Biết Đủ
Người biết đủ nhận ra những hạnh phúc đơn sơ xung quanh mình. Đó có thể là một người bạn, một cuốn sách, một phong cảnh đẹp, một buổi gặp gỡ giao lưu bạn bè. Những niềm vui nho nhỏ đó tạo thêm hương vị cho cuộc sống, giúp chúng ta lạc quan hơn
Những nhân viên y tế khoa sản và những ai có dịp chứng kiến người mẹ sinh con, đều làm chứng rằng, khi lọt lòng mẹ, đứa trẻ nào cũng cất tiếng khóc và nắm chặt đôi bàn tay. Khóc là dấu hiệu của tâm trạng không hài lòng. Nắm chặt bàn tay là biểu tượng của tham vọng quyền lực. Vì khởi đầu cuộc sống với tiếng khóc, nên suốt đời người ta chẳng bao giờ thoả mãn. Vì bước vào đời với hai bàn tay nắm chặt, nên trọn kiếp chẳng bao giờ người ta bằng lòng. Tuy nhiên, cuộc sống này đa dạng phức tạp không thể làm hài lòng hết mọi người được. Một điều làm hài lòng người này thì lại làm mất lòng người kia. Tiếng sáo diều lúc hoàng hôn làm mê mẩn lòng người, nhưng lại khiến một bệnh nhân đang đau đầu cảm thấy khó chịu. Vì thế, mỗi người phải biết chấp nhận thực tế hiện tại. Người xưa đã nói: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc – Biết đủ là đủ, đợi cho đủ, thì bao giờ mới đủ”. Trong cuộc sống của chúng ta, người biết đủ là người hạnh phúc. Người không biết đủ, chẳng bao giờ thanh thản, bởi khi được một, họ lại đòi hai, được hai đòi bốn và cứ như thế, chiếc túi tham không bao giờ đầy. Biết đủ giúp ta có cuộc sống thanh thản an bình và đó cũng là bí quyết giúp chúng ta tiến bước trong hành trình nên thánh.
Biết đủ khác với lối sống lười biếng, ỷ lại vào người khác. Bill Gates đã nói: “Thói quen ỷ lại là một hòn đá cản bước bạn đến với thành công. Muốn làm nên nghiệp lớn bạn cần đá chúng ra khỏi con đường của mình”. Nhiều người có thói quen sống dựa dẫm, trở nên gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cuộc đời như đại dương mênh mông, chúng ta cần phải can đảm thảy mình vào và tự bơi trong đại dương đó, chấp nhận những thất bại để học hỏi kinh nghiệm và thành đạt vươn lên. Nhiều người ngại không biết bơi, nên chẳng bao giờ dám vươn ra đại dương biển cả. Vì thế, họ cứ mãi mãi ở trong chiếc ao làng, quanh quẩn với bầy cá nhỏ và đám bèo bồng bềnh đơn điệu. Thế giới của họ thu hẹp lại, như bầu trời đối với con ếch ở dưới đáy giếng. Vì ở trong một không gian thu hẹp, nên con người cũng trở nên bần tiện nhỏ nhoi, hay chấp nhặt những tiểu tiết và hay ghen tỵ với thành công của người khác.
Của cải mang cho ta niềm vui, nhưng đôi khi cũng mang cho ta nỗi buồn. Vật chất giúp cho tình anh em thêm gắn bó, nhưng lắm lúc cũng làm cho huynh đệ tương tàn. Vàng bạc đem lại cho con người vinh dự, nhưng cũng có lúc làm ta chuốc lấy khổ đau. Thấy rõ nguy hiểm của sự giàu sang, tác giả sách Châm ngôn đã cầu xin với Chúa: “ Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con (Cn 30, 8-9). Bản dịch tiếng Việt Kinh Lạy Cha trước đây không đọc “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, mà là: “Xin Cha cho chúng con rầy hằng ngày dùng đủ”. Vâng, cầu xin Chúa ban cho “hằng ngày dùng đủ” cũng là xin Chúa cho ta biết cảm thấy đủ những nhu cầu trong cuộc sống. Mỗi chúng ta cần biết đủ để đón nhận thực tế phù hợp với khả năng và địa vị của mình.
Một câu chuyện kể đại ý có một vị tướng giỏi, chinh đông dẹp bắc. Nhà vua muốn thưởng công cho anh và nói: Ngươi phóng ngựa đến đâu thì ta cho ngươi đất đai đến đó. Vị tướng phóng ngựa về phía trước. Con ngựa phi nước đại từ sáng đến chiều mà vị tướng không cho nghỉ, vì muốn mình có thật nhiều đất đai. Con ngựa mệt quá ngã lăn ra, làm vị tướng đập đầu vào đá. Trước khi chết, anh thốt lên: “Đất đai rộng lớn có ý nghĩa gì, khi mà giờ này, tức là lúc chết, chỉ cần vài tấc đất đủ chỗ cho một ngôi mộ”. Nhiều người trong chúng ta cũng mang tâm trạng của vị tướng trên đây. Suốt đời họ lo kiếm tiền, không còn thời gian lo cho con cái và chăm sóc bản thân mình, quan tâm đến gia đình và sưởi ấm tình yêu hôn nhân, lúc tỉnh ngộ mới thấy những gì mình kiếm được là vô nghĩa. Họ đau đớn nhận ra rằng tiền bạc không phải lúc nào cũng đem lại cho họ niềm vui.
Người biết đủ nhận ra những hạnh phúc đơn sơ xung quanh mình. Đó có thể là một người bạn, một cuốn sách, một phong cảnh đẹp, một buổi gặp gỡ giao lưu bạn bè. Những niềm vui nho nhỏ đó tạo thêm hương vị cho cuộc sống, giúp chúng ta lạc quan hơn. Nhận ra hạnh phúc nơi đời thường, khiến chúng ta thân thiện với thiên nhiên và với bạn bè, không săm soi những lỗi lầm của người khác, nhưng bao dung nhân hậu và dễ dàng chấp nhận những khác biệt nơi tha nhân. Không biết đủ, người ta cứ lao đao vất vả tìm kiếm, đến lúc rã rời cũng chẳng thấy hạnh phúc như mình mong muốn. Người không bằng lòng với hiện tại nhìn đâu cũng thấy mầu đen ảm đạm gây kinh hoàng sợ hãi và che khuất tương lai. Một tác giả đã viết, đại ý: Cuộc sống này đan xen những cơ hội và thách thức. Người lạc quan nhìn thấy trong thách thức một cơ hội; người bi quan chỉ nhìn thấy trong cơ hội những thách thức. Hậu quả là người bi quan chẳng bao giờ thành công.
Người biết đủ cũng là người sống chan hòa với tha nhân, chia sẻ với họ tinh thần cũng như vật chất. Người phú hộ trong Tin Mừng là người thành đạt (x. Lc 12,13-21). Anh dự tính phá kho nhỏ để xây kho lớn. Anh cũng tự nhủ: hồn tôi ơi, ngươi có rất nhiều của cải. Ngươi hãy ăn chơi thỏa thích. Anh tự đánh giá mình là khôn ngoan, nhưng lại bị kết án là ngu ngốc. Khi của cải đã dư đầy thì lại sinh tham vọng ăn chơi hưởng thụ và không chú ý đến nỗi khổ của những người xung quanh. Anh cũng là người chưa biết đủ. Người đàn bà góa bụa trong Đền thờ Giêrusalem đã công đức vào Đền thờ một đồng tiền nhỏ, nhưng đối với bà, đó là tất cả tấm lòng. Bà tìm thấy niềm vui trong sự hy sinh quảng đại, dù giá trị vật chất của lễ dâng không nhiều. Bà là người biết đủ. “Của cho không bằng cách cho”, tâm tình của người tặng quà làm cho giá trị của món quà ấy càng tăng lên mãi. Xung quanh chúng ta còn biết bao người nghèo khó. Họ cần lắm một tấm lòng, cần sự sẻ chia tinh thần cũng như vật chất. Đa số chúng ta cũng chẳng giàu. Tuy vậy, sự sẻ chia cho tha nhân sẽ làm cho chúng ta giàu thêm về phúc đức và tình người.
Người biết đủ biết mình là ai để sống khiêm tốn. Một hai tuần nay, trên các báo mạng, một câu nói đã trở thành “hot”: “Mày biết tao là ai không?”. Đây là câu nói của một vài người có quyền thế và giàu có. Họ cậy vào quyền thế và của cải của mình để gây rối trật tự nơi công cộng, thậm chí còn sàm sỡ cô nhân viên trên máy bay. Họ trơ trẽn vu khống người khác, xử sự như người vô văn hóa và ngôn từ còn kém trẻ trâu. Tiếc thay, một số người trong họ lại là những quan chức, là người cầm cây nảy mực trong guồng máy hành chính của xã hội. Khi lớn tiếng và kênh kiệu hạch sách người khác: “Mày có biết tao là ai không?”, thực ra chính họ lại không biết mình là ai. Họ đã đánh mất nhân cách của mình, trở thành một thứ quái thai của thời đại, lạc lõng giữa một thế giới văn minh đang biến chuyển từng ngày.
Sau cùng, người biết đủ cũng là người biết nghĩ đến lúc sau hết của đời mình. Chẳng ai sống mãi để hưởng thụ của cải mình làm ra. Cuộc đời này chẳng có bao lâu. Sống làm sao để khi nhắm mắt xuôi tay, ta mãn nguyện với cuộc đời và không hổ thẹn với tổ tiên. Người tin vào Chúa coi cái chết như một cuộc biến đổi, một cuộc vượt qua. Họ vượt qua đời này để về với đời sau. Trên cây thập giá, trước lúc trút hơi thở cuối cùng, Đức Giêsu nói: “Mọi sự đã hoàn tất!”. Câu nói ngắn gọn mà mang nhiều ý nghĩa. Chúa Giêsu kết thúc cuộc đời trong sự toàn tâm toàn ý phục tùng Chúa Cha. Người phó linh hồn trong tay Chúa Cha, như nghĩa cử của một người con hiếu thảo, người chiến sĩ hùng dũng và người tôi trung nhân hiền. Người sống đạo đức trước mặt Chúa và thân thiện với mọi người, đến lúc cuối đời sẽ thanh thản an vui, vì biết rằng họ sẽ gặp Đấng họ yêu mến. Lúc đó, cái chết sẽ như hoàn tất một nhiệm vụ Chúa trao. Ngài sẽ thưởng công cho những ai sống trung tín ngay lành.
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết con. Biết Chúa để tôn vinh và cảm tạ tình thương của Ngài. Biết mình để sống khiêm tốn và để cố gắng tu thân. Biết Chúa là bí quyết nên thánh. Biết mình sẽ đem lại bình an. Biết đủ sẽ đem lại hạnh phúc.
Hà Nội, đầu thu 2019
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên