Bài Giảng Lễ Nhậm Chức Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Đà Nẵng Của ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
BÀI GIẢNG LỄ NHẬM CHỨC GIÁM MỤC CHÍNH TÒA GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
Ngày 12 tháng 4 năm 2016
(Dcr 8, 20-23; Ep 4, 11-16; Ga 17, 11b.17-23)
Hôm nay cộng đồng dân Chúa giáo phận Đà Nẵng chính thức và long trọng đón nhận vị chủ chăn mới là Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, nguyên Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, đến nhậm chức Giám mục giáo phận Đà Nẵng, kế vị Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, trước sự chứng kiến của Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa thánh tại Việt Nam, và trở thành vị chủ chăn thứ năm của giáo phận.
Việc hoán chuyển mục vụ giữa hai vị Giám mục của hai giáo phận Đà Nẵng và Lạng Sơn – Cao Bằng là hoạt động bình thường của Giáo Hội, và việc các Giám mục sẵn sàng ra đi đến giáo phận mới thể hiện tinh thần vâng phục và hiệp thông Giáo Hội, như được trình bày trong Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội của công đồng Vaticanô II: “Các Giám mục, là những người kế vị hợp pháp của các Tông đồ và là thành phần của Cộng đoàn Giám mục, phải luôn luôn ý thức mình liên kết với nhau và cùng nhau lo lắng cho tất cả các Giáo Hội, vì được Thiên Chúa thiết lập và do mệnh lệnh của nhiệm vụ tông đồ” (GM 6).
Chúng ta có thể tìm thấy một ý nghĩa khá thú vị trong việc hoán chuyển mục vụ giữa hai vị Giám mục tiền nhiệm và tân nhiệm của giáo phận Đà Nẵng qua tôn danh của các ngài. Vị Giám mục tiền nhiệm là Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri. “Châu ngọc” là ngọc ngà châu báu, “Tri” là sự hiểu biết. Trong thời gian 10 năm làm Giám mục giáo phận Đà Nẵng, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri đã đem lại cho cộng đồng dân Chúa giáo phận một sự hiểu biết về kho tàng châu ngọc của Nước Trời. Vị Giám mục tân nhiệm là Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân. “Đặng” là được, “Đức” là đức hạnh, “Ngân” là tài chánh. Dưới quyền cai quản của ngài, giáo phận Đà Nẵng sẽ được cả đức hạnh lẫn tài chánh, nói theo kiểu dân gian: được cả chì lẫn chài, nói theo kiểu nhà đạo: được cả đời nầy lẫn đời sau, hay một cách văn hoa hơn: được cả trần gian lẫn thiên đàng.
Hơn nữa, cả hai vị Giám mục tiền nhiệm và tân nhiệm đều có chung một Đấng quan thầy là Thánh cả Giuse. Điều này cho thấy sự hoán chuyển mục vụ giữa hai vị không tạo ra một sự đứt đoạn, nhưng là một sự tiến triển, từ một vị Giám mục có chiều cao phổ thông dễ hòa đồng với đám đông quần chúng, đến một vị Giám mục có chiều cao vượt trội, có khả năng dẫn đầu dân Chúa trên hành trình sống đạo.
Khi được hỏi về những ưu tiên mục vụ của Đức Cha tại giáo phận Đà Nẵng, Đức Cha Giuse, vị chủ chăn mới của giáo phận, đã cho biết: đó là đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, cổ võ sự hiệp nhất và xây dựng giáo phận theo mô hình gia đình. Cả ba mục tiêu này, hay ít ra hai mục tiêu đầu, đã được hàm chứa trong đoạn thư của thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Êphêxô trong bài đọc II : “Chính Người (Đức Kitô) đã ban ơn cho kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,11-13).
Ưu tiên mục vụ thứ nhất của vị chủ chăn mới của giáo phận là đẩy mạnh công cuộc truyền giáo. Giáo phận Đà Nẵng tuy mới được thành lập từ năm 1963, tách ra từ giáo phận Qui Nhơn, nhưng đã có một lịch sử truyền giáo trải dài hơn 400 năm qua, kể từ khi các thừa sai dòng Tên đặt chân lên cửa Hàn ngày 18 tháng 01 năm 1615, mở đầu một chương trình truyền giáo có tổ chức và liên tục, dẫn đến việc Tòa thánh thiết lập hai giáo phận tiên khởi tại Việt Nam năm 1659. Trang sử truyền giáo tại miền đất này còn được tô thắm bởi máu đào của biết bao anh hùng tử đạo, đặc biệt là máu của Á thánh Anrê Phú Yên, tử đạo ngày 26 tháng 07 năm 1644, với tôn hiệu “người chứng thứ nhất”.
Truyền giáo là nhiệm vụ hàng đầu của các Giám mục, đặc biệt là Giám mục giáo phận, như lời của Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội: “Các Giám mục phải loan báo cho mọi người biết Tin Mừng của Đức Kitô, một nhiệm vụ trổi vượt trên các chức vụ chính yếu của các ngài, bằng cách nhờ sức mạnh của Thánh Thần mời gọi họ chấp nhận đức tin hoặc làm cho họ vững mạnh trong đức tin sống động. Các ngài hãy trình bày cho họ toàn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô, tức những chân lý mà nếu không biết tới là không biết Chúa Kitô, và cũng phải trình bày con đường đã được Thiên Chúa mạc khải để làm vinh danh Người và nhờ đó họ được hạnh phúc trường cửu” (GM 12). Ưu tiên mục vụ thứ nhất này đã được vị mục tử mới của giáo phận chọn lấy cho mình ngay từ khi được tấn phong Giám mục, ngày 03 tháng 12 năm 2007, với khẩu hiệu: “Đến với muôn dân”.
“Đến với muôn dân – Ad gentes”, không những là tên gọi của Sắc lệnh về Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội của công đồng Vaticanô II, mà còn là định hướng cơ bản của toàn thể công đồng. Giáo phận Đà Nẵng đã được thành lập năm 1963 là năm khai mạc công đồng, vì thế giáo phận được thành lập theo định hướng của công đồng, là “đến với muôn dân” để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Trong phần mở đầu sứ điệp ngày thế giới truyền giáo năm 2014, Đức Phanxicô đã viết: “Giáo Hội được sinh ra để đi ra”. Cũng vậy, giáo phận Đà Nẵng được sinh ra là để đi ra mang niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người. Khi mới được thành lập vào năm 1963, toàn thể giáo phận có hơn 84.000 giáo dân. Sau 12 năm đẩy mạnh công cuộc loan báo Tin Mừng, năm 1975 số giáo dân của giáo phận đạt đến 94.580 người. Tuy nhiên, sau đó do hoàn cảnh đất nước nhiều người đã bỏ xứ ra đi và không trở về, khiến cho số giáo dân hiện nay chỉ còn gần 70.000 người sau hơn 40 năm trôi qua. Con số ấy không làm cho dân Chúa nản lòng nhụt chí, nhưng càng cho thấy nhu cầu truyền giáo thật lớn lao và thôi thúc mọi người hăng say lên đường rao giảng Tin Mừng dưới sự lãnh đạo của vị chủ chăn giáo phận.
Công cuộc truyền giáo có mục đích qui tụ mọi người thành một đoàn chiên duy nhất và hiệp nhất. Vì thế ưu tiên mục vụ thứ nhất của vị mục tử mới của giáo phận được nối dài bởi ưu tiên mục vụ thứ hai là cổ võ sự hiệp nhất trong cộng đồng dân Chúa giáo phận. Đó cũng là một điều kiện và một cách thế hữu hiệu góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì Tin Mừng Đức Kitô không chỉ được rao giảng bằng lời, mà còn bằng đời sống chứng tá về một tình yêu hiệp nhất. Trước khi từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,20-21). Hai từ “nên một” được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại một cách dồn dập đến 5 lần trong đoạn Tin Mừng ngắn ngủi hôm nay đã đủ để cho thấy sự hiệp nhất cần thiết đến mức độ nào.
Qua lời cầu nguyện ấy, Chúa Giêsu cũng muốn giao nhiệm vụ cổ võ sự hiệp nhất của Giáo Hội trước hết cho các Tông đồ và cho những người kế vị các ngài là các Giám mục mọi nơi và mọi thời. Hơn thế nữa, mỗi Giám mục không chỉ là người cổ võ sự hiệp nhất ấy, mà còn là “nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương”, như lời công đồng Vaticanô II đã khẳng định trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (GH 23). Xuất phát từ khẳng định ấy, trong Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội, công đồng đã nhắn nhủ các Giám mục “phải luôn luôn lo lắng cho các Kitô hữu thấu hiểu và sống sâu xa hơn mầu nhiệm Phục sinh thế nào để nhờ bí tích Thánh Thể, họ tạo thành một Thân Thể liên kết rất chặt chẽ trong đức ái duy nhất của Chúa Kitô” (GM 15).
Tuy nhiên không đâu có sự hiệp nhất cho bằng trong gia đình. Vì vậy ưu tiên mục vụ thứ hai của vị mục tử mới của giáo phận dẫn đến ưu tiên mục vụ thứ ba là xây dựng giáo phận theo mô hình gia đình. Nếu Giáo Hội hoàn vũ được gọi là gia đình của Thiên Chúa, thì Giáo Hội địa phương là giáo phận cũng mang danh hiệu ấy. Giáo Hội là gia đình, tức là một cộng đoàn tình yêu, cộng đoàn hiệp nhất, theo mô hình của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa và tham dự vào mô hình ấy. Điều này được diễn tả qua lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho mọi tín hữu, “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21).
Giám mục là người cha của gia đình giáo phận, có bổn phận xây dựng giáo phận theo mô hình gia đình. Vì thế, trong Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội, công đồng đã nhắn nhủ các Giám mục: “Trong khi thi hành nhiệm vụ người cha và chủ chăn, các Giám mục hãy sống giữa dân mình như những người phục vụ (x. Lc 22,26-27), nghĩa là như những chủ chăn hiền từ biết các con chiên mình và con chiên cũng biết chủ chăn, và như những người cha đích thực tỏ lòng yêu thương lo lắng cho hết mọi người và mọi người tỏ lòng tri ân tuân phục quyền hành Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Các ngài hãy qui tụ đoàn chiên của mình thành một gia đình đông đủ và cổ võ để mọi người đều ý thức nhiệm vụ riêng mà sống và hoạt động trong sự hiệp thông bác ái” (GM 16).
Gần đây, dưới thời của vị tiền nhiệm là Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, giáo phận Đà Nẵng đã tổ chức Năm Thánh giáo phận kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng (1615-2015) và 50 năm thành lập giáo phận (1963-2013). Biến cố này đã để lại một dấu ấn sâu xa trong ký ức của cộng đồng dân Chúa giáo phận, khẳng định tình yêu thương của Thiên Chúa và những nỗ lực của các thế hệ đi trước, đồng thời mở ra một chương mới cho giáo phận trên hành trình mở rộng Nước Chúa. Giờ đây Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân sẽ dẫn đầu cộng đồng dân Chúa giáo phận tiếp tục bước đi trên con đường ấy với những sáng kiến và nỗ lực mới. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài được luôn đầy tràn thần khí thủ lãnh của vị Mục Tử tối cao và duy nhất là Đức Kitô, để ngài chu toàn cách trọn vẹn nhiệm vụ được giao, và cầu nguyện cho toàn thể giáo phận Đà Nẵng luôn biết hy sinh cộng tác và chia sẻ trách nhiệm mục vụ của ngài để giáo phận ngày càng phát triển hơn.
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi