Bài Giảng Của ĐTC Trong Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô Và Phaolô


Trong bài giảng, ĐTC đã mô tả hai vị Tông Đồ cột trụ của Giáo hội, thánh Phêrô và Phaolô như chứng nhân về cuộc sống, về sự tha thứ và về chính Chúa Giêsu. Phêrô đã từng chối Thầy, Phaolô đã từng bách hại Giáo Hội của Chúa Kitô. Nhưng cả hai đã gặp một tình thương lớn hơn những thất bại và lỗi lầm của mình, một sự tha thứ mạnh đến độ chữa lành cả những mặc cảm tội lỗi của hai vị.

Hai tông đồ Phêrô và Phaolô ở trước chúng ta như những nhân chứng. Họ không bao giờ mệt mỏi loan báo và sống cho sứ mạng, trong hành trình từ vùng đất của Chúa Giêsu đến Roma. Tại đây các ngài đã làm chứng cho ​​đến cùng, hiến chính mạng sống như những vị tử đạo. Nếu chúng ta đi đến gốc rễ chứng tá của của các ngài, chúng ta sẽ thấy nơi họ là chứng nhân của cuộc sốngchứng nhân của sự tha thứ và chứng nhân của Chúa Giêsu.

Chứng nhân của cuộc sống

Dẫu cho, cuộc sống của họ đã không sạch sẽ và chính trực. Cả hai từ bản chất đều nhiệt thành trong việc giữ đạo: Phêrô, một môn đệ từ giây phút đầu tiên (x. Ga 1, 41), Phaolô thậm chí “không mệt mỏi với các truyền thống của cha ông” (Gal 1, 14). Nhưng họ đã phạm phải những sai lầm to lớn: Phêrô đã chối Chúa, Phaolô đã bắt bớ Hội thánh của Chúa. Cả hai đều trở nên trần trụi trước những câu hỏi của Chúa Giê-su: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15); “Phaolô, Phaolô, tại sao anh lại bắt bớ ta? (Cv 9,4). Phêrô rất buồn trước những câu hỏi của Chúa Giêsu, Phaolô bị mù bởi những lời của Ngài. Chúa Giêsu gọi họ bằng tên và thay đổi cuộc sống của họ. Và sau tất cả những phiêu lưu, Ngài tin tưởng họ, hai tội nhân hoán cải. Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao Chúa không cho chúng ta hai nhân chứng chính trực, với một hồ sơ sạch sẽ, với một cuộc sống không nhiễm uế? Tại sao lại là Phêrô, khi Gioan đã có rồi? Tại sao là Phaolô mà không phải là Banaba?

Điểm khởi đầu của đời sống Kitô hữu không phải là họ xứng đáng

Có một giáo huấn tuyệt vời ở đây: điểm khởi đầu của đời sống Kitô hữu không phải là xứng đáng; với những người nghĩ rằng họ tốt, Chúa có thể làm được rất ít. Khi chúng ta coi bản thân mình tốt hơn những người khác, đó là khởi đầu của sự kết thúc. Chúa không thực hiện phép lạ với người nghĩ rằng mình công chính, nhưng với người biết rằng họ đang thiếu thốn. Ngài không bị cuốn hút bởi tài năng của chúng ta, đó không phải là lý do Ngài yêu chúng ta. Ngài yêu chúng ta như hiện tại của chúng ta và Ngài tìm kiếm những ai không tự cho mình là đủ, nhưng sẵn sàng mở lòng ra với Ngài. Vì thế, Phêrô và Phaolô trong suốt trước Chúa. Lập tức Phêrô nói với Chúa Giêsu: “Con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Phaolô viết rằng “tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ” (1 Cr 15, 9).

Sự tha thứ của Chúa: bí mật giúp người tội lỗi tiến bước

Trong cuộc sống, họ giữ sự khiêm nhường này cho đến cùng: Phêrô bị đóng đinh trong tư thế lộn ngược, vì ngài không nghĩ mình xứng đáng để bắt chước Chúa của mình; Phaolô luôn thích tên gọi mình, Phaolô có nghĩa là “nhỏ” và quên đi tên gọi khai sinh, Saulo, tên vị vua đầu tiên của dân tộc Israel. Họ hiểu rằng sự thánh thiện không nằm ở chỗ nâng mình lên, nhưng là hạ mình xuống: không phải là leo lên trong bảng xếp hạng, mà là mỗi ngày phó thác sự nghèo khó của mình cho Chúa, Đấng làm những điều vĩ đại nơi những ai khiêm nhường. Đâu là bí mật giúp họ tiến bước nơi sự yếu đuối? Là sự tha thứ của Chúa.

Nhân chứng của sự tha thứ

Do đó, chúng ta tái khám phá nơi họ là nhân chứng của sự tha thứ. Nơi những cú ngã, họ đã khám phá ra sức mạnh của lòng thương xót Chúa, điều đã làm cho họ được tái sinh. Trong sự tha thứ của Ngài, họ đã tìm thấy một sự bình an và niềm vui không thể đánh mất. Với những gì họ đã trải qua, họ có thể đã sống với cảm giác tội lỗi: bao nhiêu lần Phêrô đã nghĩ về việc chối Chúa của mình! Bao nhiêu xáo trộn đối với Phaolô, người đã làm điều tồi tệ với rất nhiều người vô tội! Đối với con người, họ đã thất bại. Nhưng họ đã gặp một tình yêu lớn hơn những thất bại của họ, một sự tha thứ mạnh mẽ đến nỗi chữa lành cảm giác tội lỗi. Chỉ khi chúng ta trải nghiệm được sự tha thứ của Chúa, chúng ta mới thực sự tái sinh. Tại đó người ta mới bắt đầu lại, từ sự tha thứ; tại đó chúng ta tìm lại được chính mình: trong Bí Tích Hoà Giải.

Nhân chứng của Chúa Giêsu

Là nhân chứng của sự sống, nhân chứng của sự tha thứ, và trên hết Phêrô và Phaolô là nhân chứng của Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài hỏi: “Dân chúng nói Con Người là ai?” Các câu trả lời gợi lên những nhân vật trong quá khứ: “Gioan Tẩy Giả, Elia, Giêrêmia hoặc một trong số các tiên tri”. Họ là những người phi thường, nhưng tất cả đã chết. Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (x. Mt 16,13.14.16). Đấng Kitô, nghĩa là Mêsia – Đấng Thiên Sai. Đó là một từ không nói về quá khứ, mà là tương lai: Mêsia là Đấng được trông đợi, người mới, Đấng mang đến cho thế giới sự xức dầu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không phải là quá khứ, mà là hiện tại và tương lai. Không phải là một nhân vật xa xôi để nhớ, nhưng là Đấng mà Phêrô nói với ngôi thứ hai: Thầy là Đấng Kitô. Đối với Phêrô, Chúa Giêsu hơn cả một nhân vật trong lịch sử, Ngài là con người của sự sống: là người mới, không phải là người đã thấy; người mới của tương lai, không phải là ký ức của quá khứ. Do đó, nhân chứng này không phải là người biết câu chuyện về Chúa Giêsu, mà là người sống một câu chuyện về tình yêu với Chúa Giêsu. Bởi vì, sau tất cả, nhân chứng nhất quyết tuyên bố: rằng Chúa Giêsu đang sống và là bí mật của cuộc sống. Thật sự, chúng ta thấy rằng Phêrô, sau khi đã nói: Thầy là Đấng Kitô, còn nói thêm: “Con Thiên Chúa hằng sống” (câu 16). Lời chứng được sinh ra từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu sống.

Cũng nơi trung tâm cuộc đời của Phaolô, chúng ta tìm thấy cùng một từ tràn ra từ trái tim của Phêrô: Đức Kitô. Phaolô lặp đi lặp lại danh xưng này nhiều lần, gần bốn trăm lần trong các lá thư của mình! Đối với Phaolô, Đức Kitô không chỉ là mẫu mực, gương mẫu, điểm tham chiếu: nhưng đó là sự sống. Phaolô viết: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21). Chúa Giêsu là hiện tại và tương lai của ngài, đến nỗi ngài xem quá khứ là rác rưởi so với mối lợi tuyệt vời là được biết về Chúa Kitô (x. Pl 3,7-8).

“Tôi có làm mới lại cuộc gặp gỡ của tôi với Chúa Giêsu mỗi ngày không?”

Trước những nhân chứng này, chúng ta tự hỏi: “Tôi có làm mới lại cuộc gặp gỡ của tôi với Chúa Giêsu mỗi ngày không?” Có lẽ chúng ta tò mò về Chúa Giêsu, chúng ta quan tâm đến những điều của Giáo hội hoặc các tin tức tôn giáo. Chúng ta mở các trang web, báo chí và nói về những điều thiêng liêng. Nhưng đấy vẫn là điều mà người ta nói, để tìm tòi, về quá khứ. Chúa Giêsu không quan tâm đến điều đó lắm. Ngài không cần các phóng viên tinh thần, hay Kitô hữu ở bề mặt. Ngài tìm kiếm những nhân chứng, những người mỗi ngày nói với Ngài: “Lạy Chúa, Ngài là cuộc sống của con”.

Tình yêu không thước đo

Gặp được Chúa Giêsu, trải nghiệm sự tha thứ của Ngài, các Tông đồ đã làm chứng cho ​​một cuộc sống mới: họ không cứu lấy mình, họ đã tự hiến. Họ không bằng lòng với thước đo nửa vời, nhưng họ đã dùng thước đo duy nhất có thể đối với những người theo Chúa Giêsu: đó là một tình yêu không thước đo. Họ “đổ máu ra làm lễ tế (x. 2 Tm 4,6).

Đừng trở thành những Kitô hữu âm ấm

Chúng ta xin ơn để không trở thành những Kitô hữu âm ấm, những người sống theo thước đo nửa vời, những người để cho tình yêu nguội lạnh. Chúng ta tìm lại mối tương quan hàng ngày với Chúa Giêsu và sức mạnh tha thứ của Ngài. Chúa Giêsu, giống như với Phêrô, cũng hỏi bạn: “Tôi là ai đối với bạn?” “Bạn có yêu tôi không?” Hãy để những lời này vào trong chúng ta và đốt cháy ước muốn không hài lòng với mức tối thiểu, nhưng nhắm đến tối đa, và chúng ta cũng trở nên nhân chứng sống của Chúa Giêsu.

Dây Pallium: các Mục tử không sống cho mình, mà cho đàn chiên

Hôm nay, những dây Pallium được làm phép cho các Tổng Giám mục được bổ nhiệm vào năm ngoái. Pallium nhắc nhớ đến con chiên mà Vị Mục Tử được kêu gọi vác trên vai: đó là dấu hiệu cho thấy các Mục tử không sống cho mình, mà cho đàn chiên; đó là dấu hiệu cho thấy, để sở hữu nó phải để mất sự sống, cho đi sự sống.

Một phái đoàn Toà Thượng phụ Chính Thống chia sẻ với chúng ta hôm nay, theo một truyền thống tốt đẹp. Tôi kính chào với lòng cảm mến. Sự hiện diện của quý vị nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể đánh mất nhau trên hành trình hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các tín hữu, trong sự hiệp thông ở mọi cấp độ. Bởi vì cùng nhau, được hoà giải bởi Thiên Chúa và chúng ta tha thứ cho nhau, chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân của Chúa Giêsu bằng cuộc sống của chúng ta.

Văn Yên SJ chuyển dịch

Nguồn: Vatican News