Cha George Weinmann và sơ Lilian McLaughlin, hai vị tử đạo của Thánh Thể
Đã 50 năm trôi qua, các tín hữu Công giáo ở Rochester, New York, vẫn nhớ đến gương hy sinh của cha George Weinmann, 77 tuổi, và sơ Lilian Marie McLaughlin, một nữ tu dòng Notre Dame, đang dạy học tại trường học của giáo xứ, những người đã hy sinh mạng sống để cứu các trẻ em và Thánh Thể trong một cơn hỏa hoạn tại nhà thờ thánh Philip Neri tại thành phố này.
Cha Weinmann được thụ phong Linh mục năm 1918, sau đó cha phục vụ trong 3 giáo xứ trước khi trở thành cha sở của xứ Philip Neri vào năm 1959. Cha đã ra sức xây dựng giáo xứ, thành lập trường học giáo xứ vào năm 1962, và năm 1965, cha xây một tu viện cho các nữ tu dòng Notre Dame. Cha nổi tiếng là “tiết kiệm”, cha để ý tới từng xu tiền của giáo xứ và tiêu xài rất ít cho chính mình. Khi cha qua đời, người ta tìm thấy một phong bì bên ngoài cha viết “Cho nhà thờ mới”, bên trong là trái phiếu của chính phủ với số tiền lên tới 200 ngàn đô la. Sơ McLaughlin sinh trưởng ở Boston và gia nhập dòng Notre Dame vào năm 1962. Các học sinh nói sơ là người dịu dàng, kiên nhẫn, vui vẻ và có tình hài hước. Sơ xinh đẹp, dễ thương và như thiên thần.
Ngày 20 tháng 2 năm 1967 là một ngày trời u ám, tuyết rơi và gió lạnh. Các học sinh của trường đang chơi trong giờ ăn trưa. Jimmy Thompson, một giám thị các học sinh lớp 7, đang quan sát các em khi chúng chơi đùa. Thình lình một học sinh lớp 4 đi ra khỏi ngôi nhà thờ gỗ và cho ông biết là các học sinh đang chơi giỡn bên trong nhà thờ. Thompson mở cửa nhà thờ và nhìn vào bên trong, ông thấy lửa cháy lan khắp phía sau cung thánh của nhà thờ. Thompson vội vàng chạy đến trường học và kéo chuông báo cháy và chạy đến nhà xứ báo cho cha xứ biết.
Nhà thờ thánh Philip Neri được xây dựng vào năm 1929, hoàn toàn bằng gỗ. Do đó ngon lửa đã dễ dàng lan tràn khắp nhà thờ. Khi cha Weinmann, 77 tuổi, cha sở của giáo xứ, nghe tiếng la hét thông báo nhà thờ đang bị cháy, đã chạy vội ra khỏi nhà xứ và băng mình xông vào lửa để cứu lấy Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm. Còn sơ McLaughlin, vội vàng gọi điện cho sở cứu hỏa và khi được biết là còn một số ít trẻ em đang ở trong nhà thờ, sơ đã không chút do dự, chạy vào nhà thờ qua cửa hông để vào cứu các em. Thật ra trong nhà thờ không có học sinh nào cả, nhưng sơ McLaughlin gặp thấy cha Weinmann và cố gắng giúp cha thoát ra ngoài nhà thờ. Họ cố đi ra bằng cửa chính, nhưng vì khói dày đặc nên cả hai người không nhìn thấy rõ và tưởng cửa vào phòng giải tội là cửa chính. Lính cứu hỏa đã tìm thấy hai người gần đó. Sơ McLaughlin qua đời vì ngạt khói, ngay chiều thứ hai hôm ấy, khi chỉ vừa mừng sinh nhật lần thứ 26 được 2 ngày. Còn cha Weinmann, đã mang Mình Thánh Chúa ra khỏi Nhà Tạm, cũng qua đời hai ngày sau đó.
Sự hy sinh của cha Weinmann và sơ McLaughlin đã để lại một dấu vết không thể xóa nhà trong ký ức của các học sinh và giáo dân của giáo xứ tại thành phố Rochester này và cũng là một mẫu gương hy sinh sống động mãi. Dù họ đã hy sinh cách đây nửa thế kỷ, nhưng ấn tượng của các học sinh và giáo dân về họ vẫn cho thấy một bản chất bình thường của sự vĩ đại, điều đã làm cho vị Tôi tớ Chúa Fulton Sheen gọi họ là “các vị tử đạo”. Thompson, người đã khám phá đám cháy hôm ấy, chia sẻ: “Khi bạn gặp điều gì đó tàn phá trong cuộc sống của bạn như ngày 20 tháng 2 năm đó, và khi nó liên quan đến tôn giáo của bạn, đến trường của bạn và nhà thờ của bạn mà bạn thật sự yêu quý, bạn không bao giờ có thể quên những điều này.”
Lòng yêu mến của mọi người đối với cha Weinmann và sơ McLaughlin được thể hiện qua sự hiện diện của rất đông dân chúng hiện diện trong Thánh lễ tại nhà thờ Truyền tin vào ngày 26 tháng 2 vừa qua, nhân tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của hai người. Trong số những người hiện diện có thân nhân của cha Weinmann và sơ McLaughlin cũng như các giáo dân của giao xứ thánh Philip Neri ngày xưa. Trong bài giảng Thánh lễ, cha Dennis Bonsignore cho biết cha được biết về vụ hỏa hoạn ở nhà thờ thánh Philip Neri vào năm 1992, 25 năm sau ngày xảy ra, khi cha đang phục vụ ở nhà thờ thánh Cecilia. Cha kể, vào hôm đó, Peter Fantigrossi đã hiện diện mà không biết là cha Bonsignore sẽ giảng về đám cháy. Ông là người lính cứu hỏa đã mang sơ McLaughlin ra khỏi nhà thờ thánh Philip Neri. Tai nạn làm cho ông cảm thấy đau khổ phát điên và đã rời bỏ nhà thờ trong nhiều năm. Nhưng sau thánh lễ vào năm 25 năm, Peter Fantigrossi cảm thấy được chữa lành và đổi mới. Ông đã sáng tác một bài thơ tựa đề “I Held an Angel in My Arms” – Tôi ôm một thiên thần trên cánh tay tôi”. Cha Bonsignore nhận định rằng hai vị đã để lại một mẫu gương sống động về niềm tin của họ về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể.
Đức cha Matano của giáo phận Rochester khen ngợi cha Weinmann và sơ McLaughlin là gương mẫu cho các tín hữu Công giáo dâng trọn mạng sống của họ cho Chúa Giêsu. Ngài nói: “Chúng ta cầu nguyện để noi gương cha Weinmann và sơ McLaughlin, chúng ta có thể nói ‘Tôi sống nhưng không là tôi sống mà Chúa Kitô sống trong tôi.” (CNS 10/03/2017)
Hồng Thủy
(Nguồn: Đài Vatican)