Caritas Kêu Gọi Phân Phối Vắc-Xin Một Cách Công Bằng


Caritas Quốc tế kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt các quốc gia giàu có ở bắc bán cầu thể hiện tình liên đới, để đảm bảo vắc-xin Covid-19 sẽ được cung cấp cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu 05/02, Caritas Quốc tế, một liên minh gồm 165 tổ chức cứu trợ, phát triển và dịch vụ xã hội Công giáo, hoạt động ở hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới lưu ý: “Cho đến nay, việc tiếp cận với vắc-xin trên khắp thế giới là không công bằng”. Tuyên bố đặc biệt chỉ ra các vấn đề cung cấp gây khó khăn cho các cộng đồng ở nam bán cầu trong việc mua vắc-xin. Tổ chức bác ái kêu gọi các quốc gia giàu cần thể hiện tình liên đới hơn nữa, để đảm bảo vắc-xin Covid-19 được cung cấp cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.

Caritas cho rằng, cuộc khủng hoảng vắc-xin hiện nay phải được nhìn trong bối cảnh rộng lớn hơn của tình hình y tế toàn cầu. Việc chăm sóc người nghèo, người thiểu số, người tị nạn, những người bị gạt ra bên lề xã hội phải là một “ưu tiên đạo đức, bởi vì việc gạt bỏ những người này sẽ làm cho cộng đồng thế giới gặp nhiều rủi ro”.

Tuy nhiên, vì hiện nay, vắc-xin “đã trở thành tâm điểm chú ý và nhiều hy vọng”, các quốc gia giàu có ở bắc bán cầu, vốn chủ yếu tài trợ cho việc phát triển vắc xin, “hiện đang chờ đợi sự hoàn vốn đầu tư của họ”. Caritas cho rằng điều này đã dẫn đến “một kiểu tập trung vào chính mình của các nước giàu, thể hiện chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ”, trong khi “nam bán cầu, nơi đa số người nghèo sinh sống, bị bỏ rơi”.

Đứng trước sự chênh lệch này, Caritas xác định: “Các nhà lãnh đạo chính trị phải nhìn xa hơn lợi ích quốc gia và các nhóm chính trị và nhận ra rằng đại dịch này là một vấn đề an ninh nhân loại toàn cầu, đe dọa toàn gia đình nhân loại”. Trong bối cảnh đó, tuyên bố viết: “Cộng đồng quốc tế phải có cách tiếp cận tổng thể, để tránh nguy cơ đại dịch vượt khỏi tầm kiểm soát ở nam bán cầu, và để có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu”.

Dựa trên những nguyên tắc này, và “phù hợp với những quan sát của Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện”, Caritas kêu gọi đặc biệt thực hiện một số hành động:

– Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để giải quyết vấn đề tiếp cận vắc-xin như một vấn đề an ninh toàn cầu;

– Xóa nợ cho các quốc gia nghèo, với các quỹ được sử dụng để nâng cấp hệ thống y tế ở các quốc gia đó;

– Thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á, với mục tiêu cung cấp vắc-xin trong vòng sáu tháng tới;

– Việc phân bổ các nguồn lực tài chính và kỹ thuật cho các tổ chức xã hội dân sự và đặc biệt là các Tổ chức dựa trên niềm tin để hỗ trợ các cộng đồng địa phương.

Caritas nói: “Vắc-xin là một phương tiện để tôn trọng và gìn giữ ‘Hồng ân Sự sống’. Vì mọi sự sống là bất khả xâm phạm, nên không ai bị bỏ rơi”. Tuyên bố cũng lưu ý rằng “hạnh phúc tập thể của chúng ta phụ thuộc vào cách chúng ta quan tâm đến những người rốt hết. Trong thời điểm quan trọng này, chúng ta có cơ hội để sống điều kỳ diệu của lòng bác ái và cùng nhau cứu thế giới”.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt