Chúa Nhật 2 Thường Niên – Năm A


CN.2.A

(Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1,29-34)

Ngày 21-9-2016 lễ an táng cha Gioan Baotixita Lê Quí Đức, Đức cha giáo phận Giuse Đặng Đức Ngân đã giảng. Trong bài giảng có những đoạn như sau : “Năm 1961; Giáo xứ Tiên Phước – Giáo phận Qui Nhơn được thành lập, Cha GB được Đức Cha Giáo phận Qui Nhơn ( lúc đó chưa thành lập Giáo phận Đà Nẵng ) bổ nhiệm làm Linh mục Quản xứ tiên khởi Giáo xứ Tiên Phước. Một giáo xứ miền sơn cước, núi non hiểm trở, đi lại khó khăn, phương tiện đi mục vụ của Cha chủ yếu bằng xe đạp. Giáo dân sống rải rác trên diện rộng của Huyện Tiên Phước và Huyện Trà My, đời sống khó khăn. Cha luôn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ mọi người, nhất là người nghèo. Cuộc sống của Cha đơn sơ đạm bạc, Cha con cùng đồng lao cộng khổ. Nhất là trong giai đoạn lịch sử rối ren, từ 1963 đến 1975, chiến tranh xảy ra, con đường giao thông huyết mạch từ Tiên Phước về Tam Kỳ bị cắt đứt, đồng nghĩa về Tòa Giám mục để được hiệp thông chia sẻ cũng không còn ( vào thời đó vấn đề thông tin liên lạc còn lạc hậu, chưa có điện thoại như bây giờ). Với tình hình đó, Đức Cha Phê-rô Maria Phạm Ngọc Chi (Giám mục tiên khởi Gp Đà Nẵng- đương nhiệm lúc đó) có ý thuyên chuyển Cha ra khỏi vùng chiến sự, nhưng Cha xin được ở lại với đòan chiên của mình để yêu thương nâng đỡ về mọi vấn đề và nhu cầu cuộc sống, trao ban Lời Chúa và Của ăn thiêng liêng nuôi sống Dân Thiên Chúa… Đa số Giáo dân di tản ra khỏi vùng chiến sự, nhưng Cha quyết tâm ở lại với đòan chiên của mình, không trốn chạy hòan cảnh, yêu thương người nghèo, cứu chữa băng bó vết thương cho những nạn nhân chiến tranh trong làn lưới đạn,  sống tinh thần của Thánh Phao lô “vui với người vui, khóc với người khóc” ( những người còn ở lại). Vì thế,  nhà thờ và Cha Quản xứ, là nơi nương tựa tinh thần cho người Giáo dân Tiên Phước, trong giai đoạn khó khăn nhất này. Và cũng nhờ đó, nhà thờ và khuôn viên Giáo xứ Tiên phước còn như ngày nay. Sau chiến tranh, Giáo xứ  từng bước hồi sinh, Cha hướng dẫn trong sản xuất, giúp đỡ chăm sóc đời sống Đạo và nhu cầu thiết yếu cuộc sống cho giáo dân và bất cứ những ai cần đến sự giúp đỡ của Ngài…  Ngày 22/4/1990 : Đức Cha cho Ngài về nghĩ  hưu, nhưng Ngài xin Đức Cha cho nghĩ  hưu tại Giáo xứ Tiên Phước cho đến 2005, nơi mảnh đất Cha gắn bó cả cuộc đời, sống trọn vẹn tình Chúa tình người, Cha GB là Mục tử ”Nặng Mùi Chiên”( Đức Thánh Cha Phan-xi-cô)… Ngày 18 / 9 / 2016 : Ngài trở về Nhà Cha trên trời, kết thúc một chặng đường sống cho Chúa và chết cho anh em. Cha hưởng thọ 94 tuổi, 61 năm Linh mục,  51 năm Quản xứ  và hưu dưỡng tại Tiên Phước.  Công ơn của Cha cho Giáo xứ Tiên Phước, không gì so sánh được.” (Trương Văn Ân, Mạng GPĐN).

Cha Gioan Baotixita Lê Quí Đức là một trong những hình ảnh Chúa Giêsu “Con Chiên Thiên Chúa“, hiến thân vì đoàn chiên.

Bđ1: Bđ1 là bài ca thứ hai “Người Tôi Trung”, “Người Tôi Tớ Đau Khổ” của Thiên Chúa trong  sách ngôn sứ I-sai-a. Có 4 bài ca “Người Tôi Trung”, “Người Tôi Tớ Đau Khổ”. Thiên Chúa dùng 4 bài ca này để an ủi dân Ít-ra-en đang chịu cảnh lưu đày khốn khổ ở Babylon. Thiên Chúa sẽ sai một “Tôi Trung”, “một đầy tớ” đến giải thoát. Không chỉ giải thoát dân Ít-ra-en khốn khổ, mà còn giải thoát cả loài người tội lỗi. Chúa phán : “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta, để tái lập  các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của ta đến tận cùng trái đất” (Is 42,6).

BTM: “Người Tôi Trung”, “Người Tôi Tớ” có một sứ mạng cao cả, “đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất”. Đó là Chúa Giê-su Ki-tô gánh tội trần gian. Trong BTM, thánh Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giê-su với mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29-34).

Ông Noel Quesson giải nghĩa : “Thánh Gio-an dùng một từ ngữ Hy Lạp “airein” vừa có nghĩa “gánh vác, lãnh nhận…”, vừa có nghĩa “lấy đi, cất đi, làm biến mất…”. Đức Giê-su không phát triển công cuộc giải phóng  bằng cuộc chiến đấu  bên ngoài theo kiểu “đội đặc công” trả đũa áp bức bằng bạo lực… nhưng bằng cách lãnh nhận trên chính Người, bằng cách chịu đựng trong sự liên đới với mọi người bị áp bức của thế giới‘ (Lời Chúa Cho Mỗi Chúa Nhật, tr.221).

Bđ2: Bđ2 là thư thánh Phao-lô gửi các tín hữu ở thành phố Cô-rin-tô, nước Hy Lạp ngày nay. Cô-rin-tô là một hải cảng quan trọng, một thành phố thịnh vượng. Năm 50 thánh Phao-lô đã đến đây rao giảng 18 tháng. Nghe tin các tín hữu đã nhiễm lây các tính hư tật xấu, thánh Phao-lô lo lắng đau khổ. Năm 52 từ Ê-phê-sô, nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, ngài viết lá thư này, trước hết nói đến sứ mạng của Chúa Giê-su là thánh hóa và soi dẫn mọi dân nước : “Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và Chúa của chúng ta” (1Cr 1, 2). Sau đó, ngài xin Thiên Chúa và Chúa Kitô “ban ân sủng và bình an” cho họ. (1,3).

Lời Chúa trong ba bài đọc thánh lễ nói lên những hy sinh vất vả của Chúa Giê-su, và của những vị lãnh đạo, của những người làm đầu noi gương Chúa.

Cha và mẹ trong gia đình cũng là một trong những hình ảnh “Con Chiên gánh tội trần gian”.

Tông huấn “Niềm Vui Của Tình Yêu” đã nói lên những nỗi vất vả của cha mẹ. Số 23 tông huấn viết về công cha : “Ở đầu Thánh vịnh 128, người cha xuất hiện như một người lao động, dùng lao động của đôi bàn tay mình mà bảo đảm cho gia đình có được những phúc lộc vật chất và được yên bình. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may“.

Số 24 tông huấn viết về nghĩa mẹ : “Sách Châm Ngôn cũng trình bày công việc của người mẹ trong gia đình, công việc hằng ngày của bà được mô tả trong từng chi tiết, chồng con cũng nức lòng ca ngợi“.

Ca dao VN cũng ca ngợi :

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.”

Chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su chịu đựng mọi nỗi vất vả đau khổ trong cuộc sống làm người, làm Ki-tô hữu, trong cuộc sống gia đình và cuộc sống cá nhân.

———————————— 

CN.2.A

Năm 1615, hai cha dòng Tên sang Đà Nẵng truyền giáo. Công việc thành công ngoài sức tưởng tượng. Lễ phục sinh đầu tiên ở Hội An, cha Buzomi đã rửa tội 10 bông hoa đầu mùa. Năm sau 1616, bề trên ở Macao, Trung Quốc, gửi thêm hai cha, trong đó có cha Pina.

Cha Pina là người đầu tiên biết nói sỏi tiếng Việt. Năm 1624 cha Đắc Lộ đến Hội An, cha Pina dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ ở Thanh Chiêm, Phước Kiều. Cha Pina cũng là người đã rửa tội cho bà Minh Đức. Bà là người mà cha Đắc Lộ đã hết lời khen ngợi : “Bà là chỗ nương tựa của giáo đoàn mới khai sinh. Gương mẫu và thế lực của bà đã trợ giúp rất nhiều vào công việc truyền đạo cho lương dân, và làm cho những người đã chịu phép rửa tội vững đức tin” (Bùi Đức Sinh, GHCG Ở VN, tập I, trang 108).

Một năm sau cha Đắc Lộ đến Hội An, năm 1625 cha Pina qua đời. Năm đó tàu buôn của người Bồ ở Macao không đến, chỉ có một chuyến tàu từ Kampuchia đến, nhưng đậu ở ngoài khơi Hội An, và báo tin cho các cha ra nhận rượu lễ, bánh lễ, và các đồ thờ phượng. Cha Pina đi thuyền ra lấy về, khi trở vào bị bão, thuyền bị đắm, và cha Pina bị chết chìm. Cha Đắc Lộ đã viết về cha Pina : “Mất cha Pina là mất một trong những thừa sai nhiệt thành, tài giỏi. Tất cả giáo dân đều mến tiếc cha. Riêng tôi mất một người bạn”. Công đoàn đã để tang cha đúng 100 ngày (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở VN, tập I, trang 79).

Không phải chỉ có một cha Pina, mà biết bao vị thừa sai đã hy sinh cho Chúa và cho cộng đoàn. Các ngài đã noi gương Chúa Giêsu.

BTM : Tuần trước, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa hòa đồng vào dòng người chịu phép rửa. Lễ chúa nhật hôm nay cho biết : Chúa Giêsu là người hy sinh cho họ, cho toàn thể nhân loại.

 Thánh Gioan Tẩy Giả, trong BTM, đã giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”. Ngôn sứ Isaia đã ví Chúa “ như chiên bị đem đi làm thịt,  chẳng hề mở miệng kêu ca” (Is 53,7).

Trong thánh lễ, trước khi rước Mình Máu thánh Chúa, Giáo hội cũng hai lần nhắc nhớ chúng ta hình ảnh con chiên bị đem giết: lần I, chúng ta hát “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian, xin thương xót chúng con…”; lần II vị chủ tế nâng cao Mình Máu thánh Chúa, và giới thiệu : “Đây chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Bđ1 : Chúa Giêsu chết không phải cho một số người, mà cho cả trần gian, cho cả nhân loại. Trong bđ1, ngôn sứ Isaia đã mô tả về “Người Tôi Trung” của Thiên Chúa. Thiên Chúa bảo “Người Tôi Trung” : “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất” (Is 49,6). “Người Tôi Trung” là Chúa Giêsu.

Bđ2 : Khi về trời, Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Vâng lời Chúa dạy, các tông đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Phần thánh Phaolô, năm 34, trên đường đi Đa-mát, thủ đô nước Syri ngày nay, để bắt bớ con cái Chúa, thánh Phaolô đã bị Chúa quật ngã. Sau khi đi theo Chúa, thánh Phaolô đi truyền giảng khắp nơi, đặc biệt là hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Côrintô là thành phố của Hy Lạp. Thánh Phaolô đã tới đây năm 50 để rao giảng. Cộng đoàn lớn mạnh. Sau 18 tháng ngài rời Côrintô tới Êphêsô. Vắng ngài, cộng đoàn có những chia rẽ và lây nhiễm những tật xấu. Từ Êphêsô, thánh Phaolô đã viết thư khuyên dạy và sửa chữa họ.

Bđ2 là lời mở đầu của lá thư. Thánh Phaolô nhắc giáo đoàn Côrintô phải sống thánh thiện, vì họ là thành viên của Hội thánh Thiên Chúa, và được Chúa Kitô thánh hiến. Thánh Phaolô viết : “Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh” (1Cr 1,2).

Cha Đắc Lộ khen ngợi lòng đạo đức của người Công giáo Miền Bắc như sau : “Tôi có thể nói thực rằng : điều làm tôi cảm động hơn hết là thấy ở xứ đó bao nhiêu người Công giáo là bấy nhiêu thiên thần. Ơn phép rửa tội đã ban cho họ một tinh thần mà chúng ta gặp thấy ở các Thánh Tông đồ và các Thánh tử đạo  tiên khởi. Họ có một đức tin sâu xa vững mạnh, không gì có thể nhổ khỏi lòng họ…Có những người ở xa nhà thờ 15 ngày đường đến để được xưng tội rước lễ. Còn những người xa nhà không quá 5,6 dặm thì không bao giờ chịu mất lễ. Họ đến từ chiều hôm trước và ở mãi đến hôm sau mới về. Suốt cả ngày họ ở nhà thờ quì gối chắp tay cầu nguyện, khiêm nhượng sốt sắng hết sức. Thấy họ tôi cảm động đến rơi lệ” (Nguyễn Hồng, sđd, tập I, trang 116, PH.16-1-2011).

——————————————  

CN.2.A

 Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật : “Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói : ‘Đây là chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Giáo hội đã lấy lời giới thiệu của thánh Gioan để dùng làm lời giới thiệu Mình Máu Thánh Chúa, khi nâng lên để ruớc Chúa : “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được dự tiệc chiên Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu là con chiên Thiên Chúa gửi xuống, chịu đau khổ, chịu chết, để tha thứ tội lỗi nhân loại.

Tại Đại Hàn, Đức Mẹ đã hiện ra với chị  Giulia, một người Tin Lành theo đạo. Chồng chị và 4 đứa con cũng theo đạo cùng chị. Chị làm nghề trang điểm cho phụ nữ. Ông Giuliô làm việc tông đồ, chăm sóc các bệnh nhân ở một hòn đảo xa xôi. Ông bị sưng cuống phổi. Nhờ chị Giulia cầu nguyện, ông được khỏi bệnh. Ông tặng chị một tượng Đức Mẹ ban ơn lành để cám ơn chị. Chính tượng này đã chảy nước mắt và máu, bắt đầu từ ngày 30-6-1986.

Chị kể : “Lúc 1g30 sáng ngày 30-6-1985, tôi đọc kinh Mân Côi để xin ơn trở lại cho những người tội lỗi và xin ơn an ủi cho những người đau khổ. Khi đọc kinh Kính Mừng tôi ngạc nhiên thấy vài giọt nước mắt chảy ra từ pho tượng. Tôi đánh thức Giuliô chồng tôi đang ngủ giục dậy. Lúc đó là 12g đêm. Để nhìn rõ hơn cả hai chúng tôi ghé sát lại pho tượng và rõ ràng là nước mắt thật.

Sáng hôm sau, 6g tôi trở lại pho tượng, nước mắt chảy từ mắt trái đêm qua nay chảy ra từ hai mắt. Chồng tôi trước khi đi làm dặn : ‘Đừng cho ai biết, nhưng hãy cầu nguyện’.

Ngày 18-7-1985, tôi đang cầu nguyện, tượng nói với giọng buồn bã âu lo : ‘Thật đáng buồn là nhiều người đã thấy máu và nước mắt Mẹ chảy ra mà vẫn còn hồ nghi. Con biết rằng Trái Tim Chúa Giêsu bị tan nát vì tội lỗi của loài người không ? Trái tim Người bị xé nát ngày này qua ngày khác vì tội lỗi loài người tăng nhanh và hỗn loạn lan tràn. Con hãy làm việc đền tội. Còn Trái Tim Mẹ tan nát vì người ta ngừa thai vô giới hạn. Con hãy cầu nguyện để ngăn chặn phá thai và cả cho người phá thai nữa.

Ngày 30-7-1990 tượng Mẹ chảy máu mắt và nói : ‘Thời đại này là thời đại tội lỗi hỗn loạn. Thế gian này tràn đầy hỗn loạn và kết quả là một thảm họa lớn lao đang đe dọa loài người. Dù Mẹ có cố kìm nó lại, nhưng cũng không ích gì, nếu thế gian không hối cải.

Ngày 29-1-1991 tượng trở thành Đức Mẹ sống động như người thật và nói : ‘Không còn nhiều thời giờ nữa đâu trước khi những hình phạt khó tưởng tượng nổi đổ ụp xuống. Nhiều người đang càng ngày càng gạt bỏ Thiên Chúa một cách thậm tệ, những bất công và hư đốn ngày càng tăng thêm bạo động chiến tranh… Những tai ương lớn đang xảy ra đây đó đều là những cảnh cáo…(17-1-1999)

—————————————

CN.2.A

Sau lời mở đầu nói về Ngôi Lời, sách TM.Gio-an trình bày về những việc làm chứng. Có thể nói sách TM.Ga là sách làm chứng về Chúa Giêsu.

Khởi đầu cuộc đời Chúa Giêsu, thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng. Cuối đời Chúa thì thánh Gioan tông đồ làm chứng.

Thánh Gioan Tẩy Giả ba lần làm chứng về Chúa Giêsu.

– Làm chứng thứ nhất với mấy tư tế và mấy thầy Lêvi do những người Do Thái ở Giêrusalem sai đến : “Tôi không phải là Đấng Kitô”…  Tôi là tiếng hô trong hoang địa : Hãy sữa đường cho thẳng để Đức Chúa đi như ngôn sứ Isaia đã nóiPhần tôi, tôi làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang đứng giữa các ông mà các ông không biết. Người đến sau tôi và tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Người” (1,20.23.26).

– Làm chứng lần thứ hai trước dân chúng là bài TM thánh lễ hôm nay : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (1,29).

– Làm chứng thứ ba trước các môn đệ : “Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thày phải lu mờ đi” (3,28.30).

Lần làm chứng thứ hai, tức bài TM thánh lễ hôm nay, thánh Gioan Tẩy Giả nói hai điều về Chúa Giêsu : 1/ Chúa Giêsu là chiên Thiên Chúa (1,29), 2/ Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời ngự xuống và ở lại trên Người (1,32).

1/ Chúa Giêsu là chiên Thiên Chúa: Chiên Thiên Chúa có thể liên tưởng đến 4 hình ảnh con chiên trong Kinh Thánh;

1- Con chiên Vượt Qua : trong đêm vượt qua khỏi ách nô lệ Ai Cập, nhờ máu con chiên bôi trên cửa nhà, thiên thần đã không giết các con đầu lòng Do Thái. Thánh Phaolô viết : “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên vượt qua của chúng ta” (1Cr 5,7).

2- Con chiên hiến tế hằng ngày : thánh Gioan Tẩy Giả là con vị tư tế biết rõ nghi thức này : “Ngươi sẽ dâng hai con chiên một tuổi, hằng ngày, mãi mãi. Ngươi sẽ dâng một con chiên lúc sáng, còn con chiên thứ hai thì dâng vào lúc xế chiều. Đó là lễ toàn thiêu phải dâng luôn mãi qua các thế hệ của các ngươi, ở cửa Lều Hội Ngộ, trước nhan Đức Chúa, nơi đó Ta sẽ gặp gỡ các ngươi, để nói chuyện với ngươi ở đó… Chính ở đó, Ta sẽ gặp gỡ con cái Ítraen, và vinh quang của Ta sẽ thánh hiến nơi đó… Ta sẽ ngự giữa con cái Ítraen và sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Xh 29,39.42.43.45).

3- Con chiên trong hai ngôn sứ Isaia và Giêrêmia : “Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt” (Gr,11,19).

4- Con chiên chiến thắng trong Khải Huyền : “Con chiên đã bị giết. Nay xứng đáng lãnh nhận phú quí và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời cung chúc” (5,12).

2/ Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời ngự xuống : Ở xứ Paléttin, chim bồ câu là một chim thánh. Người ta không được săn bắn và không được ăn. Có lẽ vì thế, bên Tây phương chim bồ câu bay rợp đường phố, đậu trên đầu, trên vai du khách.

Đối với Kinh Thánh, chim bồ câu tượng trưng cho sự bình an : chim câu trên tầu ông Nô-e (St  8,11). Nhưng không có biểu tượng nào bằng nơi câu đầu của sách Sáng Thế : “Thần Khi Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2).

Trong thánh lễ có hai chỗ nhắc đến chiên Thiên Chúa : 1- sau khi ban bình an, cộng đoàn hát “Lạy chiên Thiên Chúa, đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”, 2- chủ tế nâng Mình Thánh Chúa lên cho giáo hữu chiêm ngắm và đọc : “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc chiên Thiên Chúa”.

Cha Marchadour viết : “Con chiên Thiên Chúa và chim bồ câu là hai hình ảnh của sự bất bạo động, rất thích hợp với con người của Chúa Giêsu”.

Chúa Giêsu hiền lành, chúng ta cũng phải sống hiền lành (20-1-2002).

Linh mục Nguyễn Trung Thành