Chúa Nhật XX Năm C
PHẢI CHI NGỌN LỬA GIÊ-SU BÙNG LÊN
Tuần 20 Thường Niên (Hội An 14/8/2022)
“Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao phải chi lửa ấy bùng lên” (Lc 12,49). Đó là khát vọng sâu xa trong trái tim Chúa Giê-su được Ngài tỏ bày với các môn đệ và Hội Thánh. Vậy, lửa Chúa Giê-su đem đến và ao ước bùng cháy lên là thứ lửa gì? Phải chăng là lửa từ trời xuống thiêu hủy thành Sôđôma, hay thứ lửa hủy diệt mà Giacôbê và Gioan xin dùng để đốt cháy làng Samaria? – Chắc chắn không, vì Chúa đã quay lại quở trách ý tưởng quái gở đó của các ông. Phải chăng là thứ lửa hoành hành đốt trụi những cánh rừng, nhà cửa, hay thứ lửa đang gây cơn hỏa hoạn tệ hại tại Cuba khiến đất nước này phải cầu cứu quốc tế? – Chẳng phải thứ lửa ấy. Vì lửa Chúa Giê-su mang đến cho thế giới là thứ lửa bên trong, chứ không bên ngoài và người thuộc về Thiên Chúa phải là người có thứ lửa bên trong ấy.
1. Chúa Giê-su đem lửa xuống
Thánh Kinh cho biết, “Thiên Chúa chúng ta là ngọn lửa thiêu” (Dt 12,29). Ba lần Thánh Kinh công bố như thế (Đnl 4,24; 9,3; Dt 12,29). Chúa Cha như ngọn đuốc cháy rực trong biến cố giao ước với Abraham (St 15), như đám lửa cháy giữa bụi gai tỏ mình cho Mô-sê, như cột lửa hướng dẫn hành trình sa mạc của dân Israel. Chúa Cha là ngọn lửa tình yêu rực cháy, đến nỗi sẵn sàng ban Con Một để cứu độ thế gian. Chúa Thánh Thần là ngọn lửa tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con ban cho thế gian. Khi ngự xuống trên Hội Thánh, Chúa Thánh Thần xuất hiện như hình lưỡi lửa và ở mãi trong Hội Thánh cho đến ngày tận thế. Chúa Giê-su là Đấng đem lửa xuống thế gian và đổ tràn lửa trên những ai đón nhận. Ngài là Đấng thánh Gioan Tẩy Giả báo trước sẽ làm phép rửa cho mọi người trong Thánh Thần và lửa (Mt 3,11). Thánh Thần là Thánh Thần của Chúa Cha và của Chúa Giê-su; lửa bên trong Chúa Giê-su được hiểu là lòng nhiệt thành với Chúa Cha khiến Chúa Giê-su vui nhận thánh ý Chúa Cha, xuống thế làm người và chịu chết trên thánh giá. “Lòng nhiệt thành nhà Chúa làm hao tổn thân tôi” (Ga 2,17). Lửa Chúa Giê-su mang đến là lửa từ Ba Ngôi Thiên Chúa và được Chúa Giê-su ban cho tín hữu trong bí tích Rửa Tội, qua hy tế thập giá và phục sinh của Ngài.
Chúa Giê-su đã đem lửa xuống thế gian. Lửa bên trong ấy đã bùng lên làm nóng lòng của các môn đệ đang ủ rũ, sợ hãi khép kín trong nhà như đang tự giam hãm mình trong mộ đá lạnh. Ngọn lửa ấy đã biến đổi và làm sống lại hồn tông đồ của các môn đệ, họ mạnh dạn mở cửa ra đi loan báo Tin Mừng, chấp nhận mọi nghịch cảnh vì Tin Mừng. Ngọn lửa thiêng bên trong này từng “âm ỉ trong xương cốt” của ngôn sứ Giêrêmia trong thời Cựu ước, (Gr 20,9), từng làm lòng hai môn đệ Emmaus “bừng bừng cháy” trong thời Tân Ước, từng tỏa lan sức nóng đức tin và đức ái của các thánh tử đạo cùng biết bao linh mục, tu sĩ và giáo dân đã trả giá bằng mạng sống và gian khổ cho Tin Mừng được loan báo. Ngọn lửa Chúa Giê-su mang đến ẩn sâu trong lòng các tín hữu cách kỳ diệu, làm dậy lên niềm khát khao sự sống đích thực và làm rực nóng lòng nhiệt thành truyền giáo nơi tín hữu. Nếu thế giới không lãnh nhận ngọn lửa này của Chúa Giê-su, thế giới sẽ trở nên lạnh lùng, độc ác, trụy lạc, đánh mất những giá trị cao đẹp. Nếu Hội Thánh không để ngọn lửa thiêng này cháy trong lòng Hội Thánh, thì Hội Thánh sẽ trở thành Hội Thánh nguội lạnh, không có khả năng trao ban sự sống Thiên Chúa và trở nên bộ xương khô, bất động từng được ngôn sứ Ezekiel nói đến. Vì thế, Chúa Giê-su “mong muốn biết bao phải chi lửa ấy bùng lên.”
2. Chúa Giê-su ước mong lửa ấy bùng lên
Rất cần những giây phút hồi tâm và tự hỏi: tâm hồn tôi đang thế nào? Lạnh lùng ư? Có khả năng nhận ngọn lửa Chúa ban cho không? Gia đình, giáo xứ và giáo phận tôi đang trong tình trạng rực nóng lòng truyền giáo hay đang nguội lạnh? Như chiếc xe có động cơ di chuyển được là nhờ được tiếp lửa, đánh lửa, Ki-tô hữu hăng say là nhờ được “đánh lửa” của Chúa Giê-su. Đáng buồn là nhiều tín hữu không biết ngọn lửa thiêng này, dù họ đã lãnh bí tích Rửa Tội! Nhiều gia đình, giáo xứ, giáo phận tê liệt về đời sống đức tin và truyền giáo, vì họ để ngọn lửa Giê-su leo lét chực tắt trong lòng họ. Họ vẫn thực hành những luật đạo, nhưng ngại ngùng dấn thân phục hồi lòng mến Chúa trong gia đình, thoái thác nỗ lực tìm phương thế truyền giáo trong giáo xứ, giáo phận.
Tuy nhiên, nếu vui lòng đón nhận ngọn lửa Chúa Giê-su mang đến, chúng ta phải chấp nhận ngọn lửa đốt cháy và biến đổi ta nên một với Chúa Giê-su. Trong tác phẩm “Đêm Tối Tâm Hồn,” thánh Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh ngọn lửa và thanh gỗ qua ba giai đoạn để diễn tả sự biến đổi trong đời Ki-tô hữu: trước hết, lửa tác động vào thanh gỗ, đẩy nước ra ngoài, làm khô gỗ, thật dễ chịu. Tiếp đến, lửa làm cho thanh gỗ cháy đen, khó coi, thậm chí có mùi hôi và thanh gỗ réo lên. Cuối cùng, lửa đốt cháy thanh gỗ, biến đổi thanh gỗ thành lửa và lửa là thanh gỗ. Tương tự trong đời người mang lửa Giê-su. Sẽ có niềm vui lớn lao khi chúng ta bắt đầu để tình yêu Chúa chiếm lấy. Tôi vui, gia đình và giáo xứ vui khi bắt đầu lại việc đọc kinh trong gia đình, khi xông pha đảm trách công việc truyền giáo trong giáo xứ; lửa làm thanh gỗ ấm áp. Rồi chúng ta sẽ phải chạm trán với những chống đối, bàn lui, chực chờ phê phán; lửa làm thanh gỗ đen đũi, réo tiếng đau thương. Nhưng, đó là giai đoạn kết hợp với ngọn lửa Giê-su sâu xa hơn. Trọn vẹn hơn, khi chúng ta vui lòng như các thánh tử đạo và các vị thánh trong đời thường, cứ thực hành những việc làm vui lòng Chúa, cứ để cho Chúa chiếm lấy tâm hồn và cuộc đời ta, miễn sao ta thuộc về Chúa và Đức Ki-tô được rao giảng; lửa Giê-su đã biến đổi chúng ta nên một với Chúa rồi đó.
Xin Chúa cho chúng con quý chuộng ngọn lửa thần linh Chúa đã đem xuống trần gian và ban cho chúng con trong bí tích Rửa Tội. Xin cho chúng con đón nhận và làm cho ngọn lửa Giê-su cháy bùng lên trong đời chúng con như lòng Chúa mong ước.
Lm Giuse Nguyễn Văn Thú
CN 20 TN NĂM C
14-8-2022
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Lệ Sơn
Giáo họ Cẩm Sơn
GIÁO HUẤN 38
MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Các hoạt động chính yếu (tt)
Mặt khác, mọi chương trình mục vụ giới trẻ cần phải hội nhập cách rõ rệt những phương tiện và những nguồn lực khác nhau có thể giúp người trẻ lớn lên trong tình huynh đệ, sống như anh chị em với nhau, trợ giúp nhau, xây dựng cộng đoàn, sẵn sàng phục vụ người khác, gần gũi với người nghèo. Nếu tình huynh đệ là ‘đaiều răn mới’ (Ga 13,34), là sự chu toàn Lề Luật (Rm 13,100 và là cách tuyện hảo để chúng ta diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa, thì nó phải chiếm chỗ thứ nhất trong mọi dự án huấn luyện giới trẻ và mọi tiến trình trưởng thành (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 215).
CN 20 TN NĂM C
Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4;Lc 12,49-53
Thứ hai Đức Mẹ Hồn Xác Lên trời
Đức Mẹ La Vang
Quân Trịnh làm chủ đất Huế 11 năm (1775-1786). Tháng 6-1786 quân Tây Sơn vượt đèo Hải Vân chiếm Phú Xuân. Tiếp đến quân Tây Sơn kéo thẳng ra Bắc tiêu diệt nhà Trịnh. Sau 3 tháng nhà Tây Sơn trở lại Phú Xuân. Cuối năm 1788 được tin nhà Thanh kéo sang, ngày 25-11 năm Mậu Thân (22-12-2788) Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy hiệu Quang Trung đem quân ra Bắc chống nhà Thanh, đại thắng. Đầu năm 1789 vua Quang Trung giao xứ Bắc cho cận thần, rồi trở về Huế.
Vua Quang Trung bị bệnh mất vào cuối tháng 9-1792. Con là Nguyễn Quang Toản mới 13 tuổi lên ngôi lấy hiệu Cảnh Thịnh. Bùi Đắc Tuyên là thái sư. Tuyên bị các quan đối lập thủ tiêu tại Huế năm 1795.
Vua Cảnh Thịnh bắt được 1 lá thư của Nguyễn Ánh gửi cho Đức cha Jean Labartette, nên ngày 7-8-1798 vua cho 4 cơ binh, mỗi cơ 50 quân, bất thần lục soát các họ đạo gần Kinh Đô tìm Đức cha. Cuộc bắt đạo gay gắt khiến bổn đạo của các xứ đạo chạy vào rừng La Vang ẩn nấp. Họ tập trung dưới cây đa đọc kinh lần chuỗi. Bỗng một Bà đẹp bồng Chúa Giêsu hiện ra an ủi và dạy hái lá cây chữa bệnh.
Qua câu chuyện La Vang, Đức Mẹ đã đem lại ‘niềm vui’; cho giáo dân. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay Chúa Giê-su đem ‘lửa’ làm ấm lòng các tín hữu.
Bài đọc 1 (Gr 38,4-6.8-10): Bđ1 đọc sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Giê-rê-mi-a được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ năm 22 tuổi. Giê-rê-mi-a có nghĩa là ‘Đức Chúa nâng lên’. Năm 588 tCN đế quốc Babylon bao vây Giê-ru-sa-lem. Vua chúa tìm sự trợ giúp của Ai-cập. Ngôn sứ ngăn cản. Vua chúa và dân chúng chống đối, như bđ1 viết : ‘Các thủ lãnh thưa với vua Xít-ki-gia-hu : xin ngài cho giết Giê-rê-mi-a đi! Vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này…Con người này chẳng mưu hòa bình cho dân này, mà chỉ gây tai họa’ (Gr 38,4). Họ thả ngôn sứ xuông hầm bùn. Một người Cút, dân ngoại, đã cứu, kéo ngôn sứ lên.
Bài Tin Mừng (Lc 12,49-53): Cha Vũ Phan Long viết về BTM như sau: ‘Những lới Chúa Giê-su nói trong doạn Tin Mừng trên đây cho chúng ta thấy nguyện ước sâu xa của Đức Giê-su. Sứ mạng của Đức Giê-su nhắm đạt được cuộc gặp gỡ cao độ ‘nóng cháy’ với loài người. Trái tim của Người khao khát hoàn tất hành trình mà Thiên Chúa đã qui định cho Người. Mục tiêu của Người nhắm không phải là một sự hài hòa bên ngoài, nhưng là một việc lấy lập trường rõ ràng kể từ khi gặp gỡ cao độ với Người (Các bài Tin Mừng Lu-ca, trang 251).
Bài đọc 2 (Dt 12,1-4) : Cha Sullivan viết về bđ2 như sau : ‘ Đoạn 11 của lá thư, tác giả kể một danh sách dài các tổ phụ Cựu Ước tỏ bày lòng tin vào Thiên Chúa. Từ ông A-ben đến thế kỷ 1 trước Chúa Ki-tô, các vị chịu đau khổ, đôi khi phải chết vì tin và phó thác vào Thiên Chúa. Tác giả nay khuyến khích các Ki-tô hữu trung thành với ơn gọi, nhất là noi gương Chúa Ki-tô (The Sundays Reading, 305). Tác giả thư Do Thái viết: ‘Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa’ (Dt 12,1-2).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng
cho những người mến Chúa
xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con
giúp chúng con một niềm mến Chúa
trong mọi sự và hơn mọi loài
hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa
là gia nghiệp cao quí
hơn những gì lòng người dám ước mong.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.
Lm Giuse Nguyễn Trung Thành