị em đang tham dự Đại hội toàn thể của Bộ Truyền thông với chủ đề “Thượng hội đồng và Truyền thông: một hành trình để phát triển”.
Đức Thánh Cha chào đón Tổng trưởng Bộ Truyền thông, Tiến sĩ Paolo Ruffini
Thượng Hội đồng không phải là một bài tập đơn giản trong truyền thông, cũng không phải là một nỗ lực để suy nghĩ lại về Giáo hội với logic của đa số và thiểu số, để tìm ra một thỏa thuận. Đó là kiểu tầm nhìn mang tính thế gian, và theo mô hình của nhiều kinh nghiệm xã hội, văn hóa và chính trị. Thay vào đó, yếu tính của lộ trình hiệp hành hệ tại ở chân lý cơ bản mà chúng ta không bao giờ được lãng quên: nhằm mục đích lắng nghe, thấu hiểu, và thực hành ý muốn của Thiên Chúa.
Như là một Giáo hội, nếu chúng ta muốn biết ý muốn của Thiên Chúa là làm cho ánh sáng của Tin Mừng chiếu toả hơn nữa trong thời đại của chúng ta, thì chúng ta phải trở lại với nhận thức rằng ý muốn ấy của Thiên Chúa không bao giờ được ban với tư cách cá nhân, nhưng luôn được ban tặng cho Giáo hội trong tư cách toàn thể. Chỉ trong kết cấu sống động của các mối tương quan trong Giáo hội, chúng ta mới trở nên có khả năng lắng nghe và hiểu được Đức Chúa, Đấng đang nói với chúng ta. Nếu không “bước đi cùng nhau”, chúng ta có thể đơn giản trở thành một tổ chức tôn giáo, song le tổ chức này đã đánh mất khả năng để cho ánh sáng sứ điệp của vị Tôn Sư tỏa sáng, đã đánh mất khả năng mang lại hương vị cho các biến cố khác nhau của thế giới.
Đức Giêsu cảnh báo chúng ta đề phòng về một xu hướng như vậy. Người lặp lại với chúng ta rằng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5, 13-16). Đây là lý do tại sao chiều kích hiệp hành là một chiều kích cấu thành Giáo hội, và việc suy tư mà chúng ta đã tham gia trong những năm vừa qua nhằm mục đích đưa ra một cách kiên vững điều mà Giáo hội luôn tin tưởng trọn vẹn.
Sách Thánh đầy rẫy những câu chuyện về những người nam và người nữ, mà đôi khi chúng ta nhầm tưởng là những anh hùng đơn độc. Chẳng hạn, tổ phụ Abraham, người đầu tiên được Thiên Chúa ngỏ lời, không phải là một người đơn độc lên đường, mà là một người rất coi trọng tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng mời gọi ông rời khỏi quê cha đất tổ của mình, và ông thực hiện điều này cùng với gia đình của mình (Gen 12, 1-9). Câu chuyện về Abraham là câu chuyện về các tương quan thân thích của ông.
Ngay cả Môsê, người giải phóng dân Israel, cũng sẽ không thể hoàn thành sứ mạng nếu không có sự giúp đỡ của người anh Aaron, người chị Maria, và người anh rể Jethro, cùng một số người khác đã giúp ông lắng nghe Lời Chúa và đem ra thi hành vì lợi ích của tất cả mọi người. Môsê là một người bị tổn thương trong cuộc sống cá nhân, ông không có tài ăn nói, trái lại, còn là một người nói lắp. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng Môsê là một người gặp khó khăn trong việc giao tiếp, nhưng những người ở bên cạnh Môsê đã bù đắp cho sự bất tài của bản thân ông (x. Xh 4; 10, 12-16).
Đức Maria thành Nazareth đã không thể hát bài Magnificat nếu không có sự hiện diện và tình bạn của người chị họ Elizabeth (x. Lc 1, 46-55). Mẹ cũng sẽ không thể bảo vệ hài nhi Giêsu khỏi sự căm ghét của những kẻ muốn giết Người nếu không có Giuse ở bên (Mt 2,13-15; 19-23).
Chính Đức Giêsu cũng cần có những tương quan với người khác, và khi phải đương đầu với trận chiến cuối cùng trong sứ mạng tại Giêrusalem, vào đêm bị bắt, Người đã đưa các bạn là Phêrô, Giacôbê và Gioan đến Vườn Ghết-sê-ma-ni (x. Mt 26, 36-46).
Sự đóng góp của truyền thông chính là làm cho chiều kích cộng đồng này, năng lực liên kết này, và ơn gọi kết nối này trở nên khả thi. Và, do đó, chúng ta hiểu rằng nhiệm vụ của truyền thông là thúc đẩy sự gần gũi, mang lại tiếng nói cho những người bị loại trừ, để thu hút sự chú ý đến những gì chúng ta thường loại bỏ và phớt lờ. Có thể nói, truyền thông là một công cụ kết nối, trong đó tiếng nói của Thiên Chúa vang lên và được lắng nghe.
Tôi muốn khai triển 3 điều như là những đường hướng để suy tư trong tương lai về lĩnh vực này.
Nhiệm vụ đầu tiên của truyền thông là làm cho con người bớt cô đơn. Nếu truyền thông không làm giảm đi cảm giác cô đơn mà rất nhiều người nam nữ cảm thấy họ phải cam chịu, thì truyền thông đó đơn thuần chỉ là giải trí, nó không phải là công cụ để kiến tạo các mối tương quan như chúng ta đã đề cập đến ở trên.
Để thực hiện một sứ mạng như thế, cần phải rõ ràng rằng người ta chỉ cảm thấy bớt cô đơn khi họ nhận ra những vấn đề, những hy vọng, và những khó khăn mà họ mang trong mình được sự bộc lộ ra bên ngoài. Chỉ duy Giáo hội biết dìm mình vào thực tại mới thực sự biết được điều gì ẩn khuất nơi tâm hồn của con người đương thời. Do đó, tất cả truyền thông đích thực được thực hiện trước hết từ sự lắng nghe chân thành, được hình thành từ những cuộc gặp gỡ, những khuôn mặt, những câu chuyện. Nếu không biết cách ở trong thực tại thì chúng ta sẽ tự giới hạn mình khi chỉ đưa ra những hướng dẫn từ trên cao mà không ai muốn chú ý đến. Truyền thông phải là một trợ giúp đắc lực đối với Giáo Hội trong việc ở trong thực tại một cách cụ thể, nhằm thúc đẩy việc lắng nghe và can thiệp vào phần lớn vấn đề của con người ngày nay.
Liên quan với thách đố đầu tiên này, tôi muốn thêm một thách đố khác: truyền thông mang lại tiếng nói cho những người không có tiếng nói. Rất thường xuyên chúng ta chứng kiến những hệ thống truyền thông gạt ra bên lề và phê bình những gì không thoải mái và những gì chúng ta không muốn thấy. Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội nhận thức rõ nhiệm vụ của mình là phải ở bên những người rốt hết, và môi trường sống tự nhiên của Giáo hội là chính môi trường sống của những vùng ngoại biên hiện sinh.
Nhưng những người ở vùng ngoại biên hiện sinh không chỉ là những người sống bên lề xã hội vì lý do kinh tế, mà còn là những người dù có của ăn nhưng bị tước đoạt ý nghĩa cuộc sống; họ cũng là những người sống trong hoàn cảnh bị gạt ra bên lề do những lựa chọn nhất định, hoặc những thất bại của gia đình, hoặc những biến cố cá nhân đã để lại những dấu ấn không thể xóa nhòa trong lịch sử của họ. Đức Giêsu không bao giờ sợ hãi người phung hủi, người nghèo, người xa lạ, ngay cả khi họ bị đánh dấu bởi sự kỳ thị về đạo đức. Đức Giêsu không bao giờ phớt lờ những người không theo đúng lễ giáo dưới bất cứ hình thức nào. Tôi tự hỏi rằng với tư cách là một Giáo hội, liệu chúng ta có biết cách đưa ra tiếng nói cho những anh chị em này, chúng ta có biết cách lắng nghe họ, chúng ta có biết cách phân định ý muốn của Thiên Chúa cùng với họ, và do đó, nói với họ Lời mang ơn cứu độ chăng.
Cuối cùng, thách đố thứ ba của truyền thông mà tôi muốn để lại cho anh chị em là việc giáo dục bản thân trong nỗ lực truyền thông. Trong Tin Mừng, không hiếm khi chúng ta thấy có những hiểu lầm, sự chậm chạp trong việc hiểu những giáo huấn của Đức Giêsu, hoặc sự hiểu lầm đôi khi trở thành những bi kịch thực sự, như đã xảy ra với Giuda Iscariot, người đã nhầm lẫn sứ mạng của Đức Kitô với chủ nghĩa thiên sai chính trị.
Vì vậy, chúng ta cũng phải chấp nhận chiều kích “gian nan” này trong truyền thông. Rất thường, những người nhìn Giáo hội từ bên ngoài vẫn bị bối rối trước những căng thẳng khác nhau bên trong Giáo hội. Nhưng những ai hiểu được cách thức hoạt động của Chúa Thánh Thần thì đều nhận thức rõ rằng Chúa Thánh Thần rất thích tạo ra sự hiệp thông giữa những đa dạng, và sự hòa hợp từ những hỗn độn. Hiệp thông không bao giờ là đồng nhất, mà là khả năng kết hợp các thực tại rất khác nhau. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có khả năng giao tiếp ngay cả với khó khăn này mà không cần giả vờ để giải quyết hoặc che giấu nó. Sự bất đồng ý kiếnkhông nhất thiết là một thái độ rạn nứt, nhưng nó có thể là một trong những thành tố của sự hiệp thông. Truyền thông cũng phải tạo điều kiện cho sự đa dạng về quan điểm, đồng thời luôn cố gắng duy trì sự hiệp nhất và sự thật, cũng như chống lại sự vu khống, bạo lực bằng lời nói, chủ nghĩa cá nhân, và chủ nghĩa chính thống cực đoan, nấp dưới chiêu bài trung thành với sự thật, nhưng lại chỉ gieo rắc chia rẽ và bất hòa. Nếu nhượng bộ những suy đồi này, thì truyền thông, thay vì làm nhiều điều tốt đẹp, rốt cuộc, lại gây ra nhiều nguy hại.
Anh chị em thân mến, công việc của Bộ Truyền thông không chỉ đơn thuần là kỹ thuật chuyên môn. Ơn gọi của anh chị em, như chúng ta đã thấy, chạm vào chính cách thức hiện diện của Giáo hội.
Xin cảm ơn anh chị em về những gì anh chị em thực hiện. Tôi khuyến khích anh chị em hãy tiến về phía trước với cách thế kiên quyết và ngôn sứ. Phục vụ Giáo hội có nghĩa là xứng đáng với sự tin cậy và cũng can đảm mạo hiểm trên những lộ trình mới. Theo nghĩa này, hãy luôn luôn đáng tin cậy và can đảm.
Tôi ưu ái chúc lành cho anh chị em. Xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (12. 11. 2022)