Bản Tin Hiệp Hành #09 | Họp Báo Đúc Kết Giai Đoạn Châu Lục Của Thượng Hội Đồng
Phòng Báo Chí Tòa Thánh tổ chức cuộc họp báo kết thúc giai đoạn lục địa của tiến trình Thượng Hội Đồng. Vatican News Tiếng Việt cũng đã cử đại diện tham dự và đặt câu hỏi. Trong bản tin kỳ này, chúng ta sẽ cùng nhau điểm lại những bàn luận chính yếu của cuộc họp báo.
Về việc soạn thảo Tài liệu Làm việc cho Đại hội Thượng Hội đồng vào tháng 10, từ ngày 12 đến 19/4/2023, một nhóm chuyên gia đến từ 5 châu lục đã họp nhau tại trụ sở của Uỷ ban Thư ký Thượng Hội đồng tại Roma để làm việc và phân định về Giai đoạn Châu lục và 7 văn kiện chung kết của các hội nghị Thượng Hội đồng Giai đoạn Châu lục, từ đó soạn thảo Tài liệu Làm việc (Instrumentum laboris) cho Đại hội Thượng Hội đồng vào tháng 10 năm nay (2023).
Công việc của các tham dự viên bao gồm một phần chia sẻ rộng rãi về Giai đoạn Châu lục nói chung và về kinh nghiệm sống trong bảy khóa họp cấp châu lục. Sau đó, các Tài liệu Đúc kết mà Uỷ ban Thư ký của Thượng Hội đồng nhận được, xét như thành quả của sự phân định mang tính cộng đồng của Dân Chúa khắp nơi, sẽ được phân tích chi tiết nhằm làm nổi bật những căng thẳng và ưu tiên cần được nghiên cứu sâu trong Đại hội vào tháng 10.
Kế đến, vào lúc 11 giờ 30 sáng ngày 20/04, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh cũng đã diễn ra cuộc họp báo kết thúc giai đoạn thứ hai – giai đoạn lục địa – của tiến trình thượng hội đồng. Thành phần chủ trì cuộc họp báo bao gồm Đức Tổng Giám mục Timothy John Costelloe, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc, Sơ Nathalie Becquart, Phó Tổng Thư ký Thượng hội đồng; Đức Ông Lucio Adrián Ruiz, Tổng Thư Ký Bộ Truyền Thông; Linh mục Hyacinthe Destivelle, thành viên Bộ Cổ vũ các Kitô hữu hiệp nhất.
Trong phần trình bày của mình, Đức Tổng Giám mục Timothy John Costelloe đã chia sẻ đôi điều về kinh nghiệm thực tế của các khóa họp Lục địa. Ngài nói: “Mặc dù tôi chỉ tham dự một trong số các khóa họp, nhưng theo hiểu biết của tôi khi nói chuyện với những người tham dự khác, và cũng từ việc đọc từng tài liệu của từng khóa họp, thì mỗi khóa họp đều có phong cách và nội dung khá khác nhau và mang tính đặc thù. Điều này được mong đợi, do các bối cảnh xã hội và giáo hội rất khác nhau. Điều này cũng chỉ ra một khía cạnh rất quan trọng của tính hiệp hành, đặc biệt khi chúng ta nghĩ về nó trong bối cảnh của một Giáo hội toàn cầu và phổ quát: có nhiều hơn một cách để trở thành Giáo hội. Sự đa dạng lớn lao đã là một thực tế trong Giáo hội; chúng ta đang thực sự trải nghiệm sự hiệp nhất sâu sắc không dựa trên sự đồng nhất cứng nhắc. Tôi nghĩ, đây là một phần của tiến trình Thượng Hội đồng: chúng ta được hướng dẫn để nhận ra mình là một phần thiết yếu trong thực tại của Giáo hội – chú ý đến tiếng vang của kinh nghiệm, hy vọng và ước mơ của chính chúng ta, xác tín của chính chúng ta về Giáo hội mà chúng ta nghe thấy trong tiếng nói của các hội đồng lục địa khác, đồng thời cởi mở với những ước mơ khác, những hy vọng khác và những xác tín khác – và trong tất cả những điều này, chúng lắng nghe cẩn thận và chăm chú, và mong đợi, tiếng nói và tiếng gọi của Chúa Thánh Thần sẽ đến qua tất cả những tiếng nói này: để tìm thấy sự hài hòa trong những điều mà đôi khi ban đầu có vẻ giống như sự bất hòa. Một phần quan trọng của tiến trình Thượng Hội Đồng là thực hành đối thoại thiêng liêng, hay đối thoại trong Thánh Thần, trong đó mỗi người được mời nói một cách cởi mở và trung thực về những gì họ khám phá được, đồng thời cũng chú ý lắng nghe và lắng nghe, “không phòng thủ” với người khác. Chúng ta được mời gọi nhìn nhận nhau như những người bạn đồng hành trên hành trình của cuộc sống và đức tin chứ không phải là những đối thủ hay chiến binh.”
Kế đến, Sơ Nathalie Becquart nhìn nhận giai đoạn lục địa là một trong những khía cạnh đổi mới nhất của tiến trình Thượng Hội Đồng. Giai đoạn lục địa nhằm khuyến khích việc tạo ra hoặc củng cố các liên kết của các Giáo hội địa phương lân cận, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ giữa Giáo hội phổ quát và các Giáo hội địa phương. Về vấn đề này, tại mỗi khóa họp lục địa, một số thành viên của Ban Tổng Thư ký đã đến tham gia vào tiến trình “cùng bước” này với tinh thần lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm. Sơ Nathalie cũng đề cập đến tầm quan trọng của những trải nghiệm ngoài tài liệu làm việc. Sơ đưa ra ví dụ về Khóa họp Trung Đông ở Lebanon ngay sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Sơ cũng cảm nhận được niềm vui của các khóa họp ở cấp độ châu lục, thành quả của việc chia sẻ với nhau giữa các giám mục, linh mục, giáo dân nam nữ, tu sĩ … và giữa các giáo hội địa phương khác nhau. Đối với một số người ở Châu Phi, đây là lần đầu tiên họ đi ra khỏi đất nước của họ để đến Addis Ababa (Ethiopia). Theo sơ, con đường hiệp hành như một sự trao đổi quà tặng: quà tặng/đặc sủng của mỗi châu lục làm nổi bật thêm một khía cạnh quan trọng đối với Thượng Hội Đồng, chẳng hạn: Chăm sóc Tạo vật ở Châu Đại Dương, Đại kết và phụng vụ ở Trung Đông, Giáo hội là Gia đình của Thiên Chúa và tầm quan trọng của việc lắng nghe ở Châu Phi, sự nhấn mạnh vào chiều sâu nội tâm và sự hòa hợp ở Châu Á, đối thoại liên tôn và tình huynh đệ nhân loại với người Hồi giáo ở Trung Đông… Theo sơ, những tham dự viên các khóa họp thượng hội đồng lục địa đã rất xúc động khi thấy “Rôma đến với họ” để lắng nghe và chỉ ở bên họ trong tinh thần “đồng hành”.
Đức Ông Lucio Adrián Ruiz gợi nhắc bối cảnh “kỹ thuật số”: Cứ 10 người thì có 7 người sử dụng điện thoại di động, 64% dân số thế giới trực tuyến và 4,5 tỷ người sử dụng mạng xã hội trên toàn thế giới, gần 60%. Do đó, một “Thượng Hội Đồng Kỹ Thuật Số” là điều cần thiết. Đó là cùng một Thượng Hội đồng của Giáo hội, với cùng một mục tiêu, với cùng một phương pháp, nhưng được thực hiện trong “không gian kỹ thuật số”. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là: Thượng Hội Đồng không phải là “kỹ thuật số” dựa vào “các công cụ kỹ thuật số”, mà dựa vào nơi nó diễn ra, thời gian, người tiếp nhận, ngôn ngữ, và cách thức nó diễn ra, tức là “không gian kỹ thuật số” mà chúng ta đang sống. Thượng Hội Đồng Kỹ Thuật Số đến từ chính Dân Chúa hiện diện trong các mạng lưới. Điều này xảy ra như một kinh nghiệm truyền giáo. Nhưng, ai tham gia? Một mặt, các nhà truyền giáo, những người truyền giáo kỹ thuật số và những người có ảnh hưởng, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Trên không gian mạng, Kitô hữu không chỉ được kêu gọi truyền giáo, nhưng cũng cần phát triển ơn gọi Kitô hữu của ở đó, giúp đỡ, đồng hành, rao giảng, dành thời gian của họ cho những người có nhu cầu. Mặt khác, Thượng Hội Đồng Kỹ Thuật Số cũng bao gồm cả những người theo đạo, những người muốn trau dồi đức tin, muốn hiểu biết thêm, hay những người lần đầu tiếp cận với đức tin, những người cần được giúp đỡ, những người nghi ngờ về sự phong phú và đa dạng của Dân Chúa trên thế giới. Theo thống kê, Thượng Hội Đồng Kỹ Thuật số đã tiếp cận với Dân Chúa ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là từ 18 đến 40, và trên hết là một lượng lớn dân số trẻ. Trong số này, 30% là người ngoại đạo hoặc xa Giáo hội, bây giờ họ trở nên thích thú với con đường hiệp hành. Thượng Hội Đồng đã nhận được 150.000 bảng trả lời câu hỏi hoàn chỉnh, từ 115 quốc gia, bằng 7 ngôn ngữ. Có khoảng 20.000.000 người theo dõi và tham gia vào sáng kiến này. Những người trẻ tuổi đã tìm thấy một sự năng động, về thời gian, hình thức và phương pháp, phù hợp hơn với họ. Những người ngoại đạo và những người ở xa Giáo hội đã tìm thấy một con đường xích lại gần nhau và đối thoại cho phép họ bày tỏ bản thân và tiếp cận họ một cách tự do hơn.
Cuối cùng là phần trình bày của Cha Hyacinthe Destivelle, trước khi đến phần trả lời phỏng vấn của các phóng viên. Theo Cha Hyacinthe, Bộ Cổ võ Các Kitô hữu Hiệp nhất đã đề nghị với Ban Tổng thư ký của Thượng hội đồng tổ chức các hội nghị về tính hiệp hành trong các truyền thống Kitô giáo khác nhau. Cha Hyacinthe cũng gợi nhắc tuyên bố của Đức Thánh Cha liên quan đến các hội nghị này: “Con đường hiệp hành, mà Giáo hội Công giáo đang theo, là và phải là đại kết, cũng như con đường đại kết là hiệp hành”. Đại kết trước hết là một syn/odos, một cuộc hành hương được thực hiện cùng với các Kitô hữu khác. Nói cách khác, không chỉ phong trào đại kết góp phần vào tiến trình hiệp hành đang diễn ra, mà cả tiến trình Thượng Hội Đồng về Hiệp Hành của Giáo hội Công giáo cũng là một đóng góp cho phong trào đại kết.
Vatican News Tiếng Việt