Chúa Nhật 2 Phục Sinh
CN.2.PS.A
(Cv 2,42-47; 1Pr 1,3-9; Ga 20,19-31)
Năm nào, Chúa nhật II Phục sinh, Giáo hội cũng cho chúng ta đọc câu chuyện cứng lòng tin của thánh Tôma. Câu chuyện cho thấy đức tin chẳng những khó chấp nhận, mà còn bị thử thách.
Có một giai thoại về thánh Tôma như sau : Sau khi lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, các môn đệ mỗi người bắt thăm đi truyền giáo một nơi. Thánh Tôma bắt phải thăm đi Ấn Độ. Thánh Tôma khăng khăng từ chối : “Tôi là người Do Thái, làm sao tôi đến ở và giảng chân lý cho người Ấn Độ được?”
Đêm về Chúa Giêsu hiện ra bảo : “Tôma, con đừng sợ, con cứ đi và giảng lời Thầy cho họ, vì ơn Thầy ở với con.”
Nhưng thánh Tôma vẫn ngang bướng thưa : “Chúa sai con đi đâu con cũng đi, nhưng đi Ấn Độ nhất định con không đi.”
Rồi xảy ra một sự việc. Có một thương gia tên là Abbanes từ Ấn Độ đến Giêrusalem. Ông được vua Ấn Độ là Gunđaphorus sai đi tìm một người thợ mộc khéo tay. Chúa Giêsu tiến về phía ông Abbanes đang đứng giữa chợ.
Chúa Giêsu hỏi ông : “Có phải ông muốn mua một người thợ mộc không ?”
Ông Abbanes đáp : “Thưa, đúng thế !”
Chúa Giêsu nói : “Tôi có một người nô lệ làm thợ mộc, tôi muốn bán nó đi.” Chúa lấy tay chỉ về phía thánh Tôma đang đứng đàng xa.
Sau khi đã thỏa thuận giá cả, Chúa viết giấy bán. Giấy bán viết như sau : “Tôi là Giêsu, con ông thợ mộc Giuse, bằng lòng bán tên nô lệ Tôma của tôi cho ông thương gia Abbanes của vua Ấn Độ.” Rồi Chúa Giêsu đi, đem thánh Tôma tới cho ông Abbanes.
Ông Abbanes chỉ tay vào Chúa Giêsu và hỏi thánh Tôma : “Người này có phải là chủ của anh không ?”
Thánh Tôma đáp : “Đúng, Ngài là ông chủ của tôi.”
Ông Abbanes nói : “Ông đã bán anh cho tôi rồi.”
Thánh Tôma không nói một lời. Sáng hôm sau, thánh Tôma thức dậy thật sớm để cầu nguyện. Cầu nguyện xong, thánh Tôma đến nói với Chúa Giêsu : “Con sẽ đi bất cứ nơi đâu Chúa muốn. Con hoàn toàn vâng theo ý Chúa.” Trước kia thánh Tôma chậm tin, khó bảo bao nhiêu, thì nay Ngài mau mắn và sẵn sàng bấy nhiêu.
Đến Ấn Độ, vua ra lệnh cho thánh Tôma xây cho vua một cung điện. Vua tín nhiệm giao tiền bạc cho thánh Tôma. Song, thay vì mua vật liệu và thuê thợ làm, thánh Tôma đem tiền cho người nghèo. Mỗi khi vua hỏi cung điện xây đến đâu rồi, thánh Tôma đều trả lời sắp hòan thành. Cuối cùng, vua hồ nghi và đòi đi xem. Thánh Tôma thưa : “Bây giờ Ngài chưa thể trông thấy cung điện của Ngài, nhưng khi Ngài qua đời Ngài sẽ trông thấy.”
Nghe thánh Tôma nói, vua giận dữ, và tính mạng của thánh Tôma bị vua đe dọa. Nhưng rồi thánh Tôma đã làm cho vua theo đạo thánh Chúa và nước Ấn Độ của vua đã đón nhận Tin Mừng.
Trong tập sách “Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam”, cha Bùi Đức Sinh viết : “Truyền thuyết còn muốn thánh Tôma tông đồ đi xa hơn nữa, nghĩa là đặt chân lên đất Việt. Nếu không phải chính thánh nhân thì ít là một môn đệ trực tiếp của người, đã theo tầu buôn của những nước lân cận đến truyền giáo cho dân Việt, khi ấy đang là thời nội thuộc Trung Quốc, cả đất nước chia làm 3 quận : Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Người ta còn nói đến truyện Thái thú Sĩ Nhiếp (187-226) là một trong những Kitô hữu đầu tiên, có xây đền thờ Chúa trời đất trong dinh của ông tại Thanh Hóa.. .Trong đền có đặt tượng “Giatô thập tự ”, tức là Thánh giá (Bùi Đức Sinh, Sđd, T.I, trang 7-8).
Bài Tin Mừng : Trong bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay, thánh Gioan kể : lần họp đầu của các tông đồ, Chúa Giêsu hiện ra không có thánh Tôma. Vừa nghe nói, thánh Tôma không tin, còn đòi “xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn.” (Ga 20, 25). Lần họp thứ hai, thánh Tôma có mặt. Chúa Giêsu hiện ra. Dù Chúa bảo ông : “Đặt ngón tay vào đây…Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”, có lẽ thánh Tôma cũng không dám, và ngài đã tin. Ngài thưa với Chúa : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Từ “Thiên Chúa” thánh Gioan dùng lần đầu trong lời nhập đề là : “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (1,1), và lần thứ hai qua miệng thánh Tôma hôm nay : “Lạy Thiên Chúa của con”. Từ không tin đến tin, tin thầy Giêsu của mình là Thiên Chúa. Lòng tin của Tôma hôm nay là nhờ họp hành với anh em. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng bảo : “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó giữa họ” (Mt 18,20).
Bài đọc 1 : Sách Công Vụ Tông Đồ đọc hôm nay thánh Luca đã mô tả về cộng đồng những tín hữu tiên khởi. Một cộng đồng gồm 4 đặc điểm này :
1/ Trau dồi giáo lý : “Thời bấy giờ, các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy” (Cv 2,42).
2/ Hợp nhất, giúp đỡ lẫn nhau : “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44). Đây là chế độ cộng sản đầu tiên của nhân lọai. Cộng sản thật, chứ không giả; nghĩa là có thật trong thực hành, chứ không chỉ có trong lý thuyết. Nhưng không bắt buộc, mà tự do. Vợ chồng Khanania và Xaphira bán một thửa đất, giữ lại một phần tiền, nhưng khi đem lại cho thánh Phêrô thì nói là đem tất cả, nên thánh Phêrô đã trách : “Sao lại để Xatan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất ? Khi đất còn đó thì nó chẳng còn là của anh sao ? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền của bán đó sao ?” (Cv 5,3-4).
3/ Hằng ngày lên Đền thờ cầu nguyện: “Ngày chuyên cần đến Đền thờ…Cầu nguyên không ngừng” (Cv 2,46.42).
4/ Tham dự thánh lễ : “Siêng năng tham dự lễ bẻ bánh” (Cv 2,42). Ngày xưa gọi thánh lễ là “lễ bẻ bánh”.
Các tín hữu đầu tiên đã sống với nhau đòan kết, vui vẻ, sốt sắng như thế, nên kết qủa là “Được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47).
Bài đọc 2 : Dù có sự nâng đỡ lẫn nhau, song đức tin vẫn bị thử thách. Thánh Phêrô trong thư của ngài đọc hôm nay đã nói : “Anh em còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ qúi hơn vàng gấp bội – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa” (1Pr 1,6-7).
Còn chúng ta hôm nay, đức tin của chúng ta có được sưởi ấm bằng giáo lý, lời cầu nguyện, thánh lễ, và có được củng cố bằng sự nâng đỡ lẫn nhau không ? Cảm tạ Chúa, chúng ta vẫn còn đức tin, và đức tin của chúng ta vẫn chiếu sáng ra chung quanh (30-3-2008)
—————————————–
CN.2.PS.A
Lễ CN.2.PS hôm nay cũng là lễ Lòng Chúa Thương Xót. Lễ này được Chúa Giêsu hiện ra nói với nữ tu Faustina vào năm 1931.
Nữ tu Faustina sinh năm 1905 tại Ba Lan. Chị là con thứ ba trong số 10 người con của một gia đình nông dân nghèo. Vì nghèo, nên chị chỉ được học đến lớp 2. Năm 15 tuổi chị xin đi tu nhưng cha mẹ từ chối, vì chị đi tu thì gia đình mất một tay. Nhưng 5 năm sau, 20 tuổi, cha mẹ đồng ý cho chị vào tu dòng “Chị Em Đức Mẹ Thương Xót”. Vì ít học, chị chỉ được nhà dòng sai làm những công việc hèn mọn như nấu bếp, làm vườn, canh cổng …, song chị đã làm với tất cả lòng mến Chúa và vâng phục. Ngày 5-10-1938, chị qua đời vì bệnh lao phổi, tuổi đời là 33, tuổi tu trì là 13.
Ngày 22-2-1931, khi 26 tuổi, vào dòng được 6 năm, Chúa Giêsu hiện ra, và tỏ bày lòng thương xót của Chúa. Chị kể lại như sau : “Vào buổi tối, lúc đang ở trong phòng, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu mặc áo trắng. Tay phải giơ lên ban phép lành, tay trái đặt trên trái tim Chúa. Từ trái tim phát ra hai luồng sáng lớn : một mầu đỏ và một mầu xanh nhạt…
Chúa bảo tôi : Con hãy vẽ một bức ảnh như con nhìn thấy, cùng với hàng chữ : Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Chúa. Cha ước mong bức ảnh này được tôn kính, trước là trong nhà nguyện của nhà dòng, sau là trên khắp thế giới. Cha hứa rằng ai tôn kính bức ảnh này sẽ không bị hư mất. Cha cũng hứa cho họ thắng được những kẻ thù trên thế gian, nhất là trong giờ lâm tử”.
Về sau, Chúa còn bảo chị : “Cha ước ao có một lễ tôn kính Lòng Thương Xót của Cha. Cha muốn bức ảnh con vẽ, được làm phép trọng thể vào chúa nhật sau lễ Phục Sinh. Chúa nhật này cũng là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (Ngọc Đính CMC dịch, Cuộc Đời Thánh Nữ Faustina Kowaska, trang 60-61).
Phải đợi đến 69 năm sau, tức là ngày 30-4-2000, ngày phong thánh cho thánh nữ Faustina, lễ Lòng Chúa Thương Xót mới được Giáo Hội công nhận, cử hành. Người chuẩn nhận lễ này không ai khác là Đức cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Ngài là người Balan cùng quê hương với thánh nữ.
Ngài lên ngôi giáo hoàng ngày 16-10-1978. Ngài là vị giáo hoàng thứ 264. Sau gần 500 năm, Giáo hội có một vị giáo hoàng không phải là người Italia, hơn nữa là người trong nước cộng sản. Ngài ở trên ngôi giáo hoàng 26 năm. Ngài qua đời vào lúc 21g37 thứ bảy ngày 2-4-2005.
10g sáng hôm nay, theo giờ VN, Giáo hội phong chân phước cho ngài. Mới qua đời được 6 năm, mà Giáo hội đã phong chân phước, giống như Mẹ Têrêsa Calcutta cũng qua đời được 6 năm (5-9-1997-19-10-2003), được phong chân phước. Sở dĩ nhanh như thế, vì Đgh đương kim Bênêđíctô.16 muốn “gửi cho thế giới biết đến một con người thánh thiện”.
Hai biến cố, 2 sự lạ, nói đúng hơn là 2 phép lạ sau đây đủ minh chứng Đức Gioan-Phaolô II là “con người thánh thiện”:
Phép lạ I: Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II bị ám sát vào ngày 13-5-1981, ngày kỷ niệm 64 năm Đức Mẹ hiện ra lần I tại Fatima. Ngài đứng trên xe mui trần tiến ra sân Đền thờ thánh Phêrô, thì anh Ali Agca 23 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ, đứng cách xa có 2m, bắn ngài. Anh bắn 4 phát súng. Đức Thánh cha bị thương ở bao tử, cùi chỏ mặt và ngón trỏ bàn tay trái. Ngài được chuyền lên xe cứu thương, vội vã chạy tới bệnh viện. Tuy rất đau đớn, mắt nhắm lại, nhưng miệng ngài vẫn luôn thì thào : “Maria, mẹ ơi! Maria, mẹ ơi! “. Anh Ali Agca bắn ngài vào lúc 17g10.
Cuộc giải phẩu kéo dài 5 giờ 20 phút. Cắt đi hơn 56 phân ruột. Không có bộ phận quan trọng nào bị trúng thương. Viên đạn đi qua cách động mạch chủ vài li. Nếu viên đạn trúng động mạch chủ, thì Đgh đã chết ngay lập tức.
Ngày 23-12-1983, hai năm sau bị ám sát, gần ngày lễ Chúa giáng sinh, Đgh vào nhà tù thăm anh Ali Agca, và tha thứ cho anh. Anh nói với Đgh : “Tại sao ngài không chết ? Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn có hậu quả tàn phá, và chắc chắn sẽ gây tử vong. Nhưng tại sao ngài lại không chết ?” (Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân Phước GP.II, trang 128).
Đức giáo hoàng đã trả lời : Đức Mẹ đã bảo vệ. Một vệ sĩ đã chụp được cảnh Đgh bị ám sát. Đức Mẹ đứng ngay sau lưng ôm Đgh. Tấm hình được đưa vào nhà thương cho Đgh coi. Đgh không cho phổ biến. Khi ngài tạ thế, tấm ảnh mới được phổ biến. Đgh nói về phép lạ này như sau : “Bàn tay này bắn, còn bàn tay kia thì lái viên đạn đi chỗ khác!”
Đgh bị ám sát chính là bí mật thứ ba của Đức Mẹ Fatima. Bí mật được chị Luxia kể như sau : “Tôi thấy một vị giám mục mặc áo trắng, và chúng tôi biết đó là Đức Thánh Cha… Khi đến được ngọn núi, ngài quì xuống dưới chân tượng Thánh Giá khổng lồ. Ở đó ngài bị đám lính giết chết. Họ bắn súng và mũi tên vào ngài…”
Chị Luxia, một trong ba em được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, qua đời ngày 14-2-2005, xác nhận : ĐGH bị ám sát chính là bí mật thứ ba của Đức Mẹ Fatima.
– Phép lạ II : Ngày 30-4-2000 Đức giáo hoàng thiết lập lễ Lòng Chúa Thương Xót vào CN.2.PS, thì ĐGH qua đời đúng vào ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót, ngày 2-4-2005, và hôm nay 1-5-2011, lễ Lòng Chúa Thương Xót, Đgh được phong chân phước.
Khi còn sống, ĐGH rất thương đất nước và GH Việt Nam. Cụ thể là ĐGH đã chọn Đức ông Trần Ngọc Thụ làm thư ký, người VN đầu tiên được làm việc trong Tòa Thánh. Chọn Đức ông không chỉ vì tài ba, mà vì là người VN. Người thứ hai là ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, người tù 13 năm. Đặc biệt ngày 19-6-1988 ngài đã phong hiển thánh cho 117 vị chân phước tử đạo VN.
Lạy Chân phước giáo hoàng GP.2, chúng con là con dân VN, đất nước mà ngài thương yêu với cả trái tim, xin ngài thương cầu bầu cho đất nước và GH VN chúng con. (1-5-2011)
—————————–
CN.2.PS.A
Hôm nay là ngày 27-4, ngày hai Đức giáo hoàng Gioan 23 và Gioan-Phaolô 2 được phong thánh.
Đức Gioan 23 được 51 vị hồng y bầu làm giáo hoàng ngày 28-10-1958 khi đã 77 tuổi và qua đời ngày 3-6-1963 thọ 82 tuổi.
Đức khiêm nhường và hiền lành của ngài là một phép lạ để Giáo hội phong thánh cho ngài. Chúng ta hãy nghe ngài tuyên bố khi nhận chức giáo phận Vêni :
“Tôi xuất thân từ giới bình dân. Cha mẹ tôi là người nghèo. Chúa đã đưa tôi ra khỏi xóm làng quê hương, cho tôi chung đường và kề vai sát cánh với những người có tín ngưỡng khác nhau. Bây giờ cũng vậy, tôi không quan tâm đến những gì gây chia rẽ mà chỉ quan tâm đến những gì gây tình đoàn kết. Xin anh chị em hãy coi tôi như một tôi tớ Chúa”
Từ năm 1870 thời Đức giáo hoàng Piô IX, 88 năm, gần 100 năm, chưa có vị giáo hoàng nào ra khỏi dãy nhà Tòa Thánh, ngày 26-12, sau lễ Giáng sinh, ngài đã đi ra, thăm các trẻ em trong bệnh viện và các tù nhân ở nhà tù, ngài nói :
“Phải luôn luôn tôn trọng phẩm cách của người sống xung quanh mình, từ kẻ cao sang nhất đến người hèn mọn nhất”.
Phép lạ lớn lao Chúa làm cho Đức Gioan 23 là thân xác ngài còn tươi tỉnh nguyên vẹn. Ngày 16 tháng 1 năm 2001, ngôi mộ của Giáo hoàng Gioan XXIII đã được khai mở, trước sự hiện diện của Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh, của Tổng Giám mục Leonardo Sandri, phụ tá quốc vụ khanh, và của Hồng Y Virgilio Neo, kinh sĩ trưởng của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, để nhận thực thân xác của Giáo hoàng Gioan XXIII. Và trong dịp nầy, các chứng nhân đã xác nhận là gương mặt của Giáo hoàng Gioan XXIII còn nguyên vẹn, không bị hư đi. Từ năm 1905, khi nữ tu Pallotta qua đời và thân xác còn nguyên vẹn, đến năm 1963, 58 năm sau, thân xác Đức Gioan 23 còn nguyên vẹn.
Đức Gioan cai quản Giáo Hội có 5 năm; còn Đức Gioan-Phaolô II cai quản 26 năm từ ngày 16-10-1978 đến ngày 2-4-2005.
Ngài được tạp chí TIME bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 và cả những năm đầu thế kỷ 21.
Trên ngôi vị giáo hoàng được 3 năm, ngày 13-5-1981 ngài bị một người đàn ông Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Ağca bắn trọng thương khi ngài đang đứng trên xe chạy vòng quanh Quảng trường Thánh Phêrô như thường lệ.
Ngài lập tức quỵ xuống vì đau đớn rồi từ từ ngã trong vòng tay các cận vệ. Ngay sau đó, hung thủ thực hiện vụ mưu sát bị cảnh sát tóm gọn.
Viên đạn chỉ đi xuyên qua ổ ruột, cách động mạch vài ly, rồi rớt ngay trong xe, khiến ngài dù bị mất đến 2/3 số máu trong cơ thể, nhưng vẫn được cứu sống kịp thời. Các bác sĩ cho rằng nếu viên đạn cắt ngang động mạch, ngài đã chết tại chỗ hoặc trên đường cấp cứu. Về phần mình, ngài coi đó là sự can thiệp lạ lùng của Đức Mẹ.
Sau khi hồi phục, ngài đã tuyên bố với mọi người rằng: “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ“.
Đức Giáo hoàng đã viết thư định gửi cho Ağca: “Tại sao anh lại bắn tôi khi mà cả hai chúng ta đều chung đức tin vào Chúa?” Nhưng thay vì gửi bức thư đó, ngài đã quyết định đến gặp Ağca. Năm 1983, ngài đến thăm Ağca và tha thứ cho việc ám sát ngài. Ngài còn cầu khẩn nhà cầm quyền Ý ân xá cho Ağca. Ngài đã giữ liên lạc với gia đình của Ağca nhiều năm sau đó và đã thăm mẹ Ağca năm 1987.
Người ta đã chụp một tấm ảnh khi ngài bị ám sát. Tấm ảnh chụp được Đức Mẹ ôm ngài. Khi còn sống, ngài không cho phổ biến. Khi chết, người ta mới dám phổ biến. Tấm ảnh cho thấy Đức Mẹ đã cứu ngài như ngài nói.
Đức giáo hoàng Phanxicô đã chọn ngày hôm nay, Chúa nhật II Phục sinh, lễ Lòng Chúa Thương Xót, để phong thánh cho hai ngài, như muốn đề cao đức khiêm nhường hiền lành, thương xót của Đức giáo hoàng Gioan 23 và Đức Gioan-Phaolô, Đấng sáng lập lễ Lòng Chúa Thương Xót.
Lời Chúa cả ba bài đọc trong thánh lễ đều nói đến lòng Chúa thương xót.
BTM : Mặc dầu thánh Tôma cứng đầu cứng cổ không tin Chúa sông lại. Đã không tin, lại còn ăn nói thách thức : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ dinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng tin” (Ga 20,25).
Trước lời thách thức của thánh Tôma, nếu là chúng ta, chúng ta đã trách mắng : “mày ăn nói láo lếu, Chúa phạt cho mày chết”. Song Chúa thì khác, Chúa thương xót, thương xót những kẻ láo lếu. Tám ngày sau, Chúa hiện ra nói với thánh Tôma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27).
Bđ1 : Chúa đâu chỉ thương có một mình thánh Tôma, hay các tin hữu đầu tiên tin theo Chúa. Trái lại Chúa thương hết mọi người. Sách Công Vụ Tông Đồ trong bđ1 ghi lại rằng : “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47).
Bđ2 : Bđ2, thư thánh Phêrô cũng toát lên lòng Chúa thương xót, đặc biệt đối với những người bị thử thách đau khổ : “Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội – vàng là của phà vân, mà còn phải chịu thử lửa” (1Pr 1,6-7) (27-4-2014)
Linh mục Nguyễn Trung Thành