Các Kitô Hữu Lào Bị Phân Biệt Đối Xử Và Bị Sỉ Nhục Vì Đức Tin
Cộng đoàn Kitô giáo ở Lào chỉ là một nhóm thiểu số nhỏ bé, khoảng 150 ngàn tín hữu trong một quốc gia có 7 triệu dân. Hiện nay, vì đức tin, cộng đoàn nhỏ bé này tiếp tục bị phân biệt đối xử và bị sỉ nhục. Đa số dân chúng tại đây theo Phật giáo và Tín ngưỡng vật linh không hiểu các Kitô hữu và cho rằng Kitô giáo một đạo nhập khẩu đến từ Hoa Kỳ.
Trên đây là những lời tố cáo của một cư dân đang sống trong một ngôi làng Kitô giáo thuộc dân tộc H’Mông ở một vùng núi phía bắc Lào.
Thực tế, trong chiến tranh Việt Nam, nhiều người dân tộc H’Mông đã trở thành Kitô hữu nhờ các nhà truyền giáo đến từ Hoa Kỳ. Năm 1975, phong trào Cộng sản Pathet Lào lên nắm quyền, lúc này các quan chức Cộng sản nhìn các Kitô hữu với ánh mắt nghi ngờ và đổ lỗi họ đồng lõa với người Mỹ trong chiến tranh.
Trong thời gian gần đây, vì cương quyết không từ bỏ đức tin, 14 người thuộc 3 gia đình dân tộc H’Mông đã bị đuổi ra khỏi làng ở Tine Doi, thuộc tỉnh Luang Namtha. Sau đó, nhà của họ cũng đã bị phá bỏ.
Mặc dù thực tế hiến pháp Lào bảo vệ quyền tự do tôn giáo của công dân, nhưng theo Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, chính phủ thường xuyên hạn chế các hoạt động thờ phượng của các Kitô hữu.
Tổ chức Tiếng nói của các Vị Tử đạo (VOM), một tổ chức quốc tế bảo vệ quyền con người của các Kitô hữu bị bách hại cho biết: Trong hầu hết các ngôi làng, các Kitô hữu bị cấm xây dựng nhà thờ. Họ bị nhiều thiệt thòi, thường không tìm được việc làm, không được chăm sóc y tế, không được tiếp cận với giáo dục và các dịch vụ xã hội khác, và là các đối tượng của các vụ bắt giữ, thời gian bị giam giữ trung bình là một tuần.
Các quan chức Lào phủ nhận việc các Kitô hữu địa phương phải chịu phân biệt đối xử, và họ cho báo chí nước ngoài biết rằng dân làng được tự do tin vào những gì họ muốn. Tuy nhiên, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã phản đối về những khẳng định này, Ủy ban nhấn mạnh “một số nhà cầm quyền Lào vẫn còn ngờ vực các Kitô hữu”, và điều này đã dẫn đến việc “loại trừ xã hội, quấy rối và giam giữ tùy tiện của cảnh sát”. (CSR_4582_2020)
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt