Bài Giảng Chúa Nhật XVIII Thường Niên Năm C –


“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”.

CHÚA GIÊ-SU LÀ GIA NGHIỆP CỦA GIÁO HỘI

Tuần 18 Thường Niên (Hội An 31/7/2022)

           Tường thuật Tin Mừng hôm nay được mở đầu với lời yêu cầu của một người đến xin Chúa làm trung gian chia gia tài cho mọi người trong gia đình của anh. Chúa Giê-su cho biết, đó không phải là sứ vụ của Ngài và liền ngay lúc đó, Chúa cho anh ta lời khuyên: “Hãy tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu” (Lc 12,15).

  1. Có một vũng lầy êm ái: tiền của

            Lời khuyên của Chúa Giê-su chắc chắn luôn bị phản ứng dữ dội trong xã hội mọi thời, vì tiền của hay quyền thế có mãnh lực của nó và cứ đi vào những nhà sách, sẽ thấy ảnh hưởng của nó khi sách dạy làm giàu ngày càng tăng, còn sách dạy làm người ngày càng hiếm! Một nhà văn Việt Nam nhận xét tiền của như kẻ thù vô hình. Thời chiến tranh, bao người gan dạ liều chết chống lại kẻ thù trước mặt, nhưng đến thời bình, nhiều người gan dạ ấy gục ngã trước tiền của, vì tiền bạc như kẻ thù vô hình mà họ không thấy và họ cứ rơi vào vũng lầy êm ái ấy, chết vì tiền của. Tai hại hơn, tiền của và sự ham hố giàu có còn thâm nhập vào đời sống Giáo Hội. Trong bài chia sẻ vào ngày 7/8/2019 tại đại thính đường Phaolô VI, Đức Phanxicô đã nói: “Nhiều lần tôi nghĩ về điều này, khi tôi thấy một số giáo xứ nghĩ rằng tiền bạc quan trọng hơn các bí tích. Hãy là một Giáo Hội nghèo. Chúng ta cầu xin Chúa điều này.” Thưa anh chị em, một tín hữu ngày càng quyến luyến với của cải, thì kết quả là họ sẽ quên mất Chúa. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Giáo Hội hay giáo xứ bỏ thời giờ và năng lực của mình để cống hiến cho cái gọi là “cải thiện tiện nghi,” đôn đáo đi nhiều nơi để có thêm nhiều tiền của, nhiều cơ sở mà hững hờ với Chúa Giê-su, xao lãng loan báo Tin Mừng và giảng dạy giáo lý của Chúa? Thế nào là một giáo xứ, giáo phận vững mạnh như lòng Chúa mong muốn? Một giáo xứ nghĩ rằng tiền bạc hay cơ sở vật chất, tiện nghi quan trọng hơn bí tích, hơn sứ mạng chia sẻ Tin Mừng Giê-su cho người đang khao khát học biết Chúa sao?  Hay là một Giáo Hội, giáo xứ đau đáu tìm kiếm thời gian phục vụ cho sứ mạng truyền giáo, cho mọi người biết Chúa Giê-su là Gia Nghiệp của mình, Đấng mà thánh Phaolô đã quả quyết: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa của tôi” (Pl 3,7-9)? Chúng ta không biết rằng sự giàu có trần gian mà chúng ta say mê có đó rồi mất đó như phù vân sao? Chúng ta không hiểu rằng sự giàu có của tín hữu, của giáo xứ hay Giáo Hội là Chúa Giê-su, chứ không phải tiền bạc của cải sao?

            Không cần chứng minh sự phù vân của giàu có tiền của, vì ai trong chúng ta đều có ít nhiều kinh nghiệm trước lời Chúa: “Chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu,” nhưng hôm nay, mỗi tín hữu, mỗi giáo xứ và toàn thể Giáo Hội phải xét mình để điều chỉnh lại hướng sống của ta với câu hỏi: có phải Chúa Giê-su đang là Gia Nghiệp của tôi không?

  1. Chúa Giê-su là Gia Nghiệp của Giáo Hội

            Chúa Giê-su không khắt khe với của cải nuôi sống chúng ta và làm phương tiện phục vụ truyền giáo, nhưng Ngài cảnh báo mối nguy xem của cải là gia nghiệp bảo đảm cho đời sống Giáo Hội và mỗi người. Trong bức thư của cha Daniel Fontaine gởi Đức cha Paulot giáo phận Reims (Pháp) ngày 18/3/1908 có nhận định: “Có bao giờ ta thấy những người nghèo thật sự phải chết đói vì phục vụ Chúa đâu? Một trong những nguyên nhân khiến lòng đạo đức sa sút là sự tiện nghi và xa hoa do tiền bạc.” Giáo Hội của Chúa Giê-su không phải là Giáo hội tìm kiếm tiền bạc hay vênh vang vì kiếm được nhiều của cải. Chúng ta cứ nhìn vào đời sống đầy xác tín của thánh Phaolô để thấy Giáo Hội tiên khởi xem nhẹ tiền của và dám đánh đổi tất cả để chỉ được biết Chúa Giê-su Ki-tô thế nào: “Vì Chúa, tôi đành mất hết, tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9). Chúa Giê-su là Kho Báu của Giáo Hội tiên khởi, là viên ngọc quý mà Phaolô đã nhận biết và dám bán hết tài sản để mua lấy. Chúng ta cần nghe lại lời của thánh Phê-rô nói với người ăn xin: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh hãy đứng dậy mà đi” (Cv 3,6). Nói như thánh Phaolô: Giáo Hội “bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; chúng tôi bị coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2Cr 6,10). Giáo Hội làm cho mọi người giàu có đức tin, giàu có ân sủng Thiên Chúa mà con người không thể tìm được ở nơi nào khác ngoài Giáo Hội. Đó là sứ mạng của Giáo Hội ở giữa trần thế. Vì thế, thật đớn đau khi các giáo xứ xem tiền của quan trọng hơn bí tích, hơn sứ mạng truyền giáo và không còn chuyên chăm phục vụ Chúa và các linh hồn! Thật bi thảm khi tín hữu dành hết thời giờ cho mọi lợi ích trần thế và tìm kiếm của cải, đến nỗi không có thời giờ tham dự thánh lễ hay cầu nguyện trong gia đình! Giáo Hội là của Chúa, gia đình và mỗi chúng ta là của Chúa, nên đừng tưởng Chúa không lo được gì cho Giáo Hội hay cho mỗi chúng ta. Thánh vương Đa-vít đã xác tín: “Lạy Chúa, Chúa là gia nghiệp đời con…, ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc?” (Tv 16). Đức tin của giáo xứ và của mỗi chúng ta có xác tín được như vua Đa-vít không?

            Được lời Chúa dạy bảo hôm nay, chúng ta dựa lời cầu nguyện trong sách Châm Ngôn cầu xin Chúa: xin Chúa đừng để giáo xứ hay mỗi chúng ta quá giàu mà quên mất Chúa và cũng đừng để quá nghèo, kẻo đi ăn mày mà làm ô danh Chúa. Nhất là xin Chúa đừng để giáo xứ hay tín hữu say mê tìm kiếm vật chất, mà đánh mất nhân cách làm con cái Chúa và quên mất Chúa là Gia Nghiệp cuộc đời mình. Chớ gì giáo xứ và mọi tín hữu đảm trách lại bổn phận truyền giáo Chúa trao và tín thác cho Chúa mọi sự, để có được nhân cách như thánh Phaolô: “Vì Chúa, tôi đành mất hết, tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

 

 

CN 18 TN NAM C

31-7-2022

CHẦU THÁNH THỂ Giáo xứ Bình Phong

GIÁO HUẤN SỐ 36 – MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Các hoạt động chính yếu

 Về việc phát triển, tôi muốn nêu một điểm quan trọng: Tại một số nơi, người ta thấy người trẻ được trợ giúp để có kinh ghiệm rõ nét hơn về Thiên Chúa, để có sự gặp gỡ Đức Giê-su vốn có sức chạm đến trái tim họ. Nhưng rồi bước tiếp theo chỉ là một loạt  các buổi ‘huấn luyện’, với các bài nói chuyện về các vấn đề tín lý và luân lý, về những sự xấu xa trong thế giới ngày nay, về Giáo hội, học thuyết xã hội của Giáo hội, về khiết tịnh, hôn nhân, kiểm soát sinh sản v.v…Kết quả là nhiều người trẻ trở nên chán chướng, họ đánh mất ngọn lửa của việc gặp gỡ Đức Ki-tô, và đánh mất niềm vui của việc đi theo Người, nhiều người rút lui, nhiều người trở thành thất vọng hay tiêu cực. Thay vì quá quan tâm đến việc truyền thụ môt mớ giáo thuyết, trước hết chúng ta hãy thử đánh thức và gia cố những kinh nghiệm tuyệt vời có sức nâng đỡ đời sống kitô hữu. Theo cách nói của Romano Guardini: “Khi chúng ta kinh nghiệm một tình yêu lớn… thì mọi sự khác sẽ trở thành một phần của tình yêu ấy (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 212).

 

CN 18 TN NAM C

Gv 1.2; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21

Vào thời kỳ đầu của Giáo Hội Hoàn vũ có thầy phó tế Lô-ren-sô. Thầy được Đức giáo hoàng hoàng Six-tô trao nhiệm vụ coi sóc tài sản của Giáo Hội. Dưới thời hoàng đế Đê-xi-ô cấm đạo, Đức giáo hoàng bị bắt. Khi Đức giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, thày lẽo đẽo theo sau khóc : “Cha ơi, cha đi đâu mà không cho con đi theo”. Muốn chiếm đoạt tài sản Giáo Hội, hoàng đế ra lệnh bắt thầy và truyền trong vòng ba ngày thầy phải nộp tài sản Giáo Hội. Sau ba ngày thầy trở lại, đem theo đám dân nghèo. Chỉ tay vào đám dân nghèo, thầy nói : “Đây là tài sản của Giáo Hội”. Quá tức giận, hoàng đế ra lệnh nung chiếc giường sắt để nướng thầy. Vui vẻ chịu đựng, thầy còn trêu : “Một bên đã chín, xin nướng bên kia nữa”. Không kể các thánh Tông Đồ, thầy là vị thánh được dân chúng mến mộ nhất. Trong sách lễ thời Đức giáo hoàng Lê-ô vào thế kỷ IV có 14 lễ kính thầy. Thời Trung Cổ, 34 nhà thờ mang tên thầy. Thầy là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Rô-ma.

 Giáo Hội Việt Nam thời đầu cũng có một vị thánh như thánh Lô-ren-sô. Đó là cha Đaminh Nguyễn Văn Xuyên là quản lý cho Đức cha Delgado (Đen-ga-đô) Y, giám mục giáo phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng). Biết cha là quản lý, tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh cho đánh đòn để cha trao nộp tài sản của giao phận. Một lần cha bị đánh đòn, quan đứng bên cạnh thúc giục : “Đánh nữa, đánh nữa cho tới khi nó bỏ đạo và trao nộp tài sản”. Cha trả lời : “Tôi chẳng có đồng nào trong người”. Quan cho nung kìm dí vào người cha. Giáo dân thương, quyên tiền nộp để cha được tha, cha nói : “Anh em hãy để tiền lo cho giáo xứ thì hơn, đừng tốn tiền chuộc tôi làm chi vô ích. Ý Chúa đã muốn, chẳng ai làm khác được. Anh em cứ bình an về nhà, nhớ cầu nguyện cho tôi chịu sự khó cho nên“. Cha bị chém đầu ngày 26-11-1839 tại pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định.

Người đời coi trọng đồng tiền. Họ đã ví :

Tiền là tiên là Phật

Tiền là sức bật của lò xo

Là thước đo của lòng người

Là tiếng cười của tuổi trẻ

Là sức khỏe của tuổi già

Là cái đà danh vọng

Là cái lọng che thân

Là cán cân công lý

Tiền là hết ý.     

BTM (Lc 12,13-21):  Nhưng Chúa Giê-su trong BTM thánh lễ hôm nay dạy chúng ta : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm đâu” (Lc 12,15).

Sau khi tích trữ thóc lúa và của cải, ông phú hộ thỏa mãn tự nhủ : “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn chơi cho đã” (Lc 12,19).

Chúa Giê-su liền dạy : “Thiên  Chúa bảo ông ta : ‘Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì nhưng gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,20-21).

Bđ1 (Gv 1.2; 2,21-23) : Bđ1 đọc trong sách Giảng Viên. Sách Giảng Viên mang hình thức một cuốn tự truyện của Cô-he-lét về những suy tư, thao thức, về ý nghĩa của cuộc đời và phương cách để sống tốt của mỗi người. Ông tuyên bố rằng tất cả mọi chuyện con người làm đều là “phù vân”, chóng qua; người khôn và kẻ dại cũng đều kết thúc bằng cái chết. Côhelét vẫn ủng hộ những hành động khôn ngoan như là một phương tiện để sống cuộc đời trần thế nhưng rồi ông vẫn không cho rằng nó mang đến ý nghĩa cho sự sống đời đời. Ông gợi ý rằng người ta nên tận hưởng những niềm vui đơn giản trong cuộc sống thường ngày, vì đó là quà tặng Thiên Chúa ban. Sách Giảng Viên kết thúc bằng câu: “Lời kết luận cho tất cả mọi điều bạn đã nghe ở trên đây là: hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người, vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu.” (12:13). Câu kết luận của sách Giảng Viên đồng nghĩa với lời Chúa Giê-su dạy “lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”.

Bđ2 (Cl 3,1-5.9-11): Thánh Phao-lô trong bđ2 cũng dạy : “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới… Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1.2).

Sau đó thánh Phao-lô kể những gì thuộc hạ giới : “Ấy là gian dâm, ô uế, đam  mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3,5).

Thánh Lô-ren-sô, thánh Nguyễn Văn Xuyên không chê tiền bạc của cải, nhưng muốn nó làm lợi cho phần linh hồn như Chúa Giê-su dạy.

Tin Mừng “không kết án người giàu, nhưng là lòng tôn thờ của cải vốn làm cho con người vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố như thế trong cuộc nói chuyện với hai nhà báo Andrea Tornielli của Vatican Insider, và Giacomo Galeazzi của nhật báo La Stampa.

Ông Paul Riff , giáo sư tâm lý tại Đại học California, đã thực hiện một nghiên cứu về cách tiền bạc thay đổi mối quan hệ giữa người và người. Ông nhận định : Hầu hết các kết quả cho thấy rằng tiền bạc có tác động tiêu cực lên hành vi của con người. “Càng có nhiều tiền, người ta càng có xu hướng tập trung vào bản thân mình, và kém nhạy cảm hơn với hạnh phúc của những người xung quanh.

Ông nói tiếp : “Ngày nay, làm từ thiện đã là hoạt động thường thấy của rất nhiều người giàu thế giới. Năm ngoái, nhà sáng lập Facebook. Mark Zuckerberg. đã cam kết hiến tặng 99% cổ phiếu Facebook đang nắm giữ để làm từ thiện. Người giàu nhất thế giới-Bill Gates, và huyền thoại đầu tư Warren Buffett, đồng sáng lập cũng cam kết cho đi (Giving Pledge) và thuyết phục người giàu cho đi ít nhất nửa tài sản của mình.

Ông Riff kết luận : “Giàu có khiến con người tự tách biệt mình. Vì thế, điều cần làm là phải kết nối họ lại với những người xung quanh để đưa họ ra khỏi thế giới riêng.”

Cầu nguyện

Lạy Chúa, chúng con tự hào

vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn

xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con

cùng ban ơn đổi mới

và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên

cho chúng con được hưởng nhờ.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành