Bước Tiến Mới Trong Việc Cải Tổ Tài Chánh Vatican
Công trình cải tổ hệ thống kinh tế và tài chánh của Vatican do ĐTC Phanxicô khởi sự cách đây gần 7 năm đã tiến thêm được một bước dài hồi đầu tháng 6-2020 qua việc công bố Tông thư tự sắc về ”sự minh bạch, kiểm soát và cạnh tranh trong các thủ tục cấp hợp đồng đấu thầu” tại Tòa Thánh và Quốc Gia thành Vatican.
Hai đạo luật
Tự sắc mang chữ ký của ĐTC ngày 19-5-2020 và có kèm theo 2 bộ qui luật liên hệ, được soạn thảo trong vòng 4 năm qua, và bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được đăng trong Công Báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis), nhắm đạt tới một sự quản trị hữu hiệu hơn các tài nguyên của Tòa Thánh và tránh sự phí phạm cũng như tránh nạn tham ô. Văn kiện này đã được công bố ngay trên trang mạng Internet của báo ”Quan sát viên Roma” (Osservatore Romano) từ ngày 1-6-2020.
Luật thứ I dài 30 trang gồm 86 điều khoản về ”sự minh bạch, kiểm soát và cạnh tranh liên quan đến các hợp đồng công của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican”, còn Luật thứ 2 có 12 điều khoản về việc bảo vệ quyền tài phán của Tòa Thánh trong những trường hợp tranh chấp, kiện tụng.
Luật thứ I cũng nhắm làm sao để những tác nhân kinh tế, các hãng, công ty hay những tác nhân khác muốn đấu thầu được đối xử đồng đều, tránh sự cạnh tranh bất hợp pháp và nạn tham nhũng, hối lộ, hoặc thiên vị.
Tập trung vào 2 cơ quan cứu xét và kiểm soát
Ngoài một số trường hợp luật trừ, việc cứu xét các vụ xin đấu thầu cung cấp dịch vụ hoặc hàng hóa, vật dụng, được tập trung vào hai cơ quan: trước tiên là Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là Apsa (Amministrazione del Patrimonio della Sede Apostolica), đối với tất cả các cơ quan Tòa Thánh, tiếp đến là Phủ Thống Đốc Vatican. Phủ này sẽ cứu xét tất cả những vụ đấu thần liên quan đến các cơ quan thuộc Quốc gia thành Vatican như siêu thị, bưu điện, bảo tàng viện Vatican, phương tiện chuyên chở, cứu hỏa, hiến binh, v.v.
Danh sách các nhân viên và chuyên gia cứu xét
Tại Bộ kinh tế của Tòa Thánh sẽ thiết lập danh sách các nhân viên và những giới chức chuyên môn được cử thực hiện vai trò thiết kế chuyên gia và thành viên Ủy ban cứu xét các vụ thầu. Họ sẽ được bốc thăm và tham gia theo lượt vào các Ủy ban, luôn luôn theo các khả năng chuyên môn của họ. Để chống xung đột quyền lợi, các chuyên gia ấy không được chọn trong số những người có họ máu hoặc họ thông gia đến đời thứ tư với những người xin đấu thầu.
Danh bộ các cơ quan hoặc tác nhân kinh tế
Luật xác định việc thiết lập một danh bộ những cơ quan hoặc tác nhân kinh tế có thể tham gia các cuộc thi đấu thầu. Bị loại khỏi danh bộ này những người hoặc cơ quan bị điều tra hoặc bị kết án ở cấp thứ I vì tham gia một tổ chức bất lương, tham nhũng, lường gạt, các tội ác khủng bố, rửa tiền bẩn, bóc lột lao động trẻ vị thành niên, trốn thuế hoặc cư ngụ tại những nơi gọi là ”thiên đàng thuế khóa”, những người khai gian về những điều kiện cần có để được chấp nhận, những người vi phạm trầm trọng nghĩa vụ về môi trường.
Động lực thúc đẩy tập trung
Động lực thúc đẩy việc ban hành 2 đạo luật trên đây là Vatican cần có một hệ thống có khả năng liên kết các vấn đề kinh tế hoặc các tiêu chuẩn quản trị các cơ quan khác nhau với các nguyên tắc như minh bạch hoặc việc kiểm soát sự quản trị đúng đắn các tài sản và gia sản của Vatican. Ngay trong câu đầu tiên của Tự Sắc, ĐTC đã tóm gọn ý hướng của việc ban hành hai đạo luật vừa nói, đó là ”Sự cần mẫn của người cha gia đình tốt là nguyên tắc tổng quát và hết sức cần được tôn trọng, dựa trên đó tất cả những người quản trị cần phải theo khi thi hành chức năng của họ”.
Một số phản ứng
Phản ứng của giới báo chí và dư luận rất tích cực đối với hai đạo luật mới được ĐTC công bố. Người ta hy vọng các luật này sẽ chấm dứt nạn ”con ông cháu cha” và thiên vị có từ lâu đời tại Vatican. Đức TGM Carlo Maria Viganò, nguyên Tổng thư ký Phủ Thống đốc Vatican (2009-2011), có lần đã than phiền và nêu 1 ví dụ cụ thể: trước đây hang đá giáng sinh ở quảng trường thánh Phêrô do các nhà thầu thực hiện, và thường phí tổn lên tới hơn nửa triệu Euro. Đàng sau thói quen đó có nguyên tắc ”anh gãi lưng tôi, tôi gãi lưng anh”, ”có đi có lại”, nhà thầu chắc chắn cũng cho những giới chức liên hệ ở Vatican được ”chấm mút”. Khi Tòa Thánh chấm dứt thói quen đó và cho thực hiện các hang đá giáng sinh không qua chế độ đấu thầu như thế, mỗi lần làm hang đá như thế chỉ mất hơn 30 ngàn Euro. Thay vào đó là một miền, một tổ chức ủng hộ việc làm hang đá, họ không có lợi về vật chất, về tài chánh, nhưng được danh tiếng, được dư luận biết đến, và đó là một thứ quảng cáo trong sạch.
Chấm dứt phân hóa tài chánh
Luật mới do ĐTC ban hành cũng chấm dứt tình trạng phân hóa tài chánh: cho đến nay mỗi cơ quan Tòa Thánh tự quản trị tài chánh, tự kiếm hãng thầu, tự quản lý các bất động sản và có ngân sách riêng, mà không bị kiểm soát chặt chẽ từ trung ương. Như vụ Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh có cơ quan riêng, tậu căn hộ sang trọng ở Luân đôn khoảng 300 triệu mỹ kim với chủ ý đầu tư và hy vọng sinh lợi từ đó.. Nhưng dự án này không thành công khiến cho Tòa Thánh bị thiệt thòi. 5-6-2020, kẻ làm môi giới trong vụ này là Ông Gianluigi Torzi đã bị Công tố viện của Vatican ra lệnh bắt giam vì những tội tống tiền, ăn chặn, lường gạt trầm trọng và tự rửa tiền”.
Hoặc Bộ truyền giáo tự quản lý nhiều căn hộ hay bất động sản và có nguồn tài chính riêng, giống như một tiểu vương quốc, chủ ý nguyên thủy là để giúp các xứ truyền giáo.
Dự án tập trung để kiểm soát đã có từ lâu
ĐHY George Pell, người Australia, một trong 8 Hồng Y cố vấn nguyên thủy của ĐTC về việc cải tổ giáo triều, khi mới được Bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế hồi năm 2013, đã chủ trương tập trung việc quản trị và kiểm
soát tài chánh của các cơ quan Tòa Thánh, theo đường hướng minh bạch, hữu lý hóa, ấn định các tiêu chuẩn đồng nhất trong việc thiết lập kết toán chi thu phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, tập trung tâm quyền tài chánh trong cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, quen gọi là Apsa và Phủ thống đốc Vatican. Kế hoạch của ĐHY Pell bị chống đối mạnh và ĐHY có nhiều kẻ thù ở Vatican tìm hết cách để cản trở sứ mạng thanh tẩy tài chánh và kinh tế mà ĐTC Phanxicô đã ủy thác cho ngài. Nay từ Australia xa xôi, ĐHY Pell có thể coi luật mới được ĐTC Phanxicô công bố như một sự ”phục thù”.
Một số quan sát viên cũng nhận định rằng góp phần vào luật mới được ĐTC công bố cũng có ông Giuseppe Pignatore, nguyên là Chủ tịch Viện kiểm sát của Roma, người nổi tiếng về các hoạt động bài trừ nam tham ô ở thủ đô Italia, ông về hưu và hồi tháng 10 năm ngoái được ĐTC bổ nhiệm làm chánh án tòa án Quốc gia thành Vatican.
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt