Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa


LỄ PHÉP RỬA. C

(Is 40,1-5.9-11; Tt 2,11-14; 3,4-7; Lc 3,15-16.21-22)

10-1-2015

Hôm nay lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Chúng ta nhớ đến phép rửa tội của mình. Nhân dịp này, chúng ta nhắc qua những ngày tháng hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên đất Việt, và ai là người Việt được rửa tội đầu tiên.

Sách KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC là bộ sử được soạn thảo dưới thời nhà Nguyễn, sau khi ghi lại lệnh cấm Công giáo được ban hành dưới thời vua Lê Huyền Tông vào khoảng năm 1663, đã chú thích về cụm từ Gia-tô như sau : “Theo sách dã sử, thì vào khoảng tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), đời Lê Trang Tông, có người Tây dương tên là I-nê-xu lẻn đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân, và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy truyền bá tả đạo Gia-tô (Trương Bá Cần, Lịch Sử Công Giáo Việt Nam,t.I, tr.24).

Đấy chỉ là “dã sử”. Cho đi là có thật, hạt giống Tin Mừng được gieo vãi sau Đà Nẵng chúng ta. Cây Thánh Giá được dựng nên đầu tiên là ở Cù Lao Chàm, Đà Nẵng  : “Chúng ta biết rằng từ cuối năm 1513, sau khi chiếm được Malacca (1511), viên chỉ huy người Bồ Đào Nha của bán đảo này đã gởi một chiếc thuyền, dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Jorge Alvarez, đi thám hiểm dọc bờ biển đông năm 1516, một đoàn thuyền của người Bồ Đáo Nha tới Quảng Đông để ký kết thương ước với Trung Quốc; năm 1523, thuyền trưởng Duarte Coelho được sai sang thương thuyết với Việt Nam đã vào “Coulao Cham” (Cù lao Chàm ?), nhưng không liên lạc được với nhà đương cục Việt Nam, và để lại cây Thánh Giá khắc trên đá với năm tháng và tên rút gọn của mình” (TBC,sđd,tr.24-25).

Năm 1596 ngày 24 tháng 6, linh mục Alonso Ximenez và linh mục Diego Aduarte với trợ sĩ Juan Deca, ngườiTây Ban Nha tới một cửa biển của Đàng Trong. Linh mục Diego Aduarte, trong bản tường trình của mình không nói cửa biển đó tên là gì, nhưng một người trong đoàn nói là Cachan (có lẽ là Cửa Hàn, Đà Nẵng). Họ thấy ở đây một tượng Thánh Giá cao do một ai đó dựng trên một đồi cao mà dân chúng sợ không đập phá (TBC,sđd,tr.27).

Ở gần cửa khẫu, hai giáo sĩ dòng Âu tinh có một nhà nguyện. Linh mục Alonso Ximenez đã dâng thánh lễ kính thánh Augustinô ngày 28-8-1596 ở đây với hai giáo sĩ bạn, trong lúc linh mục Diego Aduarte đi lên thánh phố Sinoa (Thuận Hóa).

Ơ Đà Nẵng do một sự bất bình giữa nhà cầm quyền Việt Nam và viên chỉ huy Tây Ban Nha, đoàn thuyền của người Tây Ban Nha bị tấn công phải tìm cách chạy thoát ra ngoài khơi.

Linh mục Diego Aduarte ở trên thuyền và đã trốn thóát với người Tây Ban Nha, trong lúc linh mục Alonso Ximenez ở trên bờ với hai giáo sĩ dòng Âu tinh. Trong thời gian lưu lại Đà Nẵng, linh mục Alonso Ximenez đã làm phép rửa cho hai tử tù trước giờ bị hành quyết. Sau đó giáo sĩ Ximenez đã theo thuyền của người Bồ Đào Nha trở về Manila (TBC,sđd,tr.29).

Năm 1583, một phái đoàn truyền giáo Phan sinh gồm 7 thành viên, trong đó có linh mục Bartholomé Ruiz, do thừa sai Diego d’Oropesa dẫn đầu, từ Manila tới Việt Nam. Do thời tiết xấu, thuyền không vào cửa khẩu của triều đình (portus Aulac) được và phải vào trú ẩn tại một cửa khẩu cách đó 6 dặm.

Romanet du Caillaud nói kinh đô đây là kinh đô nhà Mạc ở Thăng Long; cửa biển kia là cửa biển Quảng Yên. Nhưng một thuyền trưởng người Bồ Đào Nha, trong một bài tường thuật, có nói rằng : “Khi đến cửa biển Dom Jage (có lẽ là Sơn Trà ), chúng tôi được tin là Cacahan (có lẽ là Cửa Hàn, Đà Nẵng) có một tu sĩ  Phan sinh người Tây Ban Nha tên là Batholomé, thân hình nhỏ, tóc bạc, trạc 50-60 tuổi, có tiếng là sống thánh thiện và khiêm tốn… Nhờ lễ vật dâng cho nhà vua ở Sinoa (Thuận Hóa), ông đã được phép xây một ngôi nhà và một nguyện đường trong làng Caian (Hội An,Faifo)…

Linh mục Ruiz có đem theo một nữ thông ngôn, người Việt Nam theo đạo ở Macao. Linh mục chỉ làm phép rửa cho một trẻ em sắp chết (TBC,sđd,tr.29-31).

Phải đợi đến ngày 18-1-1615 khi hai cha Buzomi và Cavalho dòng Tên đến Đà Nẵng, công cuộc truyền giáo mới liên tục tới ngày nay và thành quả quá ước mong.

Linh mục Buzomi cho xây một ngôi thánh đường. Lễ Phục sinh năm 1615 đã làm phép rửa cho 10 người. Trong số những người chịu phép rửa  có một thanh niên giúp việc cho các thừa sai tên là Augustino. Những người theo đạo ở Đà Nẵng , có lẽ là những người giầu có trong đám thương gia. Bởi vì chỉ mấy người ấy đã xây được ngôi thánh đường “rất lớn”. Đầu năm 1616, linh mục Pina tới Đàng Trong. Ông đã học tiếng Việt và giúp cha Buzomi truyền giáo ở Đà Nẵng (TBC,sđd,tr.43).

Sách giáo lý YOUCAT viết về Bí tích Rửa Tội như sau : “Bí tích Rửa tội là nền tảng cho tất cả đời sống Kitô hữu, vì bí tích đó là cửa dẫn vào Hội Thánh. Nhờ bí tích Rửa tội, ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được trở thành chi thể của Chúa Kitô, và được hiệp thông với Thiên Chúa” (số 194).

Qua câu này, bí tích Rửa tội gồm những yếu tố quan trọng sau đây :

1- là nền tảng cho tất cả đời sống Kitô hữu,

2- là cửa dẫn vào Hội Thánh.

       3- được giải thoát khỏi tội lỗi,

4- được trở thành chi thể của Chúa Kitô và được thông hiệp với Thiên Chúa,

Cũng cần đọc thêm câu 199 : “Đối với những ai đón nhận Tin Mừng và đã biết Lời Chúa Giêsu dạy :”Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6), bí tích rửa tội là con đường duy nhất cho họ đến cùng Thiên Chúa để được cứu độ. Nhưng vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người, và mọi người đều được mời gọi để được cứu độ, nên dù một người không có cơ hội học biết về Chúa Kitô và đức tin, mà họ tin Chúa cách chân thành và sống theo lương tâm mình, họ cũng gặp ơn cứu độ. Họ được rửa tội bằng lòng mến“.

Câu 199 giúp chúng ta hăng hái làm việc tông đồ và luôn cầu nguyện. Chúa thương xót chúng ta, chúng ta cũng phải thương xót người anh chị em mình.

——————————

LỄ PHÉP RỬA. C

10-1-2010

Cha Đắc Lộ sang Hội An giảng đạo năm 1624. Đến năm 1627 cha được sai ra Hà Nội giảng đạo. Năm 1630 cha bị đuổi. Khi cha xuống thuyền giã từ Hà Nội, giáo dân đứng chật hai bên bờ sông Hồng tiễn biệt cha. Họ buồn bã khóc lóc. Cụ nghè Gio-a-kim đã 70 tuổi, một vị quan đại thần, cũng có mặt. Cụ mặc áo thụng xanh, tiễn cha ra tận bến đò. Trước khi chia tay, cụ sụp lạy cha bốn lạy (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 145).

Cha về Ma-cao dạy học. Sau 10 năm, cha được trở lại Hội An. Cha ra Huế, vào Quảng Ngãi, Phú Yên. Cha rửa tội cho thày An-rê  và được chứng kiến cái chết tử đạo của thầy. Năm 1645 cha bị đuổi hẳn. Trong khi chờ xuống tầu, vì tầu đang giở hàng. Cha bị nhốt trong nhà một người Nhật có lính gác. Ông là người có đạo tên thánh là Phan-xi-cô. Đêm về chờ lính canh ngủ, ông mở cửa sổ cho cha trèo sang nhà bên cạnh, cũng là một người có đạo. Giáo dân từ các nơi tập họp về. Suốt đêm cha gặp gỡ, giảng giải, giải tội, mãi đến 2,3 giờ sáng cha mới trèo trở lại. Cứ thế suốt 22 ngày bị giam ở Hội An, cha rửa tội được 92 người.

Hôm nay là lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa. Chúa Giê-su có tội gì đâu mà phải để cho thánh Gio-an làm phép rửa. Chính thánh Gio-an cũng nói : “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa” (Mt 3,14).

Lễ giáng sinh, Chúa tỏ mình cho các người chăn chiên biết Người là Thiên Chúa

Khi dâng mình trong Đền thờ, Chúa tỏ mình cho ông Si-mê-ôn và bà An-na.

Lễ Hiển Linh, Chúa tỏ mình cho các nhà chiêm tinh, dân ngoại.

Hôm nay lễ Chúa chịu phép rửa, khởi đầu cuộc đời công khai. Trong lễ này, Thiên Chúa Ngôi Cha và Thiên Chúa Ngôi Ba tỏ hiện làm chứng cho Chúa Con.

Trời mở ra. Khi con người phạm tội, trời đóng lại. Trời và đất xa cách nhau. Với Chúa Giêsu, trời cao đất thấp gặp nhau. Con người được gặp lại Thiên Chúa.

Chúa Cha nói với Chúa Con : “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Lc 3,22b). Lời Ngôi Cha nói với Ngôi Con là lời ngôn sứ I-sai-a nói về cái chết của “người tôi tớ”. Vậy Ngôi Cha đã báo trước cái chết của Ngôi con, vì tội lỗi nhân loại.

Với hình dáng chim bồ câu, Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba đến với Chúa Con.

* Trong cuộc sáng thế, Thánh Thần như chim bồ câu, bay là là trên mặt nước. Chúa Giê-su xuống thế là một cuộc sáng tạo mới.

* Bồ câu xuất hiện trong cơn lụt thời ông Nô-ê. Bồ câu ngậm cành ô-liu trở về báo tin nước đã rút. Chúa Giê-su xuống thế để xóa bỏ tội trần gian.

* Bồ câu xuất hiện trong sách Diễm Ca. Người con gái gọi người con trai là bồ câu. Bồ câu tượng trưng giáo ước hôn nhân giữa hai người nam nữ. Chúa Giê-su xuống thế tái lập giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại

* Khi đi rao giảng Chúa Giê-su khuyên dạy : “Anh em phải khôn như con rắn, và đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10,16). Chúa Giê-su, tuy là Thiên Chúa, nhưng là người hiền lành, đơn sơ như chim câu.

Chúa Giêsu chỉ chịu phép rửa của thánh Gioan; còn chúng ta được chịu phép rửa của Chúa Giêsu. Phép rửa của Chúa Giêsu cao trọng hơn phép rửa của thánh Gioan. Phép rửa của thánh Gioan bày tỏ lòng sám hối. Phép rửa của Chúa Giêsu tha tội, làm chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa.

        Chúng ta có hãnh diện là con cái Chúa, là người Công giáo không ? Tổ tiên cha ông chúng ta thời cha Đắc Lộ đã khát khao được rửa tội, đã hãnh diện là con cái Chúa.

——————————

LỄ PHÉP RỬA

2003

 

Hôm nay mừng Chúa Giêsu chịu phép rửa Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha đã tôn vinh Người. Người chính là Con Thiên Chúa. Biến cố phép rửa cũng là một cuộc biến hình, như lễ Chúa Hiển Linh. Giáo Hội Đông phương đã cử hành biến cố Chúa chịu phép rửa, Tiệc cưới Cana, và Các Nhà Chiêm Tinh đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu vào cùng một ngày 6-1, với ý nghĩa là cuộc hiển linh của Chúa. Để hiểu ý nghĩa Chúa chịu phép rửa, chúng ta đi vào bài đọc thánh lễ hôm nay.

Bđ1 : Bđ1 là lời ngôn sứ I-sai-a nói với người Do Thái đang bị lưu đày ở Babylon vào quãng năm 545-540 trước CGS. Những người Miền Bắc bị lưu đày từ năm 721 tCGS, con Miền Nam vào năm 587 tCGS.

Họ vừa đau khổ, vừa mất niềm tin vào Thiên Chúa. Họ nghĩ  Thiên Chúa đã bỏ họ, đã để mặc quân thù ra sức hành hạ họ.

Không phải thế. Họ vẫn là dân của Người, Người vẫn là Chúa của họ. Kiếp sống phục dịch làm tôi là hậu quả của tội lỗi họ phạm. Nay Chúa tha thứ. Chúa bảo ngôn sứ Isaia hãy cất tiếng nói với họ : “Hãy hô lên cho Thành ; thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Thiên Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm” (Is 40,2).

Thiên Chúa đem họ ra khỏi nơi tù đày và đưa về quê hương xứ sở. Thiên Chúa làm một cuộc xuất hành mới. Cuộc xuất hành này còn hơn cuộc xuất hành ngày xưa ra khỏi Ai Cập dưới sự lãnh đạo của ông Mô-sê.

Thiên Chúa dọn đàng cho dân Chúa đi : “Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40,4).

Thiên Chúa săn sóc họ như mục tử với đàn chiên : “Chúa chăn giữ đàn chiên của Chúa, tập trung cả đàn dưới cánh tay. Lũ chiên con Người ấp ủ vào lòng; bầy chiên mẹ cũng tận tình săn sóc” (Is 44,11).

Đó là cuộc tỏ hiện của Thiên Chúa : “Bấy giờ vinh quang của Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cũng được thấy” (Is 40,5).

Ngôn sứ Isaia còn viết : “Cất tiếng lên đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giuđa rằng : Kìa Thiên Chúa các ngươi ! kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng” (Is 40,9-10).

BTM : BTM thánh lễ hôm nay đúng là cuộc hiển linh của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

Theo hai sách Tin Mừng Mátthêu và Máccô, thánh Gioan chưa bị bắt giam. Chính thánh Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu. Sách Tin Mừng thánh Máccô kể : “Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan” (Mc 1,9).

Sách Tin Mừng của thánh Luca kể việc Chúa Giêsu chịu phép rửa khi thánh Gioan đã bị vua Hêrôđê bắt giam trong tù. Thánh Luca kể : “Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giêsu chịu phép rửa” (Lc 3,21).

Vậy ai làm phép rửa cho Chúa Giêsu ? Một tác giả Kinh Thánh viết : “Thánh Luca chủ ý nhấn mạnh rằng chính Chúa Thánh Thần làm phép rửa cho Chúa Giêsu, chứ không phải thánh Gioan… Trong bất cứ trường hợp nào, thánh Luca cũng muốn chú tâm đến cái mà ông coi là ý nghĩa đích thực của biến cố. Đó là phép rửa của Chúa Thánh Thần” (The International Bible Commentary, p.1378).

Với Chúa Giêsu, phép rửa bằng nước trở thành phép rửa bằng Thánh Thần. Mẹ Maria đã mang thai Chúa Giêsu bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã sinh ra Chúa Giêsu.

Nhưng tất cả đều im lặng âm thầm. Hôm nay trong ngày phép rửa, ngày Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa Thánh Thần đã xuất hiện rõ ràng. Chúa Thánh Thần nâng đỡ cuộc đời Chúa Giêsu.

Trong ngày lễ Hiện xuống trên các tông đồ, Chúa Thánh Thần hiện xuống bằng “lưỡi lửa đậu trên đầu” (Cv 2,3). Với Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần hiện xuống bằng hình “chim bồ câu” (Lc 3,22). Chim bồ câu trong công trình sáng tạo vũ trụ (St 1,1). Chim bồ câu trong lụt đại hồng thủy báo hiệu nước đã cạn, báo hiệu một thế giới mới (St 8,8). Chim bồ câu trong sách Diễm Ca là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa (Dc 2,4; 5,2). Với Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình chim bồ câu, Chúa Giêsu là tình yêu của Thiên Chúa ở giữa nhân loại tội lỗi; và qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đưa nhân loại bước sang một nhân loại mới, Thiên Chúa làm một cuộc sáng tạo mới.

Trong phép rửa, chẳng những có Chúa Thánh Thần xuất hiện, mà có cả Chúa Cha xuất hiện. Trong phép rửa có Ba Ngôi Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các tông đồ trước khi về trời : “Anh em hãy làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,20).

Trong Tin Mừng thánh Mátthêu, Chúa Cha nói gián tiếp với Chúa Con, ở ngôi thứ ba  : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Nơi Tin Mừng Mt, Chúa Cha giới thiệu Chúa Giêsu với dân chúng có mặt. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Cha trực tiếp nói với Chúa Giêsu, ở ngôi thứ hai, là con của mình, một người con yêu dấu, bởi vì Chúa Giêsu không những khiêm nhường xuống thế làm người, mà còn sẵn sàng vác thánh giá và chịu chết.

Câu “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” âm vang lời Thánh vịnh 2, thánh vịnh tả ngày Thiên Chúa đặt vua lên ngôi : “Tân vương lên tiếng; tôi xin đọc sắc phong của Chúa, Người phán bảo rằng : Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (tv 2,7). Câu đó còn âm vang lời ngôn sứ Isaia trong bài ca I về Người Tôi Tớ Đau Khổ : “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quí mến hết lòng” (Is 42,1). Hôm nay, với phép rửa, Chúa Cha đặt Chúa Giêsu làm vua, nhưng là một ông vua chịu đau khổ như “người tôi trung”.

Phép rửa là biến cố Chúa Giêsu tỏ mình cho nhân loại. Người không chỉ đến thế gian để cứu người Do Thái, mà cứu cả nhân loại. Thánh Luca đã dùng từ “toàn dân” để ám chỉ cả nhân loại .

Phép rửa là biến cố Chúa Giêsu tỏ mình là Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu nhân loại đến ở với nhân loại. Các Giáo Hội Đông phương đã nhận ra ý nghĩa hiển linh trong biên cố Chúa Giêsu chịu phép rửa. Họ mừng lễ Hiển Linh vào ngày 6-1, để kỷ niệm cả ba biến cố : các nhà Chiêm Tinh đến bái thờ, Chúa Giêsu chịu phép rửa, và tiệc cưới Cana.

Năm nay Gáo Hội Việt Nam mừng 470 năm Tin Mừng được gieo vãi trên đất Việt (1533-2003). Trong cuốn Khâm Định Việt Sử viết thời vua Tự Đức có kể : “Năm Nguyên Hòa thứ nhất đời Lê Trang Tông có người tây dương tên là Inêxu lẻn đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh, huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy truyền bá tả đạo Da Tô“.

Năm nay chúng ta có dịp kể lại những chặng đường lịch sử của Giáo Hội Việt Nam.

Ngày 19-3-1627 thuyền cha Đắc Lộ và cha Marquez cập bến Cửa Bạng, Thanh Hóa. Dân chúng tò mò đến xem rất đông. Cha Đắc Lộ đã ở Hội An từ năm 1624, cha nói sõi tiếng Việt. Cha lên tiếng nói với dân chúng : “Đây là tầu của người Bồ Đào Nha, những người nổi tiếng ở Á đông về những vũ khí có giá trị và những hàng hóa quí báu, trước đây vẫn đem bán ở quí quốc, và lần này họ muốn đem đến cho dân xứ này một Viên Ngọc Quí, làm cho những ai mua nó sẽ trở nên giầu có và hạnh phúc. Giá cả của viên ngọc đó không quá cao, những người nghèo cũng có thể mua được nếu họ muốn“.

Sau đó cha Đắc Lộ cho biết Viên Ngọc Quí là Tin Mừng của Chúa. Và cha đã rửa tội được 32 người. Cha kể trong cuốn “Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài” như sau : “Nếu chúng tôi ở lại đây lâu hơn thì sẽ còn bắt được nhiều mẻ cá lớn hơn nữa, bời vì dân chúng kéo đến rất đông từ các vùng lân cận, phải đi bộ nhiều dặm…

Cám ơn Chúa đã cho cha ông chúng ta biết đón nhận “Viên Ngọc Quí”, để hôm nay chúng ta được chịu phép rửa, để cũng được “Viên Ngọc Quí”.

Linh mục Nguyễn Trung Thành