Chúa Nhật 2 Phục Sinh – Năm B


CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH B

KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

11-4-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Ngãi

GIÁO HUẤN SỐ 20

MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆT VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ

Đức Kitô cứu độ các con (tt)

Hãy dán mắt vào đôi tay giang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy cho phép mình được cứu hết lần này đến lần khác, mãi mãi. Và các con đi xưng thú tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn có sức giải thoát các con khỏi ách tội lỗi. Hãy chiêm ngắm máu Người chảy ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy cho phép mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Bằng cách này các con có thể được tái sinh không ngừng và luôn luôn mới mẻ (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 123).

———–

CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH

(Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20,19-31)

Hai câu đầu của bài hát “Đà Nẵng Linh Thiêng” là :

Ta đi trên giải đất linh thiêng

Ta bơi trong giòng máu anh hùng.

Đọc lịch sử Giáo hội Việt Nam những ngày đầu: Đà Nẵng, Hội An, Thanh Chiêm, Trà Kiệu … quả là đất thiêng; Thầy Anrê-Phú Yên, ông Anrê già, bà Gioanna, công chúa Ngọc Liên, cha Louis Đoan, ông Raphael Rhodes… quả là anh hùng.

Hôm nay chúng ta đọc cuộc đời ông Raphael Rhodes, quê Cây Trâm, Tam Kỳ. Cha Nguyễn Trường Thăng viết về ông như sau :

Trong tác phẩm “Hành trình và truyền giáo”, linh mục Rhodes ghi lại: Người giúp tôi một cách kỳ diệu là một em bé bản địa. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng Latin và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thầy và nơi Vương quốc Lào láng giềng… Đối với tôi cậu có nhiều ưu ái nên đã lấy tên tôi làm tên của cậu.

Rất tiếc chúng ta không biết họ tên của em, chỉ biết tên là Raphael Rhodes. Sau chuyến truyền giáo không thành công ở Lào, chúng ta thấy chàng trai này tại Thăng Long và Phố Hiến, nhờ biết nhiều ngôn ngữ Âu Châu, Raphael Rhodes trở thành thương gia giàu có, vợ là Pia, Cả hai là trợ thủ đắc lực cho Giáo hội Đàng Ngoài. Linh mục Joseph Tissanier có ghi nhận: Trong số ân nhân của chúng tôi, chúng tôi cần phải nhắc tới một người gốc Đàng Trong giàu có tên là Raphael Rhodes, xưa kia từng chịu phép Rửa tội với cha De Rhodes ở Đàng Trong, nay vẫn giữ đức hạnh và hoài tưởng đến tên tuổi của vị tông đồ vĩ đại của Chúa. Hiện nay đối với chúng tôi trên miền đất Đông Kinh (Đàng Ngoài) này, Raphael đã thể hiện lòng ưu ái lớn lao qua những ân huệ triền miên…

Nhân dịp “Hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ” sắp đến, xin tưởng nhớ đến chàng trai thông minh làm kinh ngạc một con người vĩ đại như Alexandre de Rhodes: một tân tòng dấn thân vào công việc truyền giáo tại đất Lào “đèo heo hút gió” vào thế kỷ XVII; một thương gia giàu có nhưng đạo đức, biết sử dụng tiền của và khả năng ngoại giao giúp đỡ các giáo sĩ mới chân ướt chân ráo đến miền Bắc, sau năm 1660.

Hoan hô Raphael Rhodes Thanh Chiêm! Mong tại “đất học” Thanh Chiêm hôm nay và trên đất Việt tiếp tục sản sinh những tinh hoa như cậu! (An Ngãi, 8 Tháng Tám 2016 (Raphael Rhodes, mạng Googles)).

Xin tập hợp những gì, cha Đỗ Quang Chính, cha Nguyễn Hồng, cha Bùi Đức Sinh, cha Trương Bá Cần và ông Phạm Đình Khiêm…viết về ông.

“Ngày 30-7-1668, sau hơn 1 tháng trời, thuyền mới tới cửa sông Hồng Hà, lúc đó gọi là sông Cả. Từ đấy thuyền từ từ tiến lên Kinh đô, gọi là Kẻ Chợ; cha Deydier liền báo cho ông Raphaen Rhodes, một người đàn anh có nhiều ảnh hưởng trong giáo đoàn xứ Bắc. Ông người gốc Đàng Trong, ra buôn bán Đàng Ngoài. Cha dòng Tên Tissannier coi ông là một trong những người có công nhất trong việc giúp đỡ các thừa sai đến hoạt động tại xứ Bắc. Được thư cha, ông Raphaen trả lời là giáo dân đang mong đợi một linh mục. Vì thế, cha Deydier được coi như ‘một thiên sứ’ Trời sai đến và chính ông sẽ thân hành xuống đón cha (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, q.2 trang 119).

Cha Bùi Đức Sinh viết : ‘Ông Raphael nhận được thư. Ông mướn tầu của một công ty thương mại Thăng Long đi đón cha’ (Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, q.1, trang 270).

Ông Raphaen đã cho các thầy ở Kẻ Chợ mượn một số chừng 200 hay 300 quan tiền để các thầy mua một thuyền đinh lớn. Các thầy dùng để chuyên chở buôn bán làm kế sinh nhai, đồng thời làm chỗ sống chung với nhau (Nguyễn Hồng, sđd trang 126).

Ngày 24-6-1666 cha Deydier đáp thuyền buôn của người Hoa từ Ayuthia (Thái Lan) đi Đàng Ngoài. Sau khi cạo râu và mang y phục thủy thủ. Ngày 18-8 năm đó thuyền bỏ neo tại Kẻ Chợ. Dù chưa được phép nhà cầm quyền, Deydier đánh bạo lén đi gặp ông Raphael Rhodes ngày 20-8. Từ 3-9, chính quyền cho phép những ngưới trên thuyền lên bờ. Deydier liền đến ở trong nhà Raphael Rhodes, một thương gia giầu có, và bắt đầu ngấm ngầm tiếp xúc với các thầy giảng cùng bổn đạo. Deydier tập họp được 8 thầy giảng,15 kẻ giảng trên chiếc thuyền mới tậu được, để giảng tĩnh tâm từ 11 đến 15-10-1666, cho những người trên khấn lại trước mặt cha ngày 14-10. Lênh đênh trên sông Hồng, chiếc thuyền này là cái nôi cho Deydier huấn luyện các thầy giảng, kẻ giảng, đồng thời tăng cường trách nhiệm của một vị Bản quyền mới trong Giáo phận cũng mói toanh (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, 292) .

Kèm theo bức thư do thầy niên trưởng Mattinô Mật viết là bức thư của ông Raphaen Rhodes, đại diện giáo dân Đàng Ngoài, tỏ bày sự công nhận quyền đại diện Tòa Thánh của Đức cha. Cha chính Deydier sung sướng gửi hai thư đó về cho Đức cha Lambert  de La Motte, báo tin sự thành công của ngài trong việc chịu nhận quyền của các thầy giảng và giáo dân xứ Bắc (NH, sđd, trang 133).

Ngày 30-6-1669 là ngày lễ Mình Thánh cha Gioan Huệ được sung sướng mở tay. Thánh lễ đầu tiên của vị linh mục tiên khởi dâng lên vùng đất quê hương xứ Bắc của ngài, đã phải cử hành một cách hết sức âm thầm, trước lúc rạng đông vào lúc 2 giờ sáng tại nhà ông Raphaen. Lúc ấy gặp phải thời kỳ đầu của cuộc bắt hại mới. Trước đây một tuần, ngày 14-6, vì có tầu buôn của người Bồ Đào Nha ở Áo Môn, mang theo ba cha dòng Tên, nên chúa Trịnh Tạc ra sắc chỉ cấm đạo. Nhà ông Raphaen cũng bị khám xét, nhưng vì đã đề phòng chôn giấu trước, nên không bắt được gì (NH, sđd, 138).

Tuy không thể đi thăm giáo dân được, nhưng họ vẫn có thể tới gặp cha Phanxicô Deydier ở nhà ông Raphaen Rhodes. Họ đã quen thuộc nhà ông, vì dưới thời các cha dòng Tên, nhà ông vẫn được dùng làm nhà thờ. Trong những khi gặp cấm cách, họ đến gặp các cha ở nhà ông. Vì thế, họ kéo nhau đến gặp cha Deydier ở nhà ông Raphaen để lãnh nhận các bí tích, ngày hai chục, ba chục, có ngày bốn chục. Vào tháng 10-1666, cha cũng đến dâng lễ tại nhà bà dì của chúa Trịnh Tạc ở Kẻ Chợ (NH, sđd, 142).

Nhà thờ thánh Giuse do chính người con tinh thần của cha Đắc Lộ là ông Raphaen Đắc Lộ (Raphael Rhodes), một nhân sĩ xứ Bắc thời đó, xây dựng trong khuôn viên nhà mình. Đây chính là tiền thân của nhà thờ chính tòa Giuse ngày nay (Phạm Đình Khiêm, Thánh Giuse Trong Dân Chúa, trang 367).

Bản tường trình về Công giáo ở Đàng Ngoài năm 1660, thừa sai Tissnnier không quên nhắc tên hai ân nhân, đối với vùng truyền giáo này là Paul de Veda, một người Công giáo Nhật Bản và Raphael Rhodes một người Đàng Trong đã được thừa sai Alexandre de Rhodes đem vào đạo và đã lấy tên của vị thừa sai ấy đặt cho mình để tưởng nhớ (Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triên Công Giáo ở Việt Nam, tập I, trang 170).

Thừa sai Deydier đã mượn danh ông Raphael Rhodes, viết thư cho các thầy giảng mời họ ngày 8-9 tới nhà ông Raphael Rhodes để nghe đọc thư của Đức Giám mục Lambert gửi cho họ. Thừa sai Deydier đã cho dịch thư của Đức Giám mục Lambert và bài sai của mình sang tiếng Việt để đọc cho mọi người nghe (TBC, sđd, 375).

Thừa sai Deydier tới Đàng Ngoài, như một thương nhân, chứ không phải như một nhà truyền giáo. Vì thế mà trong những tháng đầu, hoạt động của ông rất hạn chế: ông chỉ tiếp xúc với các giáo hữu đến lãnh nhận các bí tích trong nhà ông Raphael Rhodes hay trong chiếc thuyền của các thầy giảng trẻ. Từ đầu năm 1667 ông mới đi ra ngoài (TBC, sđd, 376).

Vào đầu năm 1680, ở Đàng Ngoài có tất cả 11 linh mục ngưới Việt. Ngày 6-8-1683, tại nhà nguyện thánh Giuse trong nhà ông Raphael Rhodes ở Hà Nội, Đức Giám mục Bourges đã truyền chức cho 4 linh mục là Tađê Lý Thành, Felix Tân, Đôminicô Quảng và Mêkiô (Michel) Liêu (TBC, sđd, 393).

Như đã định trước, là ngày lễ Ba Vua, tức lễ Hiển Linh, mồng 6-1-1669, cha Gioan Huệ dâng lễ mở tay. Nhưng vì có đám tang bà Pia, vợ ông Raphaen Rhodes, đưa xác về quê ở Thanh Hóa để chôn cất… cha Deydier sai cha Gioan Huệ đi đưa xác và nhân thể ‘làm phúc’ cho họ (NH,sđd,137).

Ông Raphael Rhodes, một cựu thầy giảng, biết tiếng Bồ Đào Nha, Hà Lan, một thương gia giầu có, tận tình giúp đỡ các cha và giáo đoàn. Không rõ tên Việt Nam của ông là gì. Có thể là Trang ? Sinh quán tại Kẻ Trâm (Ketlam) tức Cây Trâm, phía nam Hội An. Hồi Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong lần thứ nhất, tháng 12-1624, thường ở Thanh Chiêm để học tiếng Việt với cha Francisco de Pina và thực tập với một em bé lúc đó khoảng 13 tuổi. Cậu bé rất thông minh, chỉ sau 3 tuần đã giúp lễ được (phải thưa lễ bằng La ngữ). Chính Rhodes đã rửa tội cho cậu. Vì yêu kính cha Rhodes, nên cậu mang tên Raphael Rhodes. Lớn lên Raphael xin gia nhập Tu hội Thầy giảng Đàng Trong. Năm 1642 thầy theo cha Leira đi Lào quốc truyền giáo. Bỏ xứ Lào, về ở Thăng Long. Không rõ xuất tu năm nào, chi biết Raphael kết hôn với bà góa Pia (không biết tên Việt), làm thông dịch viên thường xuyên cho các thương gia Hà Lan và BĐN ở Kẻ Chợ và Phố Hiến. Raphael sọan hai tập thơ ca về thánh Giuseông Tôbia (không rõ bằng chữ nôm hay quốc ngữ ABC). Năm 1676 ông bị nhà cầm quyền bắt giam một tháng rưỡi vì Đạo. Raphael qua đời ngày 29-6-1687 tại Thăng Long (sau khi liệt giường 7 năm) trước sự hiện diện của Đức Giám mục Jacques de Bourges (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, trang 193).

Cuộc đời bác ái yêu thương của ông Raphael là hình ảnh ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót hôm nay.

Bài đọc 1 : Cha Hồ Thông viết về bđ1 như sau : “Công đoàn Giê-ru-sa-lem chắc chắn là một tập thể hỗn hợp : những người Kitô hữu gốc Do Thái Palestine và những người Kitô hữu Do Thái hải ngoại (Cv 2,9) sống cùng nhau tại Thành Thánh và các vùng lân cận, họ thuộc đủ tầng lớp giầu cũng như nghèo, dân chúng cũng như tư tế (Cv 6,7), không phân biệt nam hay nữ (Cv 5,14).

 Bất chấp nhũng nguồn gốc và tầng lớp khác nhau này, họ đồng một lòng một ý với nhau : một niềm tin duy nhất gắn bó họ lại với nhau, niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh trong vinh quang : “Các tín hữu bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự là của chung “ (Cv, 4,32).

Bài Tin Mừng : Cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM hôm nay như sau : “Trong nhóm Mười Hai, Gio-an cho chúng ta thấy ba nhân vật rất đặc biệt : Giu-đa bán Thầy, Phê-rô chối Thầy và Tô-ma cứng lòng tin. Nhưng Chúa rất khoan dung với ‘kẻ cứng lòng tin’ này để giữ đúng lời Chúa đã thưa với Chúa Cha ; ‘Con đã canh giữ và không để một ai trong họ phải hư mất’ (17,12). Không biết tại sao ông không có mặt tối hôm ấy. Nhưng khi ông về thì các ông khác nói như bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã nói với các môn đệ: ’Chúng tôi đã được thấy Chúa’. Nhưng ông Tô-ma tỏ ra là người có bản lĩnh, chỉ tin vào mắt mình và tay mình thôi. Ông đòi phải đích thân ông ’thấy tận mắt, bắt tận tay’ mới tin lời các ông kia nói. Ông đang thách đố ai? Không phải thách đố các ông kia. Ông thách đố Chúa đấy: Anh em nói thế đấy, nhưng Chúa có đến cho con thấy và con thọc ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay con vào cạnh sườn bị đâm thủng thì con mới tin… Chúa không bỏ Tô-ma. Chúa đi tìm từng con chiên lạc” (Tĩnh Tâm Tin Mừng Gio-an II, trang 184-185).

Bài đọc 2 : Ngay câu đầu của bđ2, thư thứ nhất của thánh Gioan, khuyên chúng ta theo gương Thiên Chúa yêu thương nhau : “Ai yêu mến Đấng sinh thành thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra” (1Ga 5,1).

Nhờ thánh Giuse bầu cử, xin Đức Mẹ Trà Kiệu và Chân phước Anrê giúp chúng ta theo gương ông Raphaen Rhodes biết yêu thương và giúp đỡ nhau.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành