Bài Giảng Lễ Giỗ Lần Thứ 30 Của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
Bài chia sẻ lễ Giỗ lần thứ 30 của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
Tại Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, 20/01/2018
(Tin Mừng Luca 5, 1-11)
********
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Trong tinh thần uống nước nhớ nguồn, sự hiệp thông sâu sa của cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận cùng hiện diện để hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cha Cố Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi – Vị Giám mục Tiên khởi của Giáo phận Đà Nẵng trong ngày lễ giỗ lần thứ 30 của Ngài. Chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin chân thành và sốt sáng cho linh hồn Đức Cha Cố Phêrô Maria; người chủ chăn can đảm, với đức tin và tình yêu mến hết mình vì đàn chiên Giáo phận Đà Nẵng.
* Cuộc đời trong chương trình của Thiên Chúa:
Lời Chúa qua Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy được quyền năng giải thoát của Ngài khi thực hiện mẻ cá lạ lùng trước mặt các ông. Chiếc lưới được thả vào lòng biển khơi để vớt cá lên, đó là hình ảnh của công trình Cứu chuộc mà Ngài đang thực hiện. Ngài đến là để lôi kéo con người khỏi vực sâu của tội lỗi và sự dữ. Chính Chúa Giêsu dùng kiểu nói “đánh lưới người” mà Ngài sẽ trao phó cho các môn đệ và Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập; trở thành ngư phủ đánh lưới người có nghĩa là tham dự vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu. Qua mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng tự sức họ, họ không thể làm được gì. Thánh Phêrô đã ý thức được điều đó: “Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả“. Thánh Phêrô không chỉ nói lên cái giới hạn bất toàn của con người, mà còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình:”Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi“. Ý thức về thân phận ấy và sống cho đến cùng thân phận ấy là cả một cuộc chiến đấu cam go. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã cảm nghiệm được sự yếu đuối mỏng giòn của con người; cả cuộc đời ngư phủ đánh lưới người của Phêrô chỉ trở thành hữu hiệu với ý thức ấy. Càng thấy mình yếu hèn, con người càng sống gắn bó với Chúa; càng thấy mình vô dụng, con người càng trở nên hữu hiệu trong quyền năng của Chúa. Ra đi tản mát khắp nơi để trở thành ngư phủ đánh lưới người, tất cả các môn đệ đều nhớ lại bài học của mẻ cá lạ ấy và tâm niệm lời Chúa Giêsu: “Không có Thầy, các con không làm được gì“. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta tin tưởng nhìn vào tác động của Chúa . Ngài vẫn hiện diện trong con thuyền Giáo Hội, và ngoài mọi suy nghĩ, tính toán của chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những điều cả thể, ngay cả những lúc Giáo Hội tưởng mình bị cản trở không làm được gì.
Đối với tâm lòng của mỗi người chúng ta, thánh Phêrô và các bạn đồng nghiệp đã gặp gỡ Chúa Giêsu ngay trong khung cảnh cuộc sống thường ngày của họ và các sinh hoạt nghề nghiệp, qua biến cố của nếp sống thường nhật, Chúa Giêsu kêu gọi họ trong chính khung cảnh và tình trạng sống vật chất và tinh thần hạn hẹp ấy của cuộc đời họ. Chúng ta tất cả cũng có thể gặp gỡ Chúa ở khắp mọi nơi và trong mọi lúc của cuộc đời chúng ta. Và mỗi một cuộc gặp gỡ sâu đậm thật sự với Chúa Giêsu và Lời Ngài có tác dụng biến đổi tâm lòng của cuộc sống chúng ta để trở thành những nhà truyền giáo. Đọc Phúc Âm chúng ta phải cảm phục thái độ dứt khoát và từ bỏ của các môn đệ trước lời mời gọi của Chúa Giêsu để sau khi Chúa Phục Sinh, các Ngài đã trở nên những môn đệ đích thực.
Lời Chúa mà Đức Cha cố Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã chọn lựa như một châm ngôn của đời Giám mục của mình:“Vâng lời Thầy con thả lưới” (Lc 5,11). Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo đức truyền thống tại giáo xứ Tôn Đạo (Giáo phận Phát Diệm), năm lên 11 tuổi, cậu bé Phêrô đã sẵn sàng nghe lời cha sở Pleneau Kim để “dâng mình cho Chúa” nhập trường Thử Ba Làng (Thanh Hóa) rồi Tiểu chủng viện Phúc Nhạc (Phát Diệm). 6 năm sau, khi chỉ mới 17 tuổi và đang học Trung học, cậu thanh niên Phêrô lại một lần nữa vâng lệnh Bề Trên là ĐGM Marcou Thành, rời Việt Nam sang nước Ý du học tại Trường Truyền Giáo Rôma. 7 năm sau (ngày 23-12-1933), ở tuổi 24, thầy Phêrô can đảm và quyết tâm nhận chức linh mục tại Đại Thánh Đường Thánh Phêrô (Vatican) rồi tiếp tục hoàn tất các học vị tiến sĩ triết học, cử nhân thần học và giáo luật tại Đại học Apollinaire, sau đó (năm 1935) lại qua Pháp theo học văn khoa tại đại học Công giáo Paris. Nhưng chỉ một năm sau, ở tuổi 27, ngài vâng lời Đức Giám mục giáo phận hồi hương để làm giáo sư Đại chủng viện Phát Diệm, dạy chính các bạn đồng song ở quê nhà. Các trách vụ lại tiếp nối được đặt lên vai vị linh mục trẻ trung, năng động và tận tụy với việc huấn giáo tại chính giáo phận bản quán. Trong mọi công việc và trách nhiệm được giao phó, vị linh mục trẻ Phêrô đã hết lòng chu toàn với một ý thức vâng lời phục vụ vì lòng yêu Chúa và Giáo hội Chúa; những bước tiếp theo của đời vị linh mục vẫn luôn được tín nhiệm để giao phó nhiều trọng trách, đã thêm một bước cao và dài hơn: chức vụ giám mục. Khởi đầu là giám mục Chính Tòa Bùi Chu (1950-1954), rồi đến một biến cố đầy thử thách cho đời giám mục của ngài: Phụ trách giáo dân di cư (1954-1957). Có lẽ cao điểm của đức vâng phục và nhiệt tâm mục vụ của Đức Cố GM Phêrô Maria là quyết định đầy can đảm và mẫu mực của ngài khi nhận làm Giám mục Chính Tòa của giáo phận tân lập Đà Nẵng, được tách ra từ chính giáo phận mẹ Quy Nhơn mà ngài đang là Giám mục Chính Tòa (1957-1963). Ngày 18/01/1963 ngày Tân Giáo phận Đà Nẵng được thành lập, cũng là ngày Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi làm Giám mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng. Kể từ đó với khả năng của Chúa ban, Đức Cha đã giúp phát triển và mở mang Giáo phận Đà Nẵng theo chương trình của Thiên Chúa nơi Hội Thánh, đặc biệt cho Giáo phận miền Trung thân thương này.
* Ơn gọi kỳ lạ của người Mục tử:
Làm chủ chăn một giáo phận mới suốt 25 năm (1963-1988), những gian truân thử thách thuở ban đầu tưởng như sẽ vơi bớt và hanh thông theo thời gian; thế nhưng, như đường thánh giá vẫn luôn có những biến đổi theo từng chặng để dẫn tới đồi Canvê, cuộc hành trình “vâng lời Thầy, con thả lưới” trên biển đời của Đức Cố Giám mục Phêrô Maria cũng luôn ẩn hiện những sóng gió ba đào. Có thể nói, 13 năm cuối đời của Đức cha Phêrô Maria trên cương vị chủ chăn giáo phận đã được chuyển qua một hướng khác, đặc biệt và khác lạ, khởi đi từ một quyết định vâng phục mới của ngài. Sự vâng phục dựa trên Thánh ý Chúa và lòng yêu thương của vị mục tử để quyết định chọn một vị giám mục phó cho mình và giáo phó cho người kế vị những trọng trách tương ứng. Sự vâng phục tiếp theo chắc chắn phát xuất từ lòng phó thác vào Chúa và sự khiêm nhường sâu thẳm để chấp nhận một đời sống ẩn dật tại vùng đất của những chứng nhân đức tin: linh địa Đức Mẹ Trà Kiệu.
Trong bản “Chúc thư tinh thần”, Đức cha Phêrô Maria đã viết môt cách rất xác tín:“…Cả đời tôi là một chuỗi tình thương của Chúa, tôi ca ngợi không bao giờ cùng!…Cùng với các hồng ân, Chúa đã gửi đến cho tôi nhiều đau khổ, nhiều thử thách. Đau khổ và thử thách cũng là những hồng ân Chúa ban…Đọc Phúc Âm Thánh Gioan (21,18) tôi thấy Chúa đã định trước cả chi tiết đời sống tôi:“Khi con còn trẻ, thì con tự thắt lưng cho mình, và con muốn đi đâu thì đi. Nhưng khi con về già, thì người ta thắt lưng cho con và đem con đến nơi con không muốn”…
* Hoa trái của niềm Hy vọng,
Khi suy tư và chia sẻ về hành trình ơn gọi và sứ mạng của vị Mục tử yêu quý Phêrô Maria, cũng chính là lúc mỗi người chúng ta tự hứa: chúng ta phải làm gì cho Chúa, làm gì cho Giáo Hội của Chúa, làm gì cho Giáo phận với ơn gọi của mình nơi đời sống xã hội hôm nay. Cùng bước theo Chúa Giêsu Kitô, tiếp nối sứ mạng của Ngài, chắc chắn mỗi thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận luôn phải đồng lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu trên hành trình sứ mạng Kitô hữu của mình, trong đó không thể thiếu chặng đường lên núi Sọ với Chúa: với tất cả những cay đắng, đơn côi và ê chề của thập giá, không thiếu niềm vui, hạnh phúc, nhưng có đó những khổ đau, mất mát, chia ly và nước mắt. Những thập giá ấy lại trở nên Thánh Giá khi có một tình yêu lớn, những cay đắng, đơn côi và ê chề kia sẽ mặc một giá trị và ý nghĩa mới làm nên căn tính đích thực của những người mang Đức Kitô trong cuộc đời mình: cho đi hạnh phúc riêng tư của chính mình, để đón nhận niềm hạnh phúc lớn hơn; cho đi sự sống của chính mình vì Chúa Giêsu và vì ơn gọi Kitô hữu để đón nhận sự sống đích thực từ Đấng là nguồn sống và sức mạnh. Hành trình ấy Đức Cha cố Phêrô Maria đã cố gắng chu toàn bằng chính ơn gọi mục tử của mình. Hôm nay, đến lượt mỗi người chúng ta, cho dẫu không phải đối diện với những thách đố như vị tiền bối của mình gặp phải do hoàn cảnh và thời cuộc, nhưng không có nghĩa là không có, những thách đố vẫn còn đấy, nó khoác những bộ dạng khác nhau, tinh vi hơn, nhậy cảm hơn, đam mê hơn với những tính toán của sự tự do cá nhân. Cũng cần hơn bao giờ hết niềm tin, tình yêu dấn thân và niềm hy vọng để có thể đối diện, mang vác và vượt qua thử thách. Với tất cả lòng khiêm tốn và ý thức được giới hạn của mình, chúng ta cùng nài xin Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta Ơn Đức Tin, để bằng tình yêu kín múc từ Chúa Giêsu Kitô mà tiếp tục trở nên chứng tá cho Tin Mừng Tình yêu của Chúa nơi ơn gọi Kitô hữu của mình. Đó cũng chính là tâm tình của tất cả chúng ta trong giờ phút lắng đọng thân thương này, để cùng dâng lên Thiên Chúa lời nguyện: Xin Chúa Giêsu Kitô sớm đón nhận linh hồn Đức Cha cố yêu quý PhêrôMaria của chúng con vào Thiên Đàng
Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân
Giám mục Giáo phận Đà Nẵng