Chiến Tranh Israel – Hamas : Vatican Đề Nghị Làm Trung Gian Hòa Giải Và Kêu Gọi Israel Không Tấn Công Thường Dân
WXBVN. Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói chuyện với truyền thông Vatican về cuộc xung đột đang diễn ra giữa Hamas và Israel. Đối với ĐHY Parolin, ưu tiên hàng đầu là thả các con tin bị Hamas bắt giữ. Về vấn đề này, Tòa Thánh sẵn sàng cho bất kỳ sự trung gian hòa giải cần thiết nào.
“Tòa Thánh sẵn sàng cho bất kỳ cuộc trung gian hòa giải cần thiết nào, như thường lệ…”. Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sáu ngày sau vụ tấn công khủng bố chống lại Israel, xác định vụ tấn công xảy ra vào thứ Bảy tuần trước là “vô nhân đạo”, và nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc thả tất cả con tin trong tay Hamas. Đức Hồng y Parolin kêu gọi sự tương xứng trong việc phòng vệ hợp pháp của Israel, bày tỏ mối quan tâm của mình đối với các nạn nhân dân sự của các vụ đánh bom ở Gaza và tái khẳng định rằng, bất chấp những gì đang xảy ra, để có một nền hòa bình thực sự công bằng, phải đạt được một giải pháp hai Nhà nước “sẽ cho phép người Palestine và người Israel chung sống cạnh nhau trong hòa bình và an ninh.”
Vatican News : Kính thưa Đức Hồng y, mọi xung đột đều khủng khiếp. Nhưng những gì chúng ta đang biết được kể từ rạng sáng thứ Bảy tuần trước là mức độ gia tăng sự dã man chưa từng có. Chúng ta đang chứng kiến sự hỗn loạn hoàn toàn của con người. Theo ngài, liệu chúng ta vẫn có thể tránh được điều tồi tệ nhất chứ?
ĐHY Parolin : Vụ tấn công khủng bố do Hamas và các lực lượng dân quân khác thực hiện vào thứ Bảy tuần trước nhằm vào hàng nghìn người Israel đang chuẩn bị mừng ngày lễ Simchat Torah, vào cuối kỳ nghỉ lễ Sukkot kéo dài một tuần, là vô nhân đạo. Tòa Thánh bày tỏ sự lên án hoàn toàn và kiên quyết. Hơn nữa, chúng tôi quan ngại đối với những người nam, người nữ, trẻ em và người già đang bị bắt làm con tin ở Gaza. Chúng tôi bày tỏ sự gần gũi với các gia đình bị ảnh hưởng, phần lớn trong số họ là người Do Thái, chúng tôi cầu nguyện cho họ, cho những người vẫn còn bị sốc, cho những người bị thương. Cần phải tìm lại ý thức của lý trí, từ bỏ lôgic mù quáng của hận thù và từ chối bạo lực như một giải pháp. Người bị tấn công có quyền tự vệ, nhưng việc tự vệ cũng phải tôn trọng tính tương xứng. Tôi không biết đâu là các khả năng đối thoại giữa Israel và lực lượng dân quân Hamas, nhưng nếu chúng tồn tại, và chúng tôi hy vọng rằng chúng tồn tại, thì chúng phải được theo đuổi ngay lập tức và không chậm trễ. Điều này nhằm tránh đổ máu thêm, như trường hợp ở Gaza, nơi các cuộc tấn công của quân đội Israel đang gây ra nhiều nạn nhân dân sự vô tội.
Vatican News : Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng hòa bình được xây dựng trên công lý. Không có hòa bình nào mà không có công lý. Ngày nay nhu cầu công lý này được thể hiện dưới những khía cạnh nào đối với cả hai bên trong cuộc xung đột?
ĐHY Parolin : Hòa bình chỉ có thể dựa trên công lý. Người Latinh thường nói: “Opus iustitiae pax” (hòa bình là công trình của công lý), không thể có hòa bình giữa con người nếu không có công lý. Đối với tôi, dường như công lý lớn nhất có thể có ở Thánh địa là giải pháp hai Nhà nước, cho phép người Palestine và người Israel sống cạnh nhau trong hòa bình và an ninh, do đó đáp ứng nguyện vọng của hầu hết họ. Giải pháp này, do cộng đồng quốc tế đề ra, gần đây đối với một số người, từ cả hai bên, dường như không còn khả thi nữa. Đối với những người khác, nó chưa bao giờ như vậy. Tòa Thánh tin vào điều ngược lại và tiếp tục ủng hộ nó. Nhưng hôm nay, điều gì là công bằng? Công bằng là các con tin phải được trả lại ngay lập tức, ngay cả những con tin đã bị Hamas bắt giữ kể từ các cuộc xung đột trong quá khứ: theo nghĩa này, tôi mạnh mẽ lặp lại lời kêu gọi mạnh mẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra và lặp đi lặp lại trong những ngày gần đây. Công bằng là để tự vệ, Israel không được gây nguy hiểm cho thường dân Palestine sống ở Gaza. Tôi cho rằng điều công bằng cần thiết trong cuộc xung đột này – cũng như trong bất kỳ cuộc xung đột nào khác – là luật nhân đạo phải hoàn toàn được tôn trọng.
Vatican News : Vào cuối buổi tiếp kiến hôm thứ Tư vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi phóng thích các con tin và yêu cầu tha mạng cho những người vô tội. Đức Thánh Cha có thấy khả năng sáng kiến ngoại giao về phía Tòa thánh, giống như những gì đã được thực hiện trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ucraina không?
ĐHY Parolin : Có, việc phóng thích con tin Israel và bảo vệ sinh mạng vô tội ở Gaza là trọng tâm của vấn đề do cuộc tấn công của Hamas và phản ứng của quân đội Israel gây ra. Chúng là trọng tâm của mối quan tâm của mỗi người chúng ta, của Đức Thánh Cha và của toàn thể cộng đồng quốc tế. Tòa Thánh sẵn sàng cho mọi cuộc trung gian hòa giải cần thiết, như thường lệ.
Trong khi chờ đợi, Tòa Thánh tìm cách đối thoại với các cơ quan chức năng có các kênh đã được mở. Tuy nhiên, bất kỳ hoạt động trung gian hòa giải nào nhằm chấm dứt xung đột đều phải tính đến một số yếu tố khiến vấn đề trở nên rất phức tạp và rõ ràng, chẳng hạn như vấn đề về các khu định cư Israel, an ninh và vấn đề về thành phố Jerusalem. Một giải pháp có thể được tìm thấy thông qua cuộc đối thoại trực tiếp giữa người Palestine và người Israel, được cộng đồng quốc tế khuyến khích và ủng hộ, ngay cả khi bây giờ điều đó sẽ khó khăn hơn.
Vatican News : Trong hai cuộc phỏng vấn gần đây với nhật báo Osservatore Romano của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Israel Isaac Herzog, cả hai đều bày tỏ lòng biết ơn đối với những lời hòa bình liên tục phát ra từ thiểu số Kitô giáo ở Thánh địa, vốn là “muối” cho mảnh đất này. Tuy nhiên, các Kitô hữu bị dồn vào chân tường bởi cuộc xung đột và thấy mình rơi vào hoàn cảnh đau khổ. Hoàn cảnh của cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé ở Gaza, đang bị đe dọa hủy diệt, thật đáng lo ngại. Làm thế nào chúng ta có thể cụ thể giúp đỡ các Kitô hữu ở Thánh Địa?
ĐHY Parolin : Trước hết là nhờ cầu nguyện và sự gần gũi về tinh thần và vật chất. Những lời của tôi muốn chứng thực một lần nữa về sự gần gũi trìu mến của Đức Giáo hoàng và Tòa Thánh. Kitô hữu là một phần thiết yếu của mảnh đất nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, sống, chết và sống lại. Không ai có thể nghĩ đến Palestine hay Israel mà không có sự hiện diện của Kitô hữu, sự hiện diện đó đã có từ đầu và sẽ ở đó mãi mãi. Đúng là ngày nay cộng đồng Công giáo nhỏ bé ở Gaza – khoảng 150 gia đình – đang phải chịu nhiều đau khổ. Và khi một thành viên đau khổ thì toàn thể Giáo hội đau khổ, do đó tất cả chúng ta đều đau khổ.
Chúng tôi biết rằng họ tập trung tại giáo xứ. Cha sở không thể quay trở lại và vẫn ở lại Bêlem. Mọi thứ đều bất động, tê liệt, như thể đang bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ hãi và giận dữ. Chúng ta cầu nguyện cho người Israel, chúng ta cầu nguyện cho người Palestine, chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo: “Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình … Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng: “Chúc thành đô an lạc.” Nghĩ tới đền thánh Chúa, Thiên Chúa chúng ta thờ, tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.” (Tv 121/122)
Tý Linh dịch.
Nguồn: xuanbichvietnam.net