Bài Phỏng Vấn ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Parolin, Về Vấn Đề: Triều Tiên, Trung Quốc, Syria Và Bé Alfie Evans
WHĐ (06.05.2018) – Trả lời phỏng vấn của trang báo La Stampa, ĐHY Quốc vụ khanh, Pietro Parolin, nói về những tín hiệu hy vọng lớn lao cho Triều Tiên, mối quan tâm đặc biệt về Syria, kiên nhẫn trong việc đàm phán với Trung Quốc và vụ việc của bé Alfie Evans.
Đức Hồng y nhận xét về viễn tượng hoà bình tại Triều Tiên như thế nào?
Sau mối nguy cơ về khả năng xảy ra xung động hạt nhân thì một tia hy vọng lớn lao đã được nhen nhóm. Theo bài phân tích mà tôi đã đọc được mấy hôm nay, Chủ tịch Kim Jong-un đã sử dụng tiềm năng hạt nhân của quốc gia như lời đe dọa để buộc Hoa Kỳ tiến hành đàm phán, gỡ bỏ lệnh cấm vận Bắc Hàn và trên hết là để bắt đầu phát triển nền kinh tế đất nước đang trong cảnh túng thiếu trầm trọng.
Đức Hồng y có đồng tình với bài phân tích này không?
Tôi không chắc liệu bài viết có thể diễn tả đầy đủ rằng Tổng thống Kim Jong-un là chiến lược gia vĩ đại hay không. Nhưng các chuyên gia cho biết ông Kim Jong-un có vẻ nghiêm túc thực sự và việc đề xuất đối thoại không chỉ là trò đùa. Tiến trình rất mong manh, đầy chướng ngại, nhưng thực ra, nếu bỏ qua sự tiếp diễn sự leo thang trong các vụ thử tên lửa, thì việc họ quyết định tiến hành đàm phán đã là dấu chỉ của niềm hy vọng. Trung Quốc cũng ủng hộ cuộc đối thoại này. Cũng vậy, chủ tịch Bắc Hàn được cho là có thiện chí trong việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, làm dịu khả năng xảy ra vụ nổ hạt nhân vốn đang là mối nguy cơ gây ra hiểm hoạ huỷ diệt hàng loạt.
Những cuộc đàm phán của Toà Thánh với chính quyền Trung Quốc đang tiến triển đến giai đoạn nào, thưa Đức Hồng y?
Cuộc đối thoại đã diễn tiến được một thời gian dài, với nhiều kiên nhẫn, có thành công lẫn thất bại. Có người nói điều này giống như “vũ điệu Saint Vito”, hai bước tới và một bước lui. Dẫu sao thì điều quan trọng là đang có tiến triển.
Có những người thắc mắc tại sao Toà Thánh Vatican lại tiếp xúc với một nhà nước cộng sản vốn khước từ tự do tôn giáo?
Nếu chính phủ nước này không theo chủ nghĩa Cộng sản và tôn trọng tự do tôn giáo, thì đâu cần phải đàm phán làm gì. Lúc đó, hẳn chúng tôi đã có được điều chúng tôi mong ước rồi.
Vậy mục tiêu của Giáo hội trong cuộc đàm phán này là gì?
Chúng tôi không theo đuổi mục tiêu chính trị. Chúng tôi bị cáo buộc là chỉ mong muốn thiết lập các mối quan hệ ngoại giao với những vọng tưởng về sự thành công nào đó. Nhưng Toà Thánh, cũng như Đức Giáo hoàng đã nói nhiều lần, không hề quan tâm đến bất kỳ thành tựu ngoại giao nào. Chúng tôi chú tâm đến khung trời tự do cho Giáo hội, ngõ hầu Giáo hội có thể sinh hoạt bình thường trong sự thông hiệp với Đức Giáo hoàng. Sự hiệp thông này là nền tảng cho đức tin của chúng ta.
Vậy đâu là mục tiêu chính yếu của thoả ước này?
Điều căn bản là Giáo hội được hiệp nhất. Cộng đoàn chính qui (cộng đoàn chịu sự điều khiển của nhà nước) và cộng đoàn Giáo hội thầm lặng – hiện tại mỗi bên đang đi theo con đường riêng – được hiệp nhất với nhau. Đức Thánh Cha Benedictô XVI đã từng nói trong thư gửi cho người Công giáo Trung Quốc rằng mục đích của mọi nỗ lực về Trung Quốc là sự hiệp thông giữa hai cộng đoàn này và sự hiệp thông của toàn thể Giáo hội Trung Hoa với Đức Giáo hoàng. Chúng tôi hy vọng rằng một thoả ước đặc biệt có thể đạt được qua việc bổ nhiệm giám mục. Và chúng tôi hy vọng rằng thoả ước này sẽ được tôn trọng về sau. Chúng tôi mong muốn thực thi điều này và hy vọng nhà nước Trung Quốc cũng có cùng mong muốn như chúng tôi.
Vài ngày trở lại đây, thế giới như đứng trước bờ vực của cuộc chiến tranh mới, với cuộc tấn công tên lửa vào Syria. Toà Thánh Vatican nhìn sự kiện này như thế nào?
Với mối quan ngại sâu sắc, nhiều lần, trong suốt cuộc chiến này – vốn đã diễn ra được sáu năm rồi – Đức Giáo hoàng đã đưa ra lời kêu gọi đến cộng đồng quốc tế và tất cả các bên nắm vai trò chủ đạo. Đó là sự việc bi thảm và rối reng. Trong nội bộ quốc gia, có cuộc đối đầu giữa phe của Tổng thống Assad với phe đối lập, đặc biệt sự xung đột lãnh thổ giữa thế lực Hồi giáo Shiite và Sunni. Và tiếp đến là những thế lực hùng mạnh can thiệp vào, khiến họ liên minh chống quân ISIS và phe Hồi giáo cực đoan đã tiến chiếm nhiều phần lãnh thổ. Kế đó, sau cái gọi là đánh bại nhóm ISIS, tái chiếm lãnh thổ từ ISIS – song tôi không nghĩ điều này thuộc về mặt ý thức hệ – những thế lực lớn đã tự chia rẽ và đã bắt đầu giao chiến.
Con số dân thường bị thương thật đáng ngại…
Chúng ta đã tận mắt thấy sự xâm phạm nhân quyền rõ rệt, hàng ngàn dân thường bị vạ lây bởi chiến tranh, bị sử dụng làm con tin và lá chắn sống, một sự huỷ hoại nhân quyền hoàn toàn. Và cũng đừng biện minh về lý do chiến tranh, bởi vì trong chiến tranh, không phải điều gì cũng được phép làm.
Vậy, đâu là phương cách giải trừ xung đột?
Chúng ta vẫn luôn luôn nói không nên viện đến giải pháp quân sự. Gần đây, Châu Âu nhóm họp tại Brussels để thảo luận về tình hình Syria, và vị đại diện cấp cao về Ngoại giao của Liên minh Châu Âu, bà Federica Mogherini, đã truyền tải thông điệp này rõ ràng. Dầu vậy, giải pháp đấu tranh vẫn được đưa ra để giải quyết vấn đề. Phe Tổng thống được thuyết phục rằng họ có thể thắng lợi bằng giải pháp quân sự, đặc biệt là sự can thiệp của Nga – cường quốc đã giúp đỡ ông Assad thu hồi nhiều khu vực lãnh thổ quốc gia – đang làm suy yếu khả năng của những cuộc đàm phán tại Geneva. Và rồi sau đó các cuộc đàm phán được sắp xếp tại nhiều nơi khác nhau: Geneva là nơi chính, nhưng rồi lại có nhiều đề xuất khác, tại Astana, tại Sochi…
Có quá nhiều bàn đàm phán chăng?
Tôi không biết liệu những sáng kiến này có giúp nâng cao giải pháp ngoại giao và hòa bình hay không khi chúng có nguy cơ đưa viễn tượng này đi xa và xa hơn nữa. Chúng tôi đã nói với các bên có liên quan nhiều lần: Tôi tin rằng ngay cả khi chúng ta chiến thắng về mặt quân sự, hòa bình sẽ không tự nhiên mà có được, bởi vì tổ quốc sẽ bị tồn đọng rất nhiều hận thù, đối kháng và chia rẽ.
Xin một câu hỏi cuối cùng: Đức Hồng y nghĩ sao về vụ việc của cháu bé Alfie Evans?
Sự việc này khiến tôi rất buồn: đứng trước với một thiện ý được bày tỏ hết sức cởi mở, trong nhiều lần, và với giải pháp đầy trách nhiệm, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Chúa Giêsu của chúng tôi đã ba lần đến Liverpool, mà vẫn bị từ chối để Alfie được đưa đến Ý. Thật không thể hiểu nỗi. Đây là điều tác động nhiều nhất khiến tôi vô cùng đau đớn. Tôi không thể hiểu lý do tại sao, hoặc có lẽ có lý do theo một lập luận hãi hùng nào đó. Đức Giáo hoàng và Toà Thánh đã làm mọi thứ có thể để giúp đỡ gia đình, và cũng để đảm bảo rằng cháu bé được đồng hành trong suốt diễn tiến cơn bệnh của cháu, bất chấp mọi tiên liệu không may.
Vụ việc đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi…
Trong những tình huống thế này, mọi người gào lên như nước vỡ bờ. Bây giờ, vụ việc đã đóng lại và các phương tiện truyền thông sẽ nhanh chóng quên nó, nhưng chúng ta cần phản ánh nó trong âm thầm. Những trường hợp thế này sẽ còn xảy ra nữa. Từ những cách nhìn khác nhau, nhưng cùng nhau và cùng với sự đóng góp của các tín hữu, chúng ta nên cố gắng đưa ra câu trả lời đầy nhân tính đối với những tình huống này, dựa trên tình yêu con người, sự tôn trọng nhân phẩm và không để nó lặp lại. Chúng tôi hy vọng sẽ làm được điều đó, và các cuộc thảo luận sẽ không ngừng đạt tới những suy tư sâu xa hơn, sẵn sàng đấu tranh thêm nữa đối với những trường hợp xảy ra tương tự.
Tác giả: Andrea Tornielli
Dịch giả: Micae Thu Phong
Nguồn: Website Hội Đồng Giám Mục Việt Nam