Câu Chuyện Đầu Tuần: Bách Hại Tôn Giáo
WGPMT. Mừng kính Các Thánh tử đạo Việt Nam là dịp nhớ lại giai đoạn lịch sử khắc nghiệt với Công giáo, qua các triều đại vua Lê – chúa Trịnh, Cảnh Thịnh và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), tổng cộng là 117 năm (1745-1862). Một câu hỏi xuất hiện: ngày nay các Kitô hữu trên thế giới còn bị bách hại không? Có lẽ chúng ta nghĩ đó là chuyện đã qua rồi nhưng rất tiếc là thực tế không phải như thế.
Bách hại tôn giáo ngày nay được hiểu là sự ngược đãi, phân biệt đối xử, áp bức, hoặc bạo lực đối với những cá nhân và các cộng đoàn có niềm tin tôn giáo. Sự bách hại đó bao gồm sự vi phạm những quyền căn bản của con người như quyền tự do thờ phượng, tự do biểu đạt, tự do hội họp theo niềm tin và thực hành tôn giáo của mình.
Có nhiều lý do dẫn đến sự bách hại các Kitô hữu. Trước hết là vì niềm tin tôn giáo của họ, ngoài ra còn có những lý do kinh tế và chính trị làm cho sự bách hại nặng nề hơn. Chẳng hạn trong một số quốc gia, các Kitô hữu được cho là mối đe dọa đối với nhà cầm quyền, và bách hại tôn giáo là một cách để kiểm soát tình hình. Thêm vào đó, trong một số quốc gia, sự bất khoan dung về văn hóa và tôn giáo làm cho sự bách hại trầm trọng hơn. Tại một số quốc gia khác, Kitô giáo được cho là tôn giáo ngoại lai của phương Tây, vì thế bị nhìn với thái độ cảnh giác, thù nghịch và hằn học.
Thống kê cho thấy sự bách hại các Kitô hữu gia tăng ở nhiều nơi trong những năm gần đây. Theo tổ chức Aid to the Church in need, gần 340 triệu Kitô hữu trên thế giới – tức là 1/7, phải chịu bách hại dưới nhiều hình thức khác nhau như bắt bớ cách độc đoán, bạo lực, vi phạm quyền con người, kể cả sát hại. Chính vì thế, Đức giáo hoàng Phanxicô nói rằng điều kiện sống của nhiều Kitô hữu ngày nay còn tồi tệ hơn thời Hội Thánh sơ khai.
Chúng ta có thể làm gì?
Trước hết là cầu nguyện. Sách Công Vụ các Tông đồ kể chuyện vua Hêrôđê thời đó ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Ông ra lệnh chém đầu thánh Giacôbê, rồi bắt cả thánh Phêrô tống giam vào ngục. Và sách Công Vụ ghi nhận: “Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (12,5). Cũng vậy, việc đầu tiên và quan trọng nhất chúng ta phải làm là cầu nguyện cho những anh chị em Kitô hữu đang bị bách hại, để họ kiên vững trong niềm cậy trông và can đảm làm chứng cho Tin Mừng.
Kế đó là sự liên đới. Trong thư 1 Corintô, thánh Phaolô ví Hội Thánh như một thân thể tuy có nhiều chi thể nhưng vẫn chỉ là một thân thể, rồi ngài nói: “Nếu một chi thể nào đau thì mọi chi thể cùng đau; nếu một chi thể được vẻ vang thì mọi chi thể cũng vui chung” (12,26). Vì thế là Kitô hữu, chúng ta không thể không biết đến và liên đới với những anh chị em Kitô hữu đang bị bách hại, không những trong quốc gia mình đang sống nhưng còn ở mọi nơi trên thế giới. Cầu nguyện là cách thể hiện sự liên đới, đồng thời sự liên đới ấy có thể được bày tỏ bằng những cách thế khác như thăm hỏi, lên tiếng bênh vực, trợ giúp vật chất khi có thể.
Cuối cùng là bài học đức tin chúng ta cần lĩnh hội. Chiêm ngắm sự kiên cường của các Kitô hữu bị bách hại mà vẫn kiên trung trong đức tin, chúng ta cảm nhận rõ nét điều thánh Phaolô nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?…. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng yêu thương chúng ta” (Rm 8,35-37). Quả thật, chúng ta mắc nợ những anh chị em Kitô hữu đang bị bách hại. Tấm gương của họ cho thấy đức tin Kitô đáng quý dường nào và chúng ta được thúc đẩy để sống trung thành với đức tin đã được trả bằng giá máu của Chúa Giêsu Kitô, và của biết bao Kitô hữu trong suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net