Bức Tường Ô Nhục


Lẽ Sống, Thứ Bảy, 13/08/2016: Bức Tường Ô Nhục

Ngày 13/8/1961, sau nhiều cuộc thương thảo vô ích giữa Washington và Mascơva nhằm giải quyết cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Ðông và Tây, Kruschev, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đã ra lệnh cho xây cất một bức tường ngăn cách Ðông và Tây Bá Linh. Bức tường này được dựng lên không những để đánh dấu sự đọan tuyệt giữa Ðông và Tây, nhưng còn để ngăn chặn làn sóng những người Ðông Ðức ồ ạt chạy sang tỵ nạn tại Tây Bá Linh. Khối Ðông Âu thì giải thích rằng bức tường này được dựng lên là để ngăn chặn những người Tây Phương có thể đến Ðông Ðức để làm gián điệp. Còn phía Tây Phương thì lại gọi bức tường đó là bức tường ô nhục… Nhưng dù được gọi dưới danh hiệu nào, dù được xây dựng dưới mục đích nào, bức tường ngăn cách giữa Ðông và Tây Bá Linh vẫn mãi mãi là biểu trưng của những chia cách giữa con người mà chính con người đã tạo nên…

Có những bức tường ngăn cách về kinh tế, chính trị, chủng tộc, văn hóa do con người dựng lên… Nhưng cũng có những bức tường vô hình mà mỗi người chúng ta có thể xây lên để tự ngăn cách với người khác.

Bức tường vô hình đó trước tiên là bức tường của nghi kỵ. Người ta thường xây kín khu vực của mình ở bằng kín cửa cao tường là bởi vì người ta sợ con mắt dòm ngó của những người xung quanh. Sự nghi kỵ không những ngăn ngừa người khác đến với mình, nhưng còn giam hãm chính mình trong cô đơn…

Bức tường vô hình cũng là bức tường của ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết đến thế giới của mình và khép mắt, bịt tai trước những gì đang xảy ra cho người khác…

Bức tường đó cũng có thể là bức tường của sự bất cảm thông. Kẻ xây tường để bao bọc mình sẽ không muốn nhìn thấy và thông cảm với những người xung quanh…

Nhưng bức tường nào cũng là một nấm mồ chôn kín mình trong sự cô đơn. Càng bảo vệ chính mình, con người càng mất mát trong sự hao mòn. Trái lại, càng cởi mở, càng đến với tha nhân càng triển nở trong nhân cách…

© Ban Việt Ngữ – Đài Chân Lý Á Châu
Hình minh hoạ: Internet