Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Buổi Cử Hành Sám Hối « 24 Giờ Cho Chúa » Năm 2023:


LẠY THIÊN CHÚA, XIN THƯƠNG XÓT CON LÀ KẺ TỘI LỖI

Chiều ngày 17/3/2023, Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ giáo xứ Santa Maria delle Grazie ở Rôma để cử hành nghi thức sám hối, trong khuôn khổ « 24 giờ cho Chúa » lần thứ 10, một sáng kiến Mùa Chay diễn ra nơi các giáo phận trên toàn thế giới. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha mời gọi đừng để cho cái tôi hay « sự giả hình bề ngoài » thắng thế, nhưng hãy đến cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa trong sự thật về con người nghèo nàn, tội lỗi của chúng ta.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô :

« Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi » (Pl 3, 7). Đó là những gì thánh Phaolô tuyên bố trong bài đọc thứ nhất mà chúng ta vừa nghe. Và nếu chúng ta tự hỏi đâu là những điều mà ngài không còn coi là nền tảng nữa trong cuộc đời của ngài, thậm chí là hạnh phúc khi đánh mất chúng để tìm thấy Chúa Kitô, thì chúng ta nhận thấy rằng đó không phải là những thực tại vật chất, nhưng là « những sự giàu có tôn giáo ». Vâng : ngài là một người ngoan đạo, một người nhiệt thành, một người Pharisêu tận tụy và hành đạo (x. c. 5-6). Tuy nhiên, thói quen tôn giáo này, vốn có thể là một công trạng, một nguồn tự hào, một sự giàu có thánh thiêng, thực ra lại là một trở ngại đối với ngài. Đó là lý do tại sao thánh Phaolô khẳng định : « Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô» (c.8). Tất cả những gì đã mang lại cho ngài một uy tín nào đó, một danh tiếng nào đó…, « hãy quên nó đí : đối với tôi Chúa Kitô quan trọng hơn ».

Người quá giàu có về chính mình và về « giá trị » tôn giáo của mình cho rằng mình công chính và tốt hơn người khác – bao nhiêu lần điều đó xảy ra trong giáo xứ : « Tôi là Công giáo Tiến hành, tôi sẽ giúp đỡ linh mục, tôi quyên tiền… tôi, tôi, tôi », bao nhiêu lần xảy ra rằng chúng ta nghĩ mình tốt hơn người khác. Mỗi người, trong lòng mình, hãy nghĩ xem liệu điều này đôi khi đã xảy ra chưa -, người làm như vậy là tự hài lòng với sự kiện họ đã giữ thể diện bên ngoài ; họ cảm thấy tốt, nhưng họ không thể dành chỗ cho Thiên Chúa vì họ không cảm thấy cần đến Ngài. Và rất thường, những « người Công giáo trong sạch », những người cảm thấy mình công chính vì họ đến nhà xứ, vì họ đi lễ ngày Chúa Nhật, huênh hoang mình là công chính : « Không, tôi không cần gì cả, Chúa đã cứu tôi ». Điều gì đã xảy ra ? Chỗ đứng của Thiên Chúa, họ đã chiếm giữ nó bằng « cái tôi » của mình, và do đó, ngay cả khi họ đọc kinh và thực hiện các hành vi thánh thiêng, họ không thực sự đối thoại với Chúa. Họ độc thoại, chứ không phải đối thoại, không phải cầu nguyện. Đó là lý do tại sao Thánh Kinh nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có « lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm » (Hc 35, 17), bởi vì chỉ ai có tinh thần nghèo khó, cảm thấy cần ơn cứu độ và cầu xin ân sủng, mới trình diện trước nhan Thiên Chúa mà không phô trương công đức của mình, không tự phụ, không vênh vang : họ không có gì và do đó họ tìm thấy tất cả, bởi vì họ tìm thấy Chúa.

Chúa Giêsu dạy chúng ta điều này trong dụ ngôn mà chúng ta đã nghe (x. Lc 18,9-14). Đó là câu chuyện về hai người đàn ông, một người Pharisêu và một người thu thuế, lên đền thờ để cầu nguyện, nhưng chỉ một người trong họ chạm đến trái tim của Thiên Chúa. Ngoài những gì họ làm, chính thái độ thể lý của họ mới nói lên : bài Tin Mừng nói rằng người Pharisêu « đứng thẳng » và cầu nguyện (c.11), ngẩng cao đầu, trong khi người thu thuế « đứng ở đằng xa và thậm chí không dám ngước mắt lên trời » (c.13), vì xấu hổ. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về hai tư thế này.

Người Pharisêu đứng thẳng. Ông tự tin về mình, ngay thẳng và đắc thắng như một người phải được ngưỡng mộ về giá trị của ông, như một hình mẫu. Trong thái độ này, ông cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng trên thực tế, ông tự tán dương chính mình : tôi thường xuyên lên đền thờ, tôi giữ các giới luật, tôi bố thí….Về hình thức, lời cầu nguyện của ông không thể chê vào đâu được, bền ngoài chúng ta thấy một người ngoan đạo và sùng đạo, nhưng thay vì mở ra cho Thiên Chúa bằng cách mang đến cho Ngài sự thật của tâm hồn mình, ông che giấu những điểm yếu của mình trong sự giả hình. Và chúng ta thường hóa trang cuộc sống của mình. Người Pharisêu này không mong đợi ơn cứu độ của Chúa như một món quà, nhưng đòi hỏi nó hầu như một phần thưởng cho công đức của mình. « Con đã làm bổn phận của mình, bây giờ hãy cho con phần thưởng ». Ông không do dự tiến về phía bàn thờ của Thiên Chúa, ngẩng cao đầu, để chiếm lấy chỗ của ông, ở hàng ghế đầu, nhưng cuối cùng lại tiến quá xa đến mức đặt mình trước nhan Thiên Chúa !

Trái lại, người thu thuế kia vẫn ở đằng xa. Ông không tìm cách làm cho mình nổi bật lên, ông vẫn ở lại đằng sau. Nhưng chính khoảng cách này cho thấy con người tội lỗi của ông so với sự thánh thiện của Thiên Chúa, và điều đó cho phép ông cảm nghiệm được phúc lành và vòng tay thương xót của Chúa Cha. Thiên Chúa có thể đến với ông chính bởi vì, khi vẫn ở đằng xa, con người này đã dành chỗ cho Ngài. Ông không nói về bản thân mình, ông nói để cầu xin ơn tha thứ, ông nói và đồng thời nhìn vào Thiên Chúa. Thật cũng đúng biết bao đối với các mối tương quan gia đình, xã hội và giáo hội của chúng ta ! Có một cuộc đối thoại thực sự khi chúng ta biết gìn giữ một không gian giữa người và chúng ta, một không gian lành mạnh cho phép mỗi người hít thở mà không bị hút vào hay bị hủy bỏ. Như thế, cuộc đối thoại này, cuộc gặp gỡ này mới có thể rút ngắn khoảng cách và tạo nên sự gần gũi. Cũng thế trong cuộc đời của người thu thuế này : khi dừng lại ở cuối đền thờ, quả thật ông nhận ra mình như mình là, một người tội lỗi, trước nhan Thiên Chúa : khoảng cách, và như thế ông để cho Thiên Chúa đến gần mình.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy ghi nhớ điều này : Chúa đến với chúng ta khi chúng ta rời bỏ các tôi tự phụ của mình. Chúng ta hãy nghĩ xem : Tôi có tự phụ không ? Tôi có nghĩ mình tốt hơn người khác không ? Tôi có nhìn ai đó với ánh mắt khinh thường không ? « Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa đã cứu con và con không giống như những người này vốn không hiểu biết gì, con đi nhà thờ, con đi lễ ; con kết hôn, con kết hôn ở nhà thờ, họ là những kẻ ly dị, tội nhân… » Tâm hồn của bạn có như thế không ? Bạn sẽ xuống hỏa ngục. Để đến gần Thiên Chúa, cần phải thưa với Chúa : « Con là kẻ đầu tiên trong các kẻ tội lỗi, và nếu con không sa ngã vào chốn nhơ bẩn nặng nề hơn, đó là bởi vì lòng thương xót của Chúa đã nắm lấy tay con. Lạy Chúa, nhờ Chúa mà con được sống ; lạy Chúa, nhờ Chúa mà con không bị tội lỗi hủy diệt ». Thiên Chúa có thể rút ngắn khoảng cách với chúng ta khi chúng ta thành thật trình bày sự yếu đuối của mình với Ngài mà không tự phu. Ngài dang tay ra để nâng chúng ta lên khi chúng ta biết « chạm đáy » và chúng ta phó thác cho Ngài bằng tấm lòng chân thành. Thiên Chúa là như thế này : Ngài chờ đợi chúng ta ở tận đáy, bởi vì trong Chúa Giêsu, Ngài muốn « đến tận đáy » bởi vì Ngài không sợ đi xuống tận vực sâu đang xâm chiếm chúng ta, chạm đến những vết thương trên xác thịt của chúng ta, đón nhân sự nghèo nàn của chúng ta, đón nhận những thất bại trong cuộc đời chúng ta, những lỗi lầm mà chúng ta phạm phải vì yếu đuối hay hững hờ, và tất cả chúng ta đều đã làm điều đó. Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta ở đó, ở tận đáy, Ngài đang chờ đợi chúng ta nhất là khi, với lòng khiêm tốn sâu xa, chúng ta đến xin ơn tha thứ trong Bí tích Giải Tội, như chúng ta sẽ làm hôm nay. Ngài đang chờ đợi chúng ta ở đó.

Thưa anh chị em, hôm nay, mỗi người chúng ta hãy kiểm điểm lương tâm vì người Pharisêu và người thu thuế đều ở trong chúng ta. Chúng ta đừng ẩn nấp đằng sau sự giả hình của vẻ bề ngoài, nhưng hãy tin tưởng giao phó những điều u tối , những lỗi lầm của chúng ta cho lòng thương xót của Chúa. Chúng ta hãy nghĩ đến lỗi lầm của mình, sự khốn khổ của mình, ngay cả những khốn khổ mà chúng ta không thể chia sẻ vì xấu hổ, và điều đó tốt, nhưng với Thiên Chúa, cần phải cho Ngài thấy chúng. Khi chúng ta xưng tội, chúng ta đặt mình dưới đáy, như người thu thuế, để cũng nhân ra khoảng cách đang tách rời chúng ta giữa những gì Thiên Chúa đã mơ ước cho cuộc sống chúng ta và những gì chúng ta thực sự là mỗi ngày : những con người nghèo nàn. Và, vào lúc đó, Chúa đến gần, Ngài rút ngắn khoảng cách và nâng chúng ta đứng dậy ; vào lúc đó, trong khi chúng ta nhận ra mình trần trụi, thì Ngài mặc cho chúng ta bộ lễ phục. Đó là và phải là Bí tích Hòa Giải : một cuộc gặp gỡ mừng lễ, vốn chữa lành tâm hồn và để lại bình an nội tâm ; không phải là một tòa án nhân loại đáng sợ, nhưng là vòng tay của Thiên Chúa mà chúng ta trở ra được an ủi.

Một trong những điều đẹp đẽ nhất về cách thức Thiên Chúa đón tiếp chúng ta là sự dịu dàng trong cái ôm mà Ngài dành cho chúng ta. Nếu chúng ta đọc câu chuyện người con hoang đàng trở về nhà (x. lc 15, 20-22) và bắt đầu nói, thì người cha không để cho anh ta nói, ông ôm lấy anh ta, và anh ta không thể nói. Cái ôm của lòng thương xót. Và ở đây tôi ngỏ lời với các anh em giải tội của tôi : xin anh em hãy tha thứ mọi sự, hãy tha thứ luôn luôn, đừng quá soi mói lương tâm người ta ; hãy để người ta nói những vấn đề của họ và anh em đón nhận điều đó như Chúa Giêsu, với cái nhìn âu yếm của anh em, với sự thinh lặng hiểu biết của anh em. Xin thưa, Bí tích Giải Tội không phải được lập nên để tra tấn, nhưng để ban bình an. Anh em hãy tha thư mọi sự, như Thiên Chúa sẽ tha thứ mọi sự cho anh em. Mọi sự, mọi sự, mọi sự.

 Trong Mùa Chay này, với tâm hồn thống hối ăn năn, chúng ta cũng hãy thì thầm như người thu thuế : « Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi » (c. 13). Chúng ta hãy cùng nhau nói điều này : Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Lạy Thiên Chúa, khi con quên hay hững hờ với Ngài, khi con đặt lời nói của con và lời nói của thế gian lên trước Lời Ngài, khi con tự cho mình là công chính và khinh thường người khác, khi con nói về người khác, lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Khi con không quan tâm đến những người xung quanh con, khi con dửng dưng với những người nghèo khổ và đau khổ, yếu đuối hay bị gạt ra bên lễ xã hội, lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Vì những tội lỗi chống lại sự sống, vì chứng tá xấu xa đã làm hoen ố khuôn mặt xinh đẹp của Mẹ Giáo hội, vì những tội lỗi chống lại công trình tạo dựng, lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Vì sự nói dối, vì sự bất lương, sự thiếu trong sáng và ngay thẳng của con, lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Vì tội lỗi giấu kín của con, những tội mà không ai biết đến, vì sự xấu xa mà con đã gây ra cho tha nhân mà con không ý thức, vì điều tốt lành mà đáng lẽ con có thể làm mà con đã không làm, lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ  tội lỗi.

Trong thinh lặng, chúng ta hãy lặp lại trong giây lát, với tâm hồn sám hối và tin tưởng : Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Trong thinh lặng, mỗi người hãy lặp lại điều đó trong tâm hồn mình. Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Trong hành vi sám hối và tin tưởng này, chúng ta sẽ mở lòng đón nhận niềm vui về món quà lớn lao nhất : lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vatican.va (17.3.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (18.3.2023)